Go to full page →

Chương 10—Tiếng Nói Từ Sa Mạc CCC1 81

Dựa theo Lu-ca 1:5-23, 57-80; 3:1-18; Ma-thi-ơ 3:1-12; Mác 1:1-8

Trong vòng những người trung tín của dân Y-sơ-ra-ên, tức là những người vốn có lòng luôn ngóng chờ Đấng Mê-si đến, xuất hiện một người đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Thầy tế lễ cao tuổi có tên là Xa-cha-ri và vợ người, Ê-li-sa-bét, “cả hai điều là công bình trước mặt Đức Chúa Trời”; và trong đời sống phẳng lặng cũng như thánh thiện của họ, ánh sáng của lòng tin chiếu rọi như một ngôi sao trong bóng đêm của những ngày đen tối đó. Cặp vợ chồng đạo đức này đã được hứa ban cho một người con trai, người sẽ “đi trước mặt Chúa, dọn đường Ngài.” CCC1 81.1

Xa-cha-ri sống tại “miền núi xứ Giu-đê,” nhưng người đã lên Giê-ru-salem giúp việc trong đền thờ một tuần, một công việc do các thầy tế lễ thuộc mỗi ban thực hiện hai lần một năm. “Vả, Xa-cha-ri cứ theo thứ tự trong ban mình mà làm chức tế lễ trước mặt Đức Chúa Trời. Khi đã bắt thăm theo lệ các thầy cả lập ra rồi, thì người được gọi vào nơi thánh của Chúa để dâng hương.” CCC1 81.2

Người đang đứng trước bàn thờ bằng vàng tại nơi thánh trong đền thờ. Khói hương cùng với lời cầu nguyện của Y-sơ-ra-ên bay lên trước mặt Đức Chúa Trời. Bỗng người có cảm giác về sự hiện diện của Chúa. Một thiên sứ của Chúa “đứng bên hữu bàn thờ.” Vị trí của thiên sứ ám chỉ một điềm lành, nhưng Xa-cha-ri không chú ý tới điểm này. Từ nhiều năm nay, người đã cầu xin Đấng Cứu Chuộc đến; giờ đây thiên đàng đã gửi sứ giả tới báo lời cầu xin này sắp sửa được đáp ứng. Nhưng lòng thương xót của Đức Chúa Trời xem ra quá to lớn, Xa-cha-ri không thể tin nổi. Người đầy sự sợ hãi và trách chính mình. CCC1 81.3

Nhưng người đã được tiếp đón với nổi vui mừng trấn an từ thiên sứ. “Hỡi Xa-cha-ri đừng sợ, vì lời cầu nguyện ngươi đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng. Con trai đó sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở, và nhiều kẻ sẽ mừng rỡ về sự sanh người ra. Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa; không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh...Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ; chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng. Xa-cha-ri thưa rằng: Bởi sao tôi biết được điều đó? vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi.” CCC1 82.1

Xa-cha-ri biết rõ Áp-ra-ham đã có một người con trai khi người đã cao tuổi bởi vì người đã tin vào lời hứa của Đấng Thành Tín. Nhưng trong khoảnh khắc, thầy tế lễ luống tuổi đã hướng tư tưởng mình vào bản chất yếu đuối của con người. Người quên rằng điều gì Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài có quyền làm trọn. Đây là một sự tương phản giữa một người không tin và một niềm tin ngọt ngào như con trẻ của Ma-ri, một thiếu nữ ở Na-xa-rét, là người đã trả lời cho lời loan báo lạ lùng của thiên sứ: “Tôi đây là tôi tớ Chúa, xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền” (Lu-ca 1:38). CCC1 82.2

Sự ra đời của con trai Xa-cha-ri, cũng như sự ra đời của con trai Áp-ra-ham và của Ma-ri, là để dạy cho chúng ta một bài học lớn lao về Lẽ Thật thiêng liêng, là một Lẽ Thật chúng ta học chậm nhưng lại chóng quên. Tự bản thân chúng ta, chúng ta không có khả năng để làm được một điều gì tốt lành. Nhưng điều chúng ta không thể làm nổi lại được thực hiện bởi quyền năng của Đức Chúa Trời cho những ai biết đầu phục và tin tưởng nơi Ngài. Bởi đức tin mà một đời sống thiêng liêng được sanh ra, và chúng ta được ban cho khả năng để làm điều công chính. CCC1 82.3

Để trả lời câu hỏi của Xa-cha-ri, thiên sứ đáp: “Ta là Gáp-ri-ên, đứng trước mặt Đức Chúa Trời; Ngài đã sai ta đến truyền cho ngươi và báo tin mừng này.” Năm trăm năm trước, Gáp-ri-ên đã cho Đa-ni-ên biết về thời gian tiên tri kéo dài tới việc Đấng Cứu Thế ra đời. Biết rằng thời kỳ này sắp sửa kết thúc và Xa-cha-ri đã cầu xin Đấng Mê-si đến. Giờ đây, chính vị sứ giả đã báo trước thời gian tiên tri ấy, lại đến để loan báo sự ứng nghiệm của lời tiên tri. Các lời của vị thiên sứ đó, “Ta là Gáp-ri-ên, đứng trước mặt Đức Chúa Trời,” cho thây người có một vị trí danh dự rất cao trên thiên cung. Khi người đến với một thông điệp cho Đa-ni-ên, người nói: “Không có ai giúp ta để chống với chúng nó, ngoài Mi-ca-ên, là Vua các ngươi” (Đa-ni-ên 10:21). Đấng Cứu Thế đã nói về Gáp-ri-ên trong sách Khải Huyền rằng: “Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài” (Khải Huyền 1:1). Và thiên sứ nói với Giăng: “Ta là bạn tôi tớ với ngươi, với anh em ngươi là các đấng tiên tri” (Khải Huyền 22:9). Một ý tưởng thật lạ lùng, đó là vị thiên sứ có uy quyền chỉ thua Con Đức Chúa Trời, được chọn để bộc lộ những ý định của Đức Chúa Trời cho tội nhân. CCC1 82.4

Xa-cha-ri đã tỏ ý nghi ngờ về những lời của thiên sứ. Vì thế mà người đã bị câm cho tới khi những lời ấy được ứng nghiệm. “Nầy, ngươi sẽ câm... cho đến ngày nào các điều ấy xảy ra, vì ngươi không tin lời ta, là lời đến kỳ sẽ ứng nghiệm.” Bổn phận của thầy tế lễ khi thi hành chức vụ là phải cầu nguyện xin sự tha thứ cho hội chúng và toàn dân tộc, cũng như cầu xin Đấng Mê-si chóng đến. Nhưng khi Xa-cha-ri tính làm công việc này thì người không thốt ra được một lời nào. Người ra để chúc phúc cho dân, “Xacha-ri ra, không nói với chúng được.” Họ đã chờ đợi lâu và bắt đầu sợ; có thể người đã bị Đức Chúa Trời đoán phạt rồi chăng. Nhưng khi người từ nơi thánh ra, mặt người chiếu sáng sự vinh quang của Đức Chúa Trời, “họ mới hiểu rằng người đã nhận sự hiện thây trong đền thánh.” Xa-cha-ri truyền đạt cho họ điều người đã thây và đã nghe; và “khi những ngày về phần việc mình đã trọn, người trở về nhà.” CCC1 83.1

Sau khi đứa trẻ của lời hứa chào đời, lưỡi người “được thong thả, nói và ngợi khen Đức Chúa Trời. Hết thảy xóm giềng đều kinh sợ, và người ta loan truyền với nhau về mọi sự ấy ra khắp miền núi xứ Giu-đê. Ai nghe cũng ghi vào lòng mà nói rằng: Ây vậy, con trẻ đó sẽ ra thể nào?” Tất cả việc này kêu gọi sự chú ý tới việc Đấng Mê-si đến và Giăng có nhiệm vụ dọn đường cho Ngài. CCC1 83.2

Chúa Thánh Linh đã ở trên Xa-cha-ri, và qua những lời tốt đẹp này, người nói tiên tri về chức vụ của con mình: CCC1 83.3

“Hỡi con trẻ, người ta sẽ kêu con là tiên tri của Đấng Rất Cao
Con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn đường Ngài,
Để cho dân Ngài bởi sự tha tội họ mà biết sự rỗi.
Vì Đức Chúa Trời chúng tôi động lòng thương xót,
Và mặt trời mọc lên từ nơi cao thăm viếng chúng tôi,
Để soi những kẻ ngồi chỗ tối tăm và trong bóng sự chết,
Cùng đưa chân chúng tôi đi đường bình an.” CCC1 83.4

“Và con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Y-sơ-ra-ên.” Trước khi Giăng chào đời, thiên sứ đã nói; “người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa; không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Đức Chúa Trời đã kêu gọi con của Xa-cha-ri để thi hành một chức vụ lớn lao, chức vụ lớn nhất chưa hề được giao cho loài người. Để thi hành chức vụ này, người cần có Chúa cùng hoạt động với người. Và Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ ở với người nếu người chú ý lắng nghe lời dạy bảo của thiên sứ. CCC1 83.5

Là một sứ giả của Đức Giê-hô-va, Giăng có nhiệm vụ đem đến cho loài người ánh sáng của Đức Chúa Trời. Người phải hướng tư tưởng của họ về một hướng mới. Người phải gây một ấn tượng mạnh về sự thánh khiết của những đòi hỏi của Đức Chúa Trời và cho họ cảm nhận cần đến sự công bình chính trực của Ngài. Một sứ giả như thế phải là con người thánh thiện. Người phải là một đền thờ cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự. Để thực thi chức vụ này của người, người phải có một sức khoẻ tốt, một sức mạnh tinh thần và đạo đức. Do đó, người cần phải kiềm chế khẩu vị và các đam mê của mình. Người phải có khả năng kiểm soát tất cả quyền năng của mình hầu người có thể đứng trước loài người mà không bị rúng động bởi hoàn cảnh chung quanh, vững vàng như những tảng đá hay núi đá trơ trơ trong sa mạc. CCC1 83.6

Vào thời của Giăng Báp-tít, lòng tham vật chất, ưa thích xa hoa và phô trương đã lan tràn khắp nơi. Những thú vui nhục dục, tiệc tùng và nhậu nhẹt, đã gây ra bệnh tật và làm suy đồi con người, khiến khả năng tâm linh bị tê liệt, và người ta trở nên chai lì với tội lỗi. Giăng phải đóng vai trò của một nhà cải cách. Bằng một lối sống đạm bạc, ăn mặc giản dị, người lên án những quá độ phung phí của con người. Do đó, những lời chỉ dẫn đã đến với cha mẹ của Giăng, là một bài học về sự điều độ bởi một thiên sứ từ thiên đàng. CCC1 84.1

Trong thời thơ ấu và niên thiếu, tánh tình của con người dễ bị ảnh hưởng nhất. Khả năng tự chủ phải được tiếp nhận trong giai đoạn này. Bên bếp lửa hay bàn ăn trong gia đình, là những nơi tạo ra những ảnh hưởng mà kết quả sẽ lưu lại đời đời. Hơn bất cứ một tánh bẩm sinh nào, những thói quen được cấu tạo vào những năm đầu quyết định một người sẽ chiến thắng hay chiến bại trong trường tranh đấu của cuộc sống. Tuổi trẻ là lúc để gieo. Tuổi này quyết định đặc tánh của mùa gặt, trong đời này và đời sau. CCC1 84.2

Là một tiên tri, Giăng “phải đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” Trong chức vụ dọn đường cho sự hiện ra của Đấng Cứu Thế lần thứ nhất, Giăng là biểu tượng cho những ai đang sửa soạn một dân cho sự hiện ra của Chúa lần thứ hai. Thế gian đã rơi vào con đường của trụy lạc. Đầy dẫy những lầm lạc và truyện huyễn hoặc. Cạm bẫy của Satan hầu tiêu diệt các linh hồn ngày càng gia tăng khắp nơi. Tất cả những ai muốn hoàn tất sự thánh khiết trong sự kính sợ Đức Chúa Trời đều phải học những bài học về sự điều độ và tự chủ. Những thèm khát và đam mê phải được đặt dưới sự kiểm soát của lý trí. Một đời sống kỷ luật rất cần thiết cho sức mạnh tinh thần và sự thâu hiểu thiêng liêng, là những điều giúp chúng ta hiểu và có thể làm theo những lẽ thật trong Lời Chúa. Đây là lý do mà sự điều độ đóng một vai trò quan trọng trong sự chuẩn bị cho ngày Chúa tái lâm. CCC1 84.3

Theo thông lệ bình thường, con của Xa-cha-ri sẽ được đào tạo để làm thầy tế lễ. Nhưng việc đào tạo tại các trường của các thầy ra-bi không phù hợp với công việc của Giăng. Đức Chúa Trời không gởi Giăng đến để học cách giải nghĩa Kinh Thánh bởi các giáo sư thần học. Ngài gọi Giăng vào nơi đồng vắng, hầu người có thể học về thiên nhiên và Đấng đã tạo ra muôn vật. CCC1 85.1

Giăng ở một nơi hẻo lánh, giữa vùng đồi núi khô khan, giữa những khe suối hoang vắng và hốc đá cheo veo. Nhưng người đã từ bỏ những thú vui và xa hoa của đời sống để chọn sự huấn luyện nghiêm khắc của sa mạc. Ngoại vật chung quanh sẽ thuận lợi cho việc hình thành những thói quen giản dị và cuộc sống hy sinh cá nhân. Không bị phiền nhiễu bởi những náo nhiệt của thành phố, Giăng có thể nghiên cứu những bài học từ thiên nhiên, từ lời khải thị, và từ những sự an bài của Đức Chúa Trời. Những lời mà thiên sứ đã phán với Xa-cha-ri thường được cha mẹ, là những người có lòng kính sợ Đức Chúa Trời lặp lại cho Giăng nghe. Từthuở thơ ấu, sứ mạng của Giăng luôn được trình bày trước mặt người và người đã chấp nhận sự ủy thác thánh khiết này. CCC1 85.2

Đối với Giăng, sự tĩnh mịch của sa mạc là một lối giải thoát khỏi những nghi ngờ, sự cứng lòng, và nhơ bẩn, là những điều đã tràn ngập khắp nơi trong xã hội đương thời của Giăng. Giăng không tin rằng mình có khả năng để chống trả những sự cám dỗ, và ông tránh xa sự tiếp xúc thường xuyên với tội lỗi, kẻo đánh mất ý thức về bản chất xấu xa của chúng. CCC1 85.3

Được dâng cho Đức Chúa Trời làm một người Na-xi-rê (biệt riêng hoàn toàn cho Chúa) từ khi mới chào đời; chính Giăng đã hứa nguyện dâng hiến cả đời cho Chúa. Y phục của ông giống như y phục của các tiên tri thuở xưa, bằng lông lạc đà, thắt một giây lưng bằng da. Ông ăn “châu chấu và mật ong rừng” được tìm thây trong đồng vắng và uống nước trong lành từ các khe của đồi núi chảy ra. Nhưng đời sống của Giăng không phải thụ động lười biếng, không ở trong cảnh khổ hạnh u sầu, cũng không ở trong sự cô lập ích kỷ. CCC1 85.4

Thỉnh thoảng, Giăng vẫn trà trộn vào đám đông dân chúng; và ông luôn quan sát cặn kẽ về những gì xảy ra trong xã hội. Rồi từ nơi ẩn dật yên tĩnh của mình, ông nhìn thây được diễn tiến của những sự việc xảy ra. Với sự hiện thây được Chúa Thánh Linh soi sáng, Giăng học hỏi về tánh nết của loài người để có thể hiểu được cách đem thông điệp của thiên đàng đến cho tâm hồn của họ. Gánh nặng của chức vụ đè nặng trên người. Trong sự tĩnh mịch, bởi suy niệm và cầu nguyện, Giăng tìm cách nai nịt tâm hồn để sẵn sàng đảm nhận chức vụ đang ở trước mắt mình. CCC1 85.5

Dù sống trong đồng vắng, Giăng cũng không thoát khỏi sự cám dỗ. Người đóng chặt mọi ngõ ngách hầu cho Sa-tan không thể len lỏi vào, nhưng Giăng cũng bị kẻ cám dỗ tấn công. Nhưng ý niệm về thuộc linh của Giăng rất bén nhạy. Ông đã phát triển sức mạnh và tánh quyết tâm, cũng như nhờ sự trợ giúp của Đức Thánh Linh, Giăng có khả năng phát hiện ra Sa-tan khi nó lại gần và chống trả lại quyền lực của nó. CCC1 85.6

Đồng vắng cũng là trường học và đền thờ của Giăng. Như Môi-se ở giữa vùng rừng núi Ma-đi-an, Giăng giam mình trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và được bao quanh bởi những chứng cớ của quyền năng Ngài. Số mệnh của Giăng không bắt buộc phải sống như nhà lãnh đạo vĩ đại của Y-sơ-ra-ên, tức là sống giữa sự tĩnh mịch của vùng rừng núi uy nghi hoang vắng; nhưng trước mắt ông là dãy núi Mô-áp, bên kia sông Giô-đanh, như thường nhắn nhủ về Đấng đã dựng lên núi cao và bao quanh chúng bằng sức mạnh. Cảnh tượng mờ ảo và đáng sợ của thiên nhiên trong đồng vắng mà Giăng trú ẩn gợi lên tình trạng thật sự của dân Y-sơ-ra-ên. vườn nho sai trái của Chúa đã trở nên tiêu điều hoang vu. Nhưng bên trên sa mạc, bầu trời vẫn tươi sáng và đẹp đẽ. Những đám mây kéo lại che đen bầu trời trong giông bão, nhưng chiếc cầu vồng rực rỡ của lời hứa vắt ngang giữa trời. Cũng vậy, bên trên những suy đồi của dân Y-sơ-ra-ên vẫn chiếu ngời lời hứa rằng Đấng Mê-si sẽ trị vì. Mây đen của phẫn nộ được trải ngang qua bởi chiếc cầu vồng của giao ước nhân từ mà Chúa đã lập. CCC1 86.1

Cô đơn trong đêm thanh vắng, Giăng đọc lại lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham về một dòng dõi đông như sao trên trời. Ánh bình minh, ló dạng quanh dẫy núi Mô-áp, như tuyên bố về Đấng sẽ như “sự chói lòa buổi sáng, khi mặt trời mọc, khác nào một buổi sớm mai không có mây” (2 Sa-mu-ên 23:4). Và ánh sáng chói lòa giữa trưa, Giăng thây vinh quang của Ngài bày tỏ, khi “sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thây.” (Ê-sai 40:5). Với niềm thán phục đầy hân hoan, Giăng tìm trong các sách tiên tri những mặc khải về việc Đấng Mê-si đến, tức là dòng dõi được hứa ban sẽ đạp dập đầu con rắn; Si-lô, tức là “Đấng ban hòa bình,” sẽ xuất hiện trước một vua và kết thúc triều đại người trên ngai Đa-vít. Giờ đây, thời điểm đã đến. Một nhà cai trị người Rô-ma đang ngồi trong cung điện trên Núi Si-ôn. Theo lời chắc chắn của Chúa, Đấng Cứu Thế đã ra đời. CCC1 86.2

Bản mô tả cách say mê của Ê-sai về vinh quang của Đấng Mê-si là điều mà Giăng học hỏi ngày đêm. Một nhành đâm ra từ chồi Y-sai; là một vị Vua cai trị bằng sự công bình, và “xử lẽ ngay thẳng cho kẻ nhu mì trên đất;” “chỗ che bão táp;... bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi;” Y-sơ-ra-ên không còn bị gọi là “Kẻ bị bỏ,” đất Y-sơ-ra-ên không còn bị gọi là “Đất hoang vu,” nữa, nhưng được gọi là “Kẻ Ta ưa thích,” là “Bu-la (kẻ có chồng)” (Ê-sai 11:4; 32:2; 62:4). Tâm hồn của kẻ lạc loài xa xứ cô đơn chứa đầy khải tượng vinh hiển. CCC1 86.3

Giăng nhìn ngắm vị Vua trong nét đẹp của Ngài, và quên mất bản thân mình. Ông nhìn thây sự oai nghiêm thánh khiết và thây mình bất lực, chẳng ra gì. Người sẵn sàng lên đường với cương vị là một sứ giả của thiên đàng, không còn sợ hãi người đời, vì người đã dựa trên Chúa. Người có thể đứng thẳng và không hãi sợ trước vua chúa thế gian, vì người đã hạ mình thật thấp trước vị Vua của muôn vua. CCC1 86.4

Giăng không hiểu hết tánh chất của vương quốc Đấng Mê-si. Người mong dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi những kẻ thù của dân tộc, nhưng sự xuất hiện của một vị Vua trong công bình, việc thiết lập một dân tộc Y-sơra-ên thánh khiết, là đối tượng lớn lao trong niềm hy vọng của ông. Vì thế Giăng tin tưởng rằng lời tiên tri lúc người chào đời sẽ được ứng nghiệm: “Nhớ lại lời giao ước thánh của Ngài;...rằng khi chúng tôi đã được cứu khỏi tay kẻ nghịch thù....Lấy sự thánh khiết và công bình mà hầu việc Ngài, trọn đời mình không sợ hãi gì hết.” CCC1 87.1

Giăng thây dân tộc mình bị lừa gạt, tự mãn và mê man trong tội lỗi của họ. Ông ước mong đánh thức họ dậy để sống một đời thánh khiết hơn. Thông điệp Đức Chúa Trời giao cho ông là để lay tỉnh họ, làm họ giật mình và run sợ vì sự gian ác lớn lao của họ. Trước khi hạt giống Tin Lành có thể tìm gặp đất tốt, mảnh đất lòng phải được xới lên. Trước khi họ tìm sự chữa lành từ Đức Chúa Giê-su, họ phải được đánh thức về mối nguy hiểm từ những vết thương của tội lỗi. CCC1 87.2

Đức Chúa Trời không gửi những sứ giả để xu nịnh tội nhân. Ngài không ban thông điệp hòa bình để ru ngủ kẻ tội lỗi trong bình an giả tạo. Ngài đặt những gánh nặng trên lương tâm của những kẻ làm điều sai quây, và xuyên thủng linh hồn họ bằng những mũi tên kết tội. Các thiên sứ hầu việc trình bầy cho Giăng những phán xét đáng sợ của Đức Chúa Trời để làm cho con người cảm thây cần đến Chúa hơn và thúc giục tội nhân phải kêu lên: “Vậy thì chúng tôi phải làm gì để được cứu?” Khi ấy bàn tay đã hạ xuống tận bụi đất, sẽ nâng kẻ sám hối dậy. Tiếng nói đã quở trách tội lỗi, làm cho lòng kiêu hãnh và tham vọng phải xấu hổ, sẽ hỏi với mối thiện cảm dịu dàng rằng: “Ngươi muốn ta làm gì cho ngươi ?” CCC1 87.3

Lúc Giăng bắt đầu chức vụ của người, đất nước Giu-đa đang ở trong một trạng thái bị sôi động và bất mãn sắp, sửa bị nổ tung thành bạo động. Khi A-chê-lau bị truất phế, Giu-đê bị đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của người Rô-ma. Sự độc tài và tham lam của các quan tổng trấn Rô-ma; những nỗ lực quyết tâm đưa các phong tục và tập quán ngoại đạo vào trong xứ, khơi mào cho cách mạng, nhưng đã bị dập tắt trong máu của hàng ngàn người Giu-đa dũng cảm. Tất cả tình trạng này càng làm tăng thêm lòng căm phẫn đối với người Rô-ma và nung nấu lòng ước mong được giải thoát khỏi quyền lực của người Rô-ma. CCC1 87.4

Giữa những bất hòa và tranh chấp, một tiếng nói vang lên từ đồng vắng, một tiếng nói nghiêm khắc và làm người ta phải sựng người lại, nhưng lại chứa đầy hi vọng. “Các ngươi phải ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần.” Tiếng nói ấy đã cảm động dân chúng với một quyền năng mới lạ. Các tiên tri đã báo trước việc Đấng Cứu Thế đến là một biến cố còn xa trong tương lai, nhưng ở đây, tiếng loan báo này lại cho biết rằng Ngài ở gần bên. Hình ảnh kỳ dị của Giăng làm tâm trí người nghe nhớ đến các đấng tiên tri thuở xưa. Điệu bộ cũng như cách ăn vận của Giăng trông giống như tiên tri Ê-li. Với tinh thần và sự mạnh mẽ của Ê-li, Giăng lên án sự sa đoạ của dân tộc và khiển trách tội lỗi đang hoành hành. Lời lẽ của ông đơn giản, sắc bén và đầy sức thuyết phục. Nhiều người tin rằng Giăng là một trong số các đấng tiên tri đã sống lại từ cõi chết. Toàn dân náo động. Từng đoàn dân đông kéo vào đồng vắng. CCC1 87.5

Giăng loan báo Đấng Mê-si đang đến và kêu gọi dân chúng ăn năn hối cải. Như một biểu tượng của sự tẩy sạch khỏi tội lỗi, ông làm phép báptêm cho họ trong nước sông Giô-đanh. Như vậy, bằng một bài học đầy ý nghĩa, Giăng tuyên bố rằng những ai cho rằng họ là dân lựa chọn của Đức Chúa Trời đã bị vẫn đục vì tội lỗi, và nếu không được thanh tẩy từ trong tâm hồn cho đến đời sống, họ sẽ không được dự phần vào nước của Đấng Mê-si. CCC1 88.1

Người quyền quý và các thầy ra-bi, lính tráng, người thu thuế và nông dân kéo tới để nghe nhà tiên tri. Trong một thời gian, lời cảnh báo long trọng từ Đức Chúa Trời đánh động lòng họ. Nhiều người đã hối cải và nhận lãnh thánh lễ báp-têm. Dân chúng thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đầu phục trước các điều kiện của Người Báp-têm, để được tham dự vào nước mà người loan báo. CCC1 88.2

Nhiều người trong số các thầy ký lục và người Pha-ri-si cũng tới xưng thú tội lỗi của họ và xin được chịu phép báp-têm. Họ đã từng huênh hoang rằng mình tốt lành hơn những người khác và đã làm cho nhiều người dân đánh giá cao về lòng đạo đức của họ, nhưng giờ đây, những bí mật tội lỗi của cuộc đời họ được bộc lộ. Nhưng Giăng được Chúa Thánh Linh cho hiểu rằng nhiều người trong số họ không thật lòng xưng nhận tội lỗi của họ. Chúng là những kẻ xu thời. Là bạn của nhà tiên tri, họ hi vọng Vị Vua của nước đang đến sẽ để ý tới họ. Và qua việc nhận lãnh lễ báp-têm từ tay một vị giáo sư trẻ và nổi tiếng này, họ nghĩ là mình được tăng thêm uy tín đối với dân chúng. Giăng đã đặt họ trước một cuộc tra vấn gay gắt; “Hỡi dòng dõi rắn lục, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh nộ ngày sau? Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; và đừng tự nói rằng: Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta: vì ta nói cùng các ngươi, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được.” CCC1 88.3

Người Giu-đa đã bóp méo lời hứa đặc ân đời đời của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên: “Đức Giê-hô-va là Đấng đã ban mặt trời làm sự sáng ban ngày, ban thứ tự mặt trăng và ngôi sao soi ban đêm, lật biển lên, đến nỗi sóng nó gầm thét, Đức Giê-hô-va vạn quân là Danh của Ngài phán rằng: Nếu lệ luật đó mất đi khỏi trước mặt ta, thì bây giờ dòng giống Y-sơ-ra-ên cũng sẽ thôi không làm một nước trước mặt ta đời đời, Đức Giê-hô-va phán vậy; Nếu trên có thể đo được trời, dưới có thể đo được nền đất; thì cũng vậy, ta sẽ bỏ trọn cả dòng giống Y-sơ-ra-ên vì cớ mọi điều chúng nó đã làm, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 31:35-37). Dân Giu-đa cho rằng họ thuộc dòng dõi Áp-ra-ham tất nhiên họ được quyền hưởng lời hứa này. Nhưng họ lại bỏ qua các điều kiện Đức Chúa Trời đã nói rõ. Trước khi ban lời hứa, Ngài đã phán: “Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta. Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va... Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa” (Giê-rê-mi 31:33, 34). CCC1 88.4

Đặc ân của Đức Chúa Trời được bảo đảm dành cho một dân có luật pháp của Ngài được viết trong lòng họ. Dân đó là một với Ngài. Nhưng người Giu-đa đã tự tách mình khỏi Đức Chúa Trời. Họ phải chịu đau khổ dưới sự phán xét của Chúa vì bởi tội lỗi họ gây nên. Đó là nguyên do mà họ phải nằm dưới ách thống trị của một quốc gia ngoại giáo. Sự phạm pháp đã làm cho tâm hồn của họ trở nên đen tối, và vì trong quá khứ Chúa đã ban cho họ nhiều đặc ân, cho nên họ dùng đó để bào chữa cho tội lỗi mà họ phạm. Họ khoe khoang rằng họ tốt hơn những người chung quanh và xứng đáng để hưởng ơn phước từ thiên đàng. CCC1 89.1

Những sự này “đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời.” (1 Cô-rinh-tô 10;11). Biết bao lần chúng ta đã giải nghĩa lầm lẫn các ơn phước của Đức Chúa Trời và huênh hoang rằng chúng ta được biệt đãi nhờ vào đạo đức tốt lành từ chúng ta. Đức Chúa Trời không thể thực hiện cho chúng ta điều Ngài mong thực hiện. Những sự ban cho của Ngài chỉ làm gia tăng lòng tự mãn của chúng ta, và làm cho lòng chúng ta chai lì bởi không tin và tội lỗi. CCC1 89.2

Giăng tuyên bố với các thầy ra-bi trong Y-sơ-ra-ên rằng lòng kiêu ngạo, ích kỷ và độc ác của họ chứng tỏ rằng họ thuộc dòng dõi rắn lục, là một sự rủa sả chết người đối với dân chúng, hơn là dòng dõi công bình và vâng phục của Áp-ra-ham. Nhận xét bởi ánh sáng mà họ đã nhận được từ Đức Chúa Trời, thì họ còn xấu hơn cả người ngoại đạo, là những kẻ mà chúng coi khinh. Họ đã quên tảng đá mà họ đã được đẽo ra từ đó, cũng như cái hang là nơi họ đã được đào bới lên. Đức Chúa Trời không lệ thuộc vào họ để hoàn tất ý định của Ngài. Như Ngài đã gọi Áp-ra-ham từ một dân ngoại, Ngài cũng có thể gọi những người khác để phục vụ Ngài. Lòng của họ giờ đây chẳng khác nào những hòn đá không sanh khí trong sa mạc, nhưng Chúa Thánh Linh có thể làm sống lại họ để vâng theo ý muốn của Chúa, và Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài cho chúng. CCC1 89.3

Đấng tiên tri nói: “Cái búa đã để kề gốc cây; hễ cây nào không sanh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm.” Giá trị của một thân cây được quyết định không phải bằng danh xưng của nó mà là bằng trái nó mang. Nếu trái vô dụng, thì danh xưng cũng không thể cứu cây khỏi bị hủy diệt. Giăng tuyên bố với dân Giu-đa rằng vai trò của họ trước mặt Đức Chúa Trời tùy thuộc vào đức hạnh và đời sống của họ. Vỗ ngực xưng danh trở thành vô nghĩa. Nếu đời sống và tánh tình không phù hợp với luật pháp của Chúa, thì họ không phải là dân sự của Ngài. CCC1 89.4

Trước những lời đâm thẳng vào tim thốt ra từ Giăng, người nghe được thuyết phục. Họ kéo đến với người và hỏi: “vậy chúng tôi phải làm gì ?” Người trả lời: “Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy.” Giăng cảnh cáo người thu thuế đừng bất công nữa, và những quân lính đừng hà hiếp áp bức dân lành. Giăng nói, tất cả những ai trở thành thần dân của nước Đấng Cứu Thế phải chứng tỏ bằng đức tin và lòng ăn năn hối cải. Tử tế, lương thiện, và trung tín phải được bày tỏ trong đời sống của họ. Họ phải giúp đỡ kẻ thiếu thốn, dâng của lễ cho Đức Chúa Trời. Họ phải nâng đỡ những kẻ cô thế, và làm gương sáng về nhân đức và lòng thương xót. Như thế những kẻ đi theo Đấng Cứu Thế phải bày tỏ chứng cớ về quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Linh. Trong đời sống thường ngày, họ phải cho thây sự công bằng, lòng thương xót và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Nếu không, họ sẽ như trâu bị người ta đổ trong lửa. CCC1 90.1

Giăng nói: “Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép Báp-têm cho các ngươi ăn năn, song Đấng đến sau ta, có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ây là Đấng sẽ làm phép Báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa” (Ma-thi-ơ 3:11). Tiên tri Ê-sai đã tuyên bố rằng Chúa sẽ tẩy dân Ngài khỏi mọi sự gian ác của họ “bằng thần công bình và thần thiêu đốt.” Lời của Chúa cho dân Y-sơ-ra-ên là “Ta sẽ lại tra tay trên ngươi, làm tan sạch hết cáu cặn ngươi và bỏ hết chất pha của ngươi” (Ê-sai 1:25). Đối với tội lỗi, khi được tìm thây ở bất cứ đâu, thì “Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt” (Hê-bơ-rơ 12:29). Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ thiêu đốt tội lỗi nơi tất cả những ai thuần phục quyền năng của Ngài. Nhưng nếu loài người cứ bám vào tội lỗi, họ sẽ trở nên một với tội lỗi. Đến khi ấy, vinh quang của Đức Chúa Trời, hủy diệt tội lỗi, cũng sẽ hủy diệt luôn cả tội nhân. Gia-cốp, sau cái đêm vật lộn với thiên sứ, đã thốt lên: “Tôi đã thây Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (Sáng Thế Ký 32:30). Gia-cốp đã phạm một tội tầy đình trong cách đối xử với Ê-sau, nhưng người đã ăn năn hối cải. Tội của người đã được tha thứ và lỗi của người đã được tẩy sạch. Do đó mà người có thể chịu nổi sự mặc khải bởi sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhưng bất cứ ở đâu khi con người đến ra mắt Đức Chúa Trời mà vẫn cố tình khư khư ôm lấy tội lỗi, thì tội nhân sẽ bị tiêu diệt. Khi Đấng Cứu Thế tái lâm, kẻ gian ác sẽ bị hủy diệt “bởi hơi miệng Ngài” và bị trừ bỏ bởi “sự chói sáng của sự Ngài đến” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8). Ánh sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời, là điều ban sự sống cho kẻ công bình, lại giết chết kẻ gian ác. CCC1 90.2

Vào thời của Giăng Báp-tít, Đấng Cứu Thế đã sắp sửa xuất hiện để bày tỏ bổn tánh của Đức Chúa Trời. Sự hiện diện của Ngài sẽ làm cho loài người thây rõ tội lỗi của họ. Chỉ khi nào họ sẵn lòng để được tẩy sạch khỏi tội thì họ mới có thể đi vào sự thông công với Ngài. Chỉ những ai có lòng thanh sạch mới có thể đứng được trong sự hiện diện của Ngài. CCC1 91.1

Như vậy, Giăng Báp-tít công bố thông điệp của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhiều người đã chú ý tới lời người giảng dạy. Nhiều người đã hi sinh tất cả để vâng theo. Đám đông đi theo vị giáo sư mới nầy từ chỗ nọ qua chỗ kia. Nhưng khi Giăng thây dân chúng hướng về mình, thì ông tìm đủ mọi cơ hội để hướng niềm tin của họ vào Đấng sẽ đến. CCC1 91.2