Dựa theo Ma-thi-ơ 11:28-30
“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” CCC2 39.1
Đức Chúa Giê-su phán những lời an ủi này cho đoàn dân đông đi theo Ngài. Chúa Cứu Thế đã phán rằng chỉ qua Ngài con người mới có được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Ngài nói về các môn đồ như những kẻ đã hiểu biết về những sự trên trời. Nhưng Ngài không để ai cảm thấy rằng mình không được Ngài chăm sóc và yêu mến. Tất cả những ai mệt mỏi và gánh nặng đều có thể đến với Ngài. CCC2 39.2
Các thầy thơ ký và thầy thông giáo, với sự quan tâm tỉ mỉ những hình thức tôn giáo, đã có nhận thức về sự thiếu thốn mà các nghi thức ăn năn không bao giờ đáp ứng nổi. Những người thâu thuế và kẻ tội lỗi cứ giả vờ rằng họ bằng lòng với thú vui xác thịt và trần thế, nhưng lòng họ lại đầy sợ hãi và hoài nghi. Đức Chúa Giê-su nhìn những kẻ lao khổ, lòng nặng trĩu, những kẻ sống với niềm hy vọng đang tiêu tan, và lấy những thú vui thế gian tạm bợ để làm dịu niềm khát khao của tâm linh, và Ngài mời gọi tất cả mọi đối tượng tìm sự nghỉ ngơi trong Ngài. Ngài dịu dàng nói với những con người đang phải vất vả: “Hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng”. CCC2 39.3
Đấng Cứu Thế cũng đang nói những lời này với tất cả chúng ta. Dù biết hay không biết điều đó, chúng ta ai cũng đang mệt mỏi và gánh nặng. Ai cũng đều bị oằn xuống vì những gánh nặng mà chỉ một mình Đấng Cứu Thế mới có thể cất khỏi. Gánh nặng tội lỗi là khủng khiếp nhất. CCC2 39.4
Nếu chúng ta bị phó mặc để gánh lấy gánh nặng này, chúng ta sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của nó. Nhưng Đấng Vô Tội đã thế chỗ chúng ta. “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người.” (Ê-sai 53:6). Ngài đã mang gánh nặng tội lỗi chúng ta. Ngài đỡ lấy gánh nặng từ đôi vai mỏi nhừ của chúng ta. Ngài sẽ cho chúng ta sự yên nghỉ. Gánh lo âu và buồn phiền Ngài cũng sẽ mang. Ngài mời gọi chúng ta hãy chất mọi lo âu trên Ngài; bởi vì lòng Ngài CƯU mang chúng ta. CCC2 40.1
Người Anh Cả của dòng dõi chúng ta đang ở bên ngai đời đời. Ngài nhìn mọi linh hồn đang hướng mắt về Ngài với tư cách Chúa Cứu Thế. Ngài có kinh nghiệm về sự yếu đuối của nhân loại, về những nhu cầu của chúng ta, và về sức mạnh của các cơn cám dỗ; bởi vì Ngài đã bị cám dỗ trên mọi phương diện như chúng ta, tuy thế, Ngài vẫn không phạm tội. Ngài đang chăm gìn bạn, một đứa con của Đức Chúa Trời đang run rẩy vì bao điều làm cho sợ hãi. Bạn bị cám dỗ ư? Ngài sẽ giải thoát bạn. Bạn yếu đuối ư? CCC2 40.2
Ngài sẽ ban sức mạnh. Bạn dốt nát ư? Ngài sẽ soi sáng. Bạn bị tổn thương ư? Ngài sẽ chữa lành. Chúa “đếm số các vì sao;” và tất nhiên “Ngài chữa lành người có lòng đau thương và bó vít của họ.” (Thi-thiên 147:4, 3). “Hãy đến cùng Ta,” là lời Ngài mời gọi. CCC2 40.3
Hãy thưa trình trước Chúa mọi âu lo và thử thách. Tinh thần của bạn sẽ được củng cố để chịu đựng. Con đường sẽ được mở ra giúp cho bạn thoát khỏi bối rối và khó khăn. Bạn càng nhận biết mình là người yếu đuối và cô đơn, bạn sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn trong sức mạnh của Ngài. Gánh của bạn càng nặng, sự yên nghỉ càng có phước khi bạn trút các gánh nặng đó trên Ngài. Sự yên nghỉ Đấng Cứu Thế ban cho tùy thuộc vào các điều kiện, nhưng các điều kiện này đã được ghi rõ. Đó là những điều kiện mà mọi người đều có thể đáp ứng được. Ngài dạy chúng ta cách tìm thấy sự yên nghỉ trong Ngài. CCC2 40.4
“Hãy gánh lấy ách của Ta,” Đức Chúa Giê-su phán. Ách là một loại công cụ lao động. Súc vật mang ách để làm việc và cái ách trở thành công cụ thiết yếu để làm việc đạt hiệu quả. Qua hình ảnh minh họa này, Đấng Cứu Thế dạy rằng chúng ta được mời gọi, để bao lâu chúng ta còn được sống trên đất này thì bây lâu chúng ta được phục vụ Ngài. Chúng ta phải mang ách của Ngài để chúng ta có thể là những người đồng công với Ngài. CCC2 40.5
Cái ách gắn liền với sự hầu việc chính là luật pháp Đức Chúa Trời. Luật yêu thương được bày tỏ tại vườn Ê-đen, được công bố trên núi Si-nai, và trong giao ước mới, đã được viết trong lòng, là cái gắn người làm việc với ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta để mình chiều theo khuynh hướng bản thân, đi tới nơi ý riêng mình dẫn đến, chúng ta sẽ rơi vào hàng ngũ của Sa-tan và sẽ mang lấy các bản tính của nó. Do đó, Đức Chúa Trời giữ chúng ta trong ý muốn của Ngài, ý muốn cao đẹp, có sức nâng người ta lên. Ngài mong muốn chúng ta kiên nhẫn và khôn ngoan thi hành phận sự của người hầu việc. Cái ách hầu việc, chính Đấng Cứu Thế đã gánh trong nhân loại. Ngài Phán: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa. Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi.” (Thi-thiên 40:8). “Vì Ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý Ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta đến.” (Giăng 6: 38). Vì yêu kính và sốt sắng với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và vì tình yêu dành cho loài người sa ngã, Đức Chúa Giê-su đã đến thế gian để chịu đau khổ và chịu chết. Đây chính là nguyên tắc sống chi phối cuộc đời Ngài. Ngài dạy chúng ta sống theo nguyên tắc ấy. CCC2 40.6
Có nhiều người đang phải khổ sở dưới gánh nặng lo âu, vì họ đang cố gắng chạy theo tiêu chuẩn thế gian. Họ đã chọn phục vụ thế gian, đã chấp nhận những phiền toái và tập quán thế gian. Do đó, nhân cách họ bị tha hóa, cuộc sống họ thật mệt mỏi. Để thỏa mãn tham vọng và các ước muốn trần thế, họ làm lương tâm bị tổn thương và chuốc thêm gánh nặng của hối hận. Sự lo nghĩ liên tục làm hao mòn sức sống. Chúa mong muốn chúng ta cởi bỏ cái ách nô lệ này. Ngài mời chúng ta đón nhận ách của Ngài. Ngài phán: “Ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng”. Ngài dạy họ trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài và Ngài hứa rằng mọi điều cần thiết cho họ trong cuộc sống này sẽ được cho thêm. Sự lo lắng vốn mù quáng và không thể nhìn thấy tương lai, nhưng Đức Chúa Giê-su lại thấy sự kết thúc từ khi sự việc bắt đầu. Ngài luôn có sẵn cách để khắc phục mọi khó khăn. CCC2 41.1
Cha chúng ta trên trời có hàng ngàn cách giúp đỡ chúng ta, những cách mà chúng ta không biết. Những ai đã chấp nhận nguyên tắc duy nhất là hầu việc và làm vinh hiển Đức Chúa Trời Tối Cao sẽ thấy các phiền toái biến mất và một con đường thênh thang mở ra trước bước chân của họ. CCC2 41.2
Đức Chúa Giê-su phán: “Hãy học theo Ta, ... Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường... và các ngươi sẽ được yên nghỉ”. Chúng ta cần phải vào trường của Đấng Cứu Thế, để học theo sự nhu mì và khiêm nhường của Ngài. Sự cứu chuộc là quá trình nhờ đó linh hồn được đào tạo cho Thiên Đàng. Sự đào tạo này nhằm mục đích cung cấp sự hiểu biết về Đấng Cứu Thế, giúp thoát khỏi những tư tưởng, thói quen, tập tục học được trong trường của vua chốn tối tăm. Linh hồn phải được giải thoát khỏi tất cả những gì đi ngược lại sự trung tín với Đức Chúa Trời. CCC2 41.3
Trong lòng Đấng Cứu Thế, nơi ngự trị của sự hòa thuận với Đức Chúa Trời, có sự bình yên trọn vẹn. Tiếng vỗ tay không hề làm Ngài phấn chấn, sự chỉ trích hay thất vọng không làm Ngài buồn nản. Giữa sự chống đối dữ dội và cách đối xử độc ác nhất, Ngài vẫn can đảm. Có nhiều người xưng mình là môn đồ của Đấng Cứu Thế nhưng lòng họ vẫn băn khoăn lo lắng, bởi vì họ sợ phó thác mình cho Đức Chúa Trời. Họ không hoàn toàn đầu phục Ngài, bởi vì họ e ngại hậu quả. Nhưng nếu họ không thuần phục hoàn toàn, họ sẽ không tìm thấy sự bình an. CCC2 41.4
Chính lòng vị kỷ làm cho người ta không lúc nào được yên nghỉ. Khi chúng ta được sinh ra từ bên trên, chúng ta cũng sẽ có được chính tâm tình của Đức Chúa Giê-su, tâm tình đã dẫn Ngài tới chỗ hạ mình để chúng ta có thể được cứu rỗi. Khi ấy, chúng ta sẽ không còn phải chạy đôn chạy đáo để giành những vị trí cao nhất. Chúng ta sẽ ước mong được ngồi dưới chân Đấng Cứu Thế và học với Ngài. Chúng ta sẽ hiểu được rằng giá trị của chức vụ mình không phải ở chỗ phô trương, gây ồn ào trong thế gian và trong việc hăng hái, tích cực bằng chính sức lực của chúng ta. Giá trị công việc của chúng ta cao hay thấp tùy theo Đức Thánh Linh ban cho chúng ta nhiều hay ít. Niềm tin nơi Đức Chúa Trời đem lại cho chúng ta những đức tính thánh thiện ngày càng hơn cho tới chừng đạt đến mức độ cao nhất trong sự kiên nhẫn, chúng ta có thể làm chủ con người mình. CCC2 42.1
Cái ách đặt trên con bò giúp nó kéo vật nặng, cũng giúp giảm nhẹ gánh nặng. Cái ách của Đấng Cứu Thế có tác dụng tương tự. Khi ý muốn của chúng ta hòa trong ý muốn của Đức Chúa Trời, và chúng ta sử dụng những ơn Ngài ban để đem lại ơn phước cho kẻ khác, chúng ta sẽ thấy gánh nặng của cuộc đời nhẹ hẳn đi. Kẻ đi trong con đường điều răn của Đức Chúa Trời là kẻ đang đi cùng Đấng Cứu Thế, và tâm trí họ được nghỉ yên trong tình yêu của Ngài. Khi Môi-se cầu nguyện: “Xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa,” Đức Giê-hô-va đáp lại: “Chính mình Ta sẽ đi cùng ngươi, và Ta sẽ cho ngươi an nghỉ”. CCC2 42.2
Và sứ điệp đã ban thông qua các tiên tri: “Hãy đứng trên các đường cái và nhìn xem; tra xét những đường lối cũ; xem thử đường tốt ở đâu; hãy đi đường ấy thì các ngươi sẽ được sự an nghỉ cho linh hồn mình.” (Xuất Ê-díptô Ký 33:13, 14 ; Giê-rê-mi 6:16). Và Ngài phán: “Than ôi! Ước gì ngươi đã để ý đến các điều răn Ta, thì sự bình an ngươi như sông, và sự công bình ngươi như sóng biển.” (Ê-sai 48:18). CCC2 42.3
Những người tin Lời Đấng Cứu Thế và để Ngài nắm giữ linh hồn mình, để cuộc sống mình theo chỉ dẫn của Ngài sẽ được bình an. Không gì trong thế gian này có thể làm họ buồn khi Đức Chúa Giê-su làm họ vui sướng vì sự hiện diện của Ngài. Trong sự phục tùng trọn vẹn có sự yên nghỉ trọn vẹn. Chúa phán: “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” (Ê-sai 26: 3). Cuộc sống chúng ta có thể rối tung, nhưng khi chúng ta phó mình cho Người Thợ Cả khôn ngoan, Ngài sẽ đưa ra khuôn mẫu và tánh hạnh phù hợp với chính sự vinh hiển của Ngài. Và tánh hạnh ấy vốn biểu lộ sự vinh hiển, tánh hạnh của Đấng Cứu Thế sẽ được tiếp nhận vào Thiên Đàng của Đức Chúa Trời. Một dòng dõi mới sẽ bước đi với Ngài trong trang phục thánh khiết, vì họ xứng đáng. Thông qua Đức Chúa Giê-su, chúng ta bước vào sự yên nghỉ, thiên đàng bắt đầu tại đó. Chúng ta đáp lại lời Ngài mời gọi, “Hãy đến cùng ta... hãy học theo Ta” và khi chúng ta đến, chúng ta bắt đầu cuộc sống đời đời. CCC2 42.4
Thiên đàng là sự không ngừng tới gần Đức Chúa Trời qua Đấng Cứu Thế. Chúng ta càng ở lâu trong thiên đàng phước hạnh, sự vinh hiển sẽ mở ra cho chúng ta càng nhiều, và chúng ta hiểu biết nhiều hơn nữa về Đức Chúa Trời, hạnh phúc của chúng ta sẽ càng lớn. Khi chúng ta bước đi với Đức Chúa Giê-su trong cuộc đời này, chúng ta sẽ được tràn đầy tình yêu của Ngài và được mãn nguyện với sự hiện diện của Ngài. Tất cả những gì mà trong nhân tính, chúng ta ao ước, đều có thể nhận lãnh ở đây. Nhưng điều gì có thể so sánh với đời sau? “Ây vì đó mà chúng được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài; còn Đấng ngồi trên ngôi sẽ che chở chúng dưới trại Ngài. Chúng sẽ không đói, không khát nữa; cũng không có mặt trời hoặc cơn nắng gắt nào hại đến mình. Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng.” (Khải-huyền 7:15-17) CCC2 43.1