TRONG KHI giảng về giáo lý phục lâm, William Miller và các đồng bạn ông chỉ có một mục đích duy nhất là giúp nhân loại chuẩn bị cho ngày phán xét. Họ tìm cách thức tỉnh những người xưng mình có tôn giáo, về hy vọng thật của hội thánh, và hướng dẫn họ có một kinh nghiệm tin kính sâu xa; và họ làm việc để thức tỉnh những người chưa hoán cải ăn năn và trở về với Đức Chúa Trời. “Họ không nghĩ đến việc chiêu mộ hội viên cho riêng một phái nào hay tôn giáo nào. Vì vậy, họ làm việc giữa vòng tất cả các giáo phái mà không tham dự vào sự tổ chức hay kỷ luật của những nhóm này.” TT20 332.1
Miller nói, “Trong tất cả công việc của tôi, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc lập một hội thánh riêng biệt, khác với những hội thánh hiện hữu, hoặc bênh vực hội này hơn hội kia. Tôi chỉ muốn làm ích cho tất cả các hội thánh. Nếu tất cả tín đồ đều vui mừng trông đợi ngày Chúa tái lâm, và những người không cùng một quan điểm với tôi, cũng sẽ yêu thương những người chấp nhận sứ điệp này, tôi thấy không cần phải có những phiên nhóm riêng biệt. Mục đích duy nhất của tôi là đem linh hồn trở về cùng Đức Chúa Trời, báo cho thế gian sự phán xét sắp đến, và khuyến khích người ta dọn mình để gặp Chúa trong sự bình an. Phần đông những người trở lại đạo nhờ sự rao giảng của tôi, đều gia nhập vào trong các hội thánh hiện hữu.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 328. TT20 332.2
Vì công việc của Miller có tính cách xây dựng các hội thánh, nên ông được hoan nghênh một thời gian. Nhưng các mục sư và các nhà lãnh đạo tôn giáo chống nghịch lại giáo lý phục lâm, và muốn chấm dứt phong trao này, họ chẳng những phản đối trên tòa giảng, mà còn phủ nhận quyền đi nghe giảng về sự tái lâm của thuộc viên mình, và sự bày tỏ tín ngưỡng mình trong những phiên nhóm gây dựng. Các tín đồ ở trong một tình trạng thử thách lớn lao và hết sức phức tạp. Họ không muốn phân rẽ khỏi hội thánh mà họ yêu mến; nhưng khi thấy người ta đàn áp lời chứng của Đức Chúa Trời, và phủ nhận quyền nghiên cứu lời tiên tri, thì họ quyết định trung tín với Đức Chúa Trời chứ không phục tùng người ta. Họ không thể coi những người từ chối lời Đức Chúa Trời là hội thánh của Đấng Christ, “cột trụ và nền tảng của lẽ thật.” Vì thế, họ cảm thấy cần phải phân rẽ khỏi những hội thánh này. Vào mùa hè năm 1844, khoảng năm mươi ngàn người ly khai khỏi các hội thánh. TT20 333.1
Vào lúc ấy, có sự thay đổi trong hầu hết các hội thánh tại Hoa Kỳ. Đã nhiều năm qua, các hội thánh từ từ sống theo đường lối và phong tục thế gian, và đời sống thiêng liêng sa sút lần lần; nhưng trong năm đó, thình lình có sự suy đồi trong hầu hết các hội thanh. Mặc dù không ai biết rõ nguyên nhân, nhưng ai cũng nhận thấy điều này, và sự kiện đó được bình luận trên báo chí và tòa giảng. TT20 333.2
Trong một hội nghị tôn giáo nhóm tại Philadelphia, ông Barnes, tác giả quyển dẫn giải được nhiều người dùng, và la mục sư của một trong những hội thánh lớn trong thành phố, nói, “Trong hai mươi năm thi hành chức vụ cho đến bây giờ, chẳng hề có việc mỗi lần cử hành lễ tiệc thánh mà không thâu nhận vào hội thánh một số thuộc viên mới. Nhưng bây giờ, không có sự phục hưng, không có sự trở lại đạo, không có sự khôn lớn trong ân điển giữa vòng tín giáo, và chẳng có ai đến bàn luận với tôi về sự cứu rỗi linh hồn. Sự vui chơi theo thế gian, thêm lên với sự thịnh vượng vật chất, thương mãi và kỹ nghệ. Tình trạng của tất cả các hội thánh cũng giống như thế.”— Congregational Journal, 23 tháng 5, 1844. TT20 333.3
Tháng Hai năm ấy, giáo sư Finney của trường đại học Oberlin nói, “Chúng tôi nhận thấy cách tổng quát, các hội thánh Cải chánh trong xứ này, hoặc vô tình, hoặc cố ý chống đối những sự cải thiện luân lý của thời đại. Hẳn nhiên có những ngoại lệ, nhưng nói chung là như thế. Và đây là một sự thật nữa: không có sự phục hưng trong các hội thánh. Hầu hết khắp nơi, tình trạng thiêng liêng hết sức sa sút; báo chí tôn giáo trong xứ làm chứng điều đó. . . . Các thuộc viên hội thánh nói chung đều làm nô lệ cho thời trang,—và tham gia với những kẻ vô tín trong những sự khoái lạc, nhảy nhót, tiệc tùng, v. v. Chúng ta không cần nói nhiều đến vấn đề đau lòng này. Nhưng bằng chứng thật rõ ràng, là các hội thánh càng ngày càng sa sút cách buồn thảm. Họ đã quá xa cách Đấng Cứu Thế và Ngài đã lìa bỏ họ.” TT20 333.4
Một ký giả của tờ Religious Telescope làm chứng, “Người ta chưa bao giờ thấy một sự suy đồi thiêng liêng như hiện nay. Thật sự hội thánh phải tỉnh thức, và tìm nguyên nhân của tai họa ấy, vì tình trạng này là mối nguy hại lớn cho những người yêu mến Si-ôn cần phải nghĩ đến. Khi chúng ta suy nghĩ đến sự hiếm hoi của những trường hợp trở lại đạo, và sự ngạo mạn và cứng lòng có một không hai của các tội nhân, thì chúng ta phải kêu lên rằng, “Đức Chúa Trời còn thương xót nữa chăng? Hay là cửa ân điển đã đóng rồi?” TT20 334.1
Tình trạng như vậy không bao giờ hiện hữu mà không có nguyên nhân ở trong hội thánh. Tấm màn tối tăm thiêng liêng che phủ các dân, các hội thánh và cá nhân, không phải vì Đức Chúa Trời cất đi ân điển Ngài, nhưng vì người ta khinh thường và từ chối sự sáng. Một ví dụ rõ ràng về việc này đã được ghi chép trong lịch sử dân Giu-đa vào thời Đấng Christ. Vì yêu mến thế gian, quên Đức Chúa Trời và lời Ngài, nên sự hiểu biết của họ trở nen tối tăm, lòng họ hướng về thế gian và dục vọng. Vì thế, họ đã không biết ngày Đấng Mê-si đến, và trong sự kiêu ngạo, vô tín, họ đã chối bỏ Đấng Cứu Thế. Nhưng Đức Chúa Trời đã không bỏ nước Giu-đa khỏi kiến thức hay sự tham dự vào các ơn phước cứu rỗi. Nhưng những người đã chối bỏ lẽ thật thì không còn ham muốn nhận lấy sự ban cho của Thiên đàng. Họ đã “đổi sự tối ra sự sáng, và sự sáng ra sự tối,” cho đến khi sự sáng ở trong họ trở nên sự tối tăm; và sự tối tăm ấy lớn biết chừng nào! TT20 334.2
Sa-tan rất muốn người ta thiếu lòng tin kính, và chỉ giữ đạo theo hình thức mà thôi. Sau khi đã chối bỏ tin lành, người Giu-đa vẫn giữ những nghi lễ thời xưa, nghiêm nhặt bảo tồn sự độc quyền của quốc gia mình, trong lúc đó họ nhận biết Đức Chúa Trời không còn hiện diện với họ. Lời tiên tri của Đa-ni-ên chỉ rõ thời kỳ xuất hiện của Đấng Mê-si, và trực tiếp nói về sự chết của Ngài, nhưng họ không muốn nghiên cứu lời ấy, và cuối cùng các thầy thông giáo tuyên bố rủa sả những người muốn tính thời kỳ đó. Trong sự mù quáng và không hối cải, dân Y-sơ-ra-ên trong những thế kỷ kế tiếp, lãnh đạm trước những ơn phước cứu rỗi của tin lành, một sự cảnh cáo nghiêm trọng và đáng sợ về sự nguy hiểm của việc chối bỏ sự sáng từ trời. TT20 334.3
Những nguyên nhân giống nhau luôn luôn đem lại kết quả giống nhau. Người nào chống lại sự xác tín về nhiệm vụ vì không hợp với khuynh hướng mình, cuối cùng sẽ mất năng lực phân biệt phải trái. Sự hiểu biết trở nên mờ tối, lương tâm chai lì, lòng dạ cứng cỏi, và linh hồn phân cách khỏi Đức Chúa Trời. Hễ nơi nao mà lẽ thật thiên thượng bị khinh thường, thì hội thánh sẽ chìm đắm trong sự tối tăm; đức tin và tình thương trở nên lạnh lẽo, nhường chỗ cho ác cảm và bất hòa. Thuộc viên hội thánh chỉ chú ý đến những việc thế gian, và những kẻ có tội trở nên cứng lòng. TT20 335.1
Sứ điệp của thiên sứ thứ nhất trong Khải huyền 14, rao báo giờ phán xét của Đức Chúa Trời, va kêu gọi thế gian hãy kính sợ và thờ phượng Ngài, có mục đích phân rẽ dân sự Chúa khỏi những ảnh hưởng bại hoại của thế gian, và thức tỉnh họ để thấy tình trạng thật về sự theo thế gian và sự bỏ đạo của họ. Trong sứ điệp này, Đức Chúa Trời đã ban lời cảnh cáo cho hội thánh, và nếu chấp nhận thì họ sẽ sửa lại những điều xấu xa khiến họ phân cách khỏi Ngài. Nếu hội thánh chấp nhận sứ điệp từ trời, hạ mình trước Chúa, và thành thật sửa soạn để đứng trước mặt Ngài, thì Thánh Linh và quyền năng Chúa sẽ được bày tỏ giữa vòng họ. Hội thánh sẽ được thống nhất trong đức tin, va trong tình yêu thương như trong thời các sứ đồ, khi mà các tín hữu “một lòng một ý,” và “giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ,” và “mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào hội thánh” (Công vụ các Sứ đồ 4:32, 31; 2:47). TT20 335.2
Nếu dân sự Đức Chúa Trời nhận sự sáng chiếu rọi trên họ từ lời Chúa, thì họ sẽ hiệp một như lời Đấng Christ đã cầu nguyện, và sứ đồ Phao-lô gọi là “dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, và một phép báp-têm” (Ê-phê-sô 4:3-5). TT20 335.3
Đó là kết quả của những người nhận sứ điệp phục lâm. Họ đến từ các giáo hội, lật đổ tất cả những bức tường tín ngưỡng; giáo lý bất đồng; sự trông cậy về một ngàn năm bình an trên đất bị loại bo, những quan niệm sai lầm về sự phục lâm được sửa đổi, sự kiêu ngạo và sống theo thế gian không còn nữa. Những lỗi lầm được sửa chữa; lòng anh em hiệp một trong sự thông công êm đềm, tình thương và sự vui mừng thống trị trên hết. Những kết quả tốt đẹp ấy được thực hiện cho một số ít anh em đã tiếp nhận sứ điệp phục lâm, thì cũng sẽ làm như vậy cho tất cả mọi người, nếu họ tiếp nhận sứ điệp ấy. TT20 335.4
Nhưng, phần đông hội thánh không chấp nhận sự cảnh cáo. Các mục sư của họ, là “lính canh của nhà Y-sơ-ra-ên,” phải là những người đầu tiên nhận thức những dấu hiệu về ngày Chúa đen, tuy nhiên, họ đã không thấy được lẽ thật trong lời chứng của các tiên tri hay trong những dấu hiệu của thời đại. Những hy vọng và tham dục về thế gian đầy dẫy lòng họ, cho nên tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và đức tin nơi lời Ngài nguội lạnh; và khi giáo lý phục lâm được trình bày, thì chỉ gặp thành kiến và sự vô tín. Vì sứ điệp phần lớn do tín hữu rao truyền nên người ta chống lại sứ điệp ấy. Cũng như ngày xưa, người ta hỏi về chứng cớ rõ ràng của lời Đức Chúa Trời rằng, “Có vị lãnh đạo hay người Pha-ri-si nào tin không?” Thấy khó mà bác được những lý luận về thời kỳ tiên tri, nên nhiều người khuyên đừng nghiên cứu những lời tiên tri vì đã đóng ấn không thể hiểu được. Dân chúng tin các mục sư cách mù quáng, từ chối không nghe sứ điệp cảnh cáo; những người khác, mạc dù nhận biết lẽ thật, mà không dám xưng ra, vì sợ “bị đuổi khỏi nhà hội.” Sứ điệp của Đức Chúa Trời gởi đến để thử nghiệm và làm sạch hội thánh, chứng tỏ rằng rất đông người ham mến thế gian hơn Đấng Christ. Đối với họ, những ràng buộc trong thế gian này mạnh hơn những sự hấp dẫn của thiên đàng. Họ chọn sự khôn ngoan của thế gian và xây bỏ sứ điệp của lẽ thật. TT20 336.1
Từ chối sứ điệp cảnh cáo của thiên sứ thứ nhất, họ đã từ chối phương tiện mà Thiên đàng đã cung cấp để phục hồi họ. Họ đã khinh thường sứ giả nhân từ có thể sửa chữa những lỗi lầm khiến họ phân cách Đức Chúa Trời, và họ lại càng xây về thế gian cách hăng say hơn nữa. Đó là nguyên do của tình trạng kinh khủng ấy mà theo thế gian, bỏ đạo và sự chết thuộc linh trong các hội thánh vào năm 1844. TT20 336.2
Trong Khải huyền 14, theo sau vị thiên sứ thứ nhất là thiên sứ thứ hai rao truyền rằng, “Ba-by-lôn lớn kia, đã đổ rồi, đã đổ rồi, vì nó có cho các dân tộc uống rượu tà dâm thạnh nộ của nó” (Khải huyền 14:8). Chữ “Ba-by-lôn” do chữ “Ba-bên” mà ra, có nghĩa là lộn xộn. Chữ này được dùng trong Kinh Thánh để chỉ về các hình thức khác nhau của tôn giáo sai lạc hay bội đạo. Trong Khải huyền 17, Ba-by-lôn được tượng trưng bằng người đàn bà—một hình bóng Kinh Thánh dùng để chỉ về hội thánh, người nữ trinh khiết chỉ về hội thánh trong sạch, người nữ tà dâm chỉ về hội thánh bội đạo. TT20 336.3
Trong Kinh Thánh, sự liên quan thánh khiết và vĩnh cửu giữa Đấng Christ và hội thánh Ngài được tượng trưng bởi sự hiệp một trong hôn nhân. Chúa kết hợp với dân sự Ngài bởi một giao ước long trọng; Ngài hứa làm Đức Chúa Trời họ; còn họ hứa chỉ thuộc về Ngài mà thôi. Đức Chúa Trời phán, “Ta sẽ cưới ngươi cho Ta đời đời; Ta sẽ cưới ngươi cho Ta trong sự công bình và chánh trực, nhơn từ và thương xót” (Ô-sê 2:19). “Đức Giê-hô-va phán: Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở về; vì Ta là chồng ngươi” (Giê-rê-mi 3:14). Và Phaolô cũng dùng hình bóng ấy trong Tân Ước, “Tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ” (2 Cô-rinh-tô 11:2). TT20 337.1
Khi hội thánh không trung tín với Đấng Christ mà yêu thương thế gian và những sự thuộc về thế gian, thì sự bất trung này được ví như vi phạm lời thề hôn phối. Tội của dân Y-sơ-ra-ên lìa xa Chúa được tiêu biểu bằng hình ảnh ấy; và tình yêu thương tuyệt diệu của Đức Chúa Trời mà họ đã khinh thường được miêu tả như sau, “Ta thề cùng ngươi và kết giao ước với ngươi, thì ngươi trở nên của Ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy.” “Ngươi đã trở nên cực đẹp và thạnh vượng đến nỗi được ngôi hoàng hậu. Danh tiếng ngươi lừng lẫy trong các nước bởi sắc đẹp ngươi; vì sự đẹp là trọn vẹn bởi oai nghi của Ta mà Ta đã đặt trên ngươi. . . . Nhưng ngươi cậy sắc đẹp mình. . . mà buông sự dâm dục.” “Ngươi là đờn bà ngoại tình, tiếp người lạ thay vì chồng mình” (Ê-xê-chi-ên 16:8, 13-15, 32). “Nhưng, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, thật như một người đờn bà lìa chồng mình cách quỷ quyệt thể nào, thì các ngươi cũng quỷ quyệt với Ta thể ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 3:20). TT20 337.2
Tân Ước cũng dùng ngôn ngữ tương tự như thế để chỉ về những người tự xưng mình là Cơ Đốc nhân, nhưng ham mê thế gian hơn là kính mến Đức Chúa Trời. Sứ đồ Gia-cơ viết, “Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy” (Gia-cơ 4:4). TT20 337.3
Người đàn bà trong Khải huyền 17 (Ba-by-lôn) được miêu tả mặc “màu tía màu điều, trang sức những vàng, bửu thạch và hột châu; tay cầm một cái chén vàng đầy những đồ gớm ghiếc và dâm uế. Trên trán nó có ghi một tên là: Sự mầu nhiệm, Ba-by-lôn lớn, là mẹ kẻ tà dâm.” Tiên tri nói tiếp, “Tôi thấy người đờn bà đó say huyết các thánh đồ và huyết những kẻ chết vì Đức Chúa Giê-su.” Ba-by-lôn là “thành lớn hành quyền trên các vua ở thế gian” (Khải huyền 17:4-6, 18). Quyền thế cai trị một cách độc đoán trên các vua trải qua các thế kỷ là La Mã. Màu tía và màu điều, vàng và các hột châu mà người đàn bà này trang sức, là sự đẹp đẽ xa hoa hơn các vua chúa của giáo hoàng kiêu hãnh La Mã. Không có một quyền thế nào của loài người xứng hiệp với hình dung “say huyết các thánh” mà giáo hội đã bắt bớ cách tàn bạo những môn đồ của Đấng Christ. Ba-by-lôn cũng bị kết tội đã liên kết cách phi pháp với “các vua thế gian.” Vì lìa bỏ Đức Chúa Trời và liên kết với người ngoại mà hội thánh Do Thái đã trở nên một người đàn bà tà dâm; La Mã cũng bại hoại vì tìm sự hỗ trợ của quyền lực thế gian, nên bị đoán phạt giống nhau. TT20 338.1
Ba-by-lôn được gọi là “mẹ của những kẻ tà dâm.” Các con gái của người tiêu biểu những hội thánh làm theo giáo lý và lời truyền khẩu của người, và bắt chước theo người, hy sinh lẽ thật của Đức Chúa Trời, để kết ước bất chính với thế gian. Sứ điệp của Khải huyền 14 rao báo sự sụp đổ của Baby-lôn chỉ về những tổ chức tôn giáo đã có một thời trong sạch, nhưng trở nên bại hoại. Vì sứ điệp này theo sau sứ điệp cảnh cáo về sự phán xét, nên phải được rao truyền trong ngày sau rốt; nên không thể chỉ nói về hội La Mã mà thôi, vì giáo hội đó đã ở trong tình trạng sụp đổ trong nhiều thế kỷ. Hơn nữa, trong Khải huyền 18, dân sự Đức Chúa Trời được kêu gọi ra khỏi Ba-by-lôn. Theo đoạn này, nhiều dân sự Chúa còn ở trong Ba-by-lôn. Giáo hội nào ngày nay có nhiều môn đồ của Đấng Christ? Chắc chắn là trong các hội Cải chánh. Vào thời kỳ khởi đầu, những hội thánh này đã trung thành theo Chúa và lẽ thật, nên Đức Chúa Trời ban phước cho họ. Chính những người vô tín cũng nhận biết những ơn phước đến từ sự tiếp nhận những nguyên tắc phúc âm. Lời tiên tri có chép, “Danh tiếng ngươi lừng lẫy trong các nước bởi sắc đẹp ngươi; vì sự đẹp là trọn vẹn bởi oai nghi của Ta mà Ta đặt trên ngươi, Chúa Giê-hô-va phán vậy.” Nhưng các hội ấy đã đổ rồi, vì phạm tội giống như tội Y-sơ-ra-ên, muốn theo gương và kết bạn với những người ác. “Ngươi cậy sắc đẹp mình; cậy danh tiếng mình mà buông sự dâm dục” (Ê-xêchi-ên 16:14, 15). TT20 338.2
Một số đông các hội Cải chánh theo gương La Mã, liên kết cách bất chính với “các vua trong thế gian”—các quốc giáo được thành lập nhờ liên kết với chính phủ; có những hội khác đi tìm ân huệ của thế gian. Chữ “Ba-by-lôn”—lộn xộn—rất thích hợp cho những giáo hội nói mình theo những đạo lý trong Kinh Thánh, nhưng chia ra vô số giáo phái, với những tín điều và lý thuyết mâu thuẫn. TT20 339.1
Ngoài sự liên kết bất chính với thế gian, các giáo phái ra khỏi La Mã còn giống La Mã ở nhiều điểm khác. TT20 339.2
Một tác phẩm Công giáo dẫn chứng rằng, “Nếu hội La Mã phạm tội thờ hình tượng các thánh, thì con gái của người là giáo hội Anh quốc cũng có cùng tội đó, cứ mười hội hiến dâng cho Mary thì có một hội hiến dâng cho Đấng Christ.”— Richard Challoner, The Catholic Christian Instructed, Lời tựa, trang 21, 22. TT20 339.3
Và tiến sĩ Hopkins, trong “A Treatise on the Millennium,” tuyên bố, “Không có lý do gì để nói rằng tinh thần và những nghi lễ chống lại Cơ Đốc giáo là độc quyền của hội La Mã. Những hội Cải chánh có giữ nhiều điều của kẻ địch lại Đấng Christ, chưa cải thiện hoàn toàn . . . khỏi sự bại hoại và gian ác.”—Samuel Hopkins, Works, quyển 2, trang 328). TT20 339.4
Về việc hội thánh Trưởng lão phân rẽ khỏi La Mã, tiến sĩ Guthrie viết như sau, “Ba trăm năm trước, hội thánh chúng ta, trên biểu ngữ có hình Kinh Thánh mở ra, và khẩu hiệu “Dò xem Kinh Thánh” trên cuốn sách, đã diễn hành ra khỏi cổng La Mã.” Rồi ông hỏi một câu đầy ý nghĩa, “Họ có ra khỏi Ba-by-lôn cách tinh sạch chăng?”—Thomas Guthrie, The Gospel in Ezekiel, trang 237). TT20 339.5
Ông Spurgeon nói, “Hội thánh Anh quốc dường như đầy dẫy những phép bí tích; nhưng không phục tùng thì cũng bị tệ như là bất trung. Những người mà chúng ta nghĩ là tốt thì lại bỏ những nền tảng của đức tin. Suy nghĩ cho kỹ, tôi tin rằng, trung tâm của Anh giáo đầy sự bất trung đáng bị rủa sả, mà vẫn còn dám lên tòa giảng và tự gọi mình là Cơ Đốc nhân.” TT20 339.6
Nguyên do của sự bỏ đạo lớn là gì? Thế nào hội thánh bắt đầu đi xa sự đơn giản của tin lành? Ây là vì làm theo ngoại giáo, để cho người ngoại chấp nhận Cơ Đốc giáo cách dễ dàng. Sứ đồ Phao-lô viết, “Sự mầu nhiệm của điều bội nghịch đương hành động rồi” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7). Trong thời các sứ đồ, hội thánh tương đối còn trong sạch, nhưng “cuối thế kỷ thứ hai, phần đông các hội thánh theo hình thức mới, sự đơn sơ thuở ban đầu biến mất, và từ khi các môn đồ qua đời, thì con cháu họ và những tín đồ mới, . . . tiến tới và bắt chước theo kiểu mẫu mới.”—Robert Robinson, Ecclesiastical Researches, chương 6, đoạn 17, trang 51. Muốn có nhiều người tin Chúa, người ta hạ thấp tiêu chuẩn của đức tin Cơ Đốc giáo, và kết quả “ngoại giao tràn ngập vào hội thánh, đem theo những tập quán, nghi lễ và các hình tượng.”— Gavazzi, Lectures, trang 278. Được các nhà cầm quyền giúp đỡ và cho hưởng các ân huệ, Cơ Đốc giáo được dân chúng tiếp nhận, nhưng phần đông chỉ theo đạo bề ngoài, và “còn giữ như người ngoại, đặc biệt là thờ lạy các hình tượng cách kín giấu.”—Gavazzi, Lectures, trang 278. TT20 340.1
Phương sách này có còn được hầu hết các hội thánh tự xưng là Cải chánh lặp lại chăng? Khi các nhà sáng lập phong trào, là những người có tinh thần cải cách thật sự qua đời, thì những người ke vị thay đổi cuộc cải cách. Trong khi trung thành gìn giữ cách mù quáng các giáo điều của tổ phụ, va chối bỏ mọi lẽ thật mới, các con cháu của những nhà cải chánh đi xa gương khiêm nhường, hy sinh, và từ bỏ thế gian của tổ phụ mình. Vì vậy, “sự đơn sơ lúc ban đầu biến mất.” Những người yêu mến thế gian tràn ngập hội thánh, đem theo với họ “phong tục, nghi lễ, và các hình tượng.” TT20 340.2
Than ôi! Thật đáng khủng khiếp cho sự kết bạn với thế gian là “thù nghịch với Đức Chúa Trời,” mà bây giờ những người xưng mình là môn đồ Đấng Christ mắc phải! Các hội thánh đã đi xa tiêu chuẩn của Kinh Thánh về khiêm nhường, hy sinh, đơn sơ, và tin kính! John Wesley nói về sự dùng tiền bạc đúng cách như sau, “Đừng phung phí một phần nào tiền bạc quý báu, chỉ để thỏa mãn sự ham muốn của mắt mình, như những quần áo mắc tiền vô ích, hay những trang sức vô dụng. Chớ nên phung phí tiền bạc để trang hoàng nhà cửa, mua sắm bàn ghế mắc tiền, và những bức tranh đắt giá. . . . Đừng làm gì để thỏa mãn sự kiêu ngạo của đời, để được chú ý và ca tụng. . . . ‘Khi ngươi làm tốt cho mình, thì người ta sẽ nói tốt về ngươi.’ Hễ ngươi mặc đồ tía và vải gai mịn, ăn mặc lộng lẫy mỗi ngày, thì người ta sẽ khen ngợi cách ăn mặc lịch sự của ngươi, sự rộng rãi và hiếu khách của ngươi. Nhưng đừng mua chuộc sự khen ngợi quá đắt. Tốt hơn hãy thỏa lòng với sự tôn trọng đến từ Đức Chúa Trời.”—Wesley, Works, Sermon 50, “The Use of Money“. Nhưng nhiều hội thánh trong thời chúng ta đã bỏ qua sự dạy dỗ nay. TT20 340.3
Làm thuộc viên hội thánh thì được thế gian tôn trọng. Các nhà lãnh đạo, chính khách, luật sư, bác sĩ, thương gia, gia nhập hội thánh để được tôn trọng và có uy tín trong xã hội, và để củng cố quyền lợi mình. Như thế, họ che đậy những hành vi bat chính của mình dưới danh xưng Cơ Đốc giáo. Các giáo phái trở nên mạnh nhờ sự giàu có và ảnh hưởng của những người chịu phép báp-têm mà còn theo thế gian, càng đông càng được danh tiếng. Những nhà thờ lộng lẫy nguy nga được xây cất ở những đại lộ chính. Tín đồ ăn mặc rất xa hoa, sang trọng. Tiền lương cao được trả cho các mục sư có tài giúp vui và thu hút thính giả. Bài giảng của mục sư phải êm tai và dễ nghe, không tố cáo tội lỗi. Vì vậy, trong số hội thánh đầy tên những tội nhân hợp thời trang, và những tội của thời đại được che giấu dưới lớp áo đạo đức giả. TT20 341.1
Bình luận về thái độ đối với thế gian của những Cơ Đốc nhân, một tờ báo nổi tiếng đã viết, “Hội thánh đã vô tình đi theo thời đại, và đã thích ứng những hình thức thờ phượng tân thời.” “Thật ra, mọi sự giúp cho tôn giáo hấp dẫn thì họ đều áp dụng.” Một ký giả ở Nữu Ước Independent nói về hội Giám Lý như sau, “Con đường phân cách giữa những người tin kính và vô tôn giáo đã phai mờ nửa tối nửa sáng, va những người sốt sắng cả đôi bên đã cực khổ để xóa bo những sự khác biệt giữa hành động và vui thú.” “Tôn giáo phổ thông làm gia tăng những người muốn được lợi lộc hơn là làm theo phận sự.” TT20 341.2
Ông Howard Crosby nói, “Chúng tôi rất quan tâm thấy hội thánh Đấng Christ đã không làm tròn ý muốn của Chúa mình. Cũng như những người Giu-đa hồi xưa đã để cho các nước thờ hình tượng chiếm hữu lòng họ và bỏ Đức Chúa Trời, . . . hội thánh của Đức Chúa Giê-su ngày nay cũng vậy, họ liên kết với những người không tin, bỏ sự sống thật và đi theo con đường tội lỗi, tập những thói quen của xã hội không có Đấng Christ, dùng những lý luận và kết luận không hợp với sự khải thị của Chúa, trái ngược với sự lớn lên trong ân điển.”— The Healthy Christian: An Appeal to the Church, trang 141, 142. TT20 341.3
Vì trào lưu lôi cuốn theo lối sống trần tục và tìm kiếm sự thỏa mãn dục vọng, do đó sự từ bỏ mình và hy sinh vì duyên cớ Đấng Christ gần như hoàn toàn biến mất. “Ngày nay, một số anh chị em tích cực hoạt động trong hội thánh chúng ta, trong thời thiếu niên đã được dạy dỗ phải hy sinh để dâng hiến hay làm một điều gì cho Đấng Christ.” Nhưng ngày nay, “nếu ngân sách thiếu hụt, . . . thì không ai được kêu gọi để hiến dâng! Mà họ bảo: Ồ, không! Phải có hội chợ, nhạc kịch, hài kịch, bữa ăn tối thịnh soạn, hay món gì đó để ăn—bất cứ điều gì làm cho con người thỏa thích.” TT20 342.1
Thống đốc Washburn của Wisconsin trong sứ điệp hằng năm, ngày 9 tháng Giêng, năm 1873, tuyên bố, “Luật pháp dường như đòi hỏi phải giải tán trường học khi có cờ bạc. Nhưng điều này thấy khắp nơi. Ngay cả hội thánh (vì vô tình, có lẽ) đôi khi cũng làm công việc của ma quỷ. Nhạc hội, giải thưởng vô cửa, đôi khi là vì những mục tiêu tôn giáo hay từ thiện, nhưng thường thường là cho mục đích không xứng đáng gì, như những cuộc sổ xố, giải thưởng, v.v., tất cả chỉ la cách làm tiền mà không có giá trị gì. Không có chi vô đạo đức hoặc tệ hại bằng sự đầu độc, đặc biệt cho thanh niên, là kiếm tiền hay nhà cửa mà không phải tốn sức lao động. Những người đáng kính cũng tham gia vào những trò may rủi, ru ngủ lương tâm vì nghĩ rằng tiền ấy dùng cho mục tiêu tốt, vì vậy không lạ chi khi thiếu niên thường sa vào thói quen với những tro chơi kích thích gây ra những sự nguy hiểm. TT20 342.2
Tinh thần theo thế gian tràn ngập trong hội thánh. Robert Atkins, trong bài giảng tại Luân Đôn, phác họa cảnh trạng suy đồi thiêng liêng của nước Anh, “Số người thật công bình càng ngày càng giảm trên mặt đất, và không ai để ý đến. Trong các hội thánh, ngày nay người ta xưng mình có đạo mà yêu mến thế gian, sống theo thế gian, thì tìm kiếm sự dễ dàng, muốn được tôn trọng. Khi được kêu gọi chịu khổ với Đấng Christ, thì họ thối lui trước sự sỉ nhục Bội đạo, bội đạo, bội đạo, đó là chữ được in vào cửa mỗi hội thánh; nếu họ biết điều ấy, và họ cảm thấy điều ấy, thì có hy vọng; nhưng tiếc thay! họ nói, “Chúng ta giàu có, và thêm của cải, chúng ta không cần chi hết.”— Second Advent Library, bài số 39. TT20 342.3
Tội trọng của Ba-by-lôn là “cho các dân uống rượu thạnh nộ tà dâm cua nó.” Chén rượu say mà nó đưa cho thế gian uống tiêu biểu những đạo lý giả được tiếp nhận trong cuộc liên kết bất chính với các vua chúa trên đất. Làm bạn với thế gian làm bại hoại đức tin mình và có ảnh hưởng tai hại cho thế gian bởi dạy những đạo lý trái nghịch với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. TT20 343.1
La Mã đã cất Kinh Thánh khỏi dân chúng và đòi hỏi họ chấp nhận giáo lý của mình. Công việc Cải chánh là phục hồi lời Đức Chúa Trời, nhưng sự thật là ngày nay các hội thánh dạy thuộc viên lập nền đức tin trên những giáo điều của hội thánh chứ không trên Kinh Thánh. Ông Charles Beecher nói về các hội Cai chánh, “Họ tránh bất cứ lời thô lỗ nào nghịch lại giáo điều của họ, với cùng cảm xúc như các giáo phụ tránh lời thô lỗ nghịch lại sự tôn sùng các thánh và các nhà tử vì đạo. . . . Các hội thánh Cải chánh tin lành đã quá chặt chẽ đến nỗi một người muốn trở nên mục sư phải chấp nhận một sách nào đó ngoài Kinh Thánh. . . . Không có gì tưởng tượng trong câu nói rằng bây giờ giáo điều có quyền lực khởi sự cấm Kinh Thánh như La Mã đã làm, mặc dù khéo léo hơn.”— Sermon on “The Bible a Sufficient Creed,” giảng tại Fort Wayne, Indiana, ngày 22 tháng 2, 1846. TT20 343.2
Khi những giáo sư trung thành giải nghĩa lời Đức Chúa Trời, thì có những người trí thức, các mục sư xưng mình hiểu Kinh Thánh lại tố cáo đạo lành là đạo lạc, khiến người ta xây bỏ lẽ thật. Nếu thế gian không say rượu Ba-by-lôn thì sẽ có đông người trở lại đạo, nhờ ảnh hưởng của lẽ thật rõ ràng trong Kinh Thánh. Nhưng đức tin có vẻ khó hiểu và mâu thuẫn, nên nhiều người không biết lẽ thật là gì. Tội không ăn năn của thế gian nằm ngay trước cửa nhà thờ. TT20 343.3
Sứ điệp của vị thiên sứ thứ hai, được khởi sự giảng vào mùa hè năm 1844, áp dụng trực tiếp cho các hội thánh ở Mỹ; sứ điệp về sự phán xét được rao truyền sâu rộng và bị chối bỏ, và sự sa sút của các hội thánh thật là mau chóng. Tuy nhiên, sự rao truyền sứ điệp của vị thiên sứ thứ hai chưa hoàn thành trong năm 1844. Bấy giờ, các hội thánh kinh nghiệm sự sa sút về đạo đức, vì đã chối bỏ sự sáng về sứ điệp phục lâm; nhưng sự sa sút chưa hoàn toàn. Vì cứ từ chối lẽ thật đặc biệt cho thời đại bấy giờ, hội thánh càng ngày càng sa sút. Tuy nhiên, người ta cũng chưa có thể nói được “Ba-by-lôn lớn đã đổ rồi, . . . vì nó có cho hết thảy các dân tộc uống rượu tà dâm thạnh nộ của nó.” Nó chưa cho hết thảy các dân tộc uống rượu của nó. Tinh thần sống theo thế gian và lãnh đạm trước lẽ thật thử nghiệm cho thời đại chúng ta càng ngày càng mạnh trong các hội Cải chánh; và các hội thánh này bị tố cáo cách nghiêm trọng và kinh khủng bởi vị thiên sứ thứ hai. Nhưng sự bội đạo cũng chưa đến cực điểm. TT20 343.4
Kinh Thánh dạy rằng trước ngày Đấng Christ tái lâm, Sa-tan sẽ “làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị va việc kỳ dối giả;” và những người “không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi, . . . mac phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối giả” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9-11). Khi nào đạt tới tình trạng ấy, và hội thánh sẽ liên kết với thế gian cách toàn diện, thì Ba-by-lôn sẽ sụp đổ hoàn toàn. Sự thay đổi này sẽ tuần tiến, và sứ điệp của Khải huyền 14:8 sẽ ứng nghiệm trọn vẹn trong tương lai. TT20 344.1
Mặc dù có sự tối tăm thiêng liêng và xa cách Đức Chúa Trời trong các giáo hội lập thành Ba-by-lôn, phần đông các tín đồ thật của Đấng Christ còn ở trong đó. Những người này chưa biết những lẽ thật đặc biệt cho thời đại ngày nay. HỌ bất mãn với tình trạng hiện tại của mình và khao khát nhận thêm ánh sáng, và họ không tìm được hình ảnh của Đấng Christ trong các hội thánh của họ. Các giáo hội này càng đi xa lẽ thật và liên kết với thế gian, thì sự khác nhau giữa hai hạng tín đồ trở nên rõ rệt, và sẽ phân rẽ ra. Thời kỳ đến, những người thật lòng yêu mến Đức Chúa Trời không thể liên kết với những người “ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó” (2 Ti-mô-thê 3:4, 5). TT20 344.2
Khải huyền 18 nói về thời kỳ mà vì sự chối bỏ của ba sứ mạng cảnh cáo trong Khải huyền 14:6-12, hội thánh sẽ sa vào tình trạng đã được vị thiên sứ thứ hai dự ngôn, và dân sự Đức Chúa Trời còn ở trong Ba-by-lôn sẽ được kêu gọi ra khỏi. Đó là sứ điệp cuối cùng gởi đến thế gian; và sẽ được hoàn thành. Khi những người “không tin lẽ thật, song chuộng sự không công bình” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:12), sẽ bị bỏ, mắc phải sự lầm lạc khiến họ tin điều giả dối, thì ánh sáng lẽ thật của Đức Chúa Trời sẽ chiếu trên những người sẵn sang nhận lấy. Lúc đó, tất cả con cái Đức Chúa Trời còn ở trong Ba-by-lôn sẽ vâng theo tiếng kêu gọi, “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn” (Khải huyền 18:4). TT20 344.3