Suốt bốn mươi năm, dân Y-sơ-ra-ên mải miết lòng vòng trong quang cảnh bao la, không biết đường ra khỏi sa mạc. Họ đã từ chối Chúa khi dấy loạn ở Ca-đét nên Chúa cũng không đoái hoài đến họ trong một thời gian. Từ khi họ không giữ lời hứa với Ngài thì họ cũng không nhận dấu hiệu giao ước của nghi thức cắt bao qui đầu nữa. Mong muốn của họ trở về nơi sống kiếp nô lệ là bằng chứng họ không xứng đáng được giải phóng, Lễ Vượt Qua được thiết lập nhằm kỷ niệm và chào mừng công cuộc giải phóng nô lệ cũng không được tiếp tục cử hành. KTS 203.1
Tuy nhiên, việc phục vụ đền thánh vẫn duy trì chứng tỏ Chúa không hoàn toàn từ bỏ dân sự Ngài. Ngài vẫn cung cấp sự chăm sóc thiêng liêng đáp ứng nhu cầu cho họ. “Vì Chúa biết hành trình đi xuyên qua hoang mạc này của các ngươi. Trong bốn mươi năm, Giê-hô-va Đức Chúa Trời vẫn ở với các ngươi, các ngươi không thiếu thốn gì cả” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 2:7). Chúa vẫn chăm sóc dân Y-sơ-ra-ên trong ngần ấy năm lưu đày: “Chúa cũng ban cho họ Thần Linh tốt lành của Ngài để dạy dỗ họ… trong hoang mạc… quần áo họ không sờn rách, chân họ không bị phù lên” (Nê-hê-mi 9:20, 21). KTS 203.2
Hoang mạc đã huấn luyện cho thế hệ kế tiếp chuẩn bị vào Đất Hứa. Môi-se tuyên bố: “Chúa sửa phạt anh em như người cha sửa phạt con mình”, “Ngài hạ anh em xuống và thử thách anh em để biết rõ lòng anh em thể nào, có tuân giữ điều răn của Ngài hay không. Ngài hạ anh em xuống khiến anh em gặp cảnh đói khổ rồi cho anh em ăn ma-na mà anh em và tổ phụ anh em chưa từng biết để anh em biết rằng loài người sống không chỉ nhờ bánh, nhưng nhờ mọi lời phán từ miệng Đức Giê-hô-va” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8, 5,2,3). KTS 203.3
“Vì mỗi khi dân Ngài bị khốn khổ thì chính Ngài cũng khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ. Vì tình yêu và lòng thương xót, chính Ngài đã cứu chuộc họ. Ngài đã bồng ẵm và mang lấy họ suốt các ngày thuở xưa (Ê-sai 63:9). KTS 203.4
Cuộc nổi loạn do Cô-rê gây ra dẫn đến cái chết của mười bốn ngàn người Y-sơ-ra-ên, rõ ràng các trường hợp nổi loạn đều chứng minh cùng một tinh thần giống như vậy đó là không tôn trọng thẩm quyền của Chúa. KTS 203.5
Chỉ có một trường hợp là một người trẻ trong đám dân ô hợp rời bỏ Ai Cập đi theo dân Y-sơ-ra-ên, anh ta không chịu dựng lều ở riêng mà đòi vào dựng lều chung với khu vực của dân Y-sơ-ra-ên. Một cuộc ẩu đả phát sinh giữa anh ta và một người Y-sơ-ra-ên đến nỗi người ta phải trình sự vụ ra các thẩm phán xét xử. Họ quyết định phản đối kẻ vi phạm. KTS 203.6
Nổi giận với phán xét này, anh ta nguyền rủa thẩm phán rồi phỉ báng danh Chúa. Ngay tức khắc, anh ta bị lôi tới Môi-se. Người ta giam giữ anh ta chờ đến khi ý Chúa được bày tỏ rõ ràng. Chính Chúa tuyên án kẻ phỉ báng phải bị đưa ra ngoài trại rồi ném đá cho đến chết. Tất cả người nào là nhân chứng thì sẽ đặt tay lên đầu anh ta, nghiêm nghị chứng nhận việc anh ta nói là có thật. Sau đó, họ ném đá trước, tiếp theo là những người đi theo cùng ném đá. (Xem thêm Lê-vi Ký 24:14; Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:7). KTS 203.7