Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

Thiện Ác Đấu Tranh

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    23—Đền Thánh Là Gì?

    CÂU KINH THÁNH “Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai, sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch” trong Đa-ni-ên 8:14 là quan trọng hơn tất cả mọi câu khác, vừa là nền tảng vừa là cột trụ của đức tin phong trào Cơ Đốc phục lâm. Những lời trên đây rất quen thuộc đối với những người tin sự tai lâm của Đức Chúa Giê-su. Trên môi miệng của hằng ngàn người, lời tiên tri này được lập lại như khẩu hiệu của đức tin. Mọi người đều cảm thấy rằng sự trông cậy và niềm hy vọng sáng chói nhất của họ, đều tùy thuộc vào các biến cố đã được dự ngôn trong câu đó. Thời kỳ tiên tri ấy sẽ chấm dứt vào mùa thu năm 1844. Đồng một tin tưởng với các giáo phái khác trên thế giới, người Cơ Đốc Phục lâm đã cho rằng trái đất hay ít nhất một phần trái đất là đền thánh của Đức Chúa Trời. Họ nghĩ rằng sự làm sạch đền thánh là sự thanh lọc địa cầu bằng lửa trong ngày cuối cùng, và sự việc này sẽ xảy ra trong ngay Chúa tái lâm. Do đó, họ kết luận rằng Đấng Christ se trở lại trái đất vào năm 1844.TT20 361.1

    Nhưng thời gian ấn định đã trôi qua, và Chúa chưa tái lâm. Tín đồ tin rằng lời Chúa không bao giờ sai; điều lỗi là sự họ giải thích lời tiên tri, nhưng sự sai lầm ở đâu? Nhiều người đã liều lĩnh giải quyết điểm khó khăn này bằng cách phủ nhận hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai chấm dứt vào năm 1844. Chẳng có lý do nào cho điều này ngoại trừ việc Đấng Christ không đến đúng thời gian họ mong đợi. Họ lý luận rằng nếu những ngày tiên tri đó chấm dứt vào năm 1844, thì Đấng Christ sẽ trở lại làm sạch đền thánh qua sự làm sạch thế gian bằng lửa; và vì Ngài không đến, nên những ngày đó không thể chấm dứt được.TT20 361.2

    Chấp nhận lời kết luận này tức là chối bỏ việc tính các ngày tiên tri trước đây. Hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai đã được chứng minh là bắt đầu khi vua Ạt-ta-xét-xe ra lệnh tu bổ và xây lại thành Giê-ru-sa-lem vào mùa thu năm 457 T.C. Lấy khởi điểm đó, chúng ta thấy có sự phù hợp hoàn toàn với lời giải thích về tất cả những biến cố đã được dự ngôn trong Đa-ni-ên 9:25-27. Sáu mươi chín tuần lễ tức là 483 năm đầu của 2300 năm, kéo dài đến thời Đấng Mê-si, là Đấng Chịu Xức dầu. Sự chịu phép báp-têm và được xức dầu của Đấng Christ bởi Đức Thánh Linh vào năm 27 S.C. đã hoàn toàn ứng nghiệm. Giữa tuần lễ thứ bảy mươi, Đấng Mê-si bị trừ đi. Ba năm rưỡi sau ngày chịu phép báp-têm, Đấng Christ bị đóng đinh vào mùa xuân năm 31 S.C. Bảy mươi tuần lễ hay 490 năm, đặc biệt dành cho người Giu-đa. Khi mãn thời kỳ này, quốc gia Do Thái đã tự đóng ấn trong việc chối bỏ Đấng Christ bằng cách bắt bớ các môn đồ Ngài, vì vậy các sứ đồ đã xây qua dân ngoại năm 34 S.C. Bốn trăm chín mươi năm đầu của hai ngàn ba trăm năm đã chấm dứt, còn lại 1810 năm. Từ năm 34 S.C., cộng 1810 năm dẫn đến năm 1844. Thiên sứ phán, “Sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch.” Lời tiên tri này được ứng nghiệm rõ ràng đúng thời kỳ đã định.TT20 362.1

    Với cách tính này, mọi chi tiết đều rõ ràng và phù hợp, ngoại trừ không có biến cố nào cho biết việc làm sạch đền thánh vào năm 1844. Phủ nhận những ngày ấy chấm dứt vào thời kỳ đã tính thì khiến vấn đề trở nên rắc rối, và chối bỏ sự ứng nghiệm rõ ràng của lời tiên tri.TT20 362.2

    Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã dẫn dân sự Ngài vào phong trào phục lâm vĩ đại. Ngài xử dụng quyền lực và sự vinh hiển Ngài vào công việc này, và Ngài không cho phép sự việc kết thúc trong tối tăm và thất vọng, bị chê trách là cuồng tín và sai lầm. Ngài không để cho lời Ngài bị nghi ngờ và không chắc chắn. Mặc dù có nhiều người đã chối bỏ cách tính thời kỳ tiên tri trước đây, và phủ nhận sự chính xác mà phong trào này đã dựa theo, một số người khác vẫn không chịu từ bỏ các tín điều và kinh nghiệm được Kinh Thánh hỗ trợ và Thánh Linh Đức Chúa Trời minh chứng. Họ tin mình đã chấp nhận các nguyên tắc giải thích đúng qua việc nghiên cứu lời tiên tri, va họ có bổn phận phải đề cao những lẽ thật mà họ đã hiểu được cũng như tiếp tục nghiên cứu Kinh Thánh. Với lời cầu nguyện sốt sắng, họ xét lại thái độ mình, đồng thời nghiên cứu Kinh Thánh để tìm những điều lỗi lầm của họ. Khi nhận thấy không có điểm sai trong cách tính các thời kỳ tiên tri, họ tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn đề tài đền thánh.TT20 362.3

    Qua sự nghiên cứu, họ thấy không có bằng chứng nào trong Kinh Thánh nói về trái đất là đền thánh. Nhưng Kinh Thánh giải thích đầy đủ về đền thánh: đặc tính, vị trí và các nghi lễ trong đó; lời chứng của các nhà viết Kinh Thánh rất rõ ràng và đay đủ, không còn gì để thắc mắc. Trong thư gởi cho hội thánh Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô viết, “Ước trước cũng có những luật về việc thờ phượng và một nơi thánh dưới đất. Vả, một đền tạm đã dựng lên: phần thứ nhất gọi là nơi thánh, có chân đèn, bàn và bánh bày ra; rồi đến phía trong màn thứ hai, tức là phần gọi là nơi rất thánh, có lư hương bằng vàng và hòm giao ước, toàn bọc bằng vàng. Trong hòm có một cái bình bằng vàng đựng đầy ma-na, cây gậy tro hoa của A-rôn, và hai bảng giao ước; phía trên có hai chê-ru-bin vinh hiển, bóng nó che phủ nơi chuộc tội” (Hê-bơ-rơ 9:1-5).TT20 363.1

    Đền thánh mà Phao-lô nói ở đây chính là đền tạm do Môi-se dựng lên theo lời chỉ dạy của Đức Chúa Trời, một nơi trên thế gian để Đấng Chí thánh ngự. “Họ sẽ làm cho Ta một đền thánh và Ta sẽ ở giữa họ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:8), là chỉ thị Môi-se nhận trên núi khi gặp Chúa. Dân Y-sơ-raên đi trong đồng vắng, cho nên đền thánh phải được dựng cách nào để có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác; tuy vậy đền tạm này vẫn là một kiến trúc lộng lẫy. Tường làm bằng những tấm ván bọc vàng, phía dưới có chân bằng bạc, mái do nhiều lớp màn kết thành, phần ngoài là da, phần trong là vải gai mịn, có thêu hình các chê-ru-bin tuyệt xảo. Ngoài phần hành lang, là nơi có bàn thờ của lễ thiêu, đền thánh gồm hai phần: nơi thánh và nơi chí thánh, ngăn cách nhau bởi một bức màn đẹp lộng lẫy; một bức màn tương tự che phủ cửa ra vào của nơi thánh.TT20 363.2

    Trong nơi thánh phía nam, có cây đèn bảy ngọn, thắp sáng đền thờ ngày và đêm; phía bắc có bàn bánh trần thiết; và phía trước bức màn ngăn nơi thánh và nơi chí thánh là bàn thờ xông hương bằng vàng, nơi đó hương thơm cùng với lời cầu nguyện của Y-sơ-ra-ên dâng lên hằng ngày trước mặt Chúa.TT20 363.3

    Trong nơi chí thánh có hòm giao ước là một cái rương bằng gỗ quý bọc vàng, trong đó có hai bảng đá do chính Đức Chúa Trời viết Mười Điều răn của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18). Trên hòm là nắp thi ân, một tác phẩm tuyệt xảo, có hai chê-ru-bin bằng vàng nguyên khối ở hai đầu. Nơi đây, sự hiện diện của Chúa được biểu hiện bằng đám mây vinh hiển giữa hai chê-ru-bin.TT20 364.1

    Sau khi dân Hê-bơ-rơ đã định cư tại Ca-na-an, đền tạm ấy được thay thế bằng đền thờ của vua Sa-lô-môn, tuy kiến trúc vĩ đại hơn, nhưng vẫn giữ đung tỷ lệ và việc trang trí giống nhau. Đền thờ này bị phá hủy trong thời Đa-ni-ên, và đến năm 70 S.C. thì bị quân đội La Mã hủy phá hoàn toàn.TT20 364.2

    Đó là đền thánh duy nhất trên đất mà Kinh Thánh đã nói đến. Đây cũng là đền thánh mà Phao-lô nói thuộc về giao ước thứ nhất. Nhưng trong giao ước mới có đền thánh hay không?TT20 364.3

    Trở lại sách Hê-bơ-rơ, những người nghiên cứu lẽ thật tìm thấy sự hiện hữu của đền thánh thứ hai, hay là đền thánh theo giao ước mới, được Phao-lô nói đến, “Giao ước trước cũng có những luật về việc thờ phượng và một nơi thánh dưới đất” (Hê-bơ-rơ 9:1). Áp dụng chữ “cũng” trong câu này chứng tỏ trước đó Phao-lô đã nói đến đền thờ này. Đọc lại chương trước, người ta thấy rằng, “Đại ý điều chúng ta mới nói đó, là chúng ta có một Thầy Tế lễ Thượng phẩm, ngồi bên hữu ngai của Đấng Tôn nghiêm trong các từng trời, làm chức việc nơi thánh và đền tạm thật, bởi Chúa dựng lên, không phải bởi một người nào” (Hê-bơ-rơ 8:1, 2).TT20 364.4

    Ở đây nói đến đền thánh trong giao ước mới. Đền thánh trong giao ước thứ nhất do Môi-se xây cất; còn đền thánh này do Chúa dựng lên chứ không phải loài người. Các thầy tế lễ hầu việc trong đền tạm dưới đất, còn Đấng Christ, Thầy Tế lễ Thượng phẩm của chúng ta, đang hầu việc bên hữu Đức Chúa Trời, ở đền thánh thuộc giao ước mới. Đền thánh thứ nhất ở dưới đất, đền thứ nhì ở trên trời.TT20 364.5

    Hơn thế nữa, đền tạm do Môi-se dựng lên theo kiểu mẫu Đức Chúa Trời đã chỉ cho ông, “Hãy làm đền đó y như kiểu đền tạm cùng kiểu các đồ dùng mà Ta sẽ chỉ cho ngươi.” Và một lần nữa có lời chỉ dặn, “Vậy, ngươi hãy xem, cứ làm y như kiểu đã chỉ cho trên núi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:9, 40). Và sứ đồ Phao-lô bảo rằng đền tạm thứ nhất “Ây là một hình bóng chỉ về đời bây giờ, để tỏ rằng các lễ vật và hy sinh dâng đó” (Hê-bơ-rơ 9:9) mà các nơi thánh làm “theo kiểu mẫu trên trời,” và các thầy tế lễ dâng lễ vật theo luật định “và giữ sự thờ phượng, sự thờ phượng đó chẳng qua là hình và bóng của những sự trên trời mà thôi” (Hê-bơ-rơ 8:5), và “Đấng Christ chẳng phải vào nơi thánh bởi tay người làm ra, theo kiểu mẫu nơi thánh thật, bèn là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 9:24).TT20 364.6

    Đền thánh trên trời, nơi Chúa Giê-su đang cầu thay cho chúng ta, chính là đền thánh nguyên thủy vĩ đại, còn đền tạm do Môi-se cất chỉ là bản sao. Đức Chúa Trời đã giáng Đức Thánh Linh trên những người xây cất đền tạm dưới đất. Sự kiến trúc tuyệt xảo biểu lộ sự khôn ngoan thiên thượng. Các bức tường giống như những khối vàng, phản chiếu khắp nơi ánh sáng của bảy ngọn đèn. Bàn bánh trần thiết và bàn thờ xông hương lóng lánh như vàng đánh bóng. Bức màn lộng lẫy dùng làm trần, thêu hình các thiên sứ bằng chỉ màu xanh, tím và đỏ điều, càng làm tăng thêm vẻ đẹp. Phía bên trong bức màn thứ hai là nơi chí thánh, biểu lộ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, không ai được vào trước mặt Ngài mà còn sống, ngoại trừ thầy tế lễ thượng phẩm.TT20 365.1

    Sự rực rỡ không gì sánh kịp của đền tạm dưới đất phản chiếu sự vinh hiển của đền thánh trên trời là nơi Đấng Christ cầu thay cho chúng ta trước ngai Đức Chúa Trời. Đền thánh trên trời, nơi ngự cua Vua các vua, có ngàn ngàn hầu hạ Ngài và muôn muôn đứng trước mặt Ngài (Đa-ni-ên 7:10), nơi đó đầy dẫy sự vinh hiển của ngai trời vĩnh cửu mà các sê-raphin sáng láng canh giữ, kính cẩn che mặt; khi so sánh với kiến trúc lộng lẫy nhất do tay người làm ra thì cũng chỉ phản chiếu cách lờ mờ sự cao trọng và vinh hiển của đền thánh đó. Tuy nhiên, những lẽ thật quan trọng liên quan đến đền thánh trên trời và công việc cứu chuộc vĩ đại cho nhân loại, đều đã được Đức Chúa Trời khải thị qua đền thánh dưới đất và các nghi lễ.TT20 365.2

    Những nơi thánh của đền thánh trên trời được tiêu biểu bằng hai phần trong đền tạm dưới đất. Qua sự hiện thấy, sứ đồ Giăng được ngắm xem đền thánh trên trời có “bảy ngọn đèn sáng rực thắp trước ngôi” (Khải huyền 4:5). Người thấy một thiên sứ “cầm lư hương vàng, và được nhiều hương, để dâng hương ấy trên bàn thờ bằng vàng ở trước ngôi với các lời cầu nguyện của mọi thánh đồ” (Khải huyền 8:3). Sứ đồ được phép chiêm ngưỡng phần thứ nhất của đền thánh trên trời; và người thấy bảy ngọn đèn” và “bàn thờ bằng vàng,” tượng trưng bằng cây đèn bằng vàng và bàn thờ xông hương nơi đen tạm dưới đất. Một lần nữa, “đền thờ Đức Chúa Trời bèn mở ra ở trên trời” (Khải huyền 11:19). Nơi đây, người thấy “hòm giao ước bày ra,” tượng trưng bằng hòm thánh do Môi-se làm để đựng bảng luật pháp của Đức Chúa Trời.TT20 365.3

    Vì thế, những người nghiên cứu đề tài này đã tìm được chứng cớ không thể chối cãi về sự hiện hữu của đền thánh trên trời. Môi-se đã dựng đền tạm dưới đất theo kiểu mẫu được chỉ dẫn. Phao-lô xác nhận đền tạm ấy đúng theo kiểu mẫu đền thánh thật trên trời. Còn Giăng làm chứng ông đã nhìn thấy đền thánh thật ở trên trời.TT20 366.1

    Đền thánh, nơi Đức Chúa Trời ngự, là ngai của Ngài được thiết lập trong sự công bình và phán xét. Luật pháp của Ngài để trong nơi chí thánh, là đạo luật công bình vĩ đại do đó cả nhân loại sẽ bị phán xét. Trong hòm giao ước có hai bảng luật pháp, trên hòm là nắp thi ân, và trước hòm là Đấng Christ biện hộ cho tội nhân bởi huyết Ngài. Điều này tiêu biểu sự kết hợp giữa sự công bình va lòng thương xót trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Sự kết hợp đó, chỉ có sự khôn ngoan vô biên mới hoạch định được, và cũng chỉ có quyền năng vô biên mới hoàn thành được; đây là một kết hợp khiến cả thiên đàng kinh ngạc và thán phục. Các chê-ru-bin của đền tạm, nhìn xuống nắp thi ân cách cung kính, tiêu biểu sự quan tâm của các thiên sứ về công việc cứu chuộc. Đây là sự mầu nhiệm của lòng thương xót mà các thiên sứ thích chiêm ngưỡng—là Đức Chúa Trời vẫn giữ được sự công bình của Ngài khi xưng công bình kẻ có tội biết ăn năn va tái lập sự cảm thông giữa Ngài với nhân loại sa ngã; là Đấng Christ có thể hạ mình cứu vô số người lên khỏi hố hủy diệt và mặc cho họ áo công bình tinh sạch của Ngài, để họ hòa hợp với các thiên sứ chưa bao giờ sa ngã, và sống mãi mãi trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời.TT20 366.2

    Chức vụ của Đấng Christ là cầu thay cho nhân loại được diễn tả qua lời tiên tri tuyệt đẹp của Xa-cha-ri về “Có một người tên là Chồi mống.” Ông viết, “Chính Người sẽ xây đền thờ Đức Giê-hô-va; và chính Người sẽ được sự oai nghiêm, ngồi cai trị trên ngôi [của Cha] mình, làm thầy tế lễ ở trên ngôi mình; và sẽ có mưu hòa bình ở giữa cả Hai” (Xa-cha-ri 6:12, 13).TT20 366.3

    “Người sẽ xây đền thờ Đức Giê-hô-va.” Qua sự hy sinh và hòa giải của Ngài, Đấng Christ vừa là nền tảng vừa là người xây hội thánh của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nói Ngài “là Đá Góc nhà, cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa. Ây, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh” (Ê-phê-sô 2:20-22).TT20 367.1

    “Ngài sẽ mặc lấy sự vinh hiển.” Sự vinh hiển của công việc cứu chuộc nhân loại sa ngã thuộc về Ngài. Trong cõi vĩnh cửu, bài ca của những người được chuộc sẽ là, “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, . . . đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng!” (Khải huyền 1:5, 6).TT20 367.2

    Ngài “sẽ trị vì trên ngai; và sẽ là thầy tế lễ.” Bây giờ chưa phải lúc “Ngài ngồi trên ngai vinh hiển,” vì nước vinh hiển chưa đến. Chỉ khi nào Ngài làm xong công việc cầu thay, Đức Chúa Trời sẽ “ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài,” “nước Ngài vô cùng” (Lu-ca 1:32, 33). Là thầy tế lễ thượng phẩm, Đấng Christ hiện đang cùng Cha ngự trên ngai (Khải huyền 3:21). Cùng ngồi trên ngai với Đấng tự hữu, vĩnh cửu, có Đấng “đã gánh sự buồn bực của chúng ta” (Ê-sai 53:4), đang “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15), hầu cho Ngài “có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (Hê-bơ-rơ 2:18). “Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa cha” (1 Giăng 2:1). Sự cầu thay của Ngài ấy là một thân thể tan nát và một đời sống không tì vít. Giá cứu chuộc nhân loại sa ngã thật đắt vô cùng được thể hiện qua đôi bàn tay bị thương tích, hông bị đâm thủng, chân bị hủy hoại.TT20 367.3

    “Sẽ có mưu hòa bình ở giữa cả Hai” (Xa-cha-ri 6:13). Tình thương của Thiên Phụ, không kém gì tình thương của Con Ngài, la nguồn cứu rỗi nhân loại hư mất. Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ trước khi từ giã họ, “Ta chẳng nói rằng Ta vì các ngươi sẽ cầu xin Cha đâu; vì chính Cha yêu thương các ngươi” (Giăng 16:26, 27). Đức Chúa Trời “vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài” (2 Cô-rinh-tô 5:19). Và trong chức vụ Ngci tại đền thánh trên trời, “có mưu hòa bình ở giữa cả Hai.” “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).TT20 367.4

    Câu hỏi, Đền thánh là gì? được Kinh Thánh trả lời rõ ràng. Từ ngữ “đền thánh” àp dụng trong Kinh Thánh, thứ nhất chỉ về đền tạm do Môi-se thiết lập theo kiểu mẫu trên trời; thứ hai nói đến “đền thờ thật” trên trời mà đền tạm dưới đất là hình bóng. Sự chết của Đức Chúa Giê-su kết thúc nghi lễ hình bóng. “Đền thờ thật” trên trời là đền thánh thuộc giao ước mới. Lời tiên tri trong Đa-ni-ên 8:14 đã ứng nghiệm rồi, và đền thánh mà lời tiên tri ấy ám chỉ phải là đền thánh thuộc giao ước mới. Khi 2300 buổi chiều và buổi mai chấm dứt vào năm 1844, thì đền thánh dưới đất đã không tồn tại trong nhiều thế kỷ trước. Vì vậy, lời tiên tri, “Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai, sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch” chắc chắn là chỉ về đền thánh trên trời.TT20 368.1

    Nhưng còn lại một câu hỏi quan trọng hơn hết cần phải giải đáp. Làm sạch đền thánh là gì? Có một công việc tương tợ thực hiện tại đền thánh dưới đất được nói đến trong Cựu Ước. Nhưng đền thánh trên trời cần gì phải làm sạch? Hêbơ-rơ đoạn 9 có nói rõ ràng về việc làm sạch cả hai đền thánh trên trời và dưới đất. “Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ. Vậy, nếu những tượng chỉ về các vật trên trời đã phải nhờ cách ấy mà được sạch, thì chính các vật trên trời phải nhờ của lễ càng quý trọng hơn nữa để được sạch” (Hê-bơ-rơ 9:22, 23), kể cả huyết báu của Đấng Christ.TT20 368.2

    Sự làm sạch đền thánh trong nghi lễ hình bóng hay nghi lễ thật, đều phải được thực hiện bằng huyết; ở dưới thế gian thì bằng huyết các con thú, trên thiên đàng, bằng chính huyết của Đức Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô dạy rằng việc làm sạch này phải thực hiện bằng huyết, vì không đổ huyết thì không có sự tha thứ. Sự tha thứ hoặc cất hết tội lỗi là công việc cần phải thực hiện. Nhưng tại sao tội lỗi liên hệ với đền thánh, dù ở thiên đàng hay dưới thế gian? Chúng ta có thể hiểu biết vấn đề này qua nghi lễ hình bóng; bởi vì các thầy tế lễ hầu việc dưới thế gian, “chẳng qua là hình và bóng của những sự trên trời mà thôi” (Hê-bơ-rơ 8:5).TT20 368.3

    Chức vụ tại đền tạm dưới đất gổm hai phần, các thầy tế lễ phục vụ hằng ngày tại nơi thánh,và một năm một lần, thầy tế lễ thượng phẩm thi hành việc chuộc tội đặc biệt tại nơi chí thánh, ấy là làm sạch đền thánh. Hằng ngày người phạm tội đem của lễ đến cửa đền, đặt tay mình trên đầu con sinh tế, xưng hết tội lỗi, đó là chuyển một cách hình bóng tội lỗi của mình sang con vật vô tội. Sau đó, con sinh tế bị giết. Sứ đồ Phao-lô đã nói, “Không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” “Vì sanh mạng của xác thịt ở trong huyết” (Lê-vi Ký 17:11). Sự vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời phải trả giá bằng chính mạng sống của tội nhân. Huyết của con sinh tế được thầy tế lễ mang vào nơi thánh và rưới trước bức màn, tiêu biểu sự sống của tội nhân mà tội lỗi con sinh tế phải gánh chịu, phía sau bức màn là hòm giao ước có luật pháp mà kẻ đó đã vi phạm. Như vậy, qua hình bóng, tội lỗi đã được chuyển sang đền thánh. Trong một vài trường hợp, huyết không được mang vào nơi thánh; nhưng thịt lại do thầy tế lễ ăn, như trường hợp Môi-se dạy các con của A-rôn, “Đức Giê-hô-va đã ban cho các ngươi, hầu gánh lấy tội của hội chúng” (Lê-vi Ký 10:17). Cả hai nghi lễ đều tượng trưng việc chuyển tội lỗi từ người phạm tội sang đền thánh.TT20 369.1

    Trong suốt năm, nghi lễ này tiếp diễn mỗi ngày. Như vậy, tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên được chuyển sang đền thánh và cần có một nghi lễ khác để tẩy xóa hết. Đức Giê-hô-va dạy rằng công việc chuộc tội phải được thực hiện tại mỗi phần trong đền thánh. “Người vì cớ sự ô uế, sự vi phạm và tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên phải làm lễ chuộc tội cho nơi thánh và cho hội mạc ở giữa sự ô uế của họ.” Bàn thờ cũng cần một lễ chuộc tội để “làm cho bàn thờ trở nên sạch và thánh, vì cớ những sự ô uế của dân Y-sơ-ra-ên” (Lê-vi Ký 16:16, 19).TT20 369.2

    Mỗi năm một lần, trong ngày Đại lễ Chuộc tội, thầy tế lễ thượng phẩm vào nơi chí thánh để làm sạch đền thờ. Công việc này kết thúc chu kỳ hành lễ hằng năm. Trong ngày Đại lễ Chuộc tội, hai con dê được dẫn đến trước cửa đền thờ, và người ta bắt thăm “một thăm về phần Đức Giê-hô-va, một thăm về phần A-xa-sên” (Lê-vi Ký 16:8). Con dê nào trúng thăm thuộc về phần Đức Chúa Trời phải bị giết để làm của lễ chuộc tội cho dân sự. Thầy tế lễ đem huyết con dê ấy vào trong bức màn, rảy phía trước và trên nắp thi ân. Huyết cũng được rảy trên bàn thờ xông hương, phía trước bức màn.TT20 369.3

