Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

Thiện Ác Đấu Tranh

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    12—Cuộc Cải Chánh Pháp

    SỰ PHẢN KHÁNG tại Spires và bản Tín điều tại Augsburg đánh dấu sự chiến thắng của cuộc Cải chánh ở Đức, nhưng sau đó là những năm tranh đấu và đen tối. Bị yếu đi vì sự chia rẽ giữa những người ủng hộ và sự tấn công của các kẻ thù mạnh mẽ, nên phong trào Phản kháng dường như hoàn toàn bị tiêu diệt. Hằng ngàn người đã bỏ mạng vì lời chứng của mình. Nội chiến bùng nổ; phong trào Phản kháng bị một trong những hội viên quan trọng phản bội; những người quý phái nhất trong các vương hầu cải chánh bị hoàng đế bắt và bị kéo đi như những phu tù từ thành này đến thành nọ. Nhưng trong lúc dường như được chiến thắng rõ ràng, thì hoàng đế lại bị đánh bại. Miếng mồi mà ông tưởng đã nắm được lại mất, và cuối cùng ông bắt buộc phải dung thứ những đạo lý mà ông muốn tiêu diệt. Ông đã liều thân, liều đất nước, và của cải để tiêu diệt dị giáo. Bây giờ ông thấy đạo binh của mình hao mòn, của cải hết sạch, nhiều vương quốc của vua bị hăm dọa vì bạo động, và đức tin mà ông cố gắng đàn áp thì được truyền bá khắp nơi. Charles V đã chiến đấu chống lại quyền lực toàn năng. Đức Chúa Trời có phán, “Phải có sự sáng,” nhưng vì vua nay lại muốn sự tối tăm. Những mưu định của vua đã thất bại; vua già trước tuổi, mệt mỏi vì cuộc tranh đấu lâu dài, nên vua thoái vị ngai vàng và chôn mình trong một tu viện.TT20 188.1

    Ở Thụy Sĩ cũng như ở Đức, phong trào Cải chánh trải qua những ngày đen tối. Trong lúc nhiều quận tiếp nhận đức tin cải chánh, thì nhiều quận khác mù quáng nắm giữ giáo điều của La Mã. Họ bắt bớ những người chẵp nhận lẽ thật và cuối cùng đã dẫn đến cuộc nội chiến. Zwingli và nhiều người cộng tác với ông chết tại bãi chiến trường Cappel. Oecolampadius, buồn vì những tai nạn khủng khiếp trên, sau đó không bao lâu cũng chết. La Mã thắng trận, và dường như phục hồi lại những nơi đã mất. Nhưng Đấng có mưu định đời đời không bỏ công việc hoặc dân sự Ngài. Chính tay Ngài sẽ giải cứu họ. Trong các xứ khác, Ngài dấy lên những người để tiếp tục công việc cải chánh.TT20 188.2

    Bình minh bắt đầu ló dạng ở nước Pháp trước khi người ta nghe đến danh của Luther là nhà Cải chánh. Một trong những người đầu tiên tiếp nhận sự sáng là một cụ già, tên Lefevre, một người có kiến thức sâu rộng, giáo sư tại trường Đại học Ba-lê, và theo giáo hoàng cách thanh thật, sốt sắng. Trong việc nghiên cứu văn chương cổ điển, ông chú ý tới Kinh Thánh, và ông giới thiệu sự nghiên cứu này cho các sinh viên mình.TT20 189.1

    Lefevre là người sùng kính các thánh, và quyết định viết tiểu sử các thánh và những nhà tử vì đạo dựa vào những chuyện hoang đường của giáo hội. Đây là một việc đòi hỏi nhiều khổ công; và ông đã hoàn thành một phần lớn, nhưng khi nghĩ rằng Kinh Thánh có thể giúp mình trong việc này, nên ông bắt đầu nghiên cứu Kinh Thánh về đề tài trên. Ông đọc chuyện các thánh đã được ghi trong Kinh Thánh, nhưng họ không giống như những người được ghi trong lịch sử La Mã. Ánh sáng thiên thượng rọi vào trí ong. Ngạc nhiên và bất mãn, ông bỏ công việc mình đang làm và để hết thì giờ học lời Đức Chúa Trời. Sau đó không bao lâu, ông bắt đầu dạy những lẽ thật quý báu mà ông đã tìm ra.TT20 189.2

    Năm 1512, trước khi Luther và Zwingli bắt đầu công cuộc Cải chánh, Lefevre viết, “Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự công bình bởi đức tin và nhờ ân điển mà được sự sống đời đời.”—Wylie, quyển 13, chương 1. Suy gẫm về sự mầu nhiệm cứu chuộc, ông kêu lên, “Ôi, lớn lao thay! Không đủ lời để có thể nói được về Đấng vô tội bị đoán phạt, hầu cho người có tội được tha thứ; Đấng được phước lại mang sự rủa sa, hầu cho những người bị rủa sả được ơn phước; Chúa Sự Sống phải chết, hầu cho kẻ chết được sống; Đấng Vinh hiển bị chìm đắm trong tối tăm, hầu cho những người ngu dốt, bối rối được mặc lấy sự vinh hiển.”—D’Aubigné, London ed., quyển 12, chương 2.TT20 189.3

    Trong khi dạy sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời, ông cũng tuyên bố rằng bổn phận của loài người là vâng lời. Ông nói, “Nếu anh em là thuộc viên của hội thánh Đấng Christ, thì anh em là chi thể của thân thể Ngài; nếu anh em thuộc về thân thể Ngài thì anh em được dự phần vào thần tính Ngài. . . . Ôi, nếu loài người hiểu được đặc ân này, thì họ sẽ sống một cuộc đời thanh sạch, tinh khiết, và thánh thiện, sẽ khinh bỉ sự vinh hiển của thế gian khi so sánh với sự vinh hiển Chúa ở trong họ—sự vinh hiển mà mắt phàm không thể thấy được.”—D’Aubigné, quyển 12, chương 2.TT20 190.1

    Một số sinh viên của Lefevre đã nghe lời dạy dỗ của ông một cách hăng say, và sau khi tiếng nói của thầy mình đã im lặng lâu rồi, họ vẫn tiếp tục rao truyền lẽ thật, như William Farel. Là con của gia đình đạo đức, Farel đã được giáo dục để bởi đức tin chấp nhận cách nhiệt thành giáo lý của giáo hội; như gương của Phao-lô, ông có thể nói, “Tôi là người Phari-si, theo phe đó, rất là nghiêm hơn trong đạo chúng tôi” (Công vụ các Sứ đồ 26:5). Trung thành với La Mã, ông rất nóng nảy muốn tiêu diệt tất cả những người chống nghịch lại giáo hội. Khi kể lại về quãng đời này, ông nói, “Nếu tôi nghe ai nói gì nghịch cùng giáo hoàng đáng kính, thì tôi nghiến răng như một chó sói giận dữ.”—Wylie, quyển 13, chương 2. Không mệt mỏi trong việc sùng kính các thánh, ông tháp tùng Lefevre đi thăm viếng các hội thánh ở Ba-lê, thờ phượng trước các bàn thờ, và dâng lễ vật trước lăng tẩm các thánh. Nhưng những sự sùng bái này không đem lại cho ông sự bình an nội tâm. Mặc dù đã làm nhiều việc đền tội, ông vẫn cảm thấy bị cáo giác về tội lỗi. Ông nghe nhà Cải chánh rao truyền như tiếng phán từ trời, “Sự cứu rỗi bởi ân điển.” “Đấng Vô tội bị đoán phạt, còn kẻ có tội thì được tha thứ.” “Chỉ có thập tự giá của Đấng Christ mới mở được cửa thiên đàng và đóng cửa địa ngục.”—Wylie, quyển 13, chương 2.TT20 190.2

    Farel vui mừng chấp nhận lẽ thật. Sự cải đạo của ông giống như Phao-lô, từ sự làm nô lệ cho lời truyền thống tới sự tự do được làm con cái Đức Chúa Trời. Sau khi trở lại đạo, ông nói, “Thay vì có tấm lòng muốn giết người như con chó sói điên, nhưng lại trở nên hiền lành và dễ thương như một chiên con, lòng tôi không còn hướng về giáo hoàng nữa, nhưng dâng trọn cho Đấng Christ.”—D’Aubigné, quyển 12, chương 3.TT20 190.3

    Trong lúc Lefevre tiếp tục truyền bá sự sáng cho sinh viên mình, Farel rao giảng lẽ thật cho dân chúng, rất sốt sắng cho công việc của Đấng Christ cũng như ông dã sốt sắng đối với giáo hoàng. Một người cao trọng trong hội thánh, giám mục ở Meaux, không bao lâu cũng hợp tác với họ. Các giáo sư khác, nổi tiếng về tài năng và học thức, cũng tham dự vào việc rao giảng lời Chúa, và phúc âm được nhiều người chấp nhận, gồm đu mọi giai cấp trong xã hội, từ thợ thuyền và dân que cho đến các nhà quý phái và vua chúa. Chị của vua Francis I, lúc đó đang trị vì, chấp nhận đức tin cải chánh. Cả vua và hoàng thái hậu cũng có lúc tỏ vẻ ưa thích phong trào này, và các nhà Cải chánh cũng rất hy vọng có ngày nước Pháp sẽ chấp nhận phúc âm.TT20 191.1

    Nhưng hy vọng của họ sẽ không được thực hiện. Những sự thử thách và bắt bớ chờ đợi các môn đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, điều này được che giấu khỏi mắt họ vì lòng thương xót của Chúa. Họ được hưởng một thời gian bình an để lấy sức đối phó với cơn bão tố sắp đến; và phong trào Cải chánh được tiến tới mau chóng. Giám mục Meaux sốt sắng dạy dỗ hàng giáo phẩm và dân chúng trong địa phận của mình. Các linh mục dốt nát và bại hoại bị loại ra, và được thay thế bởi những người học thức và đạo đức. Giám mục hết lòng ước mong giáo dân sẽ có Kinh Thánh để tự học, và ý nguyện này chẳng bao lâu được hoàn thành. Lefevre quyết định dịch Tân Ước; và ngay trong lúc Luther cho phát hành Kinh Thánh bằng tiếng Đức tại Wittenberg, thì Tân Ước được phát hành bằng tiếng Pháp tại Meaux. Giám mục không tiếc công khó hay tiền của để phổ biến Tân Ước trong tất cả các họ đạo của ông, và không bao lâu dân quê tại Meaux có Kinh Thánh để đọc.TT20 191.2

    Những linh hồn này tiếp nhận sứ điệp từ trời, như những lữ khách sap chết khát vui mừng tiếp nhận nguồn nước sống. Những người làm ruộng ngoài đồng, những thợ thuyền trong các hãng xưởng, lúc làm việc vui mừng trò chuyện về những lẽ thật quý báu của lời Đức Chúa Trời. Buổi chiều, đáng lẽ gặp nhau tại các quán rượu, họ nhóm lại trong nhà để đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và ngợi khen Đức Chúa Trời. Một sự thay đổi lớn không bao lâu xảy ra trong những cộng đồng này. Mặc dầu thuộc về giai cấp bình dân, ít học và lao động cực khổ, quyền lực của ân điển đã cải hóa và nâng cao đời sống của giới thợ thuyền này. Họ trở nên khiêm nhường, khả ái, và thánh khiết, điều đó chứng tỏ thành quả của lời Chúa cho những ai thành thật chấp nhận.TT20 191.3

    Sự sáng chiếu tỏ tại Meaux và rọi xa hơn nữa. Số người hoán cải càng ngày càng tăng thêm. Sự giận dữ của các đẳng cấp bị vua kiềm chế trong một thời gian,vì vua ghét sự cuồng tín của các tu sĩ; nhưng cuối cùng các nhà lãnh đạo của giáo hoàng chiến thắng. Bây giờ, giàn hỏa được thiết lập. Giám mục ở Meaux, phải lựa chọn giữa giàn hỏa và sự đầu phục, đã chọn con đường dễ dàng hơn; trái lại, mặc dù nhà lãnh đạo sa ngã, bầy chiên của ông vẫn một lòng trung kiên. Nhiều người làm chứng về lẽ thật giữa những ngọn lửa. Bởi sự can đảm và lòng trung thành tại giàn hỏa, những Cơ Đốc nhân khiêm tốn này đã nói cho hằng ngàn người chưa có dịp nghe lời chứng của họ trong lúc bình an.TT20 192.1

    Chẳng phải chỉ những người khiêm nhường và nghèo khó này dám làm chứng về Đấng Christ giữa sự đau khổ và khinh dể mà thôi, nhưng trong những lâu đài và cung điện huy hoàng, những linh hồn vương gia cũng đặt lẽ thật lên trên địa Vị, giàu sang hay ngay cả sự sống. Những áo giáp hoàng gia đã che giấu một tâm hồn cao thượng và cương quyết hơn là áo choàng và mũ của giám-mục. Louis de Berquin thuộc dòng dõi quý tộc. Ông tận tâm học hỏi và là một hiệp sĩ can đảm, nhã nhặn, có tư cách tế nhị và đời sống trong sạch không chỗ trách được. Một văn sĩ có nói, “Ông là một môn đồ theo đúng điều lệ của giáo hoàng, trung thành dự lễ mi-sa và nghe giảng; . . . và thêm vào những đức tánh trên, ông đặc biệt coi đạo lý của Luther là một sự gớm ghiếc. Nhưng, cũng như những người khác, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn ông đến Kinh Thánh, và ông ngạc nhiên tìm thấy trong đó “không phải giáo lý của La Mã, nhưng là giáo lý của Luther.”—Wylie, quyển 13, chương 9. Từ đó, ông hoàn toàn hiến dâng mình cho công việc truyền bá tin lành.TT20 192.2

    Ông được gọi là “đại trí thức trong giới quý tộc ở Pháp.” Vì ông là một thiên tài, đặc biệt là tài hùng biện, ông có lòng can đảm bất khuất và chí khí anh hùng, ông cũng có ảnh hưởng tại triều đình và được vua yêu men, nên nhiều người coi ông như một nhà Cải chánh tương lai của đất nước. Beza nói, “Berquin có thể là Luther thứ hai, nếu ông được vua Francis I phong làm vương hầu.” Những đồ đệ của giáo hoàng la lên, “Hắn còn đáng sợ hơn Luther.”—Wylie, quyển 13, chương 9. Thật vậy, những người thuộc phe La Mã rất sợ ông. Họ bỏ ông vào ngục như một người theo dị giáo, nhưng ông được vua thả ra. Cuộc tranh đấu kéo dài nhiều năm. Còn vua Francis khi thì ngả theo La Mã, khi thì theo Cải chánh, khi thì khoan dung, khi thì hạn chế bớt sự nóng nảy dữ dội của các tu sĩ. Ba lần Berquin bị các nhà lãnh đạo giáo hoàng bỏ tù, và ba lần ông được vua thả ra, vì vua cảm phục thiên tài và tính tình cao thượng của ông, không phó ông cho sự xảo quyệt của hàng giáo phẩm.TT20 192.3

    Berquin đã được cảnh cáo nhiều lần về sự nguy hiểm đe dọa ông tại Pháp, và được thúc giục theo chân những người đi tìm sự an toàn trong sự lưu vong tự nguyện. Erasmus, một người nhút nhát và xu thời, tuy tài ba lỗi lạc nhưng thiếu đạo đức, coi sự sống và danh dự đời này hơn lẽ thật, đã viết cho Berquin, “Hãy xin đi làm đại sứ ở một nước nào đó; hãy đi du lịch ở Đức. Bạn biết Bê-đa—ông ta là một quái vật có ngàn đầu, phun nọc độc tứ phía. Những kẻ thù của bạn rất đông. Công việc của bạn có tốt hơn của Đức Chúa Giê-su Christ chăng, họ sẽ không để cho bạn đi cho tới khi họ tiêu diệt bạn một cách đau đớn. Đừng quá tin tưởng vào sự bảo vệ của vua. Trong bất cứ trường hợp nào, đừng để đạo lý làm nguy hiểm đến tôi.”—Wylie, quyển 13, chương 9.TT20 193.1

    Nhưng càng nguy hiểm thì sự hăng say của Berquin càng tăng thêm. Thay vì nghe lời khuyên của Erasmus để theo một chủ nghĩa vị kỷ, ông lại dùng những biện pháp mạnh bạo hơn. Ông chẳng những rao giảng lẽ thật, nhưng còn chống lại sự sai lầm. Bị phe La Mã vu cáo là theo dị giáo, bây giờ ông trút sự vu cáo đó lên trên họ. Những kẻ chống đối hăng say nhất và cay đắng nhất của ông là những nhà tiền sĩ và tu sĩ của ngành thần đạo tại trường Đại học Ba-lê, một trong những quyền lực tối cao về tôn giáo của thành phố và quốc gia. Berquin trích trong các sách của các nhà tiến sĩ ấy mười hai điều mà ông tuyên bố công khai là “chống lại Kinh Thánh, và như thế là ta giáo;” và ông yêu cầu vua làm quan án cho cuộc tranh đấu nay.TT20 193.2

    Vua lấy làm vui mừng để thử nghiệm quyền năng và sự khôn khéo của hai đối phương vô địch, và cũng để hạ sự kiêu ngạo của các tu sĩ, vua cho phe La Mã lấy Kinh Thánh bênh vực đức tin mình. Nhưng họ biết rằng khí giới ấy không giúp gì được; họ chỉ quen dùng những phương pháp khác như bỏ tù, tra tấn, đốt trên giàn hỏa. Bây giờ bàn cờ xoay hướng, họ thấy mình sắp bị sa xuống hố mà họ đã đào cho Berquin. Họ rất kinh ngạc và tìm cách để ra khỏi ngõ bí.TT20 193.3

    “Ngay lúc đó, một bức tượng của Ma-ri ở góc đường bị đập phá.” Dân chúng trong thành rất xôn xao. Nhiều người chạy đến xem, kêu la cách đau đớn. Vua cũng rất xúc đọng. Các tu sĩ lợi dụng cơ hội, bèn la lên, “Đó là kết quả của những giáo lý của Berquin. Tất cả tôn giáo, luật lệ, và ngôi vua gần bị sụp đổ bởi âm mưu của nhóm Luther.”—Wylie, quyển 13, chương 9.TT20 194.1

    Berquin lại bị bắt. Nhà vua lánh mặt khỏi Ba-lê, và như vậy các tu sĩ được tự do làm theo ý muốn mình. Nhà Cải chánh bị xét xử và bị kết án tử hình, và sợ vua can thiệp một lần nữa, nên khi án đã tuyên bố, thì được thi hành ngay trong ngày đó. Đúng trưa, Berquin bị dẫn đến nơi hành quyết. Rất đông dân chúng đến chứng kiến sự chết của ông. Nhiều người lấy làm kinh ngạc và khiếp sợ vì nạn nhân là một trong những người cao quý nhất và can đảm nhất của gia đình quý tộc ở Pháp. Trên gương mặt của đám đông bày tỏ sự kinh ngạc, phẫn nộ, khinh dể và ghen ghét cay đắng; nhưng ở đó có một người mà gương mặt vẫn điềm tĩnh. Những tư tưởng của nhà tử vì đạo khác xa với cảnh hỗn độn đó; người chỉ nghĩ đến sự hiện diện của Chúa mình.TT20 194.2

    Ông không để ý đến cái xe hành hình bất hạnh đưa ông đi, hay tới những gương mặt nhăn nhó của những kẻ bắt bớ ông, hay cái chết kinh khủng đang chờ ông. Đấng đã sống và đã chết, và sẽ sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết va âm phủ, đang đứng bên ông. Mặt Berquin rực rỡ với ánh sáng và bình an của thiên đàng. Ông mặc áo đẹp, “một cái áo khoác nhung, áo ngắn sa-tin cớ cải hoa, và mang vớ vàng.”— D’Aubigné, History of the Reformation in Europe in the Time of Calvin, quyển 2, chương 16. Ông sắp sửa làm chứng về đức tin của mình trước Vua muôn vua và trước cả vũ trụ, không có nỗi đau buồn nào có thể ngăn cản được sự vui mừng của ong.TT20 194.3

    Trong khi đoàn người chậm chạp tiến bước qua các đường phố tấp nập, người ta rất ngạc nhiên về sự bình an, sự chiến thắng biểu hiện rõ trên gương mặt hớn hở và dáng điệu ung dung của ông. Người ta nói, “Ông giống như người đang ngồi trong đền thờ, và suy gẫm những điều thánh khiết.”— Wylie, quyển 13, chương 9.TT20 194.4

    Khi tới giàn hỏa, Berquin muốn nói vài lời cùng dân chúng; nhưng các tu sĩ sợ kết quả của lời ông ta, nên bắt đầu la lên, các người lính khua động vũ khí, và tiếng la hét của họ làm át tiếng nói của nhà tuận đạo. Như vậy là năm 1529, một quyền thế tối cao về văn chương và tôn giáo ở Ba-lê “đã làm một gương đê hèn cho năm 1793 là làm nghẹt những lời thánh của người sắp chết trên đoạn đầu đài.”—Wylie, quyển 13, chương 9.TT20 194.5

    Berquin bị thắt cổ chết và thân thể ông bị quăng vào lửa. Tin về sự chết của ông gây đau buồn cho các bạn của phong trào Cải chánh trong cả nước Pháp. Nhưng gương sáng của ông không ai có thể quên được. Những người làm chứng về lẽ thật nói, “Chúng tôi cũng sẵn sàng để chết một cách vui mừng, mắt chúng tôi hướng về sự sống sắp đến.”—D'Aubigné, History of the Reformation in Europe in the Time of Calvin, quyển 2, chương 16.TT20 195.1

    Trong thời gian có sự bắt bớ tại Meaux, các giáo sư theo đức tin cải chánh bị rút giấy phép giảng đạo, và họ phải chuyển qua các ngành khác. Không bao lâu Lefevre đi qua nước Đức. Farel trở về quê quán của mình tại miền Đong nước Pháp, để rao truyền ánh sáng nơi quê hương của thời thơ ấu. Ở đây người ta đã biết việc xảy ra tại Meaux, và lẽ thật mà ông dạy cách hăng say không sợ sệt đã thu hút nhiều thính giả. Nhưng không bao lâu sau các nhà cầm quyền truyền ông phải im lặng, và ông bị đuổi ra khỏi thành. Mặc dù không thể làm việc cách công khai, ông đi qua các đồng bằng và làng mạc, giảng dạy tại tư gia và các nơi hẻo lánh, rồi tìm chỗ ẩn náu trong rừng sâu giữa các hầm đá mà ngày trước ông thường lai vãng khi còn niên thiếu. Đức Chúa Trời sửa soạn ông cho những thử thách lớn lao hơn. Ông nói, “Thập tự giá, sự bắt bớ, những mưu mô của Sa-tan, mà tôi đã được báo trước, không phải là những điều tôi muốn, mà còn quá sức chịu đựng của tôi nữa; nhưng Đức Chúa Trời là Cha tôi đã ban và sẽ luôn luôn ban cho tôi sức mạnh cần thiết.”—D'Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, quyển 12, chương 9.TT20 195.2

    Cũng như trong thời các sứ đồ, sự bắt bớ chỉ “giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin Lành” (Phi-líp 1:12). Bị đuổi ra khỏi Ba-lê và Meaux, “những kẻ đã bị tan lạc đi từ nơi này đến nơi khác, truyền giảng lời Chúa” (Công vụ các Sứ đồ 8:4). Như vậy, sự sáng được lan tràn trong các tỉnh xa xôi của nước Pháp.TT20 195.3

    Đức Chúa Trời vẫn sửa soạn nhân sự để bành trướng công việc Ngài. Trong một trường học tại Ba-lê, có một thanh niên ít nói và trầm tĩnh, chứng tỏ một trí óc mạnh mẽ và thông minh, có một đời sống trong sạch, siêng năng học hành và tận tâm với tôn giáo. Đó là John Calvin. Tài năng và sự chuyên cần của chàng chẳng bao lâu khiến chàng trở nên một vinh dự cho trường đại học, và người ta tiên đoán chắc chắn rằng John Calvin sẽ trở nên một người có khả năng và danh tiếng nhất để bênh vực cho giáo hội. Nhưng, một tia sáng thiên thượng xâm nhập ngay vào giữa những bức tường của kinh viện triết học và mê tín bao quanh Calvin. Chàng ghê tởm nghe nói về đạo lý mới, và tin chắc rằng những kẻ theo đạo lạc xứng với giàn hỏa. Tuy nhiên, dù không chủ tâm, chàng cũng phải đương đầu với đạo lạc và bắt buộc phải thử nghiệm quyền lực của thần đạo La Mã để đối phó với đạo lý Cải chánh.TT20 195.4

    Calvin có một người anh em họ ở Ba-lê, đã gia nhập nhóm Cải chánh. Hai người thường gặp nhau và bàn luận về những vấn đề rắc rối của Cơ Đốc giáo. Olivetan là người Cải chánh nói, “Chỉ có hai tôn giáo trên thế giới. Một tôn giáo do loài người đặt ra dạy rằng người ta tự cứu lấy mình bởi những nghi lễ và việc lanh. Còn tôn giáo kia được khải thị trong Kinh Thánh dạy rằng con người được cứu rỗi chỉ bởi ân điển không cần điều kiện của Đức Chúa Trời.”TT20 196.1

    Calvin tuyên bố, “Tôi không chấp nhận đạo lý mới của anh, anh tưởng rằng từ trước đến giờ tôi sống trong sự lầm lạc sao?”—Wylie, quyển 13, chương 7.TT20 196.2

    Tuy nhiên, có những tư tưởng đã nổi dậy trong trí óc của Calvin mà chàng không thể bỏ qua được. Một mình ở trong phòng, chàng suy nghĩ đến những lời của người anh họ. Bị cáo giác về tội lỗi, chàng thấy mình không có Đấng cầu thay trước mặt Quan Án thánh khiết và công bình. Sự cầu thay của các thánh, những việc lành, những nghi lễ của giáo hội, không thể tha thứ tội lỗi được. Chàng chỉ thấy trước mặt mình sự tối tăm thất vọng triền miên. Các nhà tiến sĩ trong giáo hội cố gắng làm giảm bớt sự sầu khổ của chàng nhưng vô hiệu quả. Chang nhờ đến sự xưng tội và khổ hạnh, nhưng cũng vô ích; những điều đó không thể làm cho linh hồn hòa thuận với Đức Chúa Trời.TT20 196.3

    Trong khi trải qua những cuộc chiến đấu vô hiệu quả ấy, một ngày kia Calvin đi ngang qua một công trường, chứng kiến một người theo dị giáo bị đốt trên giàn hỏa. Chàng rất ngạc nhiên thấy mặt người tử đạo phản chiếu sự bình an. Giữa những sự hành hạ của cái chết đáng sợ, và dưới sự đoán phạt kinh khủng của giáo hội, người đó biểu lộ một đức tin và lòng can đảm khác hẳn với sự tuyệt vọng và tối tăm của Calvin, trong khi sống phục tùng giáo hội rat chặt chẽ. Biết rằng những người tử đạo ấy đặt đức tin mình trên Kinh Thánh, Calvin quyết định nghiên cứu Kinh Thánh để tìm ra, nếu có thể được, bí quyết sự vui mừng của họ.TT20 196.4

    Calvin tìm được Đức Chúa Giê-su trong Kinh Thánh. Chàng kêu lên, “Cha ôi, sự hy sinh của Ngài đã làm nguôi cơn giận của Cha; huyết của Ngài đã rửa sạch những sự ô uế của con; thập tự giá của Ngài đã mang lấy sự rủa sả của con; sự chết của Ngài đã cứu chuộc con. Chúng con đã bày đặt ra nhiều điều điên rồ vô ích, nhưng Cha đã để trước mặt con lời của Cha như ngọn đuốc sáng, và Cha đã cảm động lòng con hầu cho con biết lấy làm gớm ghiếc về các công đức khác, ngoài công đức của Đức Chúa Giê-su.”—Martyn, quyển 3, chương 13.TT20 197.1

    Calvin đã được huấn luyện để trở nên linh mục. Khi lên mười hai tuổi, chàng đã được cử làm tuyên úy trong một nhà thờ nhỏ, và tóc chàng được giám mục hớt theo điều lệ của giáo hội. Tuy chưa được phong chức hay được quyền thi hành chức vụ của một linh mục, chàng đã trở nên một hội viên của hàng giáo phẩm, được chức tước và hưởng tiền trợ cấp.TT20 197.2

    Bây giờ, cảm thấy mình không bao giờ trở nên linh mục, chàng học luật một thời gian, nhưng cuối cùng bỏ mục tiêu này va quyết định dâng đời mình để rao giảng phúc âm. Song chàng do dự trong việc trở nên một giảng sư. Chàng có tính rụt rè, và ý niệm được trách nhiệm nặng nề của chức vụ ấy, và chàng vẫn muốn tiếp tục học thêm. Nhờ lời khuyên bảo khẩn thiết của bạn bè, nên cuối cùng chàng thắng được sự do dự. Chàng nói, “Thật lạ lùng thay, một người hết sức thấp hèn mà được đem lên một địa vị cao quý.”—Wylie, quyển 13, chương 9.TT20 197.3

    Calvin khởi sự chức vụ cách âm thầm, và những lời của ông giống như những giọt sương thấm nhuần đất đai. Ông đã rời Ba-lê, và lúc đó ở trong một thành phố dưới sự bảo vệ của công chúa Margaret, là người yêu mến phúc âm và bảo vệ những người tin theo phúc âm. Calvin vẫn còn là một thiếu niên, có phong mạo hiền lành, giản dị. Ông bắt đầu làm việc với dân chúng tại nhà họ. Khi mọi người trong gia đình tụ họp lại, ông đọc Kinh Thánh và dạy họ lẽ thật cứu rỗi. Những người đã nghe sứ điệp, đem tin mừng cho người khác, và không bao lâu, nhà truyền đạo đã vượt ra khỏi đô thị tới các làng, các xóm. Ông được tiếp rước trong các cung điện cũng như trong các lều tranh, đặt nền tảng cho nhiều hội thánh để làm chứng cách can đảm cho lẽ thật.TT20 197.4

    Vài tháng sau ông trở lại Ba-lê. Bấy giờ có một sự xôn xao lạ thường giữa các nhà thông thái và học thức. Sự nghiên cứu các cổ ngữ đã dẫn người ta đến Kinh Thánh, và có nhiều người tuy lòng chưa được lẽ thật cảm động nay lại hăng say thảo luận về lẽ thật và tranh luận với những nhà thông thái vô địch của giáo hội La Mã. Mặc dù có đầy khả năng để tranh luận về thần học, Calvin có một thiên chức cao hơn những học giả ồn ào ấy. Trí óc người ta được khích động, và bây giờ là lúc dạy họ về lẽ thật. Trong khi các phòng trường đại học vang lên những tiếng tranh luận về thần học, Calvin đi từng nhà giải nghĩa Kinh Thánh, nói về Đấng Christ là Đấng chịu đóng đinh trên thập tự giá.TT20 198.1

    Do sự dự định của Đức Chúa Trời, một lần nữa Ba-lê được mời để chấp nhận phúc âm. Dân chúng đã từ chối sự kêu gọi của Lefevre và Farel, nhưng một lần nữa, sứ điệp được rao truyền cho mọi giai cấp trong thủ đô danh tiếng đó. Vì ảnh hưởng chính trị nên vua chưa hoàn toàn theo La Mã để chống lại Cải chánh. Margaret, chị của vua, nuôi hy vọng được thấy phong trào Cải chánh chiến thắng ở Pháp. Bà quyết định rấng đức tin cải chánh phải được rao truyền ở Ba-lê. Trong lúc vua vắng mặt, công chúa cho phép một nhà truyền đạo Cải chánh giảng trong các nhà thờ của thành phố. Khi bị các nhà lãnh đạo của giáo hoàng cấm, thì công chúa mở rộng cửa cung điện. Một căn phòng được sửa lại để làm nhà nguyện, giờ giảng hằng ngày được tuyên bố, và dân chúng thuộc mọi giai cấp được mời tới tham dự. Rất đông người tới nghe các buổi giảng. Không những nhà nguyện, mà cả đến các phòng trước và hành lang cũng đầy người. Mỗi ngày hằng ngàn người nhóm lại gồm những nhà quý tộc, chính trị gia, thương gia, luật sư, và thợ thuyền. Thay vì cấm sự nhóm họp ấy, vua ra lệnh mở cửa hai nhà thờ ở Ba-lê. Từ xưa tới giờ chưa từng thấy dân chúng trong thành được cảm động bởi lời Đức Chúa Trời như vậy. Thần sự sống từ trời dường như hà hơi trên dân chúng. Sự tiết độ, thanh sạch, trật tự, siêng năng thay thế cho sự say sưa, buông tuồng, cãi cọ và lười biếng.TT20 198.2

    Nhưng hàng giáo phẩm không nhắm mắt bỏ qua. Vua vẫn từ chối can thiệp vào việc giảng đạo, nên họ xây qua dân chúng. Họ dùng các phương pháp để đem lại sự sợ hãi, thành kiến, và cuồng tín cho đoàn dân ngu dốt và mê tín. Thành Ba-lê cũng như thành Giê-ru-sa-lem thời xưa, mù quáng theo các giáo sư giả, không biết lúc mình được viếng thăm, cũng không biết sự làm cho mình được bình an. Trong trọn hai năm, lời Đức Chúa Trời được giảng tại thủ đô; nhưng, trong khi nhiều người tiếp nhận tin lành, đa số đã chối bỏ. Vua Francis chỉ tỏ lòng khoan dung bề ngoài để đạt mục đích mình, và phe giáo hoàng lại chiến thắng. Các nhà thờ lại bị đóng cửa, và các giàn hỏa được dựng lên.TT20 199.1

    Calvin vẫn còn ở Ba-lê, tiếp tục truyền giảng sự sáng, và sửa soạn cho chức vụ tương lai bởi sự nghiên cứu, suy gẫm và cầu nguyện. Nhưng cuối cùng, có sự nghi ngờ và các nhà cầm quyền quyết định đem ông lên giàn hỏa. Trong lúc Calvin tưởng mình được an toàn trong phòng kín, không nghĩ gì tới sự nguy hiểm, thì bạn hữu vọi vàng tới phòng ông để báo tin chức viên đang trên đường tới bắt ông. Ngay lúc đó, có tiếng gõ mạnh ở cửa ngoài. Không bỏ mất một giây phút. Vài người bạn ông giữ các chức viên tại cửa, còn những người khác đưa ông xuống cửa sổ, và ông vội vã đi về phía ngoại ô. Vào nhà một người thợ thuyền có cảm tình với nhóm cải chánh, ông giả trang mặc áo quần của chủ nhà, vác cuốc lên vai, rồi bắt đầu cuộc hành trình. Đi về hướng nam, ông tìm nơi ẩn náu trong xứ của Margaret.—D’Aubigné, History of the Reformation in Europe in the Time of Calvin, quyển 2, chương 30.TT20 199.2

    Nhờ sự che chở của những người bạn có quyền thế, Calvin được ở yên ổn tại đây vài tháng để nghiên cứu. Nhưng lòng ông muốn truyền giảng cho cả nước Pháp, nên ông không thể ngừng hoạt động lâu. Vừa khi cơn bão tố được yên chút ít, ông liền đi tìm một địa hạt hoạt động mới tại Poitiers, nơi đây có một trường đại học, và người ta hoan nghênh tiếp nhận những ý kiến mới mẻ. Đủ các giai cấp trong dân chúng vui mừng nghe lời phúc âm. Không có những phiên giảng trước công chúng, nhưng ở trong nhà quan chánh án, hay trong phòng riêng của ông, và đôi khi ngoài công viên, Calvin giảng lời sự sống cho những ai muốn nghe. Số thính giả càng ngày càng tăng, nên người ta nghĩ nên nhóm ngoài thành thì an toàn hơn. Một cái hang ở trong hẻm núi, hẹp và sâu, có cây cao và đá lớn che khuất kín đáo, được chọn làm nơi nhóm họp. Những nhóm nhỏ, rời đô thị bằng những ngả đường khác nhau, đến đây thờ phượng. Tại nơi ẩn náu nay, Kinh Thánh được đọc lớn tiếng và giải nghĩa. Cũng tại nơi đây, lần đầu tiên lễ Tiệc Thánh được các tín đồ Cải chánh ở Pháp cử hành. Từ hội thánh nhỏ bé này, nhiều nhà truyền giáo trung thành được phái đi.TT20 199.3

    Calvin vẫn còn hy vọng thấy nước Pháp tiếp nhận đạo Cải chánh, nên trở lại Ba-lê một lần nữa. Nhưng ông thấy hầu hết các cửa truyền đạo đều đóng lại. Rao giảng phúc âm tức là đi thẳng đến giàn hỏa, nên cuối cùng ông quyết định qua Đức. Vừa mới rời nước Pháp, một cơn bao tố nổi lên trên những tín đồ Cải chánh ở Pháp, nếu ông ở lại trong xứ, thì ông đã là nạn nhân trong cuộc hủy diệt toàn diện.TT20 200.1

    Muốn cho xứ mình đồng đi một nhịp với nước Đức và Thụy Sĩ, các nhà Cải chánh Pháp nhất định đánh đổ những sự mê tín của La Mã, và điều này đã làm rúng động cả nước. Một đêm nọ, họ dán yết thị trong khắp nước Pháp chống lại lễ mi-sa. Phong trào nhiệt thành nhưng thiếu phán đoán này đã không giúp cho cuộc cải chánh tiến tới, mà còn đem lại sự hủy diệt, không những cho các nhà truyền giáo, mà cả đến những bạn hữu của nhóm theo đức tin cải chánh trong khắp nước Pháp. Như thế là giáo hội La Mã gặp được cơ hội chờ đợi bấy lâu nay để tiêu hủy hoàn toàn những kẻ theo dị giáo mà họ coi như là nguy hiểm cho sự vững bền của ngai vàng và sự bình an trong nước.TT20 200.2

    Một bàn tay bí mật—không ai biết là của một người bạn vô ý hay một kẻ thù quỷ quyệt—đã để một trong những yết thị ấy trên cửa phòng riêng của vua. Lòng vua tran đầy kinh khiếp. Yết thị nay đả phá sự mê tín mà người ta tôn sùng trải qua các thế kỷ. Sự táo bạo phi thường là dám đem những lời giản dị nhưng ghê sợ đến trước vua làm cho vua nổi cơn thạnh nộ. Vua rất kinh ngạc, đứng run rẩy và không nói được một lời. Rồi trong cơn giận dữ, vua thốt ra những lời kinh khủng, “Hãy bắt tất cả, không tây vị ai, những người bị tình nghi theo đạo Luther. Ta muốn tiêu diệt tất ca chúng nó.”— D'Aubigné, History of the Reformation in Europe in the Time of Calvin, quyển 4, chương 10. Như vậy số phấn đã định rồi. Nhà vua đã quyết định đứng về phe La Mã.TT20 200.3

    Những biện pháp được áp dụng tức thì để bắt tất cả những người theo phe Luther ở Ba-lê. Một người thợ nghèo, theo đạo cải chánh, có nhiệm vụ triệu tập giáo hữu đến chỗ nhóm kín, bị bắt và bị hăm dọa đốt liền trên giàn hỏa, và được lệnh dẫn mật sứ của giáo hoàng đến nhà của hết thảy tín đồ Cải chánh ở trong thanh phố. Trước hết, người từ chối làm việc đáng sợ ấy, nhưng vì sợ giàn hỏa, nên cuối cùng, người bằng lòng phản bội anh em mình. Đi đầu là người bưng bánh thánh, kế đến là các linh mục, người cầm bình hương, các tu sĩ, các quân lính, Morin, trinh thám của hoàng gia, với kẻ phản bội, chậm chạp và yên lặng đi qua các đường phố thành Ba-lê. Một cuộc biểu diễn lấy cớ đề cao “bánh thánh” nhưng thật ra là một hành động để chuộc lại sự sỉ nhục lễ mi-sa bởi những người chống đối. Nhưng dưới cuộc diễu hành màu mè giấu kín một mục đích độc hại. Khi tới trước nhà một giáo hữu nhóm Luther, kẻ phản bội không nói một lời, nhưng ra một dấu hiệu. Đám rước ngừng lại, người ta vào trong nhà, cả gia đình bị xiềng lại, và đám người kinh khủng ấy tiếp tục đi tìm những nạn nhân khác. Họ “không tha một nhà nào, dầu lớn hay nhỏ, cả đến các trường đại học ở Ba-lê. . . . Morin làm cho cả thành run sợ. . . . Đó là Thời kỳ Khủng khiếp”—D'Aubigné, History of the Reformation in Europe in the Time of Calvin, quyển 4, chương 10.TT20 201.1

    Các nạn nhân đều bị xử tử bằng cách tra tấn rất tàn ác, người ta ra lệnh đặc biệt phải đốt ngọn lửa nhỏ để kéo dài sự đau đớn của các nạn nhân. Nhưng họ đã chết cách chiến thắng. Lòng trung tín họ không lay chuyển, sự bình an họ không xao xuyến. Những kẻ bắt bớ cảm thấy mình thất bại vì không thay đổi được lòng cương quyết của những nhà tử vì đạo. “Các giàn hỏa được dựng lên trong khắp thành Ba-lê, và các nạn nhân bị thiêu đốt trong nhiều ngày liên tiếp, để gieo thêm sự kinh hoàng cho những kẻ theo dị giáo. Nhưng kết cuộc là phúc âm đã chiến thắng. Cả thành Ba-lê có dịp thấy hạng người mà đạo lý mới đã sản xuất. Không có tòa giảng nào có thể sánh với giàn hỏa của những người tử vì đạo. Sự vui mừng thanh thản phản chiếu trên mặt những người tiến đến nơi hành quyết, chí khí anh hùng của họ ở giữa những ngọn lửa, lòng nhu mì và tha thứ của họ đối với những kẻ thù, trong nhiều trường hợp, đã thay đổi sự giận dữ thành thương xót, sự ghen ghét thành yêu thương, và bênh vực cách hùng biện cho duyên cớ tin lành.”—Wylie, quyển 13, chương 20.TT20 201.2

    Các linh mục muốn giữ cơn thạnh nộ của dân chúng tới cao độ, đã dùng nhiều lời vu cáo kinh khủng nghịch cùng những người Cải chánh. Họ bị vu cáo là âm mưu sát hại tín đồ Cong giáo, lật đổ chính phủ, và ám sát nhà vua. Nhưng người ta không thể đưa ra một bằng chứng nào về những tội ấy. Tuy nhiên, những lời tiên tri về tai họa ấy phải được ứng nghiệm; dưới những trường hợp khác, và vì những lý do khác nhau. Sự tàn ác của những người Công giáo đối với tín đồ Cải chánh vô tội, đã chồng chất lên và nhiều thế kỷ sau đã báo trả lại bằng những tai họa kinh khủng giáng trên vua, trên chính phủ và trên dân chúng; nhưng thủ phạm của tai họa ấy chính là những kẻ vô tín và những kẻ theo giáo hoàng. Không phải từ sự hình thành giáo phái Cải chánh, nhưng là bởi sự đàn áp phong trào này, mà ba trăm năm sau đã đem lại những tai họa thảm khốc cho nước Pháp.TT20 202.1

    Sự ngờ vực và kinh hãi bây giờ tràn ngập trong các giai cấp xã hội. Giữa sự hốt hoảng toan diện, người ta thay sự dạy dỗ của Luther đã thấm nhuần tâm trí những người có vị trí cao nhất về học thức, về tầm ảnh hưởng, và đức tánh hoàn hảo của họ. Thình lình những địa vị cao trọng, đáng tin cậy bị bỏ trống. Những người thợ thuyền, thợ in, học giả, giáo sư đại học, văn sĩ, và cả đến triều thần đều biến mất. Hằng trăm người trốn khỏi Ba-lê, và tình nguyện đi đày nơi khác, nhiều người trong vòng họ bấy giờ bay tỏ lần đầu tiên cảm tình đối với đức tin cải chánh. Những người theo giáo hoàng ngó chung quanh mình, kinh ngạc nghĩ rằng họ đã dung thứ nhiều người theo dị giáo ở ngay giữa họ. Họ nổi giận nghịch cùng những nạn nhân nhu mì bị sa vào quyền thế của họ. Các ngục thất lại đông nghẹt, và ngay cả bầu không khí cũng dường như trở nên tối đen bởi khói của các giàn hỏa được đốt lên để thiêu hủy những người tiếp nhận phúc âm.TT20 202.2

    Vua Francis I tôn mình là nhà lãnh đạo trong phong trào lớn của cuộc phục hưng văn hóa, đánh dấu sự khởi đầu thế kỷ thứ mười sáu. Vua rất vui mừng hội họp tại triều đình những học giả từ các nước. Nhờ lòng hâm mộ sự tri thức và khinh dể sự ngu dốt và mê tín của các tu sĩ, mà vua đã có lòng khoan dung một mực nào đó đối với nhóm cải chánh. Nhưng, vì lòng hang hái tiêu diệt dị giáo mà vua đã ra một sắc lệnh bãi bỏ tất cả nhà in trong khắp nước Pháp! Vua Francis là một trong những tấm gương lịch sử chứng tỏ rằng, sự học thức không phải la một sự bảo đảm chống lại tinh thần cố chấp và đàn áp tôn giáo.TT20 202.3

    Bằng một nghi lễ long trọng và công khai, nước Pháp phải hứa nguyện tiêu diệt giáo phái Cải chánh. Các linh mục nói sự công kích lễ mi-sa là làm nhục Thiên Đàng và phải được chuộc lại bằng huyết, và vua phải vì dân sự mà công khai phê chuẩn quyết nghị cho công việc kinh khủng này.TT20 203.1

    Ngày 21-1-1535 được ấn định cho nghi lễ đáng sợ này. Một sự mê tín hãi hùng và ghen ghét cuồng nhiệt của cả nước được khơi dậy. Một đoàn người đông vô số từ các miền lân cận đổ về, tràn ngập các đường phố Ba-lê. Từ sáng sớm, có một đám rước lớn và trang nghiêm. “Các tấm màn tang được treo lên tại các nhà dọc theo hai bên đường mà cuộc diễn hành sẽ đi qua, và cách khoảng có những bàn thờ được dựng lên.” Trước cửa mỗi nhà có đuốc thắp sáng để tôn vinh “bánh thánh.” Trước rạng đông, đám rước tụ tập tại cung điện của vua. “Đi đầu là các bảng hiệu và thập tự giá của nhiều họ đạo; sau đó là dân chúng, sắp hàng hai, và cầm đuốc.” Tiếp theo, là các tu sĩ của bốn tu viện với những áo dòng đặc biệt. Rồi đến các thánh tích danh tiếng. Sau đó là các hang giáo phẩm với những áo lễ màu tím và đo điều, tô điểm với những trang sức lộng lẫy, xa hoa, rực rỡ.TT20 203.2

    “Giám mục Ba-lê bưng bánh thánh, dưới một cái lọng, . . . có bốn hoàng tử nâng đỡ. Vua bước đi theo sau bánh thánh. . . . Francis I hôm đó không đội mão triều, không mặc áo lễ.” Vua “để đầu trần, mắt nhìn xuống đất, tay cầm đèn cầy chiếu sáng,” vua nước Pháp tỏ ra “nhưmột người sám hối.”— Wylie, quyển 13, chương 21. Trước mỗi bàn thờ, vua cúi đầu với dáng vẻ cam chịu và nhẫn nhục, không phải vì tội mình hay vì hai bàn tay đã dính huyết vô tội, nhưng vì tội trọng của dân sự vua, đã dám lên án lễ mi-sa. Theo sau vua, có hoàng hậu, các bậc cầm quyền trong chính phủ, cũng sắp hai hàng, tay cầm đuốc đỏ hừng hực.TT20 203.3

    Trong chương trình ngày hôm đó, vua đọc diễn văn trước các bậc cao cấp trong phòng lớn của dinh giám mục. Với gương mặt sầu thảm và với những lời đầy xúc động có sức thuyết phục, vua than khóc “tội ác, phạm thượng, ngày đau đớn và sỉ nhục” đã đến trên quốc gia. Vua kêu gọi mỗi công dân trung thành hãy giúp vua tuyệt diệt dị giáo đang hăm dọa nước Pháp. Vua nói tiếp, “Quả thật ta la vua các ngươi, nếu ta biết một chi thể của ta bị nhiễm độc với sự thối nát đáng ghê sợ, ta sẽ đưa cho các quần thần cắt bỏ đi. . . . Hơn nữa, nếu ta thấy một đứa con của ta bị ô uế bởi sự thối nát này, ta sẽ không tha nó. . . . Chính ta sẽ bắt nó và dâng làm của lễ cho Đức Chúa Trời.” Vua ngừng lại, nước mắt tuôn tràn, cả hội chúng đều khóc, và đồng la lên, “Chúng tôi sẽ sống và chết cho đạo Công giáo!”—D'Aubigné, History of the Reformation in Europe in the Time of Calvin, quyển 4, chương 12.TT20 203.4

    Sự tối tăm khủng khiếp đã giáng xuống trên một nước từ chối sự sáng của lẽ thật. Ân điển đem đen sự cứu rỗi đã được tỏ bày; nhưng sau khi đã ngắm xem quyền phép và sự thánh khiết của ân điển đó, sau khi hằng ngàn người đã được thu hút bởi sự tốt đẹp thiên thượng, sau khi các thành thị và xóm làng đã được soi sáng bởi sự rực rỡ của ân điển, thì nước Pháp lại xây bỏ lẽ thật, lựa chọn sự tối tăm hơn sự sáng. Họ đã chối bỏ sự ban cho thiên thượng. Họ đã gọi ác là thiện, và thiện là ác, và trở nên nạn nhân của sự lầm lạc mình. Bây giờ, họ tưởng mình hầu việc Đức Chúa Trời bằng cách bắt bớ dân sự Ngài, nhưng sự thành thật của họ không làm giảm bớt tội lỗi được. Họ đã cố tình từ chối sự sáng có thể cứu họ khỏi sự lầm lạc, và khỏi sự làm đổ huyết vô tội.TT20 204.1

    Một lời thề long trọng để tuyệt diệt dị giáo được biểu quyết tại nhà thờ lớn là nơi gần ba thế kỷ sau Nữ thần Lý trí được tôn vương bởi một nước đã quên Đức Chúa Trời hằng sống. Đám rước tiếp tục, và các đại diện nước Pháp khởi sự làm công việc mà họ đã thề hứa. “Cách đó một đoạn đường ngắn, các giàn hỏa đã được dựng lên, và một số Cơ Đốc nhân Cải chánh sẽ bị đốt sống, và đống củi sẽ được châm lửa khi vua tới gần, và đám rước sẽ ngừng để chứng kiến sự hành hình.”—Wylie, quyển 13, chương 21. Những chi tiết về sự tra tấn những người làm chứng cho Đấng Christ thật là quá khủng khiếp khi nhìn thấy; nhưng các nạn nhân chẳng hề lay chuyển. Khi được thúc giục để chối bỏ đức tin thì họ trả lời, “Tôi chỉ tin những gì các tiên tri và sứ đồ đã giảng ngày xưa, và những điều các thánh đã tin. Đức tin của toi nơi Đức Chúa Trời sẽ chống lại tất cả thế lực của địa ngục.”— D'Aubigné, History of the Reformation in Europe in the Time of Calvin, quyển 4, chương 12.TT20 204.2

    Đám rước tiếp tục ngừng lại những nơi tra tấn. Khi họ tới điểm khởi đầu tại cung điện vua, đám đông giải tán, vua và các giám mục ra về, rất thỏa lòng về những tiến triển trong ngày, và chúc mừng nhau về công việc đã bắt đầu và sẽ tiếp tục để hoàn toàn tiêu diệt dị giáo.TT20 204.3

    Tin lành bình an mà nước Pháp từ chối và tuyệt diệt đã gây ra bao nhiêu hậu quả kinh khủng. Ngày 21-1-1793, hai trăm năm mươi tám năm sau, vào chính ngày mà nước Pháp đã bắt bớ các nhà Cải chánh, một đám rước khác với mục đích khác hẳn, diễn hành trên đường phố Ba-lê. “Vua cũng là một nhân vật quan trọng; có tiếng lọn xộn, la hét; có những tiếng kêu đòi giết thêm nạn nhân; lại có những đoạn đầu đài; và những cảnh hành hình kinh khiếp; vua Louis XVI, vật lộn với những đao phủ, bị dẫn đến chỗ hành hình, chờ giờ lưỡi rìu chặt xuống cổ, và đầu vua rớt xuống từ đoạn đầu đài.”— Wylie, quyển 13, chương 21. Chẳng những vua nước Pháp là nạn nhân mà thôi; nhưng gần đó có hai ngan tám trăm người bị chết chém trong những ngày đẫm máu của Thời kỳ Khủng khiếp (Reign of Terror).TT20 205.1

    Cuộc Cải chánh đã trình bày cho thế giới quyển Kinh Thánh mở rộng, tỏ bày luật pháp Đức Chúa Trời và sự đòi hỏi của luật pháp ấy trên lương tâm của loài người. Tình yêu thương vô hạn của Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho loài người biết những điều lệ và nguyên tắc của thiên đàng. Đức Chúa Trời có phán, “Các ngươi phải giữ làm theo các mạng lịnh và luật lệ này; vì ấy là sự khôn ngoan và sự thông sáng của các ngươi trước mặt các dân tộc; họ nghe nói về các luật lệ này, sẽ nói rằng: Dân này là một dân khôn ngoan và thông sáng không hai!” (Phục truyền Luật lệ Ký 4:6). Khi nước Pháp từ chối sự ban cho từ thiên đàng, thì đã gieo hột giống hỗn loạn và tàn phá; và không tránh được luật nhân quả từ cuộc Cách mạng và Thời kỳ Khủng khiếp.TT20 205.2

    Từ lâu, trước cuộc bắt bớ gây ra bởi những yết thị, Farel, một người can đảm và nhiệt thành, đã bắt buộc phải rời bỏ quê hương mình. Ông đến ở Thụy Sĩ, và được cơ hội tiếp tục công việc của Zwingli, và giúp cho nhiều người ưa thích phong trào Cải chánh. Ông sống những năm cuối cùng tại đây, nhưng ông tiếp tục gây ảnh hưởng tốt cho việc cải chánh tại Pháp. Trong những năm đầu lưu đày, ông cố gắng truyền bá tin lành cho đồng bào tại quê hương mình. Ông danh nhiều thì giờ giảng dạy cho người đồng hương sống gần biên giới, thận trọng theo dõi cuộc chiến đau tại quê nhà và dùng nhiều lời khuyến khích và khuyên bảo. Với sự giúp đỡ của những người lưu đày, mà những tác phẩm của các nhà Cải chánh Đức được phiên dịch ra tiếng Pháp, và cùng với Kinh Thánh, được in ra nhiều với số lượng lớn. Những người làm thư báo đã bán nhiều loại sách này tại Pháp. Họ mua những sách này với giá rẻ để bán lại, điều đó dã giúp họ tiếp tục chức vụ và có phương tiện sinh sống.TT20 205.3

    Farel khởi sự chức vụ tại Thụy Sĩ với bề ngoài khiêm tốn của một giáo viên. Ông dạy các em nhỏ tại một giáo khu hẻo lánh. Ngoài những môn học thường, ông cẩn thận giới thiệu lẽ thật Kinh Thánh, hy vọng qua các em ông có thể đến với cha mẹ. Có vài người tin, nhưng các linh mục ngăn cản việc này, và xúi những người mê tín ở thôn quê chống nghịch lại. Các linh mục nói, “Đó không phải là tin lành của Đấng Christ, vì sự rao giảng này không đem lại sự bình an mà la chiến tranh.”—Wylie, quyển 14, chương 3. Cũng như các môn đồ của Đấng Christ, khi bị bắt bớ ở nơi này thì ông đi trốn ở nơi khác. Ông đi từ làng này đến làng kia, từ thành này đến thành nọ, đi bọ, bị lạnh, bị đói, mệt mỏi và gặp nguy hiểm khắp nơi. Ông giảng ở ngoài chợ, hoặc ở nha thờ, va có khi trên tòa giảng tại nhà thờ lớn. Đôi khi nhà thờ không có thính giả, nhiều lúc khi ông giảng, có những tiếng la ó va nhạo báng; có những lần khác ong bị lôi kéo cách tàn nhẫn ra khỏi tòa giảng. Vài lần ông bị dân chúng theo đuổi và đánh đập gần chết. Nhưng ông cứ tiến hành. Mặc dầu thường bị xua đuổi, nhưng với sự kiên nhẫn không lay chuyển, ông trở lại nơi bị chống đối; cuối cùng ông được dân chúng trong các thành, các làng trước kia là những thành lũy của giáo hoàng, bây giờ mở cửa tiếp nhận tin lành. Giáo khu nhỏ mà hồi trước ông đã làm việc không bao lâu sau cũng chấp nhận đức tin Cải chánh. Hai thành Morat và Neuchatel cũng bỏ những nghi lễ của giáo hội La Mã, cất bỏ hết những hình tượng trong nhà thờ họ.TT20 206.1

    Lâu nay Farel ước mong gây dựng tiêu chuẩn Cải chánh tại Geneva. Nếu thành này được chinh phục thì sẽ trở nên trung tâm cho cuộc Cải chánh ở Thụy Sĩ, Pháp và Ý. Bởi tin tưởng như vậy nên ông tiếp tục làm việc và thu phục được nhiều làng lân cận. Ông và một người cộng sự đi đến Geneva. Nhưng ở đây ông chỉ được phép giảng có hai lần thôi. Các linh mục cố gắng nhờ chính quyền kết an ông, nhưng vô hiệu quả, nên họ bắt ông đến ứng hầu trước tòa an đạo. Các linh mục đi đến tòa án này có giấu khí giới dưới áo họ, quyết định cất lấy mạng sống của ông. Ở ngoài phòng xử, dân chúng giận dữ, cầm gậy cầm gươm, tụ họp để giết ông nếu ông trốn thoát khỏi tòa án. Tuy nhiên, nhờ sự hiện diện của các thẩm phán và quân lính mà ông được cứu. Sáng sớm hôm sau, ông và người bạn đồng hành được dẫn đến nơi yên ổn phía bên kia bờ hồ. Như vậy, công việc truyền đạo của ông ở Geneva chấm dứt.TT20 206.2

    Lần sau, một người nhu mì hơn được lựa chọn—một người trai trẻ có dáng điệu khiêm tốn nên bị tiếp đãi rất lãnh đạm ngay cả với những người bạn của cải chánh. Nhưng người này có thể làm gì tại nơi mà Farel đã bị từ chối? Làm sao con người yếu đuối và ít kinh nghiệm có thể chống nổi cơn bão tố mà nhà cải chánh dũng cảm nhất và mạnh mẽ nhất đã phải bắt buộc thối lui? ” Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Xa-cha-ri 4:6). “Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh.” “Bởi vì sự dồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta” (1 Cô-rinh-tô 1:27, 25).TT20 207.1

    Froment khởi sự làm việc với tư cách một giáo viên. Những lẽ thật ông giảng dạy trong lớp được học trò về nhà thuật lại cho cha mẹ nghe. Nên không bao lâu, phụ huynh học sinh cũng đến trường nghe giảng Kinh Thánh, lớp học đầy những thinh giả chăm chú nghe. Tân Ước và nhiều sách nhỏ được phát ra, và đã tới tay những người không dám đến nghe cách công khai đạo lý mới này. Sau một thời gian, Froment cũng phải trốn đi; nhưng những lẽ thật mà ông đã giảng dạy thấm nhuần trong lòng người ta. Phong trào Cải chánh một khi đã mọc rễ rồi thì cứ tiếp tục lớn lên và lan tràn. Các nhà truyền đạo trở lại, và nhờ công việc của họ mà sự thờ phượng Cải chánh được thành lập tại Geneva.TT20 207.2

    Sau nhiều lần phiêu lưu và thăng trầm, Calvin đến Geneva khi thành này đã tuyên bố theo đạo Cải chánh. Trở lại sau chuyến thăm quê hương lần cuối, ông đang trên đường đi đến Basel, thì thấy con đường đó đã bị quân đội của vua Charles V chiếm đóng, ông bắt buộc phải theo đường vòng ngang qua Geneva.TT20 207.3

    Farel nhận biết có bàn tay của Đức Chúa Trời trong cuộc viếng thăm này. Geneva đã tiếp nhận đạo Cải chánh, nhưng còn một công việc lớn phải hoàn thành tại đây. Người ta trở về cùng Đức Chúa Trời, không phải cả cộng đồng, nhưng từng cá nhân; đó là công việc của Đức Thánh Linh chớ chẳng phải bởi những chỉ dụ của hội nghị mà người ta được tái sanh. Dân thành Geneva đã bẻ gay ách La Mã, nhưng họ chưa sẵn sàng để dứt bỏ những tật xấu đầy dẫy trong xứ. Đặt để trong thành này những nguyên tắc của tin lành thuần túy và huấn luyện dân sự xứng đáng với thiên chức không phải là một việc nhỏ.TT20 207.4

    Farel tin chắc Calvin là người mà ông có thể cộng tác để làm công việc ấy. Nhân danh Đức Chúa Trời, ông long trọng yêu cầu nhà truyền đạo trẻ tuổi ở lại trong thành này làm việc. Calvin sợ nên do dự. Ông có tánh rụt rè và thích yên ổn, nên sợ không dám liên lạc với dân Geneva, là một dân bạo dạn, độc lập và có tinh thần hung dữ. Vì sức khỏe không được tốt và bẩm tánh hiếu học, nên ông thích sống ẩn dật. Nghĩ rằng mình có thể phục vụ cuộc cải chánh đắc lực bằng ngòi bút, nên ông tìm một nơi yên tịnh để nghiên cứu, học hỏi; như cách đó, ong có thể dạy dỗ và gây dựng hội thánh qua báo chí. Nhưng lời khiển trách nghiêm nghị của Farel đối với ông như tiếng gọi từ trời, và ông không dám từ chối. Ông nói, “Dường như có bàn tay của Đức Chúa Trời với xuống từ thiên đàng nắm lấy ông và đặt ông vào một chỗ nhất định mà trước đó ông nóng lòng rời bỏ.—D'Aubigné, History of the Reformation in Europe in the Time of Calvin, quyển 9, chương 17.TT20 208.1

    Bấy giờ có nhiều nguy hiểm lớn lao bao quanh công cuộc Cải chánh. Sự rủa sả của giáo hoàng gầm lên chống lại Geneva, các cường quốc đe dọa hủy diệt thành ấy. Làm sao thành nhỏ bé ấy chống lại được một quyền thế mạnh mẽ đã khuất phục biết bao vua chúa? Làm thế nào thành ấy đứng nổi để chống lại những đạo binh của những nhà chinh phục đại tài trong thế giới?TT20 208.2

    Trong các nước theo Cơ Đốc giáo, tín đồ Cải chánh có nhiều kẻ thù kinh khủng hăm dọa. Những sự chiến thắng đầu tiên của cuộc Cải chánh đã qua, La Mã lại tập họp các lực lượng mới hy vọng để tiêu hủy đạo này. Bấy giờ họ thành lập dòng Jesuit, một dong tàn ác nhất, táo bạo nhất, và mạnh mẽ nhất của giáo hoàng. Cắt đứt những ràng buộc trên đất và cảm xúc loai người, không còn tình nghĩa tự nhiên, không nghe theo lý trí và lương tâm, họ chỉ biết có những luật lệ của dòng mình, và chỉ có bổn phận là tăng cường quyền lực mình. Phúc âm của Đấng Christ giúp các tín đồ có năng lực đối phó với nguy hiểm, chịu đựng sự đau khổ, không nao núng trước sự lạnh lẽo, đói khát, mệt nhọc, nghèo nàn, nâng cao cờ lẽ thật để đương đầu với sự tra tấn, tù tội và giàn hỏa. Để đối phó với những quyền lực này, nhóm Jesuit nhồi sọ đồ đệ mình với sự cuồng tín để họ chịu đựng sự đau khổ, và chống lại lẽ thật bằng mọi khí giới của sự lừa gạt. Không tội ác nào quá lớn mà họ không dám phạm, không sự lừa dối nào quá thấp hèn mà họ không sử dụng, không sự ngụy trang nào quá khó mà họ không dám lãnh nhận. Thề nguyện để sống nghèo nàn và khiêm nhường, nhưng mục đích của họ là để chiếm lấy của cải và quyền thế, hết lòng lật đổ giáo phái Cải chánh và tái thiết quyền tối thượng của giáo hoàng.TT20 208.3

    Khi đóng vai thuộc viên của nhà dòng thì họ lấy vẻ thánh khiết bề ngoài, viếng thăm lao tù và bệnh viện, giúp đỡ kẻ đau ốm và nghèo khổ, xưng mình từ bỏ thế gian, và mang danh thánh cua Đức Chúa Giê-su, là Đấng làm các việc lành. Nhưng bề ngoài không chỗ trách được đó thường che đậy những mục đích tội lỗi và độc ác. Một trong những nguyên tắc căn bản của dòng này là “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện.” Chiếu theo nguyên tắc này thì nói láo, trộm cướp, thề dối, ám sát, chẳng những được tha thứ mà còn được ca tụng vì quyền lợi của giáo hội. Dưới những hình thức lừa dối khác nhau, tu sĩ dòng Jesuit len lỏi vào các cơ quan chính phủ, làm cố vấn cho vua chúa, và hướng dẫn việc chính trị các nước. Họ giả làm tôi tớ để dọ thám chủ mình. Họ lập trường đại học cho con cái vua chúa và các nhà quý tộc, và trường học cho con của dân chúng; để lôi cuốn con cái của tín đồ Cải chánh, dạy chúng giữ những nghi lễ của giáo hội. Tất cả sự lộng lẫy của các nghi lễ La Mã cốt để làm trí óc lộn xộn, lòe mắt và làm say mê trí tưởng tượng, và như vậy sự tự do mà tổ phụ đã chiến đấu cực khổ và đổ huyết ra để đạt được thì bị con cháu phản bội. Dòng Jesuit banh trướng rất mau chóng ở Âu châu, và nơi nào họ đến thì có sự phục hồi quyền thế giáo hoàng.TT20 209.1

    Để thêm thế lực cho dòng Jesuit, giáo hoàng ra chỉ dụ tái lập tòa án đạo. Mặc dù tòa án này thường bị coi là gớm ghiếc, ngay cả trong các nước Công giáo, thì vẫn được tái lập bởi các nhà lãnh đạo của giáo hoàng, và biết bao nhiêu việc tàn ác nếu phơi bày ra ánh sáng quá khủng khiếp thì lại được tái diễn ở những hầm bí mật. Trong nhiều xứ, hằng ngàn người, tinh hoa của dân tộc, những người trong sạch nhất và quý phái nhất, những nhà trí thức, những mục sư đạo đức và tận tâm, những công dân siêng năng và ái quốc, các nhà bác học thông minh, các họa sĩ tài ba, những thợ giỏi, đều bị giết hay phải trốn đi xứ khác.TT20 209.2

    Đó là những phương pháp mà La Mã đã dùng để dập tắt sự sáng của đạo lý Cải chánh, bỏ lời Đức Chúa Trời, để lập lại sự ngu dốt và mê tín của Thời kỳ Hắc ám. Nhưng nhờ những người kế vị Luther do Đức Chúa Trời dấy lên, mà phong trào Cai chánh không bị tiêu diệt. Chẳng phải bởi ân huệ hay khí giới của vua chúa mà phong trào này có sức mạnh. Những xứ nhỏ hơn hết, những nước khiêm nhường nhất và ít quyền lực nhất, đã trở nên những thành lũy kiên cố cho phong trào Cải chánh. Đó là Geneva nhỏ bé ở giữa những kẻ thù mạnh mẽ âm mưu hủy diệt thành này; nước Hòa Lan với những đồi cát bên bờ biển phía bắc, chiến đấu chống lại sự độc tài của Tây Ban Nha, bấy giờ là nước mạnh nhất và giàu nhất ở Âu châu; nước Thụy Điển khô khan nhưng đã đem lại chiến thắng cho phong trào Cải chánh.TT20 210.1

    Calvin làm việc ở Geneva gần ba mươi năm, trước hết để thiết lập một hội thánh hầu bảo tồn đạo đức của Kinh Thánh, kế đó là để phát triển phong trào Cải chánh trong khắp Âu châu. Là một người lãnh đạo quần chúng, không phải là ông không có lỗi lầm, và giáo lý của ông không phải là không có điểm sai lạc. Nhưng ong là đồ dùng để truyền bá những le thật quan trọng đặc biệt trong thời đại ông, để bảo tồn nguyên tắc Cải chánh chống lại sự bành trướng của giáo hoàng, và để khuyến khích đời sống giản dị và thanh sạch trong các hội thánh Cải chánh, thay thế cho sự kiêu ngạo và bại hoại của giáo lý La Mã.TT20 210.2

    Từ Geneva, sách báo và các nhà giáo sĩ được gởi đi để truyền bá giáo lý cải chánh. Đó là điều mà tất cả các xứ đang bị bắt bớ mong đợi để nhận lãnh sự dạy dỗ, khuyên bảo va khuyến khích. Thành của Calvin trở nên nơi ẩn náu của các tín đồ Cải chánh bị săn đuổi trong khắp miền Tây Âu châu. Để tránh cơn bão tố bắt bớ kinh khủng đã tiếp diễn nhiều thế kỷ, những người tỵ nạn đến ở Geneva. Bị đói khát, thương tích, xa cách quê hương và gia đình, họ tìm thấy nơi đây một sự tiếp đãi nồng nhiệt và sự săn sóc ân cần; nơi đây họ tìm được một mái nhà, và họ đã chúc phước cho thành phố này bằng tài năng, học thức và sự tin kính của họ. Nhiều người đã tìm được nơi ẩn náu trong thành này lại trở về quê hương để chống lại sự chuyên chế của La Mã. John Knox, nhà Cải chánh can đảm của Tô Cách Lan, nhiều tín đồ Thanh giáo (Puritans) Anh, tín đồ Cải chánh Hòa Lan và Tây Ban Nha, những người Huguenots của Pháp, từ Geneva đem về ngọn đuốc lẽ thật để chiếu sáng sự tối tăm đang bao phủ quê hương họ.TT20 210.3

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents