Đền thờ lộng lẫy bị sụp đổ
Hai ngày trước Lễ Vượt Qua, Đấng Christ cùng các môn đồ trở lên núi Ô-li-ve để chiêm ngưỡng lại thành phố. Ngài ngắm đền thờ thêm một lần nữa vẻ huy hoàng lộng lẫy của nó, một vương miện sáng chói. Sa-lô-môn (vị vua cai trị khôn ngoan nhất của Y-sơ-ra-ên) đã xây cất hoàn tất đền thờ đầu tiên, một công trình nguy nga tráng lệ nhất mà thế giới từng thấy. Sau khi bị vua Nê-bu-cát-nết-xa phá hủy, đền thờ được xây dựng lại trước khi Đấng Christ giáng sinh khoảng 500 năm.TTL 19.5
Tuy vậy, đền thờ thứ hai không rực rỡ bằng ngôi đền đầu tiên. Không có mây vinh hiển, không có lửa từ trời, đền thờ này xem như bị hạ thấp. Hòm giao ước, nắp thi ân và hai bảng luật pháp không còn nữa. Không có tiếng phán từ trời cho thầy tế lễ thượng phẩm biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Đền thờ thứ hai không vinh dự nhận được áng mây vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhưng có sự sống động của Đấng Duy nhất là chính Đức Chúa Trời hiện diện bằng xương bằng thịt. “Nguyện ước của mọi dân” đã đến với đền thờ Ngài khi Người Na-za-rét đi dạy dỗ và chữa lành bệnh ngay trong các sân thánh. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên lại từ chối Món Quà này của Thiên Đàng. Khi người Thầy khiêm nhường bước ra khỏi cánh cổng vàng vào ngày hôm đó thì vinh quang cũng lìa khỏi đền thờ mãi mãi. Những từ của Chúa Cứu Thế từng nói cũng đã ứng nghiệm: “Nhà của các ngươi sẽ bỏ hoang” (Ma-thi-ơ 23:38).TTL 19.6
Các môn đồ rất ngạc nhiên khi nghe Đấng Christ nói trước đền thờ sẽ bị phá đổ, họ muốn hiểu rõ hơn lời Ngài nói mang ý nghĩa thật sự là gì. Hê-rốt Đại Đế đã chi rất hào phóng vào việc trùng tu, trang trí đền thờ, lấy nguồn tài chính từ Rô-ma và của dân Do Thái. Những khối đá cẩm thạch trắng khổng lồ được chuyên chở từ Rô-ma sang đây để định hình cấu trúc của ngôi đền. Các môn đồ nhắc khéo Thầy để ý đến công trình vĩ đại này: “Thầy xem kìa, các tòa nhà thuộc đền thờ và các tảng đá đẹp quá!” (Mác 13:1).TTL 20.1
Chúa Giê-su nghiêm nghị trả lời làm họ giật mình: “Quả thật, Ta nói cùng các con, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng lên một hòn đá khác mà không bị đổ xuống” (Ma-thi-ơ 24:2). Trước đó, Chúa đã nói với các môn đồ rằng Ngài sẽ đến lần thứ hai. Bởi vậy, khi Ngài đề cập đến sự phán xét thành Giê-ru-sa-lem thì họ suy luận ngay đến ngày đó, họ hỏi: “Xin Thầy cho chúng con biết khi nào thì những chuyện ấy xảy đến? Có dấu hiệu gì cho thấy Thầy sắp trở lại và tận thế không?” (Ma-thi-ơ 24:3).TTL 20.2
Đấng Christ giải thích cho họ đặc điểm chính của những sự kiện quan trọng trước khi thời kỳ kết thúc. Lời tiên tri Ngài nói có hai ý nghĩa, đó là đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy và cảnh báo những chuyện kinh hoàng xảy ra trước ngày cuối cùng.TTL 20.3
Các bản án giáng xuống Y-sơ-ra-ên vì tội từ chối và đóng đinh Đấng Cứu Thế. “Khi các ngươi thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà đấng tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý), thì ai ở trong xứ Giu-đê phải trốn lên núi” (Ma-thi-ơ 24:15,16; xem thêm Lu-ca 21:20, 21). Khi cờ phướn của những kẻ ngoại giáo Rô-ma treo lên trong đất thánh và bên ngoài các bức tường thành, thì những tín đồ theo Đấng Christ phải chạy đi tìm sự an toàn. Ai muốn trốn kịp thì không được trì hoãn. Chỉ vì tội trọng của nó mà Đức Chúa Trời ra sắc lệnh xét xử Giê-ru-sa-lem. Tính ương bướng bất tuân của nó quyết định quá rõ ràng cho số phận bị tiêu diệt.TTL 20.4
Cư dân Giê-ru-sa-lem đổ tội Đấng Christ đem đến cho họ đủ thứ rắc rối, trong khi tội lỗi do chính họ gây ra. Mặc dù thừa biết Ngài vô tội, họ vẫn công bố cần phải xử tử Ngài để đất nước được yên ổn. Họ đồng ý với phán quyết của thầy tế lễ thượng phẩm rằng chẳng thà một người vì dân chịu chết, còn hơn cả dân tộc bị tiêu diệt (xem Giăng 11:47-53).TTL 20.5
Trong khi giết Đấng Cứu Thế của mình vì bị Ngài phê phán những việc làm sai trái, vậy mà họ vẫn còn nghĩ mình là một dân tộc được biệt riêng của Đức Chúa Trời nên mong đợi Chúa đến giải phóng họ khỏi kẻ thù!TTL 20.6