Go to full page →

Chương 49—TRONG LỄ LỀU TẠM CCC2 155

Dựa theo Giăng 7:1-15, 37-39

Cứ mỗi năm ba lần, người Giu-đa phải nhóm họp tại Giê-ru-sa-lem vì mục đích tôn thờ. Giấu mình trong trụ mây, Đấng Dẫn Đường của Y-sơ-raên mà loài người không thể trông thấy bằng mắt thường, đã đưa ra các chỉ thị liên quan đến những lần nhóm họp này. Trong suốt thời gian dân Giuđa bị bắt làm phu tù thì không thấy có những lần nhóm lại như vậy; nhưng khi dân sự đã trở về trên đất riêng của mình, thì việc tuân giữ các kỳ lễ kỷ niệm này được tái thiết lập. Bởi ý định của Đức Chúa Trời là muốn dân sự ghi nhớ các việc Ngài đã làm cho họ. Nhưng đa số các thầy tế lễ và các bậc lãnh đạo trong dân không biết mục đích này. Đấng đã truyền cả nước phải duy trì sự nhóm lại và hiểu ý nghĩa của các buổi nhóm ấy đã phải chứng kiến những sự xuyên tạc. CCC2 155.1

Kỳ lễ Lều-tạm là lần nhóm lại vào cuối năm. Ý Đức Chúa Trời muốn rằng: Vào thời điểm này, dân sự phải suy gẫm về lòng nhân từ và thương xót của Ngài. Dân chúng trên toàn xứ sở được ở dưới sự dẫn dắt của Ngài, và được tiếp nhận sự ban phước của Ngài. Vì Ngài là Đấng vẫn hằng chăm nom họ đêm ngày. Mưa nắng đã khiến cho đất sinh bông kết trái. Từ thung lũng đến đồng bằng xứ Pa-lét-tin, nơi nơi đều được hưởng mùa màng bội thu. Người ta hái trái ô-li-ve và đựng dầu quý giá trong lọ. Cây cọ được gom vào trong kho. Người ta đạp những chùm nho đỏ mọng trong lò ép rượu. CCC2 155.2

Kỳ lễ kéo dài bảy ngày, và dân xứ Pa-lét-tin cùng dân cư các xứ sở khác đã rời khỏi nơi chốn mình sinh sống mà lên đường đi đến thành Giê-ru-salem để giữ lễ. Dân chúng gần xa đều kéo đến với vẻ mặt rạng rỡ hân hoan. Người già, kẻ trẻ, người giàu, kẻ nghèo, tất cả đều mang của lễ tạ ơn để dâng cho Đức Giê-hô-va, Đấng đã tuôn tràn ơn phước trên họ trong suốt cả năm qua, và họ là những người ban bằng các nẻo Ngài. Mọi thứ thật bắt mắt, tất cả đều toát lên niềm hân hoan, và thay thảy đều được mang về từ núi rừng. Cả thành phố như được khoác một chiếc áo được dệt từ muôn ngàn loài cây xanh tươi tuyệt đẹp từ núi rừng. Kỳ lễ này không chỉ là lễ tạ ơn vì mùa màng, mà còn là lễ kỷ niệm việc Đức Chúa Trời đã chăm gìn Y-sơ-raên khi họ ở trong đồng vắng. Đây cũng là lúc để họ hồi tưởng lại về cuộc sống lều trại, nên người Y-sơ-ra-ên đã ở trong các căn lều làm bằng cây xanh. Các căn lều này được dựng ngay trên đường phố, tại sân đền thờ hay trên nóc nhà. Đồi núi và thung lũng quanh Giê-ru-sa-lem cũng có những lều bằng lá như vậy, và dường như nơi nơi đều có dân cư nhộn nhịp. CCC2 155.3

Các tín đồ đến giữ lễ đều dâng lên Chúa những bài thánh ca chúc tụng và lời tạ ơn. Trước kỳ lễ lều tạm ít lâu chính là Ngày Chuộc tội. Trong ngày này, sau khi xưng tội lỗi mình, dân chúng được tuyên bố mình được làm hòa lại với Thiên-đàng. Làm như vậy, dân sự sẽ được sửa soạn để hưởng trọn niềm vui của kỳ lễ. Khúc nhạc: “Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là thiện; sự nhân từ Ngài còn đến đời đời” (Thi Thiên 106:1) đã trổi lên cách hân hoan, 256 hòa với tất cả các nhạc khí, xen với những tiếng hoan hô, và kèm theo tiếng hát. Đền thờ là trung tâm của mọi niềm vui. Nơi đây cũng bày tỏ nét tinh túy của nghi lễ dâng hiến. Cũng tại đây, Những người Lê-vi xếp hàng ở mỗi bên của các bậc tam cấp làm bằng đá trắng của công trình kiến trúc thánh, đội hợp ca người Lê-vi đang điều khiển việc hát xướng thờ phượng Chúa. Đông đảo tín đồ phất các tàu lá cọ và lá sim lên, họ lặp lại khúc nhạc và hát theo dàn đồng ca. Và bản tấu khúc cứ được ngân lên khắp xa gần cho tới khi mọi đồi núi đều chìm ngập trong những lời ngợi khen tán tụng Đấng Chí Thánh. CCC2 156.1

Vào ban đêm, tại đền thờ và trong sân của đền thờ, đèn đuốc sáng choang. Những bản nhạc thánh được tấu lên, những cành lá tung bay phấp phới trong gió, những tiếng Hô-sa-na hân hoan chúc tán Danh Chúa vang dậy, đám đông dân chúng nhóm họp, ánh sáng từ những chiếc đèn được treo trên cao chiếu sáng trên đám đông, hàng ngũ các thầy tế lễ, sự tôn nghiêm của các nghi lễ, tất cả những hình ảnh này hợp lại tạo nên một ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với những người chứng kiến. Nhưng nghi lễ gây ấn tượng nhất của kỳ lễ, và đem lại niềm vui lớn nhất, đó là nghi lễ gợi nhắc một biến cố trong thời gian lưu lạc trong đồng vắng. CCC2 156.2

Vào buổi sáng sớm, các thầy tế lễ trổi một hồi nhạc bằng tiếng kèn trumpet bạc, tiếng kèn nghe lanh lảnh, rồi những tiếng trumpet khác trổi lên để đáp lại, những tiếng tung hô vui mừng của dân chúng từ các túp lều cũng đồng trổi lên, vang dội khắp cả núi đồi và thung lũng để chào mừng ngày lễ. Đoạn, thầy tế lễ múc một bình nước từ dòng chảy của khe Ked-rôn và giơ bình cao lên, trong khi kèn trumpet vẫn thổi, thầy tế lễ bước chậm rãi và nhịp nhàng lên các bậc tam cấp của đền thờ theo nhịp của điệu nhạc, và hát vang: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, chân chúng ta dừng lợi trong các cửa ngươi.” (Thi Thiên 122: 2). CCC2 156.3

Thầy tế lễ mang bình nước đến bàn thờ được đặt ở giữa khuôn viên của các thầy tế lễ. Ở đây có hai cái chậu bằng bạc, mỗi chậu có một thầy tế lễ đứng cạnh. Bình nước được đổ vào một chậu, và một bình rượu được đổ vào chậu còn lại. Nước, rượu trong hai chậu chảy vào trong một ống dẫn thông ra khe Ked-rôn và dẫn ra Biển Chết. Nghi thức dâng nước này tượng trưng cho dòng suối theo lệnh của Đức Chúa Trời đã tuôn ra từ tảng đá để thỏa đáp cơn khát của con cái Y-sơ-ra-ên. Lúc ấy, các nhạc khúc hân hoan vang lên: “Chính Đức Giê-hô-va, là sức mạnh của tôi, lời ca tụng của tôi”; “Vậy nên các ngươi sẽ vui vẻ mà múc nước nơi các nguồn sự cứu.” (Ê-sai 12: 2, 3). CCC2 157.1

Khi các con của Giô-sép chuẩn bị đi dự lễ Lều-tạm, họ thấy Đấng Cứu Thế không hề có ý định sẽ đi dự lễ. Họ lo lắng quan sát Ngài. Từ khi Ngài chữa lành kẻ bệnh tại Bết-sai-đa, Ngài đã không dự một cuộc nhóm họp nào của dân tộc. Để tránh cuộc đụng độ không cần thiết với những bậc lãnh đạo tại Giê-ru-sa-lem, Ngài đã giới hạn công việc mình trong vùng Ga-li-lê. Ngoài lý do Đức Chúa Giê-su có vẻ thờ ơ với các cuộc nhóm họp tôn giáo long trọng ra, thì sự thù nghịch của các thầy tế lễ và các thầy thông giáo đối với Ngài, là nguyên nhân khiến dân chúng và cả các môn đồ cũng như bà con của Ngài dao động. Họ cho rằng: Trong các lời dạy dỗ, Ngài luôn nhấn mạnh rằng tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ được ơn phước, nhưng chính Ngài lại lãnh đạm với việc thờ phượng đã được Đức Chúa Trời thiết lập. CCC2 157.2

Việc Ngài trà trộn vào phường thâu thuế và những người xấu nết khác, việc Ngài không tôn trọng các quy định của các thầy thông giáo, việc Ngài tùy tiện không tuân thủ các đòi hỏi của lời truyền khẩu liên quan đến ngày Sa-bát, tất cả như đã đặt Ngài vào trong sự đối đầu với các bậc lãnh đạo tôn giáo, và khơi lên nhiều thắc mắc. Các anh em Ngài nghĩ rằng Ngài đã sai lầm khi làm cho những người có quyền cao chức trọng và học thức trong dân xa lánh. Họ cảm thấy rằng những người đó là hoàn toàn đúng và rằng Đức Chúa Giê-su có lỗi khi đặt mình đối đầu với họ. Nhưng các anh em Ngài đã chứng kiến cuộc đời không có gì đáng khiển trách của Ngài, và mặc dù không đứng vào hàng ngũ các môn đồ, họ vẫn bị cảm động một cách sâu sắc bởi công việc Ngài làm. Tiếng tăm của Ngài tại Ga-li-lê đã thỏa đáp được tham vọng của họ; họ vẫn còn hi vọng rằng Ngài sẽ đưa ra chứng cớ về quyền năng của Ngài, và điều này sẽ khiến cho người Phari-si đi tới chỗ nhận thấy rằng lời tuyên bố của Ngài là thật. Giá như Ngài là Đấng Mê-si, Vua Y-sơ-ra-ên! Họ ôm ấp ý nghĩ này với lòng khoái trá đầy tự hào. CCC2 157.3

Họ lo nghĩ về điều này đến độ ép buộc Đấng Cứu Thế phải đi Giê-ru-salem. Họ nói: “Hãy đi khỏi đây, và qua xứ Giu-đê, để cho các môn đồ cũng được xem công việc Thầy làm. Khi nào người ta muốn tỏ mình ra, thì không ai làm kín giấu việc gì. Vì Thầy làm những sự đó, hãy tỏ mình cho thiên hạ”. Từ “nếu” biểu lộ sự hoài nghi và vô tín. Họ cho rằng Ngài nhát gan và yếu đuối. Nếu Ngài biết mình là Đấng Mê-si, thì tại sao Ngài lại có sự dè dặt và thụ động một cách lạ lùng như vậy? Nếu Ngài thực sự có quyền năng như vậy, tại sao Ngài lại không dạn dĩ lên Giê-ru-sa-lem, và khẳng định những lời tuyên bố của mình? Tại sao Ngài lại không thực hiện tại Giê-ru-sa-lem những việc lạ lùng Ngài đã làm ở Ga-li-lê? Họ nói: Đừng ẩn nấp tại các tỉnh hẻo lánh, nhưng hãy thực hiện những công việc quyền phép của Ngài vì lợi ích của nông dân và những người đánh cá dốt nát. Hãy tỏ mình ra tại thủ đô, hãy tranh thủ sự hậu thuẫn của các thầy tế lễ và các quan trưởng, và hãy thống nhất đất nước để thiết lập một nước mới. CCC2 157.4

Anh em Đức Chúa Giê-su lý luận xuất phát từ động cơ ích kỷ rất thường gặp nơi lòng của những con người ham muốn phô trương. Tinh thần này là tinh thần thường thấy trong thế gian. Họ đã bất mãn, bởi thay vì tìm kiếm ngai vua thế gian, Đấng Cứu Thế lại tuyên bố mình là bánh sự sống. Họ vô cùng thất vọng khi có rất nhiều môn đồ từ bỏ Ngài. Bản thân họ cũng quay 158 lưng lại với Ngài để thoát khỏi thập tự giá của sự nhìn nhận rằng các công việc Ngài làm đã bày tỏ: Ngài là Đấng Đức Chúa Trời gửi đến. CCC2 158.1

“Đức Chúa Giê-su phán cùng anh em rằng: Thì giờ Ta chưa đến; còn về các ngươi, thì giờ được tiện luôn luôn. Thế gian chẳng ghét các ngươi được; nhưng ghét Ta, vì Ta làm chứng nầy về họ rằng công việc họ là ác. Các ngươi hãy lên dự lễ nầy, còn Ta chưa lên dự lễ đó, vì thì giờ Ta chưa trọn. Ngài nói xong, cứ ở lại xứ Ga-li-lê”. Các anh em Ngài đã bảo Ngài với giọng kẻ cả, vạch đường cho Ngài phải đi. Ngài đã gửi trả lại họ bằng lời quở trách này, CCC2 158.2

ấy là Ngài không xếp họ trong số các môn đồ biết từ bỏ mình của Ngài, mà xếp họ chung với thế gian. Ngài phán: “Thế gian chẳng ghét các ngươi được; nhưng ghét Ta, vì Ta làm chứng nầy về họ rằng công việc họ là ác”. Thế gian không ghét những kẻ mang tinh thần giống nó; thế gian yêu họ như yêu những kẻ thuộc về mình. CCC2 158.3

Với Đấng Cứu Thế, thế gian không phải là một nơi hưởng lạc, cũng không phải là nơi để tiến thân. Ngài không chờ đợi cơ hội thuận lợi để nắm lấy quyền lực và vinh quang thế gian. Với Ngài, những điều đó thật không đáng. Thế gian là nơi Cha gửi Ngài đến. Ngài đã được ban cho vì sự sống của thế gian, để thực hiện chương trình cứu rỗi vĩ đại. Ngài đang hoàn thành chức vụ của mình vì dòng dõi sa ngã. Nhưng Ngài không được có bất kỳ sơ xuất dù nhỏ nhất, không được lao đầu vào nguy hiểm, không được gây ra một cuộc khủng hoảng nào. Mỗi biến cố trong chức vụ của Ngài đều có kỳ định. Ngài phải kiên nhẫn chờ đợi. Ngài biết rằng Ngài phải đối mặt với sự thù nghịch của thế gian. Ngài biết rằng chức vụ sẽ dẫn Ngài tới chỗ chết; nhưng liều mình quá sớm lại không phải là ý định của Cha Ngài. CCC2 158.4

Từ thành Giê-ru-sa-lem mà các phép lạ của Đấng Cứu Thế đã được loan truyền ra khắp những nơi có người Giu-đa sinh sống; và mặc dù Ngài vắng mặt trong nhiều tháng tại các kỳ lễ, nhưng người ta cũng không ngớt chú ý đến Ngài. Nhiều người từ khắp nơi trên đất đã tới nhân dịp lễ Lều-tạm với hi vọng được trông thấy Ngài. Ngay từ đầu kỳ lễ, người ta đã dò hỏi về Ngài. CCC2 159.1

Người Pha-ri-si và các quan trưởng mong Ngài đến, hi vọng đây sẽ là cơ hội để lên án Ngài. Họ lo lắng hỏi nhau: “Nào người ở đâu?” nhưng không ai biết. Ý nghĩ về Ngài choán trọn mọi tâm trí. Vì sợ các thầy tế lễ và các quan trưởng, nên không ai dám nhìn nhận Ngài là Đấng Mê-si, nhưng đâu đâu người ta cũng hăng hái bàn luận về Ngài. Nhiều người bênh vực Ngài là Đấng được Đức Chúa Trời gửi đến, trong khi những người khác lại tố cáo Ngài là kẻ phỉnh dỗ dân chúng. CCC2 159.2

Trong khi đó, Đức Chúa Giê-su đã lặng lẽ tới thành Giê-ru-sa-lem. Ngài chọn một con đường vắng vẻ để tránh sự chú ý của những người qua lại từ khắp nơi đang trên đường đi đến Giê-ru-sa-lem. Nếu Ngài gia nhập vào một đoàn người đi dự lễ nào đó, Ngài sẽ lôi kéo sự chú ý của đám đông khi vào thành, và việc đám đông ủng hộ Ngài sẽ làm cho nhà cầm quyền đứng lên 159 chống lại Ngài. Chính vì vậy mà Ngài đã chọn đi một mình. CCC2 159.3

Vào giữa kỳ lễ, khi sự quan tâm dành cho Ngài lên tới đỉnh điểm, Ngài bước vào sân đền thờ, trước mặt cả đoàn dân đông. Vì Ngài vắng mặt trong kỳ lễ, nên người ta bàn luận rằng Ngài đã không dám dẫn mình tới nơi đã bị nằm dưới quyền kiểm soát của các thầy tế lễ và các quan trưởng. Mọi người kinh ngạc khi thấy Ngài xuất hiện. Mọi tiếng nói im bặt. Ai cũng ngạc nhiên trước thái độ đường hoàng và lòng can đảm của Ngài khi Ngài đứng giữa những kẻ thù nghịch có quyền hành và đang thèm khát mạng sống của Ngài. CCC2 159.4

Ngài đứng đó và trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của đám đông, Đức Chúa Giê-su ngỏ lời với họ, điều mà từ trước đến nay chưa có người nào làm như vậy. Lời Ngài bộc lộ sự hiểu biết về luật pháp và các thể chế của Y-sơra-ên, về việc tế lễ và lời dạy của các tiên tri, đó là những lời vượt xa sự hiểu biết của các thầy tế lễ và các thầy thông giáo. Ngài phá đổ hàng rào của chủ nghĩa hình thức và lời truyền khẩu. Các cảnh tượng về cuộc sống tương lai như trải ra trước mặt Ngài. Với tư cách là người đã thấy Đấng Không Thể Nhìn thấy Bằng Mắt Thường, Ngài nói về thế gian và thiên đàng, về bản chất con người và bổn thể của Đức Chúa Trời, với quyền phép mạnh mẽ. Các lời của Ngài là những lời rõ ràng và có sức thuyết phục nhất; và một lần nữa, như tại Ca-bê-na-um, dân chúng đã ngạc nhiên về sự dạy dỗ của Ngài, “vì Ngài dùng quyền phép mà phán.” (Lu-ca 4: 32). Bằng nhiều cách khác nhau, CCC2 159.5

Ngài cảnh báo người nghe về tai ương sẽ đuổi theo tất cả những ai đã khước từ các ơn phước Ngài đến để ban cho họ. Ngài đã cho họ mọi chứng cớ xác thực rằng Ngài đã đến từ Đức Chúa Trời, và làm tất cả những gì có thể để khiến họ ăn năn. Có lẽ Ngài đã không bị chính dân mình khước từ và giết chết nếu họ để Ngài cứu họ khỏi việc làm tội lỗi như dân này đã làm. CCC2 159.6

Mọi người đều ngạc nhiên vì sự hiểu biết của Ngài về luật pháp và về lời tiên tri. Và người ta hỏi nhau: “Người nầy chưa từng học, làm sao biết được Kinh Thánh?” Không ai có quyền làm một thầy dạy luật nếu không theo học tại trường của các thầy thông giáo, và cả Đức Chúa Giê-su lẫn Giăng Báp-tít đều bị coi là những kẻ dốt nát vì hai người đã không được họ đào tạo. Những người nghe Đức Chúa Giê-su và Giăng Báp-tít đều kinh ngạc vì sự hiểu biết Kinh Thánh mà hai người vốn chưa từng học. Đúng là Đức Chúa Giê-su và Giăng Báp-tít đã không học ở loài người; nhưng Đức Chúa Trời trên trời là Thầy Giáo của hai người, và Đức Chúa Giê-su cùng Giăng Báp-tít đã nhận được sự khôn ngoan cao nhất từ Đức Chúa Trời. Dân chúng say mê nghe Đức Chúa Giê-su giảng dạy tại sân đền thờ. Ngay cả những người chống lại Ngài cách dữ dội nhất cũng cảm thấy chẳng có lý do gì để gây hại cho Ngài. Trong lúc này, mọi mối quan tâm khác đều bị gác sang một bên. CCC2 160.1

Hết ngày này sang ngày khác, Ngài dạy dỗ dân chúng, cho tới “ngày trọng 160 thể trong kỳ lễ”. Sáng hôm ấy, dân chúng mệt mỏi vì kỳ lễ kéo dài. Bỗng Đức Chúa Giê-su cất cao giọng, giọng Ngài vang khắp các sân đền thờ: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng Ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy”. Tình trạng lúc bây giờ của dân chúng càng khiến lời kêu gọi của Chúa Giê-su đầy sức thuyết phục. Họ đã bị lôi kéo vào trong cảnh phô trương và lễ hội kéo dài, mắt họ bị choáng ngợp bởi ánh sáng và màu sắc, tai họ đã thưởng thức thứ âm nhạc du dương nhất, nhưng vẫn không có gì trong chuỗi dài những nghi lễ này có thể thỏa đáp được sự thiếu thốn trong tâm hồn họ, không có gì thỏa mãn cơn khát khao của linh hồn họ, cơn khát khao mà nhờ đó linh hồn không bị hư mất. Đức Chúa Giê-su đã khuyên mời họ hãy đến và uống nước hằng sống, nước sống ấy sẽ còn tràn chảy từ trong lòng họ, và văng ra cho đến sự sống đời đời. CCC2 160.2

Sáng hôm đó, thầy tế lễ đã cử hành nghi lễ, nhằm tưởng nhớ đến sự kiện Môi-se đập hòn đá trong đồng vắng. Hòn đá ấy là hình ảnh tượng trưng cho Đức Chúa Giê-su, Đấng đã bởi sự chết mình mà tuôn trào những nguồn suối hằng sống của sự cứu rỗi, chảy tràn cho tất cả những ai khao khát nước sống đó. Các lời của Đấng Cứu Thế là nước sự sống. Ở đó, trước mặt đoàn dân đông nhóm lại, Ngài đặt mình riêng ra, để mình Ngài chịu bị đánh bị đập, hầu cho nước sự sống có thể chảy ra cho thế gian. Trong việc đánh đập lên Đấng Cứu Thế, Sa-tan nghĩ rằng hắn có thể tiêu diệt Vua sự sống; nhưng từ tảng đá bị đánh bị đập ấy, nước sự sống đã tuôn trào. Khi Đức Chúa Giê-su nói như vậy trước dân chúng, lòng họ run lên bởi một nỗi kính sợ lạ lùng, và nhiều người đã sẵn sàng kêu lên như người đàn bà xứ Sa-ma-ri: “Xin cho tôi nước ấy, để cho tôi không khát.” (Giăng 4:15). CCC2 160.3

Đức Chúa Giê-su thấu hiểu những mong mỏi của linh hồn con người. Sự tráng lệ, giàu sang và danh vọng không thể thỏa mãn lòng người. “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống”. Kẻ giàu, người nghèo, kẻ sang, người hèn, tất cả đều được Ngài đón nhận như nhau. Ngài hứa sẽ làm nhẹ bớt gánh nặng tâm trí, an ủi kẻ sầu khổ và đem lại hi vọng cho kẻ chán nản. CCC2 161.1

Phần nhiều trong số những người được nghe Đức Chúa Giê-su đã phải bật lên tiếng khóc than cho những niềm hi vọng bị đánh cắp, nhiều người đang phải ôm một nỗi khổ thầm kín, nhiều người đang tìm cách thỏa mãn lòng ước ao không cùng những sự thuộc thế gian này và sự ca ngợi của người đời; nhưng khi đạt được tất cả, họ lại thấy rằng họ đã vất vả chỉ để có được một cái thùng nước bị bể không thể làm dịu cơn khát của mình được. Giữa sự lộng lẫy của những cảnh tượng vui mừng, họ vẫn là những kẻ có lòng đầy bất mãn và phiền muộn. Tiếng kêu lớn và bất thình lình, rằng: “Nếu người nào khát” đã thức tỉnh họ khỏi những ý nghĩ sầu não, và khi nghe được những lời tiếp theo, lòng họ bùng lên một niềm hi vọng tươi mới. Đức Thánh Linh đã bày ra trước mắt họ biểu tượng cho tới khi họ nhìn thấy trong đó ơn cứu rỗi vô giá được ban tặng cho họ. CCC2 161.2

Lời Đấng Cứu Thế kêu gọi những linh hồn bị héo hon trong cơn khát vẫn 161 còn đang vang vọng, với chúng ta ngày nay, lời này mang sức thuyết phục còn lớn hơn vào ngày cuối cùng trong kỳ lễ lều tạm thuở ấy mà những kẻ tại sân đền thờ đã được nghe. Sông nước hằng sống đã mở ra cho tất cả mọi người. Kẻ mệt nhọc và kiệt sức đều được ban cho suối nước sống đời đời để thỏa cơn khát. Tiếng của Đức Chúa Giê-su vẫn còn vang lên: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng Ta mà uống”. “Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không”. “Nhưng uống nước Ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước Ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời.” (Khải Huyền 22:17; Giăng 4:14). CCC2 161.3