Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    Chương 51—“ÁNH SÁNG CỦA SỰ SỐNG”

    Dựa theo Giăng 8:12-59; 9

    “Đức Chúa Giê-su lại cất tiếng phán cùng chúng rằng: Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo Ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống”. CCC2 171.1

    Khi phán những lời này, Đức Chúa Giê-su đang ở trong sân của ngôi đền thờ vốn có liên quan đặc biệt đến các nghi lễ của kỳ lễ Lều tạm. Ở giữa sân là hai cây cột cao ngất, đỡ những cái giá đèn cỡ lớn. Sau khi dâng của lễ chiều hôm, tất cả các đèn đều được thắp lên, soi sáng cả Giê-ru-salem. Nghi lễ này để tưởng nhớ trụ lửa đã dẫn đường dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng, và được coi như hình bóng về Đấng Mê-si sẽ đến. Vào buổi chiều tối, khi đèn được thắp sáng, cảnh tượng trong sân thật là vui vẻ. Nào là những người có mái tóc đã hoa râm, nào là các thầy tế lễ của đền thờ và các quan trưởng trong dân, họ hiệp lại trong những điệu múa ngày lễ hội nương theo tiếng các nhạc cụ và tiếng hát của người Lê-vi. Qua việc thắp sáng cả Giê-ru-sa-lem, dân chúng bày tỏ niềm hi vọng về Đấng Mê-si sẽ đến để soi sáng trên dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng đối với Đức Chúa Giê-su, cảnh tượng này còn có ý nghĩa rộng hơn nữa. Giống như chiếc đèn của đền thờ được thắp lên chiếu sáng cho mọi người, thì Đấng Cứu Thế chính là nguồn sáng thiêng liêng, xua tan bóng tối thế gian. Nhưng biểu tượng này không được hoàn hảo. Ánh sáng mạnh mẽ mà chính bàn tay Ngài đã đặt trên các tầng trời mới là hình ảnh thật chính xác về sự vinh hiển của chức vụ Ngài.CCC2 171.2

    Lúc ấy là buổi sáng; mặt trời vừa nhô lên trên đỉnh núi Ô-li-ve, và các tia nắng chói lòa trên các đền đài bằng đá cẩm thạch, khiến các bức tường vàng của đền thờ sáng rực rỡ đến lạ kỳ; Đức Chúa Giê-su chỉ mặt trời, rồi Ngài phán rằng: “Ta là sự sáng của thế gian”. Mãi về sau những lời tuyệt vời này được chính những người nghe hôm ấy lặp đi lặp lại “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.” “Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người.” (Giăng 1:4, 5, 9). Và khá lâu sau khi Đức Chúa Giê-su đã thăng thiên, dưới sự soi sáng của Đức Thánh Linh, Phi-e-rơ viết những lời gợi lại biểu tượng Đấng Cứu Thế đã sử dụng: “Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em.” (II Phi-e-rơ 1:19).CCC2 172.1

    Trong những sự giải bày của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài, ánh sáng luôn là biểu tượng về sự hiện diện của Ngài. Trong lời phán của buổi ban đầu tạo thế, ánh sáng đã xua tan tăm tối. Ánh sáng đã được bao phủ trong trụ mây ban ngày và trụ lửa ban đêm, đã dẫn dắt các cơ binh đông đảo của 172 dân Y-sơ-ra-ên. Ánh sáng chói lòa rực rỡ vinh hiển bao quanh Đức Chúa Trời trên núi Si-na-i. Ánh sáng ngự trị trên ngôi thi ân nơi Lều-tạm. Ánh sáng chan hòa đền thờ Sa-lô-môn trong ngày cung hiến đền thờ. Ánh sáng chiếu trên đồi núi Bết-lê-hem khi các thiên sứ đem thông điệp cứu rỗi cho các kẻ chăn chiên đang thức đêm canh giữ bầy chiên.CCC2 172.2

    Đức Chúa Trời là ánh sáng; và qua những lời này: “Ta là sự sáng của thế gian,” Đấng Cứu Thế đã nói rõ ràng về sự hiệp một của Ngài với Đức Chúa Trời, cũng nói đến mối quan hệ của Ngài với toàn thể gia đình nhân loại. Chính Ngài là Đấng từ buổi ban đầu đã khiến “sự sáng phải soi từ trong tối tăm.” (II Cô-rinh-tô 4: 6). Ngài là sự sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Ngài là sự sáng thiêng liêng đã soi sáng dân Y-sơ-ra-ên qua các biểu tượng, các hình bóng ẩn dụ và qua lời tiên tri. Nhưng sự sáng không chỉ được ban cho một mình dân Giu-đa mà thôi. Những tia nắng len lỏi vào các ngóc ngách xa xôi nhất trên trái đất thể nào, thì ánh sáng của Mặt Trời Công Bình cũng chiếu soi trên mọi linh hồn thể ấy.CCC2 172.3

    “Sự sáng này là sự sáng thật, soi cho mọi người sanh ra ở thế gian này”. Thế gian đã có những giáo sư tài giỏi, những con người có trí tuệ phi thường và những công trình nghiên cứu lạ lùng, những con người có lời nói khơi gợi suy nghĩ và mở ra những cánh đồng hiểu biết rộng lớn; và những con người ấy được tôn kính như những người đi tiên phong và là ân nhân của dòng dõi loài người. Nhưng có một Đấng đứng cao hơn hết thảy các vị giáo sư đó, và” hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời.” “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết.” (Giăng 1: 12, 18). Chúng ta có thể truy ra danh sách những giáo sư tài giỏi của thế gian theo những gì con người ghi nhận được; nhưng Sự Sáng vẫn ở đằng trước họ. Ánh sáng của mặt trăng và các ngôi sao trong thái dương hệ có được nhờ việc phản chiếu ánh sáng mặt trời, do đó, chừng nào những sự dạy dỗ của các vị giáo sư kia vẫn là chân thật, thì những nhà tư tưởng lớn của thế gian đó vẫn còn phản chiếu ánh sáng của Mặt Trời Công Bình ấy. Mỗi viên ngọc của tư tưởng, mỗi sự lóe sáng của trí óc đều từ Sự Sáng của thế gian mà ra cả. Thời gian gần đây, chúng ta hay nghe nói về “nền giáo dục cao hơn”. “Nền giáo dục cao hơn” đó đích thực là nền giáo dục do Ngài truyền đạt, “mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu về khôn ngoan thông sáng.” “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.” (Cô-lô-se 2: 3; Giăng 1:4). “Người nào theo Ta,” Đức Chúa Giê-su phán, “chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống”.CCC2 172.4

    Qua lời phán: “Ta là sự sáng của thế gian,” Đức Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là Đấng Mê-si. Tại ngôi đền thờ mà giờ đây Đấng Cứu Thế đang dạy dỗ, ông già Si-mê-ôn đã từng nói về Ngài, rằng Ngài là “ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài.”CCC2 173.1

    (Lu-ca 2: 31, 32). Những lời tiên tri quen thuộc với mọi người trong dân Y-sơra-ên này được ông dùng để chỉ về Đức Chúa Giê-su. Qua tiên tri Ê-sai, Đức 173 Thánh Linh đã tuyên bố: “Ngươi làm tôi tớ Ta đặng lập lại các chi phái Giacốp, và làm cho những kẻ được gìn giữ của Y-sơ-ra-ên lại được trở về, còn là việc nhỏ; Ta sẽ khiến ngươi làm sự sáng cho dân ngoại, hầu cho ngươi làm sự cứu rỗi của Ta đến nơi đầu cùng đất.” (Ê-sai 49: 6). Lời tiên tri này thường được hiểu là nói về Đấng Mê-si, và khi Đức Chúa Giê-su phán: “Ta là sự sáng của thế gian,” dân chúng không thể không nhận ra rằng Ngài tuyên bố mình là Đấng được hứa ban.CCC2 173.2

    Đối với người Pha-ri-si và các quan trưởng, khẳng định này xem ra rất ngạo mạn. Những người như họ không thể nào chấp nhận một khẳng định như vậy. Họ tỏ vẻ không đếm xỉa tới những gì Ngài vừa nói, rồi họ hỏi: “Thầy là ai?” Họ nhất quyết ép Ngài phải tuyên bố Ngài là Đấng Cứu Thế. Vẻ bề ngoài và công việc của Ngài khác xa với những gì dân chúng mong chờ, do đó, những kẻ thù xấu xa của Ngài tin rằng việc Ngài làm chứng mình chính là Đấng Mê-si sẽ khiến dân chúng khước từ Ngài như khước từ một kẻ lừa bịp.CCC2 173.3

    Nhưng trước câu hỏi “Thầy là ai?”, Đức Chúa Giê-su trả lời: “Như lời Ta đã nói với các ngươi từ ban đầu.” (Giăng 8: 25). Những gì đã bày tỏ qua lời Ngài cũng được bày tỏ qua tánh hạnh Ngài. Đức Chúa Giê-su là hiện thân của những Lẽ Thật Ngài giảng dạy, Ngài phán: “Ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha Ta đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đến vẫn ở cùng Ta, chẳng để Ta ở một mình, vì Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài”. Ngài không cố để chứng minh lời tuyên bố Ngài là Đấng Mê-si, nhưng Đức Chúa Giê-su tỏ cho thấy Ngài với Đức Chúa Trời là một. Nếu tấm lòng của họ mở ra trước tình yêu của Đức Chúa Trời, thì họ sẽ tiếp nhận Đức Chúa Giê-su.CCC2 173.4

    Trong số những người nghe Ngài hôm đó, nhiều người đã được kéo tới với Ngài bởi đức tin, và Ngài phán với họ: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo Ta, thì thật là môn đồ Ta; các ngươi sẽ biết Lẽ Thật, và Lẽ Thật sẽ buông tha các ngươi”. Những lời này làm người Pha-ri-si phật lòng. Lúc ấy, họ quên bẵng đi rằng dân tộc họ bấy lâu nay đang phải ở dưới ách đô hộ của dân ngoại bang, nên họ gào lên với sự căm phẫn: “Chúng tôi là dòng dõi Áp-ra-ham, chưa hề làm tôi mọi ai, vậy sao thầy nói rằng: Các ngươi sẽ trở nên tự do?”. Đức Chúa Giê-su nhìn những con người này, những kẻ nô lệ của lòng gian ác, những con người đầy dẫy tư tưởng báo thù, và Ngài buồn bã trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi”. Họ thuộc hàng tôi mọi tệ hại nhấttôi mọi của tinh thần xấu xa.CCC2 173.5

    Mọi linh hồn từ chối hiến mình cho Đức Chúa Trời đều ở dưới sự kiểm soát của một quyền lực khác. Những linh hồn ấy không thuộc về chính mình nữa. Họ có thể nói đến tự do, nhưng họ lại đang ở trong tình trạng tôi mọi khốn nạn nhất. Họ không được nhìn thấy vẻ đẹp của Lẽ Thật, bởi vì tâm trí họ phải ở dưới sự kiểm soát của Sa-tan. Trong khi họ tự lừa dối bản thân rằng: Họ đang đi theo tiếng gọi của những phán đoán riêng, thì thực chất là họ đang làm theo ý muốn của vua sự tối tăm. Đấng Cứu Thế đã đến để giải thoát linh hồn loài người khỏi xiềng xích nô lệ của tội lỗi. “Nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do.” “Luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Giê-su Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết.” (Rô-ma 8: 2). Trong chương trình cứu rỗi, không hề có sự ép buộc. Không hề có một sức mạnh bên ngoài nào can thiệp vào. Dưới tác động của Thánh Linh Đức Chúa Trời, con người được tự do lựa chọn kẻ mình muốn hầu việc. Trong sự biến đổi diễn ra khi linh hồn khuất phục Đấng Cứu Thế, có chứa đựng ý nghĩa cao cả nhất của sự tự do. Việc trục xuất tội lỗi là quyết định của chính linh hồn con người. Đúng là chúng ta không có khả năng thoát khỏi sự kiềm kẹp của Sa-tan, nhưng khi chúng ta ước ao được giải thoát khỏi tội lỗi, với nhu cầu cấp thiết, chúng ta cầu xin một quyền lực tối cao từ bên ngoài và bên trên chúng ta, thì linh hồn sẽ được đầy dẫy quyền năng của Đức Thánh Linh, và chúng ta sẽ nghe theo tiếng gọi của nguyện vọng thi hành ý muốn Đức Chúa Trời.CCC2 174.1

    Điều kiện duy nhất giúp con người được tự do là hiệp một với Đấng Cứu Thế. “Lẽ Thật sẽ buông tha các ngươi,” và Đấng Cứu Thế là Lẽ Thật. Tội lỗi chỉ có thể thắng được bằng cách làm đầu óc người ta ra yếu đuối và phá hủy sự tự do của linh hồn. Phó thác cho Đức Chúa Trời là sự khôi phục lại chính con người của chúng ta, khôi phục sự vinh hiển đích thực và phẩm giá con người. Luật pháp của Chúa mà chúng ta phải vâng giữ là “luật pháp tự do.” (Gia-cơ 2:12).CCC2 174.2

    Người Pha-ri-si tuyên bố họ thuộc dòng dõi Áp-ra-ham. Đức Chúa Giêsu nói với họ rằng khẳng định này chỉ đúng khi họ làm những việc như Áp-ra-ham. Con cái đích thực của Áp-ra-ham sẽ sống như ông đã sống, một cuộc sống vâng theo Đức Chúa Trời. Họ không được tìm cách giết chết Đấng đang nói về Lẽ Thật Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài. Với âm mưu hãm hại Đấng Cứu Thế, các thầy thông giáo không làm công việc của Áp-ra-ham. Chỉ thuộc dòng dõi Áp-ra-ham theo huyết thống mà thôi thì chẳng có giá trị gì. Vì điều đó không hề có sự thông công thiêng liêng với Áp-ra-ham, mà giá trị là ở chỗ được biểu hiện qua việc họ có cùng một tinh thần, và làm những công việc giống như ông, vậy nên họ chẳng phải là con cái ông.CCC2 174.3

    Nguyên tắc này cũng mang một giá trị tương đương với vấn đề đã từ lâu lay động giới Cơ-đốc nhân, vấn đề về sự kế tự các thánh đồ. Dòng dõi của Áp-ra-ham được chứng minh không phải bởi danh nghĩa hay dòng giống, mà bởi sự giống nhau về tánh hạnh. Bởi vậy sự kế thừa các thánh đồ không đặt trên nền tảng của việc truyền đạt thẩm quyền hội thánh, mà dựa trên mối quan hệ thiêng liêng. Một cuộc sống được thôi thúc bởi tinh thần của các thánh đồ, chính là đức tin và việc sốt sắng dạy dỗ những Lẽ Thật giống như các sứ đồ đã làm, đó là bằng chứng đích thực về sự kế tự các thánh đồ. Đó là lý do khiến người ta trở thành người kế tự những thầy dạy Tin Lành đầu tiên.CCC2 175.1

    Đức Chúa Giê-su phủ nhận việc người Giu-đa là con cái của Áp-ra-ham. 175 Ngài phán: “Các ngươi làm công việc của cha mình”. Họ trả lời, giọng chế giễu: “Chúng tôi chẳng phải là con ngoại tình; chúng tôi chỉ có một Cha, là Đức Chúa Trời”. Họ đang ám chỉ đến sự việc Ngài ra đời, những lời này nhằm tấn công chống lại Đấng Cứu Thế trước mặt những người bắt đầu tin Ngài. Đức Chúa Giê-su không để ý đến sự ám chỉ đê tiện này, Ngài chỉ phán rằng: “Ví bằng Đức Chúa Trời là Cha các ngươi thì các ngươi sẽ yêu Ta, vì Ta bởi Đức Chúa Trời mà ra và từ Ngài mà đến”.CCC2 175.2

    Việc làm của họ làm chứng về mối quan hệ của họ với kẻ vốn nói láo và khát máu. Đức Chúa Giê-su phán: “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỷ, mà sinh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được Lẽ Thật, vì không có Lẽ Thật trong nó đâu... Nhưng vì Ta nói Lẽ Thật, nên các ngươi không tin Ta” (Giăng 8:44). Sự kiện Đức Chúa Giê-su công bố Lẽ Thật, và Ngài nói một cách chắc chắn, chính là lý do tại sao Ngài đã không được các bậc lãnh đạo Giu-đa tiếp nhận. Chính Lẽ Thật đã làm phật lòng những kẻ tự cho mình là công bình này. Lẽ Thật phơi bày sự dối trá lầm lạc của họ; Lẽ Thật lên án đạo lý và tục lệ của họ, nên Lẽ Thật đã không được đón nhận. Họ thà nhắm mắt trước Lẽ Thật còn hơn là hạ mình xưng nhận rằng họ đã ở trong sự lầm lạc. Họ không hề yêu mến Lẽ Thật. Họ không khát khao Lẽ Thật cho dù biết chắc rằng đó là Lẽ Thật.CCC2 175.3

    “Trong các ngươi có ai bắt Ta thú tội được chăng? ... Nếu Ta nói Lẽ Thật, sao các ngươi không tin Ta?”. Hết ngày này sang ngày khác, trong suốt ba năm, các kẻ thù của Đấng Cứu Thế theo sát Ngài, cố tìm ra một chỗ khiếm khuyết trong tánh hạnh Ngài. Sa-tan cùng các sứ nó đang tìm cách đánh bại Ngài; nhưng chúng chẳng tìm được nơi Ngài điều gì để nhờ đó chiếm ưu thế. Ngay cả ma quỷ cũng phải thú nhận rằng: Ngài “là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.” (Mác 1: 24). Đức Chúa Giê-su đã sống theo luật pháp trước sự theo dõi của thiên đàng, của thế giới sa ngã, và của loài người tội lỗi. Trước thiên sứ, loài người và ma quỷ, Ngài đã phán những lời không ai bác bỏ được, những lời này nếu phát ra từ miệng của kẻ khác sẽ có thể bị xem là lộng ngôn, Ngài phán: “Ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài”.CCC2 175.4

    Dù không tìm thấy nơi Đấng Cứu Thế một tội lỗi nào, người Giu-đa vẫn không tiếp nhận Ngài, sự kiện này chứng tỏ bản thân họ không hề thông công với Đức Chúa Trời. Họ không nhận ra tiếng nói của Ngài qua thông điệp Con Ngài. Họ tự nghĩ rằng mình đang xét đoán Đấng Cứu Thế; nhưng qua việc khước từ Ngài, họ đang tuyên án chính mình. Đức Chúa Giê-su phán: “Ai ra bởi Đức Chúa Trời, thì nghe lời Đức Chúa Trời; cho nên các ngươi chẳng nghe, tại các ngươi không thuộc về Đức Chúa Trời”.CCC2 176.1

    Bài học này có giá trị cho mọi thời đại. Nhiều người thích lý sự, chỉ trích, tìm một điều gì đó để chất vấn về Lời Đức Chúa Trời, họ nghĩ rằng làm như vậy thì chứng tỏ rằng mình có suy nghĩ độc lập và có óc phán đoán sắc 176 bén. Những kẻ này cho rằng mình đang ngồi xét đoán Kinh Thánh, nhưng thực ra, họ đang xét đoán chính mình. Họ cho thấy rõ ràng rằng họ không có khả năng đánh giá các Lẽ Thật có nguồn gốc từ trời, là các Lẽ Thật có giá trị đời đời. Trước núi công bình vĩ đại của Đức Chúa Trời, lòng họ chẳng chút kính sợ. Họ bận rộn tìm kiếm gậy và rơm, qua đó để lộ bản tánh hẹp hòi và trần tục, lòng họ đang dần đánh mất khả năng nhận biết Đức Chúa Trời. Những ai đáp lại sự cảm động thiêng liêng từ trời, là họ đang tìm kiếm điều sẽ làm tăng thêm sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, và sẽ làm cho tánh hạnh mình thêm tinh tế và được nâng lên gần Chúa hơn. Như một bông hoa hướng về mặt trời, để những tia nắng lung linh có thể chiếu rọi trên bông hoa, làm phô ra những màu sắc vô cùng đẹp đẽ, thì linh hồn con người cũng cần phải quay về phía Mặt Trời Công Bình, để sự sáng trên trời có thể tô điểm tánh hạnh với những ân điển của tánh hạnh Đấng Cứu Thế.CCC2 176.2

    Đức Chúa Giê-su tiếp tục rút ra một sự tương phản sâu sắc giữa vị trí của người Giu-đa và vị trí của Áp-ra-ham: “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của Ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ”. Áp-ra-ham khát khao được thấy Đấng Cứu Thế, là Đấng của lời hứa. Ông khẩn thiết cầu xin để được thấy Đấng Mê-si trước khi qua đời. Và ông đã thấy Đấng Cứu Thế. Ông được ban cho một ánh sáng siêu nhiên, và ông đã nhận ra thần tính của Đấng Cứu Thế. Ông thấy ngày của Chúa và vui mừng. Ông nhìn thấy của lễ chuộc tội thiêng liêng. Chính bản thân ông đã từng có kinh nghiệm sống động về của lễ này. Ông đã được lệnh: “Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và.... dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi...” (Sáng thế ký 22: 2). Ông đã đặt đứa con của lời hứa, đứa con mang tất cả niềm hi vọng của ông lên bàn thờ tế lễ. Khi ông đứng chờ bên cạnh bàn thờ với con dao giơ lên để vâng theo Đức Chúa Trời, ông đã nghe thấy một tiếng phán từ trời: “Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hợi đến nó; vì bây giờ Ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với Ta con ngươi, tức con một ngươi.” (Sáng thế ký 22:12). Lệnh truyền dâng Y-sác làm của lễ thiêu quá đỗi kinh hoàng, nhưng Chúa đã truyền cho Áp-ra-ham để ông có thể thấy ngày của Đấng Cứu Thế, và nhận ra tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho thế gian, tình yêu vĩ đại đến nỗi: Để nâng thế gian lên khỏi sự đồi bại, Đức Chúa Trời đã để Con Một của Ngài phải chết một cách tủi hổ nhất.CCC2 176.3

    Áp-ra-ham đã học về Đức Chúa Trời, bài học vĩ đại nhất từng được ban cho con người. Lời ông cầu xin để được thấy Đấng Cứu Thế trước khi qua đời đã được nhậm. Ông đã thấy Đấng Cứu Thế; ông thấy tất cả những gì một kẻ hay chết có thể thấy, và ông sống vì điều ấy. Nhờ thái độ vâng phục hoàn toàn mà ông hiểu được hình bóng về Đấng Cứu Thế đã ban cho mình. Ông đã được tỏ cho thấy rằng qua việc ban Con Một để cứu rỗi kẻ tội lỗi khỏi sự hủy diệt đời đời, Đức Chúa Trời đã có sự hi sinh vĩ đại và kỳ diệu hơn những hi sinh mà con người có từ trước đến nay. Kinh nghiệm của Ápra-ham đã đáp lại câu hỏi: “Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giê-hô-va và quỳ lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đức Giê-hô-va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao?” (Mi-chê 6: 6, 7). Qua lời nói của Áp-ra-ham, “Con ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu” (Sáng thế ký 22: 8), và qua việc Đức Chúa Trời sắm sẵn một của lễ thay cho Y-sác đã nói lên rằng không ai có thể chuộc tội cho chính mình. Hệ thống tế lễ ngoại đạo hoàn toàn không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Không một người cha nào phải dâng con trai hay con gái mình làm của lễ chuộc tội. Chỉ có Con Đức Chúa Trời mới có thể gánh lấy tội lỗi thế gian.CCC2 177.1

    Qua sự thống khổ của mình, Áp-ra-ham được thấy sứ mạng tế lễ của Chúa Cứu Thế. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên lại không muốn hiểu điều này, điều mà lòng kiêu ngạo của họ chẳng hề chờ mong. Các lời của Đấng Cứu Thế liên quan đến Áp-ra-ham chẳng có ý nghĩa gì với những người nghe hôm ấy. Qua đó, người Pha-ri-si chỉ thấy có thêm một chủ đề để tranh cãi. Họ cãi lại Ngài với cái cười khinh bỉ như thể họ muốn chứng minh rằng Đức Chúa Giê-su là một người điên: “Thầy chưa đầy năm mươi tuổi, mà đã thấy Áp-ra-ham!”CCC2 177.2

    Đức Chúa Giê-su đã long trọng trả lời họ: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có Ta”. Đoàn dân đông làm thinh. Người Thầy gốc Ga-li-lê này đã nhận về mình Danh của Đức Chúa Trời, Danh vốn đã được bày tỏ cho Môi-se để diễn tả khái niệm về sự hằng hữu. Ngài đã công bố Ngài chính là Đấng tự hữu, Ngài là Đấng đã được hứa ban cho dân Y-sơ-ra-ên: “Gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.” (Mi-chê 5:1).CCC2 177.3

    Các thầy tế lễ và các thầy thông giáo lại la lên phản đối Đức Chúa Giê-su, coi Ngài như một kẻ lộng ngôn. Việc Ngài nhìn nhận mình là một với Đức Chúa Trời trước đó đã thôi thúc họ lấy mạng của Ngài, và ít tháng sau, họ đã tuyên bố rõ ràng: “Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi, nhưng vì lỗi lộng ngôn: Ngươi là người, mà tự xưng là Đức Chúa Trời.” (Giăng 10: 33). Bởi vì Ngài là Con Đức Chúa Trời và đã xác nhận mình như vậy, nên họ nhất quyết tiêu diệt Ngài. Lúc này, nhiều người trong dân chúng đứng về phe các thầy tế lễ và các thầy thông giáo đã lượm đá để ném Ngài. “Nhưng Đức Chúa Giê-su đi lén trong chúng, ra khỏi đền thờ”.CCC2 178.1

    Sự sáng soi trong tối tăm, nhưng “tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.” (Giăng 1: 5). “Đức Chúa Giê-su vừa đi qua, thấy một người mù từ thuở sanh ra. Môn đồ hỏi Ngài rằng: Thưa Thầy, ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy? Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người.... Nói xong, Ngài nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, và đem xức trên mắt người mù. Đoạn, Ngài phán cùng người rằng: Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê (nghĩa là chịu sai đi). Vậy, người đi đến ao đó, rửa, và trở lại, thì được thấy rõ”.CCC2 178.2

    Người Giu-đa thường tin rằng tội lỗi sẽ bị trừng phạt ở đời này. Mọi đau khổ đều bị coi như là hình phạt của một việc làm sai trái nào đó, hoặc của chính người đau khổ, hoặc của cha mẹ người đó. Đúng là mọi đau khổ đều do việc vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng Lẽ Thật này đã bị bóp méo. Sa-tan, vốn là tác giả của tội lỗi và tất cả các hậu quả của tội lỗi, đã dẫn con người tới chỗ coi bệnh tật và cái chết như là những hình phạt tùy tiện giáng xuống bởi Đức Chúa Trời vì cớ tội lỗi. Từ đó, kẻ mắc bệnh hoặc kẻ gặp phải tai họa có thêm gánh nặng bị coi như một kẻ mang tội trọng.CCC2 178.3

    Con đường khước từ Đấng Cứu Thế đã được dọn sẵn cho người Giu-đa. Ngài là Đấng “đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta” đã bị người Giu-đa coi như “bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ;” và họ đã che mặt chẳng thèm xem (Ê-sai 53: 4).CCC2 178.4

    Đức Chúa Trời đã đưa ra một bài học để ngăn chặn điều này. Câu chuyện về ông Gióp cho chúng ta thấy rằng đau khổ do chính Sa-tan đem lại, nhưng nó được Đức Chúa Trời điều khiển vì những mục đích nhân từ. Song, dân Y-sơ-ra-ên không hiểu bài học này. Khi khước từ Đấng Cứu Thế, người Giu-đa đã lặp lại những lỗi lầm mà Đức Chúa Trời từng quở mắng các bạn hữu của Gióp.CCC2 178.5

    Các môn đồ của Đấng Cứu Thế giữ niềm tin về mối quan hệ giữa tội lỗi và đau khổ y như người Giu-đa. Khi sửa chữa sai lầm của họ, Đức Chúa Giê-su đã không giải thích về nguyên nhân nỗi đau khổ của con người, nhưng Ngài cho họ thấy kết quả của đau khổ là gì. Đau khổ là để cho công việc của Đức Chúa Trời sẽ được bày tỏ. Ngài phán: “Đương khi Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng của thế gian”. Sau khi xức bùn lên mắt người mù, Ngài sai anh đi rửa trong ao Si-lô-ê, và mắt anh khỏi hẳn. Như vậy, Đức Chúa Giê-su đã trả lời câu hỏi của các môn đồ một cách cụ thể như Ngài vẫn thường trả lời những câu hỏi người ta đặt ra cho Ngài vì tò mò. Các môn đồ không được kêu gọi để tranh luận về các thắc mắc xem ai đã phạm tội hay không phạm tội, nhưng họ được kêu gọi để hiểu quyền năng và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời trong việc khiến người mù thấy lại được. Rõ ràng là không phải đất bùn và ao nước đã có tác dụng chữa lành người mù, mà khả năng chữa lành ấy chính là ở nơi Đấng Cứu Thế.CCC2 178.6

    Người Pha-ri-si không thể không ngạc nhiên về sự chữa lành này. Tuy thế, lòng họ chỉ càng thêm ghen ghét, bởi vì phép lạ đã diễn ra vào đúng ngày Sa-bát. Xóm giềng người mù và những người quen anh trước đây đã nói: “Nầy có phải là người vẫn ngồi ăn xin đó chăng?” Họ ngờ vực nhìn anh; bởi vì khi mắt anh mở ra, sắc mặt anh thay đổi và sáng ngời, và trông anh giống như một người khác. Câu hỏi được truyền từ người này sang người khác. Có người nói: “Ấy là hắn”. Kẻ khác lại bảo: “Một người nào giống hắn”. Nhưng anh mù, người được nhận ơn phước lớn lao này, đã làm các thắc mắc kia lắng xuống khi trả lời: “Chính tôi đây”. Đoạn, anh nói với họ về Đức Chúa Giê-su và thể nào Ngài đã chữa lành anh. Họ hỏi thêm: “Người ấy ở đâu? Người trả lời rằng: Tôi không biết”. Họ dẫn anh tới trước hội đồng tòa công luận của người Pha-ri-si. Một lần nữa, người ta hỏi anh cách nào mà anh được khỏi mù như thế. “Người rằng: Người ấy rà bùn vào mắt tôi, tôi rửa rồi thấy được. Có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si bèn nói rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát”. Người Pha-ri-si hi vọng vạch mặt Đức Chúa Giê-su là một kẻ tội lỗi, và như vậy, Ngài không phải là Đấng Mê-si. Họ lại không biết rằng Ngài chữa lành người mù chính vì Ngài đã lập nên ngày Sa-bát và hiểu tường tận vai trò của ngày Sa-bát. Họ tỏ ra nhiệt thành một cách đáng ngạc nhiên với việc tuân giữ ngày Sa-bát, vậy mà họ lại âm mưu giết người trong ngày trọng thể này. Nhưng nhiều người đã rất xúc động khi nghe kể về phép lạ này, và xác tín rằng Đấng đã mở được mắt của người mù không thể là một người tầm thường. Đáp lại lời buộc tội rằng: Đức Chúa Giê-su là một kẻ tội lỗi, vì Ngài không giữ ngày Sa-bát, thì họ nói: “Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thể nào được?”CCC2 179.1

    Các thầy thông giáo lại hỏi người mù: “Còn ngươi, về người đã làm sáng mắt ngươi đó, thì ngươi nói làm sao? Người trả lời rằng: Ấy là một đấng tiên tri”. Người Pha-ri-si khi ấy khẳng định rằng không phải người này sanh ra đã mù và rồi được sáng. Họ cho gọi cha mẹ anh và hỏi: “Đây có quả thật là con trai các ngươi mà các ngươi nói rằng nó mù từ thuở sanh ra chăng?”CCC2 179.2

    Chính anh tuyên bố rằng mình bị mù và được chữa lành; nhưng người Pha- ri-si muốn chối bỏ chứng cứ của chính giác quan hơn là cần nhận ra mình đã sai lầm. Thành kiến của họ mới nặng nề làm sao, sự công bình của người Pha-ri-si mới trơ tráo làm sao. Người Pha-ri-si chỉ còn một hi vọng đó là dọa cha mẹ của người mù. Họ làm bộ chân thành, và họ hỏi: “Thế thì, sao bây giờ nó sáng vậy?” Cha mẹ người mù sợ liên lụy; bởi vì họ đã nghe lời tuyên bố rằng ai nhìn nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế thì sẽ bị đuổi ra khỏi nhà hội, nghĩa là sẽ bị khai trừ khỏi nhà hội trong vòng ba mươi ngày. Suốt thời gian đó, trong nhà kẻ vi phạm không được cắt bì cho con trẻ, cũng không được khóc thương người quá cố. Bản án này được coi như một tai họa lớn, và nếu không chịu ăn năn, một hình phạt nặng nề hơn sẽ đi liền ngay sau đó. Cha mẹ người mù nhận thức một việc vĩ đại đã được thực hiện cho con mình, nhưng họ vẫn trả lời: “Chúng tôi nhìn biết là con trai chúng tôi đó đã mù từ thuở sanh ra; nhưng hiện nay tại làm sao thấy được, thì chúng tôi không rõ. Chúng tôi cũng không biết ai mở mắt nó nữa. Hãy hỏi nó, nó đã đủ tuổi, chính nó sẽ nói cho”. Như vậy, họ đã trút hết trách nhiệm lên con mình; bởi vì họ không dám xưng nhận Đấng Cứu Thế.CCC2 179.3

    180 Người Pha-ri-si bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, những thắc mắc và thành kiến của họ, sự vô tín của họ trước các sự kiện có thật đã mở mắt dân chúng, đặc biệt là những người bình dân. Đức Chúa Giê-su vẫn thường làm phép lạ công khai trên đường phố và công việc Ngài luôn mang tính chất chữa lành đau khổ. Trong đầu nhiều người lúc này hiện lên câu hỏi: Liệu Đức Chúa Trời có làm những công việc quyền phép như vậy qua một kẻ bịp bợm hay không? Bởi vì người Pha-ri-si cứ khăng khăng cho rằng Đức Chúa Giê-su là một kẻ bịp bợm? Cả hai phe tranh cãi với nhau càng ngày càng quyết liệt hơn.CCC2 180.1

    Người Pha-ri-si nhận thấy họ đang đưa việc làm của Đức Chúa Giê-su ra trước công chúng. Họ không thể chối bỏ phép lạ. Người mù đang hân hoan và đầy lòng biết ơn; anh ta được thấy những sự lạ lùng trong thiên nhiên và đầy sảng khoái trước vẻ đẹp của trời đất. Anh tự do kể lại kinh nghiệm của mình; và một lần nữa, họ lại tìm cách bắt anh im lặng. Họ nói: “Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta biết người đó là kẻ có tội”. Nghĩa là: Đừng có nói người ấy đã làm sáng mắt anh, chính Đức Chúa Trời đã làm điều đó.CCC2 180.2

    Người mù đáp lại: “Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng, chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng”. Họ lại hỏi: “Người đã làm điều gì cho ngươi? Mở mắt ngươi thể nào?” Bằng nhiều lời lẽ khác nhau, họ cố gắng làm cho anh ta bối rối, tới mức anh ta có thể nghĩ rằng mình đã bị lừa dối. Sa-tan cùng các sứ nó ở về phía người Pha-ri-si và nhập quyền lực và sự xảo quyệt của chúng vào lý luận con người, để chống lại ảnh hưởng của Đấng Cứu Thế. Họ bào mòn sự nhận thức đang dần thấm nhuần trong đầu nhiều người. Các thiên sứ của Đức Chúa Trời cũng có mặt để thêm sức cho kẻ đã được chữa sáng mắt.CCC2 180.3

    Những người Pha-ri-si không nhận ra rằng họ đang đối phó với một con người dốt nát và bị mù từ lúc mới sinh ra; họ chẳng hề biết Đấng họ đang tranh cãi. Sự sáng của Đức Chúa Trời soi trong các căn phòng của linh hồn người mù. Khi những con người giả hình đó tìm cách đánh đổ đức tin của anh thì Đức Chúa Trời đã giúp anh bày tỏ cho họ thấy rằng: Nhờ vào sự mạnh mẽ và chính xác của những lời đối đáp, anh sẽ không bị mắc bẫy. Anh đáp lại: “Tôi đã nói với các ông rồi, mà các ông chẳng nghe tôi. Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Há cũng muốn làm môn đồ người chăng? Họ bèn mắng nhiếc người, mà rằng: Ấy, chính ngươi là môn đồ người; còn chúng ta là môn đồ của Môi-se. Chúng ta biết Đức Chúa Trời đã phán cùng Môi-se, nhưng người nầy, thì chúng ta chẳng biết bởi đâu đến”.CCC2 181.1

    Đức Chúa Giê-su biết anh đang phải trải qua sự thử thách nên đã ban cho anh ân điển và lời nói tới mức anh trở thành nhân chứng cho Đấng Cứu Thế. Anh đã trả lời người Pha-ri-si với những lời lẽ sắc bén, khiển trách những kẻ hạch hỏi anh. Họ nhận mình là những kẻ giảng giải Kinh Thánh, là những ông thầy dạy đạo của dân tộc; vậy mà ở đây có Đấng làm phép lạ, họ lại tỏ ra chẳng biết gì về nguồn quyền năng của Ngài và về tánh hạnh cũng như 181 những xác nhận của Ngài. Người mù nói: “Người đã mở mắt tôi, mà các ông chẳng biết người bởi đâu đến, ấy là sự lạ lắm! Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời. Người ta chẳng bao giờ nghe nói có ai mở mắt kẻ mù từ thuở sanh ra. Nếu người nầy chẳng phải đến từ Đức Chúa Trời, thì không làm gì được hết”.CCC2 181.2

    Anh đã đặt những kẻ hạch sách mình vào trong chính lãnh vực của bọn họ. Lý luận của anh không thể bác bẻ được. Người Pha-ri-si kinh ngạc, cố giữ bình tĩnh, ngớ người trước những lời châm chọc thẳng thừng của anh. Mọi người im lặng trong chốc lát. Các thầy tế lễ và các thầy thông giáo cau mày, thu gọn áo mình lại như thể họ sợ bị lây nhiễm khi đụng tới anh. Họ phủi bụi khỏi chân và gào lên tố cáo anh: “Cả mình ngươi sanh ra trong tội lỗi, lại muốn dạy dỗ chúng ta sao!” Và họ đuổi anh ra ngoài.CCC2 181.3

    Đức Chúa Giê-su đã nghe nói về những gì đã xảy ra. Ngài đi tìm anh và hỏi: “Ngươi có tin đến Con Đức Chúa Trời chăng?” Lần đầu tiên người mù được nhìn thấy mặt Đấng đã chữa lành cho mình. Trước hội đồng, anh đã nhìn thấy cha mẹ mình bối rối và dao động. Anh thấy mặt mày các thầy thông giáo cau có. Giờ đây, mắt anh được thấy nét mặt yêu thương, dịu dàng của Đức Chúa Giê-su. Với diễm phúc lớn lao, anh đã nhận ra Ngài là người đại diện cho quyền năng Đức Chúa Trời; giờ đây, anh còn được ban cho một mặc khải lớn hơn nữa.CCC2 181.4

    Trước câu hỏi của Cứu Chúa: “Ngươi có tin đến Con Đức Chúa Trời chăng?” người mù đáp lại bằng câu hỏi: “Thưa Chúa, người là ai, hầu cho tôi tin đến?” Và Đức Chúa Giê-su phán: “Ngươi đã thấy người, và ấy là chính người đương nói cùng ngươi”. Anh bèn sấp mình xuống dưới chân Ngài mà thờ lạy. Không phải chỉ con mắt xác thịt của anh được sáng trở lại, mà con mắt tâm linh của anh cũng được mở ra. Đấng Cứu Thế đã được bày tỏ ra cho linh hồn anh và anh tiếp nhận Ngài với tư cách là Đấng được Đức Chúa Trời gửi đến.CCC2 181.5

    Một nhóm người Pha-ri-si đã nhóm lại gần đó. Nhìn họ, Đức Chúa Giê-su thấy ngay một sự tương phản rõ rệt trong hiệu quả lời nói và việc làm của Ngài. Ngài phán: “Ta đã đến thế gian đặng làm sự phán xét nầy: Hễ ai chẳng thấy, thì thấy; còn ai thấy, lại hóa mù”. Đấng Cứu Thế đã đến để khiến cho những con mắt mù được sáng, để đem lại sự sáng cho những kẻ ngồi trong tối tăm. Ngài tuyên bố Ngài là sự sáng của thế gian, và phép lạ Ngài vừa làm chứng nhận chức vụ của Ngài. Những người từng thấy Chúa Cứu Thế khi Ngài sống ở thế gian này, họ là những người được bày tỏ đầy đủ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời hơn so với những người đời trước. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được bày tỏ trọn vẹn trong Đấng Cứu Thế. Nhưng trong mặc khải này, sự phán xét cũng đến trên con người. Tánh hạnh của họ bị thử thách, số phận của họ được định đoạt.CCC2 182.1

    182 Sự bày tỏ về quyền năng của Đức Chúa Trời chữa lành người mù cả về thuộc thể lẫn thuộc linh đã bày ra một thực tế rằng: Chính những người Pha-ri-si đã tự đẩy mình vào chỗ tối tăm hơn. Một số người nghe Ngài, cảm thấy câu nói của Đấng Cứu Thế ám chỉ mình, nên họ hỏi rằng: “Còn chúng ta cũng là kẻ mù chăng?” Đức Chúa Giê-su trả lời: “Nếu các ngươi là kẻ mù, thì không có tội lỗi chi hết”. Nếu Đức Chúa Trời đã khiến các ngươi không thể thấy được Lẽ Thật, thì sự ngu dốt của các ngươi không kéo theo tội lỗi. “Nhưng vì các ngươi nói rằng: Chúng ta thấy”. Các ngươi tin rằng mình có thể thấy và khước từ các phương tiện mà chỉ qua các phương tiện đó các ngươi mới có thể thấy. Đối với tất cả những ai nhận ra sự thiếu sót mình, Đấng Cứu Thế sẽ đến giúp đỡ tận tình. Nhưng người Pha-ri-si không muốn nhìn nhận sự thiếu sót của mình; họ từ chối đến với Đấng Cứu Thế, và do đó, họ bị bỏ mặc trong sự mù lòa, là sự mù lòa mà họ tự đưa mình vào. Nên Đức Chúa Giê-su phán: “Tội lỗi các ngươi vẫn còn lại”.CCC2 182.2

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents