Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

Thiện Ác Đấu Tranh

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    2—Sự Bắt Bớ Đạo Trong Những Thế Kỷ Đầu Tiên

    KHI Đức Chúa Giê-su tỏ cho các môn đồ biết về số phận của thành Giê-ru-sa-lem và quang cảnh ngày tái lâm, thì Ngài cũng nói trước về kinh nghiệm của dân sự từ khi Ngài thăng thiên cho đến khi tái lâm trong sự vinh hiển để giải cứu họ. Từ đỉnh đồi Ô-li-ve, Đấng Cứu Thế thấy cơn bão tố sẽ giáng trên hội thánh các sứ đồ; và nhìn suốt tương lai, Ngài thấy những cơn dông tố dữ dội, hoành hành trên các môn đồ Ngài trải qua các thế kỷ tối tăm bị bắt bớ. Chúa phán vài lời van tắt nhưng đầy ý nghĩa để nói trước về thái độ ghen ghét của những người lãnh đạo trong thế giới đối với hội thánh Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 24:9, 21, 22). Các môn đồ Chúa phải đi theo con đường nhục nhã, đau khổ mà Thầy mình đã trải qua. Sự thù nghịch cùng Đấng Cứu Thế cũng sẽ đến cho tất cả những người tin danh Ngài.TT20 36.1

    Lịch sử hội thánh đầu tiên chứng tỏ những lời tiên tri của Đấng Cứu Thế đã ứng nghiệm, vì các quyền thế dưới đất và âm phủ đã nghịch cùng Đấng Christ qua các môn đồ Ngài. Ngoại giáo thay trước nếu tin lành chiến thắng, thì các đền và bàn thờ của mình sẽ bị lật đổ; nên họ phải tiêu diệt Cơ Đốc giáo. Lửa bắt bớ đạo cháy lên. Các Cơ Đốc nhân bị tịch thu hết tài sản, và bị đuổi ra khỏi nhà. Họ “chịu cơn chiến trận lớn về những sự đau đớn” (Hê-bơ-rơ 10:32). Họ phải “chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích lao tù nữa” (Hêbơ-rơ 11:36). Một số đông tín đồ đã đổ máu vì lời chứng về danh Chúa. Những người quý phái hay nô lệ, giàu hay nghèo, trí thức hay vô học, đều bị giết không chút thương xót.TT20 36.2

    Những sự bắt bớ đạo ấy, bắt đầu từ thời Nê-rô vào khoảng thời tử vì đạo của Phao-lô, tiếp diễn trải qua nhiều thế kỷ tàn bạo. Các Cơ Đốc nhân bị vu cáo về những tội ác gớm ghê, và cho là nguyên nhân của những thiên tai lớn như đói kém, dịch lệ, và động đất. Họ bị dân chúng nghi ngờ, ghen ghét; có những người làm chứng dối, được mướn với một số tiền đê hèn để tố cáo những tín đồ vô tội. Họ bị kết án như những kẻ phản loạn với chính phủ, nguy hại tới tôn giáo, và là tai họa cho xã hội. Một số đông tín giáo bị quăng cho thú dữ ăn, hay bị thiêu sống nơi hí trường. Có người bị đóng đinh trên cây thập tự; có người bị bao phủ bằng da thú dữ và ném vào đấu trường để chó xé thây. Các sự hình phạt này thường được tổ chức như trò giải trí chính trong những ngày lễ lớn. Rất đông dân chúng tới xem và vỗ tay nhạo cười trước cơn hấp hối thống khổ của các tín giáo.TT20 37.1

    Bất cứ nơi nào mà các môn đồ Đấng Christ trú ẩn đều bị chính quyền theo dõi, như những con thú bị săn đuổi tìm mồi vậy. Họ bắt buộc phải ẩn náu tại những nơi hoang vu vắng vẻ. Họ bị “thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, thế gian không xứng đáng cho họ ở; phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi, trong hang, trong những hầm dưới đất” (Hêbơ-rơ 11:37, 38). Những hầm dùng để làm chỗ ẩn náu cho hằng ngàn tín giáo. Chung quanh thành La Mã, ở dưới các ngọn đoi, người ta đào nhiêu đường hầm dưới đất và trong các hang đá; những đường hầm tối tăm, chằng chịt như màng nhện, chạy dài nhiều cây số bên ngoài tường thành. Chính trong những hầm ẩn náu này, các môn đồ của Chúa chôn những người quá cố của họ; và chính tại nơi đây, họ ẩn trốn khi bị tình nghi và cấm đoán. Khi nào Chúa của sự Sống đến đánh thức những kẻ đã đánh trận tốt lành, thì những người tử vì đạo sẽ ra khỏi những hầm tối tăm này.TT20 37.2

    Mặc dầu trải qua những cơn bắt bớ đạo tàn ác ấy, những kẻ làm chứng về Đức Chúa Giê-su vẫn trung thành giữ vững đức tin. Họ thiếu thốn mọi tiện nghi, không có mặt trời rọi vào những hầm ẩn náu tối tăm trong lòng đất thân yêu của họ, nhưng họ không phàn nàn chi hết. Họ lấy lời nhịn nhục, trông cậy để khuyến khích nhau chịu đựng mọi sự thiếu thốn và đau khổ. Sự mất mát của cải đời này không thể làm cho họ chối bỏ đức tin. Những cơn thử thách và bắt bớ chỉ đem họ đến gần ngày yên nghỉ và ban thưởng của họ.TT20 37.3

    Như các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày xưa, nhiều người bị “hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn” (Hê-bơ-rơ 11:35). Họ nhớ lại những lời của Chúa mình đã phán trước rằng, chịu sự bắt bớ vì danh Ngài là một cớ vui mừng cho họ. Vì phần thưởng của họ trên trời sẽ lớn lắm, bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các Đấng tiên tri trước họ như vậy. Họ vui mừng thấy mình xứng đáng chịu khổ vì lẽ thật, tiếng hát chiến thắng của họ vang lên giữa những tiếng lửa nổ khi bị đưa lên giàn hỏa. Ngước mắt lên trời, bởi đức tin, họ thấy Đức Chúa Giê-su và các thiên sứ thánh nhìn xem họ cách âu yếm và khen ngợi lòng dũng cảm của họ. Một tiếng từ ngôi Đức Chúa Trời phán cùng họ rằng, “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi Ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống” (Khải huyền 2:10).TT20 38.1

    Những nỗ lực của Sa-tan để hủy diệt hội thánh bởi bạo lực đều vô ích. Cuộc tranh chiến vĩ đại mà các môn đồ của Đức Chúa Giê-su đã bỏ mạng sống không chấm dứt khi những người trung tín ấy ngã gục. Dường như thất bại, nhưng họ đã chiến thắng. Những tôi tớ của Đức Chúa Trời đã bị giết, nhưng công việc của Ngài vẫn vững vàng tiến tới, phúc âm của Ngài vẫn được truyền ra, và số người tin theo càng ngày càng gia tăng. Sứ điệp của Chúa được truyền đạt cho tới những miền mà con diều hâu La Mã không tới được. Một tín đồ có nói với các người cai trị ngoại đạo, “Các ông có thể giết chúng tôi, tra tấn chúng tôi, lên án chúng tôi. . . Sự bất công của các ông chứng tỏ sự vô tội của chúng tôi. . . Sự tàn ác của các ông chẳng ích chi, nó chỉ thêm sức mạnh cho tôn giáo chúng tôi, hễ các ông càng bắt bớ chúng tôi, thì số người theo đạo càng tăng thêm lên: vì huyết của những người tử vì đạo là hột giống của tin lành.”—Tertullian, Apology, đoạn 50.TT20 38.2

    Hằng ngàn tín đồ bị bỏ tù và giết chết, nhưng có những người khác tin theo Chúa và thay thế họ. Những người đã chết vì đức tin, thì số phận của họ đã được đóng ấn, và được Chúa kể là những kẻ chiến thắng vì họ đã đánh trận tốt lành. Mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho họ, và sẽ ban thưởng cho họ trong ngày Chúa tái lâm. Những sự đau khổ khiến các môn đồ gần nhau hơn và dẫn họ đến gần cùng Chúa hơn. Đời sống của họ, sự tử vì đạo của họ làm chứng cho lẽ thật khiến những kẻ theo Sa-tan bỏ cuộc, và đến đứng dưới lá cờ Đức Chúa Giê-su Christ.TT20 38.3

    Muốn được thành công hơn trong cuộc tranh chiến cùng chính quyền trên trời, Sa-tan nghĩ ra một kế hoạch mới: dựng cờ mình lên trong hội thánh Đấng Christ. Nếu các môn đồ bị cám dỗ và làm Chúa buồn lòng, thì sức mạnh và sự cương quyết của họ trở nên mềm yếu, rồi họ sẽ là miếng mồi ngon cho Sa-tan.TT20 39.1

    Từ đó trở đi kẻ đối địch dùng mưu chước để hoạt động chớ không dùng cường quyền để đạt mục đích. Sự bắt bớ đạo ngưng dứt, và thế vào đó là những miếng mồi nguy hiểm của sự thịnh vượng và danh vọng đời này. Những kẻ thờ hình tượng nhập vào hội thánh, nhưng chối bỏ vài lẽ thật căn bản. Họ tiếp nhận Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, tin nơi sự chết và sự sống lại của Ngài, nhưng không thấy tội lỗi mình, cũng không ăn năn, hay thay đổi lòng mình. Họ sẵn sàng nhượng bộ trên vài quan điểm để mọi người có thể hòa hiệp về các tín điều.TT20 39.2

    Bấy giờ hội thánh trải qua một cơn nguy hiểm đáng sợ. Sự tù tội, tra tấn, thiêu đốt, chém giết, đối với họ là một ơn phước so sánh với những điều kể trên. Có những Cơ Đốc nhân giữ vững lập trường tuyên bố không thể nào hoa giải với tội lỗi được. Nhưng có những người khác sẵn sàng nhượng bộ hoặc thay đổi vài điều tin kính, hy vọng sẽ dẫn dắt những tín đồ mới này đến sự hối cải hoàn toàn. Đó là một thời kỳ đau đớn cho những môn đồ trung thành của Đấng Christ. Khoác áo Cơ Đốc giáo, Sa-tan đã xâm nhập vào hội thánh, làm hư hoại đức tin của tín đồ, khiến họ xây bỏ lẽ thật.TT20 39.3

    Phần đông tín đồ cuối cùng đã bằng lòng hạ thấp tiêu chuẩn, và Cơ Đốc giáo bị dung hòa với ngoại giáo. Những kẻ thờ hình tượng xưng mình là người trở lại đạo, và gia nhập hội thánh, nhưng vẫn thờ các hình tượng của họ, chỉ thay đổi vật họ thờ lạy bằng những hình tượng của Chúa Giê-su, và thậm chí cả của bà Ma-ri và các thánh. Như thế là men xấu xa của sự thờ hình tượng đã xâm nhập vào hội thánh để tiếp tục làm bại hoại hội thánh. Những giáo lý giả, những nghi lễ mê tín và sự thờ hình tượng được thêm vào mục tin kính và thờ phượng của giáo hội. Sự phối hiệp giữa tín đồ và những người thờ hình tượng làm bại hoại Cơ Đốc giáo, và hội thánh mất sự tinh khiết và quyền phép. Có một số người không chịu đi theo những ảo tưởng này. Họ giữ lòng trung tín với Tác giả của lẽ thật và thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi.TT20 39.4

    Các môn đồ Đấng Christ chia làm hai hạng: những người học hỏi cách kỹ lưỡng về đời sống của Đấng Cứu Thế, cố gắng chừa bỏ những tật xấu của mình để sống phù hợp theo gương mẫu của Chúa, và những người nhắm mắt không muốn xem xét những lẽ thật rõ ràng, thực sự bày tỏ những sự sai lầm của họ. Ngay trong thời kỳ tốt đẹp nhất, hội thánh không phải chỉ toàn những thuộc viên chân thật, trong sạch mà thôi. Đấng Cứu Thế đã dạy rằng những người cố tình sống trong tội loi không được tiếp nhận vào hội thánh; nhưng Ngài tiếp xúc, gần gũi với những người có bản tính bất toàn, để họ có cơ hội nhờ gương mẫu và sự dạy dỗ của Ngài, nhờ đó có thể thấy được những sự sai lầm của mình để sửa đổi. Trong số mười hai sứ đồ, có một kẻ phản Chúa. Giu-đa được chấp nhận không phải vì bản tính bất toàn; nhưng nhờ sự dạy dỗ và gương mẫu của Ngài, Chúa muốn cho hắn thấy thế nào là bản tánh Cơ Đốc nhân, như vậy hắn biết những sự lầm lạc của mình, để nhờ ân điển thiên thượng, dẫn hắn đến sự “vâng theo lẽ thật.” Nhưng đáng lẽ đi theo sự sáng chiếu soi trên đường mình, Giu-đa lại sa vào tội lỗi và sự cám dỗ của Sa-tan. Những tật xấu cai trị hắn, khiến hắn đầu phục quyền lực sự tối tăm. Hắn trở nên giận dữ khi bị quở trách và quyết tâm phản Thầy mình. Cũng một lẽ ấy, những kẻ tự xưng có lòng tin kính mà còn ham mến tội lối, thì cuối cùng sẽ ghét những người vạch tội họ. Khi có cơ hội, họ sẽ như Giu-đa, phản lại những người quở trách vì sự lợi ích của mình.TT20 40.1

    Các sứ đồ gặp trong hội thánh những người xưng mình có lòng tin kính, nhưng phạm tội cách kín giấu. A-na-nia và Sa-phi-ra hành động như kẻ lường gạt, giả bộ rằng mình đã hy sinh tất cả cho Đức Chúa Trời, trong khi họ đã giữ lại cách tham lam một phần của cải cho mình. Thần Lẽ Thật đã tỏ cho các sứ đồ thấy chân tướng của những kẻ giả bộ ấy, và sự hình phạt của Đức Chúa Trời đã giáng trên họ, để loại mọi vết nhơ làm ô uế sự tinh khiết của hội thánh. Sự hiện diện của Thần Chúa trong hội thánh là một sự khiếp sợ cho những kẻ giả hình và gian ác. Họ không thể hòa hợp với những người làm theo ý muốn Chúa và đại diện cho Ngài. Khi sự thử thách, bắt bớ đến cho hội thánh, chỉ có những người muốn làm môn đồ Ngài mới sẵn sàng hy sinh mọi sự vì lẽ thật. Cho nên hễ sự bắt bớ còn tiếp diễn, thì hội thánh tương đối còn tinh khiết. Nhưng, khi sự bắt bớ chấm dứt, thì những người gia nhập hội thánh ít thành thật và ít tin kính hơn, như vậy là mỏ đường cho Sa-tan lập vững chân đứng của hắn.TT20 40.2

    Nhưng, nếu không thể có sự liên kết giữa Chúa sự Sáng và vua sự tối tăm, thì cũng không thể nào có sự hòa hợp giữa các môn đồ của họ. Khi Cơ Đốc nhân kết hiệp với người ngoại không hết lòng hoán cải, thì họ đã bước vào con đường nguy hiểm, càng ngày càng dẫn họ đi xa lẽ thật. Sa-tan rất vui mừng về sự thành công của hắn đã cám dỗ được một số đông môn đồ của Chúa Giê-su. Hắn ban quyền lực cho những ke này, và khuyến giục họ bắt bớ những người trung thành với Chúa. Không ai biết chống đối lẽ thật cách hiệu nghiệm hơn những người trước kia đã bênh vực cho lẽ thật; vì thế những tín hữu bội đạo này hiệp sức với người mới hoán cải một nửa để chống đối những lẽ thật quan trọng của Đấng Christ.TT20 41.1

    Những người muốn giữ lòng trung tín với lẽ thật phải chiến đấu dữ dội, để chống lại sự giả dối và gớm ghiếc đội lốt tôn giáo gia nhập vào hội thánh. Kinh Thánh không còn được chấp nhận là tiêu chuẩn của đức tin nữa. Giáo lý về sự tự do tín ngưỡng được coi như là một dị giáo, và những người bênh vực cho giáo lý này đều bị ghen ghét và lên án.TT20 41.2

    Sau một cuộc tranh chiến cực khổ và lâu dài, một số người trung tín quyết định tách ra khỏi hội thánh, nếu hội thánh vẫn còn tiếp tục theo sự giả dối và thờ hình tượng. Họ thấy rằng muốn vâng lời Đức Chúa Trời thì tuyệt đối phải phân rẽ khỏi hội thánh bỏ đạo. Họ không dám dung thứ lâu hơn nữa những sự sai lầm nguy hại cho linh hồn mình, và tổn thương đến đức tin của con cháu họ. Để được hòa bình và hiệp nhất, họ sẵn sàng nhượng bộ nếu hòa hợp với sự trung tín cùng Đức Chúa Trời; nhưng họ cảm thấy phải hy sinh nguyên tắc để mua chuộc hòa bình thật đắt giá thay. Nếu phải hòa giải lẽ thật và sự công bình để được hiệp nhất thì thà nên phân rẽ, hay chiến tranh!TT20 41.3

    Thật rất ích lợi cho hội thánh và cho thế giới nếu những nguyên tắc giúp các linh hồn đứng vững được hồi sinh trong lòng dân sự Đức Chúa Trời. Ngày nay, người ta rất lãnh đạm về những giáo lý cột trụ của đức tin Cơ Đốc giáo. Họ cho rằng những giáo lý này không quan trọng lắm. Sự suy đồi này khiến những tay sai của Sa-tan trở nên mạnh hơn; đến nối những lý thuyết sai lầm và những sự dối gạt nguy hại mà các tín đồ trung thành của các thời đại trước đã phải liều mạng chống đối, thì bây giờ lại được hằng ngàn người xưng mình là môn đồ Đấng Christ tiếp nhận cách hân hoan.TT20 41.4

    Những môn đồ đầu tiên quả thật là một dân đặc biệt. Cách cư xử không chỗ trách được và đức tin vững vàng của họ luôn luôn là một sự quở trách làm xáo trộn sự bình an của kẻ tội lỗi. Mặc dầu họ chỉ là một nhóm nhỏ, không tiền bạc, không địa vị, không chức tước, nhưng bất cứ nơi nào họ đến thì những kẻ làm ác đều khiếp sợ vì tính tình và đức tin của họ. Vì thế, họ bị những kẻ ác ghen ghét, giống như A-bên bị Ca-in ghen ghét vậy. Tinh thần ghen ghét đã giục Ca-in giết em mình, cũng giục những kẻ chối bỏ tiếng phán của Đức Thánh Linh giết dân sự Đức Chúa Trời. Chính tinh thần ấy cũng giục người Giu-đa chối bỏ Đấng Cứu Thế và đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Tính tình trong sạch và thánh khiết của Đấng Christ là một sự khiển trách tính ích kỷ và bại hoại của họ. Từ đó đến nay, những môn đồ trung tín của Chúa luôn luôn bị ghen ghét và bắt bớ bởi những kẻ ưa đi theo con đường tội lỗi.TT20 42.1

    Như vậy thì tin lành sao được gọi là sứ điệp hòa bình? Khi tiên tri Ê-sai nói trước về sự giáng sinh của Đang Mê-si, thì tiên tri gọi Ngài là “Chúa Bình An.” Khi các thiên sứ báo tin cho những ke chăn chiên biết về sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su, các vị ấy hát vang ở trên cánh đồng Bết-lê-hem rằng, “Sáng danh Chúa trên các tầng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người” (Lu-ca 2:14). Dường như có sự mâu thuẫn giữa những lời rao báo ấy và lời phán của Đấng Christ, “Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo” (Ma-thi-ơ 10:34). Nhưng hiểu cho đúng thì hai lời ấy hòa hợp hoàn toàn. Phúc âm là một sứ điệp hòa bình. Nếu tin lành được tiếp nhận và được làm theo, thì sẽ có sự bình an, hòa thuận và hạnh phúc đầy dẫy khắp nơi. Đạo Đấng Christ kết hiệp trong tình huynh đệ thân mật tất cả những người tiếp nhận sự dạy dỗ của Chúa. Chức vụ của Đức Chúa Giê-su là làm cho người ta hòa thuận với Đức Chúa Trời, và do đó làm cho người ta hòa thuận với nhau. Nhưng phần đông người trong thế gian ở dưới quyền cai trị của Sa-tan, kẻ thú ghê gớm nhất của Đức Chúa Giê-su. Họ chống nghịch cùng Đức Chúa Trời, vì những nguyên tắc của tin lành trái với những thói quen và nguyện vọng của họ. Họ ghét sự tinh khiết đã bày tỏ và lên án tội lỗi của mình, họ bắt bớ và hủy diệt những người rao truyền sự công bình và thánh khiết của những nguyên tắc này. Vì thế tin lành được gọi là gươm giáo, vì những lẽ thật cao cả của tin lành dẫn đến sự ghen ghét và đưa đến cuộc chiến đấu.TT20 42.2

    Việc Đức Chúa Trời cho phép kẻ ác bắt bớ những người công bình khiến những người yếu đức tin bối rối. Có những người bị cám dỗ bỏ lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, vì Ngài cho kẻ ác được thịnh vượng, và để những người tốt nhất và trong sạch nhất phải đau khổ và hành hạ dưới quyền chuyên chế của chúng. Họ hỏi, “Sao một Đấng công bình và thương xót, có quyền phép vô cùng mà có thể dung thứ sự bất công, sự hà hiếp như thế được?” Chúng ta chớ nên nghĩ đến câu hỏi ấy. Đức Chúa Trời đã cho chúng ta những bẵng chứng đầy đủ về tình yêu thương của Ngài. Nếu chúng ta không hiểu được đường lối Ngài, đó không phải là cớ để nghi ngờ lòng nhân từ của Ngài. Thấy trước những sự cám dỗ mà các môn đồ Ngài sẽ đương đầu trong những ngày thử thách và tối tăm, Đấng Cứu Thế phán cùng họ rằng, “Hãy nhớ lời Ta đã nói cùng các ngươi: Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi” (Giăng 15:20). Đức Chúa Giê-su đau khổ vì chúng ta hơn tất cả các môn đồ Ngài phải chịu vì sự tàn bạo của kẻ ác. Những người được kêu gọi để chịu tử vì đạo hay chịu tra tấn đều đi theo dấu chân của Con Đức Chúa Trời.TT20 43.1

    “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài” (2 Phi-e-rơ 3:9). Ngài không quên, cũng không bỏ bê con cái Ngài, nhưng Ngài cho phép kẻ ác biểu lộ chân tướng mình để không người nào muốn làm theo ý muốn Ngài có thể bị chúng lừa gạt. Vả lại, người công bình phải trải qua lò lửa thử thách, ấy là để được tinh sạch, hầu cho gương sáng của họ có thể thuyết phục thế gian về đức tin và sự nhân đức, và đời sống trung kiên của họ lên án những kẻ vô tín và gian ác.TT20 43.2

    Đức Chúa Trời cho phép kẻ ác được thịnh vượng và bày tỏ sự bội nghịch của họ cùng Ngài, để mỗi người nhận biết rằng khi họ làm trọn sự gian ác, thì sự hủy diệt họ là một việc làm công bình và thương xót. Ngày báo trả của Đức Chúa Trời sẽ sap đến, khi mà tất cả những kẻ vi phạm luật pháp Ngài và đàn áp dân sự Ngài sẽ bị trừng phạt vì những việc làm của họ, mỗi hành động độc ác hoặc bất công đối với con cái trung tín của Đức Chúa Trời cũng như đối với chính Đấng Christ sẽ bị trừng trị.TT20 43.3

    Nhưng có một câu hỏi khác quan trọng hơn mà các hội thánh ngày nay cần chú ý đến. Sứ đồ Phao-lô nói rằng, “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-su Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12). Nhưng tại sao sự bắt bớ đạo dường như ngưng dứt? Chỉ có một lý do, ấy là hội thánh đã hòa hợp với sự dạy dỗ của thế gian, nên không khơi dậy sự chống nghịch nữa. Tôn giáo ngày nay không còn tính chất thuần túy, thánh khiết như trong thời Đấng Christ và các sứ đồ. Chỉ vì tinh thần thỏa hiệp với tội lỗi; lanh đạm với những lẽ thật căn bản của lời Đức Chúa Trời, và thiếu lòng tin kính cần thiết trong hội thánh, mà Cơ Đốc giáo dường như rất phổ thông với thế gian. Hãy làm sống lại đức tin và quyền phép của hội thánh đầu tiên, thì tinh thần bắt bớ đạo sẽ hồi sinh, và ngọn lửa bắt bớ đạo sẽ được khêu cháy lại.TT20 44.1

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents