Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

CUỘC Đời CHÚA CỨU THẺ - QUYỂN 1

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    Chương 1—“Đức Chúa Trời Ở Cùng Chúng Ta”

    “Rồi người ta sẽ đặt tên Con Trai đó là Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” “Ánh sáng để nhận biết sự vinh quang của Đức Chúa Trời” được thấy “trong diện mạo của Đức Chúa Giê-su Cứu Thế.” Từ trước vô cùng, Đức Chúa Giê-su Cứu Thế đã là một với Cha. Ngài là “ hình ảnh của Đức Chúa Trời,” hình ảnh của sự bao la và uy nghi của Ngài, là “sự chiếu rạng của sự vinh quang của Cha.” Ngài đã đến thế gian để bày tỏ vinh quang này. Ngài đã đến nơi tối tăm bởi tội lỗi để bày tỏ ánh sáng của tình yêu từ Đức Chúa Trời. Để trở thành “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” Do đó, đã có lời tiên tri nói về Ngài: “Rồi người ta sẽ đặt tên Con Trai đó là Em-ma-nu-ên.”CCC1 9.1

    Qua sự hạ sanh và sống giữa nhân thế, Đức Chúa Giê-su có nhiệm vụ bày tỏ Đức Chúa Trời cho cả loài người lẫn các thiên sứ. Ngài là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, là tư tưởng của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra hầu người ta có thể nghe và thây được tư tưởng đó. Trong khi cầu nguyện cho các môn đô của mình, Ngài đã nói: “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ,” “nhân từ, thương xót, nhẫn nại, đầy sự tốt lành và lẽ thật,” hầu cho “tình yêu thương của Cha đối với Con ở trong họ và Con cũng ở trong họ nữa.” Sự mặc khải này không phải chỉ dành cho những người con của Ngài được sinh ra trên thế gian này mà thôi. Thế giới nhỏ bé của chúng ta cũng là quyển sách giáo khoa cho toàn thể vũ trụ. Ý định mầu nhiệm của ân điển Đức Chúa Trời, cùng sự huyền diệu của tình yêu cứu chuộc, là chủ đề mà “các thiên sứ hằng ước ao được chiêm bái,” và đó là điều được các thiên sứ nghiên cứu trải qua các thời đại. Cả những người được cứu chuộc lẫn các thiên thần không hề sa ngã sẽ tìm thây nơi thập tự giá của Đấng Cứu Thế là một ngành khoa học để nghiên cứu và là một nguồn cảm hứng cho các bài ca của họ. Người ta sẽ thây rằng sự vinh quang chiếu sáng nơi gương mặt của Chúa Giê-su chính là sự vinh quang của tình yêu thương hy sinh quên mình. Trong ánh sáng phát ra từ Ca-va-ri, người ta sẽ thây rằng luật pháp của lòng yêu thương quên mình là luật pháp của đời sống cho thiên đàng và hạ giới; rằng tình yêu ấy vốn “chẳng kiếm tư lợi” bắt nguồn từ lòng của Đức Chúa Trời; và rằng từ nơi Đấng nhu mì và khiêm tốn đã bày tỏ được đặc tính của Đấng ngự trong ánh sáng mà không một người nào có thể đến gần được.CCC1 9.2

    Vào thuở đầu tiên, Thượng Đế đã được bày tỏ qua tất cả các công trình Ngài đã tạo dựng. Chính Đấng Cứu Thế đã trải ra các từng trời và đặt nền móng của trái đất. Chính tay Ngài đã treo các hành tinh trong không gian và đã vẽ kiểu cho các bông hoa trong đồng ruộng. “Chúa dùng quyền năng mình lập các núi vững chắc.” “Biển thuộc về Ngài, vì chính Ngài đã làm nó” (Thi-thiên 65:6; 95:5). Chính Ngài đã làm trái đất đầy dẫy những nét đẹp và không gian vang dội những bài ca. Và Ngài đã viết thông điệp về tình thương của Cha trên mọi sự vật ở trên trời dưới đất và trong không gian.CCC1 10.1

    Dù tội lỗi đã làm hỏng đi công trình hoàn hảo của Đức Chúa Trời, nhưng nét bút đó vẫn còn lưu đọng lại những nét đẹp của thuở đầu tiên. Cho đến ngày nay, mọi loài tạo vật vẫn còn ca ngợi sự vinh quang của Ngài. Trong muôn loài tạo vật chỉ có con người là sống trong sự ích kỷ. Không một con chim nào bay lượn trên không trung, hay một loài động vật nào sống động trên mặt đất mà không phục vụ cho sự sống của một giống sinh vật nào khác. Không một chiếc lá trong rừng sâu, hay một ngọn cỏ thấp hèn nào mà không có nhiệm vụ đóng góp cho sự sống của mọi loài. Mỗi cành cây, mỗi bụi rậm và mỗi chiếc lá đều tiết ra những yếu tố của sự sống, mà nếu thiếu, cả con người lẫn sinh vật đều bị tiêu diệt. Và ngược lại, cả loài người lẫn các loài động vật đều phục vụ cho sự sống của loài thực vật, của mỗi bụi cây và của mỗi chiếc lá. Những đóa hoa tỏa hương thơm ngát không gian, cũng bộc lộ những nét đẹp mỹ miều hầu đem lại niềm vui cho thế giới. Thái dương phát ra những tia sáng để đem lại sự vui mừng cho các hành tinh. Đại dương bao la là nguồn cung cấp cho tất cả sông suối, lại tiếp nhận nguồn nước từ các dòng chảy ra ở khắp nơi, nhưng tiếp nhận hầu ban cho trở lại. sương mù bốc lên từ đáy đại dương, kết tụ rồi đổ xuống thành mưa trên mặt đất và mặt đất được tưới đẫm để đâm chồi, nẩy lộc.CCC1 10.2

    Các thiên sứ của sự vinh quang tìm thây niềm vui trong việc ban cho. Họ luôn ban cho tình yêu và sự chăm gìn không mệt mỏi dành cho các tâm hồn sa ngã và nhuốc nhơ. Các đấng sống trên trời luôn tìm cách chinh phục trái tim loài người. Các thiên thần đem xuống thế gian tối tăm này ánh sáng của thiên cung. Họ cảm hóa tâm thần loài người bằng những sự phục vụ dịu dàng và nhẫn nại, hầu đưa những kẻ hư mất vào sự thông công với Đấng Cứu Thế, được gần gũi với Ngài còn mật thiết hơn mọi sự tưởng tượng của loài người.CCC1 10.3

    Nhưng quan trọng hơn tất cả những sự mô tả đó, chúng ta được nhìn ngắm Đức Chúa Trời nơi chính Đức Chúa Giê-su. Nhìn vào Chúa Giê-su, chúng ta thây được rằng vinh quang của Đức Chúa Trời chính là sự ban cho. Đấng Cứu Thế phán: “Ta không tự mình làm điều gì”, “như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta đến và Ta sống bởi Cha.” “Ta chẳng tìm sự vinh hiển Ta nhưng vinh hiển của Đấng đã sai Ta.” (Giăng 8:28; 6:57; 8:50; 7:18). Những lời này chứa đựng một nguyên lý vĩ đại vốn là định luật của sự sống cho toàn thể vũ trụ. Đấng Cứu Thế ban cho mọi sự Ngài nhận được từ nơi Đức Chúa Cha. Cũng một lẽ ấy, sự sống của Đức Chúa Cha tràn chảy đến mọi loài thọ tạo qua chức vụ của Đức Chúa Con Yêu Dấu ở trên thiên cung. Qua Con, sự sống ấy trở về để tán tụng và phụng sự trong hân hoan, và một nguồn suối của tình yêu dành cho Đấng là Nguồn Cội của tất cả mọi sự. Và như thế, qua Đấng Cứu Thế, chu kỳ của tình yêu thương được trọn vẹn, tượng trưng cho bổn tánh của Đấng Ban Cho vĩ đại, là một định luật của sự sống cho mọi loài.CCC1 11.1

    Chính từ trên trời, luật này đã bị vi phạm. Tội lỗi bắt nguồn từ sự ích kỷ. Lu-xi-phe là một thiên sứ được che phủ, có tham vọng trở thành số một trên trời. Nó tìm cách chế ngự các thiên sứ trên trời, tách họ ra khỏi Đấng Sáng Tạọ, và bắt họ tôn vinh nó. Do đó, nó tìm cách xuyên tạc Thượng Đế Toàn Năng, gán cho Ngài sự thèm khát để được đề cao; là sự thèm khát vốn ở trong tâm hồn của chính nó. Với những cá tánh gian ác, nó tìm cách bao vây Đấng Yêu Thương. Nó đi lừa dối các thiên sứ. Rồi nó đi lừa dối loài người. Nó làm cho họ nghi ngờ Lời của Đức Chúa Trời, và không tin vào lòng tốt lành của Ngài. Vì Thượng Đế là Đấng công bình và oai nghiêm, Sa-tan đã làm họ nhìn lên Ngài như là Đấng nghiêm khắc và không biết tha thứ. Như vậy, nó đã lôi kéo loài người theo nó trong cuộc nổi loạn chống lại Thượng Đế, và thế là màn đêm đen tối của tai ương buông xuống trên trần gian.CCC1 11.2

    Trái đất trở nên đen tối vì sự hiểu lầm về Thượng Đế Toàn Năng. Để đẩy lùi đi bóng đêm, để đem thế giới thuận hòa lại với Thượng Đế, âm mưu lừa dối của Satan phải bị bẻ gãy. Nhưng điều này không thể thực hiện bằng vũ lực. Sử dụng vũ lực là trái với nguyên tắc trong chánh thể của Thượng Đế Toàn Năng. Ngài chỉ mong muốn sự phục vụ đến bởi tình yêu thương; và trong tình yêu không thể có sự cưỡng bách được. Không thể chinh phục tình yêu bằng vũ lực hay bằng uy quyền. Tình yêu chỉ được đánh thức bởi tình yêu. Biết Thượng Đế là yêu mến Ngài. Bổn tánh của Ngài phải được trình bày tương phản với cá tánh của Satan. Công việc này chỉ có một Đấng duy nhất trong toàn vũ trụ có thể thực hiện được. Chỉ có Ngài, Đấng biết được chiều cao và chiều sâu của tình yêu Thượng Đế, mới có thể làm cho con người hiểu được tình yêu đó. Đức Chúa Giê-su là Mặt Trời của Sự Công Bình phải mọc lên trong màn đêm đen tối của thế gian, và “trong cánh nó có sự chữa lành.” (Ma-la-chi 4:2).CCC1 11.3

    Kế hoạch cứu chuộc loài người không phải chỉ mới được nghĩ ra sau này. Không phải là một kế hoạch được thành hình sau khi A-đam sa ngã. Kế hoạch ấy là một sự mặc khải về “Lẽ mầu nhiệm đã giấu kín từ mọi đời trước” (Rô-ma 16:25) (có từ trước đời đời). Nó là một sự bày tỏ của những nguyên tắc có từ đời đời, là nền móng của Ngôi Đức Chúa Trời. Từ thuở đầu tiên, Thượng Đế Toàn Năng và Đấng Cứu Thế đã biết Sa-tan sẽ bội phản và loài người sẽ sa ngã bởi sự lừa dối từ quyền lực của kẻ bội phản. Thượng Đế không hề đồng ý cho tội lỗi xuất hiện, nhưng Ngài thây trước sự hiện hữu của nó, nên đã trù tính đối phó với sự xuất hiện khủng khiếp của tội lỗi. Lòng yêu thương của Ngài đối với thế gian lớn đến độ Ngài đã làm một giao ước ràng buộc phải ban Con Duy Nhất của Ngài, “Hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16).CCC1 12.1

    Lu-xi-phe tự nhủ: “Ta nhấc ngai ta lên các ngôi sao của Đức Chúa Trời ... Ta sẽ làm ra mình bằng Đấng rất cao.” (Ê-sai 14:13, 14). Nhưng Đấng Cứu Thế, “vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, chính Ngài đã tự bỏ mình đi lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.” (Phi-líp 2:6, 7).CCC1 12.2

    Đây là một sự dâng hiến tự nguyện. Đức Chúa Giê-su có thể ở lại bên Đức Chúa Cha. Ngài đã có thể giữ lấy sự vinh hiển trên trời, và sự tôn kính từ các thiên sứ. Nhưng Ngài đã chọn trao lại phủ việt vào tay Cha và rời khỏi ngai vũ trụ, để Ngài có thể đem ánh sáng cho những kẻ bị giam hãm trong bóng tối và sự sống cho người đang hư mất.CCC1 12.3

    Gần hai ngàn năm qua, một tiếng phán với ý nghĩa bí ẩn đã được nghe thấy từ trời, từ ngai Đức Chúa Trời, “Hỡi Đức Chúa Trời, nầy tôi đến.” “Chúa chẳng muốn hy sinh cũng chẳng muốn lễ vật nhưng Chúa đã sắm sẵn một thân thể cho tôi ...Hỡi Đức Chúa Trời nầy tôi đến (trong sách có chép về tôi,) tôi đến để làm theo ý muốn Chúa.” (Hê-bơ-rơ 10:5-7). Những lời này đã loan báo sự ứng nghiệm của ý định đã được giấu kín từ thuở đời đời. Đấng Cứu Thế đã chuẩn bị để đến viếng thăm thế gian, và mang lấy xác phàm. Ngài phán: “Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi.” Nếu Ngài đã xuất hiện với sự vinh hiển mà Ngài vốn có với Chúa Cha trước khi thế gian được tạo thành, chúng ta sẽ không chịu đựng nổi ánh sáng vinh quang từ sự hiện diện của Ngài. Để chúng ta có thể thây mà không bị tiêu diệt, cho nên sự bày tỏ vinh hiển của Ngài đã được che đậy lại. Thần tánh của Ngài đã được che đậy bởi nhân tánh. Sự vinh hiển vô hình được che đậy trong sự hữu hình của xác phàm.CCC1 12.4

    Ý định vĩ đại này đã được báo trước bằng các điển hình và biểu tượng. Bụi gai đang cháy, nơi Đấng Cứu Thế hiện ra với Môi-se, đã bày tỏ Đức Chúa Trời. Biểu tượng được chọn để tượng trưng cho Đấng Thánh là một bụi cây tầm thường, bề ngoài chẳng có gì hấp dẫn. Nhưng nó lại tượng tượng trưng cho Đấng Vô Biên. Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót đã che giấu vinh quang của Ngài bởi một biểu tượng khiêm tốn nhất để Môi-se có thể nhìn thây mà còn sống. Cũng vậy, Đức Chúa Trời nói chuyện với dân Y-sơ-ra-ên, bày tỏ ý muốn của Ngài cho con người và ban cho họ ân điển của Ngài qua một trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm. sự vinh quang của Đức Chúa Trời đã được làm dịu đi, và sự oai nghiêm của Ngài được che giấu bớt, để cặp mắt mỏng manh của loài người giới hạn có thể thây được. Cũng một lẽ ấy, Đấng Cứu Thế phải đến trong “thân thể hèn mạt của chúng ta.” (Phi-líp 3:21), “trong hình thể loài người.” Trong con mắt người đời, Ngài chẳng có vẽ đẹp đẽ để họ phải ham mến Ngài; nhưng Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể, ánh sáng của thiên đàng và hạ giới. Vinh quang của Ngài bị che giấu, sự lớn lao và oai nghiêm của Ngài được bao phủ để Ngài có thể đến gần loài người sầu khổ và đang bị cám dỗ.CCC1 13.1

    Đức Chúa Trời đã truyền cho Môi-se: “Họ sẽ làm cho Ta một đền thánh và Ta sẽ ở giữa họ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8), và Ngài lưu lại trong đền thánh, giữa dân của Ngài. Qua suốt cuộc hành trình mệt nhọc của họ trong sa mạc, biểu tượng về sự hiện diện của Ngài đã đi cùng với họ. Cũng một lẽ ấy, Đấng Cứu Thế thiết lập lều tạm của Ngài ở nơi con người đang dựng lều tạm bợ. Ngài cắm lều của Ngài bên cạnh lều của loài người, để Ngài có thể ở giữa chúng ta và làm chúng ta quen thuộc với thần tánh và sự sống của Ngài. “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và (đóng trại) ở giữa chúng ta (và chúng ta ngắm xem sự vinh hiển của Ngài thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha ) đầy ơn và lẽ thật.” (Giăng 1:14).CCC1 13.2

    Vì Chúa Giê-su đã đến ở giữa chúng ta, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã quen với những thử thách của chúng ta, thông cảm với những nỗi khổ của chúng ta. Mỗi con trai và con gái của A-đam đều có thể hiểu được rằng Đấng Tạo Hóa của chúng ta là bạn của những tội nhân. Bởi vì chúng ta thây được “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” trong tất cả các giáo lý về ân điển, trong mỗi lời hứa về niềm vui mừng, trong mỗi việc làm của tình yêu thương, và trong mọi sự lôi cuốn của thần tánh được bày tỏ qua đời sống của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài còn ở trần gian.CCC1 13.3

    Sa-tan cho rằng luật pháp yêu thương của Đức Chúa Trời là một luật pháp ích kỷ. Nó tuyên bố rằng chúng ta không thể nào tuân giữ các điều khoản của luật pháp ấy được. Nó đổ lỗi cho Đấng Tạo Hóa về sự sa ngã của tổ phụ loài người cùng với tất cả các tai họa giáng xuống vì sự sa ngã đó. Nó làm cho loài người nhìn lên Đức Chúa Trời như là tác giả của tội lỗi, của đau khổ và của chết chóc. Đức Chúa Giê-su phải lột mặt nạ của sự lừa dối này. Như một người trong chúng ta, Ngài sẽ nêu gương cho chúng ta về sự vâng phục. Để làm vậy, Ngài đã mang lấy bản tánh của chúng ta và trải qua các kinh nghiệm của chúng ta. “Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự.” (Hê-bơ-rơ 2:17). Nếu chúng ta phải chịu một điều gì đó mà Chúa Giê-su đã không trải qua, thì khi ấy, Sa-tan có thể rêu rao rằng quyền phép của Đức Chúa Trời không đủ để giúp chúng ta. Do đó, Chúa Giê-su “trong mọi việc cũng bị thử thách như chúng ta.” (Hê-bơrơ 4:15). Ngài phải chịu mọi thử thách giống như chúng ta chịu. Và Ngài không nhờ cậy vào một quyền năng nào mà chúng ta không thể nhờ cậy được. Là người, Ngài đã đương đầu với cám dỗ và đã chiến thắng nhờ vào quyền năng mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài. Ngài nói: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Cha, luật pháp Chúa ở trong lòng tôi.” (Thi-thiên 40:8). Khi Ngài đi ra để làm điều tốt đẹp, và chữa lành cho tất cả những kẻ bị Sa-tan hành hạ, Ngài làm cho con người thây rõ đặc tánh về luật pháp của Đức Chúa Trời, và sự thật về sự phục vụ của Ngài. Đời sống của Ngài chứng minh rằng chúng ta cũng có thể vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời.CCC1 13.4

    Mang bản tánh của loài người, Chúa Giê-su có thể chạm đến nhân tánh của loài người. Mang bổn tánh của Thượng Đế, Ngài đã với đến Ngôi của Đức Chúa Trời. Là Con Trai của Loài Người (Con Người), Ngài đã để lại cho chúng ta tấm gương của sự vâng lời. Là Con Trai của Đức Chúa Trời (Con Trời), Ngài ban cho chúng ta quyền năng để vâng phục. Chính Đấng Cứu Thế đã phán với Môi-se từ bụi gai ở núi Hô-rép: “Ta là Đấng Tự Hữu (Đấng Ta Là) ...hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự Hữu (Ta Là) đã sai ta đến cùng các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14). Đó là lời hứa về sự giải thoát của Y-sơ-ra-ên. Bởi vậy, khi Ngài đến, “trong hình thể của loài người,” Ngài đã tuyên bố chính mình là Đấng Tự Hữu (Ta Là). Con trẻ ở Bết-lê-hem, Đấng Cứu Rỗi nhỏ bé và khiêm tốn, là Đức Chúa Trời “được tỏ ra trong xác thịt.” (I Ti-mô-thê 3:16). Và Ngài phán với chúng ta: “Ta Là Đấng Chăn Chiên hiền lành”; “Ta Là Bánh sự sống”; “Ta Là Đường đi, Lẽ Thật và Sự Sống”; “Hết thảy quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta.” (Giăng 10:11; 6:51; 14:6; Ma-thi-ơ 28:18). Ta Là là sự bảo đảm của mọi lời hứa. Ta Là; Đừng SỢ! “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” là sự chắc chắn của việc chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, bảo đảm chúng ta có khả năng vâng phục luật pháp thiên đàng.CCC1 14.1

    Sự hạ mình mặc lấy nhân tánh, Đấng Cứu Thế đã bày tỏ một bản tánh hoàn toàn trái ngược với cá tánh của Sa-tan. Nhưng Ngài còn xuống thấp hơn nữa trong sự hạ mình của Ngài: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:8). Như thầy tế lễ cả bỏ y phục lộng lẫy của mình và cử hành lễ tế trong bộ đồ trắng của thầy tế lễ thường, cũng vậy, Đấng Cứu Thế mặc lấy hình dáng của một người tôi tớ và dâng lễ tế. Ngài là Thầy Tế Lễ. Ngài cũng là lễ vật. “Ngài đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an.” (Ê-sai 53:5).CCC1 14.2

    Đấng Cứu Thế đã bị đối xử như cách chúng ta đáng bị đối xử, hầu chúng ta có thể được ứu đãi như cách Ngài đáng được ứu đãi. Ngài đã bị lên án vì tội lỗi của chúng ta, những tội mà Ngài không hề phạm, hầu chúng ta có thể được xưng công bình chính trực bởi sự công bình chính trực của Ngài mà chúng ta vốn không có. Ngài phải chịu cái chết vốn là của chúng ta để chúng ta có thể nhận lãnh sự sống vốn là của Ngài. “Bởi lằn roi Ngài chịu chúng ta được lành bịnh.”CCC1 15.1

    Bởi đời sống và sự chết của Ngài, Đấng Cứu Thế đã đạt được nhiều hơn là chỉ phục hồi những gì tội lỗi đã phá hủy. Ý định của Sa-tan là tạo nên sự tách biệt đời đời giữa Đức Chúa Trời và loài người; nhưng trong Đấng Cứu Thế, chúng ta được kết hợp mật thiết với Đức Chúa Trời còn hơn cả khi chúng ta không hề sa ngã. Mang nhân tánh của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi đã buộc Ngài với nhân loại bằng một sợi dây không bao giờ chặt đứt được. Muôn đời, Ngài gắn liền với chúng ta. “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài.” (Giăng 3:16). Ngài ban Con không phải chỉ để gánh tội lỗi của chúng ta, và chết như của lễ tế cho chúng ta; Ngài ban Con cho một giống nòi sa ngã. Để bảo đảm với chúng ta về ý định hòa bình không hề thay đổi của Ngài, Ngài đã ban Con Một của Ngài để trở thành một người trong gia đình loài người, hầu giữ mãi bản thể loài người ở trong Ngài. Đó là lời nguyện rằng Đức Chúa Trời sẽ thực thi trọn vẹn lời hứa của Ngài. “Vì có một Con Trẻ sanh cho chúng ta, một Con Trai ban cho chúng ta: và quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài.” Đức Chúa Trời đã nhận bản thể loài người trong thân thể của Con Ngài và Ngài mang cùng bản thể ấy lên tận từng trời cao nhất. Đó là “Con người” (Con Trai Loài Người) Đấng chia xẻ ngai của vũ trụ. Đó là “Con người” (Con Trai Loài Người) được gọi tên là “Đấng Lạ Lùng, Đấng Mứu luận, Đức Chúa Trời quyền năng, Cha đời đời, Chúa bình an.” (Ê-sai 9:6). Đấng “Ta Là” (Tự Hữu) là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, Ngài đặt tay lên cả hai. Ngài là Đấng ” thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội,” không lấy làm xấu hổ gọi chúng ta là anh em (Hê-bơ-rơ 7:26; 2:1). Trong Đấng Cứu Thế, gia đình trần thế và gia đình thượng giới được kết lại với nhau. Đấng Cứu Thế được tôn vinh là Người Anh Cả của chúng ta. Thiên đàng được cất giấu trong nhân loại và nhân loại được bao bọc trong chiếc áo của Tình-yêu Vô-tận.CCC1 15.2

    Đức Chúa Trời phán về dân của Ngài: “Chúng sẽ như những đá của mão triều thiên, được cất lên trên đất. Sự nhân từ Ngài và sự tốt đẹp Ngài sẽ lớn là dường nào.” (Xa-cha-ri 9:16,17). Sự nâng cao của những người được cứu sẽ là một bằng cớ đời đời về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. “Về đời sau” Ngài sẽ “tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài mà Ngài bởi lòng nhân từ đã ban ra cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Cứu Thế.” “Ấy vậy hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy hội thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời theo ý định đời đời của Ngài đã làm xong trong Đức Chúa Giê-su Cứu Thế, Chúa chúng ta.” (Ê-phê-sô 2:7; 3:10,11).CCC1 15.3

    Qua công trình cứu chuộc của Đấng Cứu Thế, chánh thể của Đức Chúa Trời được chứng minh là đúng. Đấng Toàn Năng được làm sáng tỏ là Đức Chúa Trời của tình thương yêu. Những lời buộc tội của Sa-tan đã bị bác bỏ và cá tánh của nó đã bị bại lộ. Cuộc nổi loạn sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tội lỗi sẽ không bao giờ còn có thể xâm nhập vào trong vũ trụ. Tất cả đều được bảo đảm đời đời không hề bị ảnh hưởng bởi sự bội đạo nữa. Bởi tình yêu quên mình, dân cư trên thế gian và trên thượng giới được gắn liền với Đấng Tạo Hóa bằng những sợi dây liên kết không bao giờ tan vỡ.CCC1 16.1

    Chức vụ cứu chuộc sẽ được hoàn tất. Nơi mà tội lỗi tràn ngập trước đây, bây giờ ân điển của Đức Chúa Trời còn dư dật hơn. Trái đất, nơi Sa-tan tuyên bố là lãnh thổ của nó, không những được chuộc lại mà còn làm cho huy hoàng. Trái đất nhỏ bé của chúng ta, dưới sự nguyền rủa của tội lỗi là một vết nhơ đen tối trong công trình tạo dựng hiển vinh của Ngài, sẽ được nhận vinh dự lên trên tất cả các hành tinh khác trong vũ trụ của Đức Chúa Trời. Tại đây, nơi Con Đức Chúa Trời dựng lều giữa lòng nhân loại; nơi Vua vinh hiển sống, chịu đau khổ và chịu chết, ở đây, khi Ngài làm mọi sự trở nên mới, lều của Đức Chúa Trời sẽ ở với loài người, “Và Ngài sẽ ở với họ, họ sẽ là dân sự Ngài, và chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ và là Đức Chúa Trời của họ.” Cho đến đời đời, những kẻ được cứu chuộc sẽ đi trong ánh sáng của Chúa, và họ sẽ tôn vinh Ngài về Quà tặng không thể thốt nên lời của Ngài:CCC1 16.2

    Êm-ma-nu-ên, “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”CCC1 16.3

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents