Go to full page →

Chương 21—Bê-Tét-Đa Và Tòa Công Luận CCC1 187

Dựa theo Giăng 5

“Số là, tại thành Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, tiếng Hêbơ-rơ gọi là Bê-tết-đa, xung quanh ao có năm cái vòm cửa. Những kẻ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xuội nằm tại đó rất đông, chờ khi nước động.” Thỉnh thoảng, nước trong ao được khuây động, và người ta tin rằng đó là do một quyền lực siêu nhiên, và người đầu tiên bước xuống ao sau khi nước bị khuây động, sẽ được khỏi bất cứ thứ bệnh nào mình đang mang. Hàng trăm người bệnh tật tới viếng thăm địa điểm này. Số người đến đây tăng gấp bội vào thời điểm người ta nghĩ rằng nước sẽ bị khuây động, nên mọi người phải chen chúc nhau, dẫm cả lên những người yếu hơn mình, bất chấp đàn ông, đàn bà, hay trẻ con. Có người không tới gần ao được. Có người tới ao nhưng chết ngay trên bờ. Người ta đã dựng nên những mái che tại địa điểm này để bảo vệ người bệnh khỏi cái nóng ban ngày và cái lạnh ban đêm. Cũng có người ngủ qua đêm tại các vòm cửa, bò lên bờ ao hết ngày này sang ngày khác, trong niềm hi vọng hão huyền được khỏi bệnh. CCC1 187.1

Đức Chúa Giê-su lại có mặt tại Giê-ru-sa-lem. Ngài tới ao một mình, vừa đi vừa suy gẫm và cầu nguyện. Ngài nhìn thây những kẻ bệnh hoạn khốn khổ đang chờ đợi cơ may duy nhất để được khỏi bệnh. Ngài mong được sử dụng quyền năng chữa lành và làm cho mọi kẻ bệnh tật được lành lặn. Nhưng hôm nay lại là ngày Sa-bát. Đoàn dân đông đang kéo tới đền thờ để thờ phượng và Ngài biết rằng một hành động chữa lành như vậy sẽ khơi dậy thành kiến của người Giu-đa khiến họ cắt ngắn chức vụ của Ngài. CCC1 187.2

Nhưng Chúa Cứu Thế đã gặp một người khốn khổ cùng cực. Ông ta bị què đã ba mươi tám năm trời và không được ai giúp đỡ. Căn bệnh của người đàn ông này, phần lớn do tội lỗi của chính ông gây nên, đây bị người ta coi như một án phạt do Đức Chúa Trời gửi đến. Cô đơn và không bạn bè, cảm nhận rằng mình không được Đức Chúa Trời xót thương, người bệnh đã phải trải qua những năm dài đăng đẳng trong cùng quẫn. Vào thời điểm người ta nghĩ nước sắp sửa được khuây động, một số người thương hại tình cảnh bơ vơ của ông đã khiêng ông tới vòm cửa. Nhưng vào lúc cần thiết nhất thì lại chẳng có ai giúp đỡ ông cả. Ông nhìn thây nước bị khuây động, nhưng lại không tài nào lết xa hơn bờ ao được. Những người khác mạnh hơn đã nhảy xuống ao trước rồi. Ông không thể tranh giành với một đám đông ích kỷ, không biết nhường nhịn này. Phải cố gắng không ngừng vì một mục đích duy nhất, nỗi lo âu và liên tục thất vọng đã làm tiêu hao nhanh chóng sinh lực còn lại trong ông. Người bệnh đang nằm dài trên một tấm ván, thỉnh thoảng ngước đầu nhìn mặt nước trong ao thì một gương mặt dịu dàng, cảm thông cúi xuống người ông và ông nghe thây tiếng hỏi: “Ngươi có muốn lành chăng?” Lòng ông lóe lên niềm hi vọng. Ông cảm thây mình sẽ được giúp đỡ bằng một cách nào đó. Nhưng ngọn lửa phấn khởi đã sớm vụt tắt. Ông nhớ lại không biết bao nhiều lần ông đã cố gắng lết tới ao, nhưng giờ đây ông chẳng còn mây hy vọng có thể sống cho tới lúc nước ao bị khuây động lần nữa. Ông mệt mỏi quay mặt đi, cất giọng: “Lạy Chúa, tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi.” CCC1 187.3

Đức Chúa Giê-su không đòi hỏi người bệnh này phải chứng tỏ niềm tin nơi Ngài. Ngài chỉ nói: “Hãy đứng dậy, vác giường mình mà đi.” Nhưng niềm tin của ông đã bám chặt vào lời nói đó. Các gân cốt và bắp thịt của ông rung động với một sức sống mới, chân tay què quặt bỗng lành lặn trở lại. Không chút do dự, ông làm theo Lời Đấng Cứu Thế phán. Và cơ thể ông tuân theo ý ông muốn. Ông nhảy nhót và thây mình thực sự là một con người lành lặn. CCC1 188.1

Đức Chúa Giê-su không bảo đảm với ông rằng sẽ có một sự hổ trợ siêu nhiên. Người bệnh có thể nghi ngờ và đánh mất cơ hội duy nhất để được chữa lành. Nhưng ông đã tin vào Lời của Đấng Cứu Thế, làm theo Lời của Ngài, và ông đã được khoẻ mạnh. CCC1 188.2

Cũng bởi niềm tin tương tự, chúng ta có thể được chữa lành khỏi chứng bệnh tâm linh. Bởi tội lỗi, chúng ta đã bị tách ra khỏi sự sống của Đức Chúa Trời. Linh hồn chúng ta bị tê liệt. Bởi sức riêng của mình, chúng ta không thể sống cuộc sống thánh thiện; giống như kẻ bệnh này không còn khả năng đi đứng. Có nhiều người đã nhận ra sự cô đơn bơ vơ của mình và mong ước có được cuộc sống thiêng liêng làm họ hòa thuận với Đức Chúa Trời. Họ đã cố gắng, nhưng uổng công vô ích. Họ kêu lên thất vọng: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rô-ma 7: 24). Hỡi những con người đang đấu tranh mòn mỏi, hãy nhìn lên. Chúa Cứu Thế đang cúi xuống thông qua huyết mua chuộc của Ngài và phán với giọng dịu dàng, đầy lòng thương xót: “Ngươi có muốn lành chăng?” Ngài ra lệnh cho chúng ta đứng dậy trong sự mạnh khỏe và bình an. Đừng chờ đợi cho tới lúc mình cảm thây được lành bịnh. Hãy tin vào Lời của Ngài, và sẽ được lành bệnh. Hãy để ý muốn của bạn thuận theo Đấng Cứu Thế. Nếu có ý muốn phục vụ Ngài, và hành động theo lời Ngài chỉ bảo, bạn sẽ nhận được sức mạnh. Bất cứ thói quen tội lỗi xấu xa nào, hay dục vọng được ấp ủ lâu ngày đã trói buộc cả linh hồn lẫn thể xác, Đấng Cứu Thế có khả năng và mong muốn giúp bạn thoát khỏi. Ngài sẽ đem lại sự sống cho linh hồn “đã chết vì lầm lỗi” (Ê-phê-sô 2:1). Ngài sẽ giải thoát kẻ bị cầm tù vốn bị kềm giữ bởi sự yếu đuối và bất hạnh cũng như xiềng xích tội lỗi. CCC1 188.3

Kẻ bại xuội đã được chữa lành cúi xuống vác giường mình vốn chỉ là một tấm ván và một cái mền, và khi ông đứng thẳng trở lại với cảm giác thích thú, ông ngó quanh để tìm Đấng đã giải thoát mình; nhưng Đức Chúa Giê-su đã lẩn vào trong đám đông. Ông sợ sẽ không được biết Ngài nếu không gặp lại Ngài. Và khi ông vội vã rảo bước với những bước đi cứng cáp và thoải mái, vừa đi vừa tôn vinh Đức Chúa Trời và hân hoan với sức mạnh đã được phục hồi, ông gặp một số người Pha-ri-si và tức khắc kể cho họ nghe về việc khỏi bệnh của mình. Nhưng ông ngạc nhiên trước sự lạnh lùng của những người này khi nghe câu chuyện ông kể. CCC1 189.1

Họ cau mày và cắt đứt câu chuyện ông kể để hạch sách ông tại sao lại vác giường vào ngày Sa bát. Họ nghiêm khắc nhắc nhở ông là luật lệ cấm vác vật gì nặng trong ngày của Chúa. Vì quá vui mừng, ông đã không nhớ hôm nay là ngày Sa-bát; tuy thế, ông không cảm thây mình có tội khi làm theo lệnh của Đấng đã có một quyền phép như vậy từ Đức Chúa Trời. Ông đã trả lời một cách dạn dĩ: “Chính người đã chữa tôi được lành biểu tôi rằng: Hãy vác giường ngươi và đi.” Họ hỏi ai đã bảo làm như vậy, nhưng ông chẳng rõ là ai cả. Các quan trưởng này biết rõ là chỉ có Ngài mới có khả năng làm phép lạ này; nhưng họ muốn có chứng cớ trực tiếp rằng đó là Đức Chúa Giê-su, để họ có thể lên án Ngài về tội đã không giữ ngày Sa-bát. Trong trí óc họ, không những Ngài đã không vâng theo luật pháp khi chữa lành một người bệnh trong ngày Sa-bát, mà còn phạm thượng khi ra lệnh cho ông ta vác giường mà đi. CCC1 189.2

Người Giu-đa đã xuyên tạc luật pháp khi biến luật pháp thành một cái ách nô lệ. Những đòi hỏi vô lý của họ đã trở thành một thứ trò cười cho các dân tộc khác. Ngày Sa-bát đã bị bao vây một cách đặc biệt bởi đủ mọi cấm đoán vô nghĩa. Ngày Sa-bát đối với họ không còn là ngày vui thích, ngày thánh của Chúa và đáng được tôn trọng. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã biến việc tuân giữ ngày Sa-bát thành một gánh nặng không mang nổi. Một người Giu-đa không được phép nhóm lửa, thậm chí không được đốt một ngọn nến vào ngày Sa-bát. Và hậu quả là người dân đã phải lệ thuộc người ngoại trong nhiều việc mà luật lệ của họ không cho phép họ tự mình làm. Họ không nghĩ rằng nếu đó là những việc tội lỗi thì những kẻ dùng người khác để làm những việc đó cũng mắc tội như chính họ làm vậy. Họ nghĩ rằng sự cứu rỗi dành riêng cho người Giu-đa và rằng tình trạng của tất cả người ngoại, vốn đã không còn hi vọng, không thể nào xấu xa hơn nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã không ban những điều răn mà con người không thể vâng lời. Luật pháp của Ngài không lệ thuộc vào những hạn chế phi lý hay ích kỷ. Đức Chúa Giê-su đã gặp lại người mà Ngài đã chữa lành. Ông ta đã đến để mang của lễ chuộc tội và cũng là của lễ tạ ơn về lòng thương xót lớn lao mà ông đã nhận được. Gặp lại ông trong số những người tới thờ phượng, Đức Chúa Giê-su đã tới nói với ông những lời cảnh báo sau đây: “Kìa, ngươi đã lành rồi: đừng phạm tội nữa, e có gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.” Người đã được chữa lành bệnh rất vui mừng khi gặp lại Đấng Giải Thoát mình. Không hay biết về mối thù ghét của người Pha-ri-si đối với Đức Chúa Giê-su, ông kể cho Ngài nghe là ông đã cho họ hay là chính Ngài đã chữa lành cho ông khi họ hạch hỏi ông. “Nhân đó, dân Giu-đa bắt bớ Đức Chúa Giê-su, vì cớ Ngài làm những sự ấy trong ngày Sa-bát.” CCC1 189.3

Đức Chúa Giê-su bị dẫn tới trước tòa công luận để trả lời về sự buộc tội vì Ngài đã vi phạm ngày Sa-bát. Nếu người Giu-đa vào thời điểm này là một dân tộc độc lập thì một lời buộc tội như thế cũng đã có thể được sử dụng làm lý do để lên án tử hình Ngài. Nhưng việc họ bị người La-mã cai trị đã không cho phép họ làm điều này. Người Giu-đa không có quyền xử tử và những lời buộc tội Đấng Cứu Thế thì lại chẳng được tòa án của người Lamã quan tâm mây. Tuy nhiên, cũng có những mục tiêu khác mà họ hi vọng đạt được. Mặc dù họ đã cố gắng ngăn cản chức vụ của Ngài, nhưng ngay tại Giê-ru-sa-lem, Đấng Cứu Thế vẫn đang có ảnh hưởng trên dân chúng còn lớn hơn ảnh hưởng của chính họ nữa. Đoàn dân đông chẳng mây chú ý tới các lời hô hào của các thầy thông giáo nhưng lại bị lôi cuốn bởi những lời giảng dạy của Ngài. Họ có thể hiểu những lời Ngài nói, lòng họ ấm lên và được yên ủi. Ngài nói về Đức Chúa Trời, không như một quan tòa tìm cách trả thù, mà như một người cha nhân từ, và Ngài bày tỏ hình ảnh của Đức Chúa Trời phản chiếu qua Ngài. Lời của Ngài như dầu thơm làm dịu những vết thương tinh thần. Bằng cả lời nói lẫn việc làm của lòng thương xót, Ngài đang bẻ gãy quyền lực áp bức của những lời truyền khẩu cũ kỹ và những điều răn chỉ bởi người ta đặt ra, và trình bày với họ về tình yêu thương tràn đầy của Đức Chúa Trời. CCC1 190.1

Trong những lời tiên tri xưa nhất về Đấng Cứu Thế, có lời chép rằng: “Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Đấng Si-lô hiện tới và các dân vâng phục Đấng đó” (Sáng Thế Ký 49:10). Dân chúng đang nhóm lại xung quanh Đấng Cứu Thế. Những tấm lòng đầy thiện cảm của đoàn dân đã tiếp nhận các bài học về tình yêu thương và lòng nhân từ thay vì những nghi lễ cứng ngắc do các thầy tế lễ quy định. Nếu các thầy tế lễ và các thầy thông giáo không can thiệp thì hẳn là những lời giảng dạy của Ngài đã thực hiện được một cuộc cách mạng mà thế giới này chưa hề được chứng kiến. Nhưng để bảo vệ quyền hành của chính họ, những nhà lãnh đạo này nhất quyết triệt hạ ảnh hưởng của Đức Chúa Giê-su. Việc buộc tội Ngài trước tòa công luận và công khai lên án việc giảng dạy của Ngài hẳn sẽ giúp họ đạt được mục tiêu này; bởi vì dân chúng vẫn còn kính nể những người lãnh đạo tôn giáo của mình. Bất cứ kẻ nào dám lên án những đòi hỏi của các thầy thông giáo hay tìm cách làm nhẹ bớt gánh nặng đặt trên vai người dân, đều bị coi là kẻ có tội, không chỉ là tội phạm thượng, mà còn là tội phản bội. Trên lãnh vực này, các thầy thông giáo hy vọng khơi dậy sự nghi ngờ về Đấng Cứu Thế. Họ giới thiệu Ngài như một kẻ đang âm mưu phá đổ các tập tục đã được thiết lập, qua đó, tạo nên sự chia rẽ trong dân chúng, và dọn đường cho người La-mã làm chủ hoàn toàn. CCC1 190.2

Nhưng những kế hoạch đang được các thầy thông giáo triển khai ráo riết như vậy bắt nguồn từ một cuộc họp khác chứ không phải cuộc họp của tòa công luận. Sau khi không thắng nổi Đấng Cứu Thế tại đồng vắng, Sa-tan đã tập hợp toàn bộ lực lượng để chống lại Ngài, và nếu có thể, cản trở chức vụ của Ngài. Điều không thể trực tiếp thi hành, Sa-tan quyết định thực hiện bằng mưu mẹo đen tối. Vừa mới rút lui khỏi cuộc xung đột tại đồng vắng thì trong cuộc họp với các quỷ sứ nó, Sa-tan đã làm xong kế hoạch để kềm hãm đầu óc của người Giu-đa trong tăm tối, để họ không nhận ra Đấng Cứu Chuộc của mình. Nó tính thi hành các kế hoạch này qua công cụ của nó trong giới tôn giáo, bằng cách tiêm nhiễm những kẻ này với chính lòng hận thù của nó đối với người lính của Lẽ Thật. Nó sẽ dẫn họ tới chỗ khước từ Đấng Cứu Thế và gây đau khổ tối đa cho cuộc đời của Ngài, hi vọng làm Ngài thất vọng về chức vụ mình. Và các nhà lãnh đạo trong Y-sơ-ra-ên đã trở thành dụng cụ của Sa-tan trong cuộc chiến đấu chống lại Chúa Cứu Thế. CCC1 191.1

Đức Chúa Giê-su đã đến để làm sáng tỏ và đem vinh dự cho luật pháp. Ngài không làm giảm giá trị của luật pháp, trái lại, Ngài đề cao luật pháp. Kinh Thánh viết: “Người chẳng mòn mỏi, chẳng ngã lòng, cho đến chừng nào lập xong sự công bình trên đất” (Ê-sai 42:21,4). Ngài đến để giải phóng ngày Sa-bát khỏi những đòi hỏi nặng nề, đến nỗi biến ngày này thành một gánh nặng thay vì là một ơn phước. CCC1 191.2

Chính vì lý do đó mà Ngài đã chọn ngày Sa-bát để chữa bệnh tại Bê-tếtđa. Ngài có thể chữa người bệnh vào một ngày khác trong tuần; hoặc Ngài cũng có thể chỉ chữa cho ông ta khỏi bệnh mà không cần bảo ông ta phải vác giường của mình mà đi. Nhưng làm như vậy thì hẳn là Ngài không có được cơ hội như Ngài mong muốn. Mọi hành động trong cuộc sống của Đấng Cứu Thế trên trái đất đều có một mục tiêu khôn ngoan. Mọi việc Ngài làm đều quan trọng trong bản chất và trong đạo lý của chúng. Trong số những kẻ đang phải chịu đau khổ kéo tới ao, Ngài đã chọn trường hợp xấu nhất để thực hiện quyền năng chữa bệnh, và truyền cho kẻ khỏi bệnh vác giường đi khắp thành để cho mọi người biết về công việc lớn lao đã được làm cho ông ta. Và điều này sẽ khơi dậy sự tranh luận về điều gì được phép làm trong ngày Sa-bát và sẽ mở đường cho Ngài tố cáo những cấm đoán người Giu-đa đặt ra cho ngày của Chúa, và tuyên bố các lời truyền khẩu của họ không còn hiệu lực nữa. CCC1 191.3

Đức Chúa Giê-su đã khẳng định với họ rằng việc chữa lành kẻ bệnh tật đau khổ là phù hợp với luật lệ ngày Sa-bát. Nó cũng phù hợp với công việc của các thiên sứ của Đức Chúa Trời. Các thiên sứ lên xuống giữa trời và đất để hầu việc cho nhân loại khổ đau. Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Cha Ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy.” Mọi ngày là của Đức Chúa Trời để thực thi các chương trình vì loài người. Nếu những giải thích của người Giu-đa là đúng, thì Đức Giê-hô-va đã sai lầm, Ngài vốn đã gìn giữ và làm cho mọi sinh linh tăng trưởng từ khi Ngài đặt nền móng cho trái đất. Khi ấy, Đấng đã từng tuyên bố công việc của Ngài là tốt lành và đã thiết lập ngày Sa-bát để tưởng nhớ sự hoàn thành công cuộc sáng tạo này, sẽ phải chấm dứt công việc của Ngài, và chấm dứt quy luật vận hành vô tận của vũ trụ. CCC1 192.1

Đức Chúa Trời có thể cấm mặt trời chiếu sáng trong ngày Sa-bát, không cho những tia nắng diệu kỳ sưởi ấm trái đất và nuôi dưỡng thảo mộc? Liệu hệ thống các hành tinh có đứng nổi trong ngày thánh này không? Ngài sẽ ra lệnh cho các dòng suối ngưng tưới tươi đồng ruộng và rừng cây, ra lệnh cho sóng biển ngưng ngay nhịp vỗ lên xuống không ngừng? Lúa mì cùng khoai ngô sẽ phải ngưng phát triển, và chu kỳ tăng trưởng làm nảy sinh những bông hoa tím thẫm cũng dừng lại? Có thể lắm cây cối và hoa lá cũng không được đâm chồi và nở hoa vào ngày Sa-bát? CCC1 192.2

Nếu trường hợp này xảy ra, loài người sẽ không có hoa quả của đất, cũng không có những phước lành làm cho cuộc đời đáng sống. Thiên nhiên vẫn phải tiếp tục sự vận hành không thay đổi vốn có. Đức Chúa Trời không thể dừng tay trong chốc lát, bởi nếu Ngài dừng tay, con người sẽ yếu dần đi và chết mất. Và con người vẫn có việc phải làm trong ngày đó. Các nhu cầu của cuộc sống cần phải được cung cấp, kẻ đau ốm cần phải được chăm sóc, những thiếu thốn của kẻ túng quẫn cần phải được đáp ứng. Những kẻ sao nhãng việc chữa lành nỗi đau khổ trong ngày Sa-bát sẽ không thể được coi là vô tội. Ngày nghỉ thánh của Đức Chúa Trời được thiết lập là vì con người và những hành động của lòng thương xót hoàn toàn phù hợp với mục đích ngày ấy. Đức Chúa Trời không muốn các tạo vật của Ngài phải chịu đựng những giờ phút đau khổ trong khi đáng lý ra phải được nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát hay một ngày nào khác. CCC1 192.3

Các đòi hỏi của Đức Chúa Trời trên ngày Sa-bát còn lớn hơn trên các ngày khác. Dân sự Ngài sẽ nghỉ công việc thường ngày của mình để có thì giờ suy gẫm và làm công việc thờ phượng. Dân sự Ngài sẽ cầu xin Ngài nhiều ơn lành trong ngày Sa-bát hơn các ngày khác. Họ xin Ngài quan tâm đặc biệt tới họ, họ nài nỉ Ngài ban cho họ những phước lành chọn lọc. Đức Chúa Trời không để ngày Sa-bát qua đi mà không ban cho họ những điều họ cầu xin. Thiên đàng không hề ngừng làm việc và loài người cũng sẽ không bao giờ ngừng làm điều tốt lành. CCC1 192.4

Ngày Sa-bát không phải là thời gian để người ta ở không, vô dụng. Luật pháp cấm làm việc thế tục vào ngày nghỉ của Đức Chúa Trời. Công việc vất vả để kiếm sống phải chấm dứt; không được làm công việc vì sự vui thú hay lợi lộc trần gian trong ngày đó. Nhưng khi Đức Chúa Trời chấm dứt công việc tạo dựng và nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát và ban phước lành cho ngày ấy, loài người cũng phải ngưng các công việc của đời sống thường ngày, và dành các khoảnh khắc thiêng liêng đó cho việc nghỉ ngơi để lấy lại sức khoẻ, cho việc thờ phượng và cho những công việc thánh thiện. Công việc chữa lành người bệnh của Đấng Cứu Thế hoàn toàn phù hợp với luật pháp. Công việc ấy đề cao ngày Sa-bát. CCC1 193.1

Đức Chúa Giê-su tuyên bố quyền ngang hàng với Đức Chúa Trời trong việc thi hành một chức vụ không kém thiêng thiêng và có cùng tính chất với công việc Cha đang làm trên trời. Nhưng người Pha-ri-si càng thêm tức giận. Ngài đã không chỉ vi phạm luật pháp, theo cách họ hiểu, mà còn tuyên bố mình ngang hàng với Đức Chúa Trời khi gọi Đức Chúa Trời là “Thân Phụ mình” (Giăng 5:18). Cả dân tộc Giu-đa gọi Đức Chúa Trời là Cha, do đó họ sẽ chẳng tức giận nếu Đấng Cứu Thế nói rằng chính Ngài cũng đang đứng trong mối quan hệ như vậy với Đức Chúa Trời. Nhưng họ buộc Ngài tội lộng ngôn, điều này chứng tỏ rằng họ hiểu Ngài ám chỉ đến ý nghĩa cao sâu nhất. CCC1 193.2

Những kẻ thù này của Đấng Cứu Thế không đủ lý lẽ để đương đầu với những Lẽ Thật Đức Chúa Giê-su đã đem lại cho lương tâm họ. Họ chỉ có thể trích dẫn tập tục và truyền thống của họ và những lý luận của họ xem ra yếu kém và mơ hồ khi so sánh với những lập luận Đức Chúa Giê-su rút ra từ Lời của Đức Chúa Trời và sự vận hành không ngừng của thiên nhiên. Nếu các thầy thông giáo ước ao tiếp nhận ánh sáng, thì hẳn là họ đã xác tín được rằng Đức Chúa Giê-su đã nói sự thật. Nhưng họ lại lẩn tránh những điểm Ngài nêu ra liên quan đến ngày Sa-bát và tìm cách khơi dậy sự tức giận chống lại Ngài vì Ngài đã tuyên bố mình ngang hàng với Đức Chúa Trời. Sự tức giận của các quan trưởng trong Y-sơ-ra-ên không có giới hạn. Nếu họ không sợ quần chúng thì hẳn là các thầy thông giáo và các thầy tế lễ đã giết Đức Chúa Giê-su ngay lập tức. Nhưng dân chúng ủng hộ Ngài một cách mạnh mẽ. Nhiều người đã coi Đức Chúa Giê-su là bạn vì Ngài đã chữa lành các bệnh tật và yên ủi các nỗi phiền muộn của họ và họ nghĩ rằng việc Ngài chữa cho người bệnh ở Bê-tết-đa là đúng. Do đó, các nhà lãnh đạo đã phải tạm thời kiềm hãm lòng căm thù lại. CCC1 193.3

Đức Chúa Giê-su đã bác bỏ lời họ buộc Ngài tội lộng ngôn. Ngài nói: Quyền của Ta để làm công việc mà các ngươi đã buộc tội, đó là Ta là Con của Đức Chúa Trời, Đấng cùng bản tính với Ngài, cùng ý muốn và mục đích với Ngài. Ta cùng làm với Đức Chúa Trời trong tất cả các công việc tạo dựng và ban cho của Ngài. “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thây Cha làm.” Các thầy thông giáo và các thầy tế lễ đang quở trách Đức Chúa Giê-su về chính chức vụ Ngài đã được gửi đến trong thế gian để thi hành. Bởi tội lỗi, họ đã tách mình khỏi Đức Chúa Trời, và trong lòng kiêu ngạo, họ đã muốn hành động mà không lệ thuộc vào Ngài. Họ cảm thây mình có đầy đủ khả năng để làm mọi chuyện và thây không cần phải có một sự khôn ngoan nào lớn hơn để hướng dẫn mình hành động. Nhưng Con Đức Chúa Trời đã khuất phục trước ý muốn của Cha và tùy thuộc vào quyền của Ngài. Đấng Cứu Thế đã hoàn toàn từ bỏ mình đến độ Ngài không có một kế hoạch nào cho riêng mình. Ngài đón nhận các kế hoạch của Đức Chúa Trời trên chính Ngài và Cha đã bày tỏ các kế hoạch ấy từng ngày. Chúng ta cũng phải tùy thuộc vào Đức Chúa Trời như vậy để cuộc sống của chúng ta thuần túy là sự triển khai ý định của Ngài. CCC1 193.4

Khi Môi-se chuẩn bị dựng một đền thánh làm nơi ngự của Đức Chúa Trời, ông được chỉ thị làm tất cả mọi sự theo kiểu mẫu đã được tỏ cho 194 thây khi ở trên núi. Môi-se đầy nhiệt tâm với công việc của Đức Chúa Trời. Những con người có tài nhất, khéo léo nhất được huy động để thực hiện điều ông gợi ý cho. Tuy nhiên, ông vẫn không làm cái chuông, trái lựu, núm tua, chéo tua, màn hay bất kỳ cái chậu nào của đền thánh, mà không theo mẫu đã được chỉ định. Đức Chúa Trời đã gọi ông lên núi và tỏ cho ông thây các sự trên trời. Đức Giê-hô-va đã phủ trên ông chính sự vinh hiển của Ngài để ông có thể thây được kiểu mẫu để cứ theo đó mà làm mọi sự. Như thế Ngài đã bày tỏ cho Y-sơ-ra-ên, dân Ngài muốn biến thành nơi ở của Ngài, ý tưởng vinh hiển về tánh hạnh của Ngài. Kiểu mẫu đã được chỉ cho họ thây trên núi khi luật pháp được ban cho họ từ Si-nai và khi Đức Giê-hô-va ngang qua mặt Môi-se và hô rằng: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng và tội lỗi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34: 6, 7). CCC1 194.1

Y-sơ-ra-ên đã chọn đi con đường riêng. Họ đã không xây dựng theo kiểu mẫu đã chỉ cho họ; nhưng Đấng Cứu Thế, đền thờ đích thực cho Đức Chúa Trời ngự, đã uốn nắn mọi chi tiết trong cuộc sống của Ngài ở thế gian cho phù hợp với ý tưởng Đức Chúa Trời đã đề ra. Ngài nói: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa. Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi Thiên 40:8). Cũng vậy, tánh hạnh của chúng ta cũng phải được dựng nên để làm “nhà ở của Đức Chúa Trời trong Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô 2:22). Chúng ta phải “làm mọi việc theo như kiểu mẫu,” và cả Ngài, Đấng “đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (Hê-bơ-rơ 8:5; I Phi-e-rơ 2:21). CCC1 194.2

Lời Đấng Cứu Thế dạy chúng ta phải coi như mình không thể tách rời khỏi Cha chúng ta ở trên trời. Bất cứ địa vị nào chúng ta đang ở, chúng ta tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời, Đấng nắm mọi vận mệnh trong tay. Ngài đã chỉ định công việc cho chúng ta làm và ban cho chúng ta khả năng và phương tiện để làm công việc đó. Hễ bao lâu chúng ta thuần phục ý định của Đức Chúa Trời, và tin tưởng nơi sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài, thì chúng ta sẽ được hướng dẫn trong những con đường an toàn để hoàn thành trách nhiệm đã được chỉ định cho chúng ta trong kế hoạch lớn lao của Ngài. Nhưng kẻ dựa vào sự khôn ngoan và năng lực của riêng mình, đang tự tách mình ra khỏi Đức Chúa Trời. Và thay vì làm việc trong sự hiệp nhất với Đấng Cứu Thế, người đó đang thực thi ý định của kẻ thù của Đức Chúa Trời và của loài người. Chúa Cứu Thế nói tiếp: “Vì mọi điều Cha làm Con cũng làm y như vậy. Vả, Cha khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng ban sự sống cho kẻ Con muốn thể ấy.” Người Sa-đu-sê chủ trương kẻ chết không sống lại, nhưng Đức Chúa Giê-su lại tuyên bố với họ rằng một trong những công trình lớn nhất của Cha Ngài là làm cho kẻ chết sống lại và bản thân Ngài cũng có quyền năng làm công việc này. “Giờ đến, và đã đến rồi, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời, và những kẻ nghe sẽ được sống.” Người Pha-ri-si tin kẻ chết sống lại. Đấng Cứu Thế tuyên bố rằng ngay lúc này, quyền năng ban sự sống cho kẻ chết đang ở giữa họ và họ phải thây được sự bày tỏ quyền năng ấy. Cũng chính quyền năng làm sống lại này là quyền năng ban sự sống cho linh hồn “đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình” (Ê-phê-sô 2:1). Thần linh của sự sống trong Đức Chúa Giê-su Cứu Thế, “quyền phép về sự sống lại Ngài,” giải thoát loài người “khỏi luật pháp của sự tội và sự chết” (Phi-líp 3:10; Rô-ma 8:2). sự chế ngự của sự dữ đã bị bẻ gẫy, và bởi niềm tin, linh hồn được thoát khỏi tội lỗi. Kẻ mở lòng mình cho Thánh Linh của Đấng Cứu Thế sẽ trở thành kẻ tham dự vào quyền năng mạnh mẽ ấy sẽ đem thể xác của mình ra khỏi mồ mả. Đấng tại Na-xa-rét khiêm tốn xác nhận sự cao quý đích thực của mình. Ngài vượt lên trên nhân loại, Ngài lật đổ mưu chước tội lỗi và sự hổ nhục, xuất hiện là Đấng được các thiên sứ tôn vinh, là Con Đức Chúa Trời, hiệp một với Đấng Tạo Hóa trong việc tạo dựng vũ trụ. Những kẻ nghe say mê Ngài. Không ai nói được những lời như những lời Ngài đã nói, cũng không ai có vẻ oai nghiêm của vua chúa như Ngài. Cách Ngài nói rõ ràng và giản dị, Ngài trình bày đầy đủ về chức vụ mình và bổn phận của thế gian. “Cha cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán xét cho Con, đặng ai nấy đều tôn kính Con, cũng như tôn kính Cha vậy. Ai không tôn kính Con, ấy là không tôn kính Cha, là Đấng đã sai Con đến. Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy. Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con người.” CCC1 194.3

Các thầy tế lễ và các quan trưởng đã đặt mình làm quan tòa để lên án chức vụ của Đấng Cứu Thế, nhưng Ngài tuyên bố Ngài mới là Quan Tòa của họ và là Quan Tòa của cả thế gian. Thế giới đã được giao phó cho Đấng Cứu Thế, và mọi sự chúc phước từ Đức Chúa Trời tới với dòng dõi sa ngã đều phải thông qua Ngài. Ngài là Đấng Cứu Chuộc, trước cũng như sau khi Ngài xuống thế gian làm người. Ngay từ khi tội lỗi xuất hiện, một Chúa Cứu Thế đã có mặt. Ngài đã ban ánh sáng và sự sống cho tất cả, và mỗi người sẽ bị xét xử chiếu theo mức độ ánh sáng được ban cho. Ngài vốn dõi theo linh hồn với lời kêu cầu tha thiết nhất, tìm cách kéo linh hồn ra khỏi tội lỗi về với sự thánh thiện, Ngài là Trạng sư đồng thời là Quan Tòa của linh hồn. Từ khi cuộc xung đột lớn lao mở ra trên trời, Sa-tan vẫn bám vào mưu đồ của nó bằng sự lừa gạt và Đấng Cứu Thế đang hoạt động để vạch trần các âm mưu cũng như bẻ gãy quyền lực của nó. Chính Ngài đã chạm trán với kẻ bịp bợm, và trải qua các thời đại, Ngài đang làm việc để giành lại các kẻ bị cầm tù khỏi nanh vuốt của nó, và sẽ phán xét mọi linh hồn. CCC1 195.1

Và Đức Chúa Trời đã “ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con Trai loài người.” Vì Ngài đã nếm trọn vẹn khổ đau của loài người và sự cám dỗ, cũng hiểu được những yếu đuối và tội lỗi của loài người; bởi vì Ngài đã toàn thắng các cơn cám dỗ của Sa-tan vì ích lợi của chúng ta và sẽ đối xử một cách công bằng và dịu hiền với các linh hồn mà Ngài đã đổ huyết mình ra để cứu chuộc, vì tất cả những điều này, Con người (Con Trai loài người) được chỉ định để thi hành sự phán xét. Nhưng chức vụ của Đấng Cứu Thế không phải là để phán xét mà là để cứu rỗi. “Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu” (Giăng 3:17). Và trước tòa công luận, Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Ai nghe Lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:24). CCC1 196.1

Đấng Cứu Thế bảo những người nghe Ngài đừng ngỡ ngàng và Ngài đã mở ra trước mắt họ, vẫn với một quan niệm rộng rãi hơn, sự bí ẩn về tương lai: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán” (Giăng 5:28,29). CCC1 196.2

Bảo đảm về cuộc sống tương lai này là điều mà Y-sơ-ra-ên hằng mong đợi và hi vọng nhận được lúc Đấng Mê-si đến. Ánh sáng duy nhất có thể chiếu xuyên bóng tối ảm đạm của mồ mả đang chiếu trên họ. Nhưng sự bướng bỉnh đã sinh ra mù quáng. Đức Chúa Giê-su đã bỏ qua các truyền thống của các thầy thông giáo, và coi nhẹ thẩm quyền của họ nên họ sẽ không chịu tin. CCC1 196.3

Thì giờ, nơi chốn, cơ hội, sức mạnh của tình cảm vốn đã lan tỏa khắp đoàn dân đông, tất cả hiệp lại làm cho lời của Đức Chúa Giê-su thêm ấn tượng trước tòa công luận. Những uy quyền tôn giáo có hiệu lực cao nhất dân tộc đang tìm cách lấy đi mạng sống của Đấng đã tuyên bố mình là Đấng khôi phục lại nhà Y-sơ-ra-ên. Chúa của ngày Sa-bát đã bị buộc tội trước một tòa án trần tục để biện minh cho lời buộc tội vi phạm luật ngày Sa-bát. Khi Ngài tuyên bố về sứ mạng của mình không chút sợ hãi, thì các quan tòa nhìn Ngài với ánh mắt ngạc nhiên và tức giận. Nhưng không ai có thể đáp lại lời Ngài. Họ không thể lên án Ngài được. Ngài không nhìn nhận các thầy tế lễ và các thầy thông giáo có quyền hạch hỏi Ngài hay can thiệp vào chức vụ của Ngài. Họ không có quyền đó. Các đòi hỏi của họ chỉ dựa trên lòng kiêu căng và ngạo mạn của chính họ mà thôi. Ngài không nhận mình có tội như họ đã tố cáo hay để họ sửa đổi Ngài. CCC1 196.4

Thay vì biện hộ cho hành động mà họ đã than phiền hay giải thích ý định của Ngài khi làm điều đó, Đức Chúa Giê-su đã quay về phía những nhà lãnh đạo và bị cáo trở thành nguyên cáo. Ngài khiển trách họ vì sự cứng lòng và về sự thiếu hiểu biết về Kinh Thánh. Ngài đã tuyên bố rằng họ đã khước từ lời của Đức Chúa Trời, đến độ họ đã khước từ Đấng được Đức Chúa Trời gởi đến. “Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về Ta vậy.” (Giăng 5:39). CCC1 197.1

Mỗi trang của Kinh Thánh Cựu Ước, dù trong phần lịch sử, phần giáo huấn hay lời tiên tri, luôn tỏa sự vinh hiển của Con Đức Chúa Trời. Nếu nói về dân Y-sơ-ra-ên là công cụ của thiên đàng, thì toàn bộ hệ thống Đạo Giu-đa là một lời tiên tri cô đọng nói về Tin-lành. “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng” về Đấng Cứu Thế (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:43). Từ lời hứa với A-đam, đến các tổ phụ và hệ thống luật pháp, ánh sáng vinh hiển trên trời đã làm rõ các bước chân của Đấng Cứu Chuộc. Các nhà tiên tri nhìn thây Ngôi sao Bết-lê-hem, Đấng Si-lô sẽ hiện đến, các sự tương lai như trải ra trước mắt họ trong một tiến trình bí ẩn. Trong mỗi cuộc tế lễ, cái chết của Đấng Cứu Thế luôn được tỏ cho thây. Trong mỗi làn hương, sự công bình của Ngài bay lên. Nơi mỗi hồi kèn hân hoan, danh của Ngài vang lên. Sự vinh hiển của Ngài ở nơi mầu nhiệm đáng sợ của nơi chí thánh. CCC1 197.2

Người Giu-đa có Kinh Thánh và tin rằng với sự hiểu biết dù nông cạn về lời chép ở trong, họ cũng có sự sống đời đời. Nhưng Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Đạo (Lời) Ngài không ở trong các ngươi.” Chối bỏ Lời của Đấng Cứu Thế, họ đã chối bỏ chính bản thân Ngài. Ngài phán tiếp: “Các ngươi không muốn đến cùng Ta để được sự sống.” Các nhà lãnh đạo Giu-đa đã tìm hiểu lời giáo huấn của các tiên tri liên quan đến nước của Đấng Mê-si; nhưng họ tìm hiểu, không phải với một sự mong muốn chân thành được biết Lẽ Thật, mà với mục đích là tìm ra chứng cớ để làm nền tảng cho những tham vọng của mình. Khi Đấng Cứu Thế đến với cung cách trái với những gì họ mong đợi, họ không thèm tiếp nhận Ngài. Và để tự biện minh, họ tìm cách chứng minh Ngài là một kẻ lừa dối. Khi họ đã một lần đưa chân vào con đường này, Sa-tan sẽ không mây khó khăn trong việc củng cố sự chống đối Đấng Cứu Thế. Những lời đáng lẽ phải được đón nhận như chứng cớ về bản thể Đức Chúa Trời của Ngài thì lại được giải thích để chống lại Ngài. Như thế, họ đã biến Lẽ Thật của Đức Chúa Trời thành một lời lừa gạt và Chúa Cứu Thế càng nói trực tiếp với họ qua những công việc của lòng thương xót Ngài thì họ lại càng thêm cương quyết trong việc kháng cự ánh sáng. CCC1 197.3

Đức Chúa Giê-su phán: “Ta chẳng cầu vinh hiển bởi người ta mà đến đâu.” Chẳng phải ảnh hưởng của tòa Công luận, cũng chẳng phải sự thuận lòng của họ mà Ngài mong muốn. Ngài không nhận vinh hiển họ cho phép. Ngài đã được trao sự vinh hiển và uy quyền của Thiên đàng. Giả sử như Ngài muốn có sự vinh hiển, hẳn các thiên sứ đã đến để bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài. Cha sẽ còn làm chứng về thần tính của Ngài. Nhưng vì lợi ích của họ, vì lợi ích của dân tộc dưới quyền lãnh đạo của họ, Ngài mong muốn những nhà lãnh đạo Giu-đa nhận ra bổn tánh của Ngài và đón nhận những phước lành Ngài mang đến cho họ. CCC1 198.1

“Ta đã nhân danh Cha Ta mà đến, các ngươi không nhận lấy Ta. Nếu có kẻ khác lấy danh riêng mình mà đến, thì các ngươi sẽ nhận lấy.” Đức Chúa Giê-su đến bởi uy quyền của Đức Chúa Trời, mang theo hình ảnh Đức Chúa Trời, thi hành Lời Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời; lại không được các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên tiếp nhận. Nhưng khi những người khác đến, xưng là Đấng Cứu Thế, nhưng lại hành động theo ý riêng của họ và tìm kiếm sự vinh hiển cho riêng mình, họ lại được tiếp nhận. Tại sao vậy? Bởi vì kẻ tìm kiếm sự vinh hiển cho riêng mình phù hợp với ước muốn đề cao cá nhân trong lòng của những người khác. Người Giu-đa sẵn sàng đáp ứng lại những phù hợp này. Họ sẽ tiếp nhận giáo sư giả vì hắn thỏa mãn lòng kiêu ngạo của họ bằng cách tán dương những quan niệm và truyền thống mà họ ôm ấp. Trong khi đó, những lời dạy dỗ của Đấng Cứu Thế lại không phù hợp với các lý tưởng của họ. Lời dạy dỗ ấy mang tính cách thuộc linh và đòi hỏi từ bỏ bản ngã. Vì thế họ không tiếp nhận. Họ trở nên xa lạ với Đức Chúa Trời. Đối với họ, lời phán của Ngài là tiếng nói của một người không quen biết. CCC1 198.2

Há những chuyện như vậy đã chẳng được lặp lại trong thời đại của chúng ta hay sao? Có biết bao nhiêu người, ngay cả những người lãnh đạo trong tôn giáo, cũng làm cho lòng mình cứng cõi nghịch lại cùng Đức Thánh Linh, khiến họ không thể nhận ra tiếng phán của Đức Chúa Trời? Há có phải là họ đang khước từ Lời của Đức Chúa Trời để có thể tiếp tục tuân giữ các truyền thống của chính họ đó sao? CCC1 198.3

Đức Chúa Giê-su phán: “Vì nếu các ngươi tin Môi-se, cũng sẽ tin Ta; bởi ấy là về Ta mà người đã chép. Nhưng nếu các ngươi chẳng tin những lời người chép, các ngươi há lại tin lời Ta sao?” Chính Đấng Cứu Thế đã phán với Y-sơ-ra-ên qua Môi-se. Nếu họ chịu lắng nghe Lời của Chúa phán qua người lãnh đạo vĩ đại của họ, hẳn là họ đã nhận ra Lời ấy trong lời dạy dỗ của Đấng Cứu Thế. Nếu họ tin Môi-se, hẳn là họ đã tin Ngài, Đấng được Môi-se đề cập đến. CCC1 198.4

Đức Chúa Giê-su biết rằng các thầy tế lễ và các thầy thông giáo quyết tâm lấy mạng sống của Ngài. Nhưng Ngài đã giải thích rõ ràng cho họ về sự hiệp nhất giữa Ngài với Cha, và về mối quan hệ của Ngài với thế gian. Họ thây rằng sự việc họ chống đối Ngài không có lý do bào chữa, nhưng lòng căm thù khát máu của họ không dập tắt được. Sự sợ hãi đã xâm chiếm họ khi họ chứng kiến chức vụ Ngài được thực hiện với quyền phép đầy sự thuyết phục; nhưng họ chống cự những lời kêu gọi của Ngài, và tự giam mình trong tối tăm. CCC1 199.1

Họ đã thất bại trong việc đánh đổ uy tín của Đức Chúa Giê-su hay làm cho dân chúng không còn tôn trọng và chú ý tới Ngài, nhiều người trong dân chúng đã xác tín về Lời của Ngài. Những nhà lãnh đạo cũng cảm thây bị lên án nặng nề khi Ngài làm cho lương tâm của họ nhận ra tội lỗi. Nhưng điều này lại chỉ làm cho họ thêm cứng lòng chống lại Ngài mà thôi. Họ quyết tâm lấy mạng sống của Ngài. Họ gửi các sứ giả đi khắp nơi cảnh cáo dân chúng rằng Đức Chúa Giê-su là một kẻ bịp bợm. Họ cũng cử các kẻ do thám theo dõi Ngài và tường trình Lời Ngài nói cũng như việc Ngài làm. Rõ ràng là Chúa Cứu Thế yêu quý giờ đây đang đứng dưới bóng của thập tự giá. CCC1 199.2