Go to full page →

Chương 29—Ngày Sa-Bát CCC1 271

Ngày Sa-bát nên thánh từ thuở trời đất mới được tạo dựng. Được thiết lập vì loài người, ngày Sa-bát bắt đầu khi “các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng” (Gióp 38: 7). Bình an bao trùm thế gian, bởi vì đất trời giao hòa. “Đức Chúa Trời thây các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành,” và Ngài nghỉ ngơi trong niềm vui của người đã hoàn thành công việc mình (Sáng-thế Ký 1:31). Bởi vì Ngài đã nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát, nên “Ngài ban phước lành cho ngày thứ bảy, đặt là Ngày Thánh,” tức là ngày được biệt riêng ra để dùng vào việc thánh thiện. Ngài đã ban ngày này cho A-đam làm một ngày nghỉ ngơi. Đây là kỷ niệm về công cuộc tạo dựng và là một dấu chỉ về quyền năng và tình yêu của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh viết: “Ngài lập sự kỷ niệm về công việc lạ lùng của Ngài.” “Những sự trọn lành của Ngài mắt không thây được, tức là quyền phép đời đời và bổn tính Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thây” (Sáng thế ký 2:3; Thi Thiên 111:4; Rô-ma 1:20). CCC1 271.1

Mọi sự đã được dựng nên bởi Con Đức Chúa Trời. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời... Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Giăng 1:1-3). Và bởi vì ngày Sa-bát là một kỷ niệm về công cuộc tạo dựng trời đất, nên ngày này là dấu hiệu về tình yêu và quyền phép của Đấng Cứu Thế. Ngày Sa-bát hướng tâm trí chúng ta hòa nhập với thiên nhiên và đem chúng ta vào trong sự tương giao với Đấng Tạo Hóa. Qua tiếng chim hót, tiếng cây rì rào, âm điệu của biển cả, chúng ta vẫn còn nghe thây tiếng Ngài trò chuyện với A-đam trong vườn Ê-đen giữa làn sương sớm. Và khi chứng kiến quyền phép của Ngài trong thiên nhiên, chúng ta được yên ủi, bởi vì Lời đã dựng nên mọi sự là Lời đem lại sự sống cho linh hồn. Ngài là Đấng đã phán : “Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm,” và Ngài “đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Giê-su Cứu Thế” (II Cô-rinh-tô 4:6).Chính ý nghĩ này đã gợi lên bài ca: CCC1 271.2

“Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã làm cho tôi vui vẻ bởi công
việc Ngài;
Tôi sẽ mừng rỡ về các việc tay Ngài làm.
Hỡi Đức Giê-hô-va, công việc Ngài lớn biết bao,
tư tưởng Ngài rất sâu sắc” CCC1 272.1

(Thi Thiên 92:4,5).

Đức Thánh Linh phán qua tiên tri Ê-sai: “Vậy thì các ngươi có thể ví Đức Chúa Trời với ai, lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được?... Các ngươi không biết sao? Vậy thì các ngươi không nghe sao? Người ta há chưa dạy cho các ngươi từ lúc ban đầu? Các ngươi há chẳng hiểu từ khi dựng nền đất? Ây là Đấng ngự trên vòng trái đất này, các dân cư trên đất như cào cào vậy. Chính Ngài là Đấng giương các tầng trời ra như cái màn, và giương ra như trại để ở... Vậy thì các ngươi sánh Ta cùng ai? Ai sẽ bằng Ta? Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ây là Đấng khiến các cơ binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền năng Ngài rất cao. Vậy thì, hỡi Gia-cốp, sao ngươi nói, hỡi Y-sơ-ra-ên, sao ngươi nói như vầy: Đường tôi đã khuất khỏi Giêhô-va, lý đoán tôi qua khỏi Đức Chúa Trời tôi? Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò. Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức.” “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì Ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, Ta sẽ giúp đỡ ngươi, lây tay hữu công bình Ta mà nâng đỡ ngươi.” “Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem Ta và được cứu! Vì Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác.” Đây là sứ điệp được viết trong thiên nhiên và ngày Sa-bát được lập để tưởng nhớ Đấng rao truyền sứ điệp này. Khi tuyển dân Y-sơ-ra-ên coi ngày Sa-bát là Ngày Thánh, Chúa phán: Ngày Sa-bát “sẽ làm dấu giữa Ta và các ngươi, hầu cho các ngươi biết rằng Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi” (Ê-sai 40:18-29; 41:10; 45:22; Ê-xê-chi-ên 20:20). Ngày Sa-bát được nhắc đến trong luật pháp ban tại núi Si-na-i. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên ngày Sa-bát được biết đến như một ngày nghỉ. Dân Y-sơ-ra-ên đã biết về ngày này trước khi họ tới Si-na-i. Ngày Sa-bát được tuân giữ theo cách đó. Khi một số người không tuân giữ ngày Sa-bát, Đức Giê-hô-va đã quở trách. Ngài phán: “Các ngươi chẳng chịu vâng giữ điều răn và luật pháp Ta cho đến chừng nào?” (Ê-xê-chi-ên 16:28). CCC1 272.2

Ngày Sa-bát không chỉ dành cho người Y-sơ-ra-ên mà thôi, mà cho cả loài người. Ngày này đã được bày tỏ cho con người trong vườn Ê-đen, và giống như các điều răn khác trong mười điều răn, ngày Sa-bát liên quan đến một bổn phận sẽ tồn tại mãi mãi. Đức Chúa Giê-su tuyên bố về luật pháp đó, mà điều răn thứ tư là một phần: “Đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.” Chừng nào trời, đất còn, ngày Sa-bát sẽ tiếp tục là một dấu về quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Và khi vườn Ê-đen tái xuất hiện trên trái đất, ngày nghỉ thánh của Đức Chúa Trời sẽ được mọi sinh linh dưới mặt trời tôn trọng. “Từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia,” mọi cư dân của trời mới đất mới, được tôn vinh “sẽ đến thờ lạy trước mặt Ta” (Ma-thi-ơ 5:18; Ê-sai 66:23). Không một thể chế nào khác được giao cho người Giu-đa để phân biệt họ với các dân tộc lân cận như ngày Sa-bát. Đức Chúa Trời qui định rằng việc tuân giữ ngày Sa-bát sẽ cho biết họ là kẻ thờ lạy Ngài. Đó phải là một dấu cho biết họ tách biệt khỏi sự thờ thần tượng, và gắn bó với Đức Chúa Trời chân thật. Nhưng để giữ ngày Sa-bát thánh, người ta phải giữ mình thánh thiện. Họ phải trở thành kẻ dự phần trong sự công bình của Đấng Cứu Thế nhờ lòng tin. Khi điều răn được ban cho Y-sơ-ra-ên, “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên Ngày Thánh,” Đức Giê-hô-va còn nói với họ: “Các ngươi sẽ làm người thánh của Ta” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:8; 22:31). Chỉ có như vậy, ngày Sa-bát mới phân biệt Y-sơ-ra-ên, là những kẻ thờ lạy Đức Chúa Trời. CCC1 273.1

Khi người Giu-đa xa cách Đức Chúa Trời và thất bại trong việc tiếp nhận sự công bình của Đấng Cứu Thế cho họ qua niềm tin, ngày Sa-bát mất hết ý nghĩa. Sa-tan tìm cách tự đề cao mình và lôi kéo loài người xa rời Đấng Cứu Thế, xuyên tạc ngày Sa-bát, bởi vì đó là dấu chỉ về quyền năng của Đấng Cứu Thế. Các nhà lãnh đạo Giu-đa đã thực hiện ý định của Sa-tan bằng cách bao vây ngày nghỉ của Đức Chúa Trời bằng những quy định khắt khe. Vào thời Đấng Cứu Thế, ngày Sa-bát đã bị xuyên tạc đến độ việc tuân giữ ngày này đã phản ánh tâm tính của con người ích kỷ và độc đoán, hoàn toàn nghịch lại với đức tính của Cha trên trời đầy tình yêu thương. Các thầy thông giáo đã trình bày về Đức Chúa Trời gần như một Đấng ban những luật lệ mà loài người không thể tuân theo được. Họ đã làm cho người dân nhìn Đức Chúa Trời như một bạo chúa và nghĩ rằng việc tuân giữ ngày Sabát, như Ngài đòi hỏi, biến loài người thành cứng lòng và độc ác. Công việc của Đấng Cứu Thế là đánh tan những sự xuyên tạc này. Mặc dù các thầy thông giáo theo đuổi Ngài với lòng hận thù và tàn nhẫn, Ngài vẫn không hề tuân theo những đòi hỏi của họ, nhưng Ngài vẫn tiến thẳng, tuân giữ ngày Sa-bát theo luật pháp Đức Chúa Trời. CCC1 273.2

Vào một ngày Sa-bát, khi Chúa Cứu Thế và các môn đồ từ nơi thờ phượng trở về, họ đi ngang qua một đồng lúa chín. Đức Chúa Giê-su mải mê làm việc quên cả thời gian nên khi ngang qua cánh đồng, các môn đồ đói bụng phải bứt bông lúa ăn sau khi đã chà các hạt lúa trong tay. Nếu vào một ngày khác, hành động này chẳng có gì đáng nói, bởi vì một người đi ngang qua một ruộng lúa, một vườn rau hay một vườn nho, được tự do bứt hái mọi thứ mình muốn (Xem Phục truyền luật lệ ký 23: 24, 25). Nhưng làm như vậy vào ngày Sa-bát sẽ bị coi là một hành động không tuân giữ ngày Sa-bát. Việc bứt bông lúa bị coi là hành động gặt hái, và hành động chà lúa nơi tay cũng đã bị coi là hành động đập lúa. Bởi vậy, dưới cái nhìn của các thầy thông giáo, trong trường hợp này, các môn đồ phạm đến hai tội. Những tên do thám liền mách với Đức Chúa Giê-su. Họ nói: “Kìa, các môn đồ thầy làm điều không nên làm trong ngày Sa-bát.” Khi bị tố cáo đã vi phạm ngày Sa-bát tại Bết-sai-đa, Đức Chúa Giê-su đã tự phân biện bằng cách khẳng định Ngài là Con Đức Chúa Trời và tuyên bố Ngài làm việc trong ý Cha Ngài. Giờ đây, các môn đồ Ngài bị tấn công, Ngài bèn lấy những ví dụ trong Kinh Thánh cựu Ước về những hành động trong ngày Sa-bát của những người hầu việc Đức Chúa Trời để đáp trả những kẻ kiện cáo. CCC1 273.3

Mây thầy dạy luật Giu-đa huênh hoang về sự hiểu biết Kinh Thánh; và trong câu trả lời của Chúa Cứu Thế lại bao hàm sự trách cứ về sự thiếu hiểu biết Kinh Thánh của họ. “Vậy các ngươi chưa đọc chuyện vua Đa-vít làm trong khi vua và kẻ đi theo bị đói sao? Thể nào vua vào đền Đức Chúa Trời, lấy bánh bày ra mà ăn, và cho kẻ đi theo ăn nữa, dầu là bánh chỉ các thầy tế lễ mới được phép ăn thôi?” “Đoạn, Ngài lại phán: vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.” “Hay là các ngươi không đọc trong sách luật, đến ngày Sa-bát, các thầy tế lễ trong đền thờ phạm luật ngày đó, mà không phải tội sao? Vả lại, Ta phán cùng các ngươi, tại chỗ này có một Đấng tôn trọng hơn đền thờ.” “Vậy thì Con Người cũng làm Chủ ngày Sa-bát” (Lu-ca 6:3,4; Mác 2:27,28; Ma-thi-ơ 12:5,6). CCC1 274.1

Nếu Đa-vít có quyền thỏa mãn cơn đói của mình bằng cách ăn bánh được biệt riêng ra để dùng vào việc thánh, thì các môn đồ cũng có quyền đáp ứng nhu cầu của họ bằng cách bứt bông lúa ăn trong những giờ thánh của ngày Sa-bát. Còn nữa, ngày Sa-bát, các thầy tế lễ trong đền thờ phải làm công việc còn quan trọng hơn là vào các ngày khác. Việc làm như vậy trong đời sống hằng ngày sẽ bị kể là có tội; nhưng việc làm của các thầy tế lễ lại là để hầu việc Đức Chúa Trời. Họ đang thi hành những nghi thức ngầm chỉ về quyền năng của Đấng Cứu Thế, và công việc của họ phù hợp với mục tiêu ngày Sa-bát. Nhưng giờ đây, đích thân Đấng Cứu Thế đã đến. Các môn đồ, khi thi hành chức vụ của Đấng Cứu Thế, đã ở trong sự hầu việc Đức Chúa Trời và họ có quyền làm trong ngày Sa-bát những gì cần thiết để hoàn thành chức vụ này. CCC1 274.2

Đấng Cứu Thế muốn dạy các môn đồ và kẻ thù của Ngài rằng sự hầu việc Đức Chúa Trời là trên hết mọi sự. Mục tiêu của công việc Đức Chúa Trời trong thế gian này là cứu rỗi con người; do đó, những gì cần phải làm trong ngày Sa-bát để hoàn thành chương trình này đều phù hợp với luật ngày Sa-bát. Đức Chúa Giê-su kết thúc lập luận của Ngài bằng tuyên bố: Ngài là “Chúa của ngày Sa-bát”, tức là Đấng ở trên mọi sự và mọi luật lệ. Vị Quan án này đã cho các môn đồ được trắng án bằng cách kháng cáo chính những luật định mà họ bị tố cáo là đang vi phạm. CCC1 274.3

Đức Chúa Giê-su đã không bỏ qua vấn đề mà không lên tiếng khiển trách các kẻ thù Ngài. Ngài tuyên bố rằng trong sự mù quáng, họ đã bóp méo ý nghĩa của ngày Sa-bát. Ngài phán: “Phải chi các ngươi hiểu nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ, thì các ngươi không trách những người vô tội” (Ma-thi-ơ 12:7). Các nghi lễ chỉ có hình thức mà không có tấm lòng của họ không thể thay thế cho sự thánh khiết đích thực và tình yêu thương vốn sẽ luôn là đặc điểm của kẻ tôn thờ Đức Chúa Trời. CCC1 275.1

Đấng Cứu Thế đã lặp lại Lẽ Thật rằng các của lễ, mà tự chúng không có giá trị gì. Chúng chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Chúng có mục đích hướng người ta tới với Chúa Cứu Thế; và như vậy, đem người ta vào trong sự thuận hòa với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ưa chuộng sự hầu việc xuất phát từ tình yêu thương. Khi không có tình thương, với Ngài, một loạt các nghi lễ thuần túy chỉ là sự xúc phạm mà thôi. Với ngày Sa-bát cũng vậy. Ngày Sa-bát được lập ra cốt đem con người vào trong sự tương giao với Đức Chúa Trời. Nhưng khi vùi đầu vào những nghi thức tẻ nhạt, người ta không thể đạt được mục đích ngày Sa-bát. Bề ngoài làm bộ giữ ngày Sa-bát chỉ là một trò hề mà thôi. CCC1 275.2

Một ngày Sa-bát nọ, Đức Chúa Giê-su vào trong một nhà hội. Ngài thây ở đó có một người bị bệnh teo tay. Người Pha-ri-si quan sát Ngài, chờ xem Ngài sẽ làm gì. Chúa Cứu Thế biết rõ rằng chữa bệnh trong ngày Sa-bát, Ngài sẽ bị coi như một kẻ vi phạm luật pháp, nhưng Ngài không do dự xô ngã bức tường của những luật lệ cổ truyền bao vây ngày Sa-bát. Đức Chúa Giê-su bảo người bệnh đứng dậy, và hỏi: “Trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người ?” Nơi người Giu-đa có câu ngạn ngữ rằng không làm điều tốt lành khi có cơ hội tức là làm việc dữ; không cứu sống tức là giết chết. Như vậy, Đức Chúa Giê-su đã bắt bí các thầy thông giáo trong chính lập luận của họ. “Nhưng họ đều nín lặng. Bây giờ, Ngài lấy mắt liếc họ, vừa giận, vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi, rồi phán cùng người nam rằng: Hãy giơ tay ra. Người giơ ra thì tay được lành” (Mác 3:4,5). Khi được hỏi: “Trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bệnh hay không?” Đức Chúa Giê-su đã trả lời: “Ai trong vòng các ngươi có một con chiên, nếu đương ngày Sa-bát, bị té xuống hầm, thì há không kéo nó lên sao? Huống chi người ta trọng hơn con chiên là dường nào! Vậy, trong ngày Sa-bát có phép làm việc lành.” (Ma-thi-ơ 12:10-12). CCC1 275.3

Bọn do thám không dám trả lời Đức Chúa Giê-su trước đoàn dân đông vì sợ bị đẩy vào thế bí. Họ biết Ngài đã nói lẽ thật. Họ thà để một con người tiếp tục bị đau khổ hơn là vi phạm lời truyền khẩu, trong khi họ lại cứu môt con vật bởi nếu không cứu thì họ sẽ bị thất thoát của cải. Điều này cho thây rằng họ quan tâm tới con vật ngu ngốc hơn là quan tâm đến người được dựng nên theo hình và ảnh Đức Chúa Trời. Qua đó, công việc của tất cả các tà giáo đã bị vạch trần. Chúng đều bắt nguồn từ lòng người ước ao nâng mình lên cao hơn Đức Chúa Trời, nhưng điều này chỉ dẫn tới sự hạ thấp con người xuống dưới cả loài vật. Mọi tôn giáo chống lại uy quyền tối cao của Đức Chúa Trời đều làm con người mất đi sự vinh hiển có từ khi được tạo dựng, và đã được ban lại cho con người trong Đấng Cứu Thế. Mọi tà giáo đều dạy tín đồ bỏ qua các nhu cầu con người, những nỗi thống khổ, và các quyền lợi của họ. Tin-lành nhìn nhận loài người có giá trị cao vì đã được chuộc bằng huyết của Đấng Cứu Thế và dạy phải quan tâm tới sự nghèo túng và những nỗi khổ đau của con người. Chúa phán: “Ta sẽ làm cho loài người hiếm có hơn vàng quý, thật ta sẽ làm cho loài người hiếm có hơn vàng ròng xứ Ô-phia” (Ê-sai 13:12). CCC1 275.4

Khi quay lại phía những người Pha-ri-si với câu hỏi người ta được phép làm điều lành hay dữ, cứu sống hay giết chết trong ngày Sa-bát, Đức Chúa Giê-su đã đối đầu với chính những mưu đồ gian ác của họ. Vì ghét cay ghét đắng nên họ cố rượt đuổi mạng sống Ngài, trong khi Ngài cứu sống và đem lại hạnh phúc cho dân chúng. Trong ngày Sa-bát, cướp đi sự sống như họ đang trù tính hay chữa lành kẻ bệnh tật như Ngài đã làm, điều nào tốt hơn? Mang tội giết người trong lòng vào ngày của Đức Chúa Trời hay có tình yêu thương đối với mọi người, được biểu hiện qua việc làm nhân từ, điều nào công bình hơn? Qua việc chữa lành người bị teo tay, Đức Chúa Giê-su đã lên án tục lệ của người Giu-đa, và đề cao điều răn thứ tư như điều răn Đức Chúa Trời đã ban hành. Ngài tuyên bố: “Trong ngày Sabát có phép làm việc lành.” Bằng cách bác bỏ những cấm đoán vô lý của người Giu-đa, Đấng Cứu Thế đã tôn vinh ngày Sa-bát, trong khi những kẻ phàn nàn về Ngài đang làm ô uế ngày thánh của Đức Chúa Trời. Những kẻ cho Đấng Cứu Thế đã hủy bỏ luật pháp dạy rằng Ngài không chỉ vi phạm ngày Sa-bát mà còn biện minh cho các môn đồ cũng vi phạm tương tự. Như vậy, họ cũng cùng đứng trên một lập luận với những người Giu-đa ương ngạnh. Ở đây, họ đã đi ngược lại lời chứng của chính Đấng Cứu Thế khi Ngài tuyên bố: “Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài” (Giăng 15:10). Chẳng phải Chúa Cứu Thế, cũng chẳng phải các môn đồ Ngài đã vi phạm luật ngày Sa-bát. Đấng Cứu Thế là người đại diện sống cho luật pháp. Trong suốt cuộc đời, không hề có lần nào Ngài vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Nhìn cả một quốc gia là nhân chứng cho Ngài, lại cố tìm cơ hội lên án Ngài, Ngài đã nói mà không ai bác lại được: “Trong các ngươi, có ai bắt Ta thú tội được không?” (Giăng 8:46). CCC1 276.1

Chúa Cứu Thế đến không phải để hủy bỏ những gì các tổ phụ và các tiên tri đã nói; bởi vì chính Ngài đã phán qua những người đại diện này. Tất cả các Lẽ Thật của Lời Đức Chúa Trời đều từ Ngài mà đến. Nhưng những viên ngọc vô giá ấy đã bị đặt trong những khung cảnh giả dối sai lầm. Ánh sáng Lẽ Thật quý báu đã bị lợi dụng để phục vụ cho điều sai lầm. Đức Chúa Trời mong muốn những lỗi lầm ấy sẽ bị lấy đi khỏi khung cảnh của giả dối và được đặt vào trong khuôn khổ Lẽ Thật. Chỉ có bàn tay của Chúa mới có thể hoàn thành công việc này. Bởi sự liên hệ với sai lầm, Lẽ Thật đang phục vụ cho lợi ích của kẻ thù Đức Chúa Trời và loài người. Đấng Cứu Thế đến để đặt Lẽ Thật vào lại đúng chỗ để Lẽ Thật có thể tôn vinh Đức Chúa Trời, và thực thi chương trình cứu rỗi nhân loại. CCC1 276.2

“Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người,” Đức Chúa Giê-su phán. Các thể chế Đức Chúa Trời đã lập là vì lợi ích của nhân loại. “Mọi điều đó xảy đến vì cớ anh em.” “Hoặc Phao-lô, hoặc A-bô-lô, hoặc Sê-pha, hoặc thế gian, hoặc sự sống, hoặc sự chết, hoặc những sự bây giờ, hoặc những sự hầu đến. Hết thảy mọi sự đều thuộc về anh em, anh em thuộc về Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu Thế thuộc về Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 4:15; I Cô-rinh-tô 3:22,23). Mười điều răn, trong đó có ngày Sa-bát, Đức Chúa Trời đã ban cho dân Ngài như một ơn phước. Môi-se nói: “Đức Giê-hô-va có phán cùng chúng ta, khá làm theo các luật lệ này, kính sợ Giê-hô-va, Đức Chúa Trời chúng ta, hầu cho chúng ta được phước luôn luôn và được Ngài bảo tồn sự sống cho chúng ta” (Phục Truyền Luật lệ Ký 6:24). Sứ điệp được ban cho Y-sơ-ra-ên qua tác giả Thi thiên là: “Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng, hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài. Phải biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài; chúng tôi là dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài. Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài, hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài. Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài” (Thi Thiên 100: 2-4). Về hết thảy những ai “giữ ngày Sa-bát cho khỏi làm ô uế,” Đức Giê-hôva tuyên bố: “Ta sẽ đem họ lên trên núi thánh Ta, làm cho họ vui mừng trong nhà cầu nguyện Ta” (Ê-sai 56:6,7). CCC1 277.1

“Vì Con người là Chúa ngày Sa-bát.” Những lời này quả đầy ý nghĩa và yên ủi. Bởi vì ngày Sa-bát được lập vì con người, ngày ấy là ngày của Đức Chúa Trời. Bởi vì “muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Giăng 1:3). Bởi vì Ngài làm nên mọi vật, Ngài lập nên ngày Sabát. Bởi Ngài, ngày Sa-bát được đánh dấu như một kỷ niệm về công trình tạo dựng. Nó hướng về Ngài vừa với tư cách Đấng Tạo Hóa, và là Đấng làm nên thánh. Ngày này khẳng định Ngài vốn là Đấng đã làm nên mọi sự trên trời dưới đất, bởi Ngài mọi sự ăn khớp với nhau, Ngài chính là đầu của hội thánh, và rằng, trong quyền năng của Ngài, chúng ta đã được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Bởi vì Ngài đã phán với Y-sơ-ra-ên: “Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát Ta làm một dấu giữa Ta và chúng nó, đặng chúng nó biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va biệt chúng nó ra thánh,” làm chúng nên thánh thiện (Ê-xê-chi-ên 20:12). Như vậy, ngày Sa-bát là một dấu về quyền năng của Đấng Cứu Thế làm chúng ta nên thánh thiện. Và nó thuộc về những ai đã được Đấng Cứu Thế làm cho nên thánh. Là một dấu về quyền năng làm nên thánh của Ngài, ngày Sa-bát được ban cho mọi người, qua Đấng Cứu Thế, đã trở thành một phần của dân Y-sơ-ra-ên thuộc Đức Chúa Trời. CCC1 277.2

Và Đức Giê-hô-va phán: “Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sabát không làm vừa ý mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đức Giê-hô-va là đáng kính;... bây giờ ngươi sẽ lấy Đức Giê-hô-va làm vui thích” (Ê-sai 58:13,14). Đối với tất cả những ai nhận ngày Sa-bát như là một dấu về quyền năng tạo dựng và cứu rỗi của Đấng Cứu Thế, ngày ấy sẽ là một sự vui thích. Thây Đấng Cứu Thế trong ngày ấy, họ vui thỏa trong Ngài. Ngày Sa-bát hướng họ về các công trình sáng tạo như bằng chứng về quyền năng mạnh mẽ của Ngài trong việc cứu rỗi. Trong khi ngày Sa-bát nhắc nhở về vườn Ê-đen đã đánh mất, nó cũng kể về sự bình an được tái lập nhờ Chúa Cứu Thế. Vạn vật trong thiên nhiên cùng lặp lại lời mời gọi của Ngài: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). CCC1 278.1