Go to full page →

Chương 31—BÀI GIẢNG TRÊN NÚI CCC2 9

Dựa theo Ma-thi-ơ 5; 6; 7

Dấng Cứu Thế hiếm khi dạy riêng các môn đồ lời của Ngài. Ngài không những nhắm vào cử tọa, là những người đã biết con đường sự 9 sống, mà chức vụ của Ngài còn đến với đoàn dân đông đang ở trong sự tối tăm và lầm lạc. Ngài dạy các bài học về Lẽ Thật ở nơi nào mà những bài học ấy có thể soi thấu những tâm hồn đang sống trong tối tăm. Ngài chính là Lẽ Thật, đang đứng với dây lưng áo thắt chặt, và đôi tay mở rộng để ban phước, cùng với những lời cảnh báo, nài khuyên, và khuyến khích, Ngài tìm cách nâng đỡ tất cả những ai đến với Ngài. CCC2 9.1

Bài giảng trên núi tuy được gởi đặc biệt cho các môn đồ, nhưng cũng là những lời phán cho đoàn dân nghe. Sau khi xức dầu cho các sứ đồ, Đức Chúa Giê-su cùng họ đi tới bờ biển. Tại đây, dân chúng đã bắt đầu nhóm họp từ sáng sớm. Ngoài những đoàn dân quen thuộc từ các thị trấn trong xứ Ga-li-lê, còn có những người đến từ Giu-đê, Giê-ru-sa-lem, Perea, Đêca-bô-lơ, Y-đu-mê, phía nam của Giu-đê, Ty-rơ và Si-đôn, từ các thành Phê-nê-xi trên bờ Địa Trung Hải. Họ “nghe nói mọi việc Ngài làm” thì đến “để nghe Ngài dạy và cho được chữa lành bịnh mình...”; ” Vì từ Ngài có quyền phép ra, chữa lành hết mọi người.” (Mác 3:8; Lu-ca 6:17-19). CCC2 9.2

Ai cũng muốn được nghe chính giọng nói của Ngài, nhưng bờ biển hẹp quá không đủ chỗ cho mọi người đứng, nên Đức Chúa Giê-su quay lại nơi sườn núi. Ngài tới một chỗ kia bằng phẳng có thể chứa đông người, rồi Ngài ngồi xuống thảm cỏ, các môn đồ và đoàn dân đông cũng ngồi xuống theo Ngài. Các môn đồ luôn ở bên cạnh Đức Chúa Giê-su. Dân chúng không ngớt chen lấn để đến sát bên Ngài, nhưng các môn đồ hiểu rằng họ không được để cho đám đông đẩy họ ra khỏi sự hiện diện của Ngài. Họ ngồi cạnh Ngài để có thể nghe mọi lời dạy dỗ. Họ chăm chú nghe, sốt sắng tìm hiểu các lẽ thật mà họ có phận sự phải loan báo cho mọi người, ở khắp mọi nơi, trong mọi thời đại biết. CCC2 9.3

Cảm thấy lần này như có một điều gì khác thường, các môn đồ ngồi sát bên Thầy mình hơn. Họ tin là một vương quốc sắp sửa được thiết lập, và qua những gì xảy ra ban sáng, họ tin chắc rằng Ngài sắp sửa loan báo một điều gì đó liên quan đến vấn đề này. Một cảm giác chờ đợi tương tự cũng bao trùm đám đông. Những gương mặt hăm hở là bằng chứng rằng mọi người đang háo hức lắng nghe. Khi dân chúng đã ngồi trên thảm cỏ xanh bên sườn núi, chờ đợi những lời dạy dỗ của vị Giáo-sư đến từ trời, ý nghĩ về sự vinh hiển sẽ đến trong tương lai tràn ngập lòng họ. Có những thầy thơ ký và những người Pha-ri-si cũng đang hướng về cái ngày họ sẽ cai trị trên những người La-mã đáng ghét, và làm chủ sự giàu sang, lộng lẫy của một đế quốc vĩ đại trên thế gian. Các nông dân nghèo và ngư phủ hi vọng được nghe Ngài bảo đảm rằng những mái nhà tồi tàn, tình trạng lương thực thiếu thốn, cuộc sống vất vả, nỗi lo sợ về cảnh túng thiếu, sẽ biến thành những ngôi nhà khang trang sung túc và những ngày tháng vô ưu vô lo. Họ hi vọng Đấng Cứu Thế sẽ phát cho họ những bộ quần áo sang trọng giống như các quan trưởng đang trang diện, để thay thế cho bộ đồ duy nhất bằng vải thô sơ họ mặc ban ngày, và những chiếc mền xâ'u xí để họ đắp ban đêm. Mọi tấm lòng đều thấp thỏm với hi vọng Y-sơ-ra-ên sẽ sớm được làm vinh hiển trên muôn dân với tư cách là tuyển dân của Chúa, và Giê-ru-sa-lem sẽ được nâng lên thành thủ đô cai trị trên toàn thế giới. Đấng Cứu Thế làm cho những ước mơ về vật chất huy hoàng ấy tan vỡ. Trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài tìm cách phá đổ những ảnh hưởng bởi nền giáo dục sai lầm đem lại, và ban cho những kẻ nghe Ngài một quan niệm đứng đắn về vương quốc và bổn tánh của Ngài. Nhưng Ngài không chỉ trích trực tiếp vào các sai lầm của dân chúng. Ngài thấy thế gian khốn khổ vì tội lỗi, nhưng Ngài không mô tả rõ ràng trước mặt họ về tình trạng lầm than của con người. Ngài dạy họ điều tốt lành hơn tất cả những gì mà họ đã từng biết. Ngài không chỉ trích trực tiếp vào những tư tưởng sai lầm của họ về nước Đức Chúa Trời, nhưng Ngài cho họ biết những điều kiện để được vào trong nước ấy, để tự họ rút ra những nguyên tắc về đặc tánh của nước Đức Chúa Trời. CCC2 10.1

Những Lẽ Thật Ngài dạy đoàn dân đông đi theo Ngài hôm ấy không kém phần quan trọng với chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng cần biết về những nguyên tắc cơ bản của Nước Đức Chúa Trời như họ vậy. Những lời đầu tiên của Đấng Cứu Thế tỏ cùng dân chúng trên núi là những lời ban phước. Ngài phán: Phước cho những tâm hồn nhận ra sự nghèo khó trong tâm linh của mình và cảm thấy cần được cứu rỗi. Phúc Âm Đời Đời phải được rao giảng cho kẻ nghèo. Phúc Âm Đời Đời không dành cho những kẻ kiêu căng, những kẻ cho mình là giàu có và chẳng cần gì, nhưng dành cho những người khiêm nhường và ăn năn. Suối phước chỉ mở ra cho những nơi ý thức được tội lỗi, ấy chính là dòng suối cho kẻ có lòng khó khăn. CCC2 10.2

Lòng kiêu ngạo nổ lực để đạt cho được sự cứu rỗi; nhưng quyền để hưởng thiên đàng và điều kiện để vào thiên đàng chỉ được tìm thấy trong sự công bình của Đấng Cứu Thế mà thôi. Chúa không thể làm gì để phục hồi con người, cho đến khi con người nhận thức được sự yếu đuối của chính mình, và trút bỏ tất cả mọi sự tự mãn, chịu thuần phục để Đức Chúa Trời điều khiển mình. Khi ấy, con người mới có thể nhận được món quà Đức Chúa Trời đang chờ để ban cho. Đức Chúa Trời không từ chối một điều gì với những ai cảm nhận được sự thiếu thốn của mình. Con người được tự do để đến với Đấng có đủ mọi sự giàu sang. “Đấng Cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, Danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có lòng ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh thần linh của những kẻ khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn.” (Ê-sai 57:15). CCC2 11.1

“Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi.” Ở đây, Đức Chúa Giê-su không có ý dạy rằng sự than khóc tự nó có khả năng gột rửa tội lỗi. Ngài không chấp nhận sự phô trương hay khiêm tốn giả tạo. Sự than khóc Ngài đề cập không phải là sự u sầu hay than vãn. Trong khi chúng ta đau đớn vì tội lỗi, chúng ta phải vui mừng vì cơ hội quý báu được làm con của Đức Chúa Trời. CCC2 11.2

Thường thường thì chúng ta buồn phiền vì những hậu quả tai hại do hành động tội lỗi đem lại; nhưng đó không phải là sự ăn năn. Sự đau đớn đích thực vì tội lỗi là kết quả của Đức Thánh Linh hành động trong lòng. Ngài vạch trần sự vô ơn của tấm lòng đã coi thường và làm đau lòng Chúa Cứu Thế, dẫn chúng ta tới chân thập tự giá với lòng ăn năn thống hối. Cứ mỗi tội người ta phạm, Đức Chúa Giê-su phải chịu thêm một vết thương nữa; và khi nhìn lên Đấng chúng ta đã đâm thâu, chúng ta sẽ than khóc vì tội lỗi đã đem khổ đau đến cho Ngài. Sự than khóc như thế mới giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi. Người thế gian có thể coi sự than khóc như vậy là yếu đuối; nhưng đó chính là sức mạnh nối liền kẻ ăn năn với Đấng Vô Hạn bằng những sợi dây không thể bứt đứt được. Điều đó còn cho chúng ta thấy rằng: Các thiên sứ được Đức Chúa Trời sai xuống đang đem lại cho tâm hồn những đặc ân đã bị đánh mất vì lòng cứng cỏi và vì tội lỗi. Giọt nước mắt của kẻ ăn năn là những giọt mưa sa quý giá trước những tia sáng của mặt trời thánh khiết. Sự đau đớn này báo trước một niềm vui như một dòng suối sẽ luôn tràn chảy trong tâm hồn. “Chỉn ngươi phải nhận lỗi mình: ngươi đã phạm tội nghịch cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” “Ta sẽ không lấy nét mặt giận nhìn ngươi đâu, vì Ta hay thương xót; Ta chẳng ngậm giận đời đời, Đức Giê-hô-va phán vậy.” (Giê-rê-mi 3:13,12). Và ban “mão hoa cho cho kẻ buồn-rầu ở Si-ôn thay vì tro-bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề.” (Ê-sai 61:3). CCC2 11.3

Những kẻ than khóc trong thử thách và sầu khổ cũng nhận được sự yên ủi. Sự cay đắng của đau đớn và ê chề tốt hơn sự vùi mình trong tội lỗi. Qua khổ đau, Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta thấy được những điểm đen tối của tánh tình, và nhờ vào ân điển của Ngài chúng ta có thể chiến thắng được lỗi lầm của mình. Nội dung trong những trang giây chưa được biết đến về chính chúng ta được mở ra, và thử thách đến để xem chúng ta có chấp nhận sự khiển trách và lời khuyên bảo của Đức Chúa Trời hay không. Khi ở trong lò thử thách, chúng ta đừng cay đắng hay phàn nàn. Chúng ta đừng chống lại Chúa, cũng đừng lo âu rằng chúng ta đang rời xa khỏi bàn tay chăm gìn của Đấng Cứu Thế. Chúng ta phải hạ mình trước mặt Chúa. Đường lối của Chúa sẽ mờ khuất đối với những ai ham thích nhìn sự việc theo ý riêng. Đường lối của Chúa dường như mờ mịt và buồn chán với bản ngã của con người họ. Nhưng đường lối của Chúa là đường lối của lòng thương xót, và cuối cùng của con đường ấy là sự giải cứu. Ê-li không biết mình đang làm gì khi ở trong đồng vắng, ông nói rằng ông đã chán sống và xin được chết. Đức Giê-hô-va bởi lòng nhân từ đã không chấp nhận lời cầu xin này. Ê-li còn có việc lớn hơn cần phải thực hiện. Đến khi hoàn tất, ông sẽ chẳng còn bị cái cảm giác hư mất như trong lúc tuyệt vọng và cô đơn nơi đồng vắng đeo bám nữa. Ông không phải bị chôn vùi vào cát bụi của sự chết hư không, nhưng được ruớc thẳng lên thiên đàng trong huy hoàng, với một đoàn xe của thiên binh rực rỡ, đến tận ngôi vị ở chốn chí cao. CCC2 12.1

Lời của Đức Chúa Trời cho người đang đau khổ là: “Ta đã xem thấy đường lối nó, Ta sẽ chữa lành cho; sẽ dắt đưa và thưởng cho nó sự yên ủi, cùng cho những kẻ lo buồn với nó.” “Ta sẽ đổi sự sầu thảm chúng nó ra vui mừng, yên ủi chúng nó, khiến được hớn hở khỏi buồn rầu.” (Ê-sai 57:18; Giê-rê-mi 31:13). CCC2 12.2

“Phước cho những kẻ nhu mì.” Những cảnh khó khăn chúng ta gặp phải có thể giảm đi rất nhiều nếu chúng ta có được sự nhu mì ẩn kín trong Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta có được sự khiêm nhường của Thầy mình, chúng ta sẽ vươn lên trên mọi sự khinh miệt, mọi điều muộn phiền, mọi nổi phiền toái gặp phải hằng ngày, và sẽ không còn bị phủ một màn đen tăm tối trên tâm hồn chúng ta nữa. CCC2 12.3

Bằng chứng lớn nhất của sự cao quý trong một Cơ Đốc nhân là sự tự chủ. Người nào trãi qua sự ngược đãi và cay nghiệt mà không giữ được một tinh thần bình tịnh và đức tin vững chắc, sẽ cướp đi quyền của Đức Chúa Trời hầu bày tỏ bổn tánh trọn vẹn của Ngài qua đời sống người đó. Khiêm nhường là sức mạnh đem toàn thắng đến cho những ai đi theo Đấng Cứu Thế; đó là dấu hiệu cho thấy đời sống họ gắn liền với thiên đàng. “Dầu Đức Giê-hô-va cao cả, thì cũng đoái đến những người hèn hạ.” (Thi-thiên 138:6). CCC2 12.4

Những ai bộc lộ tinh thần nhu mì và khiêm nhường của Đấng Cứu Thế sẽ được Đức Chúa Trời trìu mến quan tâm. Họ có thể bị thế gian nhìn với ánh mắt khinh miệt, nhưng họ thật có giá trị cao quý trước mặt Đức Chúa Trời. Không phải những người khôn, bậc quyền quý cao sang, cùng những người hay thi ân, những người làm lụng chuyên cần, hăng say không ngơi nghỉ mới có giây thông hành để được vào thiên đàng. Nhưng cửa thiên đàng rộng mở cho những người nghèo khó trong tâm linh, những người khao khát sự hiện diện của Đấng Cứu Thế, những người có lòng khiêm nhường, tức những người chỉ ước ao làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời mà thôi. Họ sẽ ở trong số những kẻ đã phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con. “Ây vì đó mà chúng được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài; còn Đấng ngồi trên ngôi sẽ che chở chúng dưới trại Ngài.” (Khải-huyền 7:15). CCC2 13.1

“Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ.” Nhận ra sự hèn mọn của mình, sẽ khiến cho người ta đói khát về sự công bình của Đức Chúa Trời, và sự ước ao nầy sẽ không bị thất vọng. Những ai dành chỗ trong tâm hồn mình cho Đức Chúa Giê-su sẽ kinh nghiệm được tình yêu của Ngài. Tất cả những ai ao ước được trở nên giống như bổn tánh của Đức Chúa Trời sẽ được thoả mãn. Đức Thánh Linh không bao giờ từ chối trợ giúp những linh hồn đang hướng về Đức Chúa Giê-su. Ngài lấy những điều thuộc về Đấng Cứu Thế và bày tỏ ra cho những người đó. Nếu họ cứ chăm nhìn vào Đấng Cứu Thế, Đức Thánh Linh sẽ không ngừng làm việc cho đến khi họ trở nên một ảnh tượng giống như Ngài. Yếu tố thánh khiết của tình yêu sẽ mở rộng tâm hồn họ, cho tâm hồn khả năng để hiểu biết ngày càng nhiều hơn về những sự ở trên trời. “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ.” CCC2 13.2

Kẻ có lòng thương xót sẽ được thương xót, và kẻ có lòng trong sạch sẽ được thấy Đức Chúa Trời. Mọi tư tưởng dơ nhớp sẽ làm cho tâm hồn bị vẫn đục, làm suy yếu ý thức đạo đức, và có khuynh hướng tẩy xóa các dấu ấn của Đức Thánh Linh. Nó làm cho cặp mắt tâm linh bị tăm tối đến độ con người không còn nhìn thấy Đức Chúa Trời. Chúa sẽ tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn, nhưng dù được tha thứ, tâm hồn cũng đã bị huỷ hoại. Kẻ muốn thấy rõ ràng Lẽ Thật thiêng liêng phải lánh xa mọi sự ô uế trong lời nói và tư tưởng. Lời của Đấng Cứu Thế không giới hạn chỉ ở chỗ giải thoát con người khỏi sự ô uế nhục dục và sự ô uế mang tính cách nghi lễ mà người Giu-đa lánh xa triệt để. Lòng ích kỷ ngăn cản chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Trời. Bao lâu chúng ta không từ bỏ nó, bây lâu chúng ta không thể hiểu được Ngài là tình yêu. Chỉ có tấm lòng không ích kỷ, tinh thần khiêm nhường và không hoài nghi mới thấy Đức Chúa Trời là Đấng “nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6). CCC2 13.3

“Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận.” Sự bình an của Đấng Cứu Thế xuất phát từ Lẽ Thật. Đó là sự hòa thuận với Đức Chúa Trời. Thế gian thù nghịch với luật pháp Đức Chúa Trời; tội nhân thù nghịch cùng Đấng Tạo Hóa mình, và hậu quả là tội nhân thù nghịch lẫn nhau. Nhưng tác giả của Thi-thiên đã tuyên bố: “Phàm kẻ nào yêu mến luật pháp Chúa được bình yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa ngã.” (Thi-thiên 119:165). Loài người không thể thiết lập hòa bình. Những kế hoạch của con người nhằm thanh tẩy và nâng cao mỗi cá nhân hay xã hội sẽ không thể thiết lập hòa bình, bởi vì những kế hoạch đó không thâu được tâm can con người. Chỉ có ân điển của Đấng Cứu Thế mới chứa đựng quyền năng duy nhất để thiết lập hay duy trì hòa bình đích thực. Khi được chôn sâu trong lòng, ân điển đó có quyền năng trục xuất khỏi lòng người những đam mê xấu xa, là nguyên nhân gây ra xung đột và chia rẽ. “Cây tùng sẽ mọc lên thay cho bụi gai, và cây sim sẽ lớn lên thay cho gai gốc;” hơn nữa, sa mạc của đời sống “sẽ mừng rỡ, và trổ hoa như bông hường.” (Ê-sai 55:13; 35:1). CCC2 14.1

Dân chúng kinh ngạc về những lời giáo huấn này, là lời vốn rất khác với lời dạy và ví dụ của những người Pha-ri-si. Dân chúng đã được hướng dẫn để nghĩ rằng hạnh phúc là cốt ở tại việc có được những vật chất thuộc về thế gian, và tiếng tăm cùng danh vọng là mục tiêu để con người đeo đuổi. Quả là hả hê biết mây khi được chào là “Rabbi” (thưa Thầy), được ca tụng như là những người khôn ngoan và đạo đức, những việc làm nhân đức của họ được trưng bày trước công chúng. Điều này được họ coi như là đỉnh cao của hạnh phúc. Nhưng trước đoàn dân đông có mặt lúc ấy, Đức Chúa Giê-su tuyên bố rằng những lợi lộc và danh vọng thế gian tạm bợ, hôm nay còn ngày mai mất, là toàn bộ phần thưởng mà những người ấy sẽ nhận được. Ngài nói với một thái độ quả quyết và những lời Ngài có sức thuyết phục mạnh mẽ. Dân chúng yên lặng, một bầu không khí lo sợ bao trùm trên họ. Họ hoài nghi nhìn nhau. Ai trong số họ có thể được cứu rỗi nếu những lời dạy dỗ của Người này là thật? Nhiều người tin chắc rằng vị Giáo-sư phi thường này được Thánh Linh của Đức Chúa Trời thôi thúc và những tình cảm Ngài bày tỏ chính là tình cảm thiêng liêng. CCC2 14.2

Sau khi giải thích hạnh phúc thật là gì và phải làm thế nào để có được hạnh phúc ấy, Đức Chúa Giê-su nói rõ hơn về bổn phận của các môn đồ, họ là những thầy giáo Đức Chúa Trời đã chọn để dẫn dắt người khác vào con đường công bình hầu được hưởng sự sống đời đời. Ngài biết rằng họ sẽ thường xuyên gặp phải chán chường và thất vọng, rằng họ sẽ phải đương đầu với sự chống đối quyết liệt từ thế gian, họ sẽ bị lăng nhục, và lời chứng của họ sẽ bị bác bỏ. Ngài hiểu rõ rằng để hoàn thành chức vụ, những con người khiêm nhường vốn chăm chú lắng nghe lời Ngài, phải gánh chịu nhục nhã, tra tấn, tù đày và cả sự chết. Ngài tiếp tục phán: “ Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.” CCC2 14.3

Thế gian yêu thích tội lỗi, ghét sự công bình, và đó là lý do họ thù ghét Đức Chúa Giê-su. Tất cả những ai từ chối tình yêu vô hạn của Ngài sẽ coi Đạo của Đấng Cứu Thế như một yếu tố gây ra xáo trộn. Ánh sáng của Đấng Cứu Thế xua tan bóng tối tội lỗi cuộc đời họ, và nhu cầu muốn được biến đổi trở thành hiển nhiên trong tâm hồn. Khi những kẻ chịu đầu phục trước tác động của Đức Thánh Linh bắt đầu tranh đấu với chính mình, thì những kẻ bám vào tội lỗi sẽ chiến đấu chống trả lại Lẽ Thật và những người đại diện cho Lẽ Thật. CCC2 15.1

Như vậy, cuộc chiến đã bùng nổ, và những người theo Đấng Cứu Thế bị tố cáo là những kẻ quây nhiễu dân chúng. Chính vì họ kết hợp với Đức Chúa Trời mà họ đã bị thế gian thù ghét. Họ đang gánh vác sự sỉ nhục của Đấng Cứu Thế. Họ đang đi con đường mà những người cao quý nhất trên thế gian đã đi qua. Họ sẽ đương đầu với sự bắt bớ nhưng không phải với sự buồn rầu, đau khổ mà là với niềm hân hoan. Mỗi thử thách đến độ dường như đốt cháy người là công cụ Đức Chúa Trời dùng để luyện lọc họ. Mỗi thử thách đều làm cho họ thích hợp hơn trong chức vụ là người đồng công với Ngài. Mỗi xung đột đều có vai trò của nó trong cuộc chiến vĩ đại cho sự công bình, và mỗi xung đột sẽ tăng thêm niềm vui cho chiến thắng cuối cùng. Biết vậy nên sự thử thách đức tin và sự nhẫn nại được họ đón nhận một cách hoan hỉ thay vì tránh né hay lo sợ. Lo hoàn tất trách nhiệm của họ đối với thế gian, lòng chỉ ước ao làm sao cho công việc của họ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, các tôi tớ của Ngài phải chu toàn mọi nhiệm vụ, không màng đến việc loài người chê bai hoặc khen ngợi. CCC2 15.2

“Các ngươi là muối của đất,” Đức Chúa Giê-su phán. Đừng rút lui khỏi thế gian để tránh bị bắt bớ. Các ngươi phải ở giữa loài người, để mùi hương của tình yêu thiên thượng trở thành muối giữ gìn thế gian khỏi bị hư thối. CCC2 15.3

Những tấm lòng đáp lại ảnh hưởng của Đức Thánh Linh là những ống dẫn tuôn tràn ơn phước của Đức Chúa Trời. Một khi những kẻ hầu việc Đức Chúa Trời bị rút khỏi trái đất và Thánh Linh Ngài được rút khỏi loài người, thế giới này sẽ bị phó mặc cho sự tàn phá và hủy diệt, kết quả là Sa-tan mặc sức hoành hành. Mặc dầu người ta không nhận biết, nhưng sự thật là những người không công bình đang được hưởng những ơn phước trong đời sống nầy nhờ vào sự hiện diện của dân Đức Chúa Trời trong thế gian, một dân mà họ khinh dể và áp bức. Nhưng nếu các Cơ-đốc nhân chỉ là những người theo Ngài trên danh nghĩa mà thôi, họ sẽ giống như muối đã mất hết chất mặn. Họ sẽ chẳng gây được ảnh hưởng tốt đẹp nào trên thế gian. Khi họ làm cho méo mó đi hình ảnh của Đức Chúa Trời trong con mắt của người đời, thì họ còn tệ hơn cả những người không tin. CCC2 15.4

“Các ngươi là sự sáng của thế gian.” Người Giu-đa đã cho rằng lợi ích của sự cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân tộc của họ mà thôi; nhưng Đấng Cứu Thế đã cho họ thấy rằng sự cứu rỗi giống như ánh sáng mặt trời. Ánh sáng mặt trời là của toàn thế giới. Đạo của Kinh Thánh không bị đóng khung giữa các bìa sách, hay bị giới hạn bởi những bức tường nhà thờ. Nó không phải là những điều thỉnh thoảng được đem ra để có lợi cho chúng ta, rồi sau đó lại được cất cẩn thận vào một chỗ nào đó. Đạo phải làm nên thánh đời sống hằng ngày của chúng ta, phải được bày tỏ trong mọi cuộc giao tiếp và mọi mối quan hệ trong đời sống. CCC2 16.1

Tánh tình thật không phải được nhào nặn từ bên ngoài rồi được khoác lên người. Nó phải được toả sáng từ bên trong. Nếu chúng ta mong muốn dẫn đưa người khác vào con đường công chính, những nguyên tắc công bình phải được tôn thờ trong chính tâm hồn chúng ta. Khi tuyên xưng đức tin, chúng ta có thể chỉ công bố lý thuyết tôn giáo, nhưng chính lối sống ngoan đạo mỗi ngày mới xác nhận là chúng ta có lời của Lẽ Thật. Đời sống trung tín đều đặn, lời nói thánh khiết, tấm lòng ngay thẳng liêm chính không gì lay chuyển nổi, tinh thần hăng say và quảng đại, hành động tôn kính Chúa, tất cả những điều đó đều là phương tiện truyền ánh sáng mạnh mẽ nhất đến thế gian. CCC2 16.2

Đức Chúa Giê-su không đào sâu vào từng điều trong luật pháp; nhưng Ngài cũng không để cho những người nghe kết luận rằng Ngài đến để loại bỏ những đòi hỏi của luật pháp. Ngài biết những người do thám luôn sẵn sàng xuyên tạc mỗi lời của Ngài để hỗ trợ cho ý đồ đen tối của họ. Ngài biết tâm lý những người nghe Ngài còn đầy thành kiến và Ngài không nói lời nào làm lung lay đức tin của họ nơi lời của Chúa và các thể chế đã được giao cho họ qua Môi-se. Chính Đấng Cứu Thế là Đấng ban bộ luật luân lý cũng như luật nghi lễ. Ngài không đến để phá hủy đức tin đã được đặt vào những Lời mà chính Ngài đã phán dạy từ ngày xưa. Chính bởi vì Ngài tôn trọng luật pháp và lời tiên tri mà Ngài đã tìm cách phá đổ bức tường của các đòi hỏi từ những lời truyền khẩu đang bao vây người Giu-đa. Trong khi Ngài đánh đổ những giải nghĩa sai lầm về luật pháp, Ngài cẩn thận lưu ý các môn đồ không được vứt bỏ những Lẽ Thật thiết yếu đã ban cho người Giu-đa. CCC2 16.3

Người Pha-ri-si tự cao tự đắc về việc mình tuân giữ luật pháp. Nhưng họ lại biết quá ít về những nguyên tắc luật pháp nầy trong đời sống mỗi ngày, đến nỗi đối với họ, những lời của Chúa Cứu Thế nghe có vẻ như là phản đạo. Khi Ngài quét sạch những rác rưởi đang che đậy Lẽ Thật, họ nghĩ rằng Ngài đã quét đi chính Lẽ Thật. Họ thì thầm với nhau rằng Ngài đang coi thường luật pháp. Ngài đọc được những ý nghĩ đó, và để trả lời họ, Ngài phán: “Các ngươi đừng tưởng Ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri, Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.” Ở đây, Đức Chúa Giê-su bác bỏ lời buộc tội của người Pha-ri-si. Chức vụ của Ngài đối với thế gian là làm cho sáng tỏ những đòi hỏi thiêng liêng của luật pháp mà họ tố cáo Ngài đang phá đổ. CCC2 16.4

Nếu luật pháp của Đức Chúa Trời có thể bị thay đổi hay hủy bỏ, thì Đấng Cứu Thế chẳng cần phải chịu những hậu quả của sự kiện chúng ta vi phạm luật pháp. Ngài đến để giải thích rõ về mối quan hệ giữa luật pháp và con người, đồng thời để minh họa cho các điều răn bằng chính đời sống tuân theo luật pháp của Ngài. CCC2 17.1

Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những điều răn thiêng liêng bởi vì Ngài yêu thương loài người. Để che chở chúng ta khỏi những hậu quả của sự vi phạm luật pháp, Ngài bày tỏ các nguyên tắc của sự công bình. Luật pháp bày tỏ ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi được tiếp nhận trong Đấng Cứu Thế, ý muốn ấy trở thành của chúng ta, nâng chúng ta lên trên sức mạnh của những ham muốn và xu hướng xác thịt, lên trên các cám dỗ dẫn đến tội lỗi. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hạnh phúc và Ngài ban cho chúng ta các điều răn trong luật pháp để chúng ta vâng giữ và được hưởng sự vui mừng. Lúc Đức Chúa Giê-su giáng sinh, các thiên sứ đã hát: “Sáng Danh Chúa trên các từng trời rất cao; bình an dưới đất, ân trạch cho loài người” (Lu-ca 2:14). Qua lời hát, các thiên sứ muốn công bố những nguyên tắc luật pháp mà Ngài đến để tôn vinh và làm cho trở nên đáng tôn trọng. CCC2 17.2

Khi công bố luật pháp tại núi Si-nai, Đức Chúa Trời đã tỏ cho loài người thấy sự thánh thiện của tánh hạnh Ngài, nhờ sự tương phản đó, họ có thể thấy mình tội lỗi như thế nào. Luật pháp được ban cho để con người nhận thức được tội lỗi, và bày tỏ cho họ thấy rằng họ cần một Đấng Cứu Thế. Điều này sẽ đạt được khi các nguyên tắc luật pháp được Đức Thánh Linh khắc sâu vào lòng. Vai trò nầy của luật pháp vẫn còn đang được thực hiện. Trong đời sống của Đấng Cứu Thế, các nguyên tắc luật pháp đã được làm sáng tỏ; và khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời đánh động lòng con người, khi ánh sáng của Đấng Cứu Thế bày tỏ cho con người thấy họ cần có huyết để được thanh tẩy, cùng với sự công bình của Ngài để làm cho con người trở nên công bình, thì luật pháp vẫn còn là một nhân tố dẫn chúng ta đến với Đấng Cứu Thế, để chúng ta được xưng công bình bởi đức tin. “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại.” (Thi-thiên 19:7). CCC2 17.3

Đức Chúa Giê-su phán: “Đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.” Mặt trời chiếu sáng trên các từng trời, mặt đất vững chắc chúng ta đang sống bên trên đều là những bằng chứng của Đức Chúa Trời cho thấy rằng luật pháp của Ngài đời đời không thay đổi. Mặc dù trời đất có thể qua đi, nhưng luật pháp của Chúa vẫn còn tồn tại. “Trời đất qua đi còn dễ hơn một nét chữ trong luật pháp phải bỏ đi.” (Lu-ca 16:17). Hệ thống hình bóng trong cựu Ước biểu tượng cho Đức Chúa Giê-su là Chiên Con của Đức Chúa Trời phải bị bãi bỏ lúc Ngài chịu chết trên thập tự giá; nhưng từng điều trong mười điều răn vẫn đứng vững vàng như ngai của Đức Chúa Trời vậy. Bởi vì “luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn,” nên mọi thay đổi trong luật pháp ấy đều là tội ác. Những kẻ không tuân giữ luật pháp Đức Chúa Trời và dạy kẻ khác làm như vậy, đã bị Đấng Cứu Thế lên án. Cuộc sống vâng lời của Đấng Cứu Thế bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp. Cuộc sống ấy cho thấy rằng loài người có thể tuân giữ luật pháp và cũng cho thấy sự trọn vẹn về nhân phẩm được phát triển bởi việc tuân giữ luật pháp. Tất cả những ai vâng lời như Ngài đều đang nói lên rằng luật pháp là “thánh, công bình và tốt lành.” (Rô-ma 7:12). CCC2 17.4

Mặt khác, tất cả những ai phá hủy các điều răn của Đức Chúa Trời đều đang ủng hộ lời hô hào của Sa-tan là luật pháp bất công và không thể tuân giữ được. Như thế, họ tán đồng cho sự lừa bịp của kẻ thù nguy hiểm và làm sĩ nhục Đức Chúa Trời. Họ là con cái của kẻ độc ác, tức là kẻ đầu tiên nổi dậy chống lại luật pháp Đức Chúa Trời. Cho họ vào thiên đàng là đưa những nhân tố bất hòa, nổi loạn vào lại thiên quốc và làm tổn thương đến sự an vui của vũ trụ. Không ai cố ý xem thường một nguyên tắc nào của luật pháp lại có thể vào được nước trời. CCC2 18.1

Các thầy thông giáo cho rằng sự công bình của mình là một sổ thông hành để vào thiên đàng. Nhưng Đức Chúa Giê-su lại tuyên bố rằng điều đó không đủ và không có giá trị. Những nghi lễ bề ngoài và sự hiểu biết chỉ trên lý thuyết về Lẽ Thật chỉ tạo nên sự công bình theo kiểu người Pha-ri-si mà thôi. Các thầy thông giáo huênh hoang rằng họ là những kẻ thánh thiện nhờ vào những nỗ lực tuân giữ luật pháp của mình. Nhưng những việc làm của họ đã tách sự công bình khỏi đạo đức. Trong khi họ tuân thủ một cách tỉ mỉ các nghi lễ nhỏ nhặt, họ lại có một cuộc sống vô luân và bỉ ổi. Cái được gọi là công bình của họ sẽ chẳng bao giờ vào được thiên đàng. CCC2 18.2

Sự lừa bịp lớn nhất cho tâm hồn của con người vào thời Đấng Cứu Thế là cho rằng: Chỉ cần đồng ý với Lẽ Thật trên hình thức mà thôi cũng được xưng là công bình. Tất cả kinh nghiệm đã chứng minh rằng một vốn liếng kiến thức trên lý thuyết về Lẽ Thật sẽ không đủ để linh hồn được cứu rỗi. Nó không đem lại hoa quả công bình. Một người hăng say cho lý thuyết của Lẽ Thật thường tỏ lòng thù hận khi thấy Lẽ Thật đó thực sự được bày tỏ trong đời sống. Những trang sử đen tối nhất chất đầy tội ác của những nhà tôn giáo cuồng tín và mù quáng. Người Pha-ri-si tuyên bố mình là con cháu Áp-ra-ham và lấy làm kiêu hãnh vì họ có được các lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nhưng những lợi điểm này lại không giữ họ khỏi tính ích kỷ, ác tâm, lòng ham mê danh lợi và sự giả hình đê hèn nhất. Họ cho rằng mình là những nhà đạo đức vĩ đại nhất trên thế gian, điều họ gọi là trung thành với cựu truyền đã dẫn họ tới chỗ đóng đinh Chúa vinh hiển vào thập tự giá. CCC2 18.3

Mối nguy hiểm ấy vẫn còn đang hiện hữu. Nhiều người cho rằng họ là Cơ-đốc nhân vì họ đã chấp nhận một số tín lý nào đó. Nhưng họ lại không đem Lẽ Thật vào trong đời sống hàng ngày. Họ không tin và cũng chẳng yêu mến Lẽ Thật, do đó họ không nhận được quyền năng và ân điển qua sự nên thánh nhờ Lẽ Thật. Người ta có thể tuyên xưng đức tin về Lẽ Thật; nhưng nếu Lẽ Thật không làm cho họ trở nên thành thật, dễ thương, kiên nhẫn, chịu đựng, có tâm trí hướng thượng, thì Lẽ Thật sẽ trở nên một sự rủa sả cho họ, và qua ảnh hưởng của những kẻ đó, Lẽ Thật trở thành một sự rủa sả cho thế gian. Sự công bình Đấng Cứu Thế dạy là sự biến đổi của tấm lòng và đời sống hầu bày tỏ ý muốn của Đức Chúa Trời. Những kẻ tội lỗi có thể trở nên công bình khi và chỉ khi nào họ đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời và duy trì sự gắn bó mật thiết với Ngài. Khi ấy niềm tin đạo chân chính sẽ nâng tư tưởng người ta lên và làm cho cuộc sống trở nên cao đẹp. Lúc đó những hình thức tôn giáo bên ngoài sẽ phù hợp với sự thanh sạch bên trong của lòng người theo Đấng Cứu Thế. Như vậy, những nghi lễ được thiết lập để hầu việc Đức Chúa Trời sẽ không còn là những nghi lễ vô nghĩa, giống như những nghi lễ giả hình của người Pha-ri-si. CCC2 19.1

Đức Chúa Giê-su đưa ra từng điều răn riêng biệt và giải thích sâu rộng các đòi hỏi của từng điều răn. Thay vì rút ra một vài điểm trong sức mạnh của luật pháp, Đức Chúa Giê-su cho thấy sự sâu xa của những nguyên tắc nầy, và trình bày sự sai lầm tai hại của người Giu-đa trong việc phô trương sự vâng lời luật pháp theo bề ngoài. Ngài tuyên bố rằng chỉ với một ý nghĩ xấu xa hay một cái nhìn dâm dật, thì cũng đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Một kẻ chỉ vi phạm một điều bất chánh nhỏ nhất cũng đang vi phạm luật pháp và làm suy đồi nhân phẩm đạo đức của mình. Tội giết người trước tiên xuất hiện ở trong tâm trí. Người nào chứa đựng hận thù trong tâm hồn, tức là đang đặt chân trên con đường của kẻ sát nhân, và các của lễ của họ làm cho Đức Chúa Trời kinh tởm. CCC2 19.2

Người Giu-đa nuôi dưỡng tinh thần trả thù. Bởi lòng căm thù của họ đối với người La-mã, nên họ đã đưa ra những lời chống đối nặng nề, không những thế, họ còn làm vui lòng kẻ ác, chính hành động này của họ đã biểu lộ những đặc tánh vô nhân cách của kẻ ác. Như thế, họ đang tập luyện cho mình những hành vi ghê tởm mà kẻ ác đang tìm cách dẫn dụ họ rơi vào. Trong cuộc sống đạo đức của người Pha-ri-si chẳng có gì để bày tỏ lòng ngoan đạo cho người ngoại. Đức Chúa Giê-su bảo họ đừng tự lừa dối mình với tư tưởng là họ có thể nổi dậy chống lại những kẻ áp bức mình, và nuôi lòng ao ước muốn trả thù những bất công mà họ phải chịu. CCC2 19.3

Thật ra thì có một sự phẫn nộ cho công lý có thể chấp nhận được, ngay cả đối với những người theo Đấng Cứu Thế. Khi họ thấy Đức Chúa Trời bị sĩ nhục, và sự hầu việc Ngài đem lại những tiếng xấu, khi họ thấy kẻ vô tội bị áp bức, sự phẫn nộ công chính sẽ khuây động tâm hồn. Sự tức giận ấy nảy sinh từ một tâm hồn bén nhạy với lẽ phải, điều đó không phải là tội. Nhưng những người đứng trước một sự khiêu khích, cảm thấy rằng mình có quyền để tức giận và tự do để giận thì họ đang mở lòng mình ra cho Sa-tan. Sự nóng giận và hận thù phải được loại ra khỏi tâm hồn nếu chúng ta muốn hòa thuận với thiên đàng. Chúa Cứu Thế còn đi xa hơn thế nữa. “Nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của lễ.” Nhiều người sốt sắng trong những nghi thức tôn giáo, nhưng giữa họ và anh em có những xích mích cần phải được làm hòa trở lại. Đức Chúa Trời muốn họ làm tất cả những gì có thể để phục hồi sự hòa thuận. Bao lâu họ chưa làm điều này, bây lâu Ngài không thể chấp nhận của lễ của họ. Bổn phận của những người đi theo Đấng Cứu Thế trong vấn đề làm hoà là rất rõ ràng. CCC2 20.1

Đức Chúa Trời ban phước lành cho mọi người. “Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.” “Ngài lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ.” (Lu-ca 6:35). Ngài dạy chúng ta phải trở nên giống như Ngài. “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các người được làm con của Cha các ngươi ở trên trời.” Đó là những nguyên tắc của luật pháp, và chúng là những dòng suối sự sống. Lý tưởng Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi con cái Ngài còn cao hơn tư tưởng vĩ đại nhất mà loài người có thể vươn tới. “Các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” Đòi hỏi này là một lời hứa. Chương trình cứu rỗi nhằm giải thoát chúng ta hoàn toàn khỏi quyền lực Sa-tan. Đấng Cứu Thế luôn đem linh hồn ăn năn ra khỏi tội lỗi. Ngài đến để phá hủy các việc làm của ma quỷ và Ngài có chương trình sẽ ban Đức Thánh Linh cho mọi kẻ ăn năn để giữ họ khỏi phạm tội. Phương tiện mà Sa-tan dùng để cám dỗ là muôn hình vạn trạng, nhưng con người không thể coi đó như là lời bào chữa để tiếp tục phạm tội. Sa-tan reo mừng khi nó nghe những người đi theo Chúa bào chữa cho nhân cách suy đồi của mình. Chính những lời bào chữa này dẫn đến tội lỗi. Không hề có lời bào chữa nào cho tội lỗi cả. Mọi người con của Đức Chúa Trời đang ăn năn và có đức tin thật trong Ngài đều có thể có được một nhân cách thánh thiện, một cuộc sống giống như Chúa Cứu Thế. CCC2 20.2

Nhân cách lý tưởng của Cơ-đốc nhân là giống như Đấng Cứu Thế. Vì Con Người trọn vẹn trong đời sống của Ngài, cho nên những người theo Ngài cũng phải trọn vẹn trong đời sống của họ. Đức Chúa Giê-su đã trở nên giống các anh em Ngài trong mọi sự. Ngài mang bản thể xác phàm y như chúng ta. Ngài biết đói, biết khát và biết mệt mỏi. Ngài sống nhờ ăn uống và ngủ nghỉ. Ngài chia sẻ thân phận làm người; tuy nhiên, Ngài vẫn là Con Đức Chúa Trời không tì vít. Ngài là Đức Chúa Trời mang xác phàm. Nhân cách của Ngài cũng sẽ là nhân cách của chúng ta. Chúa phán với những kẻ tin: “Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân Ta.” (II Cô-rinh-tô 6:16). CCC2 20.3

Đấng Cứu Thế là cái thang Gia-cốp đã thấy trong giấc mơ, chân thang đứng trên đất, đầu thang tận cổng trời, cho đến chốn hiển vinh vô cùng tận. Nếu cái thang ấy chỉ thiếu một nấc, chúng ta sẽ chết mất. Nhưng Đấng Cứu Thế đến với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào mà chúng ta đang ở. Ngài tiếp nhận xác phàm và chiến thắng bản ngã xác phàm, để chúng ta có thể chiến thắng bản ngã phàm nhân bằng cách tiếp nhận thần tánh của Ngài. “Lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta” (Rô-ma 8: 3), Ngài đã sống một cuộc sống không có tội lỗi. Giờ đây, bởi thần tính, Ngài đến với ngai trên trời, trong khi bởi nhân tính, Ngài đến với chúng ta. Ngài nài khuyên chúng ta hãy đặt niềm tin trong Ngài để đạt được sự vinh hiển trong bổn tánh của Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta được trọn vẹn, ngay cả được trọn vẹn giống như Cha chúng ta “ở trên trời là trọn vẹn.” CCC2 21.1

Đức Chúa Giê-su đã vạch rõ sự công bình bao gồm những điều gì và đã chỉ rõ nguồn cội của sự công bình chính là Đức Chúa Trời. Giờ đây, Ngài chuyển qua những trách nhiệm thực tế hàng ngày. Trong việc bố thí, cầu nguyện, kiêng ăn, Ngài phán, đừng làm điều gì hầu lôi kéo sự chú ý, hay để được đề cao cá nhân. Hãy ban cho một cách chân thành vì lợi ích của kẻ nghèo. Trong sự cầu nguyện, hãy để linh hồn được tương giao với Đức Chúa Trời. Khi kiêng ăn, đừng cúi gằm mặt xuống và lòng đầy những ý nghĩ về mình. Lòng của người Pha-ri-si là một mảnh đất cằn cỗi, không sinh lợi, trên đất đó, không hạt giống nào của sự sống thiêng liêng có thể nẩy mầm và phát triển. Chỉ những người nào đầu phục Chúa vô điều kiện thì hầu việc Chúa mới đẹp lòng Ngài. Qua sự thông công với Đức Chúa Trời, loài người được đồng công với Ngài để giới thiệu bổn tánh của Ngài cho thế gian. CCC2 21.2

Phục vụ với tấm lòng chân thành sẽ nhận được phần thưởng lớn lao. “Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.” Bởi sống nhờ vào ân điển của Đấng Cứu Thế mà nhân phẩm được hình thành. Nét đáng yêu của thuở nguyên thủy bắt đầu được khôi phục cho tâm hồn. Các nét cao quý trong bổn tánh của Đấng Cứu Thế được ban cho, và ảnh tượng thiêng liêng bắt đầu được toả ra từ người đó. Trên gương mặt của những người bước đi cùng làm việc với Đức Chúa Trời toả ra một sự yên bình của thiên cung. Họ được bao phủ bởi bầu không khí của thiên đàng. Nước Đức Chúa Trời đã bắt đầu cho những người đó. Họ có được niềm hân hoan của Đấng Cứu Thế, niềm hân hoan vì đem ơn phước cho nhân loại. Họ có vinh dự được chấp nhận để Chúa sử dụng. Họ được giao trách nhiệm làm công việc của Ngài trong Danh Ngài. CCC2 21.3

“Chẳng ai được làm tôi hai chủ.” Chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời với tấm lòng chia hai. Đạo của Kinh Thánh không phải là một sự ảnh hưởng trong số nhiều ảnh hưởng khác nhau. Ảnh hưởng của Đạo trong Kinh Thánh phải là tối thượng, bao trùm và kiểm soát tất cả các ảnh hưởng khác. Nó không thể giống như một vệt màu để quét chỗ này chỗ nọ trên một tấm vải được căng ra, mà nó phải bao phủ cả đời sống, cho tới khi mọi sợi vải được nhuộm thẫm màu và không phai mờ. CCC2 22.1

“Nếu mắt người sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm.” Sự trong sạch và kiên trì trong mục đích là những điều kiện để nhận được ánh sáng từ Đức Chúa Trời. Kẻ ước ao biết Lẽ Thật phải sẵn lòng chấp nhận tất cả những gì Lẽ Thật bày tỏ. Kẻ đó không được nhân nhượng với sự sai lầm. Giao động và nửa vời trong bổn phận đối với Lẽ Thật có nghĩa là chọn sự tối tăm của lầm lạc và ảo giác của Sa-tan. Đường lối của thế gian và những nguyên tắc chặt chẽ của sự công bình không thể hoà hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn giống như những màu sắc của cầu vồng. Đức Chúa Trời Đời Đời đã vạch một đường kẽ rõ ràng và rộng lớn giữa hai bên. Trở nên giống Đấng Cứu Thế hoàn toàn khác với giống như Sa-tan, cũng như ngày khác với đêm. Và chỉ những người sống như Đấng Cứu Thế đã sống mới là những người đồng công với Ngài. Nếu một tội lỗi nào đó còn ấp ủ trong tâm hồn, hay một hành động sai lầm nào còn được giữ lại trong cuộc sống, toàn bộ con người sẽ bị ô uế. Người đó trở thành một công cụ cho điều ác. CCC2 22.2

Tất cả những ai chọn hầu việc Đức Chúa Trời phải tin cậy nơi sự chăm sóc của Ngài. Đấng Cứu Thế chỉ những cánh chim bay lượn trên bầu trời, những bông hoa của đồng ruộng, và bảo người nghe Ngài hãy suy nghĩ về những vật thọ tạo nầy của Đức Chúa Trời. Ngài phán: “Các ngươi há chẳng phải là quý trọng hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 6:26). Mỗi vật đều được Chúa quan tâm tùy theo thứ bậc của chúng trong loài thọ tạo. Con chim sẻ nâu nhỏ được Đấng Quan Phòng để mắt đến. Những bông hoa của đồng ruộng, những thảm cỏ tươi mát, cũng chia sẻ sự quan tâm chăm sóc của Cha Trời. Đấng Nghệ Sĩ vĩ đại đã nghĩ ra bông huệ, trang điểm chúng với vẻ đẹp còn lộng lẫy hơn cả sự vinh hiển của vua Sa-lô-môn. Thì đối với con người, vốn được dựng nên trong ảnh tượng và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ còn quan tâm chăm sóc đến mức nào? Ngài ước ao được thấy con cái Ngài bày tỏ tâm tánh giống như bổn tánh của Ngài. Như tia nắng ban cho bông hoa màu sắc rực rỡ và đẹp đẽ, Đức Chúa Trời cũng ban cho tâm hồn vẻ đẹp của bổn tánh Ngài. Tất cả những ai đã chọn vương quốc tình yêu, công bình và bình an của Đấng Cứu Thế, đặt nước ấy lên trên tất cả mọi sự, sẽ được nối liền với thế giới trên cao, và mọi ơn phước cần cho cuộc sống này đều là của họ cả. Trong quyển sách của sự cung cấp từ Đức Chúa Trời, bộ sách về sự sống, mỗi người trong chúng ta đều được một trang. Trang đó chứa đựng tất cả các chi tiết của tiểu sử chúng ta; ngay cả các sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được đếm cả rồi. Nỗi lòng Đức Chúa Trời luôn đau đáu về các con cái yêu dấu của Ngài. CCC2 22.3

“Chớ lo lắng chi về ngày mai.” (Ma-thi-ơ 6:34). Chúng ta phải đi theo Đấng Cứu Thế mỗi ngày. Đức Chúa Trời không ban sự giúp đỡ cho ngày mai, có nghĩa là Ngài không ban cho dân sự Ngài tất cả mọi sự hướng dẫn cho suốt cuộc hành trình của đời sống chỉ trong một lúc, e rằng cuộc sống của họ bị đảo lộn, vì họ không biết đặt điều gì là ưu tiên. Ngài dạy dỗ họ vừa đủ để họ có thể ghi nhớ được và thi hành. Sức mạnh và sự khôn ngoan Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để giải đáp cho những hoàn cảnh cấp bách chúng ta đang phải đối diện, như câu Kinh Thánh: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.” (Gia-cơ 1:5). CCC2 23.1

“Các ngươi đừng đoán xét ai để mình khỏi bị đoán xét.” Chúng ta đừng nghĩ rằng mình tốt hơn người khác, và đặt mình làm quan tòa đoán xét họ. Bởi vì chúng ta không hiểu được động cơ, chúng ta không có khả năng để đoán xét. Khi chỉ trích một người nào đó, là chúng ta đang đọc bản án cho chính mình. Bởi vì điều đó minh chứng rằng chúng ta là kẻ cộng tác với Sa-tan, tức là kẻ tố cáo anh em mình. Chúa phán: “Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng. Hãy tự thử mình.” Đó là công việc của chúng ta. “Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán.” (II Cô-rinh-tô 13:5; I Cô-rinh-tô 11:31). Cây tốt sẽ sinh trái tốt. Nếu trái không ngon và chẳng có giá trị gì thì đó là cây xấu. Cũng vậy những trái sanh ra trong đời sống chứng minh về tình trạng của tâm hồn và sự cao quý của đức tánh. Những việc làm tốt lành chẳng bao giờ mua được sự cứu rỗi, nhưng nó là một bằng chứng của đức tin có việc làm bởi tình yêu thương và thanh tẩy linh hồn. Mặc dù phần thưởng đời đời không được ban cho chúng ta nhờ công đức, nhưng phần thưởng ấy sẽ tùy theo những gì chúng ta đã nhờ ân điển của Đấng Cứu Thế mà làm. CCC2 23.2

Như vậy, Đấng Cứu Thế đề cao các nguyên tắc nước Ngài và cho thấy rằng chúng phải là luật lệ vĩ đại của sự sống. Để gây ấn tượng cho bài học, Ngài đưa ra một ví dụ. Ngài phán: Về phần các ngươi, các ngươi chỉ nghe lời Ta phán thôi chưa đủ, mà qua sự vâng lời, các ngươi phải biến những lời ấy thành nền tảng cho nhân phẩm của mình. Cái tôi chỉ là cát đang bị gió cuốn đi. Nếu các ngươi xây cất trên những lý thuyết và phát minh của con người, thì ngôi nhà của các ngươi sẽ sụp đổ. Những cơn gió cám dỗ, những cơn bão thử thách sẽ cuốn đi mất. Nhưng những nguyên tắc Ta ban sẽ tồn tại mãi mãi. Hãy tiếp nhận Ta; hãy xây nhà trên Lời của Ta. “Vậy kẻ nào nghe và làm theo Lời Ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá.” (Mathiơ 7:24,25) . CCC2 23.3