Go to full page →

Chương 19—Tại Giếng Gia-Cốp CCC1 169

Dựa theo Giăng 4: 1-42

T rên đường tới Ga-li-lê, Đức Chúa Giê-su đi qua xứ Sa-ma-ri. Trưa hôm đó, Ngài đến thung lũng Si-kha. Ven thung lũng này có cái giếng Gia-cốp. Đi đường mệt nhọc, Đức Chúa Giê-su ngồi tại đây nghỉ ngơi trong khi các môn đồ đi mua thức ăn. CCC1 169.1

Người Giu-đa và người Sa-ma-ri là những kẻ thù không đội trời chung của nhau, và họ tránh quan hệ với nhau được chừng nào hay chừng ấy. Buôn bán với người Sa-ma-ri trong trường hợp cần thiết mới thực sự được các thầy thông giáo coi là hợp pháp. Nhưng mọi quan hệ xã hội với người Sa-ma-ri đều bị lên án. Một người Giu-đa không được vay mượn của một người Sa-ma-ri, không được nhận một cử chỉ tử tế nào từ phía người Sama-ri, cả một mẩu bánh hay một chén nước cũng không. Các môn đồ, trong khi đi mua lương thực, đã tuân theo phong tục của dân tộc họ. Nhưng họ không đi xa hơn. Nhờ người Sa-ma-ri giúp đỡ, hay một cách nào đó làm lợi cho họ, đều không nằm trong ý nghĩ của các môn đồ Đấng Cứu Thế. CCC1 169.2

Khi Đức Chúa Giê-su ngồi xuống bên thành giếng, Ngài cảm thây đói và khát. Ngài đã bắt đầu cuộc hành trình từ sáng sớm và lúc này mặt trời đã đứng bóng. Ngài lại càng cảm thây khát nước hơn khi thây rằng mình đang ở ngay bên cạnh nguồn nước mát lạnh, nhưng lại không có cách nào múc được, bởi vì Ngài không có dây thừng và cũng không có bình. Ngài đang mang bản thể giới hạn của con người, và Ngài chỉ có thể chờ đợi một người nào đó tới múc nước cho Ngài. CCC1 169.3

Một người đàn bà xứ Sa-ma-ri tới gần, và xem ra không chú ý về sự có mặt của Ngài. Bà múc đầy bình nước. Khi bà quay lưng bước đi, Đức Chúa Giê-su đã hỏi xin bà nước uống. Không một người Đông phương nào CCC1 169.4

khước từ một lời yêu cầu như vậy. Tại phương Đông, nước được gọi là “quà tặng của Đức Chúa Trời.” Cho một người đi đường đang khát nước uống được xem là một bổn phận thiêng liêng đến độ người Ả-rập trong sa mạc sẽ sẵn sàng chịu thiệt thòi để chu toàn bổn phận này. Sự thù nghịch giữa người Giu-đa và người Sa-ma-ri đã ngăn trở người đàn bà có một cử chỉ tử tế đối với Đức Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Cứu Thế lại đang lấy chìa khóa để mở tấm lòng của bà, và với sự khéo léo bắt nguồn từ tình yêu, Ngài đã hỏi xin, chứ không phải ban một ân huệ. Làm một nghĩa cử có thể bị khước từ, nhưng niềm tin khơi dậy niềm tin. Vua thiên đàng đã đến với linh hồn bơ vơ này, và nhờ bàn tay của bà giúp đỡ. Đấng vốn đã dựng nên biển cả, làm chủ các dòng nước trong các vực thẳm, đã mở các mương, các suối của trái đất, lại ngồi nghỉ tại giếng nước Gia-cốp, và nhờ cậy vào lòng tử tế của một người lạ để có được một ngụm nước uống. CCC1 170.1

Người đàn bà nhận ra Đức Chúa Giê-su là một người Giu-đa. Trong sự ngỡ ngàng, bà đã quên đáp ứng điều Ngài xin, nhưng lại tìm cách để biết lý do của việc Ngài xin nước uống: “Ủa kìa! Ông là người Giu-đa, mà lại xin nước cùng tôi là một người đàn bà Sa-ma-ri sao?” Đức Chúa Giê-su trả lời: “Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Đức Chúa Trời, và biết người nói: “Hãy cho Ta uống” là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống.” Có lẽ ngươi ngạc nhiên vì Ta xin ngươi dù chỉ là một ân huệ nhỏ như là múc nước từ giếng ở dưới chân chúng ta. Nhưng nếu ngươi hỏi xin Ta, thì Ta sẽ cho ngươi uống nước sống. CCC1 170.2

Người đàn bà không hiểu những lời Đấng Cứu Thế nói nhưng bà cảm thây những lời này chứa đựng một ý nghĩa quan trọng. Thái độ coi nhẹ, chế riễu của bà bắt đầu thay đổi. Nghĩ rằng Đức Chúa Giê-su nói đến cái giếng ởtrước mặt họ, bà nói: “Hỡi Chúa, Chúa không có gì mà múc, và giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy? Tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp để giếng này lại cho chúng tôi, chính người uống giếng này, cả đến con cháu cùng các bầy vật người nữa, vậy Chúa há lớn hơn Gia-cốp sao?” Bà chỉ nhìn thây trước mắt bà một người đi đường đang khát, mệt mỏi và đầy bụi bặm. Trong đầu, bà so sánh Ngài với vị tổ phụ đáng kính là Gia-cốp. Bà ôm ấp cảm nghĩ thật tự nhiên là không có cái giếng nào khác sánh bằng cái giếng tổ phụ đã để lại. Bà đang hướng về các tổ phụ ở quá khứ, tức là mong chờ một Đấng Mê-si sẽ đến, trong khi niềm hi vọng của các tổ phụ chính là Đấng Mê-si, đang ở bên cạnh bà, nhưng bà không hề nhận biết Ngài. Có biết bao nhiêu linh hồn đói khát hôm nay, đang gần bên cạnh suối nước sống, nhưng lại mãi chạy đi tìm ở những giếng nước xa vời. “Chớ nói trong lòng ngươi rằng: Ai sẽ lên trên trời? Ây là để đem Đấng Cứu Thế xuống; hay là: Ai sẽ xuống vực sâu? Ây là để đem Đấng Cứu Thế từ trong kẻ chết lại lên... Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi... Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu” (Rô-ma 10: 6-9). Đức Chúa Giê-su không trả lời ngay câu hỏi liên quan đến chính Ngài nhưng với vẻ hết sức trang nghiêm, Ngài phán: “Phàm ai uống nước này vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước Ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước Ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời”. CCC1 170.3

Người nào tìm cách thỏa mãn cơn khát của mình tại các suối nước ở thế gian sẽ uống chỉ để tiếp tục khao khát thêm. Bất cứ ở đâu, con người đều không được thỏa nguyện. Họ mong mỏi một điều gì đó làm thỏa mãn nhu cầu của linh hồn. Chỉ có một Đấng có thể đáp ứng sự khát khao này. Nhu cầu của thế gian, hay “sự Khát Khao của mọi dân tộc,” là Đấng Cứu Thế. Ân điển của Chúa chỉ mình Ngài có thể ban cho, là nước sống có khả năng thanh luyện, giải khát và thêm sức mạnh cho linh hồn. CCC1 171.1

Đức Chúa Giê-su không cho người ta cái ý tưởng là chỉ một hớp của nước sự sống sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiếp nhận. Kẻ được nếm tình yêu của Đấng Cứu Thế sẽ tiếp tục mong ước có thêm nước đó, và không tìm kiếm điều gì khác hơn. Của cải, danh vọng và thú vui trần gian không còn lôi cuốn người ấy. Tiếng kêu liên tục trong lòng người ấy là: Xin cho con có thêm Ngài. Và Ngài, Đấng biết rõ nhu cầu linh hồn, đang chờ đợi để thỏa mãn cái đói, cái khát của linh hồn. Mọi phương sách, mọi sự ỷ lại vào con người sẽ thất bại. Bể nước sẽ khô, ao hồ cũng cạn, nhưng Đấng Cứu Chuộc của chúng ta là một nguồn nước không bao giờ hết. Chúng ta có thể uống, uống nữa, uống hoài và sẽ tìm thây cả một nguồn nước dự trữ tươi mát. CCC1 171.2

Người có Đấng Cứu Thế ngự trị trong tâm hồn, đang mang nơi mình một nguồn ơn phước, “một mạch nước văng ra cho đến sự sống đời đời.” Từ nguồn suối này người có thể múc lấy sức mạnh và ân điển đủ cho mọi nhu cầu của mình. CCC1 171.3

Khi Đức Chúa Giê-su nói về nước sống, người đàn bà nhìn Ngài với ánh mắt ngạc nhiên. Ngài đã khơi dậy sự chú ý của bà, và đánh thức ước muốn có được món quà Ngài nói tới. Bà nhận ra rằng đây không phải là thứ nước từ giếng của Gia-cốp mà Ngài ngụ ý đến. Bởi vì bà đã dùng nước này liên tục, đã uống nhưng vẫn còn khát. “Lạy Chúa, xin cho tôi nước ấy để tôi không khát và không đến đây múc nước nữa.” CCC1 171.4

Đức Chúa Giê-su giờ đây đã đột ngột chuyển đề tài của câu chuyện. Trước khi linh hồn này nhận được món quà mà Ngài ao ước ban cho, bà phải được dẫn tới chỗ nhận ra tội lỗi của mình và nhận ra Chúa Cứu Thế của mình. Ngài phán: “Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây.” Bà thưa: “Tôi không có chồng.” Bà hi vọng trả lời như vậy sẽ ngăn được mọi câu hỏi theo chiều hướng này. Nhưng Chúa Cứu Thế lại nói tiếp: “Ngươi nói rằng: Tôi không có chồng, là phải lắm; vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy.” Người đàn bà nghe Ngài nói vậy thì run lên vì sợ hãi. Một bàn tay bí mật đang giở những trang tiểu sử của đời bà, đưa ra ánh sáng; đây là điều mà bà hi vọng cất giấu được mãi. Ngài là ai mà lại có thể đọc được những thầm kín của cuộc đời bà? Những tư tưởng về đời đời, về cuộc phán xét sau này, khi tất cả những gì che giấu sẽ bị bộc lộ, đến với bà. Trong ánh sáng của những điều đó, lương tâm của bà đã được đánh thức. CCC1 171.5

Bà không thể chối cãi gì được; nhưng bà tìm cách thoát khỏi mọi ẩn ý về một đề tài bà chẳng thích nghe chút nào. Với lòng tôn kính sâu đậm, bà nói: “Lạy Chúa, tôi nhìn thây Chúa là một Đấng tiên tri”. Với hy vọng chặn đứng sự buộc tội, bà quay sang những vấn đề tôn giáo đang được tranh cãi. Nếu đây là một vị tiên tri, chắc chắn Ngài sẽ đưa ra lời dạy dỗ liên quan đến các đề tài đã từng được tranh luận lâu nay. Đức Chúa Giê-su kiên nhẫn để bà lái câu chuyện như bà muốn. Trong khi đó, Ngài vẫn chờ cơ hội để đưa Lẽ Thật vào lòng bà một lần nữa. “Tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi này;” bà nói: “còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem.” Núi Ga-ri-xim ở ngay trong tầm nhìn. Đền thờ tại núi này đã bị phá hủy và chỉ còn lại bàn thờ. Nơi để thờ phượng là một đề tài tranh cãi giữa người Giu-đa và người Sa-ma-ri. Một số tổ tiên của người Sa-ma-ri đã từng thuộc về dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng vì tội lỗi của họ, Chúa đã để họ bị đánh bại bởi một dân tộc thờ thần tượng. Qua nhiều thế hệ, họ đã sống lẫn lộn với những người thờ thần tượng, và tôn giáo của họ dần dần đã bị tiêm nhiễm bởi tôn giáo của những người thờ thần tượng này. Đúng ra thì họ chỉ coi các thần tượng để nhắc nhở họ về Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng cai quản vũ trụ. Tuy nhiên, người dân đã bị dẫn tới chỗ tôn thờ các ảnh tượng của mình. CCC1 172.1

Khi đền thờ tại Giê-ru-sa-lem được xây dựng lại vào thời Ê-xơ-ra, người Sa-ma-ri hi vọng hợp tác với người Giu-đa trong việc xây cất này. Nhưng họ đã bị từ chối và một sự hận thù sâu đậm đã nảy sinh giữa hai dân tộc. Người Sa-ma-ri xây một đền thờ đối nghịch tại núi Ga-ri-xim. Tại đây, họ tổ chức việc thờ kính theo nghi thức của Môi-se, dù họ không hoàn toàn từ bỏ việc thờ thần tượng. Nhưng tai ương đã đổ trên họ, đền thờ của họ đã bị kẻ thù phá hủy và họ xem như ở dưới sự nguyền rủa. Nhưng họ vẫn bám vào các truyền thống và các hình thức thờ kính của họ. Họ sẽ không nhìn nhận đền thờ tại Giê-ru-sa-lem là nhà của Đức Chúa Trời và cũng không thừa nhận rằng đạo của người Giu-đa cao hơn đạo của họ. CCC1 172.2

Để trả lời cho người đàn bà, Đức Chúa Giê-su nói: “Hãy tin Ta, giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi này, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem. Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến.” Đức Chúa Giê-su đã chứng tỏ rằng Ngài không bị ràng buộc bởi thành kiến của người Giuđa về người Sa-ma-ri. Giờ đây, Ngài cũng muốn đánh đổ thành kiến của người Sa-ma-ri về người Giu-đa. Đức Chúa Giê-su có ẩn ý nói về sự kiện niềm tin của người Sa-ma-ri đã ra suy đồi với nạn thờ thần tượng; và Ngài tuyên bố là các lẽ thật lớn lao về sự cứu chuộc đã được giao phó cho người Giu-đa; và rằng Đấng Mê-si sẽ xuất hiện từ nơi người Giu-đa. Kinh Thánh đã giới thiệu một cách rõ ràng về bổn tánh của Đức Chúa Trời và những nguyên tắc cai quản của Ngài. Đức Chúa Giê-su tự xếp mình cùng với người Giu-đa như là những kẻ đã được Đức Chúa Trời ban cho sự hiểu biết về Ngài. Ngài đã mong muốn nâng ý nghĩ của người nghe Ngài lên trên những sựtranh cãi về hình thức và nghi lễ tôn giáo. Ngài phán: “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và Lẽ Thật mà thờ phượng Cha: Ây đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và Lẽ Thật mà thờ lạy.” CCC1 172.3

Ở đây, Đức Chúa Giê-su cũng đã tuyên bố về chính Lẽ Thật Ngài đã bày tỏ cho Ni-cô-đem khi phán rằng: “Nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thây được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3). Con người được giao thông với trời không phải bằng cách tìm kiếm một núi thánh hay một ngôi đền thờ linh thiêng. Đạo không thể được đóng khung trong những hình thức bên ngoài cùng các nghi lễ. Đạo đến từ Đức Chúa Trời là Đạo duy nhất sẽ dẫn người ta đến với Đức Chúa Trời. Để hầu việc Ngài một cách đúng đắn, chúng ta phải được sanh lại trong Đức Thánh Linh. Đó sẽ là sự tẩy rửa tấm lòng và đổi mới tâm trí, đem lại cho chúng ta một khả năng mới để nhận biết và yêu mến Đức Chúa Trời. Nhờ vậy, chúng ta sẽ sẵn lòng vâng theo các điều kiện của Đức Chúa Trời. Đó mới là sự thờ phượng chân thật. Đó cũng là kết quả của sự hành động bởi Đức Thánh Linh. Mọi lời cầu nguyện chân thành đều do Đức Thánh Linh thảo ra và một lời nguyện như thế đáng được Đức Chúa Trời đón nhận. Ở bất cứ nơi nào có kẻ tìm kiếm Đức Chúa Trời, ở đó, Đức Thánh Linh hành động rõ ràng và Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ mình ra cho kẻ ấy. Ngài đang tìm kiếm những kẻ thờ lạy như vậy. Ngài chờ đợi để tiếp nhận họ và biến họ thành con trai, con gái của Ngài. CCC1 173.1

Trong khi nói chuyện với Đức Chúa Giê-su, người đàn bà đã được lời phán của Ngài rung động. Chưa bao giờ bà được nghe những tâm tình như vậy từ phía các thầy tế lễ trong dân tộc của bà hay nơi người Giu-đa. Khi quá khứ của bà được bày tỏ ra ngay trước mắt mình, bà ý thức được ước ao to lớn của bà. Bà nhận ra rằng linh hồn của bà đang khát và nước của giếng tại Sikha chẳng bao giờ có thể thỏa mãn được. Cho đến nay, chưa hề có điều gì đến với bà mà gợi lên được trong lòng một nhu cầu lớn lao như thế này. Đức Chúa Giê-su đã thuyết phục bà là Ngài đã đọc được những bí ẩn của đời bà, nhưng bà cũng cảm thây rằng Ngài là một người bạn, có lòng thương xót và yêu thương bà. Trong khi sự thánh khiết do có sự hiện diện của Ngài lên án tội lỗi của bà, thì Ngài lại không hề có một lời nào buộc tội bà, mà Ngài đã chỉ nói về ân điển của Ngài có thể đổi mới linh hồn. Bà bắt đầu có một lòng xác tín nào đó về tánh hạnh của Ngài. Thắc mắc nổi lên trong tâm trí bà: Phải chăng đây là Đấng Mê-si hằng được mong đợi bây lâu nay? Bà đã nói với Ngài: “Tôi biết rằng Đấng Mê-si (nghĩa là Đấng Cứu Thế) phải đến; khi Ngài đã đến, sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta”. Đức Chúa Giê-su đã trả lời: “Ta, người đang nói với ngươi đây, chính là Đấng đó.” CCC1 173.2

Khi người đàn bà nghe được những lời này thì đức tin trào lên trong lòng bà. Bà tiếp nhận điều tuyên bố lạ lùng từ miệng của Vị Giáo-sư từ trời. Tâm hồn bà giờ được ở trong một trạng thái biết ơn. Bà sẵn sàng tiếp nhận mặc khải lớn nhất; bởi vì bà quan tâm tới Kinh Thánh và Đức Thánh Linh đã chuẩn bị tâm trí của bà để tiếp nhận ánh sáng nhiều hơn nữa. Bà đã học hỏi về lời hứa của Cựu Ước: “Từ giữa anh em ngươi, Giêhô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lập nên một Đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo Đấng ấy”(Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15). Bà mong mỏi được hiểu lời tiên tri này. Ánh sáng đã lóe lên trong đầu óc bà. Nước sự sống, sự sống thiêng liêng mà Đấng Cứu Thế ban cho mọi linh hồn khát khao, bắt đầu trào lên trong lòng bà. Đức Thánh Linh của Chúa đang hành động trong tâm hồn bà. Lời xác nhận rõ ràng này của Đức Chúa Giê-su với người đàn bà không được ban cho những người Giu-đa tự cho mình là công bình. Đấng Cứu Thế đã dè dặt hơn rất nhiều khi Ngài nói với họ. Điều đã được lấy giấu khỏi người Giu-đa và các môn đồ sau này được lệnh phải giữ kín, nay đã được bày tỏ cho bà. Đức Chúa Giê-su thây rằng bà sẽ sử dụng sự hiểu biết của mình để đem người khác đến dự phần trong ân điển của Ngài. CCC1 174.1

Khi những môn đồ được sai đi lo các việc trở về, họ ngạc nhiên khi thây Thầy mình đang trò chuyện với người đàn bà. Ngài không hề uống nước đã xin và Ngài cũng không dừng lại để dùng lương thực các môn đồ mang về. Khi người đàn bà đi rồi, các môn đồ mới nài nỉ Ngài ăn. Họ thây Ngài im lặng, đăm chiêu như đang say sưa suy gẫm. Mặt Ngài tỏa sáng và họ sợ không dám làm gián đoạn sự tương giao giữa Ngài với thiên đàng. Nhưng họ biết là Ngài đang mệt mỏi và thây mình có trách nhiệm phải nhắc nhở Ngài nghĩ tới những nhu cầu của cơ thể. Đức Chúa Giê-su nhận ra mối quan tâm đầy lòng yêu thương của họ nên Ngài nói: “Ta có một thứ lương thực để nuôi mình mà các ngươi không biết.” Các môn đồ ngạc nhiên không biết ai đã có thể mang lương thực đến cho Ngài. Nhưng Ngài đã giải thích: “Đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài.” Đức Chúa Giê-su vui mừng vì Lời của Ngài đã đánh thức lương tâm của người đàn bà. Ngài thây bà đang uống nước sự sống và cơn đói, cơn khát của chính Ngài đã được thỏa mãn. Việc hoàn thành sứ mạng mà Ngài đã lìa trời để đến thi hành làm tăng thêm sức mạnh cho Chúa Cứu Thế để làm công việc; và làm cho Ngài không còn cảm biết những nhu cầu của cơ thế. Giúp một linh hồn biết đói, biết khát Lẽ Thật đem lại khoan khoái dễ chịu cho Ngài hơn là ăn hay uống. Đó là một sự yên ủi, một sự giải khát đối với Ngài. Lòng nhân từ là sự sống của linh hồn Ngài. CCC1 174.2

Đấng Cứu Chuộc của chúng ta khao khát được công nhận. Ngài đói khát sự cảm thông và tình yêu của những kẻ Ngài đã mua chuộc bởi chính huyết của mình. Ngài mong mỏi với một lòng ước ao không thể tả xiết rằng họ sẽ đến với Ngài và được sống. Như một người mẹ trông chờ nụ cười của đứa con bé bỏng vì đã nhận ra mẹ mình và cũng là dấu hiệu cho thây sự thông minh đã bắt đầu ló dạng. Đấng Cứu Thế cũng trông chờ cử chỉ bày tỏ tình yêu, là dấu hiệu nói lên rằng sự sống thiêng liêng đã bắt đầu chớm nở trong linh hồn. CCC1 174.3

Người đàn bà đã đầy lòng hân hoan khi được nghe những lời của Đấng Cứu Thế. Sự mặc khải lạ lùng đã gần như chiếm hữu trọn tâm hồn bà. Để vò nước lại, bà đã quay về thành, loan báo sứ điệp cho những người khác. CCC1 175.1

Đức Chúa Giê-su biết tại sao bà đã chạy đi. Hành động bỏ vò nước đã bày tỏ không hề sai lầm hiệu quả của Lời Ngài đã phán. Ước ao thiết tha của linh hồn bà là có được nước sống; và bà đã quên mục đích của bà khi tới giếng nước, bà đã quên cơn khát của Chúa Cứu Thế, mà lý ra bà đã phải giúp Ngài. Với tấm lòng ngập tràn hạnh phúc, bà vội vã chạy về để đem lại cho người khác ánh sáng quý báu mà mình vừa nhận được. CCC1 175.2

“Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm,” bà nói với những người trong thành, “Ây chẳng phải là Đấng Cứu Thế sao?” Lòng họ đã bị cảm động bởi lời của bà. Gương mặt bà có một nét tươi mới và một sự thay đổi toàn diện nơi bà. Và họ muốn được thây Đức Chúa Giê-su. “Chúng bèn từ trong thành ra và đến cùng Đức Chúa Giê-su.” CCC1 175.3

Khi Đức Chúa Giê-su còn ngồi bên bờ giếng, Ngài ngước mắt nhìn cánh đồng lúa trải dài trước mặt. Ánh nắng vàng chiếu trên màu xanh êm dịu. CCC1 175.4

Ngài chỉ cho các môn đồ cảnh tượng trước mắt và lấy đó làm một biểu tượng: “Các ngươi há chẳng nói rằng còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao? Song Ta nói với các ngươi: hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt.” Và trong lúc nói như vậy, Ngài cũng hướng về những nhóm người đang tiến đến bên giếng. Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt, nhưng ở đây có một mùa gặt đã sẵn sàng chỉ chờ thợ gặt. CCC1 175.5

Ngài phán: “Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ. Vì đây người ta có thể nói rằng: Người nầy thì gieo, người kia thì gặt, là rất phải.” Ở đây, Đấng Cứu Thế có ngụ ý đến công việc thánh khiết mà những người đã tiếp nhận Tin-lành mắc nợ Đức Chúa Trời. Họ phải là những nhân chứng sống cho Ngài. Ngài đòi hỏi sự phục vụ của từng người. Và chúng ta gieo hay gặt, chúng ta đều đang làm việc cho Đức Chúa Trời. Kẻ này gieo vãi hạt giống, người kia thu gom trong mùa gặt. Và cả người gieo lẫn kẻ gặt đều lãnh tiền công của mình. Họ cùng vui mừng nhận phần thưởng cho công việc của họ. CCC1 175.6

Đức Chúa Giê-su phán với các môn đồ: “Ta đã sai các ngươi gặt nơi mình không làm; kẻ khác đã làm, còn các ngươi thì đã vào tiếp lấy công lao của họ.” Ở đây Chúa Cứu Thế đang hướng về mùa gặt lớn vào ngày lễ Ngũ tuần. Các môn đồ không được coi đó như là kết quả sự nổ lực riêng của họ. Họ đang tiếp nối công việc của kẻ khác. Từ khi A-đam sa ngã, Đấng Cứu Thế đã giao hạt giống của Lời cho những tôi tớ Ngài chọn, để được gieo trong tâm hồn con người. Và một bàn tay vô hình, một quyền năng vô biên, đã làm việc một cách âm thầm nhưng có hiệu quả để cho có mùa gặt. sương rơi, mưa rớt và ánh mặt trời từ ân điển Đức Chúa Trời đã được đổ xuống làm tươi mát và nuôi dưỡng hạt giống Lẽ Thật. Đấng Cứu Thế đã tưới hạt giống bằng chính huyết của Ngài. Các môn đồ đã được đặc ân được cùng làm việc với Đức Chúa Trời. Họ là những người cộng tác với Đấng Cứu Thế và với những người thánh khiết của thời xưa. Qua việc Đức Thánh Linh được ban cho đầy dẫy vào ngày lễ Ngũ tuần, hàng ngàn người đã được biến đổi trong một ngày. Đó là kết quả của những hạt giống Đấng Cứu Thế đã gieo, là mùa gặt của chức vụ của Ngài. CCC1 175.7

Trong những lời phán với người đàn bà bên bờ giếng, hạt giống tốt đã được gieo và mùa gặt mới tới nhanh làm sao. Người Sa-ma-ri đã đến, đã nghe Đức Chúa Giê-su và tin ở Ngài. Vây quanh Ngài bên bờ giếng, họ ra sức nêu lên các câu hỏi và háo hức đón nhận sự giải thích của Ngài về nhiều chuyện còn mù mờ đối với họ. Trong khi nghe, những thắc mắc, lo âu của họ tan dần. Họ giống như một dân sống trong cảnh tối tăm mù mịt, bỗng có một luồng ánh sáng chiếu dọi cho tới khi trời sáng. Nhưng họ chưa lấy làm thỏa mãn với cuộc trao đổi ngắn ngủi này. Họ vẫn còn muốn nghe nhiều nữa và muốn cho các bạn bè của họ cũng được nghe Người Thầy Lạ Lùng này. Họ mời Ngài vào thành của họ và khẩn khoản xin Ngài ở lại với họ. Ngài đã lưu lại ở Sa-ma-ri hai ngày và thêm nhiều người nữa tin ở Ngài. CCC1 176.1

Người Pha-ri-si coi khinh sự giản dị của Đức Chúa Giê-su. Họ bác bỏ các phép lạ Ngài làm và đòi một dấu hiệu chứng tỏ Ngài là Con Đức Chúa Trời. Nhưng người Sa-ma-ri không đòi dấu lạ, và Đức Chúa Giê-su cũng không làm phép lạ khi ở giữa họ, trừ trong việc bày tỏ cho người đàn bà bên bờ giếng những bí ẩn của cuộc đời của bà. Nhưng nhiều người đã tiếp nhận Ngài. Trong niềm vui mới của họ, những người này đã nói với người đàn bà: “Ẩy không còn phải vì điều ngươi đã nói với chúng ta mà chúng ta tin đâu; vì chính chúng ta đã nghe Ngài, và biết rằng chính Ngài thật là Cứu Chúa của thế gian.” CCC1 176.2

Người Sa-ma-ri tin rằng Đấng Mê-si sẽ đến như một Đấng Cứu Chuộc, không chỉ của người Giu-đa, mà của cả thế gian. Đức Thánh Linh qua Môi-se đã nói trước Ngài như một vị tiên tri do Đức Chúa Trời gửi đến. Qua Gia-cốp, Ngài còn tuyên bố rằng dân sẽ được thu lại về cho Ngài và qua Áp-ra-ham, rằng nơi Ngài, mọi dân tộc trên trái đất sẽ được ban phước. Người dân xứ Sa-ma-ri đã đặt lòng tin của họ nơi Đấng Mê-si trên những đọan Kinh Thánh đó. Sự kiện người Giu-đa đã giải thích sai các lời tiên tri sau này, gán sự vinh hiển về lần đến thứ hai của Đấng Cứu Thế cho lần đến thứ nhất, đã dẫn người Sa-ma-ri tới chỗ loại bỏ tất cả các sách thánh ngoại trừ các sách của Môi-se. Nhưng khi Đấng Cứu Thế bác bỏ những kiểu giải thích sai lạc này, nhiều người đã chấp nhận các lời tiên tri sau này và tiếp nhận những Lời của chính Đấng Cứu Thế liên quan đến nước của Đức Chúa Trời. CCC1 176.3

Đức Chúa Giê-su đã bắt đầu phá đổ bức tường phân rẽ giữa người Giu-đa và người ngoại; và rao giảng sự cứu rỗi cho thế gian. Mặc dù Ngài là một người Giu-đa, Ngài vẫn tự do tiếp xúc lẫn lộn với người Sa-ma-ri, không câu nệ các tập tục Pha-ri-si của dân tộc Ngài. Trước những thành kiến của người Giu-đa, Ngài chấp nhận sự đón tiếp của dân bị coi khinh này. Ngài ngủ dưới mái nhà của họ, ăn cùng bàn với họ, chia sẻ những thức ăn do bàn tay của họ dọn và phục vụ, dạy dỗ trên đường phố của họ, và đối xử với họ hết sức tử tế và lịch thiệp. CCC1 177.1

Tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem có một bức tường thấp phân chia sân ngoài với tất cả các phần khác của tòa nhà thánh này. Trên bức tường này có ghi bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, các hàng chữ cấm không một người nào không phải là người Giu-đa được phép bước qua ranh giới này. Nếu một người ngoại bị cho là đã vào khuôn viên phía trong, người đó đã làm cho đền thờ bị ô uế và sẽ phải đền tội bằng chính mạng sống của mình. Đức Chúa Giê-su, nguồn gốc của đền thờ và sự hầu việc tại đền thờ, đã lôi kéo người ngoại tới với Ngài bằng sự cảm thông của con người, trong khi ân điển của Chúa đem đến cho họ sự cứu rỗi mà người Giu-đa đã từ chối. CCC1 177.2

Việc Đức Chúa Giê-su ở lại xứ Sa-ma-ri là một ơn phước đối với các môn đồ của Ngài, vốn vẫn còn ở dưới ảnh hưởng của lòng đạo đức mù quáng của người Giu-đa. Họ cảm thây rằng việc họ trung thành với dân tộc của họ, đòi hỏi họ phải ấp ủ lòng thù hận đối với người Sa-ma-ri. Họ đã ngạc nhiên trước thái độ của Đức Chúa Giê-su. Họ không thể không theo gương của Ngài, và trong suốt hai ngày ở tại Sa-ma-ri, lòng trung thành của họ đối với Ngài đã khiến họ phải kềm giữ các thành kiến của mình; nhưng trong lòng, họ vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục. Họ chậm hiểu rằng sự khinh dễ và lòng hận thù phải nhường chỗ cho lòng thương xót và yêu mến. CCC1 177.3

Nhưng sau khi Chúa về trời, các bài học của Ngài đã trở lại với họ với một ý nghĩa mới. Sau khi Đức Thánh Linh giáng xuống đầy dẫy, họ nhớ lại ánh mắt, lời nói, lòng kính trọng và sự trìu mến của Ngài đối với những người lạ bị khinh thường này. Khi Phi-e-rơ đến giảng dạy tại xứ Sa-ma-ri, ông đã mang theo cùng tinh thần ấy trong chức vụ của mình. Khi Giăng được kêu gọi tới Ê-phê-sô và Si-miệc-nơ, ông đã nhớ lại những gì xảy ra ở Si-kha, và đầy lòng biết ơn đối với người Thầy, Đấng đã thây trước những khó khăn họ phải đương đầu, đã giúp đỡ họ qua gương của Ngài. CCC1 177.4

Ngày hôm nay Chúa Cứu Thế vẫn còn đang tiếp tục đẩy mạnh cùng một công việc mà chính Ngài đã khởi sự khi đề nghị ban nước sống cho người đàn bà Sa-ma-ri. Có thể có những người đi theo Chúa nhưng vẫn còn khinh rẽ và xa lánh những người bị xã hội ruồng bỏ. Nhưng không có một hoàn cảnh sống, một quốc tịch, hay một điều kiện sống nào có thể tách tình yêu thương của Chúa khỏi con cái loài người. Đức Chúa Giê-su nói với mọi linh hồn tội lỗi rằng: nếu ngươi xin, Ta sẽ ban cho ngươi nước sống. CCC1 177.5

Không thể thu hẹp lại lời mời gọi của Tin-lành và cũng không thể chỉ trình bày lời mời gọi ấy cho một số nhỏ được chọn lọc và nghĩ rằng nếu những người này chấp nhận thì đó sẽ là một vinh dự cho chúng ta. Sứ điệp phải được gửi đến tất cả. Ở đâu có những tâm hồn mở ra để đón nhận lẽ thật, Đấng Cứu Thế sẽ sẵn sàng dạy dỗ họ. Ngài mặc khải cho họ về Cha và việc thờ phượng được Ngài chấp nhận, Ngài vốn đọc được lòng con người. Với những con người như thế, Ngài không sử dụng dụ ngôn. Ngài nói với họ, như nói với người đàn bà bên bờ giếng: “Ta, người đang nói với ngươi đây chính là Đấng đó.” CCC1 178.1

Đức Chúa Giê-su đã đi từ Giu-đê và đã tới ngồi nghỉ bên giếng Gia-cốp. Tại Giu-đê, chức vụ của Ngài đã không được nhiều kết quả. Ngài đã bị các thầy tế lễ và thầy thông giáo khước từ; và cả những người nhận mình là môn đồ của Ngài cũng không nhận ra thần tánh của Ngài. Ngài mệt mỏi. Nhưng Ngài đã không bỏ lỡ cơ hội để nói với một người đàn bà, dù là một người xa lạ, một người không quen thuộc với Y-sơ-ra-ên và công khai sống trong tội lỗi. CCC1 178.2

Chúa Cứu Thế không chờ đợi cho người ta nhóm họp lại rồi mới dạy dỗ. Thông thường, Ngài bắt đầu dạy dỗ chỉ với một nhóm nhỏ tụ họp xung quanh Ngài. Và những người qua đường, hết người này đến người nọ, đã dừng lại để nghe, rồi một đám đông đã được hình thành và lắng nghe với sự ngạc nhiên và kính sợ Lời Đức Chúa Trời qua vị Giáo sư được gửi đến từ trời. Người hầu việc Đấng Cứu Thế không được có tư tưởng là mình không thể nói một cách hăng say trước một số ít người như trước một đám đông. Có thể sẽ chỉ có một người duy nhất nghe được sứ điệp; nhưng ai có thể nói được ảnh hưởng của người đó sẽ lan rộng tới mức nào? Xem dường như là một cơ hội chẳng có gì quan trọng, cả đối với các môn đồ của Ngài, bởi vì Chúa Cứu Thế đã tiêu phí thời gian của Ngài vì một người đàn bà xứ Sa-ma-ri. Nhưng Ngài lại đã lập luận với bà một cách hăng say và hùng hồn như với vua chúa, với người trong tòa Công luận và với thầy tế lễ thượng phẩm. Các lời dạy dỗ Ngài ban cho người đàn bà đó đã được lặp lại tận tới những vùng xa xôi nhất của thế giới. CCC1 178.3

Vừa mới tìm thây Chúa Cứu Thế, người đàn bà Sa-ma-ri đã đưa những người khác đến với Ngài. Bà đã tỏ cho thây bà là một người truyền đạo còn hữu hiệu hơn cả chính các môn đồ của Ngài. Các môn đồ thây chẳng có điều gì tại Sa-ma-ri có thể cho họ thây đây là một cánh đồng đầy hứa hẹn. Tư tưởng của họ dán vào chức vụ lớn lao phải thực hiện trong tương lai. Họ không thây rằng ngay xung quanh họ đang có một mùa gặt cần phải được thu gặt. Nhưng qua một người đàn bà bị họ khinh thường, mà toàn dân trong làng đã được kéo tới để nghe Chúa Cứu Thế. Bà đã lập tức đem ánh sáng đến những người đồng hương của mình. CCC1 178.4

Người đàn bà này tiêu biểu cho công việc của một lòng tin thiết thực nơi Đấng Cứu Thế. Mọi môn đồ đích thực đều đã được tái sinh vào nước Đức Chúa Trời phải là một nhà truyền giáo. Kẻ uống được nước sống phải trở thành một dòng suối sự sống. Kẻ tiếp nhận phải trở thành kẻ ban phát. Ân điển của Đấng Cứu Thế trong tâm hồn cũng giống như một dòng suối trong sa mạc, phun ra để cho mọi vật được tươi mát và làm cho những kẻ đang hư mất hăm hở tới uống nước sự sống. CCC1 178.5