Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

Thiện Ác Đấu Tranh

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    18—Nhà Cải Chánh Mỹ

    ĐỂ RAO TRUYỀN sứ điệp Đấng Christ phục lâm, Đức Chúa Trời chọn một người nông dân tầm thường, có lòng ngay thẳng, tuy nghi ngờ về quyền năng của Kinh Thánh, nhưng thành thật muốn biết lẽ thật. Giống như các nhà Cải chánh khác, William Miller đã phải tranh đấu với cảnh nghèo nàn khi còn trẻ tuổi, nhờ vậy mà ông học được những bài học về nghị lực và quên mình. Ông hấp thụ từ gia đình những đặc tính như tinh thần độc lập, yêu mến tự do, sức chịu đựng bền bỉ và lòng ái quốc nhiệt thành—đây cũng là những điểm nổi bật trong bản tính của ông. Cha ông làm đại úy của quân đội trong thời kỳ Cách mạng, phải hy sinh và chịu cực khổ trong thời gian sóng gió này, vì vậy mà William sống trong cảnh nghèo khó hồi còn thơ ấu.TT20 283.1

    Miller có thân hình mạnh mẽ, và từ khi còn nhỏ đã tỏ ra thông minh xuất chúng. Khi ông lớn lên, điều này càng trở nên rõ ràng. Trí óc ông hoạt bát, phát triển mạnh, và ông khao khát sự hiểu biết. Mạc dù không có dịp được giáo dục tại trường đại học, ông rất ham học hỏi, thói quen suy nghĩ kỹ càng và phê bình cặn kẽ, khiến ông có trí phán đoán tốt và kiến thức rộng rãi. Đời sống đạo đức của ông không chỗ trách được, có danh tiếng tốt, ông được người ta ưa chuộng vì tính thanh liêm, cần kiệm, và rộng rãi. Nhờ có năng lực và biết áp dụng, nhờ thói quen chăm học, nên không bao lâu ông được thành công. Ông giữ nhiều chức về hành chánh và quân sự cao trọng, nên đường danh lợi dường như được mở rộng cho ông.TT20 283.2

    Mẹ ông là một người rất đạo đức, nên từ khi còn nhỏ, William đã có những ấn tượng về tôn giáo. Tuy nhiên, ngay từ hồi thơ ấu, ông dã biết những người theo tự nhiên thần giáo, và chịu ảnh hưởng mạnh của nhóm này vì họ là những công dân lương hảo, có lòng nhân đạo và rộng rãi. Sống giữa các Cơ Đốc nhân, bản tính họ được uốn nắn theo môi trường quanh họ. Do sự xuất chúng mà họ được tôn trọng và tín nhiệm; nhưng họ dùng sự ban cho quý giá này cách sai lầm khiến ảnh hưởng của họ chống lại lời Đức Chúa Trời. Vì quen biết những người này nên William cũng tiếp nhận ý kiến họ. Cách giải nghĩa Kinh Thánh thông dụng đem lại cho ông những điều khó khăn dường như không vượt nổi; nhưng, trong khi bỏ Kinh Thánh qua một bên, niềm tin tưởng mới mẻ của ông không đem lại điều gì tốt hơn, và ông vẫn chưa được thỏa lòng. Ông tiếp tục giữ những quan điểm này trong vòng mười hai năm. Khi được ba mươi bốn tuổi, ông cảm thấy Đức Thánh Linh cáo giác về tình trạng tội lỗi của ông. Ông thấy niềm tin trước kia của ông không bảo đảm phước hạnh vĩnh cửu. Tương lai thật tối tăm và ảm đạm. Về sau, ông có thuật lại cảm giác của ông về thời kỳ này,TT20 284.1

    “Sự tuyệt diệt là một tư tưởng lạnh lùng và ảm đạm, và sự phán xét có nghĩa là sự hủy diệt của tất cả mọi người. Trời giống như đồng trên đầu tôi, và đất như sắt dưới chân tôi. Cõi đời đời là gì? Tại sao có sự chết? Càng lý luận, tôi càng không tìm được lời giải đáp. Càng suy nghĩ, tư tưởng tôi càng lộn xộn. Tôi cố gắng không suy nghĩ nữa, nhưng toi không điều khiển được tư tưởng mình. Toi thật là khốn khổ, nhưng không hiểu tại sao? Tôi lằm bằm và than van, nhưng không biết với ai. Tôi nhận biết có điều ác, nhưng không biết tìm điều thiện ở đâu và bằng cách nào. Tôi đã than khóc, nhưng không có hy vọng.”TT20 284.2

    Ông sống trong tình trạng ấy vài tháng. Ông nói, “Thình lình, bản tính của Đấng Cứu Thế gây ấn tượng rõ ràng trong trí tôi. Dường như có một Đấng rất nhân từ và thương xót chuộc những sự vi phạm của chúng ta, và mang lấy sự hình phạt cho chúng ta. Tôi liền cảm thấy Đấng ấy thật đáng yêu biết bao, và tôi tưởng tượng gieo mình vào canh tay Ngài và trông cậy nơi lòng thương xót của Ngài. Nhưng tôi đặt câu hỏi, Làm sao có thể chứng minh rằng Đấng ấy hiện hữu? Tôi nhận thấy rằng, ngoài Kinh Thánh, tôi không thể tìm được một chứng cớ nào về sự hiện hữu của Đấng Cứu Thế ấy, hay về sự sống tương lai. . . .TT20 284.3

    “Tôi thấy Kinh Thánh giới thiệu một Đấng Cứu Thế mà tôi cần đến; và tôi bối rối tìm hiểu làm sao một quyển sách không được soi dẫn lại có thể đưa ra những nguyên tắc thích ứng cho nhu cầu của loài người sa ngã. Tôi bắt buộc nhìn nhận rằng Kinh Thánh phải là một sự khải thị của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh trở nên sự khoái lạc của tôi; và Đức Chúa Giê-su là người bạn của tôi. Đấng Cứu Thế trở nên tốt đẹp nhất trong mười ngàn người; Kinh Thánh trước kia đối với tôi lu mờ và mâu thuẫn, bây giờ trở nên “ngọn đèn cho chân tôi và ánh sáng cho đường lối tôi.” Trí óc tôi trở nên bình tĩnh và thỏa mãn. Tôi tìm thấy Đức Chúa Trời là Vầng Đá ở giữa biển đời. Từ nay, Kinh Thánh trở nên sự học hỏi chính của tôi, và thật tình, tôi đã nghiên cứu Kinh Thánh một cách vui mừng. Tôi thấy chưa được nghe phân nửa của Kinh Thánh. Tôi tự hỏi tại sao trước đây toi không thấy sự tốt đẹp và vinh hiển của Kinh Thánh, và tại sao toi có thể chối bỏ Kinh Thánh được. Tôi tìm thấy trong Kinh Thánh tất cả những nguyện vọng của lòng tôi, và một phương thuốc cho tất ca bệnh tật của linh hồn. Tôi không còn thích đọc sách gì khác, và chuyên cần tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Đức Chúa Trời.” —S. Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 65-67.TT20 285.1

    Miller công khai xưng đức tin nơi một tôn giáo mà ông đã khinh thường. Nhưng, những người cộng sự vô tín của ông đưa ra những lý luận mà chính ông đã dùng để chống nghịch lại Kinh Thánh. Bấy giờ, ông chưa chuẩn bị để trả lời họ, nhưng ông lý luận rằng nếu Kinh Thánh do Đức Chúa Trời soi dẫn, thì không thể tự mâu thuẫn; và sách ấy được ban cho để dạy dỗ loài người, thì loài người có thể hiểu được. Vì vậy, ông quyết định tự học Kinh Thánh cho mình, và tìm hiểu sự mâu thuẫn ấy có thể hòa hợp được hay không.TT20 285.2

    Ông cố bỏ tất cả những thiên kiến và các lời giải thích của loài người, chỉ so sánh các câu Kinh Thánh liên quan với nhau, nhờ sự trợ giúp của các câu chú giải bên lề và sách liệt kê Kinh Thánh. Ông bắt đầu nghiên cứu theo một phương pháp có quy củ; bắt đầu từ sáng Sáng thế Ký, đọc từng câu cho đến khi hiểu rõ ý nghĩa. Khi có một điều nào không rõ, thì ông so sánh với các câu khác liên quan đến vấn đề ấy. Mỗi chữ đều có giá trị cho đề tài học hỏi, và nếu quan điểm của ông về chữ đó hòa hợp với mỗi đoạn đối chiếu, thì không còn khó hiểu nữa. Như thế, trước một đoạn khó hiểu, ông có thể tìm được lời giải nghĩa nhờ một câu khác. Ông càng tiến tới trong sự nghiên cứu, sốt sắng cầu xin sự soi sáng thiên thượng,thì những câu lúc trước khó hiểu bây giờ được sáng tỏ. Ông kinh nghiệm lẽ thật của lời tác giả Thi thiên, “Sự giãi bày lời Chúa soi sáng cho, ban sự thông hiểu cho người thật thà” (Thi thiên 119:130).TT20 285.3

    Ông nghiên cứu sách Đa-ni-ên và Khải huyền cách say mê, áp dụng những nguyên tắc giải nghĩa như lần trước, nên không bao lâu ông rất vui mừng hiểu được ý nghĩa của các hình bóng tiên tri. Ông thấy các lời tiên tri đều ứng nghiệm rõ ràng, va tất cả các hình bóng, ví dụ, v. v., nếu không được giải nghĩa trong đoạn sách ấy, thì được giải nghĩa trong chỗ khác. Ông nói, “Tôi tin chắc rằng, Kinh Thánh là một hệ thống của lẽ thật được khải thị, thật rõ ràng và đơn giản, đến nỗi người kính sợ Đức Chúa Trời, dù ngu dốt đến đâu cũng không thể hiểu lầm được.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 70. Ông dò theo lịch sử thấy các lời tiên tri đều ứng nghiệm. Các thiên sứ của Đức Chúa Trời hướng dẫn tinh thần ông, và ban cho ông sự hiểu biết Kinh Thánh.TT20 286.1

    Dùng cách giải nghĩa những lời tiên tri đã ứng nghiệm trong quá khứ, như là tiêu chuẩn để giải nghĩa sự ứng nghiệm những lời tiên tri trong tương lai, ông thỏa lòng khi thấy quan niệm phổ thông về sự trị vì thiêng liêng của Đấng Christ—một ngàn năm tạm thời trước ngày tận thế—không được Kinh Thánh thừa nhận. Đạo lý này nói về một ngàn năm công bình và bình an xảy ra trước khi Đấng Christ tái lâm, đã đặt ngày kinh khiếp của Chúa quá xa vời. Nhưng mặc dù êm tai, đạo lý này trái với sự dạy dỗ của Đấng Christ và các sứ đồ, vì Ngài đã phán rằng lúa mì và cỏ lùng phải lớn lên cho đến mùa gặt, tức là cho đến ngày tận thế; rằng “những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn trong điều dữ;” rằng “trong ngày sau rốt sẽ có những thời kỳ khó khăn;” nước cua sự tối tăm còn cho đến khi Chúa đến để hủy diệt bởi hơi miệng Ngài, và bị trừ bỏ bởi sự chói sáng của Ngài” (Ma-thi-ơ 13:30, 38-41; 2 Ti-mô-thê 3:13, 1; 2 Têsa-lô-ni-ca 2:8).TT20 286.2

    Hội thánh các sứ đồ không dạy về sự trở lại đạo của toàn thế giới và sự cai trị thiêng liêng của Đấng Christ trước ngày tái lâm. Giáo lý này thường không được các Cơ Đốc nhân chấp nhận cho tới đầu thế kỷ thứ mười tám. Và kết quả của nó cũng như tất cả các sự lầm lạc khác là rất tai hại. Giáo lý này dạy người ta rằng ngày Chúa phục lâm còn xa nên họ khinh thường những dấu hiệu về ngày ấy. Nó gây cảm tưởng tin cậy và yên ổn trên một nền tảng không chắc chắn và khiến nhiều người khinh thường sự sửa soạn cần thiết để gặp Chúa.TT20 286.3

    Miller hiểu biết Kinh Thánh dạy rõ ràng về sự Đấng Christ sẽ tái lâm trong bổn thể Ngài và mọi mắt đều thấy được. Phao-lô viết, “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Và Đấng Cứu Thế phán, “Mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống.” “Vì như chớp phát ra từ phương đông, nháng đến phương tây, thì sự Con người đến sẽ cũng thể ấy” (Mathi-ơ 24:30, 27). Tất cả các đạo binh thiên sứ sẽ theo Ngài. “Khi Con người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh” (Ma-thi-ơ 25:31). “Ngài sẽ sai các thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn cua Ngài” (Ma-thi-ơ 24:31).TT20 287.1

    Khi Chúa trở lại, những người công bình đã chết sẽ được sống lại, và những người công bình con sống sẽ được biến hóa. Phao-lô viết, “Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa, trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa. Vả, thể hay hư nát này phải mặc lấy sự không hay hư nát, và thể hay chết này phải mặc lấy sự không hay chết” (1 Cô-rinh-tô 15:51-53). Trong thơ gởi cho người Tê-sa-lô-ni-ca, sau khi miêu tả sự Chúa đến, Phao lô nói thêm, “Những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16, 17).TT20 287.2

    Chỉ khi nào Đấng Christ đến thì dân sự Chúa mới nhận được nước. Đấng Cứu Thế phán, “Khi Con người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh hiển của Ngài. Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, roi Ngài sẽ chia người này với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra; để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả. Bấy giờ, Vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất” (Ma-thi-ơ 25:31-34). Chúng ta đã thấy trong những đoạn Kinh Thánh trên đây khi Con người đến, những kẻ chết sẽ sống lại được không hay hư nát và những kẻ sống sẽ được biến hoa. Vì sự thay đổi lớn này, họ được chuẩn bị để nhận nước thiên đàng; vì Phao-lô nói, “Thịt và máu chẳng hưởng nước Đức Chúa Trời được; và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được” (1 Cô-rinh-tô 15:50). Loai người trong tình trạng hiện thời thì phải chết và hư nát; nhưng nước Đức Chúa Trời thì không hay hư nát, còn đến đời đời. Vì vậy, loài người trong tình trạng hiện thời không thể vào nước của Chúa. Nhưng khi Đức Chúa Giê-su đến, Ngài sẽ ban cho dân sự Ngài sự bất tử; lúc đó, Ngài sẽ cho họ hưởng nước thiên đàng mà bây giờ họ mới chỉ là những người kế tự.TT20 287.3

    Những đoạn Kinh thánh này và những đoạn khác chứng minh cho Miller thấy những biến cố mà người ta nghĩ xảy ra trước khi Đấng Christ đến, như thời kỳ bình an và lập nước Đức Chúa Trời trên đất, thật sự sẽ xảy ra sau khi Chúa tái lâm. Hơn nữa, tất cả những dấu hiệu về thời đại và tình trạng của thế gian, phù hợp với lời tiên tri về những ngày sau rốt. Chỉ do sự nghiên cứu Kinh Thánh mà thôi, ông phải kết luận rằng, trong tình trạng hiện thời thì trái đất sắp đến ngày tận thế.TT20 288.1

    Ông nói, “Một bằng chứng khác nữa làm cho tôi chú ý là niên đại thứ tự của Kinh Thánh Tôi thấy những biến cố đã được dự ngôn và ứng nghiệm trong quá khứ, đúng theo thời kỳ ấn định. Như thời ký một trăm hai mươi năm của cơn đại hổng thủy (Sáng thế Ký 6:3); bảy ngày trước cơn lụt, và bốn mươi ngày mưa (Sáng thế Ký 7:4); thời kỳ bốn trăm năm lưu lạc của dòng dõi Áp-ra-ham (Sáng thế Ký 15:13); điềm chiêm bao về ba ngày của quan tửu chánh và quan thượng thiện của Pha-ra-ôn (Sáng thế Ký 40:12-20); thời kỳ bảy năm trong điềm mộng của Pha-ra-ôn (Sáng thế Ký 41:28-54); thời kỳ bốn mươi năm trong đổng vắng (Dân số Ký 14:34); ba năm rưỡi đói kém (1 Các Vua 17:1) [xem Lu-ca 4:25;] . . . thời kỳ bảy mươi năm làm phu tù (Giê-rê-mi 25:11); bảy kỳ của vua Nê-bu-cát-nết-sa (Đa-ni-ên 4:13-16); thời kỳ bảy mươi tuần lễ định cho dân Do Thái (Đa-ni-ên 9:24-27),—những biến cố ấy đều được ứng nghiệm đúng theo lời tiên tri.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 74, 75.TT20 288.2

    Cho nên khi học Kinh Thánh, Miller thấy những thời kỳ mà ông biết là nói về ngày tái lâm của Đấng Christ thì ông cho đó là “thời kỳ được rao báo trước,” mà Đức Chúa Trời đã khải thị cho các tôi tớ Ngài. Môi-se nói, “Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời;” và Chúa phán qua tiên tri A-mốt, là Ngài “chang có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các Đấng tiên tri” (Phục truyền 29:29; A-mốt 3:7). Vậy những người chuyên cần học lời Đức Chúa Trời đều có thể chờ đợi biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại đã được trình bày rõ ràng trong Kinh Thánh.TT20 289.1

    Miller nói, “Tôi hoàn toàn tin rằng, ‘Cả Kinh Thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi dẫn,’ và rất có ích cho chúng ta (2 Timô-thê 3:16); và Kinh Thánh không phải là tác phẩm của ý muốn loài người, nhưng bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã viết ra (2 Phi-e-rơ 1:21), và đã được chép ‘để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy’ (Rô-ma 15:4), tôi coi phần niên đại thứ tự trong Kinh Thánh cũng là do lời Đức Chúa Trời, và chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như các phần khác của Kinh Thánh. Vì vậy, tôi cảm thấy để hiểu những điều Chúa đã khải thị cho chúng ta vì lòng thương xót Ngài, tôi không có quyền bỏ qua những thời kỳ tiên tri.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 75.TT20 289.2

    Lời tiên tri được khải thị rõ ràng nhất về thời kỳ phục lâm là Đa-ni-ên 8:14, “Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai; sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch.” Áp dụng luật Kinh Thánh tự giải nghĩa, Miller biết rằng theo thời kỳ tiên tri một ngày tượng trưng cho một năm (Dân số Ký 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6); ông thấy rằng thời kỳ 2300 ngày tiên tri, hay 2300 năm, dài hơn thời kỳ định cho dân Giu-đa, vì thế thời kỳ này không thể chỉ nói về đền thánh trong thời kỳ ấy mà thôi. Miller chấp nhận lời giải thông thường trong thời đại Cơ Đốc thì trái đất là đền thánh, ông kết luận rằng, sự làm sạch đền thánh do tiên tri Đa-ni-ên dự ngôn trong câu 8:14 là sự làm sạch trái đất bằng lửa khi Đấng Christ phục lâm. Sau đó, ông nghĩ rằng nếu ong có thể tìm ra khởi điểm của thời kỳ 2300 ngày, thì rất dễ tìm ra ngày Chúa tái lâm. Như thế sẽ biết rõ ngày kết liễu thế gian, là ngày mà xã hội hiện tại với “sự kiêu ngạo và quyền lực của nó, sự xa hoa và sự hư không của nó, sự gian ác và sự hà hiếp của nó, sẽ chấm dứt;” sự rủa sả sẽ bị “cất khỏi trái đất, sự chết sẽ bị hủy diệt, phần thưởng được trao cho các đầy tớ của Chúa, cùng các tiên tri và các thánh, và những người kính sợ danh Chúa, và sẽ hủy diệt những kẻ hủy diệt trái đất.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 76.TT20 289.3

    Với sự sốt sắng mới và sâu xa hơn, Miller tiếp tục nghiên cứu lời tiên tri quan trọng này ngày và đêm. Ông không kiếm được khởi điểm của 2300 ngày trong Đa-ni-ên 8:14; mặc dù được lệnh giải nghĩa sự hiện thấy cho Đa-ni-ên, thiên sứ Gáp-ri-ên chỉ giải nghĩa một phần thôi. Cảnh bắt bớ kinh khủng đương chờ đợi hội thánh được bày tỏ ra trong sự hiện thấy, tiên tri cảm thấy sức mình yếu đuối không chịu đựng nổi nữa, và thiên sứ tạm lìa ông một thời gian. Đa-ni-ên nói, “Bấy giờ, ta, Đa-ni-ên mê mẩn và đau ốm trong mấy ngày. Ta rất lấy làm lạ về sự hiện thấy ấy, nhưng chẳng ai rõ ý nghĩa.”TT20 290.1

    Bấy giờ, Đức Chúa Trời truyền sứ giả Ngài, “Hãy giải nghĩa sự hiện thấy cho người.” Lệnh này phai được vâng theo. Một thời gian sau, thiên sứ trở lại cùng Đa-ni-ên và nói, “Ta đến và ban sự thông sáng cho người;” “vậy hãy suy nghĩ sự đó, và hãy hiểu biết sự hiện thấy” (Đa-ni-ên 8:27, 16; 9:22, 23, 25-27). Có một điểm quan trọng trong sự hiện thấy của đoạn 8, có liên quan đến thời kỳ 2300 ngày, chưa được giải nghĩa; vì vậy, thiên sứ tiếp tục giải nghĩa, đặc biệt nhấn mạnh về thời gian,TT20 290.2

    “Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và Thành Thánh ngươi Ngươi khá biết và hiểu rằng từ khi ra lịnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là Vua thì được bảy tuần lễ, và sáu mươi hai tuần lễ; thành đó sẽ được xây lại, có đường phố và hào, trong kỳ khó khăn. Sau sáu mươi hai tuần lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, [nhưng chẳng phải Ngài chết cho chính mình]. . . . Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, Người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc” (Đa-ni-ên 9:24-27).TT20 290.3

    Thiên sứ vội vàng đến cùng Đa-ni-ên để tỏ cho ông hiểu sự hiện thấy về thời kỳ tiên tri trong đoạn 8, “Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai, sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch.” Cho nên sau khi nói với Đa-ni-ên “hãy suy nghĩ sự đó, và hãy hiểu biết sự hiện thấy,” thì những lời đầu tiên của thiên sứ là, “Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và Thành Thánh ngươi.” Động từ “định” có nghĩa là “trừ.” Và bảy mươi tuần lễ là 490 năm, vậy thiên sứ nói thời kỳ ấy sẽ bị “trừ,” và để riêng ra cho dân Giu-đa. Nhưng, trừ khỏi gì? Thời kỳ 2300 buổi chiều buổi mai là thời kỳ duy nhất chép trong sự hiện thấy này, nên bảy mươi tuần lễ chỉ có thể trừ khỏi thời gian ấy mà thôi. Thời kỳ bảy mươi tuần lễ ở trong thời kỳ 2300 ngày, và hai thời kỳ đều đồng một khởi điểm. Vả, thiên sứ báo rằng bảy mươi tuần lễ là bắt đầu với thời kỳ “ra lịnh tu bổ và xây cất lại thành Giê-ru-sa-lem.” Nếu tìm được ngày ban hành chiếu chỉ ấy, thì chúng ta tìm được khởi điểm của thời kỳ 2300 buổi chiều và buổi mai.TT20 290.4

    Chiếu chỉ và ngày ban chiếu chỉ ấy có chép trong sách Ê-xơ-ra 7:12-26. Chiếu chỉ do Ạt-ta-xét-xe, vua Ba Tư ban hành năm 457 T.C. Cũng trong E-xơ-ra 6:14 có nói rằng là nhà của Đức Giê-hô-va tại Giế-ru-sa-lem được xây cất “do chiếu chỉ của Si-ru, Đa-ri-út và Ạt-ta-xét-xe.” Ba vua này đã ban chỉ dụ, đã xác nhận và đã bổ túc cho hoàn thành đúng theo lời tiên tri để có thể chỉ rõ khởi điểm của thời kỳ 2300 năm. Lấy năm 457 T.C. làm ngày ban hành chiếu chỉ, ta thấy thời kỳ bảy mươi tuần lễ được ứng nghiệm.TT20 291.1

