Go to full page →

Chương 60—LUẬT PHÁP TÂN QUỐC CCC2 245

Dựa theo Ma-thi-ơ 20:20-28; Mác 10:32-45; Lu-ca 18:31-34

Sắp đến lê vượt Qua, Đức Chúa Giê-su trở lại thành Giê-ru-sa-lem. Lòng Ngài bình an vì hiệp nhất trọn vẹn với ý muốn của Cha, và Ngài sốt sắng đến nơi dâng lễ tế. Nhưng một cảm giác huyền bí, ngờ vực và sợ hãi bao trùm các môn đồ. Chúa Cứu Thế “ đi trước; các môn đồ thất kinh, và những người đi theo đều sợ hãi”. CCC2 245.1

Đấng Cứu Thế lại gọi mười hai sứ đồ đến gần, và rõ ràng hơn bao giờ hết, Ngài bày tỏ việc Ngài bị phản bội, cùng các nỗi thống khổ Ngài phải chịu. Chúa phán: “ Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, mọi điều mà các đấng tiên tri đã chép về Con người sẽ ứng nghiệm. Vì Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại; họ sẽ nhạo báng Ngài, mắng nhiếc Ngài, nhổ trên Ngài, sau khi đánh đòn rồi, thì giết Ngài đi; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. Song các môn đồ không hiểu chi hết; vì nghĩa những lời đó kín giấu cho môn đồ, nên không rõ ý Đức Chúa Giê-su nói là gì.” CCC2 245.2

Mới đây họ đã chẳng loan báo khắp nơi rằng: “Nước thiên đàng đã đến gần” hay sao? Đấng Cứu Thế đã chẳng hứa rằng nhiều người sẽ ngồi cùng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước Đức Chúa Trời đó sao? Ngài đã chẳng hứa rằng tất cả những ai từ bỏ mọi sự vì Ngài thì sẽ được gấp trăm lần hơn trong đời này và có phần trong nước của Ngài hay sao? Và Ngài đã chẳng ban cho mười hai sứ đồ lời hứa đặc biệt về địa vị cao sang trong nước Ngài, địa vị của người ngồi trên ngai xét xử mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên hay sao? Giờ đây, Ngài còn cam đoan mọi điều các tiên tri chép về Ngài đều sẽ ứng nghiệm. Và các tiên tri đã chẳng báo trước về sự vinh hiển của triều đại Đấng Mê-si sao? Dưới ánh sáng của những tư tưởng ấy, những lời Ngài về sự phản bội, bắt bớ, và về cái chết xem ra nhẹ hẳn đi. Dù có khó khăn nào xảy ra đi chăng nữa, họ vẫn tin rằng nước Đức Chúa Trời sẽ sớm được thiết lập trên đất này. CCC2 245.3

Giăng, con của Xê-bê-đê, là một trong hai môn đồ đầu tiên theo Đức Chúa Giê-su. Ông và anh trai là Gia-cơ, ở trong số những người đầu tiên bỏ hết tất cả để phụng sự Ngài. Họ bằng lòng bỏ gia đình và bạn bè để có thể được ở với Ngài; họ đã đi cùng và trò chuyện với Ngài; họ đã ở riêng với Chúa cũng như họ đã ở cùng Ngài giữa đoàn dân đông đúc. Ngài đã xua tan những nỗi sợ hãi của họ, giải thoát họ khỏi hiểm nguy, khỏi khổ đau, Ngài an ủi khi họ buồn phiền; với lòng kiên nhẫn và nhân từ, Ngài dạy dỗ họ, cho tới khi lòng họ trở nên gắn bó với Ngài, và trong tình yêu thương bồng bột, họ ao ước được ở gần Ngài nhất trong nước của Ngài. Tận dụng mọi cơ hội có được, Giăng tranh thủ giành một chỗ bên Chúa Cứu Thế, còn Gia-cơ thì ước ao được diễm phúc gắn bó chặt chẽ với Ngài. CCC2 246.1

Mẹ của họ cũng là một môn đồ của Đấng Cứu Thế, và đã hầu việc Ngài 246 cách dư dật bằng của cải riêng của mình. Bởi tình mẫu tử và tham vọng cho các con, bà ao ước họ có được chỗ vinh dự nhất trong nước mới. Do đó, bà đã khuyến khích các con ngỏ lời xin Ngài. Bà mẹ cùng các con mình đến chỗ Đức Chúa Giê-su, xin Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu tha thiết của họ. Ngài hỏi: “Các ngươi muốn Ta làm chi cho?”. Người mẹ thưa: “Xin cho hai con trai tôi đây ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, ở trong nước Ngài”. CCC2 246.2

Đức Chúa Giê-su chịu đựng họ với tấm lòng trìu mến, Ngài không khiển trách lòng ích kỷ của họ khi họ đòi hơn các anh em khác. Ngài hiểu thấu lòng họ, Chúa biết họ gắn bó với Ngài thật sâu đậm. Tình yêu của họ không đơn thuần là tình cảm bình thường của con người; dù bị vẩn đục bởi lối suy nghĩ đầy tính người trần tục, tình yêu ấy vẫn tuôn trào từ nguồn yêu thương cứu chuộc của Ngài. Ngài sẽ không khiển trách, nhưng Ngài đào sâu và thanh luyện tình cảm bồng bột này. Ngài phán: “Các ngươi có uống được chén Ta uống và chịu được phép Báp-têm Ta chịu chăng?” Họ nhớ lại những lời bí ẩn của Ngài, những lời ngụ ý đến sự thử thách và thống khổ, vậy mà họ vẫn thưa một cách đầy tự tin: “Được”. Họ cho rằng điều vinh dự nhất là chứng tỏ lòng trung thành của mình qua việc chia sẻ tất cả những gì sẽ xảy đến với Thầy mình. Ngài phán: “Các người sẽ uống chén Ta uống, và sẽ chịu phép Báp-têm Ta chịu”; trước mắt Ngài là thập tự giá có hai kẻ bất lương ở bên tả và bên hữu chứ không phải ngai vàng. Giăng và Gia-cơ sẽ phải chia sẻ nỗi thống khổ với Thầy mình; một người sẽ trở thành người đầu tiên trong số các anh em phải chết dưới lưỡi gươm; người kia phải chịu vất vả, chỉ trích và bị truy đuổi suốt đời. CCC2 246.3

Ngài phán tiếp: “ Nhưng mà ngồi bên hữu hay bên tả Ta, thì chẳng phải tự Ta cho được; ấy là cho những người nào mà Cha Ta đã sửa soạn cho.” Trong nước Đức Chúa Trời không phải nhờ sự thiên vị mà chiếm được địa vị cao, cũng không do giành giật hay nhận được từ một sự ban phát tùy tiện, mà là do tánh hạnh. Mão triều thiên và ngai vàng là những dấu hiệu về điều kiện phải thỏa mãn; chúng là những dấu hiệu về sự chiến thắng bản thân nhờ Đức Chúa Giê-su Cứu Thế, Chúa chúng ta. Thời gian thật lâu sau này, khi Giăng thật sự trải nghiệm nỗi thống khổ của Đấng Cứu Thế, Chúa mới bày tỏ cho vị môn đồ này điều kiện để được ở gần trong nước Ngài. Đấng Cứu Thế phán: “ Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngôi Ta, như chính Ta đã thắng và ngồi với Cha Ta trên ngôi Ngài. ” “ Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho làm trụ trong đền Đức Chúa Trời Ta, và người sẽ không ra khỏi đó nữa; Ta lại sẽ lấy Danh Đức Chúa Trời Ta, ...cùng danh mới Ta, mà viết lên trên người.” (Khải Huyền 3:21,12). Cũng vậy, sứ đồ Phao-lô viết: “về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó.” (II Ti-mô-thê 4:6-8). CCC2 247.1

Người ở gần Đấng Cứu Thế nhất chính là người khi còn ở trên thế gian đã có kinh nghiệm sâu sắc nhất về tình yêu hi sinh chính bản thân mình của Ngài; ấy chính là tình yêu thương “...chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, ... chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ.” (I Cô-rinh-tô 13:4,5); ấy chính là tình yêu thúc đẩy các môn đồ, như đã thúc đẩy Chúa chúng ta, cung hiến tất cả, sống, làm việc và hi sinh, thậm chí chết để cứu rỗi nhân loại. Tinh thần ấy được thể hiện trong cuộc đời của sứ đồ Phao-lô. Cuộc đời ông đã bày tỏ Đấng Cứu Thế cho nhân loại, ông nói: “ Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.” Đây cũng là điều ích lợi cho Đấng Cứu Thế; bởi chính cái chết của ông đã thể hiện quyền phép của ân điển Ngài, và đem các con chiên còn lạc mất trở về cho Ngài. Ông còn nói: “ Dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi.” (Phi-líp 1:21,20). Khi mười sứ đồ nghe được yêu cầu của Gia-cơ và Giăng, họ nổi giận. Vị trí cao nhất trong nước Chúa chính là cái đích mỗi người đang tìm kiếm cho riêng mình, vì vậy họ tức giận khi thấy hai người này dường như có lợi thế hơn họ. CCC2 247.2

Rồi khi cuộc tranh luận xem ai là kẻ lớn nhất sắp sửa bùng nổ, Đức Chúa Giê-su gọi họ lại gần và nói với các môn đồ hiện đang đầy sự tức tối trong lòng, rằng: “ Các ngươi biết những người được tôn làm đầu cai trị các dân ngoại, thì bắt dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế trị dân. Song trong các ngươi không như vậy.” CCC2 247.3

Trong các nước thế gian thì địa vị sẽ mang lại sự vinh thân phì gia. Người dân phải tồn tại vì ích lợi của giai cấp thống trị. Ảnh hưởng, của cải, giáo dục là những phương tiện để có được sự cai trị trên quần chúng vì quyền lợi của các bậc lãnh đạo. Giai cấp thống trị chỉ việc suy nghĩ, quyết định, hưởng thụ và cai trị; bổn phận của giai cấp bị trị là phục tùng và phục vụ. Tôn giáo bị coi giống như mọi thứ khác, nó chỉ là vấn đề quyền lực. Người dân phải tin và thực hành theo đúng chỉ thị của các nhà lãnh đạo. Quyền cơ bản nhất của con người, quyền suy nghĩ và hành động vì lợi ích chính mình, hoàn toàn không được nhìn nhận. CCC2 247.4

Đấng Cứu Thế đang thiết lập một nước dựa trên những nguyên tắc khác. Ngài mời gọi con người không phải để cai trị mà để phục vụ, kẻ mạnh phải nâng đỡ những kẻ yếu hơn mình. Kẻ nắm giữ quyền lực, địa vị, tài năng, giáo dục phải có trách nhiệm cao hơn trong việc phục vụ đồng loại của mình. Cả đến kẻ nhỏ nhất trong số các môn đồ của Đấng Cứu Thế cũng nhận được lời dạy dỗ rằng: “ Mọi điều đó xảy đến vì cớ anh em.” (II Côrinh-tô 4:15). CCC2 248.1

Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” Xét trên mọi phương diện, Đấng Cứu Thế là người quán xuyến mọi việc, là trụ cột ở giữa các môn đồ. Ngài chia sẻ sự nghèo khổ của họ, Ngài vì họ quên mình, Ngài đi tiên phong để khắc phục những khó khăn ngày một nhiều hơn, và bằng cách từ bỏ mạng sống mình, Ngài hoàn thành sứ mạng trên đất thật nhanh chóng. Nguyên tắc hành động của Đấng Cứu Thế là khích lệ các thành viên của Hội Thánh vốn là thân thể của Ngài. Kế hoạch và nền tảng của sự cứu rỗi là tình yêu. Trong nước Đấng Cứu Thế, người nào noi gương Ngài và chăn chiên cho Ngài mới là người lớn nhất. CCC2 248.2

Các lời của sứ đồ Phao-lô đã nêu bật đức hạnh và danh dự đích thực của đời sống trong Đấng Cứu Thế: “ Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người...” “...chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu.” (I Cô-rinh-tô 9:19; 10:33). Đối với những vấn đề thuộc lãnh vực tinh thần, linh hồn phải được tự do. Không ai được quyền chế ngự đầu óc, quyền xét đoán hay quy trách nhiệm cho kẻ khác. Đức Chúa Trời ban cho mọi người sự tự do để suy nghĩ và tự do để đi theo nhận thức của chính mình. “ Mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời. ” Không ai có quyền áp đặt cái tôi của mình lên cái tôi của người khác. Trong mọi vấn đề liên quan đến nguyên tắc, “... ai nấy hãy tin chắc ở trí mình.” (Rô-ma 14:12,5). Trong nước Đấng Cứu Thế, không có cưỡng bức, không có ép buộc. Các thiên sứ trên trời không đến trái đất để cai trị, để bắt người ta phải phục tùng, mà các thiên sứ đến như những sứ giả nhân từ, để hợp tác với con người, hầu đưa con người lên chốn cao hơn. CCC2 248.3

Các nguyên tắc và mọi lời dạy của Chúa Cứu Thế, trong vẻ đẹp thánh thiện, đọng lại trong ký ức của người môn đồ yêu dấu ấy. Vào những ngày cuối đời của sứ đồ Giăng, ông đã để lại lời chứng cho Hội Thánh như sau: “ Lời rao truyền mà các con đã nghe từ lúc ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu thương lẫn nhau.” “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy.” (I Giăng 3:11,16). CCC2 248.4

Đó là tinh thần đã được lan tỏa khắp Hội Thánh đầu tiên. Sau khi Đức Thánh Linh được tuôn tràn, “ Vả, người tin theo đông lắm, cứ một lòng một ý cùng nhau. Chẳng ai kể của mình là của riêng...” “Trong tín đồ không ai thiếu thốn cả...” “Các sứ đồ lại lấy quyền phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Giê-su Christ; và hết thảy đều được phước lớn.” (Công vụ các sứ đồ 4:32,34,33). CCC2 249.1