Lúc bấy giờ, Đa-vít đã được thiết lập xong ngai vàng, vua bắt tay vào việc thực hiện mục đích đã ấp ủ từ lâu, đó là đưa hòm giao ước của Đức Chúa Trời về Giê-ru-sa-lem. Điều đó cũng hợp lý bởi vì thủ đô của đất nước sẽ được vinh dự nhờ có hòm giao ước - biểu tượng về Sự Hiện diện Thiêng liêng của Chúa. KTS 357.1
Đa-vít lên kế hoạch tổ chức một sự kiện vui mừng thật hoành tráng, biểu diễn thật ấn tượng. Thầy tế lễ thượng phẩm, hoàng thân quốc thích cùng người đứng đầu các chi phái đều tụ họp tại Ki-ri-át Giê-a-rim. Đa-vít cùng tất cả mọi người ca vang đủ thứ nhạc thánh. Hòm giao ước được đưa ra khỏi nhà của A-bi-na-đáp, đặt trên một cái xe bò mới, hai con trai của A-bi-na-đáp đi hộ tống hai bên. KTS 357.2
Dân Y-sơ-ra-ên đi theo mừng rỡ hát vang, hàng ngàn giọng ca hòa nhịp cùng với đủ thứ nhạc cụ. “Đa-vít cùng cả nhà Y-sơ-ra-ên đều múa hát trước mặt Đức Giê-hô-va đủ thứ nhạc khí bằng gỗ bá hương, đàn cầm, đàn sắt, trống, bạt và mã la”. Trong niềm vui thật long trọng, đám rước vô số người cảm thấy xúc động suốt đoạn đường họ đi qua những ngọn đồi và thung lũng để hướng về Thành Thánh. KTS 357.3
Tuy nhiên, “khi đến sân đạp lúa của Na-côn, U-xa giơ tay lên nắm hòm giao ước của Đức Chúa Trời, bởi vì mấy con bò vấp ngã. Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va bèn nổi phừng cùng U-xa; Đức Chúa Trời hành hạ người vì cớ lầm lỗi người; và người chết tại đó, gần bên hòm giao ước của Đức Chúa Trời”. Đám đông đang vui mừng bỗng cảm thấy hoảng sợ. Đa-vít bị hoảng sợ thật sự, lòng ông trở nên nghi ngờ tính công bình của Đức Chúa Trời. Tại sao một bản án khủng khiếp lại giáng xuống, quay ngược niềm vui thành sầu thảm như vậy? Cảm giác bất an khi đưa hòm giao ước về gần mình, Đa-vít đặt nó lại nơi xảy ra sự việc. Họ tìm nhà của Ô-bết Ê-đôm gần bên đó để gửi lại. KTS 357.4