TRƯỚC KHI phạm tội, A-đam hưởng sự thông công trực tiếp với Đấng Tạo Hóa; nhưng người đã tự phân cách khỏi Đức Chúa Trời vì sự bất phục tùng, nên từ đó loài người đã mất đặc quyền cao quý ấy. Tuy nhiên, qua chương trình cứu rỗi, con đường thông công giữa nhân loại với Đức Chúa Trời được mở rộng. Đức Chúa Trời thông công với loài người bởi Thánh Linh Ngài, và ánh sáng thiên thượng được truyền đạt đến thế gian qua sự khải thị cho các tôi tớ Ngài. “Ây là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:21). TT20 7.1
Trong khoảng hai ngàn năm trăm năm đầu của lịch sử nhân loại, không có sự khải thị nào được viết thành lời. Những người được Đức Chúa Trời dạy dỗ đã truyền đạt sự hiểu biết mình cho người khác, và cứ thế cha truyền con nối trải qua nhiều thế hệ. Việc chuẩn bị viết thành lời bắt đầu vào thời Môi-se. Sau đó, những sự khải thị được ghi chép trong một cuốn sách. Công việc này tiếp tục suốt thời gian một ngàn sáu trăm năm—từ Môi-se, sử gia viết về sự sáng thế và luật pháp, cho đến sứ đồ Giăng, người ghi lại những lẽ thật cao siêu nhất của tin lành. TT20 7.2
Những sách trong Kinh Thánh do nhiều người ghi chép với những lối hành van khác nhau, phản ảnh những cá tính khác nhau, nhưng tác giả là chính Đức Chúa Trời. Tất cả lẽ thật được khải thị “đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (2 Timô-thê 3:16); nhưng do loài người diễn tả. Qua Đức Thánh Linh, Đấng Toàn Năng dọi ánh sáng vào trí óc và tâm hồn của tôi tớ Ngài. Ngài đã ban cho họ những điềm mộng và sự hiện thấy, các biểu tượng và hình ảnh; và những người được khải thị lẽ thật diễn đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ loài người. TT20 7.3
Chính Đức Chúa Trời đã phán Mười Điều răn và tự tay Ngài viết ra. Các điều răn này đến từ thiên đàng chớ không phải do sự sáng tác của con người. Nhưng Kinh Thánh là lẽ thật của Đức Chúa Trời được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, bày tỏ sự kết hợp giữa thiên đàng và hạ giới. Đồng một sự kết hợp ấy thể hiện qua bản tính của Đấng Christ; Ngài vừa là Con Đức Chúa Trời vừa là Con người. Vì vậy, điều này cũng đúng với Kinh Thánh, cũng như với Đấng Christ, bởi “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:14). TT20 7.4
Các sách của Kinh Thánh đã được ghi chép trải qua nhiều thời đại khác nhau bởi những người cách biệt về địa vị, nghề nghiệp và tài năng, bày tỏ một sự tương phản trong lối hanh văn cũng như tính chất khác biệt trong các đề tài. Các người ghi chép diễn tả dưới nhiều hình thức khác nhau, có khi cùng một le thật mà người này trình bày hấp dẫn hơn người khác. Nhiều khi các người ghi chép trình bày cùng một đề tài dưới những hoàn cảnh và liên quan khác nhau, mà đối với một độc giả có thành kiến, cẩu thả, nông cạn thì cho là khác biệt hoặc tương phản, nhưng đối với một học sinh có lòng cung kính, với trí óc sâu sắc và minh mẫn hơn, thì dễ nhận thức sự hòa hợp bên trong. TT20 8.1
Vì có nhiều người ghi chép khác nhau nên lẽ thật được trình bày dưới nhiều khía cạnh khác biệt. Người này có sự cảm xúc mạnh mẽ về một khía cạnh của đề tài, nên chỉ nhắm vào những điểm phù hợp với kinh nghiệm hoặc khả năng tiếp nhận và giá trị của mình; còn người kia thì chú ý về mặt khác. Mỗi người dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, trình bày một khía cạnh khác của lẽ thật gây cho họ ấn tượng mạnh nhất, tuy nhiên tất cả đều hoàn toàn phù hợp nhau. Và các lẽ thật được khải thị hòa hợp thành một sự toàn hảo, thích ứng với nhu cầu của con người trong mọi hoàn cảnh và kinh nghiệm của cuộc sống. TT20 8.2
Đức Chúa Trời, qua loài người, vui lòng truyền đạt lẽ thật của Ngài cho thế gian, và chính Ngài, qua Đức Thánh Linh, làm cho họ đủ khả năng thực hiện công việc này. Ngài hướng dẫn tư tưởng họ trong việc lựa chọn những gì đáng nói và đáng viết. Kho tàng lẽ thật từ trời được truyền đạt qua các bình bằng đất. Tuy lời chứng được diễn tả qua ngôn ngữ bất toàn của loài người, nhưng vẫn là lời của Đức Chúa Trời; và người con vâng phục, tin kính của Ngài mục kích trong lời chứng ấy sự vinh hiển của quyền lực thiên thượng, đầy ơn và lẽ thật. TT20 8.3
Qua lời Ngài, Đức Chúa Trời ban cho loài người sự hiểu biết cần thiết cho sự cứu rỗi. Kinh Thánh phải được chấp nhận như sự khải thị uy quyền và không lầm lẫn của ý muốn Đức Chúa Trời. Đó là tiêu chuẩn cho phẩm hạnh, sự khải thị cho các đạo lý, và thử thách cho mọi kinh nghiệm. “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16, 17). TT20 9.1
Tuy nhiên, việc Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn Ngài cho loài người qua lời Ngài, không thể coi như chẳng cần sự hiện diện liên tục và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Trái lại, Đấng Cứu Thế hứa ban Đức Thánh Linh cho các tôi tớ Ngài, để soi sáng và áp dụng các sự dạy dỗ của lời Ngài. Vì Thành Linh của Đức Chúa Trời đã soi dẫn Kinh Thánh, thì không thể nào sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh lại trái ngược với lời của Ngài được. TT20 9.2
Đức Thánh Linh đã không được ban cho và chẳng bao giờ được ban cho để thay thế Kinh Thánh, bởi vì Kinh Thánh nói rõ ràng lời Đức Chúa Trời là tiêu chuẩn để thử nghiệm tất cả các sự dạy dỗ và kinh nghiệm. Sứ đồ Giăng đã viết, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ” (1 Giăng 4:1). Và tiên tri Ê-sai tuyên bố, “Hãy theo luật pháp và lời chứng! Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng đông cho nó” (Ê-sai 8:20). TT20 9.3
Một số người đã sỉ nhục công việc của Đức Thánh Linh khi lầm lẫn cho rằng họ được Đức Thánh Linh soi sáng, nên không cần sự hướng dẫn của lời Đức Chúa Trời. Họ để cho cảm xúc điều khiển mình mà ngỡ đó là tiếng nói của Đức Chúa Trời phát xuất từ nội tâm họ. Nhưng thần linh đang điều khiển họ không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Sự làm theo những cảm xúc và hờ hững với Kinh Thánh, chỉ đưa họ đến sự bối rối, lừa gạt, và hủy diệt. Việc này càng hỗ trợ thêm kế hoạch của Sa-tan. Vì chức vụ của Đức Thánh Linh rất quan trọng đối với hội thánh Đấng Christ, nên một trong những mưu kế của Sa-tan là khiến những người cực đoan và cuồng tín coi thường công việc của Đức Thánh Linh, và khiến dân sự Chúa hờ hững với nguồn quyền lực mà Ngài đã ban cho họ. TT20 9.4
Để hòa hợp với lời Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh vẫn phải tiếp tục công việc của Ngài trong suốt thời kỳ rao giảng tin lành. Trải qua các thời đại mà Cựu Ước và Tân Ước được ghi chép, Đức Thánh Linh không ngớt truyền đạt sự sáng cho một số cá nhân, thêm vào sự khải thị ghi trong Kinh Thánh. Chính Kinh Thánh đã kể cho chúng ta biết rằng, nhân loại đã nhờ Đức Thánh Linh mà nhận được lời cảnh cáo, bẻ trách, khuyên răn và dạy dỗ về những vấn đề không liên quan gì đến Kinh Thánh cả. Kinh Thánh cũng đề cập đến các tiên tri xuất hiện trong mỗi thời đại khác nhau mà những lời nói của họ không được ghi chép lại. Cũng thể ấy, sau khi việc ghi chép các sách trong Kinh Thánh đã hoàn tất, Đức Thánh Linh vẫn tiếp tục sứ mạng Ngài là soi sáng, cảnh cáo, và an ủi dân sự Đức Chúa Trời. TT20 10.1
Đức Chúa Giê-su có hứa với các môn đồ, “Đấng Yên Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi.” “Lúc nào Thần Lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật. . . và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến” (Giăng 14:26; 16:13). Kinh Thánh đã dạy rõ rằng các lời hứa này, không chỉ giới hạn vào thời các sứ đồ, mà còn kéo dài qua các thời đại trong hội thánh Đấng Christ. Đấng Cứu Thế bảo đảm với các môn đồ Ngài rằng, “Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thể” (Ma-thi-ơ 28:20). Sứ đồ Phao-lô nói, “Để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:12, 13). TT20 10.2
Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho tín đồ ở Ê-phê-sô, “Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, . . . và biết quyền vô hạn của Ngài, đoi với chúng ta có lòng tin” (Ê-phê-sô 1:17-19). Nhiệm vụ của Đức Thánh Linh là làm sáng tỏ sự hiểu biết và mở tâm trí con người hầu thấu hiểu sự sâu nhiệm của lời Ngài, đó là điều sứ đồ Phao-lô cầu xin cho hội thánh Ê-phê-sô. TT20 10.3
Sau sự bày tỏ diệu kỳ của Đức Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ tuần, sứ đo Phi-e-rơ khuyên dân sự nên ăn năn tội mình và nhân danh Đấng Christ mà chịu phép báp-têm, “Rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa” (Công vụ các Sứ đo 2:38, 39). TT20 11.1
Qua tiên tri Giô-ên, Đức Chúa Trời có hứa sẽ ban cho Đức Thánh Linh trong những ngày sau rốt (Giô-ên 2:28). Lời tiên tri này chỉ ứng nghiệm một phần trong ngày lễ Ngũ tuần; nhưng sẽ ứng nghiệm hoàn toàn khi công việc truyền giảng tin lành kết thúc. TT20 11.2
Cuộc đấu tranh thiện ác sẽ càng ngày càng mãnh liệt khi gần đến thời kỳ cuối cùng. Trải qua các thời đại, cơn giận của Sa-tan vẫn đổ trút trên hội thánh Đấng Christ; và Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự Ngài ân điển và Đức Thánh Linh để họ đủ sức chống cự lại quyền lực của ma quỷ. Khi các sứ đồ của Đấng Christ truyền bá tin lành cho thế gian, và ghi chép sứ điệp đó đểlưu lại cho các thế hệ sau, họ được sự soi sáng đặc biệt của Thần Đức Chúa Trời. Khi hội thánh gần đến ngày giải thoát cuối cùng, Sa-tan càng gia tăng hoạt động. No “biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải huyền 12:12). Nó sẽ “làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9). Suốt thời gian sáu ngàn năm, kẻ đã từng chiếm ngôi vị cao sang nhất trong vòng các thiên sứ của Đức Chúa Trời, hoàn toàn buông mình trong sự dối gạt và phá hoại. Với tất cả xảo quyệt sẵn có, tất cả hung bạo ngày thêm phát triển, và kinh nghiệm tranh đấu qua nhiều thời đại, Sa-tan sẽ dùng tất cả để chống lại dân sự Đức Chúa Trời trong trận chiến cuối cùng. Trong thời kỳ nguy khốn này, các môn đồ Đấng Christ phải đem lời cảnh cáo về sự tái lâm của Chúa đến cho thế gian; và một dân sự phải được chuẩn bị để đứng trước mặt Ngài trong ngày ấy, “không dấu vít, chẳng chỗ trách được” (2 Phi-e-rơ 3:14). Vào thời đó, ân điển và quyền lực thiên thượng vẫn cần thiết không kém gì thời các sứ đồ. TT20 11.3
Tác giả quyển sách này đã được sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, nhìn thấy sự tranh đấu dai dẳng giữa thiện và ác. Thỉnh thoảng tôi vẫn được ơn nhìn thấy diễn tiến trải qua các thời đại khác nhau của cuộc tranh chiến giữa Đấng Christ, Vua sự sống, Tác giả sự cứu rỗi, và Sa-tan, vua điều ác, tác giả tội lỗi, kẻ đầu tiên phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Mối ác cảm của Sa-tan đối với Đấng Christ đổ trút lên các môn đồ Ngài. Lịch sử đã ghi lại cũng đồng một sự thù ghét luật pháp Đức Chúa Trời, cũng cùng một chính sách lừa dối, qua đó ý tưởng sai lầm được coi dường như lẽ thật, luật pháp Đức Chúa Trời bị thay thế bằng luật pháp loài người, khiến con người thờ lạy tạo vật thay thế Đấng Tạo Hóa. Sa-tan cố gắng trinh bày đặc tính của Đức Chúa Trời cách sai lạc, khiến loài người có quan niệm sai lầm về Đấng Tạo Hóa, do đó họ nhìn Ngài bằng sự sợ hãi và oán ghét hơn là sự yêu thương. Nó cố gắng dẹpluật pháp Chúa qua một bên, khiến loài người nghĩ rằng họ đã thoát khỏi sự ràng buộc của luật pháp; và trải qua nhiễu thời đại, nó bắt bớ những ai chống lại sự lừa dối của nó. Những sự kiện này đã được ghi chép trong lịch sử các tộc trưởng và tiên tri, các sứ đồ, những người tử vì đạo và các nhà cải chánh giáo hội. TT20 11.4
Trong trận chiến cuối cùng, Sa-tan sẽ áp dụng cùng một chính sách, biểu lộ cùng một tinh thần và hành động để đạt tới mục đích trong thời đại này cũng như trong các thời đại trước. Những gì đã xảy ra, sẽ tái diễn, nhưng trong trận chiến tới đây được đánh dấu bằng cường độ khủng khiếp mà thế giới chưa từng chứng kiến bao giờ. Sự lừa dối của Sa-tan càng xảo trá, sự tấn công của han càng quyết liệt. Nếu có thể được, hắn sẽ làm cho những người được lựa chọn đi sai đường (Mác 13:22). TT20 12.1
Thánh Linh Đức Chúa Trời đã khải thị cho tôi những lẽ thật lớn lao của lời Ngài, và những việc xảy ra trong quá khứ và tương lai. Ngài cũng truyền tôi phải kể lại cho những người khác những điều đã được khải thị—ấy là ghi chép lịch sử cuộc đấu tranh trong các thời đại đã qua, và lịch sử này sẽ làm sáng tỏ cuộc chiến sắp xảy ra trong tương lai. Để đạt tới mục đích này, tôi đã cố gắng lựa chọn và kết hợp những biến cố của lịch sử hội thánh để ghi lại những lẽ thật thử thách lớn lao đã ban cho thế gian trai qua các thời đại. Những lẽ thật này đã khơi dậy sự giận dữ của Sa-tan, tăng thêm sự thù hằn của giáo hội ưa chuộng thế gian; và những lẽ thật này cũng được bảo tồn bởi lời chứng của những người “chẳng tiếc sự sống mình cho đến chết” (Khải huyền 12:11). TT20 12.2
Qua những biến cố này, chúng ta có thể thấy trước cuộc tranh chiến sẽ xảy ra trước mắt chúng ta. Nhận định những biến cố này nhờ ánh sáng của lời Chúa, và sự soi sáng của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể thấy mưu kế của kẻ dữ được phơi bày ra, và những sự nguy hiểm cần phải né tránh cho những ai muốn được coi là “không tội lỗi” khi Chúa tái lâm. TT20 12.3
Những biến cố lớn từng đánh dấu sự tiến triển của nhóm cải chánh trải qua các thời đại đã thuộc về quá khứ, đã được giới cải chánh thừa nhận; đó là những sự kiện không ai có thể phủ nhận. Tôi xin trình bày lịch sử này cách ngắn gọn, hầu thích hợp với mục đích của quyền sách; các sự kiện được đúc kết trong một khuôn khổ nhỏ nhưng dễ hiểu. Trong những trường hợp mà một sử gia đã thu góp những sự kiện và trình bày đầy đủ những nét chính chỉ trong một vài dòng, hoặc đã đúc kết các chi tiết cách ngắn gọn, thì tôi trích lại lời của người ấy. Nhưng vài trường hợp không đề cao các tác giả để chứng tỏ tính cách có thẩm quyền của họ, vì sự diễn tả của họ thật rõ ràng và mạnh mẽ cho chủ đề. Để thuật lại kinh nghiệm và quan điểm của những người theo đuổi công việc cải chánh trong thời đại chúng ta, phương pháp trích dẫn trên cũng được sử dụng khi dùng các sách của họ. TT20 13.1
Quyển sách này không nhằm mục đích trình bày những lẽ thật mới về cuộc tranh đau trong các thời đại đã qua, nhưng để phổ biến các sự kiện và nguyên tắc sẽ có ảnh hưởng đến những biến cố sắp xảy ra. Tuy nhiên, khi nhận định rằng đây chỉ là một phần của cuộc đấu tranh giữa quyền lực cua sự sáng và sự tối, tất cả các sự kiện thuộc quá khứ như khoác lên một ý nghĩa mới; chúng tỏa ra những tia sáng chiếu rọi trên tương lai, để soi đường cho những ai, giống như các nhà cải chánh của những thời đại đã qua, sẽ được kêu gọi để làm chứng cho “lời của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Giê-su Christ,” dù có phải mất hết tài sản của thế gian này. TT20 13.2
Mục đích của quyển sách này là phô bày những quang cảnh của cuộc đấu tranh vĩ đại giữa lẽ thật và sự sai lạc; tiết lộ các mưu mô của Sa-tan, và những phương tiện mà hắn có thể thành công trong cuộc chống đối; trình bày một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề lớn lao của tội lỗi, dọi ánh sáng vào nguồn gốc và sự hủy diệt cuối cùng của tội lỗi, đồng thời bày tỏ cách đầy đủ sự công bình và thương xót của Đức Chúa Trời đối với tạo vật của Ngài; chỉ rõ bản chất thánh khiết và bất biến của luật pháp Ngài. TT20 13.3
Qua ảnh hưởng của quyển sách này, nhiều linh hồn sẽ được giải cứu khỏi quyền lực của sự tối tăm, và trở nên “người dự phần vào cơ nghiệp của các thánh,” cùng ca ngợi Ngài là Đấng đã yêu thương chúng ta, đã hiến dâng đời Ngài cho chúng ta, đây chính là lời cầu xin chân thành nhất cua tác giả. TT20 13.4
Ellen G. White