    “A-rôn sẽ nhận hai tay mình trên đầu con dê đực còn sống, xưng trên nó các gian ác và sự vi phạm, tức những tội lỗi của Y-sơ-ra-ên, và chất trên đầu nó, rồi nhờ một người chực sẵn việc này mà sai đuổi nó ra, thả vào đồng vắng. Vậy, con dê đực đó sẽ gánh trên mình các tội ác của dân Y-sơ-raên ra nơi hoang địa” (Lê-vi Ký 16:21, 22). Con dê được thả trong đồng vắng không bao giờ trở lại trại của Y-sơ-ra-ên nữa. Người dẫn nó phai tắm gội và giặt sạch áo quần mình trước khi trở về trại.TT20 369.4

    Nghi lễ đó được thiết lập để dạy dân Y-sơ-ra-ên về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và sự gớm ghiếc của tội lỗi, và hơn thế nữa để chỉ cho họ thấy rằng, họ không thế nào tránh khỏi sự ô uế một khi đã đụng tay vào tội lỗi. Trong khi lễ chuộc tội tiếp diễn thì mọi người đều thống hối ăn năn. Tất cả mọi công việc đều dẹp qua một bên, và toàn dân Y-sơ-raên phải hạ mình trước Đức Chúa Trời bằng sự cầu nguyện, kiêng ăn và tự xét lòng mình.TT20 370.1

    Nghi lễ tượng trưng cho sự chuộc tội đã dạy chúng ta những lẽ thật quan trọng. Một con sinh tế được chấp nhận thế cho tội nhân; nhưng huyết của nó không thể xóa được tội lỗi. Vì thế mới có phương cách di chuyển tội lỗi đó vào đền thánh. Qua sự dâng huyết, tội nhân thừa nhận uy quyền của luật pháp, thú nhận sự vi phạm mình, và tha thiết muốn tội mình được tha bởi đức tin nơi Đấng Cứu chuộc sẽ đến; tuy nhiên tội nhân chưa hẳn được thoát khỏi án phạt của luật pháp. Trong ngày Đại lễ Chuộc tội, thầy tế lễ thượng phẩm đem huyết của con sinh tế do hội chúng dâng, vào nơi chí thánh, rảy huyết đó trên nắp thi ân, ngay trên bảng luật pháp, để làm thỏa mãn mọi đòi hỏi của luật pháp. Kế đo, với tư cách người hòa giải, thầy tế lễ thượng phẩm nhận tội lỗi về mình để đem ra khỏi đền thánh. Đặt tay mình lên đầu con dê, thầy tế lễ thượng phẩm xưng hết tội lỗi, đó là hình bóng trút tất cả tội lên trên nó. Con de được dẫn đi xa khỏi nơi đó, và được coi như mãi mãi xa cách dân chúng.TT20 370.2

    Đó là nghi lễ được thực hiện “chẳng qua là hình và bóng của những sự trên trời.” Những gì đã thi hành tại đền tạm dưới đất sẽ được thực hiện thật sự tại đền thánh trên trời. Sau khi thăng thiên, Đấng Cứu Thế đã khởi sự chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô nói, “Vả Đấng Christ chang phải vào nơi thánh bởi tay người làm ra, theo kiểu mẫu nơi thánh thật, bèn là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 9:24).TT20 370.3

    Chức vụ của thầy tế lễ suốt năm tại phần thứ nhất của đền thánh, “bên trong bức màn” là cửa ngăn nơi thánh với hành lang, tiêu biểu công việc mà Đấng Christ đã đảm nhận sau ngày thăng thiên. Công việc của thầy tế lễ thực hiện hằng ngày là trình lên Đức Chúa Trời huyết chuộc tội và dâng hướng cùng với lời cầu nguyện của Y-sơ-ra-ên. Cũng thể ấy, Đấng Christ đổ huyết mình ra trước mặt Thiên Phụ thế cho tội nhân, đồng thời dâng lên Ngài mùi hương quý giá của sự công bình Ngài và lời cầu nguyện của người tin và biết ăn năn. Đó là công việc thực hiện tại phần thứ nhất của đền thánh trên trời.TT20 371.1

    Đức tin của các môn đồ Đấng Christ cũng theo Ngài khi họ chứng kiến Ngài thăng thiên trước mặt họ. Đây tập trung nguồn hy vọng của họ như sứ đồ Phao-lô đã nói, “Chúng ta giữ điều trông cậy này như cái neo của linh hồn, vững vàng bền chặt, thấu vào phía trong màn, trong nơi thánh mà Đức Chúa Giê-su đã vào như Đấng đi trước của chúng ta, vì đã trở nên thầy tế lễ thượng phẩm đời đời” (Hê-bơ-rơ 6:19, 20). “Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời” (Hê-bơ-rơ 9:12).TT20 371.2

    Suốt mười tám thế kỷ, công việc này được tiếp diễn tại phần thứ nhất của đền thánh. Huyết của Đức Chúa Giê-su cầu thay cho kẻ có tội ăn năn, bảo đảm sự tha thứ và chấp nhận của Thiên Phụ, tuy vậy tội lỗi họ còn lưu lại trong sách của thiên đàng. Cũng như trong nghi lễ hình bóng, cuối năm có lễ chuộc tội trước khi Đấng Christ làm xong công việc cứu chuộc loài người, sẽ có một lễ tẩy sạch tội khỏi đền thánh. Công việc này khởi sự khi 2300 buổi chiều và buổi mai chấm dứt. Như tiên tri Đa-ni-ên đã dự ngôn, lúc bấy giờ Thầy Tế lễ Thượng phẩm của chúng ta vào nơi chí thánh để thực hiện phần cỏn lại của công việc trọng đại là làm sạch nơi thánh.TT20 371.3

    Trong giao ước cũ, tội lỗi của dân chúng, bởi đức tin được đặt trên con sinh tế, và qua hình bóng, huyết nó sẽ được chuyển vào đền thánh dưới đất. Cũng một thể ấy, trong giao ước mới, tội lỗi của phạm nhân, qua đức tin, được đặt trên Đấng Christ, và được chuyển đến đền thánh trên trời. Công việc làm sạch đền tạm dưới đất kết thúc bằng sự làm sạch tội lỗi đã được ghi chép tại nơi đó. Cũng một thể ấy, việc làm sạch đền thánh trên trời được hoàn tất bằng sự tẩy sạch hay bôi xóa tội lỗi đã ghi chép trên đó. Tuy nhiên, trước khi công việc này kết thúc phải có một cuộc tra xét các hồ sơ lưu giữ để quyết định ai là những người đã ăn năn và tin nơi Đấng Christ để xứng đáng với sự chuộc tội của Ngài. Bởi thế công việc làm sạch đền thánh liên hệ đến việc điều tra phán xét. Công việc này phải được thực hiện trước khi Đấng Christ tái lâm; và khi Ngài đến có đem theo phần thưởng để ban cho mỗi người tùy theo công việc họ làm (Khải huyền 22:12).TT20 371.4

    Do đó, những người nghiên cứu các lời tiên tri sẽ thấy, thay vì trở lại thế gian khi 2300 buổi chiều và buổi mai chấm dứt vào năm 1844, Đấng Christ vào nơi chí thánh của đền thánh trên trời để thực hiện công việc chuộc tội, chuẩn bị cho sự tái lâm của Ngài.TT20 372.1

    Người ta cũng nhận biết rằng con sinh tế ám chỉ Đấng Christ là của lễ hy sinh, thầy tế lễ tiêu biểu Christ là Đấng Trung Bảo, con dê bị đưa ra đồng vắng, tượng trưng cho Sa-tan, kẻ gây ra tội lỗi, cuối cùng sẽ phải gánh mọi tội lỗi của những người thật lòng ăn năn. Thầy tế lễ thượng phẩm bởi hiệu lực của huyết con sinh tế, đem tội lỗi ra khỏi đền tạm và đặt trên con dê. Đấng Christ, bởi huyết Ngài, tẩy sạch tội lỗi dân chúng khỏi đền thánh trên trời vào giai đoạn cuối của chức vụ Ngài, Ngài sẽ đặt tất cả tội lỗi trên Sa-tan, là kẻ trong thời gian thi hành cuộc điều tra phán xét, sẽ phải nhận lãnh sự hình phạt cuối cùng. Con dê tượng trưng A-xa-sên được đưa đến một nơi hoang vu, không bao giờ trở lại với dân Y-sơ-ra-ên. Cũng một thể ấy, Sa-tan sẽ mãi mãi bị đuổi khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời và dân sự Ngài; nó sẽ bị khai trừ trong sự hủy diệt cuối cùng của tội lỗi và tội nhân.TT20 372.2

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents