ĐỀN THỜ Đức Chúa Trời bèn mở ra ở trên trời, hòm giao ước bày ra trong đền thờ Ngài” (Khải huyền 11:19). Hòm giao ước để trong nơi Chí thánh, phần thứ hai của đền thánh. Nghi lễ của đền thánh dưới đất là “hình bóng của những việc trên trời,” phần chí thánh chỉ được mở ra trong ngày Đại lễ Chuộc tội để làm sạch đền thánh. Vì vậy, khi chép rằng đền thờ Đức Chúa Trời mở ra và hòm giao ước bày ra chỉ về nơi chí thánh của đền thánh trên trời được mở ra năm 1844 khi Đấng Christ vào đó để làm xong công việc chuộc tội. Những người lấy đức tin theo Thầy Tế lễ Thượng phẩm khi Ngài vào nơi chí thánh, thì thấy nơi đó có hòm giao ước. Nghiên cứu về đền thánh, họ hiểu sự thay đổi trong chức vụ cua Đấng Cứu Chúa và nhìn xem Ngài trước hòm giao ước cầu thay cho kẻ có tội, nhờ huyết báu của Ngài. TT20 381.1
Hòm giao ước của đền thánh dưới đất có để hai bảng đá ghi luật pháp Đức Chúa Trời. Vì hòm giao ước chứa đựng Mười điều răn thánh nên trở thành có giá trị và thánh khiết. Khi đền thờ Đức Chúa Trời mở ra ở trên trời, hòm giao ước bày ra trong đền thờ Ngài. Vậy, chính nơi chí thánh của đền thánh trên trời bảo tồn luật pháp mà Đức Chúa Trời truyền ra giữa sấm sét trên núi Si-na-i và chính ngón tay Ngài viết trên hai bảng đá. TT20 381.2
Luật pháp Đức Chúa Trời để trong đền thánh trên trời là luật nguyên thủy, và luật đó được ghi trên hai bảng đá mà Môi-se chép lại trong Ngũ kinh đúng theo nguyên văn. Những người nhận thức sự quan trọng này mới hiểu tính cách thánh khiết và không thay đổi của luật pháp Đức Chúa Trời. Hơn lúc nào hết, họ thấy giá trị của những lời Đấng Cứu Thế đã phán, “Đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được, cho đến khi mọi sự được trọn” (Ma-thi-ơ 5:18). Luật pháp Đức Chúa Trời khải thị ý muốn Ngài, là bản sao của bản tính Ngài, là luật pháp được “vững lập đời đời trên trời.” Không một điều răn nào của Ngài bị hủy bỏ; không một chấm hay một nét nào trong luật pháp bị thay đổi. Tác giả Thi thiên viết, “Hỡi Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời” (Thi thiên 119:89). “Các giềng mối Ngài đều là chắc chắn, được lập vững bền đời đời vô cùng” (Thi thiên 111:7, 8). TT20 382.1
Ở giữa Mười Điều răn là điều răn thứ tư, điều răn này truyền dạy, “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngay, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hôva đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11). TT20 382.2
Thánh Linh Đức Chúa Trời cảm động lòng những người nghiên cứu lời Đức Chúa Trời. Ngài cáo giác họ là đã vi phạm vô ý thức điều răn ấy, không nhận biết ngày nghỉ của Đấng Tạo Hóa. Họ bắt đầu nghiên cứu những lý do tại sao ngày thứ nhất trong tuần lễ được tuân giữ thay thế ngày Đức Chúa Trời đã biệt riêng ra thánh. Họ chẳng tìm thấy một bằng cớ nào trong Kinh Thánh về sự hủy bỏ điều răn thứ tư hay thay đổi ngày Sa-bát; Đức Chúa Trời không bao giờ rút lại ơn phước dã ban cho ngày thứ bảy lúc ban đầu. Họ thành thật tìm kiếm để hiểu biết và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời; họ đau đớn nhìn nhận đã vi phạm luật pháp Chúa, và để bày tỏ lòng trung tín với Ngài, họ quyết định vâng giữ ngày Sa-bát thánh của Chúa. TT20 382.3
Nhiều người đã cố gắng cám dỗ họ chối bỏ đức tin ấy. Nhưng khi họ đã hiểu rõ đền thánh dưới đất là hình bóng của đền thánh trên trời, thì luật pháp để trong hòm giao ước nơi đền thánh dưới đất là bản sao của luật pháp trong đền thánh trên trời. Đối với họ, chấp nhận lẽ thật về đền thánh trên trời tức là nhận thức luật pháp Đức Chúa Trời và bổn phận giữ ngày Sa-bát của điều răn thứ tư. Đây là sự bí ẩn của việc chống đối cách cay đắng và quyết liệt chống lại sự trình bày hòa hợp của Kinh Thánh về chức vụ Đấng Christ trong đền thánh trên trời. Người ta cố gắng đóng cái cửa mà Đức Chúa Trời đã mở, và mở cái cửa mà Đức Chúa Trời đã đóng. Nhưng Đấng đã “mở thì không ai đóng được, đóng thì không ai mở được” (Khải huyền 3:7,8). Đức Chúa Giê-su đã mở cửa nơi chí thánh; nguồn ánh sáng lớn chiếu từ cái cửa ấy, và điều răn thứ tư được bày tỏ là cũng thuộc về luật pháp thánh. Điều gì Đức Chúa Trời đã thiết lập, không ai có thể lật đổ được. TT20 383.1
Những người đã chấp nhận ánh sáng về chức vụ cầu thay của Đức Chúa Giê-su và sự vĩnh cửu của luật pháp Đức Chúa Trời thấy rằng đây là lẽ thật được trình bày trong Khải huyền đoạn 14. Ba sứ điệp trong đoạn này là ba lời cảnh báo (xem Phụ lục) để chuẩn bị dân cư trên đất về ngày tái lâm của Chúa. Lời rao truyền, “Giờ phán xét của Ngài đã đến,” chỉ về sự kết thúc công việc cầu thay của Đức Chúa Giê-su trong chương trình cứu chuộc loài người. Sứ điệp ấy công bố lẽ thật cần được rao truyền cho đến khi Đấng Cứu Thế chấm dứt công việc cầu thay, và Ngài sẽ phục lâm để đem dân sự Chúa về trời. Công việc phán xét bắt đầu từ năm 1844 phải được tiếp tục cho đến khi hồ sơ của người chết và người sống được xét xong; như vậy sẽ kéo dài đến hết thời kỳ ân điên. Muốn cho loài người có thể đứng nổi trước mặt Chúa trong thời kỳ phán xét,Chúa ban sứ điệp, “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài.” Và “Hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biên và các suối nước” (Khải huyền 14:7). Kết quả của sự vâng theo sứ điệp ấy được chép như sau, “Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: chúng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Giê-su” (Khải huyền 14:12). Để dọn mình sẵn sàng cho sự phán xét, loài người cần giữ luật pháp Đức Chúa Trời. Luật pháp đó là mẫu mực của sự phán xét. Sứ đồ Phao-lô viết, “Còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp đoán xét, . . . trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người” (Rô-ma 2:12, 16). Sứ đồ cũng nói, “Kẻ làm theo luật pháp được xưng công bình vậy” (Rô-ma 2:13). Đức tin rất cần thiết cho sự giữ luật pháp Đức Chúa Trời; vì “không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Ở đây sứ đồ ám chỉ lời ông đã nói, “Phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi” (Rô-ma 14:23). TT20 383.2
Vị thiên sứ thứ nhất kêu gọi loài người, “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh Ngài” và thờ phượng Đấng dựng nên trời đất. Để làm được điều này, người ta phải vâng giữ luật pháp Ngài. “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết này: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi” (Truyền đạo 12:13). Không giữ điều răn Ngài thì không có sự thờ phượng nào có thể đẹp lòng Đức Chúa Trời. “Vì này là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài” (1 Giăng 5:3). “Người nào xây tai không khứng nghe luật pháp, lời cầu nguyện người ấy cũng là một sự gớm ghiếc” (Châm ngôn 28:9). TT20 384.1
Phận sự của chúng ta là thờ phượng Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, và Ngài là Đấng ban sự sống cho mọi loài. Trong Kinh Thánh, mỗi lần Ngài đòi hỏi sự tôn kính và thờ phượng cao hơn tất cả các thần của dân ngoại, thì Ngài nói đến bằng chứng của quyền năng sáng tạo Ngài. “Vì những thần của các dân đều là hình tượng; còn Đức Giê-hôva đã dựng nên các từng trời” (Thi thiên 96:5). “Đấng Thánh phán rằng: Vậy thì các ngươi sánh ta cùng ai? Ai sẽ bằng ta? Hãy ngước mắt lên cao mà xem: ai đã tạo những vật này?” (Ê-sai 40:25, 26), “Vì Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững. . . Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!” (Ê-sai 45:18). Tác giả Thi thiên viết, “Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài” (Thi thiên 100:3). “Khá quỳ gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa chúng tôi” (Thi thiên 95:6). Các thánh thờ phượng Đức Chúa Trời ở trên trời cho ta thấy lý do sự thờ phượng của họ. “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quý và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật” (Khải huyền 4:11). TT20 384.2
Ba sứ điệp của Khải huyền 14 kêu gọi loài người thờ phượng Đấng Tạo Hóa, và kết quả của sự kêu gọi đó là có một dân sự vâng giữ điều răn Đức Chúa Trời. Một trong các điều răn đó nói rõ ràng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Điều răn thứ tư dạy rằng, “Ngày thứ bảy là ngay nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. . . Vì trong sáu ngay Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10, 11). Nói về ngày nghỉ, Chúa có phán, “Hãy biệt những ngày Sa-bát Ta ra thánh, nó sẽ làm dấu giữa Ta va các ngươi, hầu cho các ngươi biết rằng Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi” (Ê-xê-chi-ên 20:20). Và đây là lý do, “Vì Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời và đất trong sáu ngày, qua ngày thứ bảy Ngài nghỉ và lấy sức lại” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:17). TT20 384.3
“Ngày Sa-bát kỷ niệm của sự tạo thế là một điều rất quan trọng, vì ngày đó nhắc chúng ta lý do chính để thờ phượng Đức Chúa Trời”—vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, và chúng ta là loài thọ tạo của Ngài. “Như vậy ngày Sa-bát là nền tảng của sự thờ phượng Đức Chúa Trời, vì ngày ấy dạy lẽ thật chính yếu cách rõ ràng, mà không một nghi lễ nào có thể dạy. Lý do chính để thờ phượng Chúa chẳng phải chỉ vì ngày thứ bảy mà thôi, nhưng tất ca mọi sự thờ phượng, là để phân biệt giữa Đấng Tạo Hóa và loài thọ tạo. Việc này chẳng bao giờ bị hủy bỏ, va cũng chẳng bao giờ bị quên mất.”—J. N. Andrews, History of the Sabbath, chương 27. Để nhắc chúng ta luôn nhớ lẽ thật này mà Ngài đã thiết lập ngày Sa-bát trong vườn Ê-đen; ngày nào Ngài còn là Đấng Tạo Hóa của chúng ta, thì ngày đó vẫn còn là lý do chúng ta nên thờ phượng Ngài, và ngày Sa-bát sẽ tiếp tục là dấu và kỷ niệm của Ngài. Nếu cả thế giới đều giữ ngày Sa-bát, thì tư tưởng, tình cam của loài người đều hướng về Đấng Tạo Hóa, là Đấng đáng được tôn kính, thờ phượng, và sẽ chẳng bao giờ có người thờ hình tượng, vô tín hay vô thần. Sự giữ ngay Sa-bát là dấu chỉ sự trung thành với Đức Chúa Trời chân thật, là “Đấng dựng nên trời, đất, biển, và các suối nước.” Vì thế, sứ điệp truyền dạy loài người thờ phượng Đức Chúa Trời và giữ điều răn Ngài sẽ kêu gọi họ vâng giữ điều răn thứ tư. TT20 385.1
Tương phản với những người giữ điều răn Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Giê-su, vị thiên sứ thứ ba cảnh cáo một hạng người khác tin theo những sự sai lầm, “Nếu ai thờ phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh nộ không pha của Đức Chúa Trời” (Khải huyền 14:9, 10). Muốn hiểu sứ điệp này phải biết đúng ý nghĩa các hình bóng dùng trong đó. con thú, tượng con thú va dấu con thú là gì? TT20 385.2
Những lời tiên tri trong Khải huyền 12 có nói đến các hình bóng trên, khởi sự với con rồng tìm cách giết Đấng Christ khi mới sinh ra. Con rồng là Sa-tan (Khải huyền 12:9); chính nó đã xúi Hê-rốt giết Đấng Cứu Thế. Nhưng phương tiện chính mà Sa-tan dùng để tranh chiến với Đấng Christ và dân sự Ngài vào những thế kỷ đầu tiên là đế quốc La Mã mà ngoại giáo là tôn giáo chính. Trước hết, con rồng chỉ về Sa-tan, và sau đó con rồng cũng là hình bóng của La Mã ngoại giáo. TT20 386.1
Khải huyền 13 (câu 1-10) tả một con thú khác giống như “con beo” và “con rồng đã lấy sức mạnh, ngôi, và quyền phép lớn mà cho nó.” Phần đông tín đồ Cải chánh tin tưởng rằng hình bóng này chỉ về quyền thế giáo hoàng đã chiếm được “sức mạnh, ngôi và quyền phép lớn” của đế quốc La Mã ngày xưa. Về con thú giống như con beo, Kinh Thánh chép, “Nó được ban cho cái miệng nói những lời kiêu ngạo phạm thượng. . . . Vậy, nó mở miệng ra nói những lời phạm đến Đức Chúa Trời, phạm đến danh Ngài, đền tạm Ngài cùng những kẻ ở trên trời. Nó lại được phép giao chiến cùng các thánh đồ và được thắng. Nó cũng được quyền trị mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng và mọi nước.” Lời tiên tri này giống như lời tiên tri miêu tả cái sừng nhỏ trong sách Đa-niên đoạn 7, chỉ về quyền thế giáo hoàng. TT20 386.2
“Nó lại được quyền làm việc trong bốn mươi hai tháng.” Tiên tri nói thêm, “Một cái trong các cai đầu nó như bị thương đến chết.” “Nếu ai bắt người làm phu tù, chính mình sẽ bị làm phu tù; nếu ai giết người bằng gươm, mình phải bị giết bằng gươm.” Bốn mươi hai tháng tức là “một kỳ, những kỳ, và nửa kỳ,” ba năm rưỡi, hay 1260 ngày, của Đa-ni-ên 7—trong thời gian này quyền thế giáo hoàng bắt bớ dân sự Đức Chúa Trời. Chúng ta đã nói đến các thời kỳ này trong những đoạn trước; thời kỳ này bắt đầu với quyền tối cao của giáo hoàng vào năm 538 và mãn năm 1798. Bấy giờ giáo hoang bị đạo binh Pháp bắt bỏ tù, tức là giáo hoàng đã bị một “vet tử thương.” Như thế là ứng nghiệm lời tiên tri, “Nếu ai bắt người làm phu tù, chính mình sẽ bị làm phu tù” (Khải huyền 13:1-10). TT20 386.3
Ở đây một hình bóng khác xuất hiện. Tiên tri nói, “Tôi lại thấy từ dưới đất lên một con thú khác, có hai sừng như sừng chiên con” (Khải huyền 13:11). Hình dáng con thú này va thái độ nó chỉ về một nước khác hẳn với những nước được tiêu biểu bởi các hình bóng trước. Các đế quốc lớn cai trị trên thế gian hiện ra trước mắt tiên tri Đa-ni-ên dưới hình bóng các thú ăn thịt từ dưới biển lên, “có bốn hướng gió trên trời xô xát trên biển lớn” (Đa-ni-ên 7:2). Trong Khải huyền 17, thiên sứ nói các dòng nước chỉ về “các dân tộc, các chúng, các nước và các tiếng” (Khải huyền 17:15). Gió tiêu biểu cho chiến tranh. Bốn hướng gió trên trời xô xát trên biển lớn tiêu biểu cho những cuộc chinh phục và cách mạng khủng khiếp mà các nước sử dụng để đạt được quyền thế. TT20 387.1
Nhưng con thú có hai sừng như sừng chiên con “từ dưới đất lên.” Thay vì lật đổ các nước khác để đoạt quyền lực, nước này dấy lên tại một lãnh thổ không dân cư, từ từ phát triển cách hòa bình. Nó không thể dấy lên từ các dân tộc thuộc Cựu Thế giới, tức là không phải từ biển hỗn loạn “các dân tộc, các chúng, các nước va các tiếng.” Nước này ở miền Tây lục địa. TT20 387.2
Quốc gia nào trong Tân Thế giới dấy lên với quyền lực vào năm 1798 làm cho thế giới chú ý và hứa hẹn một tương lai hùng cường và cao trọng? Không ai nghi vấn khi áp dụng hình bóng này. Một nước, và chỉ một nước mà thôi hội đủ điều kiện của lời tiên tri này; đó là Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Nhiều lần tư tưởng và những lời của tiên tri được các sử gia và diễn giả đã dùng cách vô tình để miêu tả sự xuất hiện và phát triển của nước ấy. Con thú “từ dưới đất lên;” và theo các nhà chú giải, chữ “từ dưới đất lên” có nghĩa là “lớn lên, mọc lên như một cây.” Như chúng ta đã thấy, nước ấy phải dấy lên trên một lãnh thổ trước đó không có dân cư. Một nhà văn nổi tiếng miêu tả sự dấy lên của Hiệp Chủng quốc như sau,“Dân tộc này xuất hiện cách huyền diệu từ chỗ không không.” Và “Như một hột giống yên lặng, chúng ta đã lớn lên thành một đế quốc.”—G. A. Townsend, The New World Compared With the Old, trang 462. Năm 1850, một tờ báo Âu châu nói Hiệp Chủng quốc như một đế quốc lạ lùng “trổi lên từ giữa đất yên lặng và mỗi ngày thêm quyền lực và kiêu hãnh.”— The Dublin Nation. Trong bài diễn thuyết về các người Di Dân sáng lập nước này, Edward Everett đã nói, “Phải chăng họ tìm một nơi hẻo lánh, vô hại vì vắng vẻ và an toàn vì xa xoi, là nơi mà hội thánh nhỏ bé Leyden được hưởng sự tự do lương tâm? Hãy xem những vùng mạnh mẽ mà họ đã chinh phục cách hòa hảo, . . . họ đã phất cờ thập tự lên trên đó!”— Bài diễn văn tại Plymouth, Massachusetts, 22 tháng 12, 1824, trang 11. TT20 387.3
Con thú “có hai sừng như sừng chiên con.” Những sừng như sừng chiên con tiêu biểu cho sự trẻ trung, vô tội, và hiền lành, rất thích hợp với bản tính của Hiệp Chủng quốc, khi nhà tiên tri thấy nó “từ dưới đất lên” năm 1798. Trong số những Cơ Đốc nhân lưu đày chạy trốn qua Mỹ châu để tránh sự đàn áp của các vua và sự cố chấp của các linh mục, có nhiều người quyết định lập một quốc gia trên nền tảng tự do dân quyền và tôn giáo. Những quan điểm của họ được ghi trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, phát biểu sự thật vĩ đại là “mọi người được dựng nên bình đẳng” và được ban cho quyền bất khả xâm phạm để “sống, được tự do và tìm hạnh phúc.” Và Hiến Pháp cũng bảo đảm dân chúng quyền tự trị bằng cách bầu cử đại biểu để ban hành và thi hành luật. Sự tự do tín ngưỡng cũng được bảo đảm, mỗi người được tự do thờ phượng Đức Chúa Trời theo lương tâm mình. Chủ nghĩa cộng hòa và giáo phái Tin lành trở nên nguyên tắc chính yếu cho nước này. Những nguyên tắc này là bí quyết của sự thịnh vượng và quyền thế của Hoa Kỳ. Những Cơ Đốc nhân bị bắt bớ và đàn áp hướng về nước này với đẩy dẫy hy vọng. Hàng triệu người đi tìm bờ biển tự do này, và Hiệp Chủng quốc trở nên một nước hùng cường nhất trên thế giới. TT20 388.1
Nhưng con thú có hai sừng chiên con “nói như con rồng. Nó cũng dùng mọi quyền phép của con thú trước tại trước mặt con thú ấy, và nó bắt thế gian cùng dân cư nó phải thờ lạy con thú trước, là con có vít thương đến chết đã được lành. . . . và khuyên dân cư trên đất tạc tượng cho con thú đã bị thương bằng gươm và đã sống lại” (Khải huyền 13:11-14). TT20 388.2
Có sừng giống như sừng chiên con và nói như con rồng là hình bóng chỉ sự mâu thuẫn giữa sự tuyên bố và hành động của nước này. Một nước “nói” nghĩa là dùng quyền lập pháp và tư pháp của mình, và con thú này cũng dùng những luật lệ làm trái những nguyên tắc tự do và hòa bình. Lời tiên tri dự ngôn về con thú này nói “như con rồng” và “dùng mọi quyền phép của con thú trước tại trước mặt con thú ấy,” báo trước sự phát triển một tinh thần cố chấp và bắt bớ đã được thể hiện bởi những quốc gia mà con rồng và con beo tượng trưng. Và câu, “Nó bat thế gian cùng dân cư nó phải thờ lạy con thú trước” chỉ rằng nước này sẽ dùng quyền lực để bắt buộc dân chúng tuân giữ những luật lệ để bày tỏ lòng tôn sùng quyền thế giáo hoàng. TT20 388.3
Hành động như thế là trái với nguyên tắc của chính phủ và bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp. Các nhà lập quốc đã khôn ngoan ngăn ngừa giáo hội lạm dụng quyền hành chánh, vì dĩ nhiên sẽ dẫn đến hậu quả không tránh được là sự cố chấp và bắt bớ. Hiến pháp tuyên bố rằng “Quốc hội sẽ không ban hành luật lệ cho phép thành lập một tôn giáo, hay ngăn cấm sự tự do hành đạo,” và “tôn giáo sẽ không phải là một điều kiện để nhận một chức vụ trong chính phủ ở Hiệp Chủng quốc.” Chỉ khi nào sự tự do này bị vi phạm thì chính quyền mới ép buộc phải tuân giữ những luật lệ tôn giáo. Và đó là sự mâu thuẫn mà con thú có hai sừng chiên con vi phạm như lời tiên tri đã dự ngôn—xưng mình trong sạch, hiền lành, vô hại—nhưng nói như con rồng. TT20 389.1
“Khuyên dân cư trên đất tạc tượng cho con thú.” Đây là một chính phủ mà quyền lập pháp ở trong tay dân chúng; một bằng chứng rõ ràng về Hiệp Chủng quốc như lời tiên tri đã viết. TT20 389.2
Nhưng “tượng con thú” là gì? và tạc tượng con thú như thế nào? Con thú có hai sừng đã tạc tượng con thú. Muốn biết tượng ấy ra sao, và được tạc thế nào, chúng ta phải nghiên cứu những đặc tính của con thú—tức là quyền thế giáo hoàng. TT20 389.3
Khi hội thánh đầu tiên trở nên bại hoại vì từ bỏ Phúc âm thuần túy và chấp nhận những nghi lễ và phong tục ngoại giáo thì hội thánh đã mất Đức Thánh Linh và quyền phép của Đức Chúa Trời; và để điều khiển lương tâm của dân chúng, họ đã dựa vào thế lực chính phủ. Và kết quả là sự thành lập quyền thế giáo hoàng, tức là một giáo hội điều khiển chính quyền và dùng quyền lực đó để đạt mục đích của mình, đặc biệt là để trừng phạt “dị giáo.” Để Hiệp Chủng quốc tạc tượng con thú, giáo hội phải điều khiển chính phủ, và lợi dụng quyền thế này để hoàn thành mục đích mình. TT20 389.4
Bất cứ khi nào mà giáo hội đạt được quyền thế chính trị, thì họ dùng quyền đó để trừng phạt những người không đồng ý với giáo lý của mình. Những hội Cải chánh đã đi theo đường lối La Mã bằng cách liên kết với quyền lực thế gian để hạn chế sự tự do lương tâm. Một ví dụ về điều này là thời kỳ bắt bớ lâu dài của Anh Giáo nghịch cùng những người không theo đường lối mình. Trong thế kỷ mười sáu và mười bảy, hằng ngàn mục sư không theo Anh giáo phải bỏ hội thánh họ, và một số đông người, mục sư và tín đo bị phạt vạ, tù đày, tra tấn, và tử vì đạo. TT20 389.5
Sự bỏ đạo ấy khiến cho hội thánh đầu tiên tìm sự nâng đỡ của chính phủ, và dọn đường cho quyền thế giáo hoàng, tức là con thú. Sứ đồ Phao-lô có nói về vấn đề ấy như sau, “Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Sự bỏ đạo của hội thánh sẽ dọn đường cho tượng con thú. TT20 390.1
Kinh Thánh tuyên bố rằng trước khi Chúa tái lâm, sẽ có một sự sa sút đạo đức giống như trong những thế kỷ đầu tiên. “Trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó” (2 Ti-mô-thê 3:1-5). “Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỷ dữ” (1 Ti-mô-thê 4:1). Sa-tan sẽ “làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả.” Và tất cả những người “không nhận lãnh sự yêu thương của lẽ thật để được cứu rỗi” sẽ “mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối giả” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9-11). Khi tội ác đã lên tới bậc đó, thì kết quả cũng giống như trong các thế kỷ đầu. TT20 390.2
Nhiều người cho rằng sự tin kính khác nhau giữa các hội thánh Tin lành là một bằng chứng chắc chắn họ chẳng bao giờ thống nhất được. Nhưng trong nhiều năm nay, các hội thánh Tin lành đã tiến dần đến sự thống nhất lập nền trên những điều tin kính giống nhau. Để bảo đảm sự thống nhất ấy, họ thảo luận và loại bỏ những đề tài không được sự đồng ý chung—mặc dù rất quan trọng trong Kinh Thánh. TT20 390.3
Trong bài giảng năm 1846, Charles Beecher tuyên bố, “Chẳng những các hội Tin lành được thành lập dưới áp lực mạnh mẽ của loài người, mà họ còn sống, di chuyên và hô hấp trong tình trạng bại hoại, và mỗi giờ hướng về bản tính đê tiện của mình để làm nghẹt lẽ thật, và quỳ gối trước quyền lực bội đạo. Phải chăng đó là những việc của La Mã? Chúng ta há không lập lại lịch sử La Mã sao? Và chúng ta sẽ thấy gì? Một hội nghị mới! Một hội nghị thế giới! Một liên hiệp hội Tin lành với những điều tin kính chung!”—Bài giảng về “The Bible a Sufficient Creed,” tại Fort Wayne, Indiana, 22 tháng 2, 1846. Khi công việc này được thực hiện, lúc đó để đạt được sự thống nhất, chỉ còn một bước nữa là dùng đến sức mạnh. TT20 390.4
Khi những hội thánh lớn ở Hiệp Chủng quốc thống nhất về những điểm chung trong giáo lý, họ sẽ ảnh hưởng chính quyền để bắt buộc người ta giữ những luật lệ của họ, và nâng đỡ các cơ sở của họ, thì lúc đó các hội thánh Tin lành ở Hoa Kỳ sẽ tạc tượng theo đẳng cấp La Mã, và kết quả dĩ nhiên là trừng phạt các người bất đồng với họ. TT20 391.1
Con thú có hai sừng “khiến mọi người, nhỏ và lớn, giàu và nghèo, tự chủ và tôi mọi, đều chịu ghi dấu hoặc trên tay hữu, hoặc trên trán, hầu cho người nào không có dấu ấy, nghĩa là không có danh con thú hay số của tên nó, thì không thể mua cùng bán được” (Khải huyền 13:16, 17). Vả, sứ điệp của vị thiên sứ thứ ba là, “Nếu ai thờ phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh nộ không pha của Đức Chúa Trời” (Khải huyền 14:9, 10). “Con thú” trong sứ điệp này mà con thú có hai sừng bắt buộc người ta thờ lạy, tức là con thú thứ nhất, giống như con beo trong Khải huyền 13—tức là giáo hoàng. “Tượng con thú” tiêu biểu cho các giáo hội Tin lành bội đạo sẽ được thành hình khi các hội này dựa vào quyền lực chính trị để bắt buộc dân chúng tin theo những tín điều của họ. “Dấu con thú” sẽ được giải nghĩa sau. TT20 391.2
Sau lời cảnh cáo về sự thờ phượng con thú cùng tượng nó, tiên tri nói thêm, “Đây tỏ ra sự nhịn nhục của các thánh đồ: chúng giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Giê-su” (Khải huyền 14:12). Đây cho chúng ta thấy sự tương phản giữa những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời cùng những người thờ lạy con thú và tượng nó, và chịu dấu của nó, chứng tỏ rằng một bên vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời và một bên vi phạm luật pháp Ngài. Đó là sự phân biệt rõ ràng giữa những người thờ phượng Đức Chúa Trời và những kẻ thờ lạy con thú. TT20 391.3
Đặc điểm của con thú cũng như của tượng nó là sự vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Nói về quyền lực cái sừng nhỏ, tức là giáo hoàng, tiên tri Đa-ni-ên viết, “Vua đó . . . định ý đổi những thời kỳ và luật pháp” (Đa-ni-ên 7:25). Phao-lô gọi quyền lực đem mình lên cao hơn Đức Chúa Trời là “người tội ác (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4). Hai lời tiên tri này bổ túc cho nhau. Chỉ bởi thay đổi luật pháp Đức Chúa Trời, giáo hoàng mới có thể đem mình lên cao hơn Đức Chúa Trời. Và hễ ai cố ý vâng theo luật pháp bị thay đổi đó, tức là tôn trọng quyền thế đã làm việc thay đổi ấy. Phục tùng luật pháp giáo hoàng sẽ là một dấu trung thành với giáo hoàng thay vì với Đức Chúa Trời. TT20 392.1
Giáo hoàng đã định ý thay đổi luật pháp Đức Chúa Trời. Điều răn thứ hai cấm thờ hình tượng thì đã bị hủy bỏ, và điều răn thứ tư đã bị thay đổi, truyền giữ ngày thứ nhất làm ngày yên nghỉ thay thế cho ngày thứ bảy. Các nhà thần học của giáo hoàng cho rằng điều răn thứ hai không cần thiết nên bị hủy bỏ, vì đã được nói đến trong điều răn thứ nhất, và họ đã truyền dạy luật pháp giống y như Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu được. Họ lý luận đây không phải là sự thay đổi đã được dự ngôn trong lời tiên tri. Nhưng sự cố ý thay đổi luật pháp đã được trình bày, “Vua định ý đoi những thời kỳ và luật pháp.” Sự thay đổi điều răn thứ tư ứng nghiệm lời tiên tri này, và giáo hội đã tự nhận mình có quyền đo. Nơi đây, quyền thế giáo hoàng đã công khai tôn mình lên cao hơn Đức Chúa Trời. TT20 392.2
Trong khi những người thờ phượng Đức Chúa Trời được phân biệt vì họ vâng giữ điều răn thứ tư,—đó là dấu của quyền năng sáng tạo, và bằng chứng lời tuyên bố của Ngài, đòi hỏi loai người phải tôn kính và thờ phượng,—còn những kẻ thờ phượng con thú thì cố gắng bỏ ngày kỷ niệm của Đấng Tạo Hóa để tôn trọng ngày La Mã thiết lập. Bởi sự tôn trọng ngày thứ nhất, quyền thế giáo hoàng đã xác nhận mình thay đổi luật pháp Đức Chúa Trời, và phương cách đầu tiên của họ là dùng thế lực chính trị để bắt buộc giữ ngày Chủ nhật là “ngày của Chúa.” Nhưng Kinh Thánh chỉ noi đến ngày thứ Bảy chớ chẳng bao giờ nói đến ngày thứ nhất là ngày của Chúa. Đức Chúa Giê-su đã phán, “Vậy thì Con người cũng làm Chủ ngày Sa-bát” (Mác 2:28). Và điều răn thứ tư được chép, “Ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.” Trong sách tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời gọi ngày ấy là “Ngày thánh của Ta” (Ê-sai 58:13). TT20 392.3
Người ta thường nói Đức Chúa Giê-su đã thay đổi ngày Sa-bát, điều này không đúng với lời Ngài đã phán. Trong bài giảng trên núi, Ngài truyền rằng, “Các ngươi đừng tưởng Ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri;Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì Ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng” (Ma-thi-ơ 5:17-19). TT20 393.1
Tín đồ Tin lành thú nhận rằng Kinh Thánh không cho phép thay đổi ngày Sa-bát. Điều này đã được viết rõ ràng trong những sách báo do American Tract Society và American Sunday School Union phát hành. Một trong những tác phẩm ấy có nói đến, “Sự im lặng tuyệt đối của Tân Ước về điều răn ngày Sa-bát [Sunday, ngày thứ nhất của tuần lễ] hay những luật lệ để giữ ngày này.”—George Elliott, The Abiding Sabbath, trang 184. TT20 393.2
Một tác giả khác có viết, “Cho tới khi Chúa chết, không có sự thay đổi nào về ngày;” và “chẳng có gì chứng minh rằng các sứ đồ đã truyền bỏ ngày thứ Bảy Sa-bát mà giữ ngày thứ nhất trong tuần lễ.”—A. E. Waffle, The Lord’s Day, trang 186-188. TT20 393.3
Các tác giả Công giáo nhìn nhận sự thay đổi ngày Sa-bát là việc làm cua giáo hội họ, và tuyên bố rằng các hội Tin lành phục tùng quyền thế họ trong sự giữ ngày thứ Nhất. Trong quyển Giao lý Công giáo Catholic Catechism of Christian Religion, để trả lời câu hỏi phải giữ ngày nào của điều răn thứ tư, thì được trả lời, “Chúng ta đọc trong luật pháp cũ, thứ Bảy là ngày được biệt ra thánh. Nhưng hội thánh được dạy dỗ bởi Đức Chúa Giê-su Christ, và được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh, đã thay thế ngày Chủ nhật cho ngày thứ Bảy; vì vậy, bây giờ chúng tôi biệt ngày thứ Nhất ra thánh, chứ không phải ngày thứ Bảy. Bây giờ Chủ nhật là ngày của Chúa.” TT20 393.4
Để chứng tỏ quyền thế của giáo hội Công giáo, những tác giả của hội này viết, “Việc thay đổi ngày Sa-bàt ra ngày Chủ nhật mà các hội Tin lành thừa nhận, . . . giữ ngày Chủ nhật, tức là nhìn nhận giáo hội có quyền đặt ra các ngày lễ và bắt phải tuân giữ, ai không tuân theo thì bị kể là phạm tội.”— Henry Tuberville, An Abridgment of the Christian Doctrine, trang 58. Như vậy, sự thay đổi ngày Sa-bát không phải là dấu của quyền thế giáo hội La Mã, hay nói cách khấc, “dấu của con thú” sao? TT20 393.5
Giáo hội La Mã đã tự nhận mình có quyền tối thượng; và cả thế giới với các hội Tin lành cũng đồng ý như vậy khi họ chấp nhận ngày yên nghỉ của hội nay, và từ bỏ ngày Sa-bát của Kinh Thánh. Họ có thể tuyên bố sự thay đổi là do quyền thế của các giáo phụ và lời truyền khẩu; nhưng làm như vậy là họ khinh thường nguyên tắc đã khiến họ phân rẽ khỏi giáo hội La Mã—đó là “Kinh Thánh, và chỉ Kinh Thánh mà thôi, là mẫu mực đức tin của Tin lành.” La Mã thấy rõ họ tự lừa dối mình và nhắm mắt trước những sự kiện xác đáng. Khi phong trào bắt buộc giữ ngày Chủ nhật được bành trướng, La Mã vui mừng tin chắc rằng cả thế giới Tin lành sẽ quy thuận dưới quyền thế mình. TT20 394.1
Giáo hội La Mã tuyên bố rằng, “Sự giữ ngày Chủ nhật của các hội Tin lành chứng tỏ rằng họ đã tôn trọng quyền thế hội Công giáo.”—Mgr. Segur, Plain Talk About the Protestantism of Today, trang 213. Sự bắt buộc giữ ngày Chủ nhật của các hội Tin lành là bắt buộc thờ lạy giáo hoàng—tức con thú. Những người khi đã hiểu biết điều răn thứ tư, nhưng lựa chọn giữ ngày yên nghỉ giả thay vì ngày Sa-bát thật, là họ đã tôn trọng quyền thế tạo nên ngày ấy. Nhưng khi chính quyền bắt buộc phải giữ một ngày tôn giáo, các hội thánh đã tự tạc tượng con thú; vì vậy khi nước Hoa Kỳ bắt buộc mọi người giữ ngày Chủ nhật, là họ đã bắt buộc người ta thờ lạy con thú và tượng nó. TT20 394.2
Tín hữu ngày xưa có giữ ngày Chủ nhật, vì tin chắc rằng đó là ngày Sa-bát của Kinh Thánh. Ngày nay, trong các giáo hội, kể cả Công giáo La Mã, có những tín đồ chân thật tin rằng Chủ nhật la ngày Đức Chúa Trời thiết lập. Chúa chấp nhận lòng thành thật và trung tín của họ. Nhưng khi luật pháp bắt buộc giữ ngày Chủ nhật, và khi cả thế gian được soi sáng về bổn phận đối với ngày Sa-bát thật, thì người nào phạm điều răn của Đức Chúa Trời, và vâng theo quyền thế của giáo hội La Mã, là họ đã tôn trọng giáo hoàng hơn là tôn trọng Đức Chúa Trời. Họ đã vâng phục và cúi đầu trước quyền thế La Mã. Họ đã thờ lạy con thú và tượng nó. Khi loài người từ chối ngày Đức Chúa Trời tuyên bố là dấu của quyền thế Ngài, và tôn trọng ngày mà La Mã đã lựa chọn là dấu tối thượng của mình, thì họ đã chấp nhận trung tín với La Mã—tức là nhận “dấu con thú.” Nhưng cho tới khi vấn đề này được trình bày rõ ràng trước công chúng, và họ phải lựa chọn giữa luật pháp Đức Chúa Trời và luật của loài người, thì lúc đó những người tiếp tục vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời sẽ nhận “dấu con thú.” TT20 394.3
Lời cảnh cáo đáng sợ nhất đã truyền cho loài người được ghi chép trong sứ điệp của vị thiên sứ thứ ba. Đây là một tội kinh khủng đến nỗi cơn thạnh nộ không pha với tình thương của Đức Chúa Trời giáng trên tội nhân. Loài người không cần phải ở trong sự tối tăm, không biết về sứ điệp quan trọng này; sự cảnh cáo về tội này phải được rao truyền khắp thế giới trước ngày phán xét của Đức Chúa Trời, hầu cho mọi người đều biết lý do tại sao họ bị hành phạt, và có dịp tránh khỏi. Lời tiên tri chép vị thiên sứ thứ nhất sẽ rao truyền cho “mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc.” Sứ điệp cảnh cáo của vị thiên sứ thứ ba cũng phải được rao truyền cách sâu rộng. Lời tiên tri tuyên bố một vị thiên sứ bay giữa trời, lớn tiếng rao truyền sứ điệp cảnh cáo này; như thế là cả thế gian đều biết. TT20 395.1
Trong vấn đề này, Cơ Đốc nhân chia ra hai phe: một phe gồm những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin của Đức Chúa Giê-su, một phe gồm những kẻ thờ lạy con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi. Mặc dầu giáo hội và chính quyền sẽ liên kết quyền lực để bắt “mọi người, nhỏ và lớn, giàu và nghèo, tự chủ và tôi mọi” (Khải huyền 13:16) nhận “dấu con thú,” nhưng dân sự Đức Chúa Trời sẽ không nhận dấu con thú. Sứ đồ Giăng trên đảo Bát-mô thấy “những kẻ đã thắng con thú và hình tượng nó cùng số của tên nó, đứng bên biền pha-ly đó mà nâng đờn cầm của Đức Chúa Trời. Chúng hát bài ca Môi-se, là tôi tớ Đức Chúa Trời, và bài ca Chiên Con” (Khải huyền 15:2, 3). TT20 395.2