Go to full page →

Chương 52—NGƯỜI CHĂN HIỀN LÀNH CCC2 183

Dựa theo Giăng 10:1-30

“Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.” “Ta là người chăn hiền lành, Ta quen chiên Ta, và chiên Ta quen Ta, cũng như Cha biết Ta, và Ta biết Cha vậy; Ta vì chiên Ta phó sự sống mình”. CCC2 183.1

Bằng lối liên tưởng quen thuộc, Đức Chúa Giê-su lại mở một lối nhỏ đi vào tâm trí của những người nghe Ngài. Ngài ví tác động của Đức Thánh Linh như dòng nước mát mẻ, êm dịu. Ngài tự giới thiệu mình với tư cách là sự sáng, nguồn sống, nguồn phước của thiên nhiên và con người. Giờ đây, thông qua một hình ảnh đẹp về đời sống người chăn chiên, Ngài lại giải bày mối quan hệ giữa Ngài với những ai tin cậy Ngài. Không có hình ảnh nào quen thuộc với những kẻ nghe Ngài bằng hình ảnh này, và những lời phán của Đấng Cứu Thế đã gắn hình ảnh này với chính Ngài mãi mãi. Không bao giờ các môn đồ nhìn thấy những người chăn chiên dắt chiên mình đi mà lại không nhớ tới bài học của Cứu Chúa. Họ sẽ nhìn thấy Đấng Cứu Thế qua mỗi người chăn chiên trung tín. Họ sẽ nhìn thấy chính mình qua từng đàn chiên bơ vơ, không nơi nương tựa. CCC2 183.2

Tiên tri Ê-sai đã áp dụng hình ảnh này cho Đấng Mê-si, trong những lời đầy an ủi sau: “Ai rao tin lành cho Si-ôn, hãy lên trên núi cao! Ai rao tin lành cho Giê-ru-sa-lem, hãy ra sức cất tiếng lên! Hãy cất tiếng lên, đừng sợ! Hãy bảo các thành của Giu-đa rằng: Đức Chúa Trời của các ngươi đây! ... Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẩm vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đương cho bú.” (Ê-sai 40: 9-11). Vua Đa-vít đã hát: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.” (Thi Thiên 23: 1). Đức Thánh Linh cũng phán qua Ê-xê-chi-ên: “Ta sẽ lập trên chúng nó chỉ một kẻ chăn, người sẽ chăn chúng nó.” “Ta sẽ tìm con nào đã mất, dắt về con nào đã bị đuổi, rịt thuốc cho con nào bị gãy, và làm cho con nào đau được mạnh.” “Bấy giờ Ta sẽ kết với chiên Ta một giao ước hòa bình.” “Chúng nó sẽ chẳng làm mồi của các dân ngoại nữa;... chúng nó sẽ ở yên ổn, chẳng ai làm cho sợ hãi.” (Ê-xê-chi-ên 34: 23, 16, 25, 28). Đấng Cứu Thế đã áp dụng những lời tiên tri này cho chính Ngài và những lời đó nêu bật sự tương phản giữa tánh hạnh của chính Ngài với tánh hạnh của những bậc lãnh đạo trong dân Y-sơ-ra-ên. Người Pha-ri-si vừa dẫn một con chiên ra khỏi chuồng, bởi vì con chiên này đã dám làm chứng về quyền năng của Đấng Cứu Thế. Họ đã làm hư mất một linh hồn mà Đấng Chăn Chiên Chân Thật đang kéo về với Ngài. Qua sự kiện này, họ đã tự cho thấy rằng họ chẳng biết gì về công việc đã được giao phó cho mình, cũng chẳng xứng đáng với trách nhiệm người chăn chiên. Đức Chúa Giê-su lúc này đã đặt trước họ sự tương phản giữa họ và Đấng Chăn Chiên hiền lành, và Ngài ngụ ý rằng Ngài chính là người chăn chiên chân 184 thật của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trước khi làm vậy, Ngài nói về mình qua một hình ảnh khác. CCC2 183.3

Ngài phán: “Kẻ nào chẳng bởi cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào từ nơi khác, thì người đó là trộm cướp. Nhưng kẻ bởi cửa mà vào, là người chăn chiên”. Người Pha-ri-si không hiểu được rằng những lời này được phán ra để đối kháng lại họ. Khi họ đang tìm hiểu trong lòng về ý nghĩa của những lời này, thì Đức Chúa Giê-su đã cắt nghĩa cho họ một cách rõ ràng: “Ta là cái cửa: Nếu ai bởi Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi; họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt; còn Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật”. CCC2 184.1

Đấng Cứu Thế là cái cửa cho đàn chiên của Đức Chúa Trời. Qua cái cửa này, mọi con cái của Ngài từ buổi sáng thế đã tìm thấy lối vào. Trong Đức Chúa Giê-su, những sự dạy dỗ lúc thì được bày tỏ qua hình bóng, lúc thì được ẩn ý trong các biểu tượng, lúc lại được biểu lộ trong mặc khải của các tiên tri, có lúc thì được bảy tỏ cách rõ ràng trong các bài học cho các môn đồ của Ngài, và cũng có lúc những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su còn được ban phát qua các phép lạ Ngài thực hiện cho con cái loài người, qua đó họ đã nhìn thấy “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1: 29), và qua Ngài, họ đã được gia nhập vào đàn chiên của ân điển Ngài. Có nhiều người đã đến, và họ đưa ra những đối tượng khác để thế giới tin theo; cũng có nhiều nghi lễ và hệ thống đã được sáng lập với hi vọng nhờ đó con người được xưng công bình và bình an trong Đức Chúa Trời, và họ làm vậy để tìm thấy lối vào nơi bầy chiên của Đức Chúa Trời. Nhưng chỉ có một cái cửa duy nhất là Đấng Cứu Thế, và tất cả những ai đưa ra một cái gì khác để thay thế Đấng Cứu Thế, cũng như tất cả những ai đã cố gắng vào chuồng chiên bằng một con đường khác, thì đều là quân trộm cướp. Người Pha-ri-si không bởi cửa mà vào chuồng chiên. Họ đã trèo vào chuồng bằng một con đường khác mà không qua Đấng Cứu Thế, và họ đã không làm tròn chức vụ của người chăn chiên chân thật. Các thầy tế lễ, các quan trưởng, các thầy thư ký và người Pha-ri-si đã hủy hoại đồng cỏ xanh tươi, và làm vẩn đục các nguồn suối sự sống. Bởi Đức Thánh Linh cảm động, tiên tri Ê-xê-chi-ên đã mô tả một cách chính xác những kẻ chăn chiên giả mạo này như sau: “Các ngươi chẳng làm cho những con chiên mắc bịnh nên mạnh, chẳng chữa lành những con đau, chẳng rịt thuốc những con bị thương; chẳng đem những con bị đuổi về, chẳng tìm những con bị lạc mất; song các ngươi lại lấy sự độc dữ gay gắt mà cai trị chúng nó.” (Ê-xê-chi-ên 34:4) CCC2 184.2

Ở mọi thời đại, các triết gia và giáo sư đã đưa ra những lý thuyết cốt để thỏa mãn nhu cầu của linh hồn. Dân tộc ngoại bang nào cũng có những giáo sư lớn và các hệ thống tôn giáo cung cấp những con đường cứu rỗi mà không bởi Đấng Cứu Thế, khiến loài người xây mặt khỏi Đức Chúa Cha, và lòng họ đầy sợ hãi Đấng vốn chỉ ban ơn phước cho họ mà thôi. Lề lối làm việc của họ là cướp đi những gì thuộc về Đức Chúa Trời, là những điều trong công cuộc tạo dựng lẫn trong chương trình cứu rỗi của Ngài. Các giáo sư giả còn ăn cướp người nữa. Hàng triệu người đang bị buộc chặt vào những tôn giáo sai lạc, họ phải ở trong sự ràng buộc bởi làm nô lệ cho sự sợ hãi, sự thờ ơ, họ phải chịu khó nhọc như những con vật đang phải chở hàng nặng, họ bị lấy mất niềm hi vọng, sự vui mừng, hay họ còn bị lấy đi ngay cả khát vọng ở đời này, và trong họ chỉ có nỗi sợ hãi mù quáng về đời sau. Chỉ có Tin Lành về ân điển của Đức Chúa Trời mới có thể nâng linh hồn người ta lên. Việc ngưỡng vọng tình yêu của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua Con Ngài sẽ thôi thúc lòng người và làm tỉnh thức các năng lực của linh hồn mà không gì khác có thể làm được. Đấng Cứu Thế đã đến để tái tạo hình ảnh Đức Chúa Trời trong con người; và kẻ nào làm người khác xây lưng lại với Đấng Cứu Thế, tức là kẻ đó đang làm cho người ta xây lưng lại với nguồn phát triển thực sự; kẻ đó đang lừa gạt người ta về niềm hi vọng, về mục đích và nét tươi đẹp của cuộc sống. Hắn chính là một tên trộm cướp. CCC2 185.1

“Kẻ bởi cửa mà vào, là người chăn chiên”. Đấng Cứu Thế vừa là cái cửa chuồng chiên vừa là người chăn chiên. Ngài bởi chính Ngài mà vào chuồng chiên. Ngài đã trở thành người chăn chiên nhờ lễ tế của chính bản thân mình. “Người canh cửa mở cho, chiên nghe tiếng người chăn; người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài. Khi người đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người”. CCC2 185.2

Trong tất cả các tạo vật, chiên là con vật nhút nhát và vô phương tự vệ nhất. Ở phương Đông, người chăn chiên phải chăm lo cho đàn chiên của mình mà không được mỏi mệt hay gián đoạn. Từ hồi xa xưa cũng như lúc bây giờ, vấn đề an ninh phía bên ngoài những bức tường thành không được an toàn cho lắm. Những tên cướp từ các bộ lạc du mục vùng biên giới, hay các con thú săn mồi từ nơi ẩn núp trong hốc đá, thường chực sẵn để cướp đàn chiên. Người chăn chiên canh gác đàn chiên dù biết rằng công việc này có thể nguy hiểm tới tính mạng. Gia-cốp, người canh giữ đàn chiên của La-ban trong vùng đồng cỏ Ha-ran, đã mô tả công việc mà ông không bao giờ cảm thấy mệt mỏi như sau: “Ban ngày tôi chịu nắng nồng, ban đêm chịu lạnh lùng, ngủ nào có an giấc được đâu.” (Sáng Thế Ký 31:40). Cả chàng trai trẻ Đa-vít, trong khi canh gác bầy chiên của cha mình, cũng đã từng một mình đối mặt với sư tử và gấu để cứu chiên con khỏi nanh vuốt của kẻ cướp. CCC2 185.3

Khi người chăn chiên dắt đàn chiên của mình trên vùng đồi núi đá lởm chởm, băng qua rừng và băng qua những vực thẳm hoang sơ để tới vùng cỏ mọc bên bờ sông, người chăn chiên phải canh chừng đàn chiên trên núi trong đêm vắng lặng, người chăn chiên phải che chở chúng khỏi kẻ cướp, họ âu yếm vác trên vai con chiên bệnh tật, những con chiên ốm yếu, đến nỗi cuộc sống của người chăn dần trở nên như một với cuộc sống bầy chiên. Một sự ràng buộc hiệp nhất chặt chẽ và trìu mến giữa người chăn với những con vật mình chăm sóc. Dù đàn chiên có đông đúc đến như thế nào đi chăng nữa, người chăn vẫn biết từng con chiên một. Mỗi con chiên đều có tên và chúng biết nghe theo tiếng người chăn. CCC2 186.1

Như một người chăn chiên chốn trần gian biết chiên của mình, thì Đấng Chăn Chiên trên trời còn biết rõ hơn vô cùng về đàn chiên của Ngài hiện đang ở rải rác khắp thế giới. “Bay là chiên của Ta, là chiên của đòng cỏ Ta; bay là loài người và Ta là Đức Chúa Trời bay, Chúa Giê-hô-va phán vậy.” (Ê-xê-chi-ên 34: 31). Đức Chúa Giê-su phán: “Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về Ta.” (Ê-sai 43: 1). “Ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay Ta.” (Ê-sai 49:16). CCC2 186.2

Đức Chúa Giê-su biết từng người trong chúng ta, và Ngài đau lòng khi nghĩ tới sự yếu đuối của chúng ta. Ngài biết tên của tất cả chúng ta. Ngài biết căn nhà chúng ta đang sống, Ngài biết tên của từng người trong nhà. Có trường hợp chính Đức Chúa Giê-su hướng dẫn các tôi tớ Ngài tới một con phố bất kỳ trong một thành nào đó để tìm một ngôi nhà, tìm gặp một trong số các con chiên của Ngài. CCC2 186.3

Mỗi linh hồn đều được Đức Chúa Giê-su biết một cách rất rõ ràng, như thể đó là linh hồn duy nhất mà Cứu Chúa đã chết thay. Lòng Ngài cảm động vì những khốn khó của từng linh hồn. Tiếng kêu van cầu cứu của họ thâu tới tai Ngài. Ngài đến để kéo tất cả về với Ngài. Ngài truyền cho họ: “Hãy theo Ta”. Và Đức Thánh Linh của Ngài cảm động lòng họ để kéo họ về với Ngài. Nhiều người từ chối Ngài vì họ không muốn được kéo đến với Ngài. Đức Chúa Giê-su biết họ là ai. Ngài cũng biết những ai là người hân hoan lắng nghe lời Ngài kêu gọi, và Ngài sẵn sàng đến với họ dưới sự chăm sóc của người Chăn chiên. Ngài phán: “Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta quen nó, và nó theo Ta”. Ngài chăm sóc từng con chiên một như thể ngoài nó ra chẳng còn con nào khác trên thế gian này vậy. CCC2 186.4

Ngài “kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài...” Và “chiên theo sau, vì chiên quen tiếng” Ngài. Những người chăn chiên ở phương Đông không dắt chiên của mình đi, nghĩa là họ không sử dụng roi vọt hay làm chúng sợ hãi, nhưng họ đi trước đàn chiên và gọi chúng theo. Chiên nghe tiếng của người chăn và đi theo tiếng gọi. Đấng Chăn Chiên - Đấng Cứu Rỗi cũng làm như vậy đối với đàn chiên của Ngài. Kinh Thánh viết: “Chúa cậy tay Môi-se và A-rôn mà dẫn dắt dân sự Ngài như một đoàn chiên.” (Thi Thiên 77:20). Đức Chúa Giê-su phán qua tiên tri Giê-rê-mi rằng: “Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến.” (Giê-rê-mi 31: 3). Ngài cũng không bắt buộc ai phải theo Ngài: “Ta đã dùng dây nhân tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến. Ta đã như những kẻ cởi ách khỏi hàm chúng nó, và để đồ ăn trước mặt chúng nó.” (Ô-sê 11: 4). CCC2 187.1

Không phải vì sợ hình phạt hay hi vọng được phần thưởng đời đời mà các môn đồ của Đấng Cứu Thế đã đi theo Ngài. Mà họ thấy tình yêu vô đối của 187 Chúa Cứu Thế, tình yêu được thể hiện qua cuộc hành hương của Ngài trên trái đất, từ máng cỏ ở Bết-lê-hem đến thập tự giá tại đồi Ca-va-ri. Họ bị thu hút khi nhìn thấy Ngài. Linh hồn họ như bị tan chảy và hoàn toàn bị khuất phục. Tình yêu được đánh thức trong lòng những ai trông thấy Ngài. Họ nghe tiếng Ngài và đi theo Ngài. CCC2 187.2

Như người chăn chiên đi trước đàn chiên mình, và cũng là người đầu tiên phải đương đầu với hiểm nguy trên đường, Đức Chúa Giê-su cũng đi trước dân sự Ngài như vậy. “Khi người đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau”. Con đường tới thiên đàng đã được làm nên thánh bởi dấu chân của Cứu Chúa. Con đường đó có thể dốc và gồ ghề, nhưng Đức Chúa Giê-su đã đi trên con đường này rồi; chân của Ngài đã đè bẹp những bụi gai độc, để làm đường đi trở nên dễ chịu hơn cho chúng ta. Mọi gánh nặng mà chúng ta được kêu gọi để gánh vác, Ngài đều đã gánh cả rồi. CCC2 187.3

Mặc dù giờ đây Ngài đã lên trước mặt Đức Chúa Trời, và Ngài cùng Đức Chúa Cha cai quản cả vũ trụ, nhưng Đức Chúa Giê-su vẫn giữ nguyên bổn tánh hay thương xót của Ngài. Ngày nay, cũng chính tấm lòng nhân từ, đầy thương cảm ấy đang mở ra trước mọi nỗi thống khổ của nhân loại. Ngày nay bàn tay đã bị đâm thâu vẫn giơ ra để ban phước dư dật cho dân sự Ngài, là những người vẫn còn ở trong thế gian: “nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay Ta”. Với Đấng Cứu Thế, linh hồn đã phó thác cho Ngài còn quý báu hơn cả thế gian. Cứu Chúa đã phải trải qua cơn hấp hối tại Ca-va-ri để con người có cơ hội được cứu rỗi vào trong nước của Ngài. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi kẻ Ngài đã chết thế để cứu chuộc. Ngài giữ chặt lấy những ai theo Ngài, trừ phi họ tự ý bỏ Ngài mà thôi. CCC2 187.4

Chúng ta có một Đấng Cứu Giúp luôn có mặt trong mọi cuộc thử thách của chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ chúng ta một mình, để chúng ta tự chống trả các cơn cám dỗ, hay tự chiến đấu với tội lỗi để rồi cuối cùng phải ngã gục dưới gánh nặng và sầu khổ. Mặc dù giờ đây con mắt xác thịt của chúng ta không còn trông thấy Ngài, nhưng đôi tai của đức tin vẫn có thể nghe được tiếng Ngài phán: Đừng sợ chi, Ta ở với ngươi. Ta “là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời.” (Khải Huyền 1:18). Ta đã chịu những nỗi thống khổ của ngươi, đã kinh nghiệm những cuộc chiến đấu của ngươi, Ta đã đương đầu với những cơn cám dỗ ngươi gặp phải. Ta biết những giọt nước mắt của ngươi; Ta cũng đã khóc. Những nỗi đau khổ sâu đậm, thầm kín không thể thốt ra được bên tai của người đời, Ta cũng đã biết. CCC2 188.1

Đừng nghĩ rằng ngươi lẻ loi và bị bỏ rơi. Mặc dù nỗi đau của ngươi không chạm đến lòng trắc ẩn của người đời, nhưng hãy nhìn lên Ta mà sống. “Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ Ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của Ta chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va, là Đấng 188 thương xót ngươi, phán vậy.” (Ê-sai 54: 10). Dẫu những người chăn chiên yêu thương bầy chiên mình thật nhiều, nhưng họ vẫn yêu con trai, con gái của mình hơn. Đức Chúa Giê-su không chỉ là người chăn chiên của chúng ta; Ngài còn là Cha đời đời của chúng ta. Và Ngài phán: “Ta quen chiên Ta, và chiên Ta quen Ta, cũng như Cha biết Ta, và Ta biết Cha vậy.” Thật là một lời dạy đáng nhớ - Lời dạy của Con Một, Đấng ở trong lòng Cha, Đấng mà Đức Chúa Trời đã tuyên bố: “Người làm bạn hữu Ta” (Xa-cha-ri 13: 7). Sự tương giao giữa Ngài và Cha đời đời được dùng để chỉ về sự tương giao giữa Đấng Cứu Thế và con cái của Ngài trên trái đất. CCC2 188.2

Đức Chúa Giê-su yêu thương chúng ta vì chúng ta là tặng phẩm của Cha Ngài và là phần thưởng của chức vụ Ngài. Ngài yêu thương chúng ta như con cái của Ngài. Bạn thân mến! Đức Chúa Giê-su yêu thương bạn. Ngoài Đức Chúa Giê-su, cả thiên đàng cũng không thể ban cho bạn điều gì lớn hơn, tốt hơn nữa. Vì vậy, bạn hãy đặt trọn niềm tin nơi Ngài. CCC2 188.3

Đức Chúa Giê-su nghĩ đến những linh hồn trên cả thế gian đang bị các kẻ chăn chiên giả lừa dối. Đó là những người đang bị tản lạc khắp nơi giữa vòng muôn sói, Ngài ao ước gọi họ vào đàn chiên của đồng cỏ Ngài. Ngài phán: “Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng nầy; Ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng Ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi”. CCC2 188.4

“Nầy, tại sao Cha yêu Ta: Ấy vì Ta phó sự sống mình, để được lấy lại”. Nghĩa là Cha Ta đã yêu thương ngươi, cho nên Ngài còn yêu thương Ta hơn bởi vì Ta đã phó mạng sống Ta để cứu chuộc ngươi. Khi Ta trở thành người thế chỗ cho ngươi, tức người bảo đảm cho ngươi, khi Ta hi sinh mạng sống Ta, lãnh lấy các khoản nợ, những tội lỗi của ngươi, Ta được Cha quý mến vô cùng. CCC2 188.5

“Ta phó sự sống mình, để được lấy lại. Chẩng có ai cất sự sống Ta đi, nhưng tự Ta phó cho; Ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại”. Với tư cách là một thành viên trong gia đình nhân loại, Ngài cũng mang lấy sự hay chết của con người, nhưng với tư cách là Đức Chúa Trời, Ngài là nguồn sống cho thế gian. Ngài có quyền năng để chiến thắng sự chết và từ chối ở dưới quyền thống trị của sự chết; nhưng Ngài đã tình nguyện hi sinh mạng sống mình để có thể đem sự sống và sự không hay chết ra ánh sáng. Ngài gánh vác tội lỗi thế gian, chịu lấy nguyền rủa, Ngài dâng sự sống mình như một của tế lễ, để loài người không phải chết đời đời. “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta;... Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” (Ê-sai 53:4-6). CCC2 189.1