Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

Thiện Ác Đấu Tranh

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    6—Huss và Jerome

    TỪ THẾ KỶ thứ chín, lời Chúa đã được rao truyền ở Bô-hê-mia. Kinh Thánh được phiên dịch ra tiếng bổn xứ và sự thờ phượng được cử hành bằng tiếng địa phương. Nhưng hễ quyền thế giáo hoàng càng mạnh thì lời Chúa càng bị lu mờ. Giáo hoàng Gregory VII đã hạ sự kiêu ngạo của các vua, triệt để bắt dân chúng phục tùng, và ra chỉ dụ ngăn cấm sự thờ phượng bằng tiếng Bô-hê-miên. Giáo hoàng tuyên bố rằng “để làm vui lòng Đấng Toàn Năng thì sự thờ phượng Ngài phải được cử hành bằng tiếng lạ, vì không tuân giữ luật này nên nhiều tội ác và tà giáo đã dấy lên.”— Wylie, quyển 3, chương 1. Như thế, La Mã đã ra chỉ thị tiêu diệt ánh sáng của lời Chúa và để dân chúng chìm đắm trong sự tối tăm. Nhưng Chúa đã dự bị những phương tiện khác để bảo tồn hội thánh. Nhiều người Waldenses và Albigenses, bị bắt bớ nên phải chạy trốn khỏi quê hương mình ở Pháp và Ý, đến ngụ ở Bô-hê-mia. Mặc dù họ không dám giảng dạy công khai, nhưng vẫn làm việc cách kín giấu, dường ay lẽ thật được bảo tồn từ đời này đến đời nọ.TT20 87.1

    Trước thời ông Huss, có nhiều người ở Bô-hê-mia nổi dậy lên án công khai sự bại hoại của giáo hội và sự phóng đãng của dân chúng. Hành động của họ được nhiều người chú ý, nên các nhà lãnh đạo lo sợ, và công khai bắt bớ những người theo tin lành. Họ phải thờ phượng Đức Chúa Trời trong rừng sâu núi thẳm, bị quân lính săn đuổi, và nhiều người bị giết. Không bao lâu sau có luật ban hành truyền rằng những người chối bỏ sự thờ phượng của La Mã sẽ bị thiêu đốt. Trong khi hy sinh mạng sống mình, những Cơ Đốc nhân này chỉ trông mong vào sự chiến thắng để đạt được mục tiêu. Một trong những người ấy đã dạy “sự cứu rỗi chỉ đến bởi đức tin nơi Đấng Cứu Thế bị đóng đinh,” đã tuyên bố khi hấp hối, “Sự giận giữ của kẻ thù nghịch lẽ thật đã chiếm ưu thế, nhưng nó sẽ không tồn tại mãi mãi; sẽ dấy lên một người từ trong lớp thường dân, không gươm giáo, không quyền thế, nhưng người sẽ chiến thắng kẻ thù của mình.”—Wylie, quyển 3, chương 1. Mặc dầu thời điểm lúc này có một khoảng cách rất xa với thời điểm của Luther, nhưng có một người sẽ đứng lên, và lời chứng chống lại La Mã của người sẽ khuấy động nhiều quốc gia.TT20 87.2

    John Huss xuất thân từ tầng lớp hạ lưu, sớm mồ côi cha. Người mẹ sùng đạo của ông, xem việc giáo dục và lòng kính sợ Đức Chúa Trời như là những tài sản quý báu nhất, đã hết lòng gìn giữ di sản này cho con trai. Huss đã học tại trường ở tỉnh, sau đó ông được trợ cấp học bổng từ quỷ từ thiện để bước vào trường đại học ở Prague. Mẹ của ông cùng đồng hành với ông đen Prague; là một góa bụa nghèo nàn, bà không có của cải gì của thế gian để tặng cho con, thế nhưng khi gần đến thành phố lớn bà đã quỳ xuống bên cạnh đứa con mồ côi cha và cầu khẩn Cha trên trời chúc phước cho con mình. Bà đã không nhận biết lời cầu nguyện của mình sẽ được trả lời như thế nào.TT20 88.1

    Tại đại học, Huss đã sớm nổi trội bởi tính chuyên cần và tiến bộ mau chóng, đời sống thánh khiết và hòa nhã, cùng với bản tính hiền lành, ông đã chiếm được cảm tình của nhiều người. Ông là một tín đồ trung thành với giáo hội La Mã và hết lòng tìm kiếm những ơn phước thiêng liêng mà giáo hội tự nhận có quyền ban cho. Trong ngày lễ đại xá, ông đi xưng tội, trả hết mấy xu cuối cùng và nhập vào đám rước, để có thể được lãnh giấy xá tội. Tốt nghiệp đại học, ông nhận chức linh mục, danh tiếng của ông mau chóng được vang dội, sau đó không lâu ông được triều đình bổ dụng. Ông cũng được cử làm giáo sư và sau đó được làm hiệu trưởng trường đại học, nơi ông đã theo học ngày trước. Chỉ trong vài năm mà người sinh viên nghèo năm xưa, đã nhận trợ cap của đại học đường, nay trở thành niềm kiêu hãnh của đất nước, và danh tiếng người vang lừng khắp Âu châu.TT20 88.2

    Nhưng Huss phải mở màn công cuộc cải chánh trong một lãnh vực khác. Nhiều năm sau khi được phong chức linh mục, ông được làm giảng sư ở nhà thờ Bết-lê-hem. Người sáng lập nhà thờ này rất chú trọng đến sự giảng lời Kinh Thánh bằng tiếng bổn xứ. Mặc dù bị La Mã chống đối, phong tục này vẫn chưa được bỏ hẳn ở Bô-hê-mia. Dân chúng không hiểu biết về lời Đức Chúa Trời, và tội ác đầy dẫy trong các giai cấp xã hội. Ông Huss lên tiếng tố cáo tội ác, và dùng lời Đức Chúa Trời để khắc sâu những nguyên tắc của lẽ thật và sự thánh khiết vào tâm trí dân chúng.TT20 89.1

    Một công dân ở Prague tên là Jerome, về sau kết thân với Huss, ở Anh về, đem theo những sách của Wycliffe. Hoàng hậu nước Anh là công chúa người Bô-hê-mia, đã nhận sự dạy dỗ của Wycliffe, và nhờ ảnh hưởng của hoàng hậu mà những sách của nhà Cải chánh được phổ biến sâu rộng ở Bô-hê-mia. Huss chăm chỉ học những sách ấy, ông tin rằng tác giả là một Cơ Đốc nhân chân thật nên rất hoan nghênh chương trình cải chánh mà ông đang quan tâm. Vì vậy mà vô tình ông đã bước vào con đường dẫn ông xa cách La Mã.TT20 89.2

    Trong lúc đó, có hai nhà thông thái ở Anh đến Prague. Họ đã nhận ánh sáng và đến truyền bá ánh sáng trong xứ này. Họ khởi sự công khai tấn công quyền thế giáo hoang, nên chẳng bao lâu bị các nhà cầm quyền cấm không cho làm công việc chứng đạo nữa. Nhưng không muốn bỏ dở mục đích mình, họ bèn dùng một phương pháp khác. Là họa sĩ và giảng sư, họ dùng tài năng này để giảng đạo. Họ vẽ hai bức tranh trên một tường thành công cộng. Một bức tranh diễn tả cảnh Đức Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem “nhu mì và cỡi lừa” (Ma-thi-ơ 21:5), theo sau là các môn đồ đi chân không, ăn mặc đơn sơ. Trên bức tranh kia tả đám rước của giáo hoàng, mặc áo rực rỡ xa hoa, đầu đội mão triều ba tầng, cưỡi ngựa được tô điểm lộng lẫy, những người thổi kèn đi trước và các hồng y giáo chủ và giám mục đi sau, ăn mặc rất sang trọng.TT20 89.3

    Bài giảng trên vách tường ấy được mọi giai cấp xã hội chú ý, và ai cũng hiểu được bài học đạo đức cua hai bức tranh. Dân chúng tụ họp trước hai bức tranh. Nhiều người rất cảm động thấy cảnh đối chọi giữa sự nhu mì khiêm nhường của Đấng Christ và sự kiêu hãnh và xấc xược của giáo hoàng, xưng mình là tôi tớ Chúa. Trước cảnh náo động ở Prague, hai nhà thông thái bỏ đi vì lý do an ninh. Nhưng người ta không bao giờ quên được bài học họ dạy dỗ. Hai bức tranh ấy gây ấn tượng sâu xa vào tâm trí của Huss và khiến ông nghiên cứu kỹ hơn lời Kinh Thánh và những sách của Wycliffe. Mặc dù chưa sẵn sàng chấp nhận chương trình cải chánh của Wycliffe, ông thấy rõ ràng hơn chân tướng của hệ thống giáo hoàng và sốt sắng tố cáo sự kiêu ngạo, tham vọng và bại hoại của các hàng giáo phẩm.TT20 89.4

    Từ Bô-hê-mia ánh sáng của lẽ thật đã đến nước Đức, những sự rối loạn xảy ra ở trường đại học Prague đã khiến hằng trăm sinh viên Đức bỏ trường. Trong số đó có rất nhiều người đã hiểu biết Kinh Thánh lần đầu tiên qua ông Huss, và khi về xứ, họ truyền bá tin lành cho xứ sở họ.TT20 90.1

    Không lâu sau đó ở La Mã người ta biết việc đã xảy ra tại Prague, và Huss bị đòi ứng hầu trước giáo hoàng. Vâng lời ra ứng hầu tức là chắc chắn phải chết. Vua và hoàng hậu Bôhê-mia, trường đại học và các nhà quý phái hiệp nhau để xin giáo hoàng cho phép Huss ở lại Prague, và cử một đại biểu đi La Mã thế ông. Đáng lẽ chấp thuận lời yêu cầu ấy, giáo hoàng lại kết án Huss và ra cấm lệnh dân thành Prague không được dự lễ nhà thờ.TT20 90.2

    Trong thời đó, án lệnh này làm cho mọi người khiếp sợ. Những nghi lễ truyền án lệnh khiến người kinh hồn vì họ coi giáo hoàng như người thay mặt Đức Chúa Trời, cầm chìa khóa thiên đàng và địa ngục, có quyền hình phạt phần xác cũng như phần hồn. Người tin tưởng rằng cửa thiên đàng sẽ đóng lại cho xứ bị án lệnh trên, và hễ giáo hoàng chưa hủy bỏ cấm lệnh đó thì những người chết không được vào nơi phước hạnh này. Dấu của tai họa kinh khủng ấy là mọi việc thờ phượng đều ngưng. Các nhà thờ đều đóng cửa. Các lễ hôn phối phải cử hành tại sân nhà thờ. Tang lễ không được cử hành, những người chết không được chôn nơi thánh địa, nhưng phải chôn ở các mương rãnh hay ngoài đồng. Như vậy, do những nghi lễ chỉ đánh vào trí tưởng tượng, La Mã đã điều khiển lương tri của con người.TT20 90.3

    Thành Prague bị xáo trộn. Phần lớn dân chúng vu cáo Huss đã gây ra những tai vạ trong thành, truyền bắt ông nộp cho giáo hoàng. Để dẹp yên cơn bão tố, nhà Cải chánh rút về sinh quán một thời gian. Tại đây, ông viết thư cho bạn hữu ở Prague như vầy, “Nếu tôi phải tạm lìa các bạn, ấy là tôi làm theo gương và lời giáo huấn của Đức Chúa Giê-su Christ để cho kẻ ác khỏi bị hình phạt đời đời, và cho người lành khỏi đau buồn và bị bắt bớ. Tôi lánh mặt là vì sợ các linh mục gian ác có thể tiếp tục cấm giảng lời Chúa lâu hơn, chứ không phải tôi chối bỏ lẽ thật thánh, và bởi lẽ thật ấy, nhờ ân điển Chúa, tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống.”—Bonnechose, The Reformers Before the Reformation, bộ 1, trang 87. Ông Huss không ngưng công việc mình, nhưng đi qua xứ lân cận, rao giảng lời Đức Chúa Trời cho dân chúng khao khát lẽ thật. Như thế là những phương pháp giáo hoàng dùng để ngăn ngừa sự phát triển tin lành lại khiến cho việc truyền bá tin lành càng sâu rộng hơn. “Vì chúng tôi chẳng có thể nghịch cùng lẽ thật, nhưng chỉ có thể thuận theo lẽ thật” (2 Cô-rinhtô 13:8).TT20 90.4

    “Tâm trí của Huss lúc đó dường như ở trong một cuộc đấu tranh đau đớn. Mặc dù La Mã tìm cách lấn áp bằng những sự đe dọa, nhưng ông không chối bỏ uy quyền của giáo hội. Đối với ông, hội Cong giáo La Mã vẫn là vợ của Đấng Christ, và giáo hoàng vẫn là người đại diện thay mặt cho Đức Chúa Trời. Điều mà Huss chống đối là sự lạm dụng quyền thế chứ không phải nguyên tắc. Điều này đã dẫn đến một cuộc đấu tranh dữ dội giữa sự xác tín mà ông hiểu biết và tiếng nói của lương tâm ông. Nếu quyền thế giáo hoàng là công bình và không sai lầm, như ông đã tin, thì làm sao ông cảm thấy cần phải bất phục tùng? Theo ông, vâng theo quyền lực ấy là phạm tội; nhưng tại sao phục tùng một hội thánh không sai lầm lại dẫn đến một kết quả như vạy? Đó là nan đề ông không thể giải quyết; đó là mối nghi ngờ đã giày vò ông hằng giờ. Ông đi tới kết luận là điều này đã xảy ra trong thời của Đang Cứu Thế, đó là các thầy tế lễ trong hội thánh đã trở nên những kẻ gian ác, họ dùng quyền thế chính trị hợp pháp để đạt đến mục đích phi pháp của họ. Điều này đã khiến ông chấp nhận như sự hướng dẫn của riêng mình, và cũng giảng dạy cho người khác nữa, là các giềng mối của Kinh Thánh, được truyền đạt qua sự hiểu biết, sẽ điều khiển lương tâm; nói cách khác, lời Đức Chúa Trời phán trong Kinh Thánh sẽ là sự hướng dẫn không sai lầm, chứ không phải những gì hội thánh nói qua các linh mục.”—Wylie, quyển 3, chương 2.TT20 91.1

    Khi cơn hỗn loạn ở Prague vừa dịu bớt thì Huss trở về nhà thờ Bết-lê-hem để rao giảng lời Chúa cách sốt sắng và can đảm hơn. Những kẻ thù nghịch của ông hoạt động rất mạnh mẽ và có quyền thế, nhưng bạn hữu của ông là hoàng hậu và nhiều nhà quý tộc, và một số đông dân chúng theo phe ông. So sánh những giáo lý thuần túy, sự dạy dỗ cao thượng và đời sống thánh thiện của ông với những tín điều đồi bại mà La Mã giảng dạy, sự tham lam và đời sống bại hoại của phe La Mã, khiến nhiều người lấy làm vinh dự được theo phe ông.TT20 91.2

    Cho đến bấy giờ, Huss chỉ làm việc một mình; nhưng từ nay, Jerome, một người khi ở bên Anh đã chấp nhận sự dạy dỗ của Wycliffe, cộng tác với ông trong công việc cải chánh. Từ đó, hai ông hiệp một không những trong cuộc sống, mà ngay cả trong khi chết cũng không phân rẽ. Jerome có tài hùng biện và học thức cao, nên rất được lòng dân chúng, nhưng Huss thì trổi hơn ông về chí khí. Bản tánh bình tĩnh của Huss là sự kiềm chế hữu ích cho tính nóng nảy của Jerome, nên Jerome khiêm nhường tiếp nhận lời khuyên bảo của bạn mình. Nhờ sự hiệp một của họ mà công việc cải chánh được bành trướng mau chóng.TT20 92.1

    Đức Chúa Trời ban sự sáng cho những người được lựa chọn này, bày tỏ cho họ nhiều sự sai lầm của La Mã; nhưng họ không nhận được tất cả sự sáng để rao truyền cho the gian. Qua những tôi tớ trung thành này, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn dân chúng ra khỏi sự tối tăm của La Mã. Nhưng họ sẽ phải gặp nhiều trở ngại lớn, và Ngài dẫn họ từng bước một, tùy theo sức của họ. Họ chưa sẵn sàng để tiếp nhận tất cả ánh sáng cùng một lúc. Lẽ thật giống như ánh sáng rực rỡ của mặt trời ban trưa đối với những người ở trong sự tối tăm lâu ngày, nếu trình bày thì khiến họ bỏ đi. Vì vậy, Ngài khải thị cho các nhà lãnh đạo từng chút ánh sáng một để truyền lại cho dân chúng. Từ thế kỷ này qua thế kỷ nọ, những tôi tớ trung thành khác của Chúa đã theo bước để lo việc dẫn dắt linh hồn tiếp tục đi trên con đường cải chánh.TT20 92.2

    Sự phân rẽ trong hội thánh vẫn tiếp diễn. Ba giáo hoàng bấy giờ tranh nhau quyền tối thượng, và cuộc tranh đấu của họ gây ra khắp nơi những sự rối loạn và tội ác. Chưa thỏa mãn với những lời rủa sả nhau, các giáo hoàng lại dùng đến võ khí. Mỗi giáo hoàng mua khí giới và chiêu mộ binh lính. Dĩ nhiên họ cần tiền nên phải bán chức vị và sự chúc phước của hội thánh. Noi theo gương các giáo hoàng kể trên, các linh mục cũng bán chức thánh và tranh chiến để làm dịu những kẻ chống đối hầu tăng thêm thế lực. Ông Huss càng ngày càng mạnh dạn tố cáo những hành động gớm ghiếc mà họ nhân danh tôn giáo dung thứ; và dân chúng cũng công khai tố cáo những nhà lãnh đạo La Mã là nguyên nhân của những sự đau khổ trong Cơ Đốc giáo.TT20 92.3

    Một lần nữa, thành Prague dường như sắp trải qua một cuộc chiến đấu đẫm máu. Như thời xưa, tôi tớ của Đức Chúa Trời cũng bị vu cáo là “kẻ làm rối loạn Y-sơ-ra-ên” (1 Các Vua 18:17). Thành phố lại bị lệnh cấm của giáo hoàng như trước, và ông Huss rút lui về làng mình. Ông đã làm xong chức vụ truyền đạo trong nhà thờ Bết-lê-hem. Trước khi phó mạng sống mình vì lẽ thật, ông mở rộng phạm vi truyền giáo và rao giảng cho tất cả tín đồ Cơ Đốc giáo.TT20 93.1

    Để giải cứu Âu châu khỏi tội ác, vua Sigismund muốn một trong ba giáo hoàng tranh chấp, Giăng XXIII, triệu tập một hội nghị tại Constance. Vì tính tình không tốt, và chính trị không công minh, nên giáo hoàng Giăng XXIII không tỏ ra hoan nghênh cuộc hội nghị này, ông sợ bị các giám mục và giáo hữu đoán xét, mặc dù họ cũng bại hoại. Tuy nhiên, ông cũng không dám nghịch lại ý của vua.TT20 93.2

    Hai mục đích chính của hội nghị này là chấm dứt tình trạng chia rẽ của giáo hội và tận diệt đạo lạc. Hai giáo hoàng đối địch và nhà cải chánh John Huss được mời ứng hầu trước hội nghị. Khi hai giáo hoàng vì sợ mất an ninh, nên cử đại biểu đi dự hội nghị thế cho mình. Còn Giăng XXIII, tuy ngoài mặt là người đứng ra triệu tập hội nghị, dã đến dự với lòng lo âu, nghi ngại rằng vua có âm mưu cách chức ông và sợ phải trả lời về sự đồi bại đáng hổ thẹn cho chức vị giáo hoàng và các tội lỗi gây ra để củng cố chức vị. Tuy nhiên ông cũng đến Constance cách sang trọng, có các nhân viên cao cấp trong tôn giáo và các đình thần hộ tống. Tất cả các hàng giáo phẩm và nhà lãnh đạo của thành phố, đám đông dân chúng ra nghênh tiếp ông. Phía trên đầu giáo hoàng có che lọng thếp vàng, do bốn tham phán nâng lên. Bánh thánh được rước đi trước giáo hoàng, các hồng y giáo chủ và những nhà quý phái ăn mặc cực kỳ sang trọng.TT20 93.3

    Cũng trong lúc đó có một người khác nữa đến Constance. Huss biết những nguy hiểm đang chờ đợi mình. Ông vĩnh biệt các bạn rồi lên đường như không bao giờ gặp lại, biết chắc sẽ bị đốt trên giàn hốa. Mặc dù đã có giấy an toàn của vua Bô-hê-mia ban và một giấy an toàn khác của hoàng đế Sigismund trong lúc đi đường, Huss cũng chuẩn bị về sự chết có thể xảy đến cho mình.TT20 93.4

    Trong một bức thư gởi cho bạn bè ở Prague, ông viết, “Các anh em, . . . tôi ra đi với giấy an toàn của vua để gặp vô số kẻ tử thù của tôi. . . . Tôi chỉ biết tin tưởng nơi Đức Chúa Trời Toàn năng, nơi Đấng Cứu Thế của tôi; tôi tin rằng Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện sốt sắng của anh em, và Ngài sẽ ban cho miệng tôi sự khôn ngoan và thận trọng của Ngài để tôi có thể chống lại họ; và Ngài sẽ ban cho tôi Đức Thánh Linh để khiến tôi mạnh mẽ trong lẽ thật Ngài, để tôi có thể đối diện cách can đảm những sự cám dỗ, lao tù, và nếu cần, sự chết dữ tợn. Đức Chúa Giê-su đã chịu sự thống khổ vì những người Ngài yêu dấu; vì vậy tại sao chúng ta ngạc nhiên khi Ngài để lại cho chúng ta một tấm gương, để chúng ta có thể chịu đựng mọi sự cách kiên nhẫn cho sự cứu rỗi của chúng ta? Ngài là Đức Chúa Trời, chúng ta là loài thọ tạo; Ngài là Chúa, và chúng ta là tôi tớ Ngài; Ngài là Chủ của thế gian, và chúng ta là những con người phải chết—nhưng Ngài đã chịu đau khổ vì chúng ta! Tại sao chúng ta không chịu đau khổ, đặc biệt khi sự đau khổ sẽ luyện lọc chúng ta? Vì thế, các bạn yêu dấu, nếu cái chết của tôi làm vinh danh Ngài, xin cầu nguyện rằng sự chết sẽ đến mau chóng, và Ngài sẽ giúp tôi bền lòng trong cảnh hoạn nạn. Nhưng nếu tốt hơn, và nếu tôi được trở về giữa anh em, chúng ta hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời hầu cho tôi có thể trở về không bị hoen ố, nghĩa là tôi không chối bỏ một điều cực nhỏ của lẽ thật tin lành, hầu để lại một gương tốt cho anh em noi theo. Vì vậy, có lẽ anh em sẽ không thay mặt tôi tại Prague; nhưng nếu theo ý muốn của Đức Chúa Trời Toàn năng cứu tôi để được gặp lại anh em, thì chúng ta hãy có lòng mạnh dạn trong sự hiểu biết và tình thương của luật pháp Ngài.”—Bonnechose, bộ 1, trang 147, 148.TT20 94.1

    Trong một bức thư khác gởi cho một linh mục đã trở nên môn đồ của tin lành, Huss nói với lòng khiêm tốn sâu xa về những lầm lạc của chính mình, tự tố cáo “đã vui thú mặc những bộ áo mắc tiền và phí thì giờ cho những sinh hoạt phù phiếm.” Rồi ông thêm vào những lời khuyên cảm động sau đây, “Cầu xin sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi các linh hồn xâm chiếm lòng bạn, chứ không phải của cải và tài sản đời này. Hãy coi chừng đừng trang hoàng nhà mình hơn trang hoàng linh hồn bạn; và trên hết mọi sự hãy lo lắng xây dựng tòa nhà thiêng liêng. Hãy có lòng thương xót, nhu mì đối với kẻ nghèo và đừng phung phí tiền bạc cho các tiệc tùng. Nếu bạn không sửa đổi đời sống mình, và giữ mình khỏi những sự xa xỉ, nếu không, tôi e bạn sẽ bị khiển trách nặng nề, như chính tôi vậy. . . . Bạn biết giáo lý của tôi, vì từ khi còn thơ ấu bạn đã nhận sự dạy dỗ của tôi; vì vậy không cần cho tôi phải viết dài cho bạn. Tôi lấy sự thương xót của Chúa, xin bạn đừng bắt chước tôi trong những sự hư không mà bạn đã thấy tôi sa ngã.” Trên trang ngoài của bức thư, ông viết thêm, “Bạn tôi ơi, tôi xin bạn đừng mở niêm phong lá thư này cho đến khi bạn biết chắc rằng tôi đã chết.”—Bonnechose, bộ 1, trang 148, 149.TT20 94.2

    Trong cuộc hành trình, đi đến đâu ông Huss đều thấy các bằng chứng rằng đạo lý của ông đã được phổ biến rất rộng rãi và được nhiều người chiếu cố. Họ kéo nhau chạy đến đón tiếp ông, và trong vai thành phố, có những thẩm phán theo hộ tống ông.TT20 95.1

    Tới Constance, ông được tự do hoàn toàn. Thêm vào giấy thông hành an toàn của hoàng đế, giáo hoàng ban cho Huss một giấy bảo lãnh riêng. Nhưng sau đó không bao lâu, những lời tuyên bố long trọng này bị vi phạm, và theo mạng lệnh cua giáo hoàng và các hồng y giáo chủ, nhà Cải chánh bị bắt và bị bỏ vào ngục tối ghê tởm. Về sau, ông bị dời đi nhốt trong một lâu đài kiên cố bên kia sông Rhine. Giáo hoàng thấy sự bội tín của mình không ích chi, và chẳng bao lâu cũng bị nhốt trong nhà tù ấy.—Bonnechose, bộ 1, trang 247. Trước hội nghị, giáo hoàng Giăng XXIII nhận những tội ác gớm ghê của mình, cả tội giết người, mua bán chức thánh, tà dâm, “và những tội không nên kể ra,” nên bị lột mão giáo hoàng và bị bỏ tù. Hai giáo hoàng kia cũng bị cách chức, và một giáo hoàng mới được lựa chọn thay the.TT20 95.2

    Mặc dù giáo hoàng đã phạm những tội ác lớn hơn những tội mà ông Huss đã tố cáo, và ông đòi hoi một cuộc cải chánh, nhưng hội nghị đã cách chức giáo hoàng và cũng tìm cách tiêu diệt nhà Cải chánh nữa. Sự bắt giam ông Huss gây ra sự bất bình rất lớn ở Bô-hê-mia. Các nhà quyền thế phản đối hội nghị kịch liệt về sự xúc phạm này. Hoàng đế ghê tởm về sự vi phạm giấy an toàn, cũng chống lại những âm mưu hại ông. Nhưng những kẻ thù của nhà Cải chánh cũng quỷ quyệt và cương quyết. Chúng dựa vào thành kiến, sự lo sợ và lòng sốt sắng của vua đối với hội thánh. Họ lập những bản văn lý luận rất dài để chứng minh rằng “mặc dù có giấy thông hành của vua, cũng không cần giữ chữ tín đối với những kẻ theo đạo lạc hay những kẻ bị nghi theo đạo lạc.”—Jacques Lenfant, History of the Council of Constance, quyển 1, trang 516. Cuối cùng họ thắng vua.TT20 95.3

    Ông Huss kiệt sức vì đau ốm, giam cầm ở nơi không khí ẩm ướt, hôi hám trong ngục đã gây ra bệnh sốt gần kết liễu đời ông. Cuối cùng, ông bị điệu ra ứng hầu trước hội nghị. Bị xiềng xích, ông đứng hầu trước mặt vua, và vua hứa bảo vệ ông. Nhà Cải chánh bị tra hỏi rất lâu, nhưng ông cương quyết giữ lẽ thật, và trước mặt các nhân vật cao cấp của hội thánh và chính phủ, ông nói lên một cách nghiêm trọng và trung thành, chống lại sự bại hoại của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Khi phải lựa chọn một trong hai điều là bỏ đạo lý mình hay chịu chết, ông vui lòng chịu tử vì đạo.TT20 96.1

    Ân điển Đức Chúa Trời nâng đỡ ông. Trong những tuần lễ đau khổ trước ngày tuyên bố án phạt, ong được sự bình an nội tâm. Ông viết thư cho một người bạn như sau, “Tôi viết cho bạn những hàng này từ ngục thất, tay tôi bị xiềng, chờ ngày mai bị án tử hình. . . . Với sự trợ giúp của Đấng Christ, khi chúng ta gặp nhau trong cõi vĩnh phước, bạn sẽ học biết Đức Chúa Trời thương xót đã bày tỏ Ngài với tôi và đã nâng đỡ tôi trong sự cám dỗ và thử thách.”—Bonnechose, quyển 2, trang 67.TT20 96.2

    Từ cảnh ngục thất tối tăm, Huss thấy trước lẽ thật sẽ chiến thắng. Trong giấc mơ, ông trở lại nhà thờ Prague, là nơi ông đã giảng tin lành, ông thấy giáo hoàng và các giám mục đang xóa bỏ hình Đấng Christ mà ông đã vẽ trên tường. “Sự hiện thấy này làm ông rất đau lòng. Nhưng hôm sau ông lại thấy có nhiều họa sĩ vẽ lại nhiều hình Đấng Christ với những mầu sắc rực rỡ hơn. Công việc này hoàn thành, các họa sĩ, bao vây bởi đám đông, nói lớn rằng, ‘Bây giờ các giáo hoàng và giám mục hãy đến; họ sẽ chẳng bao giờ xóa bỏ được nữa!’ ” Khi nhà Cải chánh kể lại giấc mơ, ông tuyên bố rằng, “Tôi biết chắc chắn hình ảnh của Đấng Christ sẽ không bao giờ bị xóa bỏ. Họ muốn xóa bỏ hình Chúa, nhưng hình ảnh Ngài được vẽ lại trong lòng người bởi những nhà truyền đạo giỏi hơn tôi.”—D’Aubingé, quyển 1, chương 6.TT20 96.3

    Đây là lần cuối cùng Huss đứng hầu trước hội nghị. Đó là một hội nghị lớn lao, lộng lẫy—hiện diện có vua, các vương hầu trong đế quốc, các đại biểu hoàng gia, các hồng y giáo chủ, các giám mục, các linh mục, và một đoàn dân rất đông để quan sát biến cố vĩ đại trong ngày. Tín giáo khắp các nơi đều đổ xô về để chứng kiến sự hy sinh vĩ đại đầu tiên trong cuộc tranh đấu lâu dài để đem lại sự tự do tín ngưỡng.TT20 96.4

    Người ta cho Huss cơ hội để quyết định lần cuối cùng, nhưng ông nhất định không chối bỏ đức tin. Ông nhìn thẳng vào mặt vua, người đã không hổ thẹn nuốt lời hứa danh dự, và ông tuyên bố, “Tôi tự nguyện đến dự hội nghị này, với lòng tin cậy vào sự che chở của vua đang hiện diện tại đây.”—Bonnechose, bộ 2, trang 84. Mọi mắt đều nhìn vào Sigismund, thấy mặt vua thẹn đỏ bừng.TT20 97.1

    Án phạt tuyên xong, người ta cử hành nghi lễ bại hoại. Các giám mục mặc áo lễ cho tù nhân, và khi cầm áo lễ của linh mục, Huss nói, “Khi vua Hê-rốt truyền dẫn Đức Chúa Giê-su đến Phi-lát, người ta mặc cho Ngài một áo trắng dài để sỉ nhục Ngài.”—Bonnechose, bộ 2, trang 86. Được khuyên hãy đầu phục, tù nhân xây lại phía dân chúng mà trả lời rằng, “Làm sao tôi có thể ngước mặt ngó lên trời được nếu tôi làm vậy? Và mặt mũi nào nhìn xem đám đông mà tôi đã dạy họ đạo lý thuần túy của tin lành? Không; tôi quý trọng sự cứu rỗi của họ hơn thân thể hèn mọn, mà bây giờ bị lên án tử hình.” Và người ta cởi áo ông, từng cái một, và trên mỗi cái, từng giám mục tuyên lời rủa sả. Cuối cùng, “họ đội trên đầu ông một cái mũ bằng giấy hình kim tự tháp có vẽ hình ma quỷ dễ sợ, có viết chữ, ‘Trưởng đạo lạc.’ Ông Huss tuyên bố, ‘Tôi rất vui mừng đội mão sỉ nhục này vì yêu thương Đức Chúa Giê-su là Đang đã đội mão gai cho tôi.’ ”TT20 97.2

    Sau khi đã nhục mạ Huss xong, “các giám mục nói với người rằng, ‘Bây giờ chúng ta phó linh hon ngươi cho ma quỷ.’ Huss ngước mắt lên trời và nói, ‘Hỡi Đức Chúa Giêsu, con xin giao linh hồn con trong tay Ngài, vì Ngài đã cứu chuộc con.'”—Wylie, quyển 3, chương 7.TT20 97.3

    Đoạn ông được giao cho chính quyền và bị dẫn đến nơi hành hình. Một đoàn người rất đông theo sau, hằng trăm quân lính mang khí giới, các linh mục và giám mục ăn mặc sang trọng, và dân sự thành Constance. Lúc ông bị trói trên giàn hỏa để đốt, người ta khuyên ông một lần nữa hãy bỏ các sự sai lầm của mình để cứu mạng sống. Ông Huss hỏi, “Những sự sai lầm nào mà tôi phải bỏ? Tôi không phạm một sự sai lầm nào cả. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời làm chứng cho tôi rằng tất cả những điều tôi giảng dạy và viết ra không có mục đích nào khác là giải cứu các linh hồn ra khỏi tội lỗi và sự chết mất; vì thế, tôi vui mừng được lấy huyết tôi đóng ấn những lẽ thật tôi đã giảng và viết”—Wylie, quyển 3, chương 7. Khi ngọn lửa bùng lên chung quanh ông, thì ông cất tiếng hát, “Hỡi Đức Chúa Giê-su, Con vua Đa-vìt, xin hãy thương xót con.” Ông cứ hát cho đến chừng tiếng ông ngừng lại mãi mãi.TT20 97.4

    Cả những kẻ thù của Huss cũng lấy làm cảm phục chí khí anh hùng của ông. Một môn đồ sốt sắng của giáo hoàng, tả cảnh tử vì đạo của Huss, và sau đó không bao lâu, là của Jerome, như vầy, “Cả hai đều trung kiên cho đến giờ phút cuối cùng. Họ đã sửa soạn chịu thiêu đốt như sửa soạn đi dự tiệc cưới. Họ chẳng thốt ra một lời rên siết đau thương. Khi những ngọn lửa bốc lên, họ cất tiếng hát thơ thánh; và sức nóng của lửa khó có thể ngưng dứt tiếng hát họ được.”— Wylie, quyển 3, chương 7.TT20 98.1

    Khi thân thể của Huss đã bị thiêu đốt hoàn toàn, người ta hốt tro và đất nơi đó, rải xuống sông Rhine, rồi từ đó trôi ra đại dương. Những kẻ hành xử ông tưởng mình đã tận diệt được những lẽ thật mà ông rao giảng. Họ không hiểu rằng tro rải xuống biển chẳng khác nào hột giống gieo khắp đất và sẽ kết quả dư dật để làm chứng cho lẽ thật đến cả những xứ xa xôi chưa từng biết. Tiếng nói can đảm của nhà Cải chánh trong hội nghị Constance sẽ vang dội qua các thế hệ kế tiếp. Ông Huss không còn nữa, nhưng những lẽ thật ông rao truyền không thể chết được. Đức tin và lòng kiên trì của ông khuyến khích một số đông người trung thành với lẽ thật, mặc dù bị hành hạ hay phải chết. Sự hành hình ông phô bày sự tàn ác của La Mã cho cả thế gian. Những kẻ thù của lẽ thật đã vô tình góp phần vào sự phát triển lẽ thật mà họ muốn tiêu hủy.TT20 98.2

    Một giàn hỏa thứ hai được dựng lên tại Constance. Huyết của một chứng nhân khác phải làm chứng cho lẽ thật. Khi vĩnh biệt Huss để đi dự hội nghị, Jerome đã khuyên ông hãy can đảm và cương quyết, hứa sẽ đến tiếp cứu ông trong giờ nguy biến. Vừa khi nghe tin bạn mình bị tù, môn đồ trung thành này lập tức thi hành lời hứa. Ông liền lên đường đi Constance, không có giấy thông hành an toàn, chỉ có một người bạn đi theo ông. Tới nơi, ông biết mình không thể tiếp cứu Huss được và thấy mình cũng sắp bị nạn nữa. Ông trốn ra ngoài thành phố, nhưng bị lính bắt ngay trên đường về nhà và bị xiềng lại. Khi ứng hầu lần đầu trước hội nghị, ông cố gắng bào chữa, nhưng người ta la lên, “Hãy đốt hắn! Hãy đốt hắn!”—Bonnechose,bộl, trang 234. Bị bỏ vào ngục thất, bị xiềng cách đau đớn, đồ ăn chỉ có bánh mì và nước lạnh. Sau vài tháng dưới sự đối xử độc ác trong cảnh tù tội này, Jerome bệnh nặng gần chết; kẻ thù sợ ông chết, nên đối đãi với ông đỡ cay nghiệt hơn, mặc dù ông vẫn bị giam trong ngục thất trọn một năm.TT20 98.3

    Sự chết của Huss không đem lại kết quả mà những kẻ thù mong muốn. Sự vi phạm giấy thông hành an toàn của ông đã gây nhiều chấn động, vì thế để được an toàn, hội nghị quyết định ép Jerome đầu phục hơn là đốt người. Ông bị điệu đến trước hội nghị, được lựa chọn hai điều là đầu phục hay giàn hỏa. Khi ông mới bị giam, thì sự chết đối với ông như là một ân điển sánh với những sự đau khổ mà ông phải trải qua. Nhưng bây giờ ông yếu nhiều vì đau ốm, vì bị tra tấn, xa cách bạn hữu, thất vọng vì sự chết của Huss, nên ông bằng lòng đầu phục hội nghị. Ông hứa nguyện sẽ tuân theo đức tin Công giáo, công nhận chỉ dụ lên án giáo lý của Wycliffe và Huss, tuy nhiên ông không bỏ “lẽ thật thánh khiết” má họ đã giảng dạy.—Bonnechose, bộ 2, trang 141.TT20 99.1

    Bởi sự nhượng bộ tùy thời ấy, Jerome ước mong làm dịu tiếng lương tâm va tránh khỏi sự chết. Nhưng khi trở về cảnh cô độc nơi ngục thất, ông hiểu rõ hơn điều mình đã làm. Ông nghĩ đến lòng can đảm và trung thành của Huss, trái ngược với sự nhút nhát của mình đã chối bỏ lẽ thật. Ông liên tưởng đến Chúa mà ông đã hứa nguyện hầu việc, và Ngài đã chết trên thập tự giá vì yêu thương linh hồn ông. Trước khi đầu phục, Jerome được ân điển Chúa nâng đỡ trong cơn đau khổ; nhưng bây giờ tâm hồn ông bối rối bởi hoài nghi và ân hận. Ông hiểu rằng muốn được yên ổn với La Mã thì phải chối bỏ những điều khác nữa, và nếu đi theo đường lối ấy, thì cuối cùng sẽ bỏ đạo hoàn toàn. Cho nên ông quyết định không chối bỏ Cứu Chúa mình để tránh những sự đau đớn tạm thời.TT20 99.2

    Không bao lâu ông lại bị dẫn đến trước hội nghị. Các quan án chưa thỏa lòng sự đầu phục của ông. Lòng khát máu của họ tăng thêm với sự chết của Huss, khiến họ muốn giết thêm những nạn nhân khác. Jerome muốn khỏi chết thì phải chối bỏ lẽ thật cách trọn vẹn. Nhưng ông đã nhất định giữ vững đức tin và theo chân người bạn tử vì đạo của mình tới giàn hỏa.TT20 99.3

    Ông rút lại lời đầu phục và với tư cách một người sắp chết, trân trọng yêu cầu được cơ hội bênh vực duyên cớ mình. Các giám mục sợ ảnh hưởng lời chứng của Jerome, nên quyết định đòi ông chỉ cần xác nhận hay chối bỏ những lời vu cáo nghịch cùng ông. Jerome phản đối sự bất công và tàn nhẫn ấy. Ông nói, “Các ông đã giam tôi ba trăm bồn mươi ngày trong ngục thất tối tăm, dơ dáy, hôi hám, thiếu thốn mọi sự; rồi các ong biểu tôi ứng hầu trước mặt các ông, và các ông không muốn nghe tôi bênh vực duyên cớ tôi. . . .Nếu các ông quả thật là những người khôn ngoan, là sự sáng của thế gian, thì hãy giữ mình đừng phạm sự bất công. Đối với tôi, tôi chỉ là một người phàm yếu ớt, đời sống tôi chẳng đáng giá bao nhiêu; và khi tôi khuyên các ông đừng kết án bất cong, ấy là tôi nói cho các ông nhiều hơn là cho tôi vậy.”—Bonnechose, bộ 2, trang 146, 147.TT20 100.1

    Lời yêu cầu cuối cùng được chấp thuận. Trước sự hiện diện của các quan án, Jerome quỳ gối cầu xin Đức Thánh Linh hướng dẫn tư tưởng và lời nói mình, hầu cho ông không nói điều chi trái với lẽ thật hay không xứng đáng với Chúa mình. Đối với ông, hôm đó lời hứa của Chúa cho các môn đồ đầu tiên đã được ứng nghiệm, “Lại vì cớ ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Song khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó. Ây chang phải tự các ngươi nói đâu, song là Thánh Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra” (Ma-thi-ơ 10:18-20).TT20 100.2

    Những lời của Jerome khiến các kẻ thù của ông ngạc nhiên và thán phục. Ông bị giam trong ngục thất tối tăm một năm trường, không đọc sách được và phải chịu biết bao nhiêu sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Nhưng lời ông nói rất rõ ràng và quyền phép như là ông có cơ hội để nghiên cứu. Ông chỉ cho các quan án biết từ đời này tới đời kia, biết bao nhiêu người đã bị kết án cách bất công. Hầu hết trong mọi thế hệ, có những người bị sỉ nhục và bị lên án trong khi họ nâng cao đời sống dân chúng, nhưng về sau, họ lại được tôn vinh. Chính Đấng Christ cũng bị lên án là gian ác trong một tòa án bất công.TT20 100.3

    Trong lúc đầu phục, Jerome đã nhìn nhận sự lên án Huss là công bình; bây giờ ông tuyên bố rất ân hận và làm chứng về sự vô tội và thánh khiết của nhà tử vì đạo. Ông nói, “Tôi biết John Huss từ khi ông còn nhỏ. Ông là một người hoàn toàn, công bình, thánh thiện; ông ấy bị kết án mặc dù vô tội. . . . Còn tôi đây, tôi cũng sẵn sàng chết; tôi không lui trước sự hình phạt mà những kẻ thù và kẻ làm chứng dối đang sửa soạn cho tôi, những kẻ ấy một ngày kia sẽ phải khai trình những điều giả dối trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng không ai có thể lừa dối được.”—Bonnechose, bộ 2, trang 151.TT20 101.1

    Tự trách về sự chối bỏ lẽ thật của mình, Jerome nói tiếp, “Tất cả tội lỗi tôi đã phạm từ hồi niên thiếu, không có tội nào đè nặng tâm trí tôi và gây cho tôi ân hận đau đớn bằng tội tôi đã phạm khi tôi tán thành án phạt Wycliffe, và nhà tử vì đạo thánh thiện, John Huss, là thầy và bạn của tôi. Phải! Tôi thú nhận tự đáy lòng và tuyên bố cách run sợ là tôi đã thất bại cách hổ thẹn, vì sợ chết mà lên án giáo lý của họ. Vậy tôi cầu xin . . . Đức Chúa Trời Toàn năng tha thứ mọi tội lỗi tôi, đặc biệt tội này là tội ghê gớm hơn cả.” Chỉ vào mặt các quan án, Jerome nói cách quả quyết rằng, “Các ông kết án Wycliffe và John Huss, không phải vì họ làm lay chuyển giáo lý hội thánh, nhưng chỉ vì họ đã tiết lộ sự bại hoại của những nhà lãnh đạo tôn giáo, như sự xa hoa, kiêu ngạo, và những tội ác của các giám mục và linh mục. Những điều họ đã nói là đúng sự thật, không chối cãi được, tôi cũng tin như vậy, và cũng nói giống như họ vậy.”TT20 101.2

    Lời nói của ông bị chặn đứng. Các giám mục giận run lên, la lớn, “Có cần bằng chứng nào nữa? Chúng ta đã thấy tận mắt kẻ lạc đạo bướng bỉnh nhất!”TT20 101.3

    Không nao núng trước cơn giận dữ của các giám mục, Jerome nói tiếp, “Các ông tưởng tôi sợ chết sao? Các ông đã giam tôi trọn một năm trong ngục thất kinh tởm, đáng sợ hơn sự chết. Các ông đã đối xử với tôi cách hung ác hơn một người Thổ Nhĩ Kỳ, một người Giu-đa, hay một người ngoại, va thịt tôi đã thúi trên xương tôi; vậy mà tôi chẳng hề phàn nàn, vì sự phàn nàn không xứng với người có tâm trí; nhưng tôi rất lấy làm ngạc nhiên về sự quá dã man đối với một Cơ Đốc nhân.”—Bonnechose, bộ 2, trang 151-153.TT20 101.4

    Sự ồn ào giận dữ lại nổi lên, và Jerome bị dẫn vào ngục cách vội vã. Tuy nhiên, lời nói của ông gây ảnh hưởng sâu đậm cho một số người trong hội nghị và họ muốn cứu ông. Các nhà lãnh đạo hội thánh đến thăm ông và giục ông phục tùng hội nghị. Người ta hứa ban thưởng trọng hậu nhất nếu ông không chống lại La Mã. Nhưng giống như Chúa khi được hứa ban cho sự vinh hiển thế gian, ông giữ vững lòng trung kiên.TT20 101.5

    Ông nói, “Hãy lấy Kinh Thánh chỉ cho tôi thấy sự sai lầm của tôi, thì tôi sẽ từ bỏ.”TT20 102.1

    Một trong những người dụ dỗ nói, “Kinh Thánh! Há phải lấy Kinh Thánh mà phán xét mọi sự chăng? Ai có thể hiểu được Kinh Thánh nếu giáo hội không giải thích?”TT20 102.2

    Jerome đáp, “Có phải những lời truyền khẩu của loài người đáng tin hơn phúc âm của Đấng Cứu Thế chăng? Sứ đồ Phao-lô chẳng bao giờ khuyên nghe theo những lời truyền khẩu của loài người nhưng nói, ‘Hãy dò xem Kinh Thánh.’”TT20 102.3

    Một hồng y giáo chủ ngó Jerome cách giận dữ mà nói rằng, “Lạc đạo! Ta lấy làm tiếc đã bào chữa cho ngươi rất lâu. Ma quỷ ở trong lòng ngươi.”—Wylie, quyển 3, chương 10.TT20 102.4

    Chẳng bao lâu sau, Jerome bị lên án tử hình và được dẫn đến chỗ mà Huss đã bỏ mạng. Ông đi đến nơi hành hình, vừa đi vừa hát, mặt ông sáng rực với niềm vui và sự bình an. Mắt ông chăm nhìn Đấng Christ và đối với ông, sự chết không còn kinh khủng nữa. Lúc đốt giàn hỏa, người hành quyết lùi ra phía sau ông, nhưng vị anh hùng tử vì đạo la lên, “Hãy mạnh dạn thi hành đi, hãy đốt lửa trước mặt ta. Nếu ta sợ, ta đã không có mặt ở nơi đây.”TT20 102.5

    Những lời cuối cùng của Jerome là lời cầu nguyện, khi ngọn lửa bao quanh ông, “Lạy Chúa là Cha Toàn Năng, xin thương xót con và tha tội cho con, vì Cha biết rằng con luôn luôn yêu mến lẽ thật.”—Bonnechose, bộ 2, trang 168. Tiếng ông không còn nữa, nhưng môi ông còn thì thầm lời cầu nguyện. Khi ngọn lửa đã tàn, người ta hốt tro của nhà tử vì đạo và đất dưới chân ông, rải xuống sông Rhine, như đã làm cho Huss vậy.TT20 102.6

    Những người trung thành rao truyền sự sáng của Chúa đã bị tiêu diệt. Nhưng lẽ thật mà họ giảng dạy cũng như gương anh hùng của họ, không có thể dập tắt được. Cũng một thể ấy, loài người không thể khiến mặt trời đi ngược chiều để ngăn cản rạng đông chiếu sáng trên địa cầu được.TT20 102.7

    Sự hành hình John Huss đã gây một cơn phẫn uất kinh khủng ở Bô-hê-mia. Cả dân tộc đều có cảm tưởng ông là nạn nhân của các linh mục xảo quyệt và của nhà vua phản bội. Ông được tuyên bố là thầy giảng trung tín rao truyền lẽ thật, còn hội nghị thì bị lên án phạm tội sát nhân vì đã xử tử ông. Đạo lý của ông bây giờ được chú ý hơn lúc nào hết. Chỉ thị giáo hoàng đã truyền đốt những sách của Wycliffe. Nhưng những sách đã giấu kín không bị đốt, nay được đem ra để học chung với Kinh Thánh, và nhờ thế mà nhiều người tiếp nhận đức tin cải chánh.TT20 103.1

    Những kẻ giết Huss không đứng yên nhìn xem sự chiến thắng của ông. Giáo hoàng và nhà vua hiệp sức để nghiền nát phong trào cải chánh, và các đạo binh của Sigismund tiến tới Bô-hê-mia.TT20 103.2

    Nhưng một người giải cứu xuất hiện. Ziska vừa sau khi khai chiến đã bị mù, tuy nhiên ông là một đại tướng xuất chúng nhất trong thời bấy giờ của người Bô-hê-mia. Tin cậy nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và chính nghĩa của mình, dân chúng đã chống cự các đạo binh mạnh mẽ nhất. Nhiều lần nhà vua đem quân đội xâm chiếm Bô-hê-mia, nhưng đã phải rút lui cách nhục nhã. Những môn đồ của Huss không sợ chết, không chi có thể ngăn cản họ nổi. Vài năm sau khi chiến tranh bùng nổ, vị tướng anh hùng Ziska qua đời; tướng Procopius thay thế, ông này cũng can đảm, có tài và trổi hơn Ziska trong vài phương diện.TT20 103.3

    Hay tin vị tướng mù qua đời, quân thù của Bô-hê-mia tưởng đã đến lúc thuận tiện để chiếm lại những gì họ đã mất. Giáo hoàng tuyên chiến cùng phe Huss, và một lần nữa, một đạo quân lớn xông tới Bô-hê-mia nhưng bị thất trận nặng nề. Một cuộc vận động khác được tổ chức. Trong các nước Âu châu dưới quyền giáo hoàng, nhân sự, tiền bạc và khí giới được tăng cường. Rất đông người đến núp dưới bóng cờ giáo hoàng, tin chắc mình sẽ hủy diệt được đồ đệ “tà giáo” của Huss. Tin tưởng sẽ thắng trận, lực lượng lớn này tiến vào Bô-hê-mia. Dân chúng hiệp nhau chống lại. Hai đạo binh xáp gần nhau cho đến khi chỉ còn có con sông phân cách họ. “Chiến sĩ thập tự quân đông hơn rất nhiều và đã vượt đường sá xa xôi, nhưng thay vì qua sông để giao chiến cùng phe Huss, họ lại đứng yên lặng nhìn xem các chiến sĩ của đối phương” (Wylie, quyển 3, chương 17). Thình lình một sự kinh hãi bí mật đến trên họ. Đạo quân hùng mạnh không ra tay tấn công mà bỗng nhiên tan rã và bỏ chạy tản lạc, dường như bị hành hại bởi một quyền lực vô hình. Đạo binh của Huss giết chết một số đông thập tự quân, đuổi theo những kẻ chạy trốn và thâu được nhiều chiến lợi phẩm. Như thế cuộc chiến này, thay vì đem lại sự nghèo khó cho người Bô-hêmia, lại làm họ giàu thêm.TT20 103.4

    Vài năm sau, một giáo hoàng mới lại lập một đoàn thập tự quân khác. Cũng như lần trước, binh sĩ và tiền bạc được thu thập trong các nước dưới quyền giáo hoàng ở Âu châu. Những người nhập vào thập tự quân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi. Một binh sĩ thập tự quân được tha hết những tội phạm. Những người tử trần được hứa ban phần thưởng lớn trên thiên đàng, và với những người còn sống sót thì được của cải và chức tước. Một lần nữa, một đạo binh lớn vượt qua biên giới, xông vào Bô-hê-mia. Đạo binh Huss rút lui, nhử họ tiến sâu vào trong xứ, để họ tưởng rằng đã thắng trận. Nhưng đạo binh của Procopius dừng lại, xay mặt phía đối phương, tiến tới tranh chiến cùng họ. Bấy giờ thập tự quân mới nhận thấy mình mắc mưu, nên núp ở trong trại để chờ giao chiến. Khi nghe tiếng đạo quân Huss đến gan, mặc dầu chưa thấy họ, binh sĩ thập tự quân đã thấy kinh khiếp. Các vương hầu, tướng quân, binh sĩ liệng khí giới chạy tán loạn. Vị chỉ huy của giáo hoàng cố gắng tập trung những binh sĩ kinh khiếp và mất trật tự đó nhưng vô hiệu. Dù cố gắng hết sức, chính ông cũng bị cuốn theo đạo quân tẩu thoát. Họ hoàn toàn bại trận và rất nhiều chiến lợi phẩm rơi vào tay phe thắng trận.TT20 104.1

    Như thế là lần thứ hai đạo binh hùng cường nhất của các nước Âu châu, gồm những binh sĩ can đảm, thiện chiến, được huấn luyện và trang bị cho chiến trường, đã phải chạy trốn trước đạo binh tự vệ của một nước nhỏ bé, yếu đuối. Đó là do sự can thiệp của quyền phép Đức Chúa Trời mà những kẻ xâm chiếm khiếp sợ. Đấng đã tiêu diệt đạo binh Pha-raôn tại Biển Đỏ, đã khiến đạo binh Mi-đi-an chạy trốn trước Ghê-đê-ôn với ba trăm quân và trong một đêm đã hủy diệt đạo binh A-sy-ri, cũng còn giơ tay Ngài ra để hạ quyền lực của kẻ hà hiếp. “Nơi chẳng có sự kinh khiếp, chúng nó bị cơn kinh khiếp áp bắt; vì Đức Chúa Trời rải rắc cốt hài của kẻ đóng đối nghịch ngươi. Ngươi đã làm cho chúng nó hổ thẹn, vì Đức Chúa Trời từ bỏ chúng nó” (Thi thiên 53:5).TT20 104.2

    Các nhà lãnh đạo của giáo hoàng thất vọng về sự dung võ lực, nên bây giờ lại dùng ngoại giao. Họ lập ra mưu kế hòa giải, tuyên bố cho phe Huss tự do tín ngưỡng nhưng thật ra là lừa gạt để họ phục dưới quyền thế La Mã. Người Bô-hê-mia nêu ra bốn điểm như là điều kiện để kết hòa với La Mã: được tự do rao truyền Kinh Thánh; cả hội chúng đều được phép ăn bánh và uống rượu nho trong tiệc thánh, và dùng tiếng bổn xứ trong việc thờ phượng; các giáo sĩ không được tham gia chính trị; và trong trường hợp phạm pháp, giáo sĩ cũng như giáo hữu phải ứng hầu trước tòa án dân sự. Sau cùng các nhà lãnh đạo giáo hoang “chấp thuận bốn điểm của phe Huss, nhưng tuyên bố rằng quyền giải thích và định nghĩa các điểm này sẽ la công việc của hội nghị, nghĩa là của giao hoàng và nhà vua” (Wylie, quyển 3, chương 18). Đó là nền tảng của hòa ước, như thế la La Mã đã dùng sự giả dối để đạt được mục đích mà họ không thể đạt được bằng võ lực. Bây giờ họ được tự do định nghĩa các điều kiện của phe Huss, như họ đã làm với Kinh Thanh, hẳn nhiên là họ phải giải thích cho hợp với mục đích của họ.TT20 104.3

    Một số đông dân chúng ở Bô-hê-mia thấy sự tự do bị đe dọa nên không chấp thuận hòa ước. Vì vậy sự bất đồng ý kiến và phân rẽ bùng nổ, dẫn đến tranh chiến và đổ máu ở trong nước. Trong cuộc đấu tranh này, nhà quý phái Procopius thất bại và sự tự do của Bô-hê-mia bị tiêu diệt.TT20 105.1

    Sigismund đã phản bội Huss và Jerome, bây giờ làm vua xứ Bô-hê-mia. Mắc dù đã thề bênh vực quyền lợi cho nước này, ông lại lập quyền thế giáo hoàng lên trong xứ. Nhưng tinh thần lệ thuộc của vua đối với La Mã chẳng lợi ích chi cho vua cả. Trong hai mươi năm trường, đời của vua chỉ gặp những sự khốn khổ và nguy hiểm. Quân đội của vua tiêu hao, tai chánh kiệt quệ vì cuộc tranh đấu lâu dài vô hiệu quả, và bây giờ, sau khi trị vì một năm, vua băng hà; nước nhà lâm vào cảnh nội chiến và lưu lại cho hậu the một tiếng nhơ nhục nhã.TT20 105.2

    Những sự hỗn độn, loạn lạc, và đổ máu cứ tiếp diễn. Những đạo binh ngoại quốc xâm chiếm Bô-hê-mia, và những cuộc nội chiến làm cho quốc gia bối rối. Những người trung tín với phúc âm phải đương đầu với một cuộc bắt bớ đẫm máu.TT20 105.3

    Khi những cựu đồng đạo lập hòa ước với La Mã và tiêm nhiễm những sự sai lầm của giáo hội, những người trung thành với đức tin tổ phụ hiệp lại lập thành một hội thánh riêng biệt, lấy tên là “Hội Anh Em Hiệp Một.” Hành động này bị mọi giai cấp rủa sả, nhưng sự cương quyết của họ không hề lay chuyển. Bắt buộc phải tìm nơi ẩn náu trong rừng rậm hay hang sâu, họ vẫn hiệp nhau đọc lời Chúa và thờ phượng Ngài.TT20 105.4

    Qua các sứ giả sai đi cách kín giấu trong các xứ, họ biết rằng rải rác đây đó đều có “những người làm chứng cho lẽ thật, bị bắt bớ như họ; và trong dãy núi Alps, có một hội thánh lập trên nền tảng của Kinh Thánh, và chống lại sự thờ hình tượng của La Mã.—Wylie, quyển 3, chương 19. Họ rất vui mừng biết được tin này và viết thư cho các Cơ Đốc nhân Waldenses.TT20 106.1

    Trung thành với tin lành, dân Bô-hê-mia mặc dù trải qua những cuộc bắt bớ dữ dội, trong giờ phút đen tối nhất, họ vẫn ngước mắt nhìn lên chân trời như những người mong chờ ánh bình minh. “Họ sống trong thời kỳ khốn khổ, nhưng . . . nhớ lại những lời của Huss và được Jerome lập lại, là phải trải qua một thế kỷ trước khi ngày tươi sáng xuất hiện. Những lời ấy đối với đồ đệ Huss chẳng khác gì những lời của Giô-sép nói với mười hai chi phái trong khi họ làm no lệ, ‘Tôi sẽ chết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em, và đem các anh em ra khỏi xứ này’.”—Wylie, quyển 3, chương 19. “Cuối thế kỷ thứ mười lăm, những Hội Anh Em được tấn tới, tuy chậm nhưng chắc chắn. Mặc dù gặp rắc rối, họ cũng tương đối được bình an. Đầu thế kỷ thứ mười sáu, có hai trăm hội thánh ở Bô-hê-mia và Mô-ra-via.”—Ezra Hall Gillett, Life and Times of John Huss, quyển 2, trang 570. “Như thế là một số đông người còn sống sót, tránh khỏi gươm và lửa, được phép nhìn thấy rạng đông của ngày mà Huss đã nói trước.”—Wylie, quyển 3, chương 19.TT20 106.2

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents