Go to full page →

Chương 12—Sự Cám Dỗ CCC1 99

Dựa theo Ma-thi-ơ 4:1-11; Mác 1:12, 13; Lu-ca 4:1-13

“Đức Chúa Giê-su đầy dẫy Đức Thánh Linh, ở bờ sông Giô-đanh về, thì được Đức Thánh Linh đưa đến trong đồng vắng.” Những lời trong Tin Lành Mác còn có ý nghĩa sâu hơn nữa. Mác viết: “Tức thì Đức Thánh Linh giục Ngài đến nơi đồng vắng. Ngài ở nơi đồng vắng chịu quỷ Sa-tan cám dỗ bốn mươi ngày, ở chung với thú rừng.” “Trong những ngày ấy, Ngài không ăn chi hết.” CCC1 99.1

Khi Chúa Giê-su được đưa vào đồng vắng để chịu cám dỗ, chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã dẫn đưa Ngài. Ngài không mời gọi sự cám dỗ tới. Ngài tới đồng vắng để được yên tĩnh hầu suy nghĩ về công việc và chức vụ của Ngài. Qua việc kiêng ăn và cầu nguyện, Ngài muốn chuẩn bị chính mình cho con đường đẫm máu mà Ngài phải đi. Nhưng Sa-tan biết Đấng Cứu Thế đã đi vào trong đồng vắng và nó nghĩ đây là lúc tốt nhất để đến gần Ngài. CCC1 99.2

Những nan đề lớn lao cho thế giới đang lệ thuộc vào cuộc tranh chiến giữa Vị Vua của ánh sáng và kẻ cầm đầu vương quốc tối tăm. Sau khi cám dỗ con người phạm tội, Sa-tan tuyên bố thế giới là của nó và tự đặt mình làm vua chúa của thế giới này. Sau khi bắt tổ phụ của loài người y theo bản tính của nó, Sa-tan nghĩ tới việc thiết lập đế quốc của nó trên đất. Nó tuyên bố rằng loài người đã chọn nó làm vua. Qua việc kiểm soát được loài người, nó nắm quyền cai trị trên thế gian. Đấng Cứu Thế đã đến để bác bỏ lời tuyên bố của Sa-tan. Trong cương vị Con Người (mang bản thể giống như loài người), Đấng Cứu Thế giữ vững lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Như vậy chứng minh rằng Sa-tan không hoàn toàn kiểm soát dòng giống loài người, và lời tuyên bố của nó hoàn toàn sai lầm. Tất cả những ai mong ước được giải thoát khỏi quyền lực của nó sẽ được thả tự do. Quyền thống trị mà A-đam đã đánh mất vì phạm tội sẽ được phục hồi. CCC1 99.3

Từ ngày con rắn trong vườn Ê-đen được cảnh cáo: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau” (Sáng Thế Ký 3:15), Sa-tan đã biết là nó không nắm hoàn toàn quyền trị vì trên thế gian. Nó thây rõ là nơi loài người có một sức mạnh đang hoạt động để chống lại sự thống trị của nó. Sa-tan đặc biệt quan tâm theo dõi các của lễ mà A-đam và các con của người dâng lên. Trong những nghi lễ này, nó nhận thây có một biểu tượng về sự liên lạc giữa thiên đàng và hạ giới. Nó tìm cách ngăn chặn sự liên hệ này. Nó xuyên tạc Đức Chúa Trời và bóp méo các nghi thức ám chỉ về Đấng Cứu Thế. Loài người bị dẫn tới chỗ sợ hãi Đức Chúa Trời như là Đấng lấy làm thích thú với việc tiêu diệt loài người. Các của lễ đáng lý ra phải bày tỏ tình yêu thương của Ngài lại được dâng lên chỉ để làm nguôi cơn thạnh nộ của Chúa. Sa-tan khích động các tình cảm xấu xa của loài người với mục đích nhanh chóng thiết lập quyền cai trị của nó trên họ. Khi lời của Đức Chúa Trời được viết ra, Sa-tan tìm hiểu 100 các lời tiên tri về việc Đấng Cứu Thế đến. Từ thế hệ này tới thế hệ khác, nó ra sức bịt mắt dân chúng để khỏi thây những lời tiên tri này hầu họ sẽ khước từ Đấng Cứu Thế khi Ngài đến. CCC1 100.1

Khi Đức Chúa Giê-su ra đời, Sa-tan biết là đã có một Đấng đến với sứ mạng thiêng liêng để giành lại quyền thống trị của nó. Nó run lên khi nghe thông điệp của thiên sứ khẳng định uy quyền của vị Vua mới sinh. Sa-tan biết là địa vị của Đấng Cứu Thế ở trên thiên đàng là Con Yêu Dấu của Đức Chúa Cha. Sự kiện Con Đức Chúa Trời đến thế gian như một con người làm Sa-tan sửng sốt và e sợ. Nó không thể dò thâu lẽ mầu nhiệm của sự hy sinh lớn lao này. Tâm hồn ích kỷ của nó không thể hiểu nổi một tình yêu như vậy dành cho dòng giống gian dối. Loài người hiểu một cách lờ mờ về sự vinh hiển và bình an trên thiên đàng, cùng niềm vui của sự thông công với Đức Chúa Trời. Nhưng Lu-xi-phe, một thiên sứ được che phủ, thì biết rất rõ. Từ khi nó đánh mất thiên đàng, nó đã quyết định tìm cách báo thù bằng cách khiến cho kẻ khác cũng phải sa ngã như nó. Nó làm điều này bằng cách làm cho người khác đánh giá thấp giá trị của những gì thuộc về thiên đàng, và đặt lòng vào những sự ở dưới đất. CCC1 100.2

Không phải là Vị Nguyên Thủ của thiên đàng không gặp cản trở trong việc chinh phục linh hồn con người vào nước của Ngài. Từ khi Ngài còn là một trẻ sơ sinh tại Bết-lê-hem, Ngài luôn bị kẻ ác tấn công. Hình ảnh của Đức Chúa Trời được tỏ ra từ nơi Đấng Cứu Thế và trong các buổi hội nghị Sa-tan quyết tâm phải đánh thắng Ngài. Không một người nào sinh ra trong thế gian này được thoát khỏi quyền lực của kẻ bịp bợm này. Các lực lượng của liên minh tội lỗi được huy động chiến đấu chống lại Ngài, và nếu có thể được thì đánh gục Ngài. CCC1 100.3

Khi Đấng Cứu Thế chịu phép Báp-têm, Sa-tan có mặt trong số những người chứng kiến. Nó thây vinh quang của Đức Chúa Cha bao phủ lấy Con của Ngài. Nó nghe thây tiếng Đức Giê-hô-va chứng nhận thần tánh của Đức Chúa Giê-su. Từ khi A-đam phạm tội, loài người không còn được thông công trực tiếp với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su là gạch nối trong sự liên lạc giữa thiên đàng và hạ giới. Nhưng giờ đây, chính Đức Chúa Cha đã phán, Chúa Giê-su đã đến “lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi (Rô-ma 8:3). Trước đây, Ngài thông công với nhân loại qua Đấng Cứu Thế. Nay, Ngài thông công với nhân loại trong Đấng Cứu Thế. Sa-tan hi vọng rằng vì Đức Chúa Trời ghê tởm tội ác nên thiên đàng và hạ giới sẽ đời đời tách biệt nhau. Nhưng bây giờ thì rõ ràng là nhịp cầu liên lạc giữa Đức Chúa Trời và loài người đã được phục hồi. CCC1 101.1

Sa-tan thây rằng nó phải chiến thắng còn không thì sẽ bị đánh bại. Những vấn đề liên hệ đến cuộc chiến này quá nghiêm trọng không thể ủy thác cho các thiên sứ liên minh với nó. Đích thân Sa-tan phải điều động cuộc chiến này. Tất cả quyền lực của phe phản nghịch được huy động để chống lại Con Đức Chúa Trời. Đấng Cứu Thế là mục tiêu của tất cả khí giới của địa ngục. CCC1 101.2

Nhiều người nhìn cuộc xung đột giữa Đấng Cứu Thế và Sa-tan như không hề có một chút ảnh hưởng đặc biệt gì trên đời sống của họ, và đối với họ, chẳng có gì quan trọng cho lắm. Nhưng trong tâm hồn của chính mỗi người, sự xung đột này vẫn luôn xảy ra. Không hề có một người nào rời bỏ hàng ngũ của Sa-tan để phục vụ Đức Chúa Trời mà lại không bị Sa-tan liên tiếp tấn công. Nhưng những cám dỗ mà Đấng Cứu Thế đã chống trả là những cám dỗ chúng ta thây khó mà chiến thắng được. Trong trường hợp của Ngài, những cám dỗ này ở một mức độ khủng khiếp hơn. Với sức nặng kinh khiếp của tội lỗi của cả thế gian đè trên Ngài, Đấng Cứu Thế đã chống trả được sự cám dỗ về thèm khát, về lòng yêu thế gian, về tính ưa phô trương dẫn đến tự phụ. Những cám dỗ này đã đánh gục A-đam và Ê-va và sẵn sàng đánh gục chúng ta. Sa-tan đã tố cáo rằng tội lỗi của A-đam là bằng cớ cho thây rằng luật pháp của Đức Chúa Trời là bất công và không thể vâng theo được. Và Đấng Chirst phải mang nhân tánh của A-đam hầu chuộc lại lỗi lầm của A-đam. Nhưng khi A-đam bị kẻ cám dỗ tấn công, người chưa hề ở dưới một ảnh hưởng nào của tội lỗi. Người vững vàng trong tình trạng toàn hảo nhất của nhân tánh, tinh thần và thân thể tràn đầy sức sống. Người được bao quanh bởi vinh quang của vườn Ê-đen và được tiếp xúc hàng ngày với các đấng thánh trên trời. Nhưng Đức Chúa Giê-su thì lại không được như vậy khi Ngài đi vào đồng vắng để đương đầu với Sa-tan. Bốn ngàn năm đã trôi qua và nhân loại đã suy thoái về thể chất, sức mạnh tinh thần, và giá trị luân lý. Và Đấng Cứu Thế đã phải mang lấy tất cả những bệnh hoạn của nhân loại bởi sự suy thoái này gây ra. Chỉ trong tình trạng đó Ngài mới có thể cứu loài người khỏi vực thẳm sâu nhất của sự đồi trụy. CCC1 101.3

Nhiều người cho rằng sự cám dỗ không thể nào chiến thắng Đấng Cứu Thế được. Vì vậy, Ngài không thể nào ở vào địa vị hay tình trạng giống như của A-đam. Ngài không thể nào thắng trong khi A-đam lại thất bại. Nếu trong một lãnh vực nào đó mà chúng ta phải tranh đấu nhiều hơn Đấng Cứu Thế, thì Ngài không có khả năng để tiếp trợ chúng ta. Nhưng Chúa Cứu Thế của chúng ta đã mang hình thể của nhân loại, cùng với tất cả những tình trạng suy thoái của nó. Ngài mang bản tánh của con người, cùng với khuynh hướng hay buông trôi theo cám dỗ. Không một điều gì chúng ta gánh chịu mà Ngài đã không cần trải qua. CCC1 102.1

Đối với Đấng Cứu Thế, cũng như đối với cặp vợ chồng thánh trong vườn Ê-đen, khẩu vị là căn bản cho sự cám dỗ lớn thứ nhất. Công việc cứu rỗi phải được bắt đầu ngay từ chỗ sự vấp ngã bắt đầu. A-đam bị sa ngã vì buông thả theo khẩu vị, thì Đấng Cứu Thế phải chiến thắng bằng cách từ bỏ khẩu vị. “Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói. Quỉ cám dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng; nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi. Đức Chúa Giê-su đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” CCC1 102.2

Từ thời A-đam đến thời Đấng Cứu Thế, sự vô độ đã làm gia tăng sức mạnh của khẩu vị cũng như các loại đam mê khác đến độ con người gần như không còn kiểm soát được chúng. Vì vậy, con người mất đi nhân phẩm và trở nên bệnh hoạn, tự họ không còn khả năng để chiến thắng nữa. Là đại diện cho nhân loại, Đấng Cứu Thế đã chiến thắng bằng cách chịu đựng thử thách nghiêm trọng nhất. Vì chúng ta, Ngài đã sử dụng một sức tự chủ còn mạnh hơn cả sự đói khát hay sự chết. Và sự toàn thắng đầu tiên này còn bao gồm những vấn đề khác có liên quan đến cuộc xung đột giữa chúng ta với các quyền lực tối tăm. Khi Đức Chúa Giê-su vào trong đồng vắng, Ngài đã được bao phủ bởi sự vinh hiển của Đức Chúa Cha. Được chan hòa trong sự thông công với Đức Chúa Trời, Ngài được nâng lên khỏi những yếu đuối của loài người. Nhưng khi sự vinh hiển đó lìa khỏi Ngài, Chúa lại phải tranh đấu với sự cám dỗ. Nó lấn ép Ngài mỗi phút giây. Nhân tánh của Ngài co rút lại trước viễn ảnh một cuộc chiến đang chờ đợi. Chúa kiêng ăn và cầu nguyện trong vòng bốn mươi ngày. Kiệt sức và gầy ốm vì đói khát, hốc hác và rã rời bởi niềm đau trong tâm hồn, “Nhiều kẻ thấy người mà lấy làm lạ (mặt mày người xài xể lắm hơn kẻ nào khác, hình dung xài xể hơn con trai loài người)” (Ê-sai 52:14). Đây là cơ hội cho Sa-tan. Là lúc nó nghĩ rằng nó có thể quật ngã được Đấng Cứu Thế. CCC1 102.3

Dưới lốt của một thiên sứ từ thiên đàng, Sa-tan đến với Đấng Cứu Thế, như để đáp lại những lời cầu nguyện của Ngài. Nó tự xưng là được Đức Chúa Trời giao cho nhiệm vụ để tuyên bố rằng giai đoạn kiêng ăn của Đấng Cứu Thế đã đến lúc kết thúc. Giống như Đức Chúa Trời đã gửi một thiên sứ tới giữ tay của Áp-ra-ham lại không cho người dâng Y-sác, cũng vậy, Đức Chúa Trời hài lòng trước việc Đấng Cứu Thế vui lòng tiến vào con đường nhuộm máu, cho nên Đức Chúa Cha đã gửi một thiên sứ đến để giải thoát Ngài. Đó là thông điệp được gửi tới Đức Chúa Giê-su. Đấng Cứu Thế mệt lả người đi vì cơn đói, Ngài thèm được ăn, thì Sa-tan bất ngờ hiện ra. Chỉ những hòn đá có hình thù giống như những ổ bánh, đang nằm rải rác trong sa mạc, kẻ cám dỗ nói: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi.” CCC1 102.4

Dù rằng Satan xuất hiện như một thiên sứ sáng láng, nhưng những chữ đầu tiên trong câu nói đó đã bày tỏ bộ mặt thật của nó. “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời.” Ở đây, ngầm chứa một sự nghi ngờ. Nếu Đức Chúa Giê-su làm theo điều Sa-tan đề nghị, thì chẳng khác gì chấp nhận sự nghi ngờ đó. Kẻ cám dỗ tính đánh hạ Đấng Cứu Thế cũng bằng phương cách nó đã sử dụng rất thành công với dòng dõi loài người từ thuở ban đầu. Sa-tan đã đến gần Ê-va trong vườn Ê-đen một cách rất tài tình! “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dạy các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” (Sáng Thế Ký 3:1). Nếu lời của kẻ cám dỗ được ngưng ngang đây thì dường như là một sự thật. Nhưng trong cách thức nó nói có ẩn dấu một sự khinh thường lời của Đức Chúa Trời. Có một sự phản đối ngấm ngầm, một sự nghi ngờ đối với lòng chân thành của Chúa. Sa-tan tìm cách gieo vào đầu óc Ê-va ý tưởng là Đức Chúa Trời sẽ không làm như Ngài đã phán: Rằng sự ngăn cấm một trái cây tốt đẹp như thế kia đi ngược lại tình yêu thương và mối cảm thông của Ngài dành cho loài người. Cho nên ngay bây giờ, kẻ cám dỗ cũng tìm cách gợi lên trong lòng Đấng Cứu Thế chính những cảm xúc của nó. “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời.” Những lời này đã cho thây sự dày vò cay đắng trong đầu óc của nó. Giọng nói của nó bày tỏ một sự hoài nghi. Đức Chúa Trời sẽ đối xử với chính Con của Ngài như vậy sao? Ngài sẽ bỏ Con trong sa mạc với thú dữ, không lương thực, không bạn đồng hành, không nguồn yên ủi sao? Nó ngầm cho hiểu rằng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ có ý định để Con của Ngài ở trong một tình trạng như vậy. “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời,” hãy tỏ quyền năng của ngươi bằng cách làm giảm cái đói đang dày vò ngươi. Hãy khiến đá này trở nên bánh đi. Tiếng phán từ trời: “Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17), vẫn còn văng vẳng bên tai Sa-tan. Nhưng nó quyết tâm làm cho Đấng Cứu Thế không còn tin vào lời tuyên bố này nữa. Lời của Đức Chúa Trời là một sự bảo đảm cho Đấng Cứu Thế về chức vụ Cha đã giao cho Ngài. Ngài đã đến để sống như một người giữa loài người, và những lời đó đã tuyên bố sự liên hệ giữa Ngài với thiên đàng. Mục đích của Sa-tan là làm cho Chúa nghi ngờ những lời đó. CCC1 103.1

Nếu lòng tin tưởng của Đấng Cứu Thế nơi Đức Chúa Trời bị giao động thì Sa-tan biết là nó sẽ chiến thắng cả cuộc tranh chiến. Như vậy nó có thể chiến thắng Đức Chúa Giê-su. Nó hi vọng rằng khi bị quá yếu đuối và đói khát thì Đấng Cứu Thế sẽ mất lòng tin nơi Đức Chúa Cha, và sẽ làm phép lạ để tự giải thoát mình. Nếu Đức Chúa Giê-su làm điều này thì chương trình cứu rỗi loài người sẽ bị phá vỡ. Khi Sa-tan và Con của Đức Chúa Trời đối đầu với nhau lần đầu tiên trong cuộc tranh chấp, Đấng Cứu Thế là Vị Chỉ Huy các cơ binh trên trời; và Sa-tan, là thủ lãnh cuộc nỗi loạn trên trời, đã bị tống ra khỏi thiên đàng. Giờ đây dưới đất, hoàn cảnh của cả hai lại đảo ngược lại và Sa-tan làm mọi cách để khai thác điều mà nó cho là lợi thế của nó. Nó nói, một trong những thiên sứ đầy quyền năng nhất của thiên đàng vừa bị đày xuống trần gian. Nét tiều tụy bề ngoài của Đức Chúa Giê-su chứng tỏ rằng Ngài bị đày khỏi thiên đàng, bị Đức Chúa Trời bỏ rơi, và loài người xa lánh. Nếu là một đấng thánh thì phải có khả năng chứng minh điều đó bằng cách làm một phép lạ: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi.” Kẻ cám dỗ hối thúc rằng một hành động có khả năng tạo dựng như thế sẽ là một bằng chứng thuyết phục được thần tánh của Đức Chúa Giê-su. Và cuộc tranh chấp sẽ kết thúc. CCC1 104.1

Đức Chúa Giê-su không thể nào chỉ im lặng lắng nghe mà không tỏ ra một chút tranh đấu với kẻ đại đối đầu. Nhưng Con của Đức Chúa Trời không cần phải chứng minh thần tánh của Ngài cho Sa-tan, cũng không cần giải thích lý do Ngài hạ mình. Chiều theo điều đòi hỏi kẻ phản loạn sẽ chẳng đem lại điều gì tốt lành cho loài người hay đem vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Nếu Đấng Cứu Thế nghe theo đề nghị của kẻ thù, Sa-tan cũng vẫn nói rằng: Hãy cho ta một dấu để ta có thể tin rằng ngươi là Con Đức Chúa Trời. Bằng cớ sẽ trở thành vô hiệu quả trong việc phá vỡ sức mạnh của sự phản loạn trong lòng của Sa-tan. Và Đấng Cứu Thế cũng không sử dụng quyền năng thánh cho lợi ích cá nhân. Ngài đến để gánh chịu thử thách cũng như chúng ta phải chịu, hầu để lại cho chúng ta một gương tốt của đức tin và sự vâng phục. Ngài không hề sử dụng quyền năng của mình cho quyền lợi của bản thân trong lúc này, cũng như bất cứ lúc nào khác trong cuộc đời tại thế của Ngài. Công việc lạ lùng của Ngài đều là vì ích lợi cho kẻ khác. Mặc dầu Đức Chúa Giê-su nhận ra Sa-tan ngay từ đầu, Ngài không bị kích động để lao vào cuộc xung khắc với nó. Nhờ sự ghi nhớ về tiếng phán từ trời làm cho Đức Chúa Giê-su tăng thêm sức mạnh, khiến Ngài an tịnh trong tình yêu của Đức Chúa Cha. Ngài không muốn dây dưa với sự cám dỗ. CCC1 104.2

Đức Chúa Giê-su đã đối đầu Sa-tan bằng những lời trong Kinh Thánh. Ngài phán: “Vì có Lời chép rằng”. Trong tất cả mọi cám dỗ, vũ khí Ngài sử dụng là Lời của Đức Chúa Trời. Sa-tan đòi hỏi từ Đấng Cứu Thế một phép lạ để chứng minh thần tánh của Ngài. Nhưng điều lớn hơn tất cả mọi phép lạ là một sự nương tựa vững chắc trên câu “Chúa đã phán như vậy,” là một dấu không thể tranh luận được. Miễn là Đấng Cứu Thế giữ vững lập trường này, thì kẻ cám dỗ sẽ không thể nào chiếm được lợi thế. CCC1 104.3

Đấng Cứu Thế đã bị tấn công dữ dội nhất vào chính lúc Ngài bị yếu sức nhất. Bởi vậy, Sa-tan nghĩ rằng nó sẽ đắc thắng. Cũng nhờ vào cách thức này mà nó đã chiến thắng được loài người. Khi không còn sức mạnh, ý chí suy nhược, và lòng tin không còn dựa nơi Đức Chúa Trời, thì khi ấy, những kẻ đã từng vững bền và can đảm vì Lẽ Thật, sẽ bị đánh bại. Môi-se đã trở nên mệt mỏi với cuộc hành trình bốn mươi năm của Y-sơ-ra-ên, và chỉ trong khoảnh khắc, lòng tin của người không còn bám vào quyền năng vô biên. Người đã vấp ngã ngay tại biên giới của Đất hứa. Ê-li cũng vậy, là người đã dũng cảm đứng trước vua A-háp, Ê-li là người dám đương đầu với toàn thể dân Y-sơ-ra-ên, có tám trăm năm mươi tiên tri của Ba-anh và Át-tạt-tê đứng đầu họ. Sau cái ngày khủng khiếp tại Cạt-mên, khi các tiên tri giả dối bị giết chết và dân chúng đã tuyên bố đầu phục Đức Chúa Trời, Ê-li đã phải chạy trốn để thoát thân trước lời đe dọa của dâm phụ Giê-sa-bên. Như vậy, Sa-tan đã khai thác sự yếu đuối của nhân tánh. Và nó vẫn còn hành động cùng một phương cách như vậy. Bất cứ khi nào có người bị mây mờ phủ vây, hoang mang vì hoàn cảnh, hay bị cái nghèo, nản lòng tấn công, Sa-tan có sẵn bên cạnh để cám dỗ và gây phiền hà. Nó tấn công những nhược điểm trong bản tánh của chúng ta. Nó tìm cách làm chúng ta lung lay lòng tin tưởng ở trong Đức Chúa Trời, Đấng đã đau khổ cho phép tình trạng như vậy xảy ra. Chúng ta bị cám dỗ để nghi ngờ Đức Chúa Trời, chất vấn về tình yêu của Ngài. Nhiều khi, tên cám dỗ đến với chúng ta như nó đã đến với Đấng Cứu Thế, dàn trải ra trước chúng ta sự yếu đuối và suy nhược của chúng ta. Nó hi vọng làm lòng chúng ta chán nản và không còn bám víu vào Đức Chúa Trời. Lúc ấy, nó như nắm chắc được con mồi trong tay. Nếu chúng ta chống trả nó như Chúa Giê-su đã chống trả, chúng ta sẽ không bị thất bại. Nhưng nếu chúng ta thương lượng với kẻ thù, chúng ta để nó chiếm lợi điểm. CCC1 105.1

Khi Đấng Cứu Thế phán với tên cám dỗ: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời,” Ngài đã lặp lại những lời mà hơn một ngàn bốn trăm năm trước, Ngài đã phán với Y-sơ-ra-ên: “Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy...Vậy, Ngài có hạ ngươi xuống, làm cho ngươi bị đói, đoạn cho ăn ma-na mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết, để khiến ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:2, 3). Trong đồng vắng, khi không còn gì để ăn, Đức Chúa Trời đã gửi cho dân của Ngài ma-na từ trời; và họ có được lương thực thường xuyên và đầy đủ. Sự ban phát lương thực này là để dạy cho họ hay rằng trong khi họ tin tưởng và đi trong con đường của Chúa, Ngài sẽ không lãng quên họ. Đấng Cứu Thế giờ đây cũng áp dụng bài học mà Ngài đã dạy cho dân của Ngài. Bởi lời của Đức Chúa Trời mà sự cứu giúp đã đến với đoàn dân đông Hê-bơ-rơ, và cũng bởi chính những lời đó mà sự trợ giúp cũng được ban cho Đức Chúa Giê-su. Ngài chờ đợi thời điểm mà Đức Chúa Trời gửi sựtrợ giúp đến cho Ngài. Ngài ở trong đồng vắng là do vâng lời Đức Chúa Trời và Ngài không muốn nhận lương thực theo kiểu Sa-tan đề nghị. Trước sự chứng kiến của vũ trụ, Ngài chứng minh rằng sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ chịu thảm họa ít hơn là ra khỏi con đường đó. CCC1 105.2

“Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” Nhiều khi một người đi theo Đấng Cứu Thế được đưa đến tình trạng không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời vừa thực hiện công việc thế gian. Có thể vâng theo một sự đòi hỏi rõ ràng nào đó của ý muốn Chúa dường như cắt đứt đi những nguồn hổ trợ của thế gian. Sa-tan sẽ làm cho người đó tin rằng mình phải hy sinh sự xác tín của lương tâm. Nhưng chỉ có một điều duy nhất trên thế gian này mà chúng ta có thể nương tựa vào là Lời của Đức Chúa Trời. “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự 106 công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Mathi-ơ 6:33). Đi ra ngoài ý muốn của Cha Trời sẽ chẳng tốt lành gì cho chúng ta dù ngay cả trong đời này. Khi học được quyền năng của Lời Chúa, chúng ta sẽ không còn chạy theo những đề nghị của Sa-tan để tìm miếng ăn hay để cứu mạng sống mình. Rồi những câu hỏi duy nhất mà chúng ta có là: Điều răn của Chúa là gì? Lời hứa của Chúa như thế nào? Biết được những điều này, chúng ta sẽ vâng theo những gì Chúa dạy, và tin cậy vào những gì Ngài hứa. Trong trận chiến lớn lao vào ngày cuối cùng với Sa-tan, tất cả những ai trung tín với Đức Chúa Trời sẽ thây mọi nguồn hỗ trợ từ thế gian cho họ đều bị cắt mất. Bởi vì họ từ chối vâng theo quyền lực của con người hầu tuân giữ luật pháp của Đức Chúa Trời, họ sẽ bị cấm mua hay bán. Cuối cùng mệnh lệnh được ban ra xử tử hết những kẻ trung tín này (Xem Khải Huyền 13:11-17). Nhưng những ai vâng lời sẽ được ban cho lời hứa này: “Kẻ đó sẽ ở trong nơi cao; các vầng đá bền vững sẽ là đồn lũy nó; bánh nó sẽ được ban cho; nước nó sẽ không bao giờ thiếu” (Ê-sai 33:16). Con cái của Đức Chúa Trời sẽ sống nhờ vào lời hứa này. Khi trái đất bị hủy phá bởi nạn đói kém, họ sẽ được nuôi sống. “Trong thì xấu xa, họ không bị hổ thẹn; trong ngày đói kém, họ được no nê” (Thi Thiên 37:19). Tiên tri Ha-ba-cúc đã nhìn về thời khốn quẫn đó, và lời của người diễn tả lòng tin của hội thánh: “Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; cây ô-li-ve không sanh sản, và chẳng có ruộng nào sanh ra đồ ăn; bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa: Dầu vậy, tôi sẽ vui mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi tôi” (Ha-ba-cúc 3:17,18). CCC1 106.1

Trong tất cả các bài học từ sự cám dỗ lớn lao đầu tiên của Chúa, không gì quan trọng hơn là bài học về việc làm chủ các thèm khát và đam mê. Trong tất cả mọi thời đại, những cám dỗ về thân thể là có hiệu quả nhất trong việc làm suy thoái và hủy hoại nhân loại. Qua việc không biết giữ điều độ, Satan hoạt động để phá hủy các khả năng tinh thần và đạo đức mà Đức Chúa Trời ban cho loài người như một thứ vốn liếng vô giá. Như vậy, loài người sẽ không còn có khả năng nhận ra những giá trị đời đời. Qua khoái cảm vô độ, Sa-tan tìm cách xóa khỏi tâm hồn mọi nét giống như bản tánh của Đức Chúa Trời. CCC1 106.2

Sự vô độ cùng với hậu quả bệnh tật và sự suy đồi vốn đã xảy ra khi Đấng Cứu Thế giáng sanh, sẽ tiếp tục diễn ra, với mức độ tội ác cao hơn, trước khi Chúa tái lâm. Đấng Cứu Thế tuyên bố là tình trạng của thế gian sẽ giống như vào những ngày trước lúc trận đại hồng thủy xảy ra, và như tại Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Mọi tư tưởng của tâm hồn vẫn xấu luôn luôn. Chúng ta giờ đang sống trước ngưỡng cửa của thời kỳ khủng khiếp đó, và bài học về Đấng Cứu Thế kiêng ăn phải thành thạo với chúng ta. Chỉ khi nào trải qua sự đau đớn không diễn tả được mà Đấng Cứu Thế đã chịu, chúng ta mới có thể phỏng định được sự xấu xa của việc vô độ. Gương của Ngài cho chúng ta thây rằng niềm hi vọng duy nhất của chúng ta về sự sống đời đời là đem các sự thèm khát và các đam mê đầu phục ý muốn của Đức Chúa Trời. CCC1 107.1

Với sức riêng, chúng ta không thể chống lại những đòi hỏi của bản tính sa ngã. Qua lối này, Sa-tan tìm cách cám dỗ chúng ta. Đấng Cứu Thế biết rằng kẻ thù sẽ tới với mọi con người, nắm lợi điểm trên sự yếu đuối di truyền và qua những ý tưởng sai lạc của nó, sẽ gài bẫy tất cả những ai không đặt lòng tin tưởng nơi Đức Chúa Trời. Và bởi việc trải qua con đường chúng ta phải đi, Chúa của chúng ta đã dọn đường để chúng ta chiến thắng. Ngài không có ý định đặt chúng ta ở vị trí bất lợi trong cuộc xung đột với Sa-tan. Ngài không muốn các cuộc tấn công của con rắn hù dọa chúng ta và làm chúng ta nản lòng. Ngài phán: “Hãy cứ vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Hỡi những ai đang tranh đấu với sức mạnh của lòng thèm khát hãy nhìn xem Đấng Cứu Thế ở trong đồng vắng với sự cám dỗ. Hãy nhìn Ngài trong cơn thống hối trên thập tự giá, khi Ngài kêu lên: “Ta khát.” Ngài đã phải chịu đựng tất cả để chúng ta có thể chịu đựng được. Chiến thắng của Ngài là chiến thắng của chúng ta. CCC1 107.2

Đức Chúa Giê-su đã dựa trên sự khôn ngoan và sức mạnh của Cha Ngài trên trời. Ngài tuyên bố: “Chúa Giê-hô-va sẽ giúp Ta, nên Ta chẳng bị mắc cỡ:...Ta biết mình sẽ chẳng có điều chi xấu hổ...Thật, Chúa Giê-hô-va sẽ đến giúp Ta.” CCC1 107.3

Ám chỉ tới chính gương của Ngài, Ngài phán với chúng ta: “Trong vòng các ngươi, nào có ai kính sợ Đức Giê-hô-va và nghe tiếng của tôi tớ Ngài? Kẻ nào đi trong tối tăm và không có sự sáng thì hãy trông cậy Danh Đức Giê-hô-va, hãy nương nhờ Đức Chúa Trời mình” (Ê-sai 50:7-10). CCC1 107.4

Chúa Giê-su phán: “Vua chúa thế gian nầy hầu đến, người chẳng có chi hết nơi ta” (Giăng 14:30). Nơi Ngài chẳng có điều gì đáp lại sự ngụy biện của Sa-tan. Ngài đã không đồng ý với tội lỗi. Ngài không nhường trước sự cám dỗ, dù chỉ trong tưtưởng. Đối với chúng ta cũng phải nhưvậy. Nhân thể của Đấng Cứu Thế đã hiệp nhất với thần thể. Ngài đã được chuẩn bị sẳn sàng cho cuộc chiến bởi sự ngựtrị của Chúa Thánh Linh. Và Ngài đến để làm chúng ta được dự phần vào thần thể. Bao nhiêu lâu chúng ta hiệp một với Ngài bởi đức tin, thì bây nhiêu lâu tội lỗi sẽ không thống trị chúng ta. Đức Chúa Trời nắm lấy bàn tay của đức tin và hướng nó nắm chặt thần thể của Đấng Cứu Thế, hầu chúng ta có thể đạt được một đức tánh toàn vẹn. CCC1 107.5

Đấng Cứu Thế đã chỉ cho chúng ta thây điều này được hoàn tất như thế nào. Ngài đã thắng trong cuộc xung đột với Sa-tan bằng cách nào? Bằng Lời của Đức Chúa Trời. Ngài đã chống trả sự cám dỗ chỉ bằng Kinh Thánh. Ngài phán: “Vì có lời chép rằng.” “Ngài lại ban lời hứa rất quý rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:4). Mọi lời hứa trong Lời của Đức Chúa Trời là cho chúng ta. Chúng ta sống “nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” Khi bị cám dỗ tấn công, chớ có nhìn vào hoàn cảnh hay sự yếu đuối của chính mình, nhưng nhìn vào quyền phép của Lời. Tất cả sức mạnh của Lời là của chúng ta. “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa.” “Tôi nhớ lời môi Chúa phán mà giữ lấy mình khỏi các con đường của kẻ hung bạo” (Thi Thiên 119:11; 17:4). CCC1 108.1