Dựa theo Ma-thi-ơ 12:22-50; Mác 3:20-35
Những người con của Giô-sép hững hờ với Đức Chúa Giê-su trong chức vụ Ngài. Những lời thuật lại về đời sống và công việc của Ngài tới tai họ làm họ kinh ngạc và bàng hoàng. Họ nghe nói rằng: Nhiều đêm Ngài dành trọn để tương giao với Đức Chúa Cha. Ngày này qua ngày khác, Ngài bị bao vây bởi đám đông dân chúng và Ngài cũng chẳng dành chút thì giờ cho bản thân để ăn uống. Còn các môn đồ Ngài lại có cảm giác rằng Ngài đang kiệt sức vì làm việc không ngừng. Họ không thể hiểu được thái độ của Ngài đối với những người Pha-ri-si và có người còn sợ rằng tâm thần Ngài đang bấn loạn. CCC2 31.1
Các anh em Ngài cũng nghe nói về điều này và về cả lời buộc tội của những người Pha-ri-si rằng: Ngài đã lấy quyền phép của Sa-tan mà trừ quỷ. Họ cảm thấy nhục nhã ê chề vì những lời người ta trách cứ về mối quan hệ của họ với Đức Chúa Giê-su. Họ biết lời nói và việc làm của Ngài đã gây hoang mang như thế nào, và họ không chỉ sửng sốt trước những khẳng định táo bạo của Ngài mà còn phẫn nộ trước những lời Ngài tố cáo các thầy thơ ký và người Pha-ri-si. Họ quyết định phải thuyết phục hoặc bắt ép Ngài chấm dứt cách hành động như vậy và kéo bà Ma-ri về phía họ, họ nghĩ rằng vì tình yêu thương Ngài dành cho mẹ mà họ có thể khiến Ngài trở nên thận trọng hơn. CCC2 31.2
Tình hình này diễn ra ngay trước lúc Đức Chúa Giê-su làm phép lạ lần thứ hai để đuổi quỷ ra khỏi một người mù và câm. Người Pha-ri-si đã lặp lại lời buộc tội: “ Người này cậy phép chúa quỷ mà trừ quỷ.”(Ma-thi-ơ 9:34). Đấng Cứu Thế đã trả lời họ rõ ràng rằng: Khi họ cả gan coi hành động của Đức Thánh Linh là công việc của Sa-tan, thì họ đã tự tách mình ra khỏi nguồn ơn phước. Những kẻ đã lên tiếng chống lại Đức Chúa Giê-su, vì không nhận ra thần tánh của Ngài, còn có thể được tha thứ; bởi vì nhờ Đức Thánh Linh, họ có thể được dẫn dắt tới chỗ nhận thức sự sai lầm của mình và ăn năn. Bất kể người ta phạm tội gì, nếu biết ăn năn và có đức tin, người ta cũng sẽ được thanh tẩy trong huyết của Đấng Cứu Thế; nhưng kẻ nào khước từ hành động của Đức Thánh Linh, kẻ đó đang tự đặt mình vào tình trạng không thể có được lòng ăn năn và tin tưởng đối với Đấng Cứu Thế. Chính nhờ Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời làm việc trong tâm hồn con người; khi con người cố ý xua đuổi Đức Thánh Linh và tuyên bố Ngài từ Sa-tan mà đến, họ đã cắt đứt sợi dây liên lạc với Đức Chúa Trời. Cho đến cuối cùng, khi Đức Thánh Linh cũng bị khước từ, thì Đức Chúa Trời chẳng thể làm gì cho linh hồn đó được nữa. CCC2 31.3
Bản thân những người Pha-ri-si nhận được lời cảnh cáo này của Đấng Cứu Thế đã không tin vào các luận lẽ hòng cáo buộc Ngài. Hết thảy những người có quyền chức đó đều cảm thấy được kéo tới với Chúa Cứu Thế. Họ đã nghe thấy tiếng của Đức Thánh Linh phán trong lòng rằng Ngài chính là Đấng được xức dầu của Y-sơ-ra-ên, và Đức Chúa Thánh Linh thôi thúc họ nhận mình là môn đồ của Ngài. Trong ánh hào quang vinh hiển bởi sự hiện diện của Ngài, họ đã nhận ra sự bất khiết của mình, và ước ao có được sự công bình mà bản thân họ không thể tạo ra được. Còn nếu một. CCC2 32.1
Nhưng thật tiếc thay, sau khi họ khước từ Đức Thánh Linh, thì việc tiếp nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si lại khiến họ cảm thấy bị bẻ mặt. Khi họ đã lỡ sa chân vào con đường vô tín, họ kiêu ngạo đến nỗi không thể thừa nhận sự lầm lạc của mình. Và để ngăn cản sự hiểu biết Lẽ Thật, họ cố gắng một cách tuyệt vọng hầu bác bỏ những lời dạy dỗ của Chúa Cứu Thế. Bằng chứng về quyền phép và lòng nhân từ của Ngài làm họ tức giận. Họ không thể ngăn cản Ngài làm phép lạ, họ không thể bắt Ngài thôi giảng dạy. Nhưng họ làm tất cả để xuyên tạc Ngài và bóp méo Lời Ngài. Nhưng Đức Thánh Linh, Đấng cho họ thấy tội lỗi, vẫn còn theo đuổi họ, và họ phải dựng nên đủ mọi thứ hàng rào để chống lại quyền phép của Ngài. Lực tác động mạnh mẽ nhất mà lòng người có thể chịu đựng đã được vận hành trên họ, nhưng họ vẫn cứng lòng, không chịu khuất phục. CCC2 32.2
Không phải Đức Chúa Trời đã bịt mắt người ta và khiến người ta cứng lòng. Ngài đã gửi cho họ ánh sáng để sửa chữa sai lầm và dẫn họ đi vào con đường bình an. Chính vì họ đã khước từ ánh sáng đó mà mắt họ đã ra mù lòa và lòng họ trở nên cứng cỏi. Quá trình này lần lượt diễn ra, từ thấp lên cao và nhiều khi người ta không nhận ra. Ánh sáng đến với linh hồn qua Lời của Đức Chúa Trời, qua các tôi tớ của Ngài hay bởi tác động trực tiếp của Đức Thánh Linh. Nhưng khi một tia sáng bị khinh dể, sự nhận thức thuộc linh phần nào bị tê liệt. Và mặc khải lần thứ hai của ánh sáng sẽ được nhận ra kém rõ ràng hơn. Tối tăm mỗi lúc mỗi dày đặc cho tới khi màn đêm bao trùm trên linh hồn. Trường hợp của những bậc lãnh đạo trong Y-sơ-ra-ên là như vậy. Họ xác tín rằng Đấng Cứu Thế có quyền phép của Đức Chúa Trời, nhưng để chống lại Lẽ Thật, họ lại gán công việc của Đức Thánh Linh cho Sa-tan. Làm như vậy, họ đã cố ý lựa chọn sự lừa bịp; họ thuần phục Sa-tan, và từ đó, họ bị quyền lực Sa-tan điều khiển. CCC2 32.3
Song song với lời cảnh cáo của Đấng Cứu Thế liên quan đến tội kháng cự Đức Thánh Linh là một lời cảnh cáo nhằm lên án những lời nói vu vơ, xấu xa. Lời nói bày tỏ những gì có trong lòng. “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra”. Nhưng lời nói đã không chỉ bộc lộ tâm tính mà thôi. Lời nói còn tác động trở lại trên tâm tính. Con người chịu tác động bởi chính những lời nói của mình. Nhiều khi, trong lúc bốc đồng, bị Sa-tan xúi giục, họ tuôn ra những lời đầy ghen tuông, hoài nghi, biểu lộ điều họ không thực sự tin. Tuy thế, những lời nói ấy tác động trở lại trên tư tưởng. Họ đã bị chính những lời nói của mình lừa dối và đi tới chỗ tin điều do Sa-tan xúi giục là thật. Một khi đã đưa ra ý kiến hay quyết định, họ thường quá kiêu ngạo nên nỗi không thể rút lại, và ra sức chứng minh rằng ý kiến hay quyết định ấy đúng cho tới khi họ đi tới chỗ tin theo như vậy. CCC2 33.1
Quả là nguy hiểm khi thốt ra một lời hoài nghi, khi nêu lên thắc mắc hay chỉ trích ánh sáng của Đức Chúa Trời. Thói quen phê phán bừa bãi và thiếu lòng tôn trọng tác động lại tâm tính, nuôi dưỡng sự bất kính và vô tín. Nhiều người dung dưỡng thói quen này đã đi tới chỗ không ý thức về mối nguy hiểm, cho tới khi họ sẵn sàng chỉ trích và khước từ công việc của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Giê-su đã phán: “Đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt”. CCC2 33.2
Đoạn, Ngài lại tiếp tục cảnh tỉnh những kẻ đã được Lời của Ngài tác động, những kẻ đã vui mừng nghe Lời Ngài, nhưng lại không dâng mình làm nơi Đức Thánh Linh ngự trị. Linh hồn có thể bị hủy diệt không chỉ vì chống đối mà thôi, mà còn vì thờ ơ nữa. Đức Chúa Giê-su phán : “Khi tà ma ra khỏi một người, thì nó đi đến nơi khô khan kiếm chỗ nghỉ, nhưng kiếm không được; rồi nó nói rằng: Ta sẽ trở về nhà ta mà ta mới ra khỏi. Khi trở về, thấy nhà không, quét sạch, và sửa soạn tử tế. Nó bèn lại đi, đem về bảy quỷ khác dữ hơn nó nữa, cùng vào nhà đó mà ở”. CCC2 33.3
Trong thời Đấng Cứu Thế cũng như thời nay, nhiều người tưởng chừng đã thoát khỏi sự chế ngự của Sa-tan trong một thời gian nào đó; qua ân điển của Đức Chúa Trời, họ được giải phóng khỏi ma quỷ vốn làm chủ linh hồn họ. Họ hân hoan trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Nhưng giống như những mảnh đất đầy sỏi đá trong ví dụ trên, họ đã không ở trong tình yêu thương của Ngài. Họ không hằng ngày thuần phục Đức Chúa Trời, để Đấng Cứu Thế có thể đến ngự trong lòng họ. Và khi ma quỷ trở lại, với “bảy quỷ khác dữ hơn nó,” họ hoàn toàn bị quyền lực sự dữ chế ngự. CCC2 33.4
Khi linh hồn thuần phục Đấng Cứu Thế, quyền năng mới sẽ nắm lấy tấm lòng mới. Sự thay đổi sẽ diễn ra, con người chẳng thể nào tự mình tạo ra sự thay đổi này được. Đó là một công trình siêu nhiên, đem yếu tố siêu nhiên vào trong nhân tính. Linh hồn chịu khuất phục trước Đấng Cứu Thế trở thành pháo đài của Ngài, được Ngài bảo vệ trong thế gian nổi loạn và Ngài muốn rằng không có quyền lực nào khác ngoài quyền Ngài được tể trị ở đó. Như vậy, một linh hồn được nắm giữ bởi chánh thể thuộc thiên đàng thì các cuộc tấn công của Sa-tan sẽ không đánh bại linh hồn đó được. Nhưng nếu chúng ta không để Đấng Cứu Thế làm chủ, quỷ dữ sẽ làm chủ chúng ta. Chúng ta phải ở dưới quyền kiểm soát của một trong hai quyền lực lớn đang tranh giành quyền chế ngự trên thế gian. Chúng ta chẳng cần phải tự ý chọn phục vụ nước tối tăm để phải sống dưới sự kiểm soát của nó. Chỉ cần chúng ta không chú ý tới việc liên kết với nước sáng láng là cũng đã đủ để thuộc về nước tối tăm. CCC2 34.1
Nếu chúng ta không gắn kết với chánh thể thuộc thiên đàng, Sa-tan sẽ chiếm lấy lòng chúng ta và biến nó thành nơi ở của Sa-tan. Chỉ khi chúng ta đấu tranh chống lại sự dữ, Đấng Cứu Thế mới tới trong lòng chúng ta qua đức tin nơi sự công bình của Ngài. Nếu chúng ta không gắn bó mật thiết với Đức Chúa Trời, chúng ta không bao giờ có thể chống nổi các hậu quả của lòng tự ái, tự bao che cho mình và sự cám dỗ của tội lỗi. Chúng ta có thể từ bỏ nhiều thói xấu và nhất thời chúng ta có thể chia tay với Sa-tan; nhưng nếu không có sự gắn bó mật thiết với Đức Chúa Trời, qua việc thuần phục Ngài trong mọi lúc, chúng ta sẽ bị đánh gục. Nếu chúng ta không gắn bó một cách chân tình với Đấng Cứu Thế và luôn tương giao với Ngài, chúng ta sẽ làm mồi cho kẻ thù và cuối cùng sẽ làm theo những gì nó sai khiến. CCC2 34.2
“Số phận người ấy sau lại xấu hơn trước.” Đức Chúa Giê-su phán. “Dòng dõi dữ này cũng như vậy”. Không ai chai cứng bằng những kẻ đã coi nhẹ lời mời gọi nhân từ và khinh lờn sự ban ơn của Đức Thánh Linh. Biểu hiện thông thường nhất của tội chống lại Đức Thánh Linh là thái độ coi khinh lời kêu gọi ăn năn của Thiên Đàng. Mỗi bước đi trên con đường chối bỏ Đấng Cứu Thế là một bước tiến tới việc chối bỏ sự cứu rỗi, và chống lại Đức Thánh Linh. CCC2 34.3
Khi khước từ Đấng Cứu Thế, dân Giu-đa đã phạm một tội không thể tha thứ được. Và bởi việc từ chối lời mời gọi của lòng nhân từ, chúng ta cũng có thể phạm tội tương tự. Chúng ta xúc phạm đến vị Vua sự sống, bêu riếu Ngài trước nhà hội của Sa-tan và trước vũ trụ khi chúng ta từ chối nghe các sứ giả Ngài gửi đến, để nghe theo các tay sai của Sa-tan đang muốn lôi kéo chúng ta ra khỏi Đấng Cứu Thế. Ngày nào người ta còn làm như vậy, thì ngày đó người ta sẽ chẳng có được sự tha thứ hay niềm hy vọng, và cuối cùng thì người ta sẽ mất mọi ước ao được làm hòa cùng Đức Chúa Trời. CCC2 34.4
Trong khi Đức Chúa Giê-su còn đang dạy dỗ dân chúng, thì các môn đồ cho hay là mẹ và các anh em Ngài đang ở ngoài và muốn gặp Ngài. Ngài biết trong lòng họ đang nghĩ gì, nên trả lời: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Ngài giơ tay chỉ các môn đồ mình, mà phán rằng: Này là mẹ Ta cùng anh em Ta! Vì hễ ai làm theo ý muốn Cha Ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em Ta, cùng mẹ Ta vậy”. CCC2 35.1
Tất cả những ai tiếp nhận Đấng Cứu Thế sẽ được gắn kết với Ngài trong mối liên hệ còn chặt chẽ hơn liên hệ huyết thống. Họ sẽ trở nên một với Đấng Cứu Thế như Ngài với Cha là một. Là một kẻ tin và làm theo Lời Ngài, mẹ Ngài còn có quan hệ gần gũi với Ngài hơn cả quan hệ huyết thống. Anh em của Ngài sẽ chẳng hưởng được ích lợi gì từ mối quan hệ của họ với Ngài nếu không tiếp nhận Ngài như Chúa Cứu Thế của chính mình. CCC2 35.2
Nếu những người ruột thịt nơi trần gian này của Đấng Cứu Thế tin Ngài là Đấng từ trời mà đến, thì Ngài sẽ được hậu thuẫn nhiều lắm, và họ sẽ đồng công với Ngài trong việc thi hành chức vụ của Đức Chúa Trời! Lòng vô tín của họ đã phủ một bóng đen trên cuộc đời tại thế của Đức Chúa Giê-su. Đó là một phần của chén đắng Ngài đã phải uống cạn vì chúng ta. Sự hận thù bốc cháy trong lòng người chống lại tin lành đã được Con Đức Chúa Trời cảm nghiệm sâu, sắc và đó là điều đau đớn nhất đối với Ngài. Nhưng Ngài đau đớn hơn nữa là điều đó lại xảy ra ngay trong gia đình của Ngài, bởi vì lòng Ngài đầy nhân từ, yêu thương và Ngài chân quý vô cùng về mối liên hệ gia đình. Anh em Ngài mong muốn Ngài chiều theo ý họ, nhưng nếu làm vậy, Ngài sẽ không còn ở trong sự hòa hợp với sứ mạng thiêng liêng. Họ cho rằng Ngài phải cần đến lời khuyên của họ. Họ xét đoán Ngài từ quan điểm của con người và nghĩ rằng nếu Ngài chỉ nói những điều mà các thầy thơ ký và người Pha-ri-si có thể chấp nhận được, thì Ngài sẽ tránh được cuộc tranh luận không tốt đẹp mà những lời giảng dạy của Ngài đã khơi lên. Họ nghĩ rằng Ngài đã không tự chủ được khi tuyên bố Ngài có uy quyền của Đức Chúa Trời và đặt mình trên các thầy thông giáo khi khiển trách tội lỗi của họ. Họ biết rằng những người Pha-ri-si đang tìm cơ hội tố cáo Ngài, và họ có cảm giác Ngài đã cung cấp đủ cơ hội để họ thực hiện điều họ suy tính. CCC2 35.3
Với cây thước đo ngắn ngủi của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si này, họ không thể lường hết được sứ mạng Ngài đến để thi hành, và do đó, thật khó để họ có sự thông cảm khi Ngài gặp thử thách. Những lời thô lỗ, cộc cằn của họ đã cho thấy rằng họ không có cái nhìn chính xác về tánh hạnh của Ngài, và không nhận ra rằng thần tánh được hòa lẫn với nhân tánh trong tánh hạnh của Ngài. Họ thường thấy Ngài đau buồn, nhưng thay vì an ủi Ngài, lời nói và tinh thần của họ lại chỉ khoét sâu thêm vết thương trong lòng Ngài mà thôi. Bản tính nhạy cảm của Ngài bị tổn thương, các động cơ của Ngài bị bóp méo, chức vụ của Ngài bị xuyên tạc. Anh em Ngài thường đưa ra đạo lý của những người Pha-ri-si, vốn cổ lỗ, cứng nhắc với thời đại, và họ cả gan nghĩ rằng mình có thể dạy dỗ Ngài vốn là Đấng hiểu thâu mọi Lẽ Thật và nắm được mọi lẽ mầu nhiệm. Họ tự do lên án điều họ không hiểu nổi. Những lời trách móc của họ làm Ngài đau nhói tâm can, tâm hồn Ngài mệt mỏi và đau đớn. Họ thừa nhận niềm tin nơi Đức Chúa Trời và nghĩ rằng họ đang bảo vệ Đức Chúa Trời, nhưng khi Đức Chúa Trời ở giữa họ trong xác thịt thì họ lại chẳng hay biết. CCC2 35.4
Những điều này làm con đường của Ngài trở nên khó đi. Sự xuyên tạc ngay trong gia đình khiến Ngài đau lòng đến độ Ngài coi như được giải vây khi tới nơi nào không có sự xuyên tạc này. Có một gia đình Ngài thích lui tới viếng thăm, đó là gia đình của La-xa-rơ, Ma-ri và Ma-thê; bởi trong bầu không khí tin yêu, tinh thần Ngài được nghỉ ngơi. Nhưng vẫn không có ai trên thế gian này hiểu được chức vụ của Ngài hoặc biết được gánh nặng Ngài phải mang thay cho nhân loại. Thông thường Ngài chỉ cảm thấy được giải vây khi ở một mình và tương giao với Cha Ngài ở trên trời. Những ai được kêu gọi để chịu đau khổ vì Đấng Cứu Thế, Đấng đã bị hiểu lầm và không được tin tưởng ngay trong chính gia đình của mình, sẽ tìm thấy sự an ủi trong ý nghĩ rằng Đức Chúa Giê-su cũng đã phải chịu như vậy. Ngài động lòng thương xót họ. Ngài truyền cho họ làm bạn với Ngài và tìm được nguồn vui như Ngài đã từng tìm thấy, niềm vui trong sự tương giao với Cha. CCC2 36.1
Những ai nhìn nhận Đấng Cứu Thế là Chúa Cứu Thế sẽ không bị bỏ rơi như trẻ mồ côi, những người phải một mình gánh vác mọi thử thách trong cuộc đời vì cớ Danh Ngài, sẽ được Ngài tiếp nhận làm thành viên của gia đình trên trời. Ngài bảo họ gọi Cha Ngài là Cha. Họ là những người “con bé nhỏ” của Ngài, được Đức Chúa Trời yêu mến, được gắn bó với Ngài bằng những sợi dây liên kết dịu dàng không hề đứt. Tình yêu Ngài dành cho họ là tình yêu sâu thẳm, vượt rất xa tình yêu của cha hoặc mẹ dành cho những đứa con thơ dại như chúng ta, vì tình yêu của Chúa vượt lên trên tình yêu của con người. Trong luật pháp ban cho Y-sơ-ra-ên, có một minh họa rất đẹp về mối quan hệ giữa Đấng Cứu Thế với dân sự Ngài. Khi vì nghèo túng, một người Hê-bơ-rơ bắt buộc phải dứt bỏ sản nghiệp của mình và bán mình làm nô lệ, người bà con gần nhất có bổn phận chuộc người này và sản nghiệp của người đó. (Xem Lê-vi ký 25:25, 47-49; Ru-tơ 2:20). Cũng vậy, sự cứu chuộc và sản nghiệp của chúng ta bị mất vì cớ tội lỗi, đã đổ trên Ngài, người “bà con gần gủi” của chúng ta. Chính vì để cứu chuộc chúng ta mà Ngài đã trở thành người bà con của chúng ta. Chúa Cứu Thế, Chúa của chúng ta, còn gần hơn cả cha, mẹ, anh, em, bạn bè hay người yêu. Ngài phán: “ Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về Ta.” “Vì Ta đã coi ngươi là quý báu, đáng chuộng, và đã yêu ngươi, nên Ta sẽ ban những người thế ngươi, và các dân tộc thay mạng sống ngươi.” (Ê-sai 43:1, 4) . CCC2 36.2
Đấng Cứu Thế thương yêu các loài thọ tạo xung quanh ngai của Ngài; nhưng làm sao đo được tình yêu lớn lao Ngài dành cho chúng ta? Chúng ta không thể hiểu được tình yêu ấy, nhưng chúng ta có thể biết tình yêu ấy có thật trong chính kinh nghiệm của chúng ta. Và nếu chúng ta nắm giữ lấy mối liên hệ bà con với Ngài, thì tình yêu chúng ta có được đối với các anh chị em của Chúa chúng ta mới lớn lao làm sao! Sao chúng ta không mau chóng nhìn nhận những điều kiện trong mối liện hệ với Đức Chúa Trời của chúng ta? Khi chúng ta được kết nạp vào trong gia đình của Thượng Đế Toàn Năng, thì chẳng có lý do gì để chúng ta không tôn vinh Cha Trời của chúng ta, và chân quý những người anh chị em thân yêu trong đại gia đình của Chúa phải không các bạn? CCC2 37.1