Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

Thiện Ác Đấu Tranh

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    10—Sự Tiến Bộ Của Cuộc Cải Chánh Ở Đức

    SỰ BIẾN MẤT đột ngột của Luther khiến cả nước Đức kinh ngạc. Người ta tự hỏi việc gì đã xảy đến cho ông. Những tiếng đồn đãi lạ thường truyền ra rất mau, nhiều người tưởng rằng ông đã bị ám sát. Người ta than khóc về ông, chẳng những bạn hữu của ông mà kể cả hằng ngàn người chưa công khai theo phong trào Cải chánh nữa. Nhiều người long trọng thề sẽ báo thù cho ông.TT20 163.1

    Những nhà lãnh tụ La Mã hoảng sợ trước sự chống nghịch của dân chúng. Mặc dù, lúc đầu họ vui mừng vì tưởng Luther đã chết, nhưng sau đó họ lại lo lắng và muốn trốn tránh khỏi cơn thạnh nộ của dân chúng. Khi ông còn ở giữa họ, những kẻ thù của Luther không lo lắng bởi việc làm can đảm của ông bằng khi ông biến mất. Những người trong cơn giận dữ đã đòi giết nhà Cải chánh quả cảm, bây giờ lại rất lo sợ. Một người trong đám họ nói, “Chỉ còn một cách để cứu chúng ta là đốt đuốc lên, đi tìm Luther trong cả thế gian, và trả lại cho nước nào đòi ông.”—D’Aubigné, quyển 9, chương 1. Sắc lệnh của vua dường như không có hiệu lực. Các đại biểu của giáo hoàng đầy phẫn nộ, vì thấy người ta không chú ý đến sắc lệnh ấy bằng số phận của Luther.TT20 163.2

    Có tin cho hay rằng Luther được yên ổn, mặc dù bị tù, khiến cho dân chúng bớt lo sợ và nung nấu thêm lòng nhiệt thành đối với nhà cải chánh. Người ta đọc những sách của ông cách sốt sắng hơn. Nhiều người tiếp nhận phong trào của vị anh hùng, trong lúc nguy hiểm, dám bênh vực Lời Đức Chúa Trời. Phong trào Cải chánh càng ngày càng mạnh. Hột giống mà Luther đã gieo nẩy nở khắp nơi. Sự vắng mặt của ông đã thực hiện được những điều mà sự hiện diện của ông chưa làm được. Những bạn đồng công của ông cảm thấy có trách nhiệm mới, vì người lãnh tụ lớn lao của họ đã bị cất đi. Với niềm tin và lòng nhiệt thành mới, họ tiến tới với tất cả năng lực của mình, để công việc cao quý đã khởi sự khỏi bị ngăn trở.TT20 163.3

    Nhưng Sa-tan cũng tích cực hoạt động. Nó luôn luôn gắng sức như đã làm trong tất cả các phong trào cải chánh khác—lừa dối và hủy diệt người ta bằng việc làm giả mạo thay vì việc làm chân chính. Trong thế kỷ đầu tiên của hội thánh, có nhiều christ giả, và trong thế kỷ thứ mười sáu cũng có nhiều tiên tri giả.TT20 164.1

    Một số người, bị ảnh hưởng sâu xa bởi sự khích động trong thế giới tôn giáo, tưởng mình nhận được sự khải thị đặc biệt từ trời, đã tuyên bố la nhận được sứ mạng từ Chúa để hoàn thành công việc Cải chánh mà theo họ nghĩ Luther đã khởi sự cách yếu ớt. Nhưng thật ra họ đang hủy phá công việc mà ông đã hoàn thành. Họ từ bỏ nguyên tắc lớn làm nền tảng cua cuộc Cải chánh mà lời Đức Chúa Trời là mẫu mực đầy đủ của đức tin và sự hành đạo; và để thay thế cho sự hướng dẫn không sai lầm, họ dùng tiêu chuẩn hay thay đổi, không chắc chắn, của tình cảm và ý riêng của mình. Khi bỏ tiêu chuẩn để thử nghiệm các điều sai lầm và giả dối, người ta đã mở đường cho Sa-tan điều khiển tâm trí theo ý của hắn.TT20 164.2

