Vua đáp rằng: “Ta lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà ta xin sa vào tay Đức Chúa Trời còn hơn, vì sự thương xót của Ngài rất bao la; chớ để ta sa vào tay người phàm”. KTS 380.3
Cả nước bị đại dịch, có bảy mươi ngàn người gục ngã vì mắc bệnh này. “Đa-vít ngước mắt lên, thấy thiên sứ của Đức Giê-hô-va đứng giữa lưng trời, tay cầm gươm trần hướng về Giê-ru-sa-lem”. Đa-vít liền thay mặt dân Y-sơ-ra-ên nài xin Đức Chúa Trời: “Chẳng phải chính con đã ra lệnh kiểm kê dân số sao? Con mới là kẻ đã phạm tội, đã làm điều dữ. Còn những người kia, họ chỉ là bầy chiên, họ đâu có làm gì nên tội! Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời con ôi, xin tay Ngài cứ đè nặng trên con và nhà cha con, nhưng xin đừng giáng họa xuống dân Ngài”. KTS 380.4
Dân chúng cũng manh nha phạm nhiều tội giống như chuyện Đa-vít đã bị xúi giục. Chúa đã trừng phạt Đa-vít vì tội Áp-sa-lôm gây ra, tương tự như vậy, Ngài trừng phạt tội lỗi của Y-sơ-ra-ên vì sai lầm của Đa-vít. KTS 380.5
Thiên sứ hủy diệt đứng trên Núi Mô-ri-a, “gần sân đạp lúa của Ọt-man người Giê-bu-sít”. Theo lời hướng dẫn của tiên tri, Đa-vít đi lên núi, “dâng những của lễ thiêu, của lễ bình an, và cầu khẩn Đức Giê-hô-va; Ngài đáp lời người bằng lửa từ trời giáng xuống trên của lễ thiêu”. “Thế thì, Đức Giê-hô-va động lòng thương Y-sơ-ra-ên, và tai họa đã chấm dứt không làm hại Y-sơ-ra-ên nữa”. KTS 380.6
Vị trí xây dựng bàn thờ, từ đó trở đi được xem là đất thánh, chính là nơi mà ngày xưa Áp-ra-ham lập bàn thờ tế lễ con mình. Sau này, nơi đây cũng được chọn làm vị trí xây dựng đền thánh. KTS 380.7
Đa-vít đã bước sang tuổi bảy mươi. Những thử thách cam go mà ông từng trải trong quãng đời lang thang trước đó, những năm tháng đi đánh trận cộng với những phiền muộn triền miên mấy năm gần đây đã làm hao mòn sức sống của ông. Tuổi già sức yếu, ông ao ước được sống yên tịnh, nhanh chóng tránh xa việc phải chứng kiến những chuyện đang xảy ra trong vương quốc, nhưng chuyện đảo chính lại nổi lên tranh giành ngai vàng. KTS 380.8
Lúc này, có một người muốn lên ngôi là A-đô-ni-gia, “khôi ngô tuấn tú”, nhưng vô kỷ luật và liều lĩnh. Thời trai trẻ “vua cha không hề cấm cản chàng chuyện gì, ví dụ như nói: Sao con lại làm thế?”. Lớn lên thích làm gì thì làm, ít bị ai ràng buộc điều gì, bấy giờ chàng nổi loạn chống lại quyền năng của Đức Chúa Trời đã chỉ định Sa-lô-môn nối ngôi. KTS 380.9
Nhân cách Sa-lô-môn tốt hơn anh mình, nhưng mặc dù việc Chúa lựa chọn ai quá rõ ràng, A-đô-ni-gia vẫn có thể tìm được sự đồng cảm từ nhiều người. Đến thời điểm cần trao ngôi báu hoàng gia, Giô-áp tham gia thông đồng chống lại Sa-lô-môn, thầy tế lễ A-bia-tha cũng vậy. KTS 381.1
Cuộc nổi loạn sẵn sàng. Những kẻ âm mưu tụ họp với nhau trong một kỳ lễ lớn để công bố A-đô-ni-gia làm vua thì kế hoạch của họ bị bại lộ, do thầy tế lễ Xa-đốc đi nhắc nhở tiên tri Na-than và Bát-sê-ba — mẹ của Sa-lô-môn. Họ tâu với vua về tình hình đang xảy ra, nhắc vua rằng Đức Chúa Trời đã tuyên bố Sa-lô-môn sẽ nối ngôi. Ngay lập tức, Đa-vít từ bỏ ngai vàng để trao cho Sa-lô-môn, chàng nhanh chóng được xức dầu và tuyên bố làm vua. Âm mưu đảo chính kia bị dập tắt. KTS 381.2
Cả đời A-bia-tha được nhận trọn vẹn lòng tôn kính dành cho chức vụ thầy tế lễ và người trung thành với Đa-vít từ lâu, nhưng cuối cùng ông bị giáng chức không được làm thầy tế lễ thượng phẩm nữa mà chuyển sang gia đình của Xa-đốc. Giô-áp và A-đô-ni-gia được tạm thời tha chết, nhưng sau khi Đa-vít chết thì họ cũng phải lãnh án vì tội lỗi họ đã gây ra. Việc thi hành bản án xử tội gấp bốn lần lên con của Đa-vít chứng tỏ Đức Chúa Trời rất căm ghét tội lỗi của người cha. KTS 381.3