Con cháu Áp-ra-ham và mọi người trong nhà ông đều được giáo dục rằng họ sống dưới quyền cai trị của Chúa các tầng trời. Cha mẹ không áp đặt con cái và con cái luôn vâng lời cha mẹ. Sức ảnh hưởng thầm lặng trong đời sống của ông là một bài học không thay đổi. Lòng trung thành là một loại hương thơm lan tỏa từ đời sống Áp-ra-ham, tính cách ấy tiết lộ cho mọi người xung quanh biết rằng ông có được sự liên lạc với Thiên Đàng. Ông không quan tâm đến danh xưng người tôi tớ khiêm nhường nhất. Nhà ông không có một đặc quyền nào dành cho chủ hay nội quy nào gia nhân phải giữ. Ông cư xử công bằng và thông cảm với tất cả mọi người giống như cùng họ thừa hưởng gia tài ân điển của sự sống. KTS 68.4
Ngày nay có mấy ai trong chúng ta noi theo tấm gương này! Nhiều bậc cha mẹ bị cảm xúc lấn át lý trí, nhầm lẫn gọi đó là tình yêu thương khi họ điều khiển con cái theo ý muốn của họ. Đây là hành động tàn nhẫn đối với giới trẻ và là một sai lầm nghiêm trọng của thế giới. Sự quản lý lỏng lẻo của cha mẹ chỉ khiến cho giới trẻ khát khao chiều theo những ước mơ của chúng thay vì vâng phục các yêu cầu của Chúa, rồi khi chúng trưởng thành sẽ truyền lại lòng bất tín, tinh thần nổi loạn sang thế hệ con cháu. Vâng lời cha mẹ là bước đầu tiên cần phải được dạy dỗ trước khi biết vâng phục thẩm quyền của Chúa. KTS 68.5
Việc mở rộng sự dạy dỗ về luật pháp Chúa không còn ràng buộc giống như sự ảnh hưởng của những giáo điều thờ hình tượng do con người đặt ra. Cha mẹ không đòi hỏi con cái phải đi theo con đường của Chúa. Đến khi con cái lập gia đình riêng, chúng cảm thấy mình không có bổn phận dạy dỗ con chúng những điều mà bản thân chúng không bao giờ nghe chỉ dạy. Đây là lý do tại sao có nhiều gia đình vô thần, tại sao tội ác ngày càng tràn lan như hiện nay. KTS 68.6
Giờ đây rất cần một sự cải cách trên bình diện sâu và rộng. Cha mẹ và những người hướng linh cần phải sửa đổi, họ cần phải có Chúa hiện diện trong gia đình của mình. Họ phải đem Lời Chúa vào gia đình và dạy dỗ con cái bằng thái độ dễ chịu và không mệt mỏi là làm thế nào để sống cho Chúa hài lòng. Con cái hấp thu cách giáo dục như vậy sẽ có một nền tảng vững chắc để chúng không bị cuốn trôi bởi dòng thủy triều của lòng nghi ngờ và vô tín. KTS 68.7
Trong nhiều gia đình, cha mẹ cảm thấy họ không còn một chút thời gian nào để cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban nắng ấm hay cơn mưa mát mẻ hoặc sự bảo vệ của các thiên sứ dành cho họ hàng ngày. Họ không còn thời gian cầu nguyện. Họ làm việc quần quật như trâu bò, không còn thời gian để nghĩ đến Chúa hay thiên đàng nữa. Con Một của Đức Chúa Trời đã hy sinh chính thân Ngài để chuộc tội cho họ, nhưng một chút xíu hành động bày tỏ sự biết ơn lòng tốt của Ngài dành cho họ cũng không hơn gì những con thú cũng biết. KTS 69.1
Nếu như có một thời điểm mà mọi nhà cần phải là một nhà cầu nguyện thì đó chính là thời khắc này. Người cha trong vai trò như một thầy tế lễ của gia đình nên dâng lời cầu nguyện lên Chúa mỗi sáng và mỗi tối, vợ con cũng hiệp nhất với ông trong lời cầu nguyện và ngợi khen. Chúa Giê-su sẽ rất thích hiện diện trong những gia đình như vậy. KTS 69.2
Mỗi gia đình có tình yêu thương nên san sẻ những suy nghĩ tử tế, hòa nhã, lịch sự, không ích kỷ. Có những gia đình nơi họ biết tôn thờ Chúa và tình yêu thương thật sự nhất đang ngự trị nơi ấy. Lòng nhân từ và hồng ân Chúa tuôn xuống lời cầu nguyện của những con người này giống như sương mai. KTS 69.3
Một gia đình có trật tự là một lập luận hùng hồn về đặc ân của tôn giáo Cơ Đốc. Sức ảnh hưởng trung thành trong mọi sinh hoạt của gia đình sẽ tác động đến con cái. Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham sẽ ở bên chúng. Chúa nói với từng cha mẹ trung tín rằng: “Ta đã chọn người đặng khiến người dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng”. KTS 69.4