Bởi vì bí lối và lo sợ nên lúc ấy tôi tớ Chúa lại nài xin như một lời bào chữa cho việc ông thiếu khả năng ăn nói: “Ôi lạy Chúa, … con vốn không có tài ăn nói, miệng lưỡi con hay ngập ngừng”. Ông đã rời xa những người Ai Cập quá lâu đến nỗi ông không thể sử dụng ngôn ngữ của họ dễ dàng như hồi ông còn ở chung với họ. KTS 128.2
Môi-se đề nghị chọn một người có tài hùng biện hơn, nhưng sau khi Chúa hứa dẹp hết mọi khó khăn và ban cho ông thành công cuối cùng, thì mọi phàn nàn phát sinh thêm về việc thiếu năng lực của ông chứng tỏ thiếu đức tin nơi Chúa. Điều đó dẫn đến nỗi lo sợ rằng Chúa không thể làm cho ông đủ tư cách hoặc Ngài đã sai sót khi chọn lầm người. KTS 128.3
A-rôn, anh trai của ông, là người dùng tiếng Ai Cập hằng ngày nên ông có thể ăn nói lưu loát. Chúa báo cho Môi-se biết A-rôn đang đến thăm ông và những từ Chúa phán tiếp theo là một mệnh lệnh tước quyền phát ngôn của Môi-se. KTS 128.4
“Con hãy nói với anh con và sắp đặt lời lẽ vào miệng anh ta… Chính anh ta sẽ là người phát ngôn cho con trước dân chúng, là cái miệng cho con, còn con sẽ như là Đức Chúa Trời cho anh ta vậy. Con hãy cầm gậy này trên tay để dùng làm các dấu lạ”. Môi-se không thể chống đỡ lâu hơn được nữa vì mọi lý do dùng để bào chữa đã được tháo gỡ. KTS 128.5
Ngay khi chấp nhận tiến hành công việc, Môi-se thực hiện bằng cả tấm lòng, ông đặt trọn đức tin vào Đức Chúa Trời. Chúa ban ơn cho ông bởi vì biết vâng lời mau lẹ, ông trở thành người ăn nói hùng hồn, đầy hy vọng, tự tin và sẵn sàng thi hành công việc vĩ đại hơn bất cứ việc gì mà nhân loại từng được yêu cầu. KTS 128.6
Con người sẽ kiếm được quyền năng và sức ảnh hưởng từ thái độ chấp nhận những trách nhiệm Chúa giao phó riêng mình. Dù địa vị thấp hèn đến đâu hoặc năng lực con người bị hạn chế đến mức nào, thì những người trung tín theo đuổi mục đích hoàn thành nhiệm vụ sẽ đạt được sự cao quý đích thực. Cảm nhận sự yếu kém của bản thân là đã có ít nhất vài bằng chứng để hiểu biết tầm quan trọng của công việc đã chờ sẵn, một người như thế sẽ biết đặt Chúa là Đấng cố vấn và sức lực của mình. KTS 128.7
Bản thân Môi-se rất sợ Pha-ra-ôn và dân Ai Cập, những người đã nổi giận chống lại ông bốn mươi năm về trước, điều này cũng khiến ông miễn cưỡng trở về Ai Cập. Nhưng lúc ông quyết định vâng lời mệnh lệnh thánh thì Chúa tiết lộ cho ông biết các kẻ thù ông đã chết hết rồi. KTS 129.1
Sau khi ra khỏi Ma-đi-an, một thiên sứ hiện ra với Môi-se có vẻ hăm dọa như thể muốn giết ông. Không một lời giải thích, nhưng Môi-se chợt nhớ ông đã xem nhẹ một trong các yêu cầu của Chúa. Ông đã xao lãng cử hành nghi lễ cắt bao qui đầu cho đứa con trai út. Một sự xao lãng như vậy đối với nhà lãnh đạo được tuyển chọn của Y-sơ-ra-ên chắc chắn sẽ làm giảm đi nhiều quyền lực dẫn dắt của Chúa cho dân sự. Sê-phô-ra lo sợ chồng sẽ bị giết nên tự bà thực hiện nghi lễ cắt bì, nhờ đó thiên sứ cho phép Môi-se tiếp tục cuộc hành trình. Cuộc đời của ông có thể được an toàn nhờ các thiên sứ thánh chăm gìn, nhưng trong khi ông tiếp tục lơ là một nhiệm vụ đã quá hiểu biết thì sẽ không còn an toàn nữa vì có thể không được các thiên sứ của Chúa che chở. KTS 129.2
Vào thời kỳ hoạn nạn trước khi Đấng Christ giáng sinh, sự công bình sẽ được bảo vệ nhờ sự can thiệp của các thiên sứ, nhưng sẽ không có sự bảo vệ nào dành cho những ai phá vỡ luật pháp Chúa. Thiên sứ không thể che chở cho những kẻ dám coi thường bất cứ điều răn thiêng liêng nào. KTS 129.3