Phép lạ của cây gậy khi được biến thành rắn và khi làm cho nước sông trở nên máu không làm cho tấm lòng cứng cỏi của Pha-ra-ôn lay chuyển. Những phép lạ đó chỉ làm tăng thêm lòng ghen ghét của ông đối với dân Y-sơ-ra-ên. Những việc mà các thuật sĩ đã thực hiện được làm cho ông tin rằng những phép lạ này được thực hiện bởi những sự ảo thuật. Tuy nhiên, khi tai vạ về ếch nhái được cất đi, Pha-ra-ôn đã có bằng chứng hùng hồn rằng đó không phải do ảo thuật. Đức Chúa Trời đã có thể làm cho chúng biến mất đi và trở về bụi đất chỉ trong chốc lát nhưng Ngài đã không làm vậy. Nếu những con ếch nhái biến mất ngay lập tức thì thật quá dễ dàng cho nhà vua và những người Ê-díp-tô nghĩ rằng tai vạ về ếch nhái cũng chỉ là một trò ảo thuật khác, cũng như những thuật sĩ của nhà vua đã từng làm. Sau khi ếch nhái chết, họ đã gom lại thành từng đống. Mọi người đều có thể nhìn thấy xác của ếch nhái. Mùi hôi của xác chết đầy trong không khí. Bởi điều này, vua và tất cả những người Ê-díp-tô có được những bằng chứng mà những triết lý hão huyền của họ không thể nào tranh cãi được. Tai vạ về ếch nhái không phải là một trò ảo thuật, mà là sự xét đoán đến từ Đức Chúa Trời của các từng trời. CC1 137.2
Cũng một cách ấy, các thuật sĩ không thể nào làm ra muỗi. Chúa đã không cho phép họ ngay cả đến việc tỏ ra như họ có vẻ có thể tạo ra được muỗi. Ngài làm cho Pha-ra-ôn không còn bất cứ lời bào chữa nào cho việc không tin của ông. Ngài đã làm cho các thuật sĩ phải tự công nhận rằng “đó chính là ngón tay của Đức Chúa Trời”. CC1 138.1
Sau tai vạ về muỗi, là tai vạ ruồi mòng. Chúng cũng là một loại với những con ruồi, mỗi năm vài mùa, làm cho chúng ta khó chịu dù không nguy hại mấy. Những con ruồi mòng đến trong xứ Ê-díp-tô là rất to lớn và độc! Khi bị chích, chúng có thể làm cho người và súc vật rất đau đớn. Đức Chúa Trời biệt riêng dân sự Ngài khỏi dân Ê-díp-tô, và Ngài không cho phép bất cứ con ruồi nào xuất hiện gần chỗ dân Y-sơ-ra-ên sống. CC1 139.1
Sau đó Chúa khiến đến tai vạ súc vật bị dịch lệ, và cũng cùng lúc đó, Ngài bảo vệ cho các súc vật của người Hê-bơ-rơ, không có một con vật nào trong vòng súc vật của dân sự Ngài bị chết. Kế đến là tai vạ ghẻ chốc trên người và súc vật. Như một bằng chứng mạnh mẽ hơn rằng các tai vạ này đến từ trời, các thuật sĩ đã không thể nào bảo vệ cho chính họ và vì thế, họ cũng bị ghẻ chốc đầy mình. Sau đó, Chúa đã khiến thêm tại vạ nữa cho người Ê-díp-tô, tai vạ mưa đá cùng với lửa và sấm sét từ trời. CC1 139.2
Thời gian của mỗi tai vạ được báo trước cho Pha-ra-ôn trước khi nó xảy ra, để không ai có thể nói rằng những tai vạ đó đến cách tình cờ. Chúa đã tỏ ra cho người Ê-díp-tô biết rằng toàn thế gian đều đứng dưới quyền cai trị của Đức Chúa Trời của người Hê-bơ-rơ. Ngài cho thấy rằng sấm sét, mưa đá, và ngay cả bão táp cũng nghe tiếng Ngài. Pha-ra-ôn, vị vua kiêu ngạo đã từng có lúc nói rằng “Đức Chúa Trời là ai mà ta phải nghe theo tiếng Ngài?” đã phải hạ mình xuống và thưa rằng “Tôi đã phạm tội . . . Chúa là Đâng công bình, còn tôi và dân sự tôi là xấu xa”. Người đã cầu xin Môi-se để ông có thể làm người cầu xin giúp với Đức Chúa Trời hầu cho sấm chớp kinh hoàng có thể ngừng lại. CC1 139.3
Kế đến, Chúa đã khiến một tai vạ đáng sợ về châu châu đến trong xứ. Nhà vua đã chọn để nhận lãnh tai vạ thay vì vâng phục Đức Chúa Trời. Không chút ăn năn, ông nhìn xem toàn vương quốc của mình nằm dưới sự xét đoán của những tai vạ đáng kinh này. Chúa sau đó đã khiên cho toàn xứ Ê-díptô chìm trong bóng tối dày đặt. Người ta không chỉ bị cất đi khỏi sự sáng, mà không khí cũng bị làm cho dày đặt và ngột ngạt đến nỗi việc hít thở cũng trở nên khó khăn. Trong cùng lúc đó, người Hê-bơrơ vẫn có không khí trong lành và ánh sáng trong địa phận của họ. CC1 140.1
Tai vạ kinh khiếp cuối cùng mà Đức Chúa Trời khiến đến trong xứ Ê-díp-tô là nghiêm trọng hơn hết thảy các tai vạ xảy ra trước đó. Đó chính là bởi nhà vua và những thầy tế kiêu ngạo đã chống lại những đề nghị của Môi-se cho đến tận cùng. Người Ê-díp-tô mong muốn rằng dân Y-sơ-ra-ên nên được phép để rời khỏi xứ. Môi-se đã tỏ ra cho Pha-ra-ôn, cho người Ê-díp-tô và cho cả người Y-sơ-ra-ên biết về tính chất và ảnh hưởng của tai vạ cuối cùng. Trong đêm đó, thật kinh hoàng cho người Ê-díp-tô và thật vinh hiển cho dân sự của Đức Chúa Trời, nghi lễ nghiêm trang của lễ vượt qua được hình thành. CC1 140.2
Thật khó cho vua Ê-díp-tô và dân sự kiêu ngạo, thờ hình tượng của ông đầu phục theo những yêu cầu của Đức Chúa Trời của các từng trời. Vua Ê-díptô rất chậm chạp để vâng phục. Trong lúc bị những ảnh hưởng nặng nề do các tai vạ gây ra, ông hạ mình xuống vâng phục một chút, tuy nhiên, ngay khi tai vạ vừa qua khỏi, lòng ông lại cứng và ông rút lại những gì mình đã đưa ra. Và vì thế, cứ hết tai vạ này lại đến tai vạ khác xảy ra trên xứ Ê-díptô. Pha-ra-ôn sẽ chẳng bao giờ chịu hạ mình trừ khi ông bị ép buộc bằng những lần viếng của cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Ngay cả sau khi xứ Ê-díp-tô bị tàn phá, vua cũng đã khăng khăng kiên quyết tiếp tục sự nổi loạn của mình. CC1 141.1
Môi-se và A-rôn tỏ cho Pha-ra-ôn biết trước về tính chất và ảnh hưởng của tai vạ kế tiếp sẽ xảy ra nếu ông vẫn từ chối không cho dân Y-sơ-ra-ên đi. Mỗi lần chứng kiến những tai vạ xảy ra chính xác như những gì được báo trước, lòng Pha-ra-ôn vẫn cứng cỏi và không hạ mình. Đầu tiên, Pha-ra-ôn chỉ cho phép dân Y-sơ-ra-ên được dâng của tế lễ cho Đức Chúa Trời ngay trong xứ Ê-díp-tô; kế đến, sau khi xứ Ê-díp-tô đã gánh chịu sự phẫn nộ của Đức Chúa Trời, Pha-ra-ôn bèn đồng ý nhưng chỉ cho những người nam đi. Sau đó khi xứ Ê-díp-tô gần như bị hủy diệt hoàn toàn bởi tai vạ của những châu châu thì Pha-ra-ôn mới cho phép vợ và các con cái cùng đồng đi, nhưng không cho phép họ mang theo súc vật. Lúc bấy giờ, Môi-se bèn tâu trình với vua rằng thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ giết các con đầu lòng của họ. CC1 141.2
Mỗi tai vạ càng lúc càng gần hơn và nghiêm trọng hơn, và tai vạ sau thì kinh khiếp hơn tai vạ trước đó, nhưng vị vua kiêu ngạo đã quá giận dữ và không chịu hạ mình xuống. Khi những người dân trong xứ Ê-díp-tô nhìn thấy sự chuẩn bị kỹ càng của dân Y-sơ-ra-ên cho buổi tối kinh khủng đó, họ đã nhạo cười dân Y-sơ-ra-ên về cái ý tưởng rằng một vệt máu trên vạch cửa cũng có thể có công dụng giải cứu họ. CC1 142.1