    “Từ khi ra lịnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là Vua, thì được bảy tuần lễ, và sáu mươi hai tuần lễ”—tất cả là sáu mươi chín tuần lễ, hay 483 năm. Đến mùa thu năm 457 T.C., chiếu chỉ Ạt-ta-xét-xe mới thi hành. Thêm vào niêm hiệu này 483 năm thì tới mùa thu năm 27 S.C., lời tiên tri được ứng nghiệm. Vì mùa thu năm 27 S.C. Đấng Christ chịu phép báp-têm bởi Giăng Báp-tít, và được xức dầu bởi Đức Thánh Linh. Sứ đồ Phi-e-rơ có nói về vấn đề này như sau, “Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép” (Công vụ các Sứ đồ 10:38). Và chính Đấng Cứu Thế cũng phán rằng, “Thần của Chúa ngự trên ta; vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo” (Lu-ca 4:18). Sau khi chịu phép báp-têm, Đức Chúa Giê-su đến xứ Ga-li-lê “giảng tin lành của Đức Chúa Trời, mà rằng: Kỳ đã trọn” (Mác 1:14, 15).TT20 291.2

    “Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ.” “Tuần lễ” nói đây là tuần lễ cuối cùng của bảy mươi tuần lễ. Đó là bảy năm cuối cùng của thời kỳ định cho dân Giu-đa. Trong những năm này, từ năm 27 S.C. đến năm 34 S.C., Đấng Christ và sau đó các môn đồ Ngài kêu gọi đặc biệt dân Giu-đa đến dự tiệc phúc âm. Khi Ngài sai các môn đồ đi giảng tin mừng về nước trời, thì Ngài dặn họ, “Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sama-ri cả; song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 10:5, 6).TT20 291.3

    “Và đến giữa tuần ấy, Người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi.” Năm 31 S.C., ba năm rưỡi sau khi chịu báp-têm, Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây thập tự. Sự hy sinh lớn lao ở núi Sọ, chấm dứt hệ thống dâng của lễ mà trong bốn ngàn năm đã làm cho người ta chú ý đến Chiên Con của Đức Chúa Trời. Bấy giờ, hình đã gặp bóng, từ khi đó, tất cả những của lễ và của lễ chay của hệ thống lễ nghi đều chấm dứt.TT20 292.1

    Bảy mươi tuần lễ hay 490 năm định cho dân Giu-đa mãn hạn năm 34 S.C. Đúng niên hiệu này, sự quyết định của tòa Công luận Do Thái đã đóng ấn việc họ từ chối phúc âm bởi sự Ê-tiên tử vì đạo, và sự bẫt bớ tín đồ của Đấng Christ. Từ khi đó, sứ điệp cứu rỗi, không còn dành riêng cho dân được lựa chọn, mà được ban cho cả thế gian. Các môn đồ, vì sự bắt bớ nên phải chạy trốn ra khỏi Giê-ru-sa-lem, “đi từ nơi này đến nơi khác, truyền giảng đạo tin lành.” “Phi-líp cũng vậy, xuống trong thành Sa-ma-ri mà giảng về Đấng Christ tại đó.” Bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ làm chứng về tin lành cho thầy đội kính sợ Chúa ở Sê-xa-rê là Cọt-nây; Phao-lô rất sốt sắng trong đức tin nên được kêu gọi giảng tin lành “cùng dân ngoại ở nơi xa” (Công vụ các Sứ đồ 8:4, 5; 22:21).TT20 292.2

    Tới đây, tất cả chi tiết của lời tiên tri đều ứng nghiệm cách lạ lùng, định rõ khởi điểm của bảy mươi tuần lễ vào năm 457 T.C. và mãn năm 34 S.C. Bây giờ rất dễ tìm niên hiệu cuối cùng của thời kỳ 2300 ngày. Bảy mươi tuần lễ—tức là 490 ngày—lấy 2300 ngày trừ 490 ngày còn lại 1810 ngày. Sau khi mãn 490 ngày, còn 1810 ngày cần được làm trọn. Lấy 1810 ngày thêm vào niên hiệu 34, ta sẽ thấy thời kỳ tiên tri dẫn đến niên hiệu 1844. Vậy 2300 ngày của Đa-ni-ên 8:14 chấm dứt năm 1844. Và theo lời thiên sứ thì mãn hạn thời kỳ tiên tri này “nơi thánh sẽ được thanh sạch.” Như thế đó, niên hiệu làm sạch đền thánh—mà người ta lầm tưởng là ngày Chúa tái lâm—đã được chỉ định rõ ràng.TT20 292.3

    Miller và đồng bạn của ông trước hết tin rằng thời kỳ 2300 ngày sẽ mãn vào mùa xuân năm1844, trong khi lời tiên tri lại chỉ định mùa thu năm ấy. Sự lầm lạc này đem lại sự thất vọng và bối rối cho những người tin Chúa tái lâm vào mùa xuân năm 1844. Nhưng điều này không ảnh hưởng đến lý luận rằng thời kỳ 2300 buổi chiều và buổi mai mãn hạn năm 1844, và biến cố lớn là việc làm sạch đền thánh phải xảy ra năm đó.TT20 293.1

    Miller nghiên cứu Kinh Thánh để chứng minh rằng Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Ông không ngờ rằng sự nghiên cứu của ông đã đem lại kết luận thật bất ngờ. Ông không tự nhận là mình có công về kết quả của việc nghiên cứu này. Nhưng bằng chứng trong Kinh Thánh thật quá rõ ràng và hiển nhiên, không thể bỏ qua được.TT20 293.2

    Ông đã dành ra hai năm để nghiên cứu Kinh Thánh, đến năm 1818, ông tin chắc rằng trong hai mươi năm nữa Đấng Christ sẽ tái lâm để đem sự cứu rỗi cho dân sự Ngài. Miller viết, “Tôi không thể nói về sự vui mừng vô hạn tràn ngập lòng tôi, khi nghĩ đến viễn ảnh vinh hiển được dự phần vào sự vui mừng của những người được chuộc. Từ nay Kinh Thánh đối với tôi là một quyển sách mới, một bữa tiệc cho lý trí; tất cả những gì mờ tối, bí ẩn, hay không rõ trong đạo lý Kinh Thánh đều tan mất trước sự sáng từ những trang Kinh Thánh. Ô! Tôi thấy lẽ thật chiếu sáng rực rỡ, vinh hiển vô cùng. Tất cả những sự mâu thuẫn và thiếu hòa hợp mà ngày trước tôi thấy trong Kinh Thánh, bây giờ tiêu mất hết, và mặc dù Kinh Thánh còn nhiều điều mà tôi chưa hiểu, nhưng nhiều sự sáng chiếu rọi từ Kinh Thánh đánh tan sự tối tăm của tâm trí tôi, và tôi cảm thấy vui thích khi nghiên cứu Kinh Thánh.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 76, 77.TT20 293.3

    “Với sự xác tín chắc chắn là những biến cố quan trọng Kinh Thánh đã dự ngôn sẽ ứng nghiệm trong một thời gian rất ngắn, câu hỏi đến với tôi cách mạnh mẽ là phận sự của tôi đối với thế gian về những bằng chứng đã ảnh hưởng tâm trí tôi.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 81. Ông cảm thấy rằng đó là bổn phận của mình phải chia sớt cho tha nhân ánh sáng mà ông đã nhận lãnh. Ông thấy trước những sự chống đối của những kẻ vô tín, nhưng ông tin rằng tất cả Cơ Đốc nhân sẽ vui mừng với niềm hy vọng được gặp Đấng Cứu Thế mà họ yêu thương. Sự lo sợ duy nhất của ông là trong sự vui mừng lớn lao của họ trong ngày được giải cứu vinh hiển sắp xảy ra, nhiều người tiếp nhận giáo lý mà không nghiên cứu đầy đủ lời Kinh Thánh bày tỏ lẽ thật ấy. Vì vậy ông do dự trình bày lẽ thật này, e rằng ông bị sai lầm, và hướng dẫn người khác đi lạc đường chăng. Nên ông duyệt lại những bằng chứng về sự kết luận của mình và xem xét cẩn thận mọi khó khăn tỏ bày trong trí óc ông. Ông thấy những chống đối đều tiêu tan trước sự sáng của lời Đức Chúa Trời, như sương mù bị tan đi trước ánh nắng mặt trời. Sau năm năm, ông mới tin chắc rằng quyết định cua ông là đúng.TT20 293.4

    Bấy giờ, sự thúc giục phải nói cho người khác biết điều mình tin đã được Kinh Thánh dạy rõ ràng. Ông nói, “Khi tôi làm việc, tôi nghe một tiếng nhắc lại bên tai toi không dứt, ‘Hãy nói cho the gian về sự nguy hiểm sắp đến.’ Câu này luôn luôn hiện ra trong trí tôi, ‘Khi ta phán cùng kẻ dữ rằng: Hỡi kẻ dữ, mầy chắc chết! Nếu ngươi không răn bảo để cho kẻ dữ xây bỏ đường lối xấu của nó, thì kẻ dữ ấy sẽ chết trong sự gian ác mình; nhưng ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi. Nếu trái lại, ngươi đã răn bảo kẻ dữ đặng xây bỏ đường lối xấu của nó mà nó không xây bỏ, thì nó sẽ chết trong sự gian ác nó, còn ngươi đã giải cứu mạng sống mình” (Ê-xê-chi-ên 33:8, 9). Tôi cam thấy nếu kẻ dữ được cảnh cáo kỹ lưỡng, thì sẽ có nhiều người trong vòng họ ăn năn; và nếu họ không được cảnh cáo, thì Chúa sẽ đòi huyết họ nơi tay tôi.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 92.TT20 294.1

    Tùy cơ hội đến cho ông, Miller bắt đầu bày tỏ các giáo lý đặc biệt, cầu xin Đức Chúa Trời thuyết phục một mục sự để dâng mình hầu việc Ngài. Nhưng ông không thể chối bỏ sự xác tín là ông cũng có bổn phận phai cảnh cáo. Những lời này luôn luôn đến cùng ông, “Hãy đi rao báo cho thế gian; nếu không ta sẽ đòi máu chúng nơi ngươi.” Sau khi đã mang gánh nặng ấy trong chín năm, cuối cùng ông quyết định năm 1831, bày tỏ lần đầu tiên cách công khai những ý tưởng trong niềm tin của mình.TT20 294.2

    Cũng như Ê-li-sê đã bỏ cày để mặc lấy áo của tiên tri, William Miller được kêu gọi từ bỏ đất ruộng của mình để đi rao truyền cho thế gian biết về những sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời. Với lòng run rẩy, ong bắt tay vào việc, hướng dẫn thính giả, từng bước một, về sự ứng nghiệm của các lời tiên tri cho tới thời kỳ Đấng Christ tái lâm. Mỗi lần rao truyền sứ mạng, ông được thêm sức mạnh và sự can đảm khi thấy người ta chú ý đến những lời của ông.TT20 294.3

    Vì có lời yêu cầu của các anh em, như là tiếng nói của Đức Chúa Trời, nên ông bằng lòng trình bày cách công khai những sự xác tín của mình. Bấy giờ ông được năm mươi tuổi, chưa bao giờ nói trước công chúng, và cảm thấy mình bất tài. Nhưng, từ lúc ban đầu, những lời của ông được ơn phước cách đặc biệt cho những linh hổn tìm sự cứu rỗi. Bài giảng thứ nhất của ông đem lại một cuộc tỉnh thức tôn giáo, có mười ba gia đình, trừ hai người trong số đó, tiếp nhận lẽ đạo ấy. Ông liền được mời giảng trong những địa điểm khác, và hầu hết mọi nơi ông đi, công việc của ông đem lại một cuộc phục hưng thiêng liêng. Những kẻ có tội trở lại đạo, tín đo trở nên sot sắng hơn, những kẻ thờ thiên nhiên và vô tín nhìn nhận sự xác thực của Kinh Thánh và Cơ Đốc giáo. Người ta làm chứng về ông như vầy, “Ông đạt đến một hạng người mà không ai ảnh hưởng nổi.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 138. Những lời giảng của ông làm cho dân chúng chú ý đến những sự thuộc về tôn giáo, và ngăn cản những sự khoái lạc và vui chơi của đời.TT20 295.1

    Hầu hết trong mỗi địa phương, số người trở lại đạo chừng vài chục người, có khi hằng trăm người. Trong nhiều nơi, các hội đường Cải chánh đều mở cửa tiếp rước ông, và thường là mục sư của các hội thánh ấy mời ông giảng. Định luật của ông là chỉ đến giảng nơi nào ông được mời, nhưng không bao lâu, ông chỉ có thể thỏa đáp được phân nửa số người mời ông giảng. Nhiều người không chấp nhận quan điểm của Miller về thời kỳ nhất định của sự Đấng Christ tái lâm, cũng không tin rằng ngày ấy hầu gần để lo sửa soạn. Trong vài thành phố lớn, những công tác của ông gây nên một ấn tượng lớn lao. Các tửu quán đã bỏ sự buôn bán và dùng quán mình làm chỗ nhóm họp; những chỗ cờ bạc, chơi bời đều đóng cửa; những kẻ vô tín, những nhà thần luận, những người theo Chủ nghĩa Đại đổng, những kẻ chơi bời trụy lạc, đều được cải thiện; trong số đó có những người lâu nay không bước chân đến chỗ thờ phượng. Trong vài thành phố, các hội thánh tổ chức những phiên nhóm cầu nguyện trong khắp các khu phố gần suốt cả ngày, các thương gia nhóm lại buổi trưa để cầu nguyện và ngợi khen. Công việc của Miller, cũng như của các nhà Cải chánh đầu tiên, soi sáng trí óc và lương tâm người ta, chứ không gây ra xúc cảm nhất thời.TT20 295.2

    Năm 1833, hội thánh Báp-tít mà Miller là thuộc viên, cho ông giấy phép giảng đạo. Một số đông mục sư trong hội thánh này cũng chấp nhận công việc của ông, và ông tiếp tục việc mình với sự chinh thức thừa nhận của họ. Ông đi giảng không ngừng, mặc dầu ông chỉ hoạt động ở New England và các tiểu bang miền Trung. Trong nhiều năm, ông lưu hành truyền đạo, chịu tất cả phí tổn, và về sau ông cũng chẳng bao giờ nhận được đủ tiền phụ cấp di chuyển đến những nơi ông được mời giảng. Những công tác của ông, không đem lại lợi vật chất cho ông, nhưng lần lần làm hao mòn huê lợi của ông rất nhiều. Ông là cha của một gia đình lớn, và họ rất cần mẫn và siêng năng, nên nông trại của ông cung cấp đủ cho gia đình và cho ông.TT20 295.3

    Dấu hiệu cuối cùng mà Đấng Christ nói về ngày tái lâm của Ngài xuất hiện năm 1833, hai năm sau khi Miller khởi sự giảng. Đức Chúa Giê-su phán, “Sao từ trên trời sa xuống” (Ma-thi-ơ 24:29). Và Giăng trong Khải huyền cũng nói về ngày của Đức Chúa Trời, “Các vì sao trên trời sa xuống đất, như những trái xanh của một cây vả bị cơn gió lớn lung lay rụng xuống” (Khải huyền 6:13). Lời tiên tri này được ứng nghiệm trong cơn sao sa ngày 13 tháng 11, 1833. Đây là một cảnh sao sa đẹp nhất trong lịch sử, Trong khắp nước Mỹ, bầu trời dường như rung chuyển hằng giờ. Từ khi có cuộc định cư đầu tiên ở xứ này, chưa hề xảy ra một hiện tượng giống như vậy. Người ta ngắm xem hiện tượng cách kinh ngạc, sợ sệt.” “Cảnh tuyệt vời vẫn còn ghi nhớ trong ký ức của nhiều người. . . . Chưa bao giờ có một cơn mưa dày đặc giống như cơn sao sa này; ở phương đông, phương tây, phương nam, phương bắc cũng vậy. Nói tóm lại, cả trời dường như lay chuyển. . . . Theo sự miêu tả trong tờ Journal của giáo sư Silliman, cảnh tượng này khắp cả miền Bắc Mỹ đều xem thấy. . . . Từ hai giờ sáng đến giữa ban ngày, bầu trời yên tĩnh và trong trẻo, khắp trời đầy những ánh sáng rực rỡ.” —R. M. Devens, American Progress; or The Great Events of the Greatest Century, chương 28, đoạn 1-5.TT20 296.1

    “Không ngôn ngữ nào tả nổi sự chói lọi của cảnh lộng lẫy đó; . . T những người chưa chứng kiến không thể có ý niệm về sự vinh hiển của cảnh này. Dường như cả bầu trời đầy sao tụ lại tại một nơi gần thượng đỉnh, rồi đồng bắn ra những tia sáng tới khắp nơi ở chân trời; và hầu như không hề cạn—hằng ngàn, hằng ngàn sao liên tiếp sa xuống, như là được tạo dựng cho cơ hội này.”—F. Reed, Christian Advocate and Journal, 13 tháng 12, 1833. “Cảnh này giống như một cây vả rụng trái vì một cơn gió mạnh, không thể diễn tả nổi.” —“The Old Countryman,” tại Portland Evening Advertiser, 26 tháng 11, 1833.TT20 296.2

    Trong tờ New York Journal of Commerce, 14 tháng 11, 1833, có một bài nói về biến cố lạ lùng ấy như sau, “Không một triết gia hay một học giả nào có thể nói hay chép một biến cố giống như sự kiện sáng hôm qua. Một tiên tri cách đây một ngàn tám trăm năm đã dự ngôn đúng như vậy, nếu chúng ta hiểu được sao sa có nghĩa là những vì sao sa xuống, . . . với ý nghĩa duy nhất là việc đó xảy ra thật sự.”TT20 297.1

    Đây là những dấu hiệu cuối cùng về sự tái lâm mà Đức Chúa Giê-su đã phán cùng các môn đồ Ngài, “Khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa” (Ma-thi-ơ 24:33). Sau những dấu hiệu này, sứ đồ Giăng nhìn xem biến cố vĩ đại sẽ xảy ra, là các từng trời bị dời đi như quyển sách cuốn tròn, trong khi có cơn động đất, thì các núi và các đảo bị quăng ra khỏi chỗ mình, những kẻ gian ác kinh khiếp và chạy trốn khỏi mặt của Con người (Khai huyền 6:12-17).TT20 297.2

    Nhiều người đã chứng kiến cơn sao sa này như là một dấu báo trước ngày phán xét sắp đến, như “một tiêu biểu quan trọng, một dấu hiệu tiên báo chắc chắn, một dấu hiệu thương xót của ngày lớn và đáng sợ.”—“The Old Countryman,” tại Portland Evening Advertiser, 26 tháng 11, 1833. Dân chúng đều chú ý đến sự ứng nghiệm của những lời tiên tri, và nhiều người lại chú ý đến lời cảnh cáo về ngày tái lâm của Chúa.TT20 297.3

    Năm 1840, một sự ứng nghiệm lạ thường khác của lời tiên tri khiến người ta chú ý hơn nữa. Hai năm trước, Josiah Litch, một mục sư danh tiếng giảng về sự phục lâm, có xuất bản một tác phẩm giải nghĩa Khải huyền đoạn 9, nói về sự sụp đổ của Đế quốc Ottoman. Theo cách tính của ông, nước này bị sụp đổ “vào tháng 8 năm 1840;” vài ngày trước niên hiệu này, ông viết, “Xác nhận thời kỳ thứ nhất là 150 năm, ứng nghiệm trước ngày Deacozes lên ngôi với giấy phép của người Thổ Nhĩ Kỳ, và xác nhận thời kỳ 391 năm và 15 ngày, bắt đầu khi mãn thời kỳ thứ nhất, sẽ chấm dứt ngày 11 tháng 8, 1840, là ngày người ta chờ đợi sự sụp đổ của quyền lực Ottoman tại Constantinople. Và tôi tin đúng như vậy.”—Josiah Litch, trong Signs of the Times, and Expositor of Prophecy, 1 tháng 8, 1840.TT20 297.4

    Đến thời kỳ chỉ định, nước Thổ Nhĩ Kỳ, bởi các đại sứ mình, nhận sự bảo vệ của các nước Âu châu, và như vậy ở dưới sự kiểm soát của các nước theo Cơ Đốc giáo. Biến cố này ứng nghiệm lời tiên tri. Khi việc xảy ra, dân chúng nhận thức sự giải nghĩa của Miller và các đồng bạn ông la đúng, nhờ đó phong trào phục lâm được tiến tới cách lạ lùng. Những người học thức và có địa vị hiệp với Miller, để giảng dạy và phổ biến quan điểm của ông, và từ năm 1840 tới 1844, công việc tiến tới mau chóng.TT20 298.1

    William Miller có trí năng lạ thường, và tài năng đó được huấn luyện bởi sự suy gẫm và nghiên cứu; và ông nhận được sự khôn ngoan từ thiên đàng, bởi ông đã kết hợp với Nguồn của sự khôn ngoan. Đời sống đạo đức của ông khiến người ta yêu thương và kính trọng ông, vì họ biết ong rất thanh liêm và ngay thẳng. Lòng ông nhân từ, tính ông nhu mì, hiền lành, tự chủ, sẵn sàng nghe ý kiến của người khác và biết phân biệt các lý luận. Không nóng nảy nhưng nhịn nhục, thử nghiệm các lý thuyết và đạo lý so sánh với lời Đức Chúa Trời. Lý luận của ông rất minh bạch và nhờ sự hiểu biết sâu xa về Kinh Thánh giúp ông bác bỏ những sai lầm và tiết lộ sự giả dối.TT20 298.2

    Nhưng trong khi thi hành chức vụ ông không tránh khỏi sự chống nghịch dữ dội. Cũng như tất cả những nhà Cải chánh thời xưa, ông thấy những lẽ thật ông rao giảng đều bị các giáo sư bình dân chống lại. Vì họ không lấy Kinh Thánh làm nền tảng cho quan điểm mình, nên họ phải nhờ đến những đạo lý của loài người và những lời truyền khẩu của các Giáo phụ. Còn những nhà rao giảng phong trào phục lâm, thì chỉ chấp nhận lời chứng của Đức Chúa Trời. Khẩu hiệu của họ là “Kinh Thánh, và chỉ Kinh Thánh mà thôi.” Những đối phương của họ vì thiếu lý luận từ Kinh Thánh, nên dùng sự dèm pha và nhạo báng. Họ dùng thì giờ, tiền bạc và tài năng để vu khống những người chỉ biết dọn mình để chờ đợi cách vui mừng ngày tai lâm của Chúa, cố gắng sống cách thánh khiết và khuyên bảo những người lân cận sửa soạn tiếp rước Chúa.TT20 298.3

    Có những nỗ lực thu hút trí óc người ta để không nghĩ đến vấn đề phục lâm. Người ta coi là tội lỗi, đáng hổ thẹn khi nghiên cứu lời tiên tri về sự tái lâm của Đấng Christ và ngày tận thế. Vì thế, sự truyền giảng phổ thông đã hủy phá đức tin nơi lời Đức Chúa Trời. Sự giảng dạy của họ làm người ta thành vô tín, và nhiều người đã tự do đi theo dục vọng xấu xa của mình. Rồi những tác giả của sự xấu xa lại đổ lỗi đo cho những tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm.TT20 298.4

    Mặc dầu Miller đã thu hút được những thính giả trí thức và chú ý đến sứ điệp, nhưng danh ông ít được các báo chí tôn giáo đề cập đến, trừ khi để chế nhạo và lên án. Những người lãnh đạm và những kẻ gian ác dùng những lời giễu cợt, phỉ báng để nhục mạ ông, và khiến người ta khinh dể ông và công việc của ông. Con người tóc bạc này đã bỏ mái nha ấm cúng, ra đi tự túc từ thành này đến thành nọ, từ tỉnh này đến tỉnh nọ, làm việc cực khổ không ngừng để đem lại cho thế gian sứ điệp cảnh cáo nghiêm trọng của giờ phán xét gần đến, lại bị người ta cười nhạo là cuồng tín, giả dối, và lường gạt.TT20 299.1

    Những sự nhạo báng, giả dối, và lạm dụng chồng chất trên ông, đã dẫn đến sự phẫn nộ, khiển trách của các báo chí thế gian. Họ tuyên bố, “Đối xử với một đề tài có hậu quả vô cùng nghiêm trọng và đáng sợ, với sự khinh miệt và thô lỗ, là không những đùa giỡn với tình cảm của những người rao truyền và biện hộ cho những đề tài đó, nhưng còn giễu cợt với ngày phán xét, và chế nhạo chính Đức Chúa Trời, và khinh thường sự phán xét khủng khiếp của Ngài.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 183.TT20 299.2

    Kẻ xui giục làm ác chẳng những cố gắng làm cho sứ điệp phục lâm vô hiệu quả, mà còn muốn hủy diệt chính sứ giả. Miller áp dụng lẽ thật Kinh Thánh, nói thẳng vào lòng thính giả, cáo giác tội lỗi họ và xáo trộn sự tự mãn của họ, nên những lời nói rõ ràng, sắc bén của ông đã dẫn đến sự thù nghịch. Những thuộc viên hội thánh chống lại sứ điệp của ông, khiến những hạng người xấu xa đi một bước xa hơn; và những kẻ thù âm mưu giết ông khi rời phòng họp. Nhưng trong đám đông lại có các thiên sứ thánh, và một thiên sứ mặc lấy hình người, nắm tay tôi tớ Chúa và dẫn ra khỏi đám đông giận dữ cách bình yên. Chức vụ của ông chưa hoàn thành, Sa-tan và các sứ no bị thất bại về mục đích mình.TT20 299.3

    Mặc dù có sự chống nghịch, sự chú ý đến sứ điệp phục lâm tiếp tục gia tăng. Hội chúng từ hằng trăm tăng lên tới hằng ngàn. Nhiều người gia nhập hội thánh, nhưng không bao lâu, những thuộc viên mới này cũng gặp sự chống nghịch. Hội thanh bắt đầu đặt những hành đọng kỷ luật đối với những người theo quan điểm của Miller. Điều này khiến ông phải viết một bức thư cho các giáo hữu ở các giáo hội, giục họ lấy Kinh Thánh minh chứng sự sai lầm của ong.TT20 299.4

    Ông nói, “Những điều chúng ta tin không phải là lời Đức Chúa Trời truyền dạy và là những điều chính quý vị cho là mẫu mực, mẫu mực duy nhất cho đức tin của chúng ta sao? Chúng tôi đã làm gì khiến các báo chí và các tòa giảng lên án chúng tôi, và khiến quý vị có lý do chính đáng để khai trừ chúng toi [những tín hữu trong phong trào Cơ Đốc phục lâm] khỏi hội thánh và sự thông công?” “Nếu chúng tôi sai lầm, xin chỉ cho chúng tôi sự sai lầm ấy. Xin lấy lời Đức Chúa Trời chỉ sự sai lầm của chúng tôi; chúng tôi đã bị chế giễu đủ rồi; nhưng điều đó không bao giờ thuyết phục được la chúng tôi sai lầm; chỉ có lời Đức Chúa Trời mới thay đổi được quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi đã quyết định rất cẩn thận và với lời cầu nguyện khi chúng tôi thấy bằng chứng trong Kinh Thánh.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 250, 252.TT20 300.1

    Trải qua các thời đại, những lời cảnh cáo của Chúa ban cho thế gian qua các tôi tớ Ngài đều gặp sự ngờ vực và không tin. Khi tội ác của dân chúng trước thời đại hồng thủy khiến Đức Chúa Trời quyết định đem nước lụt hủy diệt thế gian, thì trước hết, Ngài cho họ biết mục đích của Ngài để họ có cơ hội xây bỏ tội lỗi. Trong một trăm hai mươi năm, sứ điệp cảnh cáo vang dội vào tai họ, khuyên họ ăn năn để tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Nhưng, sứ điệp ấy đối với họ như một chuyện hão huyền, và họ không tin. Người ta cứ làm ác và nhạo báng sứ giả của Đức Chúa Trời, gièm pha những lời kêu gọi của ông, và còn vu cáo ông là người tự phụ. Làm sao chỉ có một người mà dám chống nghịch lại với tất cả những người khôn ngoan trên đất? Nếu sứ điệp của Nô-ê là đúng, tại sao thiên hạ không hiểu và không tin? Sự xác nhận của một người chống lại sự khôn ngoan của hằng ngàn người khác! Họ không tin lời cảnh cáo, cũng như họ không tìm nơi ẩn náu trong chiếc tàu.TT20 300.2

    Những kẻ chế nhạo chỉ những sự vật trong thiên nhiên— từ sự không thay đổi của các mùa, từ bầu trời trong xanh chưa bao giờ có một giọt mưa, từ những cánh đồng tươi đẹp nhờ sương móc ban đêm—thì họ kêu lên, “Có phải ông ta nói bằng ví dụ chăng?” Với sự khinh bỉ, họ tuyên bố thầy giảng sự cong bình là một người hăng say điên rồ; và họ cứ tiếp tục, mải mê hơn trước tìm kiếm sự khoái lạc và con đường tội ác. Nhưng sự vô tín của họ không ngăn cản những biến cố đã dự ngôn. Đức Chúa Trời chịu đựng rất lâu sự gian ác của họ, ban cho họ nhiều cơ hội để ăn năn; nhưng khi đến thời kỳ đã định, sự phán xét Ngài đã giáng trên những kẻ từ chối lòng thương xót của Ngài.TT20 300.3

    Đấng Christ phán rằng thế gian cũng sẽ chẳng tin về sự phục lâm của Ngài. Như những người trong thời Nô-ê “không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, khi Con người đến cũng như vậy” (Ma-thi-ơ 24:39). Những kẻ tự xưng mình là dân sự Đức Chúa Trời, cũng hiệp với thế gian, sống như thế gian, và dự vào những thú vui chơi bị ngăn cấm; khi sự xa hoa của thế gian trở thành sự xa hoa của hội thánh; khi tiếng chuông hôn lễ vang lên, và tất cả trông cậy được sống nhiều năm trong sự thịnh vượng của đời—bấy giờ, thình lình cũng như chớp phát ra từ trời, tất cả những ảo tưởng rực rỡ và những hy vọng lừa dối sẽ chấm dứt.TT20 301.1

    Đức Chúa Trời đã sai tôi tớ Ngài để cảnh cáo thế gian về cơn Đại hồng thủy, thì trong thời cuối cùng, Ngài cũng sai sứ giả Ngài rao báo cho thế gian biết ngày phán xét đã gần đến. Và những kẻ nhạo báng cũng giống như trong thời Nô-ê, không thiếu chi trong thời Miller, ngay cả những người xưng mình là dân sự Đức Chúa Trời, cũng nhạo báng sự cảnh cáo.TT20 301.2

    Tại sao đạo lý và sự rao giảng về sự phục lâm của Đấng Christ không được các hội thánh tiếp nhận? Đối với kẻ ác, sự tái lâm của Chúa đem lại sự khốn khổ và hủy hoại, thì đối với người công bình, là sự vui mừng và hy vọng. Lẽ thật vĩ đại này là nguồn an ủi của những người trung tín với Chúa trải qua các thời đại; tại sao, sứ điệp này, giống như Tác giả của nó, đã trở nên “hòn đá vấp phạm” và chướng ngại vật” cho dân sự Ngài? Chính Chúa đã hứa cùng các môn đồ Ngài, “Khi Ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ, Ta sẽ trở lại để đem các ngươi đi với Ta” (Giăng 14:3). Đấng Cứu Thế thương xót đã thấy trước sự cô đơn và buồn rầu của môn đồ Ngài, nên thiên sứ đã được sai đến để an ủi họ là chính Chúa sẽ trở lại như khi Ngài về trời. Khi các môn đồ ngắm xem Chúa thăng thiên, thì có tiếng nói cùng họ, “Hỡi người Gali-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Giê-su này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công vụ các Sứ đồ 1:11). Sứ điệp của các thiên sứ đem lại hy vọng cho các môn đồ. Họ “trở về thành Giê-ru-sa-lem, mừng rỡ lắm. Môn đồ cứ ở trong đền thờ luôn, ngợi khen Đức Chúa Trời” (Lu-ca 24:52, 53). Họ không mừng vì Đức Chúa Giê-su đã xa cách họ và để họ chiến đau với sự thử thách và cám dỗ của thế gian, nhưng vì thiên sứ bảo đảm với họ rằng Chúa sẽ trở lại.TT20 301.3

    Sự rao truyền về ngày phục lâm của Đấng Christ ngày nay, như sứ điệp rao báo cho các kẻ chăn chiên ở Bết-lê-hem, phải là một tin vui mừng lớn. Những người thật lòng yêu thương Đức Chúa Giê-su không thể nào làm thinh không rao báo sứ điệp về ngày phục lâm của Đấng mà họ chờ đợi để hưởng sự sổng đời đời, Đấng sẽ trở lại không phải để chịu sỉ nhục và bị chối bỏ như lần trước, nhưng Ngài tái lâm cách quyền phép và vinh hiển để cứu chuộc dân sự Ngài. Chỉ có những người không yêu mến Ngài mới không thích Ngài tái lâm. Sự ghen ghét của hội thánh khi nghe sứ điệp thiên thượng là chứng cớ hiển nhiên về sự họ đã lìa xa khỏi Đức Chúa Trời.TT20 302.1

    Những người chấp nhận giáo lý phục lâm thì ăn năn và thống hối trước mặt Đức Chúa Trời. Nhiều người lâu nay do dự giữa Đấng Christ và thế gian, bây giờ đã đến lúc phải quyết định. “Những điều vĩnh cửu đối với họ là một thực tế khác thường. Thiên đàng đã gần đến, họ cảm thấy có tội trước mặt Đức Chúa Trời.”—Bliss, Memoirs of Wm. Miller, trang 146. Cơ Đốc nhân được soi dẫn đến đời sống thiêng liêng mới. Họ cảm thấy thời gian ngắn ngủi, và biết rằng điêu cần làm cho đổng loại, họ phải làm nhanh chóng. Trái đất dường như lu mờ, cõi đời đời như đang mở rộng trước mặt họ, và những gì liên quan với niềm hạnh phúc và sự khốn khổ cho rằng bền vững, nay linh hổn họ cảm thấy tất cả sự vật thế gian đều tàn dần. Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự trên họ, và ban cho họ quyền năng để kêu gọi anh em mình cũng như những người có tội để sửa soạn cho ngày Chúa đến. Sự làm chứng yên lặng của cuộc sống hằng ngày là một sự quở trách không ngừng cho những thuộc viên hội thánh trọng hình thức và không hiến dâng mình cho Chúa. Họ không muốn bị xáo trộn trong việc tìm kiếm khoái lạc, sự say mê kiếm tiền, và tham vọng được vinh dự thế gian. Vì thế, sự thù nghịch nổi lên chống lại đức tin phục lâm và những người rao truyền sứ điệp ấy.TT20 302.2

    Vì những lý luận về thời kỳ tiên tri rất vững vàng, những người chống đối không muốn người ta nghiên cứu về đề tài này, nên dạy rằng những lời tiên tri đã bị đóng kín. Như thế, những tín đồ Cải chánh đã theo bước chân giáo hội La Mã. Trong khi phe giáo hoàng không cho dân chúng đọc Kinh Thánh, thì những giáo hội Cải chánh tuyên bố rằng một phần quan trọng trong Kinh Thánh—bày tỏ những le thật đặc biệt cho thời đại chúng ta—thì không thể hiểu được.TT20 302.3

    Các mục sư và tín đồ tuyên bố rằng những lời tiên tri trong Đa-ni-ên và Khải huyền là mầu nhiệm không thể hiểu được. Còn Đấng Christ chỉ cho các môn đồ những lời trong sách Đa-ni-ên về những biến cố sẽ xảy ra trong thời họ, Ngài phán, “Ai đọc, phải để ý” (Ma-thi-ơ 24:15). Còn nói rằng Khải huyền là một sách mầu nhiệm, không hiểu nổi, là trái với nhan đề quyển sách, “Sự mặc thị của Đức Chúa Giê-su Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến. . . . Phước cho kẻ đọc, cùng những kẻ nghe lời tiên tri này, và giữ theo điều đã viết ra đây. Vì thì giờ đã gần rồi” (Khải huyền 1:1-3).TT20 303.1

    Tiên tri nói, “Phước cho kẻ đọc”—vậy thì ơn phước này không dành cho những người không đọc Khải huyền. Tiên tri nói tiếp, “Cùng những kẻ nghe lời tiên tri này”—ân phước này cũng không dành cho những người không muốn nghe nói về những lời tiên tri. “Và giữ theo điều đã viết ra đây”— nhiều người từ chối những lời cảnh cáo và khuyên bảo của sách Khải huyền, họ sẽ không hưởng được ơn phước đã hứa. Tất cả những người coi thường và chế nhạo những hình bóng của lời tiên tri, những người không muốn thay đổi đời sống mình cho ngày Chúa tái lâm, đều không được hưởng phước hạnh của Chúa.TT20 303.2

    Trước những lời chứng trên đây, làm sao người ta có thể dạy rằng Khải huyền là một sách mầu nhiệm, cao quá sự hiểu biết của loài người? Đó là một sự mầu nhiệm, nhưng là một sự mầu nhiệm được tỏ bày, đó là một sách được mở ra. Nghiên cứu sách Khải huyền khiến người ta chú ý đến các lời tiên tri của Đa-ni-ên. Trong hai quyển sách này, Đức Chúa Trời đã ban cho loài người những lời giáo huấn quan trọng về những biến cố phải xảy ra trong ngày cuối cùng của lịch sử thế gian.TT20 303.3

    Sứ đồ Giăng được thấy những quang cảnh có ích lợi cho hội thánh. Người miêu tả những sự nguy hiểm, những cuộc chiến đấu và giải cứu cuối cùng dân sự Đức Chúa Trời. Tác giả ghi chép những sứ điệp cuối cùng làm chín mùa màng trên đất, hoặc là những bó lúa để đem vào kho trên trời, hay là rơm rạ để dành cho lửa hủy diệt. Những điều rất quan trọng đã được khải thị cho ông, đặc biệt về hội thánh cuối cùng, hầu cho những người xây bỏ sự sai lầm để tiếp nhận lẽ thật có thể đề phòng những nguy biến và sự tranh chiến đang chờ họ. Không ai phải ở trong tối tăm, không biết về những điều sẽ xảy ra trên đất.TT20 303.4

    Vậy, tại sao có sự ngu dốt không hiểu phần quan trọng này của Kinh Thánh? Tại sao người ta do dự không nghiên cứu sự dạy dỗ của sách này? Đo là công việc của vua chúa sự tối tăm để che mắt loài người không thấy những lưới bẫy của nó. Vì lý do đó mà Đức Chúa Giê-su, Đấng Khải thị, thấy trước cuộc chiến đấu chống lại những người nghiên cứu sách Khải huyền, nên Ngài đã tuyên bố ơn phước cho kẻ đọc, nghe, và giữ những lời tiên tri trong sách này.TT20 304.1

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents