Go to full page →

Chương 28—“Lê-Vi Ma-Thi-Ơ” CCC1 261

Dựa theo Ma-thi-ơ 9: 9-17; Mác 2: 14-22; Lu-ca 5: 27-39

Trong số các viên chức của người La-mã ở xứ Pa-lét-tin, không ai bị thù ghét hơn những người thâu thuế. Sự kiện thuế má được áp đặt bởi thẩm quyền của người ngoại quốc là nỗi bực tức triền miên đối với người Giuđa, điều đó như một sự nhắc nhở rằng nền độc lập của họ không còn nữa. Và những người thâu thuế không chỉ là công cụ áp bức của người La-mã mà còn là những kẻ tham nhũng cầu lợi cho bản thân, làm giàu trên xương máu dân tộc mình. Người Giu-đa nào nhận chức thâu thuế từ tay người La-mã sẽ bị coi là kẻ phản bội danh dự dân tộc. Người ấy sẽ bị khinh dễ như một kẻ bội đạo và bị xếp vào hàng ngũ những kẻ đê tiện nhất xã hội. Trong bọn thâu thuế có Lê-vi Ma-thi-ơ, là người được kêu gọi theo Đấng Cứu Thế để phục vụ Ngài, sau bốn môn đồ đầu tiên tại Ghê-nê-xa-rét. Người Pha-ri-si nhắm vào chức vụ thâu thuế mà xét đoán Ma-thi-ơ, nhưng Chúa Giê-su lại thây nơi con người này một tấm lòng rộng mở cho Lẽ Thật. Ma-thi-ơ lắng nghe những lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế. Và khi Đức Thánh Linh cáo trách để ông thây tội lỗi mình, ông khát khao tìm sự cứu giúp từ Đấng Cứu Thế; nhưng vốn đã quen với sự kỳ thị của các thầy thông giáo nên ông không nghĩ rằng người Thầy Vĩ đại này sẽ chú ý tới ông. CCC1 261.1

Một hôm, đang ngồi tại sở thâu thuế, Ma-thi-ơ trông thây Đức Chúa Giê-su đang tiến về phía ông. Và ông vô cùng kinh ngạc khi nghe về Ngài phán với chính ông: “Hãy theo Ta!” Ma-thi-ơ “bỏ hết mọi sự, đứng dậy đi theo Ngài.” Không do dự, không thắc mắc, cũng không đắn đo trong khi bỏ công việc đang mang lại nhiều lợi lộc để chuốc lấy sự nghèo khổ và vất vả. ĐƯỢC ở với Đức Chúa Giê-su, có thể nghe Lời Ngài giảng dạy, và hiệp một với Chúa trong chức vụ của Ngài, thế là đã đủ đối với Ma-thi-ơ. CCC1 261.2

Đối với các môn đồ được kêu gọi trước đây cũng thế. Khi Đức Chúa Giê-su truyền cho Phi-e-rơ và những người cộng sự của ông theo Ngài, ngay lập tức họ bỏ lại thuyền và lưới. Vài người trong số các môn đồ này phải nuôi sống những người thân của mình; nhưng khi nghe lời kêu gọi của Chúa Cứu Thế, họ đã không do dự hay thắc mắc: Tôi sẽ sống ra làm sao, làm thế nào để giúp đỡ gia đình tôi? Họ đã vâng theo tiếng gọi; và sau này, khi Đức Chúa Giê-su hỏi họ: “Khi Ta đã sai các ngươi đi, không đem túi, bao, giày chi hết, các ngươi có thiếu gì không?” Họ đã trả lời: “Không thiếu chi hết” (Lu-ca 22:35). Ma-thi-ơ giàu sang, Anh-rê và Phi-e-rơ nghèo hèn, tất cả đều chịu thử thách như nhau; và mỗi người đều có cùng một thái độ hiến dâng. Lúc thành công, tức là khi lưới đầy cá, và lúc cuộc sống cũ lôi cuốn mạnh mẽ nhất, Đức Chúa Giê-su đòi các môn đồ theo nghề chài lưới phải bỏ tất cả vì chức vụ Tin-lành. Mọi linh hồn đều sẽ bị thử thách để xem giữa lòng ham mê của cải tạm bợ thế gian và ước muốn được làm bạn với Đấng Cứu Thế, điều nào mạnh hơn. CCC1 262.1

Một nguyên tắc không hề thay đổi. Không ai có thể thành công trong chức vụ hầu việc Đức Chúa Trời mà không để hết lòng mình vào chức vụ và coi mọi sự như sự lỗ vì sự nhận biết Đấng Cứu Thế là quý hơn hết. Người nào còn dè dặt thì không thể làm môn đồ Đấng Cứu Thế, lại càng không thể là người đồng công với Ngài. Khi con người nhận ra chân giá trị của sự cứu rỗi vĩ đại, thì sự từ bỏ thân mình là điều đã thây trong cuộc sống của Đấng Cứu Thế, cũng sẽ được nhìn thây trong cuộc sống của họ. Bất cứ nơi nào Chúa sẽ dẫn họ đi đến, họ cũng sẽ vui vẻ bước đi theo Ngài. CCC1 262.2

Sự kêu gọi Ma-thi-ơ trở thành một trong số các môn đồ của Đấng Cứu Thế khiến người ta rất tức giận. Một người thầy dạy đạo cẩn trọng như Đức Chúa Giê-su mà lại chọn một người thâu thuế làm một trong số những người hầu việc trực tiếp của mình là một sự xúc phạm đối với các tập tục tôn giáo, xã hội và dân tộc. Bằng cách khơi dậy thành kiến của dân chúng, người Pha-ri-si hi vọng có thể xoay ngược dòng tình cảm chung để chống lại Đức Chúa Giê-su. CCC1 262.3

Trong vòng những người làm nghề thâu thuế đã hình thành một mối quan tâm rộng khắp. Lòng họ hướng về vị Giáo sư từ trời. Trong niềm hân hoan vì được làm môn đồ của Ngài, Ma-thi-ơ ao ước được đưa các đồng nghiệp cũ của mình tới với Đức Chúa Giê-su. Ông sẵn lòng mở một bữa tiệc tại chính ngôi nhà mình và mời bà con, bạn bè tới dự. Không chỉ những người thâu thuế, mà nhiều người có tiếng là không đáng tin cậy khác, những kẻ bị những người láng giềng khắt khe tẩy chay, cũng được mời tới dự. CCC1 262.4

Buổi tiệc được tổ chức để mừng Đức Chúa Giê-su, và Ngài đã không do dự nhận lời mời. Ngài biết rõ rằng việc làm này sẽ khiến người Pha-ri-si phật lòng và cũng sẽ gây bất lợi cho Ngài dưới mắt dân chúng. Nhưng không một đường lối hay chánh sách nào có thể ảnh hưởng trên các hoạt động của Ngài. Với Ngài, các phân biệt bề ngoài chẳng có nghĩa lý gì cả. Điều rung động lòng Ngài là một linh hồn đang khao khát nước sự sống. Đức Chúa Giê-su ngồi với tư cách là khách danh dự tại bàn của những người thâu thuế. Sự cảm thông và lòng tử tế trong việc giao tiếp cho thây rằng Ngài tôn trọng nhân phẩm, và con người cũng mong đợi được trở nên xứng đáng với lòng tin tưởng của Ngài. Lời của Ngài đem ơn phước và quyền năng, đem sự sống đến những tâm hồn đang khát khao. Những thôi thúc mới được đánh thức và cơ hội về một đời sống mới mở ra trước mặt những kẻ bị đặt bên ngoài xã hội này. CCC1 262.5

Tại những lần họp mặt như thế này, không ít người đã được Lời của Chúa Cứu Thế thức tỉnh, nhưng không nhìn nhận Ngài cho tới sau khi Ngài thăng thiên. Khi Đức Thánh Linh đổ xuống và ba ngàn người đã trở lại trong một ngày, trong số họ có nhiều người đã được nghe giảng về Lẽ Thật lần đầu tiên tại bàn tiệc của những người thâu thuế, và một số trong những người này đã trở thành sứ giả Tin-lành. Đối với chính Ma-thi-ơ, gương của Đức Chúa Giê-su tại bữa tiệc là một bài học bất biến. Người thâu thuế bị khinh dễ trở thành một trong những người viết Tin-lành nhiệt thành nhất, trong chính chức vụ của người theo chân Thầy mình. CCC1 263.1

Khi các thầy thông giáo hay tin Đức Chúa Giê-su có mặt tại bữa tiệc ở nhà Ma-thi-ơ, họ bèn nắm lấy cơ hội để tố cáo Ngài. Nhưng họ đã dự mưu mượn tay các môn đồ để làm công việc này. Bằng cách khơi dậy các thành kiến của họ, các thầy thông giáo hi vọng tách họ ra khỏi Thầy của họ. Đường lối của những người này là tố cáo Đức Chúa Giê-su với các môn đồ và tố cáo các môn đồ với Đức Chúa Giê-su, chĩa những mũi tên của chúng vào nơi họ dễ dàng bị tổn thương nhất. Đó cũng là cách thức Sa-tan đã dùng ngay từ vụ chống đối trên trời. Và tất cả những ai tìm cách gây bất hòa và thù ghét đều hành động với tinh thần của Sa-tan. CCC1 263.2

“Làm sao Thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết như vậy?” Các thầy thông giáo ghen tỵ thắc mắc như vậy. Đức Chúa Giê-su không đợi các môn đồ Ngài trả lời. Ngài liền phán: “Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bệnh. Hãy đi và học cho biết câu này có nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì Ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.” Người Pha-ri-si huênh hoang rằng họ là người trọn vẹn về mặt tâm linh, và do đó chẳng cần đến thầy thuốc, trong khi đó họ nhìn những người thâu thuế và người ngoại như những con người đang hư mất vì những căn bệnh trong linh hồn. Như vậy, chẳng phải là chức vụ của Ngài, với tư cách một thầy thuốc, là tới với tầng lớp thực sự cần đến sự giúp đỡ của Ngài hay sao? Mặc dầu người Pha-ri-si đánh giá cao chính tầng lớp của mình như vậy, họ vẫn thực sự ở trong tình trạng còn xấu xa hơn cả tình trạng của những kẻ bị họ khinh thường. Những người thâu thuế không có niềm tin mù quáng và tự mãn, và do đó cởi mở hơn trước tác động của Lẽ Thật. Đức Chúa Giêsu nói với các thầy thông giáo: “Hãy đi và học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ.” Như vậy, Ngài cho thây rằng trong khi họ giải thích lời của Đức Chúa Trời, họ hoàn toàn mù tịt về tinh thần của những lời ấy. Người Pha-ri-si nhất thời buộc phải câm miệng, nhưng họ càng quyết tâm hơn trong lòng thù ghét của họ. Họ sẽ đi tìm các môn đồ của Giăng và xúi giục những người này chống lại Đấng Cứu Thế. Những người Pha-ri-si này không hề chấp nhận chức vụ của Giăng. Họ chế nhạo cuộc sống đạm bạc, cách ăn mặc giản dị, sự thô lỗ của Giăng và rêu rao rằng Giăng là một kẻ cuồng tín. Bởi vì Giăng tố cáo sự giả hình của họ, nên họ chống cự lại các lời của ông và đã tìm cách khuây động dân chúng chống lại ông. Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã đánh động lòng của những kẻ coi rẻ ông, cho họ thây tội lỗi của mình; nhưng họ đã khước từ lời khuyên nhủ của Đức Chúa Trời, và đã tuyên bố rằng Giăng bị quỷ ám. CCC1 263.3

Giờ đây, khi Đức Chúa Giê-su đến hòa mình với dân chúng, ăn uống đồng bàn với họ, họ lại tố cáo Ngài là kẻ ham ăn ham uống. Những kẻ tố cáo Ngài như vậy chính là những kẻ tội lỗi. Như Đức Chúa Trời bị Sa-tan bóp méo và gán cho các tâm tánh của chính nó, cũng vậy, các sứ giả của Chúa cũng bị những con người độc ác xuyên tạc. CCC1 264.1

Người Pha-ri-si không muốn tin rằng Đức Chúa Giê-su đang cùng ăn cùng uống với những người thâu thuế là để đem ánh sáng trên trời đến cho những kẻ còn ngồi trong tối tăm. Họ không muốn thây rằng mỗi lời phát ra từ miệng người Thầy chí thánh là một hạt giống sống động được gieo xuống và sinh hoa kết quả làm Đức Chúa Trời thêm vinh hiển. Họ nhất quyết không chấp nhận ánh sáng. Và mặc dù họ chống lại chức vụ của Giăng Báptít, giờ đây họ vẫn sẵn sàng lấy lòng các môn đồ của ông, hi vọng có được đồng minh để chống lại Đức Chúa Giê-su. Họ cho thây là Đức Chúa Giê-su đang giễu cợt các lời truyền khẩu của cha ông, và họ vạch ra cho thây sự tương phản giữa tâm đạo nghiêm nhặt của Giăng Báp-tít và sự buông thả của Đức Chúa Giê-su khi Ngài cùng ăn uống với những người thâu thuế và kẻ tội lỗi. CCC1 264.2

Các môn đồ của Giăng lúc này đang rất buồn phiền. Chuyện này xảy ra trước khi họ tới gặp Đức Chúa Giê-su với sứ điệp của Giăng. Thầy yêu dấu của họ đang ở trong tù, và họ đang phải sống những ngày ảm đạm. Còn Đức Chúa Giê-su thì lại chẳng có hành động nào để giải thoát Giăng, thậm chí còn có vẻ như muốn hạ uy tín của những lời giảng dạy của Giăng nữa. Nếu Giăng quả thật được Đức Chúa Trời sai đến, thì tại sao Đức Chúa Giê-su và các môn đồ của Ngài lại có một cách xử sự quá khác biệt như vậy? CCC1 264.3

Các môn đồ của Giăng không hiểu rõ về chức vụ của Đấng Cứu Thế; họ nghĩ rằng những lời buộc tội của người Pha-ri-si có một số căn bản nào đó. Họ tuân giữ nhiều luật lệ do các thầy thông giáo đặt ra và còn hi vọng nhờ các việc làm theo luật lệ mà được trở nên công bình. Người Giu-đa kiêng ăn và coi đó là một hành động mang lại cho họ công đức, và người sốt sắng nhất trong số họ kiêng ăn hai ngày trong một tuần. Người Pha-ri-si và các môn đồ của Giăng đang kiêng ăn khi các môn đồ của Giăng tới hạch hỏi Đức Chúa Giê-su: “Cớ sao chúng tôi và những người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đồ Thầy không kiêng ăn?” CCC1 264.4

Đức Chúa Giê-su dịu dàng trả lời họ. Ngài không tìm cách sửa chữa những quan niệm sai lạc của họ về việc kiêng ăn, nhưng chỉ muốn họ nhìn thẳng vào chức vụ của Ngài. Và Ngài đã dùng lại chính hình ảnh Giăng dùng để làm chứng về Đức Chúa Giê-su. Giăng đã nói: “Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó” (Giăng 3:29). Các môn đồ của Giăng không thể không nhớ lại những lời này của thầy mình, khi Đức Chúa Giê-su dùng lại hình ảnh này và phán: “Trong khi chàng rể còn ở cùng bạn mừng cưới mình, các ngươi dễ bắt họ phải kiêng ăn được sao?” Vua Trời đang ở giữa dân sự của Ngài. Quà tặng lớn nhất của Đức Chúa Trời đã được ban cho thế gian. Niềm vui cho người nghèo vì Ngài sẽ dạy họ phải làm sao để có được sự giàu sang đời đời. Niềm vui cho kẻ dốt nát, vì Ngài sẽ làm cho họ trở nên khôn ngoan trong sự cứu rỗi. Niềm vui cho người thông thái vì Ngài sẽ mở ra cho họ những lẽ mầu nhiệm sâu sắc hơn mà họ chưa bao giờ hiểu thấu. Những Lẽ Thật được giấu kín từ buổi khai thiên lập địa sẽ mở ra cho loài người qua sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Giăng Báp-tít đã vui mừng được thây Chúa Cứu Thế. Các môn đồ cũng đã có được cơ hội để mừng vui vì họ đã có đặc ân được đi và trò chuyện với Vua Trời. Đây không phải là lúc để họ than khóc và kiêng ăn. Họ phải mở lòng ra để tiếp nhận ánh sáng sự vinh hiển của Ngài để họ có thể chiếu ra trên những kẻ ngồi trong chốn tối tăm và trong bóng sự chết. CCC1 265.1

Thật là một bức tranh tươi sáng mà Lời của Đấng Cứu Thế đã họa nên, nhưng trong bức tranh ấy vẫn còn một bóng đen nặng nề mà chỉ mình Ngài mới nhận thây. Ngài phán: “Song tới kỳ chàng rể phải đem đi khỏi họ, trong ngày đó họ sẽ kiêng ăn.” Khi họ thây Chúa mình bị phản bội và bị đóng đinh vào thập tự giá, các môn đồ sẽ than khóc và kiêng ăn. Tại phòng cao, Ngài phán những lời cuối cùng với họ: “Còn ít lâu các ngươi sẽ chẳng thây Ta; rồi ít lâu nữa các ngươi lại thây Ta; các ngươi đương hỏi nhau về ý nghĩa câu ấy đó chi. Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ khóc lóc, than vãn, còn người đời sẽ mừng rỡ; các ngươi sẽ ở trong sự lo buồn, nhưng sự lo buồn các ngươi sẽ đổi làm vui vẻ” (Giăng 16:19,20). CCC1 265.2

Khi Ngài bước ra khỏi mồ mả, sự lo buồn của họ đổi thành vui mừng. Sau khi Ngài thăng thiên, Ngài không còn hiện diện ở giữa họ, nhưng qua Đấng Yên Ủi Ngài vẫn ở cùng họ, và họ sẽ không phải mất thì giờ than khóc. Đây là điều Sa-tan mong muốn. Nó muốn họ cho thế gian cảm giác họ đã bị lừa dối và đang thất vọng. Nhưng họ phải lấy niềm tin để nhìn lên đền thánh trên cao, nơi Đức Chúa Giê-su đang làm việc cho họ. Họ phải mở lòng mình ra cho Đức Thánh Linh-Vị Đại Diện của Ngài, và vui mừng trong ánh sáng của sự hiện diện Ngài. Nhưng ngày cám dỗ và thử thách sẽ đến, khi họ phải đương đầu với những kẻ cai trị thế gian này, và những kẻ dẫn dắt vương quốc bóng tối. Khi Đấng Cứu Thế không còn đích thân ở với họ và khi họ không nhận ra Đấng Yên Ủi, khi ấy, việc kiêng ăn sẽ thích hợp với họ hơn. CCC1 265.3

Những người Pha-ri-si tìm cách đề cao mình bằng việc tuân thủ nghiêm nhặt những luật lệ về hình thức lễ nghi, trong khi lòng của họ thì lại đầy những ghen tuông và xung đột. Kinh Thánh viết: “Thật, các ngươi kiêng ăn để tìm sự cãi cọ tranh cạnh, đến nỗi nắm tay đánh nhau cộc cằn; các người kiêng ăn trong ngày như vậy, thì tiếng các ngươi chẳng được nghe thâu nơi cao. Đó há phải là sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, há phải là ngày người ta dằn lòng mình đâu? Cúi đầu như cây sậy, nằm trên bao gai và trên tro, đó há phải là điều ngươi gọi là kiêng ăn, là ngày đẹp lòng Đức Giê-hô-va sao?” (Ê-sai 58:4,5). CCC1 266.1

Sự kiêng ăn chân thật không phải là công việc chỉ mang hình thức mà thôi. Kinh Thánh đã mô tả sự kiêng ăn Đức Chúa Trời đã chọn: “bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách;” là “mở lòng cho kẻ đói, và làm no kẻ khốn khổ ” (Ê-sai 58:6,10). Ở đây, tinh thần và tính chân thật của chức vụ Đấng Cứu Thế đã được nêu lên. Dù kiêng ăn trong đồng vắng cám dỗ, hay ngồi ăn uống với những người thâu thuế tại bữa tiệc nhà Ma-thi-ơ, Ngài luôn ban sự sống để cứu rỗi linh hồn hư mất. Không phải trong than khóc, trong sự hạ mình hay trong muôn vàn hy sinh nơi thân xác mà tinh thần tận hiến đích thực được biểu lộ, tinh thần ấy được biểu lộ trong sự dâng mình hầu việc Đức Chúa Trời và loài người một cách vui vẻ. CCC1 266.2

Để tiếp tục trả lời câu hỏi các môn đồ của Giăng, Đức Chúa Giê-su đã dùng ví dụ: “Không có ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; vì nếu làm vậy, miếng nỉ mới sẽ chằng rách áo cũ, và đàng rách trở nên xấu hơn.” Sứ điệp của Giăng Báp-tít không thể đem trộn lẫn với lời truyền khẩu và tập tục. Nỗ lực pha trộn đòi hỏi của những người Pha-ri-si với tấm lòng tận hiến của Giăng sẽ chỉ làm cho vết nứt giữa họ rộng hơn mà thôi. CCC1 266.3

Những nguyên tắc trong các bài giảng của Đấng Cứu Thế cũng không thể kết hợp với các hình thức của chủ nghĩa Pha-ri-si. Đấng Cứu Thế không sửa chữa những nứt rạn gây nên bởi những lời giảng dạy của Giăng. Ngài còn muốn làm nổi bật hơn nữa sự tách biệt giữa cái cũ và cái mới. Minh họa cho sự kiện này, Đức Chúa Giê-su phán: “Không có ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra, và bầu phải hư.” Bầu da được dùng làm bình để đựng rượu mới, sau một thời gian, trở nên khô và giòn và do đó không còn thích hợp để dùng chứa rượu mới nữa. Qua hình ảnh quen thuộc này, Đức Chúa Giê-su muốn trình bày về thực trạng của các nhà lãnh đạo Giu-đa. CCC1 266.4

Các thầy tế lễ, các thầy thơ ký và các quan trưởng đã đi theo đường mòn của những nghi lễ và lời truyền khẩu. Lòng họ đã co lại như những bầu da đựng rượu đã khô mà Ngài dùng để ví von. Chừng nào họ còn tự mãn với một thứ tôn giáo hợp pháp, họ không thể trở thành những kẻ được giao giữ Lẽ Thật sống trên trời. Họ nghĩ rằng sự công bình của riêng họ đã đầy đủ rồi và chẳng còn mong ước có một yếu tố mới nào nữa đem thêm vào trong tôn giáo của họ. Họ không muốn chấp nhận ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời đối với loài người mà coi ý muốn ấy như một cái gì xa vời với chính bản thân họ. Họ gắn ý muốn ấy với chính công đức của mình vì những việc làm tốt lành. Niềm tin hành động bằng tình yêu và luyện lọc linh hồn không thể có chỗ cho sự kết hợp với tôn giáo của người Pha-ri-si gồm những nghi lễ và những huấn thị của loài người. Nỗ lực để kết hợp những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su với tôn giáo đã được thiết lập sẽ chẳng đem lại kết quả nào. Lẽ Thật cơ bản của Đức Chúa Trời, giống như rượu đang lên men, sẽ làm nổ tung những chiếc bình cũ và đang hư nát của truyền thống Pha-ri-si. CCC1 267.1

Người Pha-ri-si cảm thây họ đủ khôn ngoan nên không cần đến sự dạy dỗ, quá công bình nên không cần được cứu rỗi, quá cao trọng nên không cần vinh dự đến từ Đấng Cứu Thế. Chúa Cứu Thế đã quay lưng lại với họ để tìm kiếm những người khác sẽ tiếp nhận sứ điệp nước trời. Nơi những người đánh cá thất học, nơi người thâu thuế chốn chợ búa, nơi người đàn bà xứ Sa-ma-ri, nơi những thường dân đã từng hân hoan nghe Ngài giảng dạy, Ngài tìm được những chiếc bình mới để đựng rượu mới. Những dụng cụ được sử dụng trong sứ mạng Tin-lành là những linh hồn đó, những kẻ đã vui mừng tiếp nhận ánh sáng Đức Chúa Trời gửi đến cho mình. Họ là những người đại diện Ngài để đem sự hiểu biết về Lẽ Thật cho thế gian. Nếu nhờ ân điển của Đấng Cứu Thế, dân sự Ngài trở thành những chiếc bình mới, thì Ngài sẽ đổ đầy rượu mới vào các bình ấy. CCC1 267.2

Lời dạy dỗ của Đấng Cứu Thế, dù được giới thiệu như là rượu mới, lại không phải là một học thuyết mới, mà là sự mặc khải điều đã được dạy dỗ từ buổi ban đầu. Nhưng đối với người Pha-ri-si, các Lẽ Thật của Đức Chúa Trời đã mất hết ý nghĩa tinh túy và vẻ đẹp ban đầu. Với họ, sự dạy dỗ của Đấng Cứu Thế mới mẻ trong hầu hết mọi phương diện và họ đã chẳng nhận ra cũng như không thừa nhận những sự dạy dỗ ấy. Đức Chúa Giê-su đã vạch ra khả năng của những lời dạy dỗ sai lầm khiến người ta không còn nhận ra và ước muốn Lẽ Thật. Ngài phán: Không ai đã uống rượu cũ lại tức khắc đòi uống rượu mới, bởi vì kẻ đó nói: Rượu cũ ngon hơn. Mọi Lẽ Thật đã được ban cho thế gian qua các tổ phụ và các tiên tri đã xuất hiện trong vẻ đẹp mới qua Lời của Đấng Cứu Thế. Nhưng các thầy thơ ký và người Pha-ri-si lại không thèm thử loại rượu mới quý báu ấy. Bao lâu tâm trí họ chứa đầy những lời truyền khẩu, tập tục và những thực hành cũ, bây lâu họ chẳng có chỗ cho những Lời dạy dỗ của Đấng Cứu Thế. Họ bám vào những hình thức đã chết nhưng lại quay lưng với Lẽ Thật sống và quyền phép Đức Chúa Trời. CCC1 267.3

Chính đây là điều chứng tỏ cho thây sự tàn lụi của người Giu-đa và sẽ cho thây sự tàn lụi của nhiều linh hồn trong thời đại chúng ta. Hàng ngàn người đang phạm phải những sai lầm của người Pha-ri-si, những sai lầm đã bị Đức Chúa Giê-su khiển trách tại bữa tiệc nhà Ma-thi-ơ. Thay vì từ bỏ một số ý thích, hay loại bỏ một thần tượng nào đó của dư luận, nhiều người lại từ chối Lẽ Thật đến từ Cha của sự sáng. Họ tin tưởng vào bản thân, và lệ thuộc vào sự khôn ngoan của chính mình, nhưng lại không nhận ra sự nghèo nàn về tinh thần của mình. Họ khăng khăng cho rằng họ sẽ được cứu rỗi nhờ cách thực hiện một công việc quan trọng nào đó. Khi họ thây rằng chẳng có cách nào để kết hợp bản ngã của họ với hành động, thì họ khước từ sự cứu rỗi sẵn ban cho mình. CCC1 268.1

Một tôn giáo hợp pháp chẳng bao giờ có thể dẫn linh hồn người ta đến với Đấng Cứu Thế, bởi vì đó là một tôn giáo không có tình yêu thương, không có Đấng Cứu Thế. Kiêng ăn hay cầu nguyện với tinh thần tự mình làm cho mình trở nên công bình là một sự ghê tởm trước mắt Đức Chúa Trời. Những buổi nhóm họp trang trọng để thờ phượng, chu kỳ của những lễ nghi tôn giáo, sự hạ mình bề ngoài, lễ tế oai nghiêm, đều cho thây rằng những kẻ làm những việc như vậy tự cho mình là công bình và có quyền được hưởng thiên đàng. Nhưng tất cả chỉ là trò lừa bịp. Các việc làm của riêng chúng ta chẳng bao giờ đem lại sự cứu rỗi. CCC1 268.2

Điều xảy ra trong thời Đấng Cứu Thế cũng đang xảy ra trong thời đại chúng ta. Người Pha-ri-si không ý thức được sự thiếu thốn về tinh thần của mình. Sứ điệp này dành cho họ: “Vả, ngươi nói: ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ. Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của Ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có, mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi khỏi lộ ra; lại mua thuốc xức mắt đặng thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thây được” (Khải Huyền 3:17,18). Tình yêu và niềm tin là vàng được thử trong lửa. Nhưng với nhiều người, vàng đã trở nên mờ tối và thế là kho tàng sang trọng mất sạch. Với họ, sự công bình của Đấng Cứu Thế là một chiếc áo choàng còn mới, một dòng suối thuần khiết. Có tiếng phán với họ: “Nhưng điều Ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, Ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì Ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó” (Khải Huyền 2:4,5). CCC1 268.3

“Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương. Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu” (Thi Thiên 51:17). Con người phải làm cho chính mình ra trống rỗng, trước khi có thể trở thành môn đồ của Đức Chúa Giê-su, theo nghĩa rộng nhất. Khi cái tôi bị hạ xuống, Chúa có thể biến đổi con người thành một tạo vật mới. Bình mới có thể chứa đựng rượu mới. Tình yêu của Đấng Cứu Thế có thể làm cho kẻ có đức tin sống bằng sức sống mới. Qua người tin ấy, người vốn nhìn về Đấng Cội Rễ và Cuối Cùng của đức tin chúng ta, tánh hạnh của Đấng Cứu Thế sẽ được bày tỏ. CCC1 268.4