    Một trong những tiên tri này tuyên bố là nhận được sự dạy dỗ của thiên sứ Gáp-ri-ên. Một sinh viên đã bỏ học và hợp tác với ông ta, nói rằng chính Đức Chúa Trời đã cho mình sự khôn ngoan để giải nghĩa lời Chúa. Những người khác vì cuồng tín cũng hiệp với họ. Những người nhiệt tâm này tạo nên nhiều khích động. Sự rao giảng của Luther đã thức tỉnh người ta khắp nơi để biết cần có sự cải chánh, và giờ đây một số người thành thật này đã bị các tiên tri mới dẫn đi sai đường.TT20 164.3

    Những người lãnh đạo phong trào mới này đến Wittenberg để giảng đạo lý cho Melanchthon và các bạn cộng sự của ông. Họ nói, “Chúng tôi là những người Đức Chúa Trời sai đến để dạy lẽ thật cho dân chúng. Chúng tôi đã trò chuyện cùng Chúa cách thân mật; chúng tôi biết những điều sắp xảy đến; nói tóm lại, chúng tôi là những sứ đồ và tiên tri và muốn thỉnh nguyện với Tiến sĩ Luther.”—D'Aubigné, quyển 9, chương 7.TT20 164.4

    Các nhà Cải chánh kinh ngạc và bối rối, vì đây là một việc mà họ chưa từng gặp, và họ không biết phải đối phó thế nào. Melanchthon nói, “Những người này có các thần khác thường; nhưng những thần nào? . . . Một mặt chúng ta phải coi chừng đừng dập tắt Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mặt khác chúng ta có thể bị dẫn đi lầm đường bởi thần của Satan.”—D’Aubigné, quyển 9, chương 7.TT20 165.1

    Kết quả của sự dạy dỗ mới này không bao lâu trở nên rõ ràng. Người ta được hướng dẫn để coi thường Kinh Thánh hay bỏ hoàn toàn. Trong các trường học có sự lộn xộn. Các sinh viên không theo kỷ luật, bỏ học hành, và từ giã đại học. Những người cho mình được kêu gọi để hướng dẫn cuộc Cải chánh, thì chỉ dẫn đến sự bại hoại mà thôi. Phe La Mã bấy giờ lấy lại lòng tự tin và tuyên bố cách mừng rỡ, “Còn một lần chiến đấu cuối cùng, rồi tất cả sẽ là của chúng ta.”— D'Aubigné, quyển 9, chương 7.TT20 165.2

    Luther ở Wartburg, nghe được việc đã xảy ra, đã lên tiếng với niềm quan tâm sâu xa, “Tôi luôn luôn nghĩ rằng Sa-tan sẽ đem đến cho chúng ta tai họa này.”—D'Aubigné, quyển 9, chương 7. Ông nhận thức chân tướng của những tiên tri giả và thấy sự nguy hiểm đang hăm dọa mục tiêu của lẽ thật. Sự chống nghịch của giáo hoang và của vua không làm cho ông bối rối bằng bây giờ. Trong hàng ngũ Cải chánh dấy lên những kẻ thù độc hại nhất. Những lẽ thật đã đem lại cho ông niềm vui và sự an ủi lớn, giờ đây lại được dùng để gây ra sự tranh luận và rối loạn trong hội thánh.TT20 165.3

    Trong công cuộc cải chánh, Luther đã được Thánh Linh Đức Chúa Trời thúc đẩy, đi xa hơn khả năng của mình. Ông không dự định làm những sự thay đổi quá táo bạo. Ông chỉ la đồ dùng trong tay của Đấng Toàn Năng. Nhưng ông thường run rẩy trước những kết qua của công việc mình. có lần ông nói, “Nếu tôi biết rằng đạo lý của tôi làm hại cho một người, chỉ một người thôi, dù người đó tầm thường và ít ai biết đến, thì thà tôi chết mười lần còn hơn là rao giảng, nhưng điều đó không thể được, vì đây là chính phúc âm của Chúa.”— D’Aubigné, quyển 9, chương 7.TT20 165.4

    Bây giờ, chính Wittenberg, trung tâm của phong trào Cải chánh, rơi rất mau vào sự cuồng tín và vô luật lệ. Tình cảnh kinh khiếp này không phải là kết quả của những sự dạy dỗ của Luther; nhưng những kẻ thù của ông trong cả nước Đức đổ lỗi cho ông. Trong cơn đau khổ, ông thường tự hỏi, “Công cuộc Cải chánh lớn lao này bị chấm dứt như vầy sao?”—D’Aubigné, quyển 9, chương 7. Khi sốt sắng cầu nguyện với Chúa, sự bình an tràn ngập lòng ông. Luther nói, “Công việc Cải chánh là của Ngài, chứ không phải của con. Xin Chúa đừng để sự cuồng tín và sự mê tín làm hư hỏng công việc này.” Nhưng vì nghĩ rằng tránh né mãi sự xung đột trong lúc khủng hoảng là không hợp lý, nên ông quyết định trở về Wittenberg.TT20 166.1

    Không chậm trễ, ông bắt đầu cuộc hành trình nguy hiểm. Ông đã bị đế quốc cấm giảng dạy. Những kẻ thù có quyền giết ông; các bạn hữu không được phép giúp đỡ hay tiếp rước ong. Chính phủ dùng những biện pháp nghiêm khắc đối với những người theo phe ông. Nhưng thay công việc của Chúa gặp sự nguy hiểm, ong mạnh dạn nhân danh Đức Giê-hô-va xông vào cuộc tranh chiến cho lẽ thật.TT20 166.2

    Trong một bức thư gởi cho vương hầu, sau khi đề cập đến mục đích phải rời Wartburg, Luther viết, “Xin thông báo cho ngài biết tôi sắp đi Wittenberg dưới sự bảo vệ cao hơn tất cả sự bảo vệ của vua chúa và các vương hầu. Tôi không yêu cầu sự hỗ trợ của ngài, không mong muốn sự bảo vệ của ngài, mà chính tôi muốn bảo vệ ngài. Nếu tôi biết rằng ngài có thể hay muốn bảo vệ tôi, thì tôi sẽ không đi Wittenberg. Không một lưỡi gươm nào có thể làm cho công việc này tiến tới. Chỉ một mình Đức Chúa Trời phải làm mọi sự, không cần đến sự giúp đỡ hay hợp tác của loài người. Người có đức tin lớn nhất là người có khả năng nhất để tự vệ.”—D’Aubigné, quyển 9, chương 8.TT20 166.3

    Trong bức thư thứ hai viết trên đường đi đến Wittenberg, Luther viết thêm, “Tôi sẵn sàng gánh chịu sự phiền lòng của ngài và cơn giận của cả thế giới. Wittenberg không phải là chiên của tôi sao? Há không phải Đức Chúa Trời đã giao chúng cho tôi sao? Và nếu cần, há tôi không chết vì chiên sao? Ngoài ra, tôi sợ thấy một cuộc bạo động khủng khiếp tại Đức, bởi đó Đức Chúa Trời sẽ phạt nước chúng ta.”— D’Aubigné, quyển 9, chương 7.TT20 166.4

    Với sự hết sức thận trọng và khiêm tốn, nhưng với lòng quả quyết và can đảm, Luther bắt tay vào việc. Ông nói, “Bởi lời Chúa, chúng ta phải lật đổ và tiêu diệt những việc làm của bạo lực. Tôi không dùng bạo lực để chống lại sự mê tín và vô tín Không ai phải bị ép buộc. Sự tự do là bản chất của đức tin.”—D’Aubigné, quyển 9, chương 8.TT20 167.1

    Không bao lâu tiếng đồn khắp cả Wittenberg rằng Luther đã trở về và sẽ giảng dạy. Người ta từ khắp nơi đổ xô về và hội thánh đầy nghẹt thính giả. Bước lên tòa giảng, ông dạy dỗ, khuyên bảo, quở trách cách khôn ngoan va dịu dàng. Đối với những người dùng bạo lực để hủy bỏ lễ mi-sa, ông nói:TT20 167.2

    “Lễ mi-sa là một điều xấu; Đức Chúa Trời chống lại điều ấy; lễ này cần phải hủy bỏ; và tôi muốn lễ ấy được thay bằng lễ tiệc thánh của Chúa trong khắp thế giới. Nhưng không nên dùng vũ lực để bắt phải bỏ lễ ấy. Chúng ta hãy giao phó việc này cho Đức Chúa Trời. Chính lời Ngài phải hành động, chứ chẳng phải chúng ta. Anh em hỏi tại sao? Bởi vì tôi không nắm lòng người ta trong tay tôi, như người thợ gốm cầm đất sét trong tay mình. Chúng ta có quyền nói, nhưng chúng ta không có quyền hành động. Chúng ta hãy giảng dạy; điều còn lại thuộc về Đức Chúa Trời. Nếu tôi dùng vũ lực, thì tôi sẽ được gì? Sự giả bộ, hình thức, trò khỉ, giả hình và mạng lệnh loài người. . . .Nhưng không có sự thành thật trong lòng, cũng không có đức tin va tình yêu thương. Thiếu ba điều đó thì tat cả đều thiếu hết. Đức Chúa Trời hành động bởi lời của Ngài hiệu lực hơn anh em và tôi và cả thế gian hiệp sức lại. Đức Chúa Trời có thể thu phục lòng người; và khi tấm lòng đã thuộc về Ngài, thì mọi sự cũng thuộc về Ngài. . . .TT20 167.3

    “Tôi sẽ giảng, sẽ nói, sẽ viết; nhưng tôi không ép buộc ai cả, vì đức tin là một việc tình nguyện. Hãy coi điều tôi đã làm. Tôi đứng lên chống lại giáo hoàng, phản đối những bùa xá tội, và những người theo giáo hoàng, nhưng không dùng bạo lực hay sự lọn xộn. Tôi dã để lời Đức Chúa Trời trên hết; tôi đã giảng, đã viết—tôi chỉ làm vậy thôi. Và trong lúc tôi ngủ, . . . lời mà tôi đã giảng đã lật đổ phe giáo hoàng, đến nỗi không có vương hầu hay vua chúa nào đã làm hại phe đó như vậy. Nhưng tôi chẳng làm chi hết; chỉ lời Đức Chúa Trời làm tất cả. Nếu tôi dùng vũ lực thì cả nước Đức có lẽ đã tràn ngập máu, nhưng được kết quả gì? Chỉ có sự hủy diệt, hoang tàn cho thân thể và linh hồn mà thôi. Vì vậy, tôi im lặng và để cho lời Chúa hành động khắp thế gian.”—D’Aubigné, quyển 9, chương 8.TT20 167.4

    Ngày này qua ngày nọ, trong cả một tuần lễ, Luther giảng trước những đám đông khao khát lẽ thật. Lời Đức Chúa Trời lật đổ sự cuồng tín. Quyền phép của phúc âm dẫn những người lạc lối trở về với lẽ thật.TT20 168.1

    Luther chẳng bao giờ muốn đụng độ với những người cuồng tín là những kẻ gây ra nhiều tội ác. Ông biết họ mất thăng bằng, ham muốn vô độ, xưng mình được soi dẫn từ trên cao, nhưng họ không thể chịu được sự quở trách, mâu thuẫn, hay lời khuyên răn. Nhận càng quyền thế tối cao cho mình, họ đòi hỏi mọi người nhìn nhận các yêu sách của họ mà không được chất vấn. Nhưng khi họ yêu cầu gặp Luther, ông bằng lòng hội đàm với họ; và ông đã thành công tiết lộ thái độ tự phụ của họ nên những kẻ giả mạo liền rời Wittenberg.TT20 168.2

    Sự cuồng tín tạm ngưng trong một thời gian; nhưng vài năm sau bùng nổ mạnh hơn và đem lại kết quả thảm khốc hơn. Luther có viết về những người lãnh đạo phong trào này, “Kinh Thánh đối với họ là một bức thư chết, họ hiệp nhau la lên, ‘Thánh Linh! Thánh Linh!’ Hẳn nhiên tôi không theo thần linh của họ. Nguyện xin Đức Chúa Trời trong tình thương xót gìn giữ con khỏi một hội thánh chỉ có các thánh mà thôi. Tôi thích ở với những người khiêm nhường, yếu đuối, đau ốm, những người nhận biết và cảm thấy tội lỗi mình, và luôn luôn khóc lóc, kêu cầu Đức Chúa Trời từ đáy lòng họ để được sự an ủi và nâng đỡ của Ngài.”—DAubigné, quyển 10, chương 10.TT20 168.3

    Thomas Munzer là một người cuồng tín hơn hết, có nhiều khả năng; nếu được hướng dẫn cách khôn ngoan thì ông có thể làm nhiều điều tốt; nhưng ông chưa học những nguyên tắc đầu tiên của tôn giáo chân chánh. “Ông có tham vọng cải thiện thế giới, nhưng cũng như những người nhiệt tâm, quên rằng công việc cải thiện phải khởi sự nơi chính mình.”—D'Aubigné, quyển 9, chương 8. Ông ham địa vị và ảnh hưởng, không muốn đứng hàng thứ nhì, ngay cả sau Luther. Ông tuyên bố rằng những nhà Cải chánh, khi thay thế quyền lực của Kinh Thánh cho quyền thế giáo hoàng, la chỉ thiết lập quyền thế giáo hoàng theo hình thức mới. Ông tuyên bố đã nhận được mạng lịnh từ trời để bắt đầu một cuộc cải cách thật. Munzer nói, “Người nào có tinh thần ấy là có đức tin thật, mặc dù người chẳng bao giờ thấy Kinh Thánh.”—D’Aubigné, quyển 10, chương 10.TT20 168.4

    Các giáo sư cuồng tín ấy bị hướng dẫn bởi những cảm tưởng riêng của mình, cho rằng mọi tư tưởng và cảm xúc như là tiếng nói của Đức Chúa Trời; kết quả là họ tự tin quá mức. Một số đốt Kinh Thánh, và tuyên bố, “Văn tự làm cho chết, nhưng Thánh Linh làm cho sống.” Sự dạy dỗ của Munzer hấp dẫn những người ham muốn tìm sự lạ lùng, và nó thỏa mãn lòng kiêu ngạo của họ bằng cách đặt những tư tưởng và ý kiến loài người lên trên Lời Đức Chúa Trời. Hằng ngàn người tin theo giáo lý của ông. Không bao lâu sau, ông chối bỏ mọi trật tự trong sự thờ phượng công cộng, và tuyên bố rằng vâng phục các vua chúa là muốn hầu việc cả Đức Chúa Trời và Bê-li-an.TT20 169.1

    Dân chúng đã khởi sự ném bỏ ách của giáo hoàng, bây giờ cũng trở nên thiếu kiên nhẫn dưới sự áp chế của chính phủ. Những sự dạy dỗ cách mạng của Munzer mà ông cho là đến từ Đức Chúa Trời, đã hướng dẫn dân chúng bỏ hết mọi luật lệ mà làm theo cảm tính thành kiến và tham dục của mình. Kết quả là khắp nước Đức xảy ra những cảnh nổi loạn và xung đột đẫm máu kinh khiếp nhất.TT20 169.2

    Sự thống khổ mà Luther đã kinh nghiệm ngày trước tại Erfurt, bây giờ đè nặng lên ông gấp đôi khi ông thấy kết quả của sự cuồng tín đổ lên đầu nhóm Cải chánh. Các vua chúa thuộc phe giáo hoàng tuyên bố—và nhiều người cũng sẵn sàng ủng hộ sự xác nhận của họ—rằng cuộc nổi loạn ấy là hậu quả của đạo lý Luther. Mặc dù sự vu cáo ấy vô căn cứ, nhưng công việc của lẽ thật cũng bị sỉ nhục vì bị sắp hạng như sự cuồng tín đê hèn, điều đó khiến cho nhà Cải chánh buồn thảm lớn lao, dường như quá sức chịu đựng của ông. Một mặt khác, các nhà lãnh đạo cuộc bạo động ghét Luther, vì không những ông chống đối đạo lý của họ, và chối bỏ điều họ tự nhận là được sự soi dẫn thiên thượng, mà còn tuyên bố họ chống nghịch chính phủ. Để trả thù, họ nhục mạ ông là kẻ giả hình đê tiện. Luther dường như đã gây thù nghịch cùng cả các vua chúa và dân chúng.TT20 169.3

    Phe La Mã rất vui mừng, chờ đợi sự suy sụp sắp đến của cuộc Cải chánh; và trách Luther về những sự sai lầm mà chính ông đã cố gắng hết sức để sửa chữa. Còn về phe cuồng tín, vì tuyên bố cách giả dối là mình bị đối xử bất công, nên được nhiều người cảm thương, và thường thường những người chịu khổ vì một mục tiêu sai lạc thì được coi như là những người tử vì đạo. Như vậy, những người dùng mọi năng lực chống đối công cuộc Cải chánh, thì lại được thương xót và ca tụng như là nạn nhân của sự tàn bạo và đàn áp. Đó là việc làm cua Sa-tan, với cùng một tinh thần phản nghịch được biểu lộ lần đầu tiên ở trên trời.TT20 169.4

    Sa-tan luôn luôn tìm cách lừa dối người ta để gọi ác là thiện và thiện là ác. Nó rất thành công trong việc này! Biết bao nhiêu tôi tớ của Đức Chúa Trời bị chỉ trích và sỉ nhục vì họ đã can đảm bênh vực cho lẽ thật! Những tay sai của Satan được khen ngợi, nịnh hót, và được coi như những người tử vì đạo, còn những người cần được tôn trọng vì trung tín với Đức Chúa Trời thì phải đứng một mình, bị nghi ngờ và không được tin cậy.TT20 170.1

    Sự thánh thiện giả mạo, sự thánh hóa bề ngoài, vẫn tiếp tục công việc lừa gạt. Dưới những hình thức khác nhau, công việc lừa dối ngày nay cũng bày tỏ cùng một tinh thần giống như trong thời Luther, đo là khiến người ta xây bỏ Kinh Thánh và hành động theo tình cảm hơn là vâng phục luật pháp Đức Chúa Trời. Đây là một trong những phương pháp hiệu nghiệm nhất mà Sa-tan dùng để đem lại sự sỉ nhục cho sự thánh khiết và lẽ thật.TT20 170.2

    Luther đã can đảm bênh vực tin lành đang bị tấn công khắp nơi. Lời Đức Chúa Trời đã chứng minh là khí giới mạnh mẽ trong mọi cuộc đấu tranh. Ông dùng lời Chúa chống lại quyền lực giáo hoàng và chủ nghĩa duy lý của các giáo sư, trong lúc đó ông đứng vững như một vầng đá chống lại những người cuồng tín đang tìm cách liên kết với phong trào Cải chánh.TT20 170.3

    Những yếu tố phản nghịch này nhằm mục đích loại bỏ Kinh Thánh và đề cao sự khôn ngoan loài người, như là nguồn của lẽ thật và sự hiểu biết. Chủ nghĩa duy lý tôn thờ lý trí và lấy đó làm tiêu chuẩn cho tôn giao. Phe nhóm La Mã tuyên bố rằng giáo hoàng được sự soi dẫn liên tục kể từ thời các sứ đồ, không thay đổi qua thời gian, đã cho họ đầy dẫy cơ hội để làm mọi sự phi lý và bại hoại, được che đậy dưới hình thức bất khả xâm phạm của mạng lệnh các sứ đồ. Sự soi dẫn mà Munzer và các đồng bạn khẳng định thật ra chỉ là kết quả của sự tưởng tượng bất thường, với mục đích lật đổ mọi quyền thế thiên thượng hay loài người. Trái lại, Cơ Đốc giáo chân chính nhìn nhận lời Đức Chúa Trời là kho tàng quý giá của lẽ thật, được soi dẫn và là sự thử nghiệm cho mọi sự soi dẫn.TT20 170.4

    Ở Wartburg về, Luther phiên dịch xong sách Tân Ước, sau đó ít lâu phúc âm được phổ biến cho dân Đức bằng ngôn ngữ họ. Tất cả những người yêu mến lẽ thật rất vui mừng tiếp nhận bản dịch này; nhưng những người theo truyền thống và điều răn của loài người thì khinh dể từ chối bản dịch ấy.TT20 171.1

    Các linh mục lấy làm lo sợ vì biết rằng từ nay dân chúng có thể biện luận với họ về lời Đức Chúa Trời và sự ngu dốt của họ sẽ bị phô bày. Những vũ trang bằng lý luận loài người của các linh mục không có quyền lực để chống lại gươm của Đức Thánh Linh. Vì thế La Mã dùng hết mọi quyền thế mình để ngăn cản sự phổ biến Kinh Thánh; nhưng các chiếu chỉ, những lời rủa sả và những sự tra tấn đều vô ích. La Mã càng đoán phạt và ngăn cấm thì người ta càng khao khát muốn biết Kinh Thánh dạy gì. Hết thảy những người biết đọc đều hăng say học lời Đức Chúa Trời. Người ta đem Kinh Thánh theo để đọc, đọc đi đọc lại, và không thỏa mãn cho tới khi đã thuộc lòng nhiều đoạn Kinh Thánh. Thấy dân chúng vui mừng tiếp nhận sách Tân Ước, Luther liền khởi sự dịch Cựu Ước, rồi cho xuất bản từng đoạn khi vừa dịch xong.TT20 171.2

    Những tác phẩm của Luther được tiếp nhận ở thành thị cũng như thôn quê. “Những gì Luther và các đồng bạn sáng tác, thì những người khác phổ biến. Các tu sĩ nhận biết những sự bắt buộc trong tu viện là trái luật lệ, ước muốn thay thế đời sống biếng nhác lâu dài bằng một đời sống hoạt động, nhưng không biết rao truyền lời Đức Chúa Trời, nên họ đi tới các tỉnh, thăm viếng xóm làng và những túp lều tranh, bán những tác phẩm của Luther và của các bạn ông. Không bao lâu nước Đức đầy dẫy những người bán sách can đảm.”—D’Aubigné, quyển 9, chương 11.TT20 171.3

    Những người giàu cũng như kẻ nghèo, có học cũng như dốt nát, đều rất thích thú nghiên cứu các sách này. Buổi tối những thầy giáo trong các trường làng đọc lớn tiếng những tác phẩm ấy cho các nhóm nhỏ tụ họp bên lò sưởi. Nhiều linh hồn vui mừng tiếp nhận lẽ thật và sốt sắng làm chứng tin lành này cho người khác.TT20 171.4

    Lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm, “Sự bày giãi lời Chúa, soi sáng cho, ban sự thông hiểu cho người thật thà” (Thi thiên 119:130). Sự nghiên cứu Kinh Thánh thay đổi tâm trí loài người. Luật giáo hoàng đặt một ách nặng bằng sắt trên dân chúng, giữ họ trong sự ngu dốt và sa đọa. Sự vâng giữ cẩn thận những nghi lễ cách mê tín, không đem lại ích lợi gì cho tâm hồn. Sự giảng dạy của Luther tỏ bày rõ ràng lẽ thật của lời Đức Chúa Trời và lời ấy được đặt trong tay thường dân, làm thức tỉnh những năng lực kín giấu, không những thanh lọc và cao thượng hóa đời thuộc linh, mà còn ban thêm sức mới và quyền lực cho tinh thần.TT20 172.1

    Nhiều người trong các giai cấp, cầm Kinh Thánh trong tay, bênh vực đạo lý Cải chánh. Những người theo phe giáo hoàng, lâu nay để cho các linh mục và các tu sĩ độc quyền học Kinh Thánh, bây giờ mời họ ra tranh luận cùng những sự dạy dỗ mới. Nhưng vì không biết Kinh Thánh và quyền phép của Đức Chúa Trời, nên các linh mục và tu sĩ bị đánh bại bởi những người mà họ bài bác là ngu dốt và theo đạo lạc. Một văn sĩ Công giáo đã nói, “Tiếc thay Luther đã thuyết phục các môn đồ mình không tin gì khác ngoài Kinh Thánh.”— D'Aubigné, quyển 9, chương 11. Những đám đông nhóm lại để nghe lẽ thật do những người ít học thức rao giảng, và cũng để nghe họ biện luận với các nhà thần đạo thông thái và hùng biện. Các học giả danh tiếng này lấy làm hổ thẹn về sự ngu dốt của mình trước những sự dạy dỗ đơn sơ của lời Đức Chúa Trời. Các thợ thuyền, quân lính, đàn bà, và ngay cả con trẻ biết Kinh Thánh hơn các linh mục và các nhà bác học.TT20 172.2

    Sự khác biệt giữa các môn đồ của phúc âm và những người theo sự mê tín của giáo hoàng phô bày trong giới trí thức cũng như trong đám thường dân. Trái với những chiến sĩ của háng giáo phẩm đã chểnh mảng nghiên cứu các ngôn ngữ và văn chương Kinh Thánh, . . . các thanh niên có trí óc rồng rãi, chuyên cần học hỏi Kinh Thánh và quen thuộc với những tuyệt tác của thời xưa. Với trí óc hoạt động, tâm hồn cao thượng và tấm lòng dũng cảm, những thanh niên này chẳng bao lâu đạt được sự hiểu biết mà trong một thời gian lâu không ai có thể cạnh tranh với họ. . . . Khi những người trẻ tuổi bênh vực cho cuộc Cải chánh gặp các nhà bác học La Mã trong bất cứ buổi nhóm họp nào, thì các thanh niên này tấn công họ một cách dễ dàng và chắc chắn, đến nỗi những nhà thần học dốt nát về lẽ thật này do dự, bối rối và bị mọi người khinh bỉ.”—D’Aubigné, quyển 9, chương 11.TT20 172.3

    Các hàng giáo phẩm La Mã thấy giáo hữu của mình giảm bớt, bèn nhờ các thẩm phán và dùng mọi phương tiện trong quyền thế mình để lôi kéo thính giả trở lại. Nhưng dân chúng đã tìm được trong giáo lý mới sự thỏa mãn cho linh hồn họ, và họ xây bỏ những người đã từ lâu nay nuôi dưỡng họ bằng những cái vỏ vô giá trị của những nghi lễ mê tín và truyền thống loài người.TT20 173.1

    Khi sự bắt bớ nổi lên nghịch cùng những người truyền bá lẽ thật, thì họ vâng theo lời Đấng Christ, “Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành này, thì hãy trốn qua thành kia” (Ma-thi-ơ 10:23). Do vậy sự sáng chiếu rọi khắp nơi. Những người chạy trốn luôn luôn được người ta tiếp rước, và nơi nào họ trú ngụ thì họ rao giảng về Đấng Christ, đôi khi trong hội thánh, hay nếu không được phép trong nhà thờ, thì họ giảng ở tư gia hay ngoài trời. Hễ nơi nào có một nhóm thính giả thì nơi ấy trở nên một đền thờ. Lẽ thật được rao giảng cách quyền phép và chắc chắn, nên có sức mạnh lan tràn không chi ngăn cản nổi.TT20 173.2

    Quyền thế tôn giáo và chính phủ được kêu gọi để tiêu diệt dị giáo, nhưng vô hiệu quả. Họ dùng ngục thất, tra tấn, ngọn lửa và gươm giáo, nhưng cũng vô ích. Hằng ngàn tín đồ đã đóng ấn đức tin bằng huyết của mình, nhưng công việc Chúa cứ tiến tới. Sự bắt bớ chỉ làm cho lẽ thật phổ biến sâu rộng thêm, và sự cuồng tín mà Sa-tan dùng để liên kết với lẽ thật chỉ làm nổi bật sự tương phản giữa công việc của Sa-tan và công việc của Đức Chúa Trời.TT20 173.3

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents