Đấng Christ trong vai trò Thầy Tế lễ Thượng phẩm đi vào nơi chí thánh để làm sạch đền thánh (Đa-ni-ên 8:14), Con loài người đến gần Đấng Thượng cổ (Đa-ni-ên 7:13) và Chúa vào đền thờ Ngài (Ma-la-chi 3:1) đều là một sự kiện. Điều này cũng được kể qua việc chàng rể đến tiệc cưới trong truyện về mười người nữ đồng trinh của sách Ma-thi-ơ 25. TTL 188.2
Trong truyện ấy, khi chàng rể đến, “những người chực sẵn thì đi với chàng rể vào tiệc cưới”. Hành động chàng rể đến diễn ra trước lễ cưới. Lễ cưới này tượng trưng cho Đấng Christ đến nhận vương quốc của Ngài. Thành thánh, Giê-ru-sa-lem mới, là kinh đô và biểu tượng của vương quốc, được gọi là “nàng dâu, vợ của Chiên Con”. Thiên sứ nói cùng Giăng: “Hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi thấy người vợ mới cưới là vợ Chiên Con”. Nhà tiên tri viết tiếp: “Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống” (Khải Huyền 21:9, 10). TTL 188.3
Nàng dâu đại diện cho thành thánh, các người nữ đồng trinh đi ra đón chàng rể đại diện cho hội thánh. Trong sách Khải Huyền, dân sự Đức Chúa Trời đại diện cho những khách mời đến dự tiệc cưới. Nếu là khách mời thì họ không thể mặc áo cô dâu. Đấng Christ nhận từ Đấng Thượng cổ trên trời “quyền thế, vinh hiển và nước” Giê-ru-sa-lem mới — kinh đô của vương quốc Ngài, “sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình” (Đa-ni-ên 7:14; Khải Huyền 21:2). Khi tiếp nhận vương quốc, Ngài sẽ đến như Vua của muôn vua, Chúa của các chúa, để bù đắp cho dân sự Ngài là những người đến dự tiệc cưới của Chiên Con. TTL 188.4