Loading...
Larger font
Smaller font
Copy
Print
Contents

Thiện Ác Đấu Tranh

 - Contents
  • Results
  • Related
  • Featured
No results found for: "".
  • Weighted Relevancy
  • Content Sequence
  • Relevancy
  • Earliest First
  • Latest First
    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents

    38—Lời Cảnh Báo Cuối Cùng

    SAU ĐIỀU ĐÓ, tôi thấy một vị thiên sứ khác ở trên trời xuống, người có quyền lớn, và sự vinh hiển người chiếu rực rỡ trên đất. Người kêu lớn tiếng rằng: Ba-by-lôn lớn đã đổ rồi, đã đổ rồi! Thành ấy đã trở nên chỗ ở của các ma quỷ, nơi hang hố của mọi tà thần, hang hố của mọi giống chim dơ dáy mà người ta gớm ghiếc.” “Tôi lại nghe một tiếng khác từ trên trời đến rằng: Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi Ba-bylôn, kẻo các ngươi dự phần tội lỗi với nó, cũng chịu những tai họa nó nữa chăng” (Khải huyền 18:1, 2, 4).TT20 532.1

    Đoạn Kinh Thánh này ám chỉ thời gian mà thiên sứ thứ hai rao báo về sự sụp đổ của Ba-by-lôn như đã ghi trong Khải huyền 14:8, và sứ điệp đó sẽ được lập lại, lần nay có them lời cảnh cáo về sự bại hoại đã len lỏi vào các tổ chức khác nhau, gọi chung là Ba-by-lôn, kể từ lúc sứ điệp được truyền ra vào mùa hè năm 1844. Ở đoạn này người ta sẽ thấy sự diễn tả cách đáng sợ tình trạng của thế giới tôn giáo. Khi người ta chối bỏ lẽ thật, tâm trí sẽ mờ tối, lòng họ cứng hơn, và cuối cùng là đi đến sự bội nghịch. Mặc dầu có những lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời, họ vẫn tiếp tục chà đạp một trong Mười Điều răn, và đi đến việc bắt bớ những người coi điều răn ấy là thánh. Người ta coi thường Đấng Christ qua sự khinh bỉ luật pháp và dân sự Ngài. Giáo lý vong hổn hiện thuyết được tiếp nhận vào hội thánh, tính xác thịt của họ không còn bị kiềm chế nữa, và tôn giáo trở thành chiếc áo khoác che giấu những tội lỗi đê tiện nhất. Sự tin tưởng vào những hiện tượng của ma quỷ, dọn đường cho những cám dỗ và đạo lý của quỷ sứ, như vậy các hội thánh chịu ảnh hưởng của các thiên sứ sa ngã.TT20 532.2

    Ba-by-lôn được nói đến qua lời tiên tri sau đây, “Vì tội lỗi nó chất cao tày trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian ác nó” (Khải huyền 18:5). Tội lỗi nó chồng chất, và nó sắp bị hủy diệt. Tuy nhiên, ở Ba-by-lôn Đức Chúa Trời còn có một nhóm dân, và trước khi nó chịu hình phạt, những con cái trung tín của Ngài phải được gọi ra khỏi đó, hầu cho “không dự phần tội lỗi với nó, cũng không chịu những tai họa của nó.” Do đó, sự kêu gọi này được tiêu biểu bằng một thiên sứ đến từ trời làm cho thế gian sáng ngời bởi sự vinh hiển của mình và rao báo về tội lỗi của Ba-by-lôn. Cùng một lúc với sự rao báo này có lời kêu gọi, “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn.” Lời tuyên phán này kết hợp với sứ điệp của thiên sứ thứ ba tạo nên lời cảnh cáo cuối cùng cho dân cư trên đất.TT20 533.1

    Thế gian sắp chịu sự trừng phạt khủng khiếp. Các quyền lực của thế gian cấu kết với nhau để chống lại điều răn của Đức Chúa Trời, sẽ ban sắc lịnh “mọi người, nhỏ và lớn, giàu và nghèo, tự chủ và tôi mọi” (Khải huyền 13:16), đều phải giữ những tập tục của hội thánh để tuân giữ ngày sa-bát giả. Ai từ chối tuân theo sẽ bị chính quyền trừng phạt và cuối cùng sẽ bị giết. Mặt khác, luật pháp Đức Chúa Trời đã ấn định ngày nghỉ theo Đấng Sáng tạo, đòi hỏi sự tuân giữ triệt để, và ai vi phạm tín điều này, sẽ nhận lấy cơn thạnh nộ của Chúa.TT20 533.2

    Lời cảnh cáo quá rõ ràng, ai chà đạp luật pháp của Đức Chúa Trời để tuân theo chỉ thị của loài người, sẽ nhận dấu con thú; nhận dấu của thế lực mà họ đã chọn để vâng phục, thay vì vâng phục Đức Chúa Trời. Đây là lời cảnh cáo đến từ thiên đàng, “Nếu ai thờ phượng con thú cùng tượng nó, và chịu dấu nó ghi trên trán hay trên tay, thì người ấy cũng vậy, sẽ uống rượu thạnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót trong chén thạnh nộ Ngài” (Khải huyền 14:9, 10).TT20 533.3

    Tuy nhiên, không có người nào uống rượu thạnh nộ của Đức Chúa Trời trước khi lẽ thật được tỏ bày cho họ, và họ đã chối bỏ. Có nhiều người chưa bao giờ được cơ hội nghe về lẽ thật đặc biệt cho thời đại này. Sự vâng giữ điều răn thứ tư chưa được giải thích cho họ một cách rõ ràng. Đấng thấy rõ lòng người và biết mọi động lực sẽ không để cho bất cứ người nào muốn biết lẽ thật mà lại bị lừa gạt trong cuộc thiện ác đấu tranh. Mạng lệnh Chúa không bắt buộc loài người một cách mù quáng. Mọi người đều có đủ ánh sáng để quyết định một cách khôn ngoan.TT20 533.4

    Ngày Sa-bát sẽ là một sự thử nghiệm lớn cho sự trung tín, vì đây là một lẽ thật được tranh luận đặc biệt. Khi loài người được đưa ra thử nghiệm, người ta sẽ thấy rõ sự phân biệt giữa những người phụng sự Chúa và những người không phụng sự Ngài. Vâng giữ ngày sa-bát giả, trái với điều răn thứ tư, la vâng phục luật pháp quốc gia, trung thành với một quyền lực chống lại Đức Chúa Trời; còn vâng giữ ngày Sa-bát thật là tuân theo luật pháp Đức Chúa Trời, bằng chứng của sự trung tín đối với Đấng Tạo Hóa. Trong lúc có một so người, vì chap nhận dấu phục tùng quyền lực thế gian, sẽ nhận dấu con thú; còn một số khác, lựa chọn trung tín với quyền lực thiên thượng, sẽ nhận ấn của Đức Chúa Trời.TT20 534.1

    Cho tới nay những người giảng về sứ điệp của thiên sứ thứ ba đều bị coi như những người báo động mà thôi. Người ta coi rẻ lời dự ngôn của họ về Hoa Kỳ sẽ mất tự do tín ngưỡng, chính quyền và các hội thánh sẽ liên kết với nhau để bắt bớ những người giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Người ta vẫn quả quyết rằng quốc gia này sẽ không bao giờ chối bỏ quá khứ của mình—là kẻ bênh vực quyền tự do tín ngưỡng—nhưng khi vấn đề giữ ngày Chủ nhật được khích động, thì biến cố mà người ta vẫn thường nghi ngờ, tưởng chừng như không thể xảy ra, bây giờ đang tiến tới, và sứ điệp thứ ba sẽ gây ra một ảnh hưởng chưa từng thấy.TT20 534.2

    Ở mỗi thế hệ Đức Chúa Trời có sai tôi tớ Ngài cáo trách tội lỗi của thế gian và của hội thánh. Nhưng loài người thích nghe những lời êm tai, nên không tiếp nhận lẽ thật thánh khiết. Nhiều nhà cải chánh lúc khởi đầu chức vụ mình, chọn giải pháp rất thận trọng khi cáo trách tội lỗi của hội thánh và quốc gia. Họ hy vọng dùng gương sáng của đời sống thanh sạch và tin kính mà loi cuốn dân chúng trở về với đạo lý Kinh Thánh. Nhưng Thần của Đức Chúa Trời đến với họ như đã đến với Ê-li, thúc giục Ê-li phải cáo trách một vị vua tội lỗi và một dân sự bội nghịch; vì vậy họ không thể nào tránh né việc rao truyền những lời dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh—mà trước kia họ đã do dự không dám trinh bày. Họ bị bắt buộc phải rao báo lẽ thật cách nhiệt thành và cảnh cáo những mối nguy hại đang đe doạ loài người. Họ phải nói ra những lời mà Đức Chúa Trời đã để trong miệng họ, không chút lo sợ những hậu quả, và buộc dân chúng phải nghe lời cảnh cáo.TT20 534.3

    Sứ điệp của thiên sứ thứ ba sẽ được rao truyền như vậy. Trong khi chờ đợi sự rao báo với quyền năng lớn nhất, Chúa sẽ hành động qua những người khiêm nhường, hướng dẫn tâm trí của những người dâng mình hầu việc Ngài. Khả năng của những người nay được Đức Thánh Linh xức dầu chứ không do các trường huấn luyện. Những người đầy dẫy đức tin và luôn luôn cầu nguyện sẽ cảm thấy có nhiệt tâm đi rao giảng lời Đức Chúa Trời. Tội lỗi của Ba-by-lôn sẽ bị phơi bày. Hậu quả khủng khiếp của những luật lệ hội thánh do chính quyền bắt buộc, sự xâm nhập cua vong hồn hiện thuyết, sự tiến triển âm thầm nhưng nhanh chóng của thế lực giáo hoàng, thảy đều được phô bày. Dân chúng sẽ bị khích động bởi những lời cảnh cáo nghiêm trọng này. Hằng ngàn hằng vạn người sẽ nghe những lời mà họ chưa từng nghe bao giờ. Họ hết sức ngạc nhiên khi nghe rằng Ba-by-lôn chính là hội thánh, sụp đổ vì những sự sai lầm và tội lỗi, vì sự chối bỏ lẽ thật của thiên đàng. Nhiều người rất lo ngại, đến hỏi các nhà lãnh đạo tinh thần về những sự việc đó có thật như vậy chăng, thì họ sẽ được kể cho nghe những chuyện huyễn, những lời êm tai, cốt để trấn an những nỗi lo lắng và xoa dịu tâm thần. Tuy nhiên, có nhiều người không thỏa mãn với những lý luận của nhóm lãnh đạo, đã đặt câu hỏi, “Đức Giê-hô-va có phán vậy không?”—thì những nhà truyền đạo, giống như những người Pha-ri-si hồi xưa, trở nên giận dữ, vì thấy uy quyền của họ bị va chạm, họ tố cáo rằng sứ điệp đó đến từ Sa-tan, và xúi giục những người ưa thích tội lỗi mắng nhiếc và đàn áp những người rao truyền sứ điệp ấy.TT20 535.1

    Khi sự tranh chấp chuyển sang lãnh vực mới, và khi con người lưu tâm đến luật pháp Đức Chúa Trời đã bị chà đạp, thì Sa-tan lại càng bị khích động. Quyền năng hỗ trợ sứ điệp này làm cho những người chống đối càng giận thêm. Hàng giáo phẩm cố gắng tột bực để che đậy ánh sáng e rằng bầy chiên của họ được soi sáng chăng! Họ dùng mọi phương cách dưới quyền mình để ngăn chặn việc thảo luận về những vấn đề thiết yếu này. Các hội thánh kêu gọi đến sức mạnh của chính quyền, và trong công việc này, phe giáo hoàng và phe Cải chanh liên kết với nhau. Phong trào bắt buộc giữ ngày Chủ nhật càng trở nên mạnh mẽ và quyết liệt hơn, và người ta yêu cầu ban hành một đạo luật chống lại những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời. Họ bị đe dọa phạt tiền và giam cầm, và một số người hứa ban cho những địa vị cao sang, phần thưởng hay quyền lợi khác nếu chịu chối bỏ đức tin. Nhưng giống như Luther khi gặp cùng một trường hợp, họ trả lời quả quyết rằng, “Hãy dùng lời Đức Chúa Trời để chỉ cho chúng tôi thấy điểm sai lầm của chúng tôi.” Những người bị tố cáo ra trước tòa án sẽ bênh vực lẽ thật một cách mãnh liệt, và có một số người sau khi nghe họ trình bày được thức tỉnh, đứng vào hàng ngũ của những người vâng giữ tất cả điều răn của Đức Chúa Trời. Nhờ đó mà ánh sáng của lẽ thật chiếu rọi trước mắt hằng ngàn người chưa bao giờ biết đến những điều ấy.TT20 535.2

    Ai hết lòng vâng giữ luật pháp Đức Chúa Trời sẽ bị coi là kẻ phản động. Nhiều bậc cha mẹ bị Sa-tan làm mù quáng, sẽ trở nên nghiêm khắc với con cái thành tín của mình; nhiều chủ nhân sẽ áp bức kẻ tôi tớ trong nhà vì họ giữ điều răn của Chúa. Sợi giây tình cảm sẽ cắt đứt; con cái sẽ bị truất quyền thừa kế và bị đuổi ra khỏi nhà. Những lời của sứ đồ Phao-lô sẽ ứng nghiệm, “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-su Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (2 Ti-mô-thê 3:12). Những người bênh vực lẽ thật, từ chối tôn trọng ngày Chủ nhật sa-bát, một số bị tống giam, một số bị lưu đày, và một số khác bị đối xử như nô lệ. Theo sự khôn ngoan của loài người, thì tất cả sự việc đó dường như không thể xảy ra được; nhưng khi Đức Thánh Linh bị rút khỏi loài người, thì họ sẽ bị dưới quyền kiểm soát của Sa-tan, là kẻ ghét điều răn của Đức Chúa Trời, lúc đó sẽ có nhiều việc lạ xảy ra. Khi đã mất sự kính sợ và yêu mến Đức Chúa Trời, thì con người có thể trở nên hung ác vô cùng.TT20 536.1

    Khi giông tố xảy đến, nhiều người xưng mình tin nhận sứ điệp thiên sứ thứ ba, nhưng vì không vâng phục lẽ thật để được nên thánh, sẽ chối bỏ đức tin và gia nhập hàng ngũ của kẻ thù. Qua sự liên kết với thế gian, và có một tâm trí như thế gian, họ cũng sẽ chia sẻ cùng một quan điểm; và khi sự thử thách đến, họ sẵn sàng chọn con đường dễ dàng, có đông người theo. Nhiều người rất có khả năng, ăn nói hoạt bát, trước đây đã vui mừng tiếp nhận lẽ thật, bây giờ lại xử dụng tài năng của mình để lừa gạt và dẫn các linh hồn vào con đường lầm lạc. Họ trở nên kẻ thù cay đắng nhất đối với những người đồng công với họ trước đây. Khi những người vâng giữ ngày Sa-bát bị gọi ra trước tòa án để trả lời về đức tin của họ, những kẻ bội nghịch này là đồ dùng hữu hiệu của Sa-tan để trình bày sai lạc và vu cáo họ, bằng những lời chứng dối và bóng gió hầu khích động các nhà lãnh đạo chống lại họ.TT20 536.2

    Đức tin của tôi tớ Chúa sẽ bị thử thách trong suốt thời gian bắt bớ này. Họ vẫn trung tín rao truyền lời cảnh cáo, chỉ coi trọng Đức Chúa Trời và lời Ngài. Đức Thánh Linh hành động trong lòng họ, bắt buộc họ phải lên tiếng. Chúa khơi dậy lòng nhiệt thành và thúc đẩy họ làm tròn sứ mạng là rao báo lời Đức Chúa Trời cho dân chúng mà không cần tính toán hậu quả sẽ ra sao. Họ không cân nhắc quyền lợi tạm thời của họ, cũng chẳng tìm cách gìn giữ danh tiếng hay mạng sống mình. Dù vậy, khi thấy sự chống đối và sỉ nhục đến với họ như một cơn bão tố, một vài người kinh hoàng, và kêu lên, “Nếu chúng tôi biết trước hậu quả như thế này, thì chúng tôi đã im tiếng.” Họ bị những sự khó khăn vây hãm tứ bề, và Sa-tan dùng sự cám dỗ mãnh liệt để tấn công họ. Dường như họ khó hoàn thành công việc mà họ đang theo đuổi. Sự hủy hoại đe dọa họ. Lòng nhiệt thành kích thích họ trước đây, bây giờ tiêu tan; dầu vậy, họ vẫn không thể lùi bước. Khi cảm thay sự bất lực hoàn toàn của mình, họ cầu nguyện Đức Chúa Trời tiếp sức cho họ. Họ nhớ lại lời mà họ đã nói ra không phải của chính họ, nhưng là lời của Đấng sai họ đi cảnh cáo muôn dân. Ngài đã để lẽ thật trong lòng họ, nên họ không thể làm gì khác hơn là rao truyền lẽ thật.TT20 537.1

    Các tôi tớ Đức Chúa Trời trong những thế hệ trước đã từng gặp những thử thách ấy. Wycliffe, Huss, Luther, Tyndale, Baxter, Wesley, đều khuyến khích dân chúng phải thử nghiệm các giáo lý bằng Kinh Thánh và tuyên bo rằng họ sẽ từ bỏ những điều nào mà Kinh Thánh lên án. Sự đàn áp chống lại họ trở nên dữ dội, nhưng họ vẫn không ngừng rao báo lẽ thật. Lịch sử hội thánh trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn được đánh dấu bằng sự phát triển của một vài lẽ thật đặc biệt, thích ứng cho nhu cầu của dân sự Đức Chúa Trời trong thời ấy. Những lẽ thật mới này đều phải đương đầu với sự ghen ghét và chống đối; những người có phước nhận được sự sáng ấy đều bị cám dỗ và thử thách. Đức Chúa Trời ban lẽ thật đặc biệt cho dân sự Ngài trong trường hợp khẩn cấp. Ai dám từ chối rao truyền lẽ thật ấy? Ngài chỉ thị tôi tớ Ngài loan báo lời mời gọi cuối cùng cho thế gian về lòng thương xót của Ngài. Họ không thể giữ im lặng vì sẽ nguy khốn cho linh hồn họ. Các sứ giả của Đấng Christ không lo sợ về hậu quả. Họ phải làm tròn nhiệm vụ và phó thác kết quả trong tay của Chúa.TT20 537.2

    Khi sự chống đối càng thêm dữ dội, tôi tớ Đức Chúa Trời càng thêm bối rối; tưởng dường như chính họ đã gây nên những khủng hoảng đó. Tuy nhiên, lương tâm và lời Đức Chúa Trời bảo đảm rằng đường lối họ là đúng; và mặc dầu cơn thử thách tiếp tục, họ được thêm sức để chịu đựng. Cuộc chiến càng gần và càng hung bạo, thì đức tin và lòng can đảm họ cang tăng thêm với sự hiểm nguy. Họ làm chứng rằng, “Chúng tôi không dám coi thường lời Đức Chúa Trời, phân chia luật pháp thánh của Ngài, coi phần này là thiết yếu, phần kia là không, hầu được cảm tình của thế gian. Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc có thể giải cứu chúng tôi. Đấng Christ đã chiến thắng các quyền lực thế gian, chúng tôi há sợ một thế gian đã thua cuộc sao?”TT20 538.1

    Sự bắt bớ, dưới nhiều hình thức khác nhau, là sự phát triển của một nguyên tắc còn tồn tại lâu dài khi Sa-tan còn tồn tại và Cơ Đốc giáo còn quyền lực. Không ai hầu việc Đức Chúa Trời mà không bị sự chống đối của quyền lực tối tăm. Quỷ sứ sẽ tấn công, e rằng ảnh hưởng của kẻ hầu việc Chúa sẽ cứu con mồi ra khỏi tay của chúng. Kẻ ác, như bị khiển trách bởi gương sáng của con cái Chúa, sẽ cấu kết với quỷ dữ, tìm cách phân ly họ với Đức Chúa Trời bằng mọi cám dỗ. Khi sự cám dỗ thất bại, quyền lực sẽ được áp dụng để đàn áp lương tâm.TT20 538.2

    Tuy nhiên, trong khi Đức Chúa Giê-su còn làm Đấng cầu thay cho loài người tại đền thánh trên trời, thì ảnh hưởng của Đức Thánh Linh vẫn còn chế ngự các nhà cầm quyền và dân chúng. Luật pháp quốc gia vẫn còn được tôn trọng phần nào, nếu không có những luật lệ đó thì tình trạng thế gian còn thảm hại hơn nhiều. Trong khi nhiều nhà cầm quyền là nhân viên đắc lực của Sa-tan, thì Đức Chúa Trời cũng có những người hầu việc Ngài trong những nhà lãnh đạo quốc gia. Kẻ thù thúc đẩy các tay sai của hắn đề nghị những dự luật để ngăn cản rất nhiều công việc của Đức Chúa Trời; nhưng nhờ ảnh hưởng của các thiên sứ, các chính khách kính sợ Chúa sẽ chống đối những đề nghị này bằng những lý luận không trả lời được. Bằng cách đó, chỉ một số ít người cũng ngăn cản được vô số điều ác. Những kẻ thù của lẽ thật bị kềm hãm để sứ điệp của thiên sứ thứ ba được rao giảng. Khi lời cảnh cáo cuối cùng được truyền ra, thì sẽ lôi cuốn được những nhà lãnh đạo mà Đức Chúa Trời đang làm việc qua họ, và một số sẽ chấp nhận sứ điệp, và sẽ đứng vào hàng ngũ của dân sự Chúa trong thời kỳ khó khăn.TT20 538.3

    Vị thiên sứ đến giúp cho sự rao truyền sứ điệp của thiên sứ thứ ba sẽ làm sáng cả thế gian với sự vinh hiển của mình. Thiên sứ báo trước công việc rộng lớn khắp hoàn cầu với quyền lực phi thường. Phong trào Cơ Đốc phục lâm 1840-1844 là một sự biểu lộ vinh hiển quyền phép của Đức Chúa Trời; và sứ điệp của thiên sứ thứ nhất được truyền đến mỗi trạm truyền giáo khắp thế giới, và tại một số quốc gia người ta chứng kiến một sự chú ý lớn lao kể từ khi có phong trào Cải chánh vào thế kỷ thứ mười sáu; tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của sự rao truyền lời cảnh cáo cuối cùng của thiên sứ thứ ba, phong trào này vượt xa hơn thế nữa.TT20 539.1

    Công việc này sẽ tương tự như đã xảy ra trong lễ Ngũ tuần. Giống như “trận mưa đầu mùa” là sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh vào lúc các sứ đồ khởi đầu chức vụ tin lành, hầu có thể làm hột giống quý giá lớn lên, lại cũng giống như “trận mưa cuối mùa” sẽ tuôn đổ vào giai đoạn cuối của chức vụ để cho mùa gặt được sẵn sàng. “Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai, Ngài sẽ đến cùng chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa và mưa đầu mùa tưới đất” (Ô-sê 6:3). “Hỡi con cái Si-ôn, các ngươi hãy nức lòng vui vẻ và mừng rỡ trong Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi! Vì Ngài ban mưa phải thời cho các ngươi về mùa đầu, và xuống mưa dồi dào về mùa đầu và mùa cuối cho các ngươi nơi tháng đầu tiên” (Giô-ên 2:23). “Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên mọi xác thịt.” “Và lại ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu” (Công vụ các Sứ đồ 2:17, 21).TT20 539.2

    Công việc vĩ đại của tin lành không thể nào chấm dứt bằng sự biểu lộ quyền lực của Đức Chúa Trời ít hơn là khi mới khởi đầu. Các lời tiên tri đã được ứng nghiệm khi cơn mưa đầu mùa tuôn đổ để khai mạc công việc tin lành, lại một lần nữa ứng nghiệm vào trận mưa cuối mùa khi công việc sắp kết thúc. Chính vào lúc ấy là “kỳ thơ thái” mà sứ đồ Phao-lô đã trông đợi khi nói lên, “Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi, hầu cho kỳ thơ thái đến từ Chúa, và Chúa sai Đấng Christ đã định cho các ngươi, tức là Giê-su” (Công vụ các Sứ đồ 3:19, 20).TT20 539.3

    Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời, gương mặt chiếu sáng và rực rỡ với sự hiến dâng thánh khiết, sẽ đi từ nơi này tới nơi kia để rao báo sứ điệp từ thiên đàng. Hằng ngàn tiếng nói sẽ vang lên để rao truyền lời cảnh cáo khằp cùng đất. Nhiều tín đồ sẽ làm phép lạ, nhiều người bệnh sẽ được chữa lành, nhiều dấu hiệu và những việc khác thường sẽ được thực hiện. Sa-tan cũng làm những phép lạ giả dối, đến nỗi khiến lửa từ trời rơi xuống trước mặt mọi người (Khải huyền 13:13). Như vậy dân cư trên đất sẽ phải quyết định về lập trường của mình.TT20 540.1

    Sứ điệp không những được trình bày bằng lời tranh luận mà còn bởi sự xác tín sâu xa do Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Các cuộc tranh luận đã được trình bày. Hột giống lẽ thật đã được rao sẽ lớn lên và kết trái. Sách bào do các truyền đạo phân phát ra đã gây ảnh hưởng, thế mà nhiều người tuy đã được cảm hóa vẫn bị cản trở để không thông hiểu lẽ thật và vâng lời. Hiện nay những tia sáng chiếu vào khắp nơi, lẽ thật đã hiện ra rất rõ ràng, và con cái chân thành của Đức Chúa Trời sẽ bứt đứt các sợi dây trói buộc họ. Những liên hệ tình cảm của gia đình, của hội thánh không còn đủ sức giữ họ lại nữa. Đối với họ, lẽ thật quý giá hơn mọi điều khác. Mặc cho kẻ thù đã liên kết nhau để chống lại lẽ thật, một số đông người sẽ đứng vào hàng ngũ của Chúa.TT20 540.2

    Larger font
    Smaller font
    Copy
    Print
    Contents