Go to full page →

Chương 14—Chúng Ta Đã Gặp Đấng Mê-Si CCC1 119

Dựa theo Giăng 1:19-51

Trong lúc này Giăng Báp-tít đang giảng dạy và làm phép Báp-têm tại Bê-tha-ni, bên kia sông Giô đanh. Cách đó không xa, là nơi Đức Chúa Trời đã ngăn dòng nước chảy của con sông cho đến khi hết thảy dân Y-sơ-ra-ên đều đi qua hết. Thành Giê-ri-cô kiên cố bị sụp đổ bởi các đạo binh thiên đàng cũng rất gần ở đó. Ký ức về những biến cố ấy như sống lại trong lúc này và khiến người ta phải chú ý đặc biệt tới thông điệp của Giăng Báp-tít. Há Đấng đã làm những điều diệu kỳ từ thuở xưa lại không bày tỏ quyền năng của Ngài để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên? sự suy nghĩ này đã làm phấn khởi tâm hồn của những người hàng ngày xếp hàng dài bên bờ sông Giôđanh. CCC1 119.1

Sự giảng dạy của Giăng Báp-tít đã có một tác động sâu xa trên toàn quốc, đến độ đã làm các nhà lãnh đạo tôn giáo phải quan tâm. Nguy cơ nổi loạn đã khiến người Rô-ma nhìn với con mắt nghi ngờ mọi cuộc tập họp của dân chúng, và bất cứ điều gì ám chỉ tới một cuộc nổi dậy của dân chúng đều làm các nhà cầm quyền người Giu-đa lo sợ. Giăng không nhìn nhận quyền uy của Tòa công luận (Sanhedrin) bởi người không xin họ chuẩn y cho chức vụ của người; người cũng đã quở trách cả nhà cầm quyền lẫn dân chúng, cũng như người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê. Tuy vậy, dân chúng vẫn háo hức đi theo người. Càng ngày việc làm của Giăng càng được người ta chú ý đến. Mặc dù người không hề chiều theo ý muốn của họ, Tòa công luận vẫn cho rằng Giăng vẫn ở dưới quyền của họ vì là một giáo sư dạy dỗ dân chúng. CCC1 119.2

Tổ chức này bao gồm những thành viên được tuyển chọn từ giai cấp các thầy tế lễ, từ những người đứng đầu guồng máy cai trị và các giáo sư trong dân. Thầy tế lễ thượng phẩm thường giữ chức chủ tịch. Tất cả các thành viên của tổ chức này là những người đứng tuổi, nhưng không hẳn đã già cả, những người có học thức, không phải chỉ trong ngành Do Thái giáo và lịch sử, mà còn giỏi về kiến thức phổ thông. Họ phải là những người không bị khuyết tật về thân thể, đã lập gia đình và có con cái, có tấm lòng nhân đạo và thận trọng hơn những người khác. Nơi hội họp của họ là một gian nhà nối liền với đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. CCC1 120.1

Vào thời Giu-đa còn độc lập, Tòa công luận là tòa án tối cao của quốc gia có cả uy quyền tôn giáo lẫn chánh trị. Bây giờ, mặc dầu đang bị lệ thuộc các tổng trấn Rô-ma, tòa công luận vẫn không ngừng thực thi ảnh hưởng mạnh mẽ của mình trong các lãnh vực dân sự và tôn giáo.Tòa Công luận không thể nào trì hoãn thực hiện một cuộc điều tra về chức vụ của Giăng. Có một số người nhớ lại việc Xa-cha-ri được mặc khải trong đền thờ và lời tiên tri của người cha ám chỉ tới con của người như là sứ giả của Đấng Mê-si. Bởi những xáo trộn và đổi thay trong vòng ba chục năm vừa qua, những điều này hầu như gần bị lãng quên. Bây giờ những sự kiện này được nhớ lại trong lòng dân chúng vì sự kích động do chức vụ của Giăng đem lại. CCC1 120.2

Đã lâu rồi Y-sơ-ra-ên mới có một đấng tiên tri, đã lâu rồi người ta mới được chứng kiến một cuộc cải cách như đang diễn ra. Việc đòi hỏi phải xưng tội xem ra mới mẻ và làm cho người ta kinh ngạc. Nhiều người trong số những nhà lãnh đạo không muốn đến để nghe lời kêu gọi và lên án của Giăng, họ sợ bị thuyết phục rồi khai ra những bí mật trong đời sống riêng tư của họ. Nhưng lời giảng của người là một sự loan báo trực tiếp về Đấng Mê-si. Người ta biết rõ là bảy mươi tuần lễ của lời tiên tri của Đa-ni-ên liên quan đến việc Đấng Mê-si đến, đã sắp kết thúc; và tất cả mọi người đều hăm hở muốn dự phần trong thời kỳ vinh quang của dân tộc mà lâu nay họ hằng mong đợi. Sự phấn khởi của dân chúng lên tới độ Tòa công luận bắt buộc phải hoặc phê chuẩn hoặc phủ nhận chức vụ của Giăng. Quyền lực của họ trên dân chúng đang suy giảm. Một vấn đề đã trở thành nghiêm trọng là làm sao duy trì được địa vị của họ. Trong khi hi vọng có được một giải pháp nào đó, họ cử một phái đoàn gồm các thầy tế lễ và người Lê-vi tới Giô-đanh để hội ý với vị giáo sư mới. CCC1 120.3

Khi phái đoàn đến thì có một đám đông đang tụ tập để lắng nghe lời Giăng Báp-tít. Các thầy thông giáo đến với sự ngạo mạn và hách dịch, nhằm gây ảnh hưởng với đám đông và bắt nhà tiên tri phải khuất phục. Với thái độ kính nể, gần như khiếp sợ, đám đông đã rẽ ra để cho họ đi qua. Những kẻ cả này, trong bộ y phục giàu sang, với lòng kiêu hãnh về địa vị và quyền uy của họ đứng trước mặt đấng tiên tri của đồng vắng. Họ hỏi: “Ông là ai ?” Biết được họ đang nghĩ gì, Giăng liền trả lời: “Ta không phải là Đấng Cứu Thế” CCC1 120.4

“Vậy thì ông là ai? Phải là Ê-li chăng ?” “Không phải”; “Ông phải là đấng tiên tri chăng ?” “Không phải.” “Vậy thì ông là ai ? Hầu cho chúng tôi trả lời cùng những người đã sai chúng tôi đến. Ông tự xưng mình là ai?” “Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng: Hãy ban đường của Chúa cho bằng, như đấng tiên tri Ê-sai đã nói.” Đoạn Kinh Thánh Giăng nhắc đến là lời tiên tri rất hay của Ê-sai: “Đức Chúa Trời của các ngươi phán rằng: Hãy yên ủi, hãy yên ủi dân ta. Hãy nói cho thâu lòng Giê-ru-sa-lem và rao rằng sự tranh chiến của nó đã trọn; tội lỗi nó đã được tha... Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta! Mọi nơi sũng thấp sẽ được cao lên; mọi núi mọi gò sẽ bị hạ thấp xuống: Các nơi gập ghềnh sẽ làm cho bằng, các nơi dốc hãm sẽ làm thành đồng nội. Bây giờ, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thây; vì miệng Đức Giê-hô-va đã phán vậy”(Ê-sai 40:1-5). CCC1 121.1

Ngày xưa, khi một ông vua đi qua những vùng đất ít người lui tới thuộc lãnh thổ của mình, thì một đoàn người được sai đi đàng trước cỗ xe của nhà vua để san bằng những chỗ dốc đứng và lấp đầy những chỗ trũng để xe của vua có thể đi qua một cách an toàn và không gặp trở ngại nào. Tập tục đó được nhà tiên tri sử dụng để minh họa cho chức vụ của Tin Lành. “Mọi nơi sũng thấp sẽ được cao lên; mọi núi mọi gò sẽ bị hạ xuống.” Khi Chúa Thánh Linh của Đức Chúa Trời, với quyền năng làm thức tỉnh lạ lùng của Ngài, chạm đến linh hồn thì làm cho lòng kiêu ngạo của loài người bị hạ xuống. Lạc thú, địa vị và quyền lực trần gian bị coi như chẳng còn giá trị gì. “Các lý luận, mọi sự tự cao tự nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời” đều bị đánh đổ; mọi ý tưởng bị bắt làm tôi “vâng phục Đấng Cứu Thế” (2 Cô-rinh-tô 10:5). Rồi sau đó sự khiêm tốn và tình yêu không vị kỷ mà con người vốn chẳng xem trọng sẽ được tôn vinh như những điều duy nhất có giá trị. Đó chính là chức vụ của Tin Lành mà thông điệp của Giăng là một phần. CCC1 121.2

Các thầy thông giáo tiếp tục chất vấn: “Nếu ông chẳng phải Đấng Cứu Thế, chẳng phải Ê-li, chẳng phải đấng tiên tri, thì cớ sao ông làm phép báp têm?” Danh từ “đấng tiên tri” ám chỉ về Môi-se. Người Giu-đa có khuynh hướng tin rằng Môi-se sẽ được sống lại từ cõi chết và được đem lên trời. Họ không biết Môi-se đã được cho sống lại rồi. Khi Giăng Báp-tít bắt đầu chức vụ của mình, nhiều người đã nghĩ rằng Giăng có thể là tiên tri Môi-se sống lại từ cõi chết, bởi người xem ra có một sự hiểu biết tường tận về những lời tiên tri cũng như về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên. CCC1 121.3

