Go to full page →

Chương 7—Thời Thơ Ấu CCC1 55

Dựa theo Lu-ca 2:39, 40

Đức Chúa Giê-su đã sống thời thơ ấu và niên thiếu tại một ngôi làng nhỏ thuộc vùng đồi núi. Nơi nào Chúa hiện diện nơi đó được vinh hiển. Đáng lý ra lâu đài của các vị vua phải có vinh dự tiếp đón Ngài như một vị Thượng Khách. Nhưng Ngài đã bỏ qua những biệt thự giàu sang, những hoàng cung lộng lẫy, những trường học lừng danh, để cư ngụ trong một nơi vô danh tầm thường. CCC1 55.1

Thánh sử đã ghi lại cách ngắn gọn thuở thơ ấu của Ngài, nhưng đầy ý nghĩa diệu kỳ như sau: “Con trẻ lớn lên, và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài.” Trong ánh dương quang của dung mạo Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giê-su đã “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2:52). Trí óc của Ngài thật minh mẫn và nhanh nhẹn, với sự khôn ngoan và sâu nhiệm đi trước tuổi đời. Tánh hạnh của Chúa cũng cao đẹp chẳng kém gì sự phát triển của tâm trí Ngài. Các chức năng của trí óc và cơ thể phát triển dần, phù hợp với các quy luật của tuổi thơ. CCC1 55.2

Đức Chúa Giê-su đã tỏ ra Ngài là con người có tánh tình đặc biệt dịu dàng khi còn ấu thơ. Bàn tay của Ngài lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ người khác. Ngài có đức kiên nhẫn mà không gì có thể lay chuyển nổi, cùng một tấm lòng chân thành dường như không một điều gì có thể cướp đi sự ngay thẳng của mình. Dù rằng trong nguyên tắc luân lý của đạo đức Chúa vững chắc như đá, nhưng đời sống của Chúa bày tỏ một thái độ nhân từ lịch thiệp vô tư. CCC1 55.3

Mẹ của Chúa Giê-su quan tâm theo dõi quyền năng của Chúa được biểu lộ ra và nhìn thây được sự trọn vẹn đóng ấn trong cá tánh của Ngài. Bà vui thích tìm cách khuyến khích tinh thần tươi sáng và dễ lãnh hội đó. Nhờ Chúa Thánh Linh, bà nhận được sự khôn ngoan để hợp tác với các thiên thần hầu chăm sóc sự phát triển của Bé Thơ này, là Đấng có quyền tuyên bố rằng Thượng Đế là Cha của mình. CCC1 55.4

Từ những thời xa xưa nhất, những tâm hồn trung tín trong Y-sơ-ra-ên đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục con trẻ. Chúa đã dạy rằng ngay từ buổi ấu thơ, trẻ con phải được dạy cho biết về sự tốt lành và sự cao quý của Ngài, được đặc biệt khải thị qua luật pháp của Ngài, cũng như được bày tỏ qua lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Những bài ca, những lời cầu nguyện cũng như những bài học từ Kinh Thánh được soạn cho thích ứng với những tâm hồn non nớt của con trẻ. Cha mẹ phải dạy cho con cái rằng luật pháp của Thượng Đế là sự khải thị về bổn tánh của Ngài, và khi trẻ con tiếp nhận những nguyên tắc của luật pháp vào tâm hồn, hình ảnh của Thượng Đế được ghi khắc trong tâm trí và linh hồn. Đa số những sự dạy dỗ này được thực hiện bằng lời truyền khẩu. Nhưng trẻ em cũng học để đọc những áng văn trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ; và các cuộn sách bằng da của Kinh Thánh cựu Ước cũng được mở ra cho con trẻ học. CCC1 56.1

Vào thời của Đấng Cứu Thế, thành phố hay thị trấn nào không cung cấp nổi cho thanh thiếu niên một nền giáo dục tôn giáo sẽ bị coi như là ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Nhưng rồi dần dần nền giáo dục này chỉ còn trên hình thức. Truyền thống của loài người hầu như hoàn toàn thay thế Thánh Kinh. Nền giáo dục thật sự phải dẫn tuổi trẻ “tìm kiếm Đức Chúa Trời và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:27). Nhưng các giáo sư người Giu-đa chỉ chú trọng tới lễ nghi. Tâm trí chỉ được nhồi vào đó những bài học vô dụng, là những điều không được thiên đàng công nhận. Kinh nghiệm cá nhân đến từ sự tiếp nhận Lời của Chúa không hề được hệ thống giáo dục này quan tâm. Bị lôi cuốn bởi những bận bịu của hình thức lễ nghi, học sinh không có được những giây phút yên lặng hầu thông công với Đức Chúa Trời. Họ không nghe được tiếng phán của Thượng Đế trò chuyện với mỗi tâm hồn. Trên con đường đi tìm kiến thức, họ đã quay lưng lại với Đấng Cội Nguồn của sự thông sáng. Những điều cần thiết nhất cho sự phục vụ Đức Chúa Trời bị lãng quên. Những nguyên tắc của luật pháp bị lu mờ. Những gì được coi là nền giáo dục cao cấp trở thành sự cản trở lớn nhất cho sự phát triển thật sự. Dưới sự huấn luyện của các ra-bi (các nhà lãnh đạo tôn giáo), khả năng của tuổi trẻ bị bóp nghẹt. Trí óc của chúng bị tê liệt và trở nên thiển cận. CCC1 56.2

Con trẻ Giê-su không theo học tại các trường của nhà hội. Mẹ Ngài là người thầy giáo đầu tiên trong đời Ngài. Từ miệng Ma-ri và từ những cuộn sách của các tiên tri, Ngài học được những điều thuộc về thiên đàng. Những lời mà chính Ngài đã phán với Môi-se cho Y-sơ-ra-ên, giờ đây, Ngài được học lại bên gối mẹ mình. Hết tuổi thơ ấu đến tuổi thiếu niên, Ngài cũng không tìm học tại trường của các vị ra-bi. Ngài không cần một nền giáo dục phát nguồn từ những nơi này, bởi Đức Chúa Trời là Đấng dạy dỗ Ngài. Câu hỏi đặt ra khi Đấng Cứu Thế thi hành chức vụ của Ngài, “Người nầy chưa từng học làm sao biết được Kinh Thánh?” không có ý rằng Đức Chúa Giê-su không biết đọc mà chỉ có ý nói rằng Ngài chưa hề được đào tạo tại một trường của các thầy thông giáo. (Giăng 7:15). Phương cách Ngài có được kiến thức cũng là cách chúng ta có thể noi theo để có được kiến thức đó, sự hiểu biết tường tận của Ngài về Kinh Thánh cho thây rằng khi còn trẻ, Ngài đã học hỏi Lời của Đức Chúa Trời một cách siêng năng cần cù như thế nào. Và quyển sách vĩ đại về các công trình do Đức Chúa Trời tạo dựng cũng đã mở ra trước mắt Ngài. Đấng tạo nên mọi sự vật đã nghiên cứu những bài học do chính tay mình viết ra trong không gian, biển cả và trên mặt đất bao la. Tránh xa những phương pháp hoen ố của thế gian, Ngài thu thập và tích lũy cho mình những kiến thức khoa học từ thiên nhiên. Ngài nghiên cứu về đời sống của muông thú và loài thực vật, cũng như đời sống của con người. Từ những năm đầu tiên của đời người, Chúa chỉ có một mục đích duy nhất. Đó là Ngài sống để đem phước hạnh lại cho mọi người chung quanh. Ngài đã tìm thây trong thiên nhiên những nguồn tài nguyên để thực hiện mục đích này. Những tư tưởng, phương pháp hay đường lối mới lạ lóe sáng ra trong tâm trí khi Ngài nghiên cứu về cây cối và đời sống loài vật. Ngài không ngừng rút ra những ví dụ từ những điều mắt trông thây để bày tỏ lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Những ví dụ mà Chúa ưa thích sử dụng trong khi thi hành chức vụ để dạy những bài học về Lẽ Thật, cho chúng ta thây lòng Ngài mở rộng ra với ảnh hưởng của thiên nhiên như thế nào, và Ngài đã rút ra những sự dạy dỗ thiêng liêng từ môi trường sống hằng ngày. CCC1 56.3

Như vậy, sự quan trọng của Lời và của công việc Đức Chúa Trời được bày tỏ ra cho Đức Chúa Giê-su khi Chúa cố công tìm hiểu lý do hiện hữu của muôn vật. Các thiên sứ thánh là những đấng chăm gìn Ngài, và công việc truyền bá các tư tưởng thánh thiện là của Ngài. Từ khi bắt đầu có trí khôn Ngài đã không ngừng phát triển trong ân điển thiêng liêng và kiến thức về Lẽ Thật. Mỗi đứa trẻ đều có thể hấp thụ sự hiểu biết như cách Đức Chúa Giê-su đã hấp thụ. Khi chúng ta cố gắng làm quen với Cha Trời của chúng ta qua Lời của Ngài, các thiên sứ sẽ được kéo đến gần với ta, tâm trí của chúng ta sẽ được vững mạnh, đức hạnh của chúng ta sẽ được nâng cao và trở nên tinh khiết. Chúng ta sẽ càng trở nên giống Đấng Cứu Thế hơn. Và khi chúng ta nhìn ngắm vẻ đẹp và sự vĩ đại của thiên nhiên, cảm xúc của chúng ta sẽ được hướng về Đức Chúa Trời. Trong khi tinh thần của chúng ta tràn đầy sự thán phục, thì linh hồn của chúng ta được tăng thêm sức mới khi chúng ta giao tiếp với Đấng Vô Biên qua công việc của tay Ngài. Thông công với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện phát triển các khả năng về tinh thần và đạo đức, và sức mạnh tâm linh sẽ gia tăng khi chúng ta trau dồi phát triển những tư tưởng về những sự vật thiêng liêng. CCC1 57.1

Đời sống của Đức Chúa Giê-su là đời sống hòa hợp với Đức Chúa Trời Toàn Năng. Khi còn thơ ấu, Ngài suy nghĩ và nói chuyện như con trẻ. Nhưng không hề có một dấu vết tội lỗi bôi nhòa đi hình ảnh của Đức Chúa Trời trong Ngài. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài được miễn khỏi đương đầu với những cám dỗ. Dân chúng tại Na-xa-rét nổi tiếng với tội ác của họ. Sự kiện họ thường bị đánh giá quá thấp đã được chứng tỏ trong câu hỏi của Na-tha-na-ên: “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:46). Đức Chúa Giê-su được đặt vào một nơi mà chính tánh hạnh của Ngài được thử thách. Ngài cần phải luôn cảnh giác để duy trì được sự thánh khiết của Ngài. Ngài phải chịu đựng tất cả mọi tranh đấu như chúng ta phải chịu, hầu Ngài có thể trở thành một gương sáng cho chúng ta trong thời thơ ấu, niên thiếu và lúc trưởng thành. CCC1 58.1

Sa-tan đã không biết mệt mỏi trong nỗ lực tìm cách hãm hại Con Trẻ ở Na-xa-rét. Ngài đã được các thiên sứ chăm gìn từ những năm thơ ấu, nhưng cuộc đời của Ngài là một chuỗi đấu tranh chống lại các quyền lực của sự tối tăm. Nếu có một tâm hồn trên thế giới không bị vẫn đục bởi tội ác, thì đó là một sự sĩ nhục và bàng hoàng cho vua chúa của sự tăm tối. Chúng không từ bỏ bất cứ một phương cach nào mà không đem ra thử để đưa Đức Chúa Giê-su vào cạm bẫy. Không một đứa trẻ nào trong nhân loại có thể sống một đời sống gọi là thánh khiết được nếu phải sống trong một môi trường tranh đấu mãnh liệt với những sự cám dỗ như Đấng Cứu Thế đã chịu khi còn thơ ấu. CCC1 58.2

Cha mẹ Đức Chúa Giê-su là những người nghèo và sống vất vả từng ngày. Ngài sống quen thuộc với cảnh nghèo nàn, hy sinh, và thiếu thốn. Kinh nghiệm này lại là một hàng rào để bảo vệ Ngài. Trong đời sống bận rộn hàng ngày, Chúa không có những giây phút trống không vô ích hầu tạo cơ hội cho sự cám dỗ. Không một giờ phút nào được để vô nghĩa hầu mở đường cho những gặp gỡ hư đốn. Ngài làm hết sức để đóng những cánh cửa tạo cơ hội cho kẻ cám dỗ. Không một lợi lộc hay thú vui nào, không một lời khen hay tiếng chê nào có thể làm cho Ngài xuôi theo điều trái. Ngài nhận ra những điều xấu xa cách khôn ngoan, và từ chối chúng cách mạnh mẽ. CCC1 58.3

Đấng Cứu Thế là Người duy nhất sống trên trái đất mà không hề phạm tội. Dù cho gần ba mươi năm dài sống giữa những người tội ác ở thành Na-xa-rét. Sự kiện này đánh đổ những lập luận cho rằng người ta tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, số phận hay vật chất để sống một đời sống vô tội. Cám dỗ, nghèo nàn, gian nan, là những điều cần thiết để huấn luyện hầu phát triển sự thánh khiết, và lòng cương quyết. CCC1 58.4

Đức Chúa Giê-su đã sống trong một gia đình quê mùa, và đã trung tín cùng vui mừng gánh vác trách nhiệm của gia đình. Ngài đã từng là vị Chỉ Huy Trưởng trên thiên đàng, các thiên sứ sẵn sàng để vâng lệnh Ngài. Bây giờ Ngài là một người đầy tớ sẵn sàng để phục vụ, một người con đáng yêu và sẵn sàng để vâng lời. Ngài đã học được một nghề bằng chính bàn tay mình làm việc trong xưởng mộc với Giô-sép. Ngài đi đi về về trên những đường phố nhỏ từ nhà đến nơi làm việc, với y phục đơn giản của một nhân công bình thường. Ngài không hề sử dụng quyền năng thuộc linh của mình hầu làm vơi đi gánh nặng hay nhẹ đi những vất vả trong đời sống hàng ngày. CCC1 58.5

Nhờ làm việc từ thuở thơ ấu và niên thiếu, tâm trí và cơ thể của Chúa cũng được phát triển. Ngài không sử dụng sức lực của mình một cách khinh suất, nhưng làm sao để bảo vệ sức khỏe tốt đẹp, hầu Ngài có thể làm công việc cách tốt đẹp nhất trong mọi lãnh vực. Ngài không chấp nhận những thiếu sót vì bất cẩn, ngay cả khi sử dụng các dụng cụ. Ngài là một người làm việc hoàn hảo cũng giống như đức hạnh của Ngài. Ngài đã làm gương để dạy chúng ta phải siêng năng làm việc, và làm việc cách toàn hảo và cẩn thận, cũng như làm việc là một điều đáng được kính trọng. Sự tập luyện làm cho đôi tay trở thành hữu ích và dạy cho tuổi trẻ biết chia sẻ gánh vác trách nhiệm, để đem lại thể lực và phát triển các cơ năng trong thân thể. Mọi người phải tìm ra một điều gì đó để làm, hầu đem lại ích lợi cho chính mình và giúp đỡ người chung quanh. Đức Chúa Trời đã thiết lập làm việc như là một ơn phước, và chỉ những người làm việc siêng năng tìm được vinh quang thật sự và niềm vui cho đời sống. Sự chấp thuận của Đức Chúa Trời cũng như tình yêu của Ngài dành cho những trẻ em hay tuổi trẻ vui mừng gánh vác những trách nhiệm trong gia đình, biết chia sẻ gánh nặng với cha mẹ. Những người con đó sẽ rời gia đình sau này và trở nên những thành phần hữu ích của xã hội. CCC1 59.1

Trong suốt cuộc đời dưới thế của Ngài, Đức Chúa Giê-su đã là một người làm việc hăng say và cần mẫn. Ngài mong ước nhiều cho nên Ngài cố gắng cũng nhiều. Sau khi thi hành chức vụ, Chúa đã phán: “Trong khi còn ban ngày Ta phải làm trọn những công việc của Đấng đã sai Ta đến; tối lại thì không ai làm việc được.” (Giăng 9:4). Đức Chúa Giê-su không trốn tránh trách nhiệm như nhiều người trong số những kẻ xưng là đi theo Ngài lại làm. Chính bởi vì họ tìm cách trốn tránh sự rèn luyện này mà quá nhiều người đã trở nên yếu đuối và kém hiệu quả. Họ có thể có những điểm đáng quý và dễ thương, nhưng lại nhút nhát và gần như vô dụng khi phải đương đầu với gian nan hay khi bị các chướng ngại vây phủ. Lòng can trường và hăng say, cá tánh cương quyết và dũng cảm, là những đức tánh bày tỏ trong Đấng Cứu Thế phải được phát triển trong chúng ta, cũng bằng chính sự rèn luyện mà Ngài đã trải qua. Và ân điển mà Ngài đã tiếp nhận được sẵn sàng ban cho chúng ta. CCC1 59.2

Còn sống bao lâu giữa thế nhân, thì Đấng Cứu Thế càng chia sẻ thân phận với người nghèo khó. Chính Ngài cũng trải qua những lo âu và vất vả của họ, và Ngài có thể an ủi cùng khuyến khích những người lao động khiêm tốn. Những ai ý thức được sự dạy dỗ qua đời sống của Ngài sẽ không bao giờ có tư tưởng phân biệt giai cấp, rằng người giàu phải được coi trọng hơn người nghèo. CCC1 59.3

Đức Chúa Giê-su đã làm việc trong sự vui vẻ và với tài khéo léo. Phải có lòng kiên nhẫn và trình độ thuộc linh để đem lời Kinh Thánh vào đời sống hàng ngày trong gia đình và nơi làm việc, để chịu đựng sự căng thẳng của việc đời mà vẫn giữ cho cặp mắt chăm chú vào sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đây là điểm mà Đấng Cứu Thế là nguồn trợ giúp. Ngài không bao giờ để bị chìm đắm trong việc thế gian đến nổi không còn có giây phút để nghĩ đến những điều thuộc về thiên đàng. Ngài thường bày tỏ niềm hạnh phúc trong lòng bằng cách hát lên các thi thiên hay các bài ca thánh. Người dân ở Na-xa-rét thường nghe Ngài cất tiếng ca tụng hay cảm tạ Đức Chúa Trời. Ngài thông công với thiên đàng qua thánh nhạc. Và khi các bạn đồng hành phàn nàn về sự mệt nhọc do lao động, lòng họ được khích lệ bởi những âm điệu dịu dàng vang ra từ miệng Ngài. Lời khen ngợi của Ngài đã đẩy lui các ác thần và như trầm hương tỏa ra thơm ngát nơi chốn đó. Tâm trí của những người nghe Ngài như được kéo bay bổng thoát khỏi trần thế lưu đầy để đến với quê hương trên trời. CCC1 60.1

Đức Chúa Giê-su là dòng suối của nhân từ chữa lành cho thế gian. Suốt trong những năm tháng sống ẩn dật ở Na-xa-rét, cuộc đời của Ngài đã tuôn tràn những dòng suối cảm thông và trìu mến. Người già, kẻ đau khổ, những tâm hồn trĩu nặng bởi tội lỗi, hay trẻ em nô đùa ngây thơ, cùng những loài thọ tạo bé nhỏ trong những lùm cây, hay những sanh vật chuyên chở các gánh hàng nặng nề, tất cả đều được hạnh phúc hơn bởi sự hiện diện của Ngài. Đấng có lời quyền phép để nâng đỡ cả vũ trụ đã cúi xuống để xoa dịu ngay cả một con chim bị thương. Chẳng có gì mà Ngài không quan tâm đến, chẳng điều nào mà Chúa khinh bỉ không đoái hoài. Vì thế, càng lớn lên trong sự khôn ngoan và vóc dáng, Đức Chúa Giê-su càng được Đức Chúa Trời và người ta thêm lòng quí mến. Ngài có khả năng để cảm thông mọi người cho nên ai cũng cảm mến Ngài. Từ Ngài toát ra ánh hi vọng và lòng can đảm làm Ngài trở nên nguồn phước của mọi gia đình. Và nhiều khi trong nhà hội vào những ngày Sabát, Ngài được mời lên để đọc bài học từ các lời tiên tri, và lòng của người nghe được rung động khi những tia sáng mới chiếu ra từ những lời quen thuộc của Thánh Kinh. Nhưng Đức Chúa Giê-su tránh xa sự phô trương bề ngoài. Trong suốt những năm tháng sống tại Na-xa-rét, Ngài không hề phô trương quyền năng làm phép lạ của Ngài. Ngài không tìm kiếm địa vị cao sang, cũng không chạy theo chức tước. Cuộc sống bình lặng và giản dị của Ngài, và sự im lặng của Kinh Thánh về những năm đầu của Ngài, để lại cho chúng ta một bài học quan trọng. Đời sống của đứa trẻ càng kín đáo và giản dị, tức là càng tránh xa những náo động phù phiếm, và càng phù hợp với thiên nhiên bao nhiêu, cuộc sống ấy càng thuận lợi cho tinh lực thể xác, tinh thần và tâm linh bây nhiêu. CCC1 60.2

Đức Chúa Giê-su là gương mẫu của chúng ta. Nhiều người chỉ quan tâm tới giai đoạn thi hành chức vụ công khai của Ngài, trong khi lại bỏ qua bài học về thuở thơ ấu và niên thiếu của Ngài. Nhưng chính trong cuộc sống tại gia đình của Ngài mới là mẫu mực đối với trẻ em và thanh niên. Đấng Cứu Thế đã hòa mình vào cuộc sống nghèo để dạy cho chúng ta làm cách nào để bước đi gần gũi với Đức Chúa Trời trong một cuộc sống khiêm tốn. Ngài đã sống để làm vui lòng, để tôn vinh và ngợi khen Cha Ngài trong những sự việc thông thường của cuộc sống. Chức vụ của Ngài bắt đầu bằng việc hiến dâng nghề nghiệp thấp hèn của những người thợ thủ công vất vả vì miếng ăn hàng ngày. Ngài phục vụ Đức Chúa Trời khi hành nghề thợ mộc cũng quan trọng như khi Ngài làm phép lạ trước đám đông. Mỗi người trẻ noi theo gương trung tín và vâng lời của Chúa Giê-su khi Ngài sống trong gia đình nghèo nàn, có thể tiếp nhận những lời sau mà Đức Chúa Cha phán về Đức Chúa Giê-su qua Đức Thánh Linh, “Nầy, đầy tớ Ta đây, là kẻ Ta nâng đỡ, là kẻ Ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn Ta lấy làm đẹp lòng.” (Êsai 42:1). CCC1 61.1