Go to full page →

Chương 2—Tuyển Dân CCC1 19

Dân Giu-đa đã chờ đợi sự hiện ra của Đấng Cứu Thế hơn một ngàn năm rồi. Tất cả những niềm hy vọng tươi sáng nhất của họ đều được đặt trên biến cố này. Danh Ngài được nêu lên một cách trang trọng trong mỗi bài ca, mỗi lời tiên tri, trong các nghi lễ tại đền thờ và trong khi cầu nguyện tại nhà. Tuy nhiên, khi Ngài đến thì họ lại không nhìn biết Ngài. Đấng Yêu quý trên trời đối với họ như “cái rễ ra từ đất khô,” Ngài “chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ” và họ chẳng thây nơi Ngài nét đẹp nào khiến họ ưa thích Ngài. “Ngài đã đến trong xứ mình song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Ê-sai 53:2; Giăng 1:11). CCC1 19.1

Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn Y-sơ-ra-ên. Ngài đã kêu gọi họ để duy trì trong nhân loại sự hiểu biết về luật pháp của Ngài, về những biểu tượng và những lời tiên tri chỉ về Đấng Cứu Thế. Ngài muốn họ trở thành nguồn mạch của sự cứu rỗi cho thế gian. Vai trò của Áp-ra-ham trong vùng đất mà người đã lưu lạc, vai trò của Giô-sép tại Ê-díp-tô, vai trò của Đa-ni-ên tại triều đình Ba-by-lôn, cũng là vai trò của dân Hê-bơ-rơ giữa các dân tộc. Họ phải bày tỏ Đức Chúa Trời cho loài người. CCC1 19.2

Trong lời kêu gọi dành cho Áp-ra-ham, Chúa đã phán: “Ta sẽ ban phước cho ngươi,... và ngươi sẽ thành một nguồn phước...và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng Thế Ký 12:2,3). Các đấng tiên tri cũng đã lặp lại cùng lời phán này. Ngay cả sau khi đất Y-sơ-ra-ên bị hoang vu bởi chiến tranh và dân chúng bị đưa đi lưu đày, lời hứa ấy vẫn còn là của họ: “Phần sót lại của Gia-cốp cũng sẽ ở giữa nhiều dân, như giọt móc đến từ Đức Giê-hô-va như mưa nhỏ sa xuống trên cỏ, chẳng đợi người ta và không mong gì nơi con trai loài người.”(Michê 5:7). Khi phán về đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, Chúa đã phán qua Ê-sai: “Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc” (Ê-sai 56: 7). CCC1 19.3

Nhưng dân Y-sơ-ra-ên lại hướng niềm hy vọng của họ vào sự thạnh vượng về vật chất ở thế gian. Từ lúc họ bước vào xứ Ca-na-an, họ đã từ bỏ các điều răn của Đức Chúa Trời và đi theo con đường của dân ngoại. Đức Chúa Trời đã gửi các đấng tiên tri của Ngài, để cảnh báo họ, nhưng vô ích. Những sự trừng phạt mà họ phải chịu từ bàn tay đàn áp của dân ngoại cũng chẳng mang lại kết quả gì. Sau mỗi cuộc cải cách, tình trạng bội nghịch lại càng trở nên trầm trọng hơn. CCC1 20.1

Nếu Y-sơ-ra-ên trung tín với Đức Chúa Trời, Ngài đã có thể thực hiện ý định của Ngài trong niềm vinh dự và vinh quang cho họ. Nếu họ bước đi trong sự vâng phục, Ngài đã ban cho họ “sự khen ngợi, danh tiếng và sự tôn trọng trỗi hơn mọi dân mà Ngài đã tạo dựng.” Môi-se nói: “Muôn dân của thế gian, sẽ thây rằng ngươi được gọi theo Danh Đức Giê-hô-va và chúng nó sẽ sợ ngươi.” “Các dân tộc sẽ nghe nói về luật lệ này” sẽ nói rằng: “dân này là một dân khôn ngoan và thông sáng không hai.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 26:19; 28:10; 4:6). Nhưng bởi dân Y-sơ-ra-ên bất trung nên ý định của Đức Chúa Trời chỉ có thể được thực hiện qua con đường tai họa và tủi nhục. CCC1 20.2

Họ đã bị Ba-by-lôn chinh phục và bị phân tán ra khắp các xứ của dân ngoại. Trong nỗi sầu khổ, nhiều người đã trung tín trở lại với giao ước của Đức Chúa Trời. Khi họ treo đàn cầm trên cây dương liễu và than khóc vì cớ đền thánh bị bỏ hoang, ánh sáng của Lẽ Thật đã được soi ra cho họ và sự nhận biết về Đức Chúa Trời đã được loan truyền giữa các dân. Các hình thức tế lễ thờ phượng của ngoại giáo là một sự thờ phượng lệch lạc sai lầm không theo hệ thống mà Đức Chúa Trời đã chỉ định. Nhưng có nhiều người thành tâm tuân giữ những nghi lễ ngoại giáo đó đã học được từ người Hêbơ-rơ ý nghĩa của việc thờ phượng mà Chúa đã truyền dạy, và bởi lòng tin mà những người nầy đã bám vào lời hứa về một Đấng Cứu Thế. CCC1 20.3

Nhiều người trong số những kẻ lưu đầy đã bị bách hại. Một số không ít đã bỏ mạng vì cương quyết tuân giữ ngày Sa-bát và từ chối tham gia vào các ngày lễ của ngoại giáo. Khi những kẻ thờ thần tượng bị khích động để giày đạp Lẽ Thật, Chúa đã đưa các tôi tớ của Ngài mặt đối mặt với các vua, hầu cho những nhà cầm quyền và dân chúng của họ có thể tiếp nhận ánh sáng. Nhiều lần, những vị vua danh tiếng nhất cũng phải bị dẫn tới chỗ tuyên bố về sự tối thượng của Đức Chúa Trời, mà các tù nhân người Hê-bơ-rơ của họ tôn thờ. CCC1 20.4

Do bị cầm tù ở Ba-by-lôn, người Y-sơ-ra-ên đã thực sự được chữa khỏi sự thờ các hình tượng. Trong nhiều thế kỷ sau, họ đã chịu sự áp bức của các kẻ thù người ngoại, cho tới khi họ tin quyết rằng sự thịnh vượng của họ hoàn toàn dựa vào sự tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Nhưng đối với nhiều người, sự vâng phục không được phát xuất từ tình yêu, mà bởi động cơ ích kỷ. Họ phụng sự Đức Chúa Trời chỉ theo hình thức, coi đó như là phương tiện để đạt tới niềm vinh quang cho dân tộc. Họ không trở thành ánh sáng cho thế gian được, nhưng lại tự tách mình khỏi thế gian với mục đích là để thoát khỏi sự cám dỗ thờ thần tượng. Trong những lời dạy dỗ qua Môi-se, Đức Chúa Trời đã đưa ra những giới hạn cho việc giao thiệp với những người thờ thần tượng. Nhưng lời dạy dỗ này lại bị diễn nghĩa sai lầm. Những sự dạy dỗ này có mục đích ngăn cản không cho họ làm theo các thói tục của người ngoại. Nhưng nó lại được dùng để dựng nên một bức tường ngăn cách giữa người Y-sơ-ra-ên và tất cả các dân tộc khác. Người Giu-đa đã coi Giê-ru-sa-lem như thiên đàng của họ, và họ thực sự ganh ty; sợ rằng Đức Chúa Trời cũng sẽ bày tỏ lòng nhân từ đối với người ngoại. CCC1 20.5

Sau khi từ Ba-by-lôn trở về, họ quan tâm nhiều đến việc giáo dục tôn giáo. Nhà hội được xây lên trên khắp xứ. Đó là những nơi để các thầy tế lễ và các thầy thông giáo hay ký lục giảng giải về luật pháp. Các trường học được thiết lập, là những nơi mà các ngành khoa học, nghệ thuật, cùng với các nguyên tắc của sự công chính được giảng dạy. Nhưng những cơ sở này đã bị thoái hóa. Suốt thời gian bị lưu đày, nhiều người đã hấp thụ các tư tưởng và phong tục ngoại giáo, và những thứ này đã được đưa vào các lễ nghi tôn giáo của họ. Họ đã rập theo các thói tục của những người thờ thần tượng trong nhiều nghi lễ. CCC1 21.1

Khi rời bỏ Đức Chúa Trời, người Giu-đa đã quên đi phần lớn những sự dạy dỗ trong các nghi lễ thờ phượng. Những nghi lễ đó đã được thiết lập bởi chính Đấng Cứu Thế. Toàn bộ nghi lễ ấy là một biểu tượng về Ngài, chứa đựng đầy quyền năng và những nét đẹp thiêng liêng. Nhưng người Giu-đa đã đánh mất ý nghĩa thiêng liêng của các nghi lễ và họ chỉ bám vào những hình thức cứng nhắc mà thôi. Họ đặt lòng tin vào các của lễ tế và qui tắc thay vì nương dựa vào chính Đấng mà các nghi lễ này ám chỉ đến. Để thế chỗ cho những gì mà họ đã đánh mất, những thầy tế lễ và thông giáo đã gia tăng các sự đòi hỏi do chính họ đặt ra. Và họ càng trở nên cứng nhắc trong hình thức bao nhiêu, thì tình yêu dành cho Chúa càng mất đi bây nhiêu. Họ đo lường sự thánh thiện của mình bằng nhiều hình thức lễ nghi, trong khi lòng thì lại đầy dẫy sự kiêu căng và giả hình. CCC1 21.2

Với tất cả các giới cấm tỉ mỉ và nặng nề làm luật pháp trở nên không thể giữ nổi. Những ai muốn phục vụ Đức Chúa Trời và những ai cố gắng để làm theo các điều khoản của các thầy thông giáo sẽ phải chịu đựng cực nhọc dưới một cái ách nặng nề. Họ không thể nào tìm được sự bình an khi lương tâm bị cắn rứt. Và như vậy Sa-tan tìm cách làm cho người ta nản lòng, hạ thấp quan niệm của họ về bổn tánh của Đức Chúa Trời, và đức tin của dân Y-sơ-ra-ên bị khinh thường. Sa-tan hy vọng những điều đó sẽ chứng minh rằng lời buộc tội của nó khi phản loạn trên thiên đàng và những điều kiện Đức Chúa Trời đòi hỏi đều là bất công và không thể tuân giữ cho hoàn toàn được. Nó tuyên bố rằng, ngay cả dân Y-sơ-ra-ên cũng không giữ nổi luật pháp của Chúa. CCC1 21.3

Trong khi chờ đợi sự giáng sanh của Đấng Mê-si, người Giu-đa lại không có được một khái niệm chính xác về sứ mạng của Ngài. Họ không đi tìm sự cứu chuộc thoát khỏi tội lỗi, mà lại tìm sự giải thoát khỏi tay người Rô-ma. Họ mong ước Đấng Mê-si đến như là một nhà chinh phục quân sự, bẻ gãy sức mạnh của kẻ áp bức, và đưa Y-sơ-ra-ên lên hàng bá chủ thế giới. Bởi vậy, họ dường như đã dọn sẵn một con đường để chối bỏ Đấng Cứu Thế. Khi Đấng Cứu Thế giáng sanh, dân Y-sơ-ra-ên đang sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng dưới ách đô hộ của ngoại bang, và nội bộ thì xâu xé bởi những xung đột phe phái. Người Giu-đa được cho phép duy trì một chính quyền riêng biệt trên hình thức, nhưng không gì có thể che dấu được sự kiện là họ đang ở dưới ách thống trị của người La mã, hay có thể làm cho họ cam chịu cảnh quyền lực của mình bị hạn chế. Người La mã có quyền chỉ định hay truất phế thầy tế lễ thượng phẩm. Chức vụ này nhiều khi được mua chuộc bằng gian lận, hối lộ, thậm chí có khi bằng mưu sát. Hàng giáo phẩm càng ngày càng bị sa đoạ. Tuy vậy các thầy tế lễ vẫn còn nắm được những uy quyền to lớn và họ sử dụng những quyền này để phục vụ cho những mục tiêu ích kỷ và có tính cách thương mại của họ . Dân chúng phải chịu những sự đòi hỏi không chút thương xót,và còn chịu cảnh SƯU cao thuế nặng của người La mã nữa. Tình thế này dẫn đến sự phẩn nộ trong dân chúng và lan tràn khắp mọi nơi. Các cuộc nổi dậy của dân chúng xảy ra thường xuyên. Lòng tham và bạo lực, nghi ngờ và thờ ơ về tâm linh, đã ăn lần mòn tâm hồn của dân tộc. CCC1 22.1

Lòng căm thù người La mã cùng sự hãnh diện về quốc gia và tôn giáo, khiến cho người Giu-đa càng gắn chặt vào nghi lễ tôn giáo. Các thầy tế lễ cố gắng tạo cho mình cái tiếng là con người đạo đức bằng việc chú ý tỉ mỉ tới các nghi lễ của tôn giáo. Người dân vì sống trong tối tăm và áp bức, và những nhà lãnh đạo vì đói khát quyền lực, cùng mong chờ sự hiện đến của Đấng sẽ tiêu diệt kẻ thù của mình và khôi phục vương quốc lại cho người Y-sơ-ra-ên. Họ đã tìm hiểu các lời tiên tri nhưng không tìm hiểu với cách nhìn thiêng liêng. Bởi vậy, họ không chú ý tới những đoạn Kinh Thánh nói đến sự thấp hèn của Đấng Cứu Thế khi Ngài đến lần thứ nhất, và đã áp dụng một cách sai lầm những đoạn nói về sự vinh hiển của Ngài khi Ngài đến lần thứ hai. Lòng kiêu ngạo đã làm mắt họ mờ đi. Họ giải thích các lời tiên tri theo những ước muốn ích kỷ của họ. CCC1 22.2