Cũng có người tin rằng trước khi Đấng Mê-si đến, chính Ê-li sẽ xuất hiện. Giăng đã phủ nhận sự mong đợi này. Nhưng lời lẽ của người hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn. Về sau, khi đề cập đến Giăng, Chúa Giê-su có phán: “Nếu các ngươi muốn hiểu biết, thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến” (Ma-thi-ơ 11:14). Giăng đã đến với tinh thần và quyền năng của Ê-li, để làm công việc như Ê-li đã làm. Nếu người Giu-đa đã tiếp nhận Giăng thì công việc ấy đã được thực hiện cho họ. Nhưng họ đã từ chối không tiếp nhận thông điệp của người. Người không phải là Ê-li đối với họ. Người không thể hoàn tất cho họ chức vụ người đến để thực thi. CCC1 121.4

Nhiều người trong số những người tụ tập tại sông Giô-đanh đã có mặt vào lúc Chúa Giê-su chịu phép Báp-têm; nhưng chỉ có số ít người trong họ thây được dấu được ban cho khi ấy. Nhiều người đã từ chối lắng nghe lời kêu gọi ăn năn vài tháng trước đó đến từ chức vụ của Giăng Báp-tít. Vì thế, lòng họ trở nên cứng cõi, trí hiểu của họ trở nên mờ tối. Khi tiếng phán từ Thiên Đàng để làm chứng về Đức Chúa Giê-su lúc Ngài chịu phép Báp-têm, những người này chẳng nhận ra. Những cặp mắt không hề nhìn Đấng Không Nhìn Thây Bằng Mắt Thường với đức tin không thể nhận ra sự khải thị vinh hiển của Đức Chúa Trời. Những lỗ tai không bao giờ biết lắng nghe tiếng Ngài đã không nghe được những lời làm chứng. Ngày hôm nay cũng y hệt như vậy. Sự hiện diện của Đấng Cứu Thế và sự hầu việc của các thiên sứ thường bày tỏ rõ ràng trong những buổi hội họp của dân sự, nhưng có rất nhiều người cũng không nhận biết được điều đó. Họ không phân biệt được những điều khác lạ. Nhưng đối với một số người thì sự hiện diện của Đấng Cứu Thế được bày tỏ. Sự bình an và niềm vui mừng ngập tràn lòng họ. Họ được yên ủi, được khích lệ và được ban phước. CCC1 122.1

Những người được sai đến từ Giê-ru-sa-lem đã hạch hỏi Giăng: “Cớ sao ông làm phép Báp têm?” và họ chờ câu trả lời của người. Bất thình lình khi ánh mắt người lướt nhanh trên đám đông, ánh mắt lóe lên, mặt người ngời sáng, toàn thân người như rung lên với một cảm xúc sâu sắc. Người giơ tay lên và la lớn: “Ta làm phép Báp-têm bằng nước; nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết. Ây là Đấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày cho Ngài.” (Giăng 1:26, 27). CCC1 122.2

Thông điệp cần phải mang về cho Tòa công luận quả là rõ ràng và chẳng có gì mập mờ. Những lời tuyên bố của Giăng không thể ám chỉ ai khác hơn là Đấng đã được hứa từ ngày xưa. Đấng Mê-si đang ở giữa họ! Kinh ngạc, các thầy tế lễ và những nhà cai trị nhìn xung quanh họ, hi vọng nhận ra Đấng mà Giăng đã nói tới. Nhưng người ta không thể nhận ra Ngài trong đám đông. CCC1 122.3

Khi Đức Chúa Giê-su chịu phép Báp-têm, Giăng đã ám chỉ tới Ngài như là Chiên Con của Đức Chúa Trời, một ánh sáng mới mẻ được tỏa rạng trên chức vụ của Đấng Mê-si. Tâm trí của nhà tiên tri chợt nhớ đến lời của tiên tri Ê-sai: “Ngài như Chiên Con bị dắt đến hàng làm thịt” (Ê-sai 53:7). Trong những tuần lễ kế tiếp, Giăng đã tìm hiểu các lời tiên tri và giáo huấn về của lễ tế với sự thích thú mới. Người đã không phân biệt rõ ràng hai giai đoạn của chức vụ Đấng Christ: Giai đoạn dâng mình làm của lễ hy sinh khổ nhục và giai đoạn chiến thắng huy hoàng. Nhưng Giăng nhận thây rằng việc Ngài đến có một ý nghĩa sâu xa hơn là những gì mà các thầy tế lễ hay dân chúng hiểu được. Khi người trông thây Đức Chúa Giê-su bước đi giữa đám đông trở về từ sa mạc, người nhìn kiên quyết mong Ngài cho dân một dấu hiệu nào đó về bổn tánh thật sự của Ngài. Giăng đã nóng lòng chờ đợi được nghe Đấng Cứu Thế tuyên bố về chức vụ của Ngài; nhưng không một lời được tuyên bố, không một dấu hiệu được tỏ ra. Đức Chúa Giê-su không đáp lại lời tuyên bố của Giăng Báp-tít về Ngài, nhưng lại hòa lẫn vào đám môn đồ của Giăng, không đưa ra một chứng cớ hiển nhiên nào về chức vụ đặc biệt của Ngài và cũng không tìm cách để gây sự chú ý của mọi người. CCC1 122.4

Hôm sau, Giăng lại thấy Chúa Giê-su đến. Với ánh sáng của vinh quang Đức Chúa Trời trên người, nhà tiên tri đưa tay hướng về Ngài và nói: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Ấy về Đấng đó mà ta đã nói: Có một Người đến sau ta trổi hơn ta, vì Người vốn trước ta. Ta vốn chẳng biết Ngài; nhưng ta đã đến làm phép Báp-têm bằng nước, để Ngài được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép Báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thây Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép Báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Ta đã thây, nên ta làm chứng rằng: Ây chính Ngài là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 1:29-34). CCC1 123.1

Phải chăng đây là Đấng Cứu Thế? Với lòng kính sợ và kinh ngạc, dân chúng hướng mắt nhìn về Đấng vừa được tuyên bố là Con Đức Chúa Trời. Lời của Giăng đã đánh động tận trong tâm hồn của họ. Người tuyên bố điều này trong Danh của Đức Chúa Trời. Họ đã nghe Giăng quở trách tội lỗi của họ từ ngày này sang ngày khác, và họ càng tin chắc rằng Giăng là sứ giả đến từ trời. Vậy ai là Đấng còn lớn hơn cả Giăng Báp-tít đây? Nhìn cách ăn mặc và tác phong của Ngài, thì không thây điều gì bày tỏ địa vị của Ngài cả. Ngài rõ ràng là một con người bình dị, ăn mặc cũng giống như họ trong bộ y phục giản dị nghèo nàn. CCC1 123.2

Khi Đức Chúa Giê-su chịu phép Báp-têm có một số người đã nhìn được sự vinh hiển từ thiên đàng, và cũng đã nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời. Nhưng từ thời gian đó đến lúc này, dáng vẻ của Đấng Cứu Thế đã đổi thay rất nhiều. Lúc Ngài chịu phép Báp-têm, họ đã thây gương mặt của Ngài biến hóa rạng rỡ trong ánh sáng của thiên đàng; nhưng giờ đây, Ngài lại xanh xao, mệt mỏi và hốc hác, chỉ có một mình tiên tri Giăng nhận ra Ngài. CCC1 123.3

Nhưng khi dân chúng nhìn Ngài, họ thây một gương mặt nơi lòng thương xót thiêng liêng được hòa lẫn với một sức mạnh tinh thần. Mỗi ánh mắt nhìn, mỗi nét mặt đều được tô điểm với nét khiêm tốn, và toát ra một tình yêu không thể mô tả được. Ngài dường như được bao phủ bởi một bầu không khí thiêng liêng. Trong khi cử chỉ của Ngài hiền hòa và chân thật, Ngài lại gây một ấn tượng mạnh mẽ với người chung quanh bằng một quyền năng dấu kín, dù rằng không hoàn toàn che dấu được. Đây có phải là Đấng mà Y-sơ-ra-ên hằng mong đợi chăng? Đức Chúa Giê-su đã đến trong sự nghèo khó và thấp hèn để có thể làm gương cho chúng ta, đồng thời làm Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Nếu Ngài xuất hiện với sự huy hoàng của một vị vua, làm sao Ngài có thể dạy sự khiêm tốn hạ mình? Làm sao Ngài có thể dạy những Lẽ Thật sâu xa trong bài giảng trên núi? Nếu Ngài đến như một vị vua ở giữa loài người thì những kẻ thấp hèn trong cuộc sống làm sao có được hi vọng? CCC1 123.4

Tuy nhiên, đối với đám đông, Đấng mà Giăng tôn vinh không thể gắn liền với những mong chờ kiêu kỳ của họ. Bởi vậy, nhiều người đã thất vọng và thật sự hoang mang. Những lời mà các thầy tế lễ và các thầy thông giáo thật sự ước ao được nghe là: Đức Chúa Giê-su giờ đây sẽ khôi phục lại vương quốc cho Y-sơ-ra-ên, nhưng lời đó lại không được nói ra. Bởi vì họ đang chờ đợi một vị vua như thế; họ sẵn lòng đón nhận một vị vua thực hiện điều này. Nhưng họ không muốn tiếp nhận Đấng tìm cách thiết lập một vương quốc công bình và bình an trong tâm hồn họ. CCC1 124.1

Ngày hôm sau, trong khi có hai môn đồ đang đứng gần, Giăng lại thây Chúa Giê-su ở giữa dân chúng. Một lần nữa gương mặt của đấng tiên tri lại rực sáng bởi vinh quang từ Đấng Vô Hình, khi người la lên: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời!” Những lời này làm rúng động tâm hồn các môn đồ. Họ không hiểu một trọn vẹn ý nghĩa của những lời đó. Danh xưng mà Giăng dùng để gọi Ngài là “Chiên con của Đức Chúa Trời,” có nghĩa là gì? Chính Giăng cũng không giải thích Danh xưng này. CCC1 124.2

Rời Giăng, những môn đồ này đi tìm Đức Chúa Giê-su. Một trong hai người là Anh-rê, em của Si-môn; còn người kia là Giăng, người rao giảng Phúc Âm. Đây là những môn đồ đầu tiên của Đấng Cứu Thế. Bị thúc đẩy bởi một sức mạnh không cưỡng lại được, họ đi theo Đức Chúa Giê-su, ước ao được trò chuyện với Ngài nhưng lại lo sợ và nín lặng, chìm đắm trong thắc mắc mà không gạt bỏ đi được: “Đây có phải là Đấng Mê-si chăng?” CCC1 124.3

Đức Chúa Giê-su biết là các môn đồ đang đi theo Ngài. Họ là những bông trái đầu mùa của chức vụ của Ngài, và tấm lòng của vị Giáo sư từ trời tràn đầy niềm vui khi những người này đáp ứng với ân điển của Ngài. Tuy vậy, Ngài xây lại và chỉ hỏi: “Các người tìm chi?” Ngài muốn để họ được tự do trở về hoặc nói ra điều lòng họ ước ao. Chỉ có một mục tiêu nằm trong tâm trí của họ. Chỉ có một sự hiện diện tràn ngập tư tưởng của họ. Họ kêu lên: “Ra-bi...Thầy ở đâu?”, Trong một cuộc trao đổi ngắn ngủi bên đường, họ không thể nhận được điều họ hằng chờ đợi. Họ mong được ở một mình với Chúa Giê-su, được ngồi dưới chân Ngài và được nghe lời Ngài. “Ngài phán rằng: Hãy đến xem. Vậy hai người đi, thây nơi Ngài ở, và ở lại cùng Ngài trong ngày đó.” CCC1 124.4

Nếu Giăng và Anh-rê có tấm lòng cứng cỏi như các thầy tế lễ và các nhà cai trị, thì họ đã không thể ngồi dưới chân và làm học trò của Đức Chúa Giê-su. Nếu vậy thì họ sẽ đến với tinh thần chỉ trích và xét đoán Lời của Ngài. Nhiều người làm như vậy và đã tự đóng cánh cửa cơ hội quý báu nhất. Nhưng những môn đồ này không làm điều đó. Họ đã đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Linh qua sự giảng dạy của Giăng Báp-tít. Bây giờ thì họ nhận ra tiếng phán của Vị Giáo Sư từ trời. Lời của Đức Chúa Giê-su tràn đầy sự mới mẻ, chân lý và tốt đẹp. Một sự soi sáng thiêng liêng đã chiếu trên những lời dạy dỗ của Kinh Thánh Cựu Ước. Chân lý với nhiều khía cạnh được bày tỏ trong ánh sáng mới. CCC1 124.5

Chính lòng ăn năn, niềm tin và tình yêu làm cho linh hồn có khả năng tiếp nhận sự khôn ngoan từ trời. Đức tin hành động qua tình yêu là chìa khóa của tri thức, và kẻ nào yêu thì “nhìn biết Đức Chúa Trời” (1 Giăng 4:7). CCC1 125.1

Môn đồ Giăng là một con người hăng say, giàu tình cảm, sâu sắc, nhiệt thành nhưng trầm tư. Người đã bắt đầu nhận biết vinh quang của Đấng Cứu Thế, không phải sự hào nhoáng của trần gian và uy quyền mà người đã được dạy để trông chờ, nhưng chính là sự “vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha, đầy ơn và lẽ thật” (Giăng 1:14). Người đã mãi mê chiêm ngắm chủ đề kỳ diệu này. CCC1 125.2

Anh-rê tìm cách chia sẻ niềm vui đang tràn ngập trong lòng mình. Người tìm gặp anh mình là Si-môn và kêu lên: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si.” Si-môn không chờ được báo lần thứ hai. Người cũng đã nghe Giăng Báp-tít giảng dạy và người vội vàng đến với Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế nhìn người, đọc được bản tánh và tiểu sử của người. Bản tánh hay bốc đồng, lòng yêu thương và tâm hồn dễ cảm thông, ước vọng và tự tin, sự chối Chúa và ăn năn hối cải, việc làm và sự tử vì đạo của người, Đấng Cứu Thế đã đọc thây tất cả và Ngài phán: “Ngươi là Si-môn, con của Giô-na; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha, nghĩa là, một hòn đá (sỏi)”. “Qua ngày sau, Đức Chúa Giê-su muốn qua xứ Ga-li-lê, tìm Phi-líp, mà phán rằng: Hãy theo ta”. Phi-líp liền vâng lệnh và ngay lập tức người cũng trở thành một người hầu việc cho Đấng Cứu Thế. Phi-líp gọi Na-tha-na-ên. Người này cũng ở trong đám đông khi Giăng Báp-tít chỉ Chúa Giê-su, và gọi Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Khi Na-tha-na-ên nhìn Chúa Giê-su, người thất vọng. Có lẽ nào Con Người này, mang dấu của lao khổ vất vả và nghèo nàn, lại là Đấng Mê-si sao? Nhưng Na-tha-na-ên không thể quyết định từ chối Ngài được vì thông điệp của Giăng đã làm lòng người xác tín. Khi được Phi-líp gọi, thì lúc này Na-tha-na-ên đang rút vào một khu rừng nhỏ yên tĩnh để suy ngẫm về lời loan báo của Giăng và về các lời tiên tri liên quan đến Đấng Mê-si. Người cầu nguyện rằng nếu đấng được Giăng loan báo là người giải thoát, thì xin hãy tỏ cho người biết, và Chúa Thánh Linh đã ngự trên người với sự bảo đảm là Đức Chúa Trời đã viếng thăm dân sự của Ngài và đã cho trỗi dậy một cái sừng cứu rỗi cho họ. Phi-líp biết là bạn mình đang tìm hiểu về các lời tiên tri, và đã tìm thây nơi Na-tha-na-ên ở, trong lúc người đang cầu nguyện dưới một gốc cây vả. Hai người thường cùng nhau cầu nguyện tại nơi vắng vẻ được lùm cây che khuất này. CCC1 125.3

Thông điệp “Chúng ta đã gặp Đấng mà Môi-se có chép trong luật pháp và các đấng tiên tri cũng có nói đến”, đối với Na-tha-na-ên, xem ra là một câu trả lời trực tiếp cho lời cầu nguyện của người. Nhưng Phi-líp có một lòng tin chưa được vững lắm. Người đã thêm, với một chút nghi ngờ; “Ây là Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, con của Giô-sép.” Thành kiến lại nổi lên trong lòng Na-tha-na-ên. Người kêu lên; “há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” Phi-líp không muốn tranh luận. Người nói: “Hãy đến xem. Đức Chúa Giê-su thây Na-tha-na-ên đến cùng mình, bèn phán về người rằng: Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối trá chi hết.” Na-tha-na-ên thốt lên trong sự ngạc nhiên: “Bởi đâu Thầy biết tôi? Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Trước khi Phi-líp gọi ngươi, Ta đã thây ngươi lúc ở dưới cây vả.” Như vậy đã đủ rồi. Thánh Linh của Chúa đã làm chứng cho Na-tha-na-ên khi người một mình cầu nguyện dưới cây vả, giờ đây đã nói với người qua câu nói của Chúa Giê-su. Mặc dù nghi ngờ và hơi bị ảnh hưởng bởi thành kiến, Na-tha-na-ên đã tới với Đấng Cứu Thế với một lòng ao ước chân thành tìm kiếm Lẽ Thật, và giờ thì người đã gặp được điều người mong muốn. Đức tin của Na-tha-na-ên còn vượt quá đức tin của người đã dẫn ông tới với Chúa Giê-su. Ông đã trả lời và nói: “Lạy Thầy, Thầy là Con Đức Chúa Trời, Thầy là Vua dân Y-sơ-ra-ên.” CCC1 125.4

Nếu Na-tha-na-ên đã đặt lòng tin tưởng vào sự hướng dẫn của các thầy thông giáo, thì ông sẽ chẳng bao giờ gặp được Đức Chúa Giê-su. Chính nhờ tự tìm thây và tự suy xét mà ông đã trở thành một môn đồ. Cũng một lẽ ấy, nhiều người ngày hôm nay đã bị thành kiến ngăn cách khỏi điều tốt lành. Kết quả sẽ khác biết bao nếu họ chỉ “đến xem”! Nếu đặt lòng tin vào sự hướng dẫn của uy quyền loài người, thì không một người nào có thể hiểu biết được Lẽ Thật để được cứu rỗi. Chúng ta cần phải tự học hỏi về Kinh Thánh và cầu xin sự soi dẫn của Đức Thánh Linh giống như Na-tha-na-ên. Đấng đã nhìn thây Na-tha-na-ên ngồi dưới cây vả, cũng sẽ thây chúng ta trong nơi kín nhiệm khi cầu nguyện.Thiên sứ của thế giới sáng láng sẽ đến gần những ai khiêm tốn tìm kiếm sự hướng dẫn từ thiên thượng. CCC1 126.1

Với việc kêu gọi Giăng, Anh-rê và Si-môn, Phi-líp và Na-tha-na-ên, nền móng của hội thánh Đấng Cứu Thế bắt đầu được thiết lập. Giăng đã chỉ hai môn đồ của mình đến với Đấng Cứu Thế. Một trong hai người này là Anh-rê, đã tìm gặp anh mình và kêu gọi người đến với Đấng Cứu Thế. Phi-líp được kêu gọi và người đi tìm Na-tha-na-ên. Các ví dụ này cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng của nổ lực cá nhân, của việc kêu gọi trực tiếp những người trong hàng bà con, bạn bè hay láng giềng. Có những kẻ suốt một cuộc đời xưng mình quen biết Đấng Cứu Thế, nhưng không hề có một nỗ lực nào để đưa kẻ khác đến với Đấng Cứu Thế. Họ đã giao hết mọi công việc cho Mục SƯ. Mục SƯ có thể có đủ khả năng để làm điều này, nhưng Mục SƯ không thể làm những việc mà Đức Chúa Trời dành cho tín hữu trong hội thánh. Có nhiều người cần đến sự giúp đỡ từ những tấm lòng yêu thương của Cơ Đốc nhân. Nhiều người đã rơi vào sự hư mất chỉ vì những người láng giềng, những con người bình thường, nam hay nữ, không có một chút cố gắng cá nhân cho những linh hồn này. Nhiều người đang chờ đợi để được chúng ta tới tiếp xúc. Trong gia đình, trong xóm làng, trong thành phố, nơi chúng ta sinh sống, đang có những công việc truyền giáo để chúng ta thực hiện cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải vui thích trong công việc này. Vừa ngay khi một người được hoán cải, thì sẽ nẩy sanh ngay ước muốn bày tỏ cho người khác biết về Người Bạn yêu quý của mình là Đức Chúa Giê-su. Lẽ Thật về sự cứu rỗi và thánh hóa không thể nào bị giấu kín trong lòng người đó. CCC1 126.2

Tất cả những ai được dâng hiến cho Đức Chúa Trời đều sẽ là những ngọn đuốc sáng của CHÚA. Đức Chúa Trời biến họ trở thành những người đại diện để truyền đạt ân điển giàu có của Ngài cho những người khác. Lời hứa của Ngài là: “Ta sẽ làm cho chúng nó với các miền chung quanh đồi Ta nên nguồn phước. Ta sẽ khiến mưa sa nơi mùa thuận tiện, ấy sẽ là cơn mưa của phước lành” (Ê-xê-chi-ên 34:26). Phi-líp nói cùng Na-tha-na-ên: “Hãy đến xem.” Người không yêu cầu bạn mình phải tiếp nhận lời chứng của một người khác, nhưng hãy tự nhìn thây Đấng Cứu Thế. Ngày hôm nay, Chúa Giê-su đã về trời, môn đồ Ngài là những người đại diện cho Ngài giữa loài người, và là một trong những phương cách hữu hiệu nhất để chinh phục linh hồn về cho Ngài; ấy là bày tỏ bản tánh của Ngài trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Ảnh hưởng của chúng ta trên người khác không tùy thuộc nhiều vào những gì chúng ta nói mà tùy thuộc vào bản tánh của chúng ta. Người ta có thể chống đối hoặc xem thường lập luận của chúng ta, họ có thể cưỡng lại lời kêu gọi của chúng ta; nhưng một cuộc sống của một tình yêu vô vị lợi là một lập luận mà không ai có thể chối cãi. Một đời sống đều đặn bày tỏ sự nhu mì của Đấng Cứu Thế là một nguồn sức mạnh trong thế gian. CCC1 127.1

Sự dạy dỗ của Đấng Cứu Thế được bày tỏ xen lẫn giữa lòng xác tín và kinh nghiệm, và những ai đã học từ Ngài đều trở thành những giáo sư theo mệnh lệnh Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời, được thốt ra bởi những người đã được lời đó thánh hóa, sẽ có quyền năng đem lại sự sống và có sức hấp dẫn người nghe, cũng như thuyết phục được họ rằng lời ấy chính là một sự sống thực. Khi một người tiếp nhận Lẽ Thật với tình yêu cho nó, người đó sẽ bày tỏ điều này qua cung cách và giọng nói của mình. Người ấy sẽ làm cho người khác biết về những gì mình đã nghe, đã thây, đã kinh nghiệm với Lời của sự sống, hầu người khác có thể thông công với người ấy qua sự hiểu biết về Đấng Cứu Thế. Lời chứng từ môi miệng đã được chạm bởi than hồng lấy ra từ bàn thờ, là Lẽ Thật đối với những tâm hồn sẵn sàng tiếp nhận, cũng như thánh hóa đức hạnh của người đó. CCC1 127.2

Bất cứ ai tìm cách để đem ánh sáng đến cho những người chung quanh, chính người đó sẽ nhận được phước hạnh. “Lòng rộng rãi sẽ được no nê; còn ai nhuần gội, chính người đó sẽ được nhuần gội” (Châm Ngôn 11:25). Đức Chúa Trời có thể đạt được mục tiêu của Ngài trong việc cứu rỗi tội nhân mà không cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, nhưng để chúng ta phát triển một đức tánh giống như của Đấng Cứu Thế, chúng ta phải dự phần vào công việc của Ngài. Để dự phần trong sự hân hoan của Ngài, tức là sự hân hoan được nhìn thây những linh hồn được cứu bởi sự hy sinh của Chúa, chúng ta phải đồng công với Chúa để cứu họ. CCC1 127.3

Lời bày tỏ niềm tin lần đầu tiên của Na-tha-na-ên, đầy đủ hăng say và chân thành, giống như những nốt nhạc bên tai của Đức Chúa Giê-su. Và Ngài đáp lại rằng: “Vì Ta đã phán cùng ngươi rằng Ta thây ngươi dưới gốc cây vả, thì ngươi tin, ngươi sẽ thây việc lớn hơn điều đó!” Đấng Cứu Thế nhìn về tương lai với lòng hân hoan trong công việc rao giảng Tin Lành cho người nhu mì, chữa lành những tâm hồn tan nát, và rao truyền sự tự do cho những ai bị Sa-tan giam cầm. Nghĩ tới những ân điển quý báu Ngài mang đến cho loài người, Chúa Giê-su lại phán: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ thây trời mở ra và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con Người”. CCC1 128.1

Ở đây, Đấng Cứu Thế gần như có ý nói: Trên bờ sông Giô-đanh, các từng trời đã mở ra và Chúa Thánh Linh đáp xuống trên Ta như hình chim bồ câu. Quang cảnh này cũng chính là một dấu chứng minh rằng Ta là Con Đức Chúa Trời. Nếu ngươi tin Ta là Đấng như thế, đức tin ngươi sẽ tăng trưởng. Ngươi sẽ thây các từng trời mở ra và sẽ không bao giờ bị đóng lại. Ta đã mở các cửa đó cho ngươi. Các thiên sứ của Đức Chúa Trời đang bay lên, mang theo các lời cầu nguyện của những kẻ đói nghèo và túng quẫn để trình dâng cho Cha, cũng như đang xuống, mang theo phước lành và hi vọng, lòng can đảm, sự trợ giúp và sự sống, cho các con cái loài người. CCC1 128.2

Các thiên sứ của Đức Chúa Trời hằng lên xuống giữa trời và đất, giữa đất và trời. Các phép lạ của Đấng Cứu Thế cho kẻ buồn phiền và đau khổ được thực hiện bởi quyền phép của Đức Chúa Trời qua sự giúp việc của các thiên sứ. Và chính bởi Đấng Cứu Thế, với sự hầu việc của các sứ giả trên trời, mà chúng ta nhận được mọi phước lành đến từ nơi Đức Chúa Trời. Khi đích thân mang lấy nhân thể, Đấng Cứu Thế của chúng ta đã hiệp một mối quan tâm của Ngài với những quan tâm của các người con sa ngã của A-đam, trong khi, qua thần thể, Ngài nắm lấy ngai của Đức Chúa Trời. Và như thế, Đấng Cứu Thế là Đấng trung gian giữa loài người với Đức Chúa Trời và giữa Đức Chúa Trời với loài người. CCC1 128.3