Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

Thiện Ác Đấu Tranh

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    4—Người Waldenses

    MẶC DÙ sự tối tăm bao trùm trái đất trong thời gian lâu dài khi quyền thế giáo hoàng thịnh hành, ánh sáng lẽ thật cũng không hoàn toan bị dập tắt. Trong mỗi thời đại, có những nhân chứng cho Đức Chúa Trời—những người trung thành giữ vững đức tin nơi Đức Chúa Giê-su, Đang Trung bảo duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người. Họ lấy Kinh Thánh làm tiêu chuẩn duy nhất cho đời mình, và giữ ngày Sa-bát thật là ngày thánh. Hậu thế chẳng bao giờ biết được thế gian mắc nợ những người ấy bao nhiêu. Họ bị tố cáo là theo đạo lạc, các động lực của họ bị công kích, bản tính họ bị phỉ báng, những tác phẩm của họ bị cấm đoán, xuyên tạc, hay cắt bỏ. Nhưng họ vẫn đứng vững vàng, và từ đời này qua đời kia giữ vẹn đức tin thuần túy như là tài sản thánh khiết để truyền lại cho hậu thế.TT20 56.1

    Lịch sử dân sự Đức Chúa Trời, trong thời kỳ tối tăm dưới sự thống trị của La Mã, được viết ở trên trời; nhưng được ghi chép rất ít trong lịch sử nhân loại. Người ta chỉ tìm thấy vài di tích của đời sống các tín đồ ấy qua các lời vu cáo của những kẻ bắt bớ họ. Mưu kế của La Mã là hủy diệt tất cả các sự dạy dỗ nghịch lại với giáo lý và những chiếu chỉ của họ. Những điều họ cho là đạo lạc, dù người hay sách, đều bị tiêu diệt hết. Mọi nghi ngờ, hay nghi vấn về quyền thế giáo hoàng đều nguy hại đen tánh mạng cho người giàu cũng như kẻ nghèo, cho người lớn cũng như kẻ nhỏ. La Mã cũng cố gắng hủy bỏ các dấu tích về sự tàn bạo của họ đối với những người không phục tùng. Các hội nghị của giáo hoàng ra lệnh đốt những sách hay các tài liệu ghi chép sự tàn ác ấy. Trước khi phát minh ra máy in, sách rất ít oi và trong hình thức khó bảo tồn; nên La Mã có thể thực hiện ý muốn mình cách dễ dàng.TT20 56.2

    Không một hội thánh nào ở dưới phạm vi quyền hành của La Mã có thể hưởng được lâu dài sự tự do tín ngưỡng. Hễ giáo hoàng nắm được quyền hành ở đâu thì vội vã nghiền nát tất cả những gì nghịch lại quyền thế mình, nên các hội thánh lần lượt đầu phục quyền cai trị của giáo hoàng.TT20 57.1

    Ở Anh, Cơ Đốc giáo nguyên thủy được phát sinh sớm. Trong những thế kỷ đầu tiên, đức tin của người Anh không bị bại hoại bởi sự bội đạo của La Mã. Sự bắt bớ đạo do các vua ngoại giáo, lan tràn cả tới nơi xa xôi này, là món quà duy nhất mà các hội thánh đầu tiên của Anh nhận được từ La Mã. Nhiều Cơ Đốc nhân chạy trốn sự bắt bớ ở Anh, đã tìm được nơi ẩn náu ở Tô Cách Lan; từ đó lẽ thật được rao truyền qua Ái Nhĩ Lan, và ở trong những xứ này, lẽ thật được tiếp nhận cách vui mừng.TT20 57.2

    Khi người Saxons xâm chiếm nước Anh thì ngoại giáo trở nên thịnh hành trong nước này. Những kẻ chiến thắng khinh thường những nô lệ và không muốn bị họ dạy dỗ, nên các Cơ Đốc nhân phải trốn tránh trong rừng núi và các nơi hoang vu. Tuy nhiên, dầu sự sáng có bị che khuất một thời gian, cũng cứ tiếp tục chiếu sáng. Một thế kỷ sau, ánh sáng lẽ thật từ Tô Cách Lan rực rỡ chiếu rọi tới những vùng xa xôi. Từ Ái Nhĩ Lan có nhà sùng đạo Columba và các cộng sự ông, hội họp các tín đồ tản lạc trên đảo hoang vu Iona, và lập nơi này thành trung tâm truyền giáo. Giữa vòng các nhà truyền đạo này, có một người giữ ngày Sa-bát trong Kinh Thánh, vì thế lẽ thật về ngày Sa-bát được rao truyền cho những người chung quanh. Một trường học được thiết lập tại Iona, từ nơi đây các giáo sĩ ra đi, không những tới Tô Cách Lan và nước Anh, mà còn tới nước Đức, Thụy sĩ và ngay cả Ý Đại Lợi nữa.TT20 57.3

    Nhưng La Mã đã để ý đến nước Anh, nên quyết tâm bắt người Anh phục tùng quyền thế mình. Trong thế kỷ thứ sáu, các giáo sĩ La Mã được phái đi giảng cho người ngoại giáo Saxons. Họ được giống người man rợ tự phụ này tiếp rước tử tế, và hằng ngàn người tiếp nhận đức tin La Mã. Khi công việc tiến tới, các giáo sĩ này và giáo dân họ chạm trán với các Cơ Đốc nhân nguyên thủy. Một sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm tín giáo này. Các Cơ Đốc nhân nguyên thủy thì đơn giản, nhu mì, còn bản tính, giáo lý, và hành vi của họ thì phù hợp với Kinh Thánh; trái lại những tín đồ La Mã thì biểu lộ sự mê tín, xa hoa, kiêu ngạo của giáo hoàng. Sứ giả của La Mã đòi hỏi các hội thánh Đấng Christ nhìn nhận quyền tối thượng của giáo hoàng. Người Anh trả lời cách hiền hòa rằng họ muon yêu thương mọi người, giáo hoàng không có quyền tối thượng trên hội thánh, và họ chỉ coi giáo hoàng ngang hàng với mọi tín đồ Đấng Christ. Những cố gắng được lặp lại để bắt họ phục tùng La Mã, nhưng các Cơ Đốc nhân nhu mì này lấy làm ngạc nhiên trước sự kiêu ngạo của các sứ giả, nên trả lời cách vững vàng rằng họ không có chủ nào khác ngoài Đấng Christ. Bấy giờ, tinh thần thật của giáo hoàng mới biểu lộ ra. Người cầm đầu các sứ giả La Mã nói, “Nếu các ngươi không muốn tiếp rước những anh em đem đến cho các ngươi sự hòa bình, thì các ngươi sẽ tiếp rước những kẻ thù nghịch đem đến cho các ngươi chiến tranh. Nếu các ngươi không muốn hiệp sức với chúng ta để chỉ cho người Saxons con đường sự sống, thì các ngươi sẽ nhận nơi họ sự chết.”—J. H. Merle D'Aubigné, History of the Reformation of the Sixteenth Century, quyển 17, chương 2. Đây không phải là những lời hăm dọa vu vơ. Chiến tranh, mưu kế, lường gạt được dùng để chống lại các nhân chứng đặt niềm tin nơi Kinh Thánh, cho đến khi những hội thánh nước Anh bị tiêu diệt, hay bắt buộc phải phục tùng quyền thế giáo hoàng.TT20 57.4

    Trong các xứ ngoài phạm vi quyền hành của La Mã, trải qua nhiều thế kỷ, có những nhóm Cơ Đốc nhân gần như tránh khỏi sự bại hoại của giáo hoàng. Họ sống giữa dân ngoại và sau nhiều thế hệ cũng bị ảnh hưởng bởi sự lầm lạc ngoại giáo; nhưng họ vẫn tiếp tục coi Kinh Thánh là mẫu mực duy nhất của đức tin và trung thành vâng giữ những lẽ thật của Kinh Thánh. Các Cơ Đốc nhân này tin nơi luật pháp bất diệt của Đức Chúa Trời và giữ ngày Sa-bát là điều răn thứ tư. Các hội thánh có đức tin và tuân thủ đạo này hiện diện ở miền Trung Phi Châu, và giữa vòng những người A-mê-ni ở Á Châu.TT20 58.1

    Trong những người chống lại quyền thế giáo hoàng thì người Waldenses được coi là danh tiếng nhất. Chính tại xứ mà giáo hoàng đã lập ngôi mình, thì sự giả dối và bại hoại của quyền thế giáo hoàng gặp sự chống nghịch kiên trì nhất. Trải qua nhiều thế kỷ, các hội thánh ở Piedmont duy trì sự độc lập của mình; nhưng cuối cùng thì La Mã cũng bắt họ phục tùng. Sau các cuộc đấu tranh vô hiệu quả chống lại sự chuyên chế của La Mã, những người lãnh đạo các hội thánh này miễn cưỡng nhìn nhận quyền thống trị tối cao mà cả thế gian dường như tôn trọng. Tuy nhiên, một số tín giáo từ chối nhìn nhận quyền thế của giáo hoàng và giám mục. Họ cương quyết giữ lòng trung tín với Đức Chúa Trời và giữ đức tin thuần túy, đơn sơ của mình. Bấy giờ có sự phân rẽ. Những người quyết định noi theo đức tin tổ phụ mình phải rút lui; một số bỏ quê hương mình là xứ Alps, đi truyền bá lẽ thật tại các nước ngoài; một số khác ẩn náu trong các thung lũng hẻo lánh và hang sâu của rừng núi để được tự do thờ phượng Đức Chúa Trời.TT20 58.2

    Đức tin đã được người Waldenses gìn giữ và giảng dạy trong nhiều thế kỷ, là một sự tương phản rõ rệt với giáo lý sai lạc của La Mã. Những sự tin kính của họ được đạt nền trên lời Đức Chúa Trời, lẽ thật của Cơ Đốc Giáo. Nhưng các dân quê khiêm tốn này, ở trong những nơi ẩn náu hẻo lánh, xa cách thế gian, và chăm lo công việc thường ngày của họ giữa bầy gia súc và vườn nho, đã không tự mình tìm ra lẽ thật chống đối các tín điều và sự sai lầm cua giáo hội La Mã bội đạo. Đức tin của họ không phải là đức tin mới nhận được. Sự tin tưởng của họ là gia tài từ các tổ phụ—“là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). “Hội thánh trong đồng vắng”—chứ không phải giáo hội với những hàng giáo phẩm ngạo nghễ ngồi trên ngai trong thủ đô lớn của thế giới—là hội thánh thật của Đấng Christ, bảo tồn kho báu lẽ thật mà Đức Chúa Trời truyền cho dân sự Ngài phải rao giảng cho thế giới.TT20 59.1

    Một trong các nguyên nhân chính khiến hội thánh thật phân rẽ khỏi La Mã là giáo hội La Mã thù ghét ngày Sa-bát của Kinh Thánh. Đúng theo lời tiên tri, quyền thế giáo hoàng đã ném bỏ lẽ thật xuống đất. Luật pháp của Đức Chúa Trời đã bị chà đạp dưới chân, trong khi đó những lời truyền khẩu và phong tục của loài người được đề cao. Các hội thánh dưới sự lãnh đạo của quyền thế giáo hoàng đã bị bắt buộc tôn trọng ngày Chủ Nhật là ngày thánh. Ở giữa sự sai lầm và mê tín, nhiều con cái Đức Chúa Trời bị bối rối đến nỗi trong lúc trung thành giữ ngày Sa-bát, họ cũng không làm việc trong ngày Chủ Nhật. Nhưng điều đó không thỏa mãn các người lãnh đạo của giáo hoàng. Giáo hội La Mã đòi hỏi không những biệt riêng ngày Chủ Nhật ra thánh, mà còn phải vi phạm ngày Sa-bát; và họ dùng các ngôn ngữ nặng nề để tố cáo tất cả những ai cả gan giữ ngày Sa-bát. Chỉ có sự trốn tránh khỏi quyền thế La Mã, người ta mới có thể vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời cách bình an.TT20 59.2

    Waldenses là những người đầu tiên ở Âu Châu có bản dịch Kinh Thánh. Hằng trăm năm trước phong trào Cải chánh, họ có Kinh Thánh viết tay bằng ngôn ngữ của họ. Vì có lẽ thật thuần túy nên họ bị ghen ghét và bắt bớ. Họ tuyên bố giáo hội La Mã là Ba-by-lôn bội đạo được nói đến trong sách Khải huyền, và họ dám đứng lên chống nghịch lại sự bại hoại của giáo hội này dù bị nguy đến tính mạng. Trải qua nhiều áp lực của thời kỳ bắt bớ lâu dài, một số tín đồ đã hòa giải đức tin, lần lần nhượng bộ những nguyên tắc chính, nhưng một số khác vẫn trung thành với lẽ thật. Trải qua các thế kỷ tối tăm và bội đạo, có những người Waldenses không nhìn nhận quyền tối cao của La Mã, từ chối thờ hình tượng và vẫn giữ ngày Sa-bát thật. Trước sự chống đối dữ dội, họ vẫn giữ vững đức tin. Dầu bị gươm giáo cua quận công Savoyard theo đuổi, dầu bị đốt trên giàn hỏa La Mã, họ vẫn mạnh dạn bênh vực cho lời Đức Chúa Trời và sự vinh hiển Ngài.TT20 60.1

    Phía sau các tường thành cao ngất của núi non—nơi ẩn náu trải qua các thời đại của những người bị bắt bớ và đàn áp—người Waldenses tìm được nơi trú ẩn. Nơi đây, ánh sáng lẽ thật được giữ sáng ngời giữa bóng tối tăm của thời Trung Cổ. Tại đó, trong một ngàn năm, các nhân chứng của lẽ thật giữ được đức tin lúc ban đầu.TT20 60.2

    Đức Chúa Trời đã cung cấp cho dân sự Ngài một nơi trú ẩn thật hùng vĩ, thích hợp cho các lẽ thật vĩ đại được giao phó cho họ. Đối với những người tha hương trung tín này, núi non là biểu tượng của sự công bình bất diệt của Đức Giêhô-va. Họ chỉ cho con cái mình những dãy núi cao ngất oai nghiêm không thay đổi, và dạy chúng về Đấng không bao giờ đổi thay hoặc cũng chẳng có bóng của sự biến đổi nào trong Ngài, lời Ngài tồn tại mãi mãi như những ngọn đồi vĩnh cửu. Đức Chúa Trời đã đặt các núi non vững vàng và bao quanh chúng bằng sức mạnh; không ai ngoài Đấng Toàn Năng có thể dời đổi chúng. Cũng vậy, Ngài đã lập vững bền luật pháp Ngài, nền tảng của quyền cai trị ở trên trời và dưới đất. Tuy cánh tay loài người có thể tiêu diệt sinh mạng của đồng loại; và cánh tay đó có thể sẵn sàng bật gốc núi non và quăng chúng xuống biển, cũng như cánh tay đó có thể thay đổi một điều trong luật pháp Đức Giê-hô-va, hay xóa bỏ một trong các lời hứa của Ngài cho những ai làm theo ý Ngài, nhưng các tôi tớ Chúa vẫn cứ trung thành với luật pháp Ngài và vững vàng như những núi cao không hề lay chuyển.TT20 60.3

    Các ngọn núi bao quanh các thung lũng là những lời chứng trường tồn về quyền phép sáng tạo của Đức Chúa Trời, và là sự bảo đảm đời đời về sự bảo vệ của Ngài. Những người lưu lạc này yêu mến các biểu tượng yên lặng về sự hiện diện của Đức Giê-hô-va. Họ chẳng hề than phiền về sự cực khổ của mình; chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn ở giữa núi đồi hiu quạnh. Họ cảm tạ Đức Chúa Trời đã cung cấp một nơi ẩn náu khỏi sự giận dữ và gian ác của loài người. Họ vui mừng được tự do thờ phượng Chúa. Thường thường khi bị các kẻ thù theo đuổi thì những núi cao hùng vĩ là nơi bảo vệ chắc chắn của họ. Từ những triền đá cao, họ hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và đạo binh La Mã không thể làm im lặng tiếng hát tạ ơn của họ.TT20 61.1

    Lòng tin kính của các môn đồ Đấng Christ này thật là trong sạch, đơn sơ, và sốt sắng. Họ quý trọng các nguyên tắc của le thật hơn nhà cửa, ruộng đất, bạn hữu, bà con, và ngay cả mạng sống của mình. Họ cố gắng dạy các nguyên tắc ấy cho những người trẻ tuổi. Từ lúc còn nhỏ, con cái được dạy dỗ Kinh Thánh và coi luật pháp của Đức Chúa Trời là thánh. Hồi đó sách Kinh Thánh còn hiếm hoi, nên các lời quý giá này được học thuộc lòng. Nhiều người thuộc những đoạn dài trong Cựu Ước và Tân Ước. Họ nghĩ đến Đức Chúa Trời qua cảnh hùng vĩ trong thiên nhiên và qua những ơn phước đơn giản trong đời sống hằng ngày. Con trẻ được dạy dỗ phải biết ơn Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi ơn phước và mọi sự an ủi.TT20 61.2

    Các bậc làm cha mẹ, tuy hiền lành và đầy tình thương con, nhưng cũng khôn ngoan để không nuông chiều chúng. Chúng phải hiểu rằng mình phải trải qua một đời sống thử thách và cực khổ, có lẽ phải tử vì đạo. Chúng được giáo dục từ khi còn nhỏ là phải chịu đựng sự gian lao, học tập vâng lời, nhưng cũng phải biết suy nghĩ và hành động đúng. Chúng phải học tập gánh vác trách nhiệm, thận trọng trong lời nói, và biết giá trị của sự im lặng. Nói một lời không kín đáo trước mặt kẻ thù chẳng những nguy hại đến tính mạng của người nói, mà cũng nguy hại đến sự sống của hằng trăm anh em mình; vì những kẻ thù của lẽ thật như các con chó sói săn mồi, theo đuổi những người dám đòi hỏi tự do tín ngưỡng.TT20 61.3

    Người Waldenses đã hy sinh sự giàu sang thế gian vì lẽ thật, và với sự kiên trì, họ phải làm lụng cực nhọc mới có đồ ăn. Mỗi một khoảnh đất nhỏ có thể trồng trọt được thì họ sửa soạn kỹ lưỡng lắm; những thung lũng và các sườn đồi ít màu mỡ được cày xới để đem lại mùa màng. Đời sống tiết kiệm và quên mình là một phần trong sự giáo dục mà con cái nhận lãnh như một cơ nghiệp duy nhất. Chúng được dạy rằng Đức Chúa Trời muốn đời sống phải có kỷ luật, và để cung cấp cho nhu cầu mình, chúng phải làm việc cách thận trọng, suy tính và với đức tin. Cách làm việc này đòi hỏi sự siêng năng và cực nhọc nhưng rất tốt, vì đó là điều loài người cần trong tình trạng tội lỗi, là trường Đức Chúa Trời dùng để huấn luyện và phát triển phần đạo đức con người. Trong khi tập cho những người trẻ tuổi làm việc cực nhọc và sống trong cảnh thiếu thốn, người ta cũng không bỏ bê phần trí thức. Chúng được dạy rằng tất cả năng khiếu mình có đều thuộc về Đức Chúa Trời, và chúng cần phát triển các tài năng này để phục vụ Chúa.TT20 62.1

    Các hội thánh người Waldenses có sự trong sạch và đơn giản giống như hội thánh thời các sứ đồ. Từ chối quyền tối cao của giáo hoàng và các giám mục, họ coi Kinh Thánh là quyền tối cao duy nhất và không lầm lẫn. Không giống như các linh mục kiêu căng của La Mã, các mục sư của họ theo gương Thầy mình, là Đấng “đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.” Họ nuôi dưỡng bầy chiên của Đức Chúa Trời, dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi và suối nước sự sống của lời thánh Ngài. Mọi người tập họp, không phải tại các đền đài xa hoa, lọng lẫy, hay những nhà thờ uy nghi, vĩ đại, nhưng ở dưới chân núi, trong thung lũng Alps, hay trong thời kỳ nguy hiểm, họ ẩn náu trong các thành trì núi đá, để nghe những lẽ thật từ các tôi tớ của Đấng Christ. Các mục sư không những giảng dạy lời Chúa, nhưng cũng thăm viếng các người bệnh, dạy giáo lý cho trẻ em, khuyên người lầm lạc, giải hòa các cuộc tranh cãi, phát triển sự hòa hợp và yêu thương giữa các anh em. Trong thời bình, anh em tình nguyện dâng tiền giúp các mục sư; nhưng, cũng như Phaolô làm nghề may trại, mỗi mục sư cũng có một nghề, để nếu cần, có thể tự sinh sống.TT20 62.2

    Các mục sư huấn luyện những người trẻ tuổi. Ngoài các môn học phổ thông, Kinh Thánh là môn học chính trong chương trình giáo dục. Họ học thuộc lòng các sách tin lành Ma-thi-ơ, Giăng, và thơ các sứ đồ. Họ cũng lo việc chép lại Kinh Thánh. Có các bản chép Kinh Thánh toàn bộ, có những bản khác chỉ được chép lại một phần, với các lời giải thích đơn giản của những người nghiên cứu Kinh Thánh. Do vậy, kho báu lẽ thật được đem ra khỏi nơi tối tăm mà những người tự xưng cao hơn Đức Chúa Trời đã chôn giấu từ lâu.TT20 63.1

    Nhờ sự kiên nhẫn, làm việc không mệt mỏi, đôi khi dưới hang sâu, tối tăm trong lòng đất, với ánh sáng của ngọn đuốc, mà Kinh Thánh được chép ra từng câu, từng đoạn. Nhờ vậy, công việc được tiếp tục, ý muốn khải thị của Đức Chúa Trời chiếu sáng rực rỡ hơn vàng ròng; lẽ thật được chiếu sáng hơn, rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn vì các nguy hiểm mà những người yêu mến Kinh Thánh đã trải qua. Các thiên sứ từ trời bao bọc chung quanh những người làm việc trung tín ấy.TT20 63.2

    Sa-tan đã thúc giục các linh mục và giám mục chôn giấu lẽ thật dưới sự sai lầm, ngoại giáo và mê tín; nhưng lẽ thật đã được bảo tồn cách diệu kỳ không hoen ố trải qua các thời kỳ tối tăm. Lẽ thật không mang dấu của loài người, nhưng được đóng ấn của Đức Chúa Trời. Loài người đã cố gắng làm cho khó hiểu-các lời dạy rõ ràng, giản dị của Kinh Thánh, và khiến Kinh Thánh mâu thuẫn với lời chứng của chính mình; nhưng cũng như chiếc tầu vượt trên sóng biển, lời Chúa vượt lên trên bão tố đang đe dọa hủy diệt lời Ngài. Như mỏ vàng mỏ bạc giấu kín dưới mặt đất, người ta phải đào sâu mới tìm được kho báu quý giá. Cũng vậy, Kinh Thánh là kho báu lẽ thật chỉ được bày tỏ cho những người tìm kiếm cách sốt sắng, khiêm tốn, và cầu nguyện. Đức Chúa Trời đã dự định Kinh Thánh là cuốn sách giáo khoa cho tất cả nhân loại, trong tuổi thơ ấu, niên thiếu, hay trưởng thành, và phải được học hỏi luôn luôn. Ngài ban lời Ngài cho loài người để khải thị về chính Ngài. Mỗi lẽ thật mới được hiểu thấu, là một sự khải thị mới về bản tính của Tác giả. Học Kinh Thánh là một phương tiện Chúa dùng để đem con người đến gần với Đấng Tạo Hóa và cho họ một kiến thức rõ ràng về ý muốn của Ngài. Đó là phương tiện thông công giữa Đức Chúa Trời và con người.TT20 63.3

    Trong khi người Waldenses coi sự kính sợ Đức Giê-hôva là khởi đầu sự khôn ngoan, họ cũng không phủ nhận sự quan trọng của việc giao thiệp với đời, và xem kiến thức loài người cũng như đời sống hoạt động giúp phát triển khả năng tinh thần. Vì vậy từ các học đường trên núi cao, một số thanh niên được gởi đi học tại các trường danh tiếng ở Pháp hoặc Ý. Nơi đây, có nhiều ngành học hỏi, nhiều tư tưởng và quan sát rộng lớn hơn trong xứ Alps của họ. Các thanh niên được gởi đi học phải đương đầu với những cám dỗ, chứng kiến tội lỗi, tiếp xúc với tay sai của Sa-tan là những kẻ kheo léo lôi cuốn họ vào tà thuyết và các sự lừa gạt nguy hiểm nhất. Nhưng sự giáo dục trong thời thơ ấu đã chuẩn bị cho họ để đối phó với những sự nguy hiểm này.TT20 64.1

    Tại các trường học này, họ không được tín nhiệm ai hết. Áo quần họ mặc được may cách đặc biệt để có thể giấu kho báu lớn lao nhất—đó là các bản Kinh Thánh quý giá. Những bản này là kết quả công khó của họ trong nhiều tháng nhiều năm. Luôn luôn họ đem theo Kinh Thánh, và mỗi khi họ có thể làm được mà không ai nghi ngờ, thì họ để một vài trang cho những người sẵn sàng chấp nhận lẽ thật. Từ thuở thơ ấu, các thanh niên Waldenes đã được dạy dỗ trên đầu gối mẹ mình về chức vụ này, và bây giờ họ hiểu công việc ay, nên họ thi hành cách trung tín. Nhờ vậy mà ngay trong các trường đại học này có những người trở lại với đức tin thật, và các nguyên tắc của lẽ thật được truyền ra trong cả trường. Nhưng những người lãnh đạo của giáo hoàng dù có điều tra thế nào cũng không tìm ra kẻ mà họ cho là thủ phạm đạo lạc.TT20 64.2

    Tinh thần Đấng Christ là tinh thần truyền giáo. Sự ước muốn đầu tiên của người được tái sinh là dẫn các linh hồn về Đấng Christ. Đó cũng là tinh thần của người Waldenses. Họ cảm thấy Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi họ nhiều hơn là chỉ gìn giữ lẽ thật thuần túy trong nhà thờ; họ cảm thấy một trách nhiệm nghiêm trọng là đem ánh sáng họ nhận được chiếu soi cho những kẻ ở nơi tối tăm; bởi quyền phép mạnh mẽ của lời Đức Chúa Trời, họ bẻ gãy ách nô lệ của La Mã. Các mục sư Waldenses được huấn luyện trở thành các giáo sĩ. Người nào muốn làm công việc truyền giáo, trước hết phải trải qua kinh nghiệm của người giảng tin lành. Người đó phải phục vụ ba năm trong một địa hạt truyền giáo, sau đó mới được ủy nhiệm chăn giữ một hội thánh địa phương. Công việc này đòi hỏi tinh thần quên mình và hy sinh, là điều kiện cần thiết cho đời sống của mục sư thời đó cố gắng trong việc cứu linh. Các thanh niên được phong chức mục sư thấy trước mặt mình, không phải sự giàu sang hay vinh hiển thế gian, nhưng là một cuộc đời cực khổ và nguy hiểm, và có thể phải tử vì đạo. Cũng giống như các môn đồ Đức Chúa Giê-su sai đi, những người truyền đạo này đi từng cặp. Thường thường, mỗi người trẻ tuổi làm việc dưới sự hướng dẫn của một người lớn tuổi có kinh nghiệm, người này có trách nhiệm huấn luyện và dạy dỗ các thanh niên. Những người cộng sự này không luôn luôn đi chung với nhau, nhưng họ thường gặp nhau để cầu nguyện và thảo luận, nhờ vậy đức tin của họ được mạnh hơn.TT20 64.3

    Tỏ cho người ta biết chức vụ của mình tức là rước lấy sự thất bại; nên những nhà truyền giáo này giấu kỹ chân tướng mình. Mỗi mục sư phải có một nghề gì đó, và các giáo sĩ thi hành chức vụ được che giấu bằng một nghề nghiệp thế gian. Thường thường họ lựa làm một nhà buôn hay người bán hàng rong. “Họ bán hàng lụa, đồ nữ trang, và những món hàng khác mà lúc bấy giờ chỉ có thể mua được từ phương xa. Vì làm người đi buôn nên họ được tiếp rước tử tế, nhưng nếu làm người truyền giáo thì họ bị xua đuổi.”—Wylie, quyển 1, chương 7. Trong lúc đó họ cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan để biết trình bày kho báu quý hơn vàng ngọc. Họ kín đáo đem theo những bản Kinh Thánh, toàn bọ hoặc một phần; khi có cơ hội thì họ nói về Kinh Thánh cho khách hàng nghe. Thường thường họ làm cho khách hàng thích thú nghe đọc lời Chúa, và họ vui mừng để lại các đoạn Kinh Thánh cho những người muốn tiếp nhận.TT20 65.1

    Các nhà truyền giáo này khởi sự công việc mình ở các đồng bằng và thung lũng gần núi họ ở, rồi mở rộng phạm vi truyền đạo xa hơn. Đi chân không, ăn mặc đơn sơ theo gương Thầy mình, họ đi qua các thành phố lớn, thâm nhập những xứ xa xôi. Đâu đâu họ cũng gieo hột giống quý giá. Nơi nào họ đến là nơi đó có hội thánh mọc lên, và huyết của những người tử vì đạo làm chứng cho lẽ thật. Ngày Chúa đến sẽ bày tỏ một mùa màng phong phú do công khó của các nhà truyền đạo trung tín này. Âm thầm và kín đáo, lời Đức Chúa Trời được truyền ra khắp nơi và được tiếp nhận cách vui mừng trong lòng người và trong các gia đình.TT20 65.2

    Đối với người Waldenses, Kinh Thánh chẳng những là quyển sách ghi chép sự tương giao giữa Đức Chúa Trời và loài người trong quá khứ, mà còn khải thị các trách nhiệm trong thời hiện đại, và báo trước những tai họa và vinh hiển ở tương lai. Họ tin ngày tận thế gần đến, và khi nghiên cứu Kinh Thánh với lời cầu nguyện và giọt lệ tuôn trào, họ thấy các lời phán dạy quý báu cảm động họ sâu xa hơn, và thấy mình có bổn phận bày tỏ cho người khác lẽ thật cứu rỗi. Họ thấy chương trình cứu chuộc được khải thị rõ ràng trong Kinh Thánh, và tìm được sự an ủi, hy vọng, bình an trong Đức Chúa Giê-su. Vì ánh sáng chiếu soi sự hiểu biết của họ và đem lại niềm vui trong lòng, nên họ ao ước chia sớt các tia sáng đó cho những người còn chìm đắm trong sự tối tăm của đạo lý sai lạc La Mã.TT20 65.3

    Người Waldenses nhận thức rằng dưới sự hướng dẫn của giáo hoàng và linh mục, rất đông người cố gắng vô ích để được tha tội bằng cách hành hạ thân thể mình. Đa số được dạy rằng được cứu là nhờ làm việc lành nên họ chỉ trông cậy nơi chính mình, và khi trí óc họ nghiền ngẫm về tình trạng tội lỗi mình phải phô bày ra trước cơn giận của Đức Chúa Trời thì họ hành hạ thân thể và linh hồn mình, nhưng không tìm được sự an ủi. Như vậy đạo lý của La Mã đã trói buộc những người có lương tri. Hằng ngàn người đã từ bỏ cha mẹ, bạn hữu để sống trong bốn bức tường của tu viện. Tuy thường kiêng ăn và dùng roi đánh mình cách tàn nhẫn, thức khuya, phủ phục nhiều giờ trên những sàn nhà bằng đá lạnh lẽo và ẩm thấp, dự các cuộc hành hương lâu dài, đền tội cách sỉ nhục và hành hạ khủng khiếp, hằng ngàn người vẫn tìm kiếm cách vô ích sự bình an nội tâm. Nặng trĩu dưới cảm giác tội lỗi, và bị ám ảnh cách run sợ trước cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, nhiều người phải chịu đựng trong sự đau khổ cho đến khi kiệt sức và chết trong tuyệt vọng.TT20 66.1

    Đối với những linh hồn đói khát ấy, người Waldenses ước ao đem bánh sự sống và sứ điệp bình an trong các lời hứa Đức Chúa Trời đến cho họ, và chỉ cho họ Đấng Christ là sự cứu rỗi duy nhất. Giáo lý dạy rằng việc lành có thể chuộc sự vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời là một giáo lý giả dối. Trông cậy nơi công đức của mình tức là chối bỏ tình yêu thương vô biên của Đấng Christ đã chết vì chúng ta. Sở dĩ Đức Chúa Giê-su phải chết làm của lễ hy sinh cho nhân loại vì con người sa ngã không thể làm chi để xứng đáng trước mặt Đức Chúa Trời. Công đức của Đấng Cứu Thế bị đóng đinh trên thập tự giá và sống lại là nền tảng đức tin cho Cơ Đốc nhân. Linh hồn lệ thuộc vào Đấng Christ và liên kết với Ngài phải thật và gần gũi như chân tay dính vào thân, hay nhánh nho dính vào cây nho.TT20 66.2

    Những sự dạy dỗ của các giáo hoàng và những linh mục khiến người ta coi bản tính Đức Chúa Trời và ngay cả Đấng Christ là nghiêm khắc, u buồn, cố chấp. Họ trình bày Chúa Cứu Thế là Đấng ít cảm thương loài người sa ngã, nên người ta phải nhờ đến sự trung bảo cua các linh mục và các thánh. Những người được soi sáng bởi lời Đức Chúa Trời ao ước chỉ cho các linh hồn này biết Đức Chúa Giê-su là Đấng đầy lòng yêu thương, đang dang rộng vòng tay mời gọi tất cả hãy đem đến Ngài gánh nặng tội lỗi, sự ưu tư và mệt mỏi của mình. Họ ước muốn cất bồ những trở ngại mà Sa-tan đã chồng chất lên, để loài người không nhận ra các lời hứa và đến trực tiếp cùng Đức Chúa Trời để xưng tội mình hầu nhận được sự tha thứ và bình an.TT20 67.1

    Nhà truyền giáo Waldenses sốt sắng bày tỏ cho những người muốn tìm hiểu lẽ thật quý báu của tin lành. Ông thận trọng lấy các đoạn Kinh Thánh đã được cẩn thận viết bằng tay. Sự vui mừng nhất của ông là đem hy vọng đến cho linh hồn đầy tội lỗi, chỉ thấy Đức Chúa Trời như là Đấng báo thù, đang chờ thi hành sự phán xét. Với môi run rẩy và mắt đẫm lệ, ông thường quỳ gối, trình bày cho anh em mình những lời hứa quý báu là hy vọng duy nhất cho tội nhân. Như vậy, ánh sáng lẽ thật đã được đem đến cho những trí óc mờ tối, vén lên đám mây sầu thảm, cho đến khi Mặt Trời Công Bình chiếu tia sáng chữa lành trong lòng người. Nhiều lần các đoạn Kinh Thánh được đọc đi đọc lại, vì thính giả muốn nghe lại nữa, như muốn biết chắc là mình đã nghe đúng. Đặc biệt là những lời sau đây được lặp lại nhiều lần, “Huyết của Đức Chúa Giê-su, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (1 Giăng 1:7). “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời” (Giăng 3:14, 15).TT20 67.2

    Nhiều người không bị lừa dối về những lời tự xưng của La Mã. Họ thấy sự trung gian của loài người hay của thiên sứ cho tội nhân là vô ích. Khi sự sáng thật soi vào tâm trí, họ rất vui mừng kêu lên, “Đấng Christ là Thầy Tế Lễ của tôi; huyết của Ngài đã hy sinh cho tôi; bàn thờ Ngài là tòa xưng tội của tôi.” Họ hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Giê-su, va lặp lại những lời này, “Không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). “Vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công vụ các Sứ đồ 4:12).TT20 67.3

    Đối với những linh hồn quá đau khổ, tuyệt vọng, sự bảo đảm về tình yêu thương của Đấng Cứu Thế dường như quá tốt đẹp. Sự giải cứu thật quá lớn lao, ánh sáng chan hòa chiếu soi trong lòng, họ tưởng mình được đem lên trời. Họ hết sức tín nhiệm đặt tay mình vào tay Đấng Christ; chân họ đứng vững vàng trên Vầng Đá Muôn Đời. Mọi sợ hãi về sự chết biến mất. Bây giờ họ không sợ ngục thất hay giàn hỏa nữa, nếu vì đó mà họ có thể làm vinh danh Đấng Cứu Chuộc mình.TT20 68.1

    Trong những nơi bí mật, lời Đức Chúa Trời được đọc, đôi khi cho một cá nhân, đôi khi cho một nhóm nhỏ, đang trông chờ sự sáng và lẽ thật. Thường thường họ thức cả đêm để nghe. Các thính giả rất lấy làm ngạc nhiên và thán phục đến nỗi sứ giả của tình thương không thể ngừng đọc cho đến khi người ta hiểu được tin mừng của sự cứu rỗi. Thường thường những lời sau đây được thốt lên, “Đức Chúa Trời có chấp nhận sự dâng hiến của tôi chăng? Ngài có mỉm cười với tôi không? Ngài sẽ tha thứ cho tôi chăng?” Đây là câu trả lời, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28).TT20 68.2

    Đức tin nắm chắc lấy lời hứa, và lời đáp vui mừng thốt lên, “Không cần những cuộc hành hương lâu dài; không cần các cuộc hành trình cực khổ đến các lăng mộ. Tôi có thể đến cùng Đức Chúa Giê-su trong tình trạng hiện tại của tôi, tội lỗi và không thánh thiện, và Ngài sẽ không từ chối lời cầu nguyện của người ăn năn. ‘Tội ngươi đã được tha.’ Tội tôi, ngay cả tội tôi, đã được tha rồi!”TT20 68.3

    Sự vui mừng thánh khiết tràn ngập lòng người, và danh Đức Chúa Giê-su được ngợi khen và cảm tạ. Các linh hồn sung sướng này trở về nhà mình để chiếu rọi sự sáng và nói lại cho người khác những kinh nghiệm mới của mình; rằng họ đã tìm được Đường Sống thật. Có một quyền lực lạ thường và nghiêm trọng trong Kinh Thánh nói trực tiếp vào lòng những người mong chờ lẽ thật. Đó là tiếng phán của Đức Chúa Trời, và lời Ngài đã đem lại niềm tin vững chắc cho những người nghe.TT20 68.4

    Sứ giả của lẽ thật cứ tiến bước; và người ta thường khen tính nhu mì, lòng thành thật và sốt sắng của người. Trong nhiều trường hợp, không ai hỏi người từ đâu đến hay đi đâu. Lúc đầu họ quá ngạc nhiên, rồi sau đó rất vui mừng và biết ơn, nên họ không nghĩ đến việc hỏi người điều đó. Khi họ mời sứ giả Đấng Christ về nhà thì người trả lời rằng phải đi thăm nhiều con chiên lạc mất trong bầy. Người ta hỏi nhau: Đó có phải là thiên sứ từ trời chăng?TT20 68.5

    Nhiều khi sứ giả lẽ thật ra đi không trở lại nữa. Có lẽ người đã đến một xứ khác, hay bị giam cầm trong ngục thất, hay đã bỏ xương nơi mà người đã làm chứng về lẽ thật. Nhưng không ai có thể hủy diệt được những lời người để lại. Các lời ấy hành động trong lòng người nghe; và những kết quả phước hạnh của công việc này chỉ được bày tỏ rõ ràng trong ngày phán xét.TT20 69.1

    Các giáo sĩ Waldenses đã xâm nhập nước của Sa-tan, và quyền lực tối tăm càng được khơi động mạnh mẽ hơn. Vua chúa của tội ác theo dõi sự tiến triển của lẽ thật và gieo sự sợ hãi vào lòng các tay sai của hắn. Những người lãnh đạo của giáo hoàng thấy các nhà truyền giáo hiền lành này thật nguy hiểm cho mục tiêu họ. Nếu sự sáng lẽ thật được chiếu ra không gặp trở ngại, thì ánh sáng này sẽ cuốn đi đám mây dày đặc của sự sai lầm đang bao trùm dân chúng. Lẽ thật sẽ hướng dẫn người ta đến với Đức Chúa Trời và lần lần lẽ thật sẽ hủy diệt quyền tối cao của La Mã.TT20 69.2

    Sự hiện diện của những người này, giữ vững đức tin thuần túy của tổ phụ, là một bằng chứng liên tục cho sự bội đạo của La Mã, vì thế đã kích động sự căm thù cay đắng nhất và sự bắt bớ mãnh liệt nhất. Việc họ từ khước không chịu dẹp bỏ Kinh Thánh cũng là một tội La Mã không thể dung thứ. Giáo hội này cương quyết tẩy trừ họ khỏi mạt đất. Bấy giờ La Mã bắt đầu một phong trào khủng khiếp chống lại dân sự Đức Chúa Trời đang ẩn náu trong vùng núi non. Những nhân viên truy tầm được phái đi, và cảnh A-bên vô tội bị Cain giết lại tái diễn thường xuyên.TT20 69.3

    Nhiều lần đất phì nhiêu của dân vô tội và cần cù siêng năng này biến thành đất hoang, nhà cửa và đền thờ của họ bị hủy phá. Giống như con thú đói càng trở nên dữ tợn vì nếm mùi máu, sự giận dữ của các tay sai giáo hoàng càng trở nên mãnh liệt hơn trước sự đau khổ của các nạn nhân. Nhiều nhân chứng về đức tin thuần túy bị rượt đuổi qua các núi cao, bị lùng bắt nơi các trũng sâu, giữa rừng rậm hay khe đá mà họ ẩn náu.TT20 69.4

    Không ai có thể kết án bản tính đạo đức của những người trung tín này. Ngay cả kẻ thù của họ cũng tuyên bố họ là những người hiền hoa, trầm tĩnh và đạo đức. Tội lớn nhất của họ là không thờ phượng Đức Chúa Trời theo ý muốn của giáo hoàng. Và chỉ bởi lý do ấy mà họ phải chịu tất cả các sỉ nhục, rủa sả, tra tấn mà kẻ ác và ma quỷ có thể nghĩ ra để trút trên đầu họ.TT20 70.1

    Quyết định chấm dứt nhóm đáng ghét này, giáo hoàng ra một chỉ thị lên án họ là theo đạo lạc, và họ phải chết. Họ không bị lên án là lười biếng, gian lận, hay làm loạn; trái lại, người ta tuyên bố rằng họ có vẻ đạo đức và thánh thiện, có thể “dụ dỗ chiên của bầy thật.” Vì thế giáo hoàng ra lệnh rằng “nhóm nguy hiểm, độc hại, gớm ghiếc,” nếu họ “nhất định không tuân theo, thì sẽ bị nghiền nát như những con rắn độc.”—Wylie, quyển 16, chương 1. Giáo hoàng tự kiêu có nhận thức ý nghĩa những lời nói của mình chăng? Ông có biết chăng các lời ấy đã được ghi chép vào sổ trên trời, và phải khai trình trong ngày phán xét? “Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em Ta, ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy” (Mathi-ơ 25:40).TT20 70.2

    Chỉ thị này kêu gọi tất cả giáo dân phải tham gia vào thập tự quân để chống lại những kẻ theo dị giáo. Để khuyến khích tham gia vào công việc tàn ác này, chỉ thị của giáo hoàng truyền “tha hết sự hình phạt và tội, mơ hồ hay cụ thể; bỏ hết mọi lời thề cho những ai nhập vào thập tự quân, xác nhận quyền sở hữu hợp pháp về mọi tài sản thu thập cách bất hợp pháp, và hứa tha tất cả tội lỗi cho những ai giết chết một người theo dị giáo. Chỉ thị này hủy bỏ mọi giao kèo lập với người Waldenses, cho phép những tôi tớ của họ bỏ chủ, cấm mọi người không được giúp đỡ họ gì cả, cho phép mọi người tịch thu tài sản cua họ.”—Wylie, quyển 16, chương 1. Chỉ thị này bày tỏ rõ ràng tinh thần chủ động trong hậu trường. Đây không phải là tiếng phán của Đấng Christ, nhưng là tiếng rống của con rồng.TT20 70.3

    Vì không tuân theo luật pháp Đức Chúa Trời, nên những người lãnh đạo của giáo hoàng đặt ra một tiêu chuẩn thích hợp cho họ và nhất quyết bắt mọi người làm theo. Vì thế mới diễn ra các thảm cảnh rùng rợn nhất. Những linh mục và giáo hoàng bại hoại phạm thượng đang làm các công việc Satan chỉ định. Bản tính họ không có tình thương. Tinh thần ghen ghét đã đóng đinh Đấng Christ trên thập tự giá và giết các sứ đồ, đã xúi giục Nê-rô khát máu chống lại những người trung tín, thì giờ đây cũng tinh thần ấy hành động để hủy diệt những người yêu dấu của Đức Chúa Trời.TT20 70.4

    Những sự bắt bớ mà dân sự kính sợ Chúa phải chịu đựng cách kiên nhẫn và trung thành trải qua các thế kỷ đã làm sáng danh Đấng Cứu The. Tuy bị thập tự quân chống đối, và sự tàn sát vô nhân đạo, họ vẫn tiếp tục phái giáo sĩ đi truyền bá lẽ thật quý báu. Họ bị săn đuổi đến chết; máu họ đã đổ ra để tưới hột giống lẽ thật, và hột giống đã kết quả. Dường ấy, người Waldenses đã làm chứng cho Đức Chúa Trời trong nhiều thế kỷ trước khi Luther ra đời. Đi tản lạc trong nhiều xứ, họ đặt nền cho phong trào Cải chánh, khởi sự từ thời Wycliffe, rồi được bành trướng trong thời Luther, và tiến tới cho đến ngày cuối cùng. Công việc này được thực hiện bởi những người cũng sẵn sàng chịu khổ vì “lời Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Giê-su Christ” (Khải huyền 1:9).TT20 71.1

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents