Go to full page →

Chương 44—PHÉP LẠ THẬT SỰ CCC2 113

Dựa theo Ma-thi-ơ 15:29-39; 16:1-12; Mác 7:31-37; 8:1-21

“Đức Chúa Giê-su lìa bờ cõi thành Ty-rơ, qua thành Si-đôn và trải địa phận Đê-ca-bô-lơ, đến biển Ga-li-lê.” (Mác 7:31). Đê-ca-bô-lơ chính là nơi mà những người Giê-ra-sê bị quỷ ám được chữa lành. Dân chúng tại đây coi biến cố bầy heo lao xuống vực như một hiểm họa, nên họ đã đuổi Đức Chúa Giê-su đi khỏi chốn này. Nhưng về sau họ chịu lắng nghe các sứ giả của Đức Chúa Giê-su còn ở lại nơi sứ sở này, và những người nghe đó muốn gặp Ngài. Khi Ngài trở lại vùng ấy, một đám đông đã nhóm quanh Ngài, người ta mang đến cho Ngài một người điếc và ngọng. Đức Chúa Giê-su không chữa cho người này chỉ bằng một lời phán theo như cách Ngài thường làm. Mà Ngài kéo người này ra khỏi đám đông, rồi Ngài để ngón tay vào tai người đó, và chạm đến lưỡi anh ta. Đức Chúa Giê-su ngước nhìn lên trời, Ngài không nén nổi tiếng thở dài khi nghĩ tới những lỗ tai không chịu mở ra để nghe Lẽ Thật, và môi lưỡi họ từ chối tiếp nhận Đấng Cứu Chuộc. Sau tiếng phán: “Hãy mở ra!” thì người bệnh này đã nói được, và anh ta chẳng lưu tâm để làm theo lệnh truyền của Đức Chúa Giêsu, rằng: Không được cho ai hay về phép lạ Ngài đã làm cho anh, anh loan báo khắp nơi câu chuyện mình được chữa cho lành bệnh. CCC2 113.1

Đức Chúa Giê-su đi lên núi và đoàn dân kéo theo Ngài, họ mang theo những kẻ ốm đau, tàn tật, và để những người tật bệnh đó dưới chân Ngài. Ngài chữa lành cho họ hết thảy; và dân chúng ở đây, tức là những người ngoại bang đều ngợi khen Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Trong ba ngày sau, họ vẫn nhóm quanh Cứu Chúa Giê-su, họ bằng lòng sống trong cảnh màn trời chiếu đất, để sáng ra họ lại chen chúc vây quanh Đức Chúa Giêsu và háo hức được nghe Lời của Đấng Cứu Thế, cũng như được chứng kiến công việc của Ngài. Sau ngày thứ ba thì thức ăn đã cạn sạch. Đức Chúa Giê-su không muốn để họ ra về trong tình trạng đói khát, nên Ngài bảo các môn đồ hãy cho họ ăn. Một lần nữa, các môn đồ lại để lộ lòng vô tín của mình. Tại Bết-sai-đa, họ đã được chứng kiến phép lạ Đức Chúa Giê-su làm, Ngài ngước mặt lên trời dâng lời cầu nguyện cảm tạ Đức Chúa Cha, từ lượng thức ăn dự trữ ít ỏi của một cậu bé đã giúp nuôi cả đoàn dân đông; vậy mà giờ đây, họ lại không đem dâng lên Ngài tất cả những gì mình có, và cũng không tin Ngài có quyền phép để nhân chúng lên gấp bội cho đoàn dân đang đói ăn no nê. Vả lại, những người được cho ăn no nê ở Bết-sai-đa là những người Giu-đa; còn ở đây là những người ngoại quốc và họ cũng là người ngoại đạo. Thành kiến của người Giu-đa chất chứa vô cùng nặng nề trong tâm trí các môn đồ, và rồi họ đã trả lời Đức Chúa Giê-su bằng câu: “Có thể kiếm bánh đâu được trong đồng vắng này cho chúng ăn no ư?”. Tuy thế, nhưng cuối cùng họ cũng vâng lời Ngài mà đem đến cho Ngài những gì mình có, đó là bảy cái bánh và hai con cá. Đoàn dân được ăn no, và còn dư lại bảy giỏ đầy bánh vụn. Số người được ăn bánh no nê hôm đó là bốn ngàn người, không kể đàn bà và trẻ em. Đức Chúa Giê-su truyền cho họ ra về. Thế rồi đoàn dân ra về với lòng vui sướng và biết ơn Đức Chúa Trời. CCC2 113.2

Rồi Đức Chúa Giê-su xuống một chiếc thuyền cùng với các môn đồ. Ngài băng ngang qua hồ mà tới xứ Ma-ga-đan ở cuối phía nam cánh đồng Ghênê-xa-rết, Thuộc vùng biên giới của xứ Ty-rơ và Si-đôn, ở nơi đó tinh thần Ngài được minh mẫn trở lại bởi Ngài nhìn thấy đức tin của người đàn bà xứ Sy-rô-phê-ni-xi. Những người dân ngoại ở Đê-ca-bô-lơ vui mừng tiếp rước Ngài. Và rồi lại một lần nữa, Ngài đặt chân lên xứ Ga-li-lê, đây là nơi quyền năng của Ngài đã được bày tỏ một cách mạnh mẽ nhất. Chính tại nơi đó, phần lớn các việc làm nhân từ của Ngài đã được thực hiện và những lời dạy dỗ của Ngài cũng đã được ban bố, đó cũng là nơi mà Ngài gặp phải những kẻ vô tín đầy lòng khinh thường ngạo mạn. CCC2 114.1

Những người đại diện cho phái Pha-ri-si kết hiệp với những người đại diện cho phái Sa-đu-sê giàu có và quý tộc, họ thuộc phe nhóm của các thầy tế lễ, gồm những kẻ hoài nghi và quyền quý trong dân. Hai phái này vốn thù nghịch nhau. Người Sa-đu-sê tranh thủ sự ủng hộ của nhà cầm quyền để duy trì địa vị và uy tín của mình. Trong khi đó, người Pha-ri-si lại đang vun đắp lòng hận thù của dân chúng đối với người La-mã, họ chờ đợi thời cơ để có thể lật đổ ách thống trị. Nhưng lúc này đây, người Pha-ri-si và Sa-đu-sê lại cùng hợp tác với nhau để chống lại Đức Chúa Giê-su. Người xưa có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, dù ở bất cứ nơi đâu, kẻ xấu cũng luôn liên kết với nhau để hãm hại người lành. CCC2 114.2

Người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê giờ đây kéo tới chỗ Đấng Cứu Thế, họ đòi một dấu lạ từ trời. Vào thời Giô-suê, khi dân Y-sơ-ra-ên đánh nhau với người Ca-na-an ở Bết-hô-rôn, mặt trời đã dừng lại theo lệnh của người chỉ huy cho tới khi họ thắng trận. Và rất nhiều những dấu lạ như vậy được thực hiện trong lịch sử của họ. Họ đòi Đức Chúa Giê-su làm một dấu tương tự. Nhưng những dấu lạ này lại không phải là những thứ người Giu-đa cần. Không có chứng cớ bên ngoài nào có thể giúp ích cho họ. Cái họ cần không phải là sự soi sáng chỉ trên tri thức, mà điều họ cần chính là một sự đổi mới thiêng liêng. CCC2 114.3

Đức Chúa Giê-su phán: “Các ngươi biết phân biệt rõ sắc trời, mà không phân biệt được dấu chỉ thì giờ ư?”. Chính Lời của Đấng Cứu Thế với quyền năng của Đức Thánh Linh cáo trách họ về những tội lỗi họ đã gây ra, mới là dấu lạ Đức Chúa Trời ban để cứu rỗi họ. Những dấu lạ trực tiếp từ trời là để xác nhận sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Bài ca của các thiên sứ mà những kẻ chăn chiên nghe được, ngôi sao dẫn đường cho các bác sĩ, chim bồ câu và tiếng phán từ trời lúc Ngài chịu phép báp-têm, là những chứng cớ về Ngài. CCC2 115.1

“Đức Chúa Giê-su than thở trong lòng mà rằng: Làm sao dòng dõi này xin dấu lạ?” “Sẽ chẳng có dấu lạ chi khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na”. Giô-na đã nằm trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, Đấng Cứu Thế cũng phải ở trong lòng đất một khoảng thời gian như vậy. Và như việc giảng dạy của Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-ve, thì sự giảng dạy của Đấng Cứu Thế là 115 một dấu lạ cho những người trong thời Đấng Cứu Thế. Nhưng việc đón nhận lời ấy mới trái nghịch làm sao; dân chúng của một thành ngoại đạo nổi tiếng là hùng mạnh và hung tàn đã run lên khi nghe lời cảnh báo của Đức Chúa Trời. CCC2 115.2

Vua chúa và hàng quý tộc hạ mình; người giàu sang, kẻ hèn mọn cùng nhau kêu cầu Đức Chúa Trời, và kết quả là lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đã được ban cho họ. Đức Chúa Giê-su phán:“Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi này mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một Người tôn trọng hơn Giô-na.” (Ma-thi-ơ 12:41). CCC2 115.3

Mỗi phép lạ Đấng Cứu Thế đã làm đều bày tỏ về thần tánh của Ngài. Ngài đang làm chức vụ Đấng Mê-si mà các tiên tri đã báo trước. Nhưng đối với người Pha-ri-si, những việc làm nhân từ ấy lại là một sự xúc phạm rõ ràng. CCC2 115.4

Các bậc lãnh đạo Giu-đa dững dưng nhìn cảnh đau khổ của nhân loại. Trong nhiều trường hợp, chính lòng ích kỷ và sự áp bức của họ là nguyên nhân gây nên nhiều nỗi đau thương mà Đấng Cứu Thế đã đến để bó rịt. Bởi vậy, với họ, các phép lạ của Ngài lại là những lời khiển trách. CCC2 115.5

Việc người Giu-đa khước từ chức vụ của Đấng Cứu Thế là bằng chứng xác thực nhất về thần tánh của Ngài. Ý nghĩa sâu sắc nhất về các phép lạ của Ngài được thấy trong sự kiện này là các phép lạ ấy được thực hiện vì hạnh phúc nhân loại. Bằng chứng xác thực nhất của việc Ngài đến từ Đức Chúa Trời là đời sống Ngài bày tỏ thần tánh. Những việc Ngài làm và lời Ngài nói đều thuộc về Đức Chúa Trời; một đời sống như thế chính là phép lạ vĩ đại nhất trong tất cả các phép lạ. CCC2 115.6

Khi sứ điệp Lẽ Thật được trình bày trong thời đại chúng ta, vẫn có nhiều người hành động giống như người Giu-đa, họ kêu lên rằng: Hãy cho chúng tôi một dấu lạ. Hãy cho chúng tôi xem một phép lạ. Đấng Cứu Thế đã không làm phép lạ theo yêu cầu của người Pha-ri-si. Ngài đã không làm phép lạ trong đồng vắng để đáp trả những khiêu khích của Sa-tan. Ngài không truyền cho chúng ta quyền phép để bào chữa cho chính mình hay để thỏa mãn những yêu sách vô tín và lòng kiêu ngạo. CCC2 115.7

Nhưng Tin Lành đời đời mang dấu lạ về nguồn gốc Đức Chúa Trời. Đó há chẳng phải là phép lạ giúp chúng ta bẻ gãy ách nô lệ của Sa-tan sao? Lòng căm thù đối với Sa-tan không phải là một cái gì xuất phát tự nhiên nơi lòng người, mà nó được nung nấu nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Khi một kẻ bị kiểm soát bởi tánh bướng bỉnh và ương ngạnh được giải thoát, và anh ta sẵn lòng thuần phục sự lôi cuốn của chánh thể thuộc thiên đàng, thì phép lạ sẽ xảy ra; cũng vậy, một kẻ bị kìm kẹp bởi sự lừa bịp trắng trợn sẽ được dẫn dắt đến chỗ hiểu biết Lẽ Thật chân chánh. Mỗi khi có một linh hồn trở lại và được học để yêu mến Đức Chúa Trời cùng giữ các điều răn của Ngài, thì lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được ứng nghiệm trên người đó, Ngài hứa rằng: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi.” (Ê-xê-chi-ên 36: 26). Sự thay đổi trong lòng người, sự biến đổi nhân cách là một phép lạ bày tỏ về Cứu Chúa hằng sống, Ngài đang thực hiện chương trình cứu rỗi linh hồn. Một cuộc sống trung tín trong Đấng Cứu Thế là một phép lạ vĩ đại. Trong công cuộc rao giảng Lời của Đức Chúa Trời, có một dấu lạ luôn được thực hiện, đó chính là sự hiện diện của Đức Thánh Linh, Đấng biến Lời của Đức Chúa Trời thành quyền năng tái sinh những người nghe lời rao giảng ấy. Đó là chứng cớ của Đức Chúa Trời trước thế gian về sứ mạng thiêng liêng của Con Ngài. CCC2 116.1

Những kẻ đòi một dấu lạ từ Đức Chúa Giê-su đã làm cho lòng mình ra cứng cỏi trong sự vô tín, đến nỗi họ không nhận ra trong tánh hạnh của Đức Chúa Giê-su hình ảnh của Cha Ngài. Họ sẽ không nhận thấy rằng chức vụ của Ngài đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh. Trong ví dụ về người giàu có và La-xa-rơ, Đức Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-si: “Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy.” (Lu-ca 16: 31). Không một dấu lạ nào dù được bày tỏ trên trời hay dưới đất có thể giúp ích cho họ. CCC2 116.2

Đức Chúa Giê-su nén nỗi buồn rầu trong lòng bằng một hơi thở dài. Ngài lìa những người lòng đầy ngoan cố và vào lại thuyền với các môn đồ. Đức Chúa Giê-su buồn rầu đến nỗi không thốt nên lời. Ngài cùng với các môn đồ qua bờ bên kia. Tuy nhiên, họ không trở lại chỗ cũ mà tới thẳng Bết-sai-đa, gần nơi năm ngàn người đã được cho ăn no nê. Khi đã sang bờ bên kia rồi, Đức Chúa Giê-su phán: “Hãy giữ mình cẩn thận về men của người Pha-risi và Sa-đu-sê”. Từ thời Môi-se, người Giu đã có thói quen không giữ men trong nhà vào kỳ lễ vượt Qua, và họ được dạy rằng phải coi men như là một thứ tội. Nhưng các môn đồ không hiểu Đức Chúa Giê-su. Việc rời khỏi Ma- ga-đan một cách bất thình lình khiến họ đã quên đem bánh theo, vậy nên dù chỉ một ổ bánh thôi họ cũng chẳng có. Trong trường hợp này, họ nghĩ rằng Đấng Cứu Thế muốn cảnh cáo họ không nên mua bánh của người Pha-ri-si hay người Sa-đu-sê. Sự thiếu lòng tin cộng với việc thiếu đi một tinh thần thấu hiểu nhiều khi cũng khiến họ có những ý nghĩ sai lầm về Lời của Ngài. Giờ đây, Đức Chúa Giê-su khiển trách bởi ý nghĩ sai lầm trong lòng họ rằng: Có lẽ Đấng đã nuôi cả ngàn người với vỏn vẹn một ít bánh lúa mạch và vài con cá, gửi lời cảnh báo long trọng này chỉ ngầm nói đến thức ăn thuộc thể mà thôi. Có một mối nguy hiểm xuất hiện ngay trước mắt là: Những luận điệu xảo quyệt của người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê sẽ hun đúc lòng vô tín trong các môn đồ, khiến họ không còn tôn trọng các việc làm của Đấng Cứu Thế nữa. CCC2 116.3

Các môn đồ có khuynh hướng nghĩ rằng Thầy mình sẽ đáp ứng yêu cầu ban một dấu lạ từ trời. Họ tin rằng Ngài có đủ khả năng làm điều đó, và rằng một dấu lạ như thế sẽ khiến cho các kẻ thù của Ngài phải cứng họng. Họ không nhận ra sự giả hình của những kẻ kiêu căng ngạo mạn này. CCC2 117.1

Nhiều tháng sau đó, “Khi ấy, dân chúng nhóm lại kể hàng ngàn người, đến nỗi giày đạp nhau” Đức Chúa Giê-su đã lặp lại lời dạy đó. “Đức Chúa Giêsu mới trước hết phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si, là sự giả hình.” (Lu-ca 12:1). CCC2 117.2

Men là chất hoạt động ngầm trong bột, và thay đổi toàn bộ đống bột theo tính chất của nó. Cũng vậy, khi sự giả hình tồn tại trong lòng, nó sẽ xâm nhập vào nhân cách và cuộc sống. Đấng Cứu Thế dùng một ví dụ sinh động nói về sự giả hình của người Pha-ri-si, Ngài đã khiển trách họ qua việc tố giác tập tục “Co-ban”, Ngài vạch trần sự bê trễ bổn phận làm con nhưng lại được che giấu dưới một cái cớ rất ư chính đáng, ấy là sự dâng hiến rời rộng cho đền thờ. Các thầy thơ ký và người Pha-ri-si đưa ra những nguyên tắc dễ làm cho người ta lầm lẫn. Họ che đậy bản chất thực sự trong các học thuyết của họ và lợi dụng mọi cơ hội để khéo léo truyền các học thuyết này vào trong đầu óc của những người nghe họ. Một khi những nguyên tắc giả dối này được chấp thuận, chúng sẽ hoạt động giống như men trong bột, xâm nhập và làm tha hóa bản chất con người. Chính giáo huấn lừa phỉnh này khiến cho dân chúng khó chấp nhận Lời của Đấng Cứu Thế. CCC2 117.3

Ngày hôm nay, những ảnh hưởng tương tự như vậy vẫn còn đang tác động thông qua những người luôn xoay sở tìm cách giải thích luật pháp của Đức Chúa Trời sao cho phù hợp với tập tục của họ. Loại người này không tấn công luật pháp một cách công khai, nhưng họ nêu lên những học thuyết suy đoán nhằm ngầm phá hoại những nguyên tắc luật pháp. Họ giải thích luật pháp chỉ để tiêu trừ ảnh hưởng của luật pháp. CCC2 117.4

Sự giả hình của người Pha-ri-si là sản phẩm của việc tìm kiếm chính mình. Sự tôn vinh chính mình là mục tiêu của cuộc đời họ. Chính điều đó đã dẫn họ tới chỗ xuyên tạc và áp dụng sai Kinh Thánh, khiến họ trở nên mù lòa trước mục đích của sứ mạng Đấng Cứu Thế. Ngay cả các môn đồ của Đấng Cứu Thế cũng có nguy cơ ấp ủ điều xấu xa tinh vi này. Các kẻ tự xếp mình vào hàng những người bước theo Đấng Cứu Thế, nhưng lại không chịu từ bỏ tất cả để trở thành môn đồ của Ngài sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ học thuyết Pha-ri-si. Họ thường xuyên bị chao đảo giữa niềm tin và sự vô tín, và họ không nhận ra rằng sự khôn ngoan che giấu nơi Đấng Cứu Thế mới thật sự là điều quý giá. Thậm chí chính các môn đồ của Đức Chúa Giêsu cũng vậy, tuy bề ngoài họ đã từ bỏ tất cả vì Đức Chúa Giê-su, nhưng trong lòng thì không ngừng tìm kiếm những quyền lợi cho bản thân mình. Chính tinh thần này đã trở thành mầm mống cho cuộc tranh cãi xem ai sẽ là người nắm quyền hành cao nhất. Cũng chính tinh thần này đã chen vào giữa họ với Đấng Cứu Thế, khiến họ không cảm thông với sứ mạng từ bỏ chính mình của Ngài, thật ra họ rất chậm chạp trong sự hiểu biết về lẽ mầu nhiệm của sự cứu rỗi. Giống như men, một khi được bỏ mặc hoàn toàn cho quá trình lên men, sẽ thành ra sự thối rửa và hư hoại. Cũng vậy, tinh thần tìm kiếm chính mình khi được vun đắp, sẽ tạo nên sự hủy diệt và làm ô uế linh hồn. CCC2 117.5

Ngày nay cũng như thuở xưa, tội lừa đảo tinh vi này rất phổ biến trong vòng những người theo Chúa. Thật rất dễ dàng để khiến cho sự hầu việc Đấng Cứu Thế của chúng ta, cộng với sự thông công của chúng ta với người khác bị thất bại bởi ý muốn thầm kín tự đề cao mình. Tư tưởng tự cao, và ước muốn được người đời công nhận luôn chực sẵn trong lòng. Chính lòng vị kỷ, ước muốn một con đường dễ hơn con đường Đức Chúa Trời đã chỉ định, dẫn tới sự thay thế các giềng mối thiêng liêng bằng các học thuyết và lời truyền khẩu của loài người. Đấng Cứu Thế đã nói lời cảnh cáo với chính các môn đồ Ngài rằng: “Hãy giữ mình về men của người Phari-si”. CCC2 118.1

Bản chất Đạo của Đấng Cứu Thế chính là sự trung tín. Lòng nhiệt huyết với vinh quang của Đức Chúa Trời là động cơ do Đức Thánh Linh vun đắp. Và chỉ có sự vận hành hữu hiệu của Đức Thánh Linh mới có thể nung nấu động cơ này. Chỉ nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời mới có thể loại trừ sự tìm kiếm chính mình và sự giả hình, Sự thay đổi này là dấu hiệu về công việc của Ngài. Khi đức tin dẫn chúng ta chấp nhận hủy diệt lòng ích kỷ và tính tự phụ, khi đức tin dẫn chúng ta tới chỗ tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa trời chứ không phải của riêng mình, chúng ta mới biết được rằng đức tin ấy là đúng đắn. Lời được thốt lên từ sâu thẳm tâm hồn Đấng Cứu Thế, rằng: “Cha ơi, xin làm sáng Danh Cha!” (Giăng 12: 28) chính là nguyên tắc cơ bản trong cuộc đời Ngài, và nếu chúng ta đi theo Ngài, thì đó cũng sẽ là nguyên tắc chủ đạo trong cuộc đời chúng ta. Ngài truyền rằng: “phải làm theo như chính Ngài đã làm” và “Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài.” (I Giăng 2 : 6, 3) đây chính là mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su dành cho chúng ta. CCC2